Trong một cơ duyên ở chuyến đi Hà Nội, tôi được giới thiệu đến tác phẩm ‘Xích lô’ của Y Ban. Nhưng lần này không phải qua sự giới thiệu của người khác, mà là do chính tay tác giả đem tặng! Thật là một món quà quý nhất trong chuyến đi lần này…
Tôi đã đọc khá nhiều truyện ngắn của Y Ban, nên có thể nói rất quen với phong cách và văn chương của chị, đồng thời tôi cũng đã có tâm lý chuẩn bị để đón nhận sự ‘kinh dị’ trong tác phẩm này! Vì được biết nó cũng cùng chung số phận như ‘I am đàn bà’ – bị nhà xuất bản thu hồi! Nhưng khi đọc xong tôi lại thẩn hờ, phân vân tại sao bài viết như vậy vẫn không được xuất bản!?
Nếu đem so với ‘I am đàn bà’, ‘Xích lô’ vẫn là một tác phẩm hay, lối viết vẫn đậm đà về màu sắc dân tộc. Nhưng tác giả không đi vào những chi tiết tỉ mỉ, nội dung cũng ít phong phú về sắc độ tình cảm như nhân vật Thị trong ‘I am đàn bà’. Theo cá nhân tôi, nếu truyện ngắn ‘I am đàn bà’ là một bức hội họa được diễn dịch tinh tế tường tận, thì ‘Xích lô’ sẽ là bức phác họa bằng than củi, nét bút đơn giản, chú trọng vào đường nét chính của chủ đề, nhưng nó lại có một vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo!
Câu chuyện ‘Xích lô’ nói về sự loạn luân của hai cha con trong một gia đình làm nghề đạp xích lô. Cha đạp ca sáng, con đạp ca đem. Họ chẳng những đạp chung một chiếc xích lô, họ còn chia sẻ với nhau một người đàn bà – một cô nàng trẻ tuổi được người cha rước về, ban cho cơm ăn áo mặc khi sống lang thang nơi đầu phố ngõ chợ. Vì điểm ơn nghĩa của gia đình, nàng đã không ngừng ngại đóng vai trò mẹ ghẻ và người vợ của đứa con chồng! Để phức tạp hóa cho câu chuyện, tác giả thêm vào hai nhân vật, đó là hai đứa con của hai người đàn ông này. Câu chuyện kết thúc với niềm khổ đau của người cha già, vì ông chả biết đứa nào là con, đứa nào là cháu!
Tuy nhiên ‘Xích lô’ là câu chuyện của một cuộc sống hư cấu, một cuộc sống được tạo ra bằng ngôn ngữ văn chương, nhưng nó rất có thể xảy ra trong bất cứ một gia đình nào trong thời hiện tại, và biết đâu nó là một câu chuyện thật hữu mà người viết đã từng mắt thấy tai nghe!
Gần đây đã có mấy vụ tin bùng nổ về sự kiện loạn luân xảy ra mọi nơi trên thế giới: 28/04/2008 một người cha tại nước Áo đã đem nhốt đứa con gái ruột 18 tuổi để làm nô lệ tình dục suốt 24 năm dài, và càng ghê sợ hơn, người vừa là cha vừa là ông ngoại của 7 đứa nhỏ do đứa con gái sinh ra; 25/08/2011 trong nước Úc, hai cô gái bị tàn tật về năng khiếu (mentally disabled) bị người cha ruột cấm cố và hãm hiếp trong suốt 41 năm; 10/09/2011 một người mẹ tại Ohio cưỡng dâm đứa con trai sơ sinh chỉ được 10 tháng, quay thành phim rồi cùng thưởng thức với người bạn trai cô…
Những sự kiện đây phải là gấp bội ghê tởm và khủng khiếp hơn câu truyện Xích Lô! Vì ít ra người đàn bà trong truyện không có dòng máu liên hệ với hai ông chồng, và quan trọng hơn, sự kiện xảy ra không phải dưới tính cách cưỡng bức và phi tình nguyện. Nhà văn Tố Hữu đã từng nói: “Văn học thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học.” Như vậy nếu chuyện loạn luân trong gia đình càng tàn tệ hơn đã xảy ra trước mắt mọi người, thì tại sao những nhân vật được sáng tạo qua sự cấu trúc của nhà văn lại làm cho một số người sợ hãi (về sự thương phong bại tục) đến thế!
