TỪ THÁNH ĐẾ HỮU TÁC ĐẾN CHÂN LÝ TỐI HẬU
Thích Thái Hòa
Chân lý vốn không có định loại, nhưng do khả năng quán chiếu và chứng nghiệm sâu cạn của hành giả mà chân lý được biểu hiện hoặc là thế này hoặc là thế kia.
Từ đó, chân lý được phân loại theo từng cấp độ chứng nghiệm như sau:
I. CHÂN LÝ ĐƯỢC CHỨNG NGHIỆM BỞI HÀNG NHỊ THỪA.
Hàng Thanh Văn và Duyên Giác do bước đầu quán chiếu Tứ thánh đế hữu tác, dưới đôi mắt của một cá nhân, đang bị buộc ràng bởi những nỗi sợ hãi phân đoạn sinh tử, và những tư duy về sự sống chết của thân phận con người.
Họ muốn biết họ là ai trước khi cha mẹ sinh ra và họ là gì sau khi hình hài này hủy diệt? Do đó, đối tượng quán chiếu đầu tiên của họ là “lão tử”, nghĩa là “già và chết” do đâu mà có. Và từ đó họ khám phá ra cả một chuỗi liên tiếp của Mười hai duyên khởi. Nghĩa là cái này sinh thì cái kia sinh. Họ khám phá ra sự thực này bằng mặt “lưu chuyển”. Và trong mặt lưu chuyển này, họ thấy rõ Khổ đế và Tập đế. Khổ đế là “sanh, lão – tử”. Tập đế là “ái, thủ, hữu”, đó là nhân hiện tại và quả tương lai. Và họ cũng thấy rõ “thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ” là Khổ đế, ấy là quả của hiện tại; “vô minh và hành” là Tập đế tức là nhân của quá khứ.
Và họ quán chiếu Mười hai duyên khởi theo mặt “hoàn diệt”, nghĩa là cái này diệt thì cái kia diệt. “vô minh và hành ” diệt thì “thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ” cũng diệt, và “ái, thủ, hữu” mà diệt thì “sanh, lão – tử” cũng tùy diệt.
Sự quán chiếu Mười hai duyên khởi theo cách “hoàn diệt” như vậy là quán chiếu Đạo đế, và “ái, thủ, hữu” cũng như ” hành và vô minh” hoàn toàn diệt, đó là quán chiếu Diệt đế.
Do quán chiếu như vậy mà hàng Nhị thừa đoạn được bốn phiền não trụ địa gồm: Kiến nhất thiết trụ địa, dục ái trụ địa, sắc ái trụ địa và hữu ái trụ địa.
Hoặc do quán chiếu Mười sáu hành tướng của Tứ thánh đế trong đời sống hiện tại mà hàng Nhị thừa tuần tự đoạn trừ các lậu hoặc.
Do đó, Thắng Man thưa với Đức Thế Tôn rằng: “Hàng Thanh Văn và Duyên Giác đầu tiên quán chiếu Thánh đế bằng một trí mà đoạn trừ các trụ địa, bằng một trí mà tác chứng công đức của bốn đoạn trí, cùng biết rõ nghĩa lý của bốn pháp ấy”
Nghĩa là hàng Nhị thừa quán chiếu Tứ thánh đế tuần tự không phải quán chiếu Tứ thánh đế đồng thời.
Do quán chiếu Tứ thánh đế tuần tự nên theo Thắng Man, hàng Nhị thừa không thể đoạn trừ được Vô minh trụ địa mà chỉ đoạn trừ được bốn trụ địa mà thôi.
Như vậy, theo Thắng Man, bốn Thánh đế làm bốn duyên hay bốn đối tượng tuần tự để cho hàng Nhị thừa quán chiếu nhằm đoạn trừ các trụ địa, đó là bốn Thánh đế hữu tác, nên cảnh giới sở chứng của hàng Nhị thừa chỉ là Hữu dư y Niết Bàn.
II. CHÂN LÝ ĐƯỢC CHỨNG NGHIỆM BỞI NHƯ LAI
Đối với hàng Thanh Văn và Duyên Giác thì trí và lý là hai, nghĩa là khổ trí là trí do quán chiếu và thấy rõ sự thực của khổ mà phát sinh. Tập trí là trí do quán chiếu và thấy rõ sự thực tập khởi của khổ mà phát sinh. Đạo trí là trí do quán chiếu và thấy rõ sự thực của con đường thoát khổ mà phát sinh và diệt trí là trí do quán sát và chứng nghiệm sự thực của mọi khổ đau chấm dứt mà phát sinh.
Như vậy, trí và lý của hàng Nhị thừa là tiệm chí, nghĩa là có thời gian và có không gian để tiếp nhận nhau, do đó trí ấy chưa phải là thực trí và lý ấy chưa phải là thực lý hay là chân lý tuyệt đối.
Lại nữa, hàng Thanh Văn không có khả năng tự mình chứng ngộ chân lý mà chứng ngộ Tứ thánh đế qua sự giáo dục, khơi mở và khích lệ của đức Phật.
Do đó, Thắng Man nói: “Thánh đế của hàng Thanh Văn chứng ngộ là Thánh đế hữu tác. Vì là Thánh đế hữu tác, nên hữu hạn, đã là hữu hạn thì không phải là vô biên.
Trái lại, Thánh đế của Phật chứng ngộ mới là Thánh đế toàn diện và vô biên, Thánh đế ấy gọi là vô tác”.
Thánh đế vô tác là Thánh đế do như thực trí của Như Lai tự chứng ngộ, không có một ai dìu dắt, khơi mở hay khích lệ, nên Thánh đế được chứng ngộ bởi Như Lai là Thánh đế vô tác.
Thánh đế được chứng ngộ bởi Như Lai là đồng thời, chứ không phải là tiệm thứ hay tiệm chí. Nghĩa là khi nhận ra sự thực của Khổ thì đồng thời cũng nhận ra ngay sự thực của Tập, Diệt và Đạo cùng một lúc chứ không phải khác thời. Và khi nhận ra sự thực của khổ trong Dục giới thì cũng cùng một lúc nhận ra sự thực của khổ ở Sắc giới và Vô sắc giới và cũng cùng một lúc nhận ra ngay nỗi khổ phân đoạn sinh tử của phàm phu và nỗi khổ biến dịch sinh tử của các Thánh trong cùng một lúc và trong cùng một đế lý.
Do đó, Thắng Man nói: “Không có trí thượng thượng xuất thế gian nào mà có tiệm chí của bốn trí và tiệm chí của bốn duyên. Pháp không có tiệm chí là trí thượng thượng của xuất thế gian”
Bằng trí thượng thượng của xuất thế gian hay là như thực trí ngộ nhập chân lý là bằng trực giác đồng thời mà không cần có thứ tự của thời gian.
Như thực trí, đệ nhất nghĩa trí hay không-trí không thể nghĩ bàn, đó là những diễn tả về trí giác của đức Phật. Trí ấy có năng lực xóa sạch Vô minh trụ địa để chứng nhập Đệ nhất nghĩa lý, tức là Diệt thánh đế.
Diệt thánh đế là chân lý cứu cánh hay là chân lý tuyệt đối, chân lý này chỉ có đệ nhất nghĩa trí mới chứng nhập. Chân lý tuyệt đối như thế, không thể chứng nhập Tứ thánh đế bằng sơ quán của hàng Nhị thừa.
Ở trong Tứ thánh đế, Diệt thánh đế là chân lý cứu cánh, là chân lý tuyệt đối, là chân lý duy nhất, là chân lý tối hậu được chứng nhập bằng Đệ nhất nghĩa trí.
Do đó, Diệt thánh đế là Thánh nghĩa duy nhất ở trong các Thánh nghĩa và là Thánh đế duy nhất ở trong các Thánh đế. Đấng mà chứng nhập Thánh đế và Thánh nghĩa ấy là Như Lai. Vì Như Lai là Nhất thừa mà Thánh đế và Thánh nghĩa ấy là lý chứng của Nhất thừa chứ không phải là các thừa khác, các thừa khác đang hướng về Nhất thừa mà chưa ngộ nhập.
Như Lai từ nơi Nhất thừa mà vận khởi, thi thiết thành Tam Thừa để giáo hóa chúng sinh. Và cũng từ nơi Diệt thánh đế hay đệ nhất nghĩa đế mà trình bày các Thánh đế để khai thị cho các thừa và đưa các thừa ngộ nhập với Đệ nhất nghĩa đế tức là ngộ nhập vào chân lý tối hậu.
III. PHÂN LOẠI THÁNH ĐẾ
Sau khi thành đạo, đức Thế Tôn đến vườn Nai chuyển vận Pháp Luân ba lần với Mười hai hành tướng như sau:
Chuyển vận Pháp luân lần thứ nhất Đức Thế Tôn dạy:
Hỡi các tỷ khưu !
1. Đây là Khổ thánh đế, pháp được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các tỷ khưu !
2. Đây là Khổ tập thánh đế, pháp được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các tỷ khưu !
3. Đây là Khổ diệt thánh đế, pháp được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các tỷ khưu !
4. Đây là Thuận khổ diệt đạo thánh đế, pháp được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt giác ngộ có thể phát sinh.
Chuyển vận Pháp Luân lần thứ hai, Đức Thế Tôn dạy:
Hỡi các tỷ khưu !
1. Đây là Khổ thánh đế, pháp cần phải được hiểu, cần phải biết đúng từ sự nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các tỷ khưu !
2. Đây là Khổ tập thánh đế, pháp cần phải được hiểu, cần phải đoạn trừ đúng như pháp phải được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các tỷ khưu !
3. Đây là khổ diệt thánh đế, pháp cần phải được hiểu, cần phải được chứng ngộ đúng như pháp đã được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các tỷ khưu !
4. Đây là Thuận khổ diệt đạo thánh đế, pháp cần phải được hiểu, cần phải được thực hành đúng như pháp đã được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt giác ngộ có thể phát sinh.
Chuyển vận Pháp luân lần thứ ba, Đức Thế Tôn dạy:
Hỡi các tỷ khưu !
1. Đây là Khổ thánh đế, pháp đã được hiểu, đã biết đúng từ sự nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt giác ngộ đã có thể phát sinh.
Hỡi các tỷ khưu !
2. Đây là Khổ tập thánh đế, pháp đã được hiểu, đã được đoạn trừ đúng như pháp đã được nghe, đã chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt giác ngộ đã có thể phát sinh.
Hỡi các tỷ khưu !
3. Đây là Khổ diệt thánh đế, pháp đã được hiểu, đã được chứng ngộ đúng như pháp từ sự nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt giác ngộ đã có thể phát sinh.
Hỡi các tỷ khưu !
4. Đây là Thuận khổ diệt đạo thánh đế, pháp đã được hiểu, đã được thực hành đúng như pháp đã từng nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt giác ngộ đã có thể phát sinh. [1]
Như vậy, đầu tiên tại vườn Nai, Đức Thế Tôn chuyển vận ba loại Thánh đế để khai thị, khuyến khích năm anh em Kiều Trần Như chứng nghiệm.
Ba loại Thánh đế gồm:
1. Thị chuyển Tứ thánh đế: Nghĩa là Tứ thánh đế do Đức Thế Tôn tự chứng ngộ và tự khai thị cho hàng đệ tử.
2. Khuyến chuyển Tứ thánh đế: Nghĩa là sau khi khai thị Tứ thánh đế, Đức Thế Tôn khuyến khích hàng đệ tử thực nghiệm để chứng ngộ.
3. Chứng chuyển Tứ thánh đế: Nghĩa là sau khi Đức Thế Tôn khai thị, khuyến khích hàng đệ tử thực hành và đã có sự chứng ngộ.
Theo Ngài Cát Tạng ở Thắng Man Bảo Khốt [2], Tứ thánh đế có hai loại:
1. Hữu lượng Tứ đế hay Hữu biên Tứ đế:
Đó là chân lý tương đối. Chân lý này làm chỗ y cứ để khởi lập nhị thừa. Và chân lý này là hữu lượng cho nên gọi là hữu biên.
2. Vô lượng Tứ đế hay Vô biên Tứ đế:
Đây là chân lý tuyệt đối, làm chỗ y cứ để khởi lập Nhất thừa. Và chân lý này là vô lượng, cho