Truyền thống của văn chương đa phần nhằm thể hiện nhân nghĩa của con người như: trọng nghĩa khinh tài, khí tiết, thủy chung; hoặc xuyên qua sự xây dựng của các nhân vật, thú vật trong câu truyện để phúng dụ những bại lậu của chế độ thời đại; hoặc xuyên qua tường thuật để ca tụng các bực anh hùng lịch sử, lưu phương bách thế…
Nam Cao – một nhà văn nổi tiếng, cho rằng: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn.”
Dĩ nhiên những phong cách truyền thống này của văn chương đều nên gìn giữ, vì đó chính là tinh thần căn bản mà một nhà văn cần phải có! Đều đáng nêu lên tại đây là định nghĩa của hai chữ ‘giá trị’. Có phải giá trị của tất cả hình tướng lõa thể đều bị giảm đi vì nó bao gồm ý thức dục tính? Và có phải những bài viết diễn dịch tỉ mỉ về thân thể con người bất luận là đàn bà hay đàn ông đều là dâm đản, thô tục? Thật ra, một quyển sách có phải bị phân loại vào hàng liệt sách dâm cần phải dựa trên phần kích thích khêu gợi của lời văn. Nếu lối viết đàm nhiên phơi bày những gì thiêng liêng và thật hữu, nó sẽ không bao giờ có thể làm cho người đọc máu chảy nhanh, tim đập mạnh!
Tôi không phải là nhà bình văn hay nhà chuyên gia trên ngôn ngữ văn từ, tôi chỉ là một đọc giả tầm thường. Hai chữ ‘giá trị’ của văn học đối với tôi chỉ là khi nó có thể đem lại phần lạc thú trên từ ngữ hay cốt truyện; khi nó có khả năng gợi cho người đọc nhiều điều suy ngẫm về cuộc đời; khi ngôn ngữ của nó ngồn ngộn chất sống… Vả lại nó có thể đài cát nhưng không phơi bày; tỉ mỉ nhưng không lố bịch; mộc mạc nhưng dễ thương…
Văn học 12 nhận định: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy đòi hỏi người sáng tạo phải có phong cách nổi bật, tức là có cái gì rất riêng mới lạ trong phong cách của mình.” Dưới sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, ebook, trang blog, mạn văn học, báo chí online đã mang lại một số nhân tố quan trọng trong công việc đào tạo văn tài xuất sắc, và phong cách nhất là trong phạm vi tiểu thuyết, đã dần dần hiển hiện hành tích của cận đại phương Tây. Đó là những đều đáng vui cho văn đàn lớp trẻ. Nhưng nếu sự nghiệp viết lách bị vấp phải những thành kiến, mâu thuẫn nghiệt ngã của thời đại, chỉ sợ sự phát triển của văn học Việt Nam sẽ không thể tiếp tục diễn tiến đến mức cao xa hơn.
Nhà văn Tiền Chung Thư của Trung Quốc từng nói: Thành kiến là một hiện tượng sẵn có của con người. Theo y học, trái tim của ta không phải sinh tại điểm giữa, nó bị xu về hướng phía bên trái, câu ‘bàng môn tả đạo’ (傍門左道) có lẽ là phát khởi từ nơi y học ngày xưa. Đây là cách nói khôi hài của Tiền Chung Thư, nhưng người đã điểm ra một điều: thành kiến là một tính cố chấp trời sinh. Tôi thiết nghĩ nếu nhà văn có thể mở hồn đón lấy mọi vang động của đời, thì chúng ta cũng cần nên bãi bỏ thành kiến, mở hồn đón nhận mọi vang động của nhà văn, như vậy chúng ta sẽ thưởng thức được những bài viết tuyệt vời hơn.
Ah Yin 23/09/2011
(Tác giả là một Phật tử tại Úc, cũng là một người tham gia ít nhiều vào lĩnh vực nghệ thuật. Bài viết mang quan điểm riêng của tác giả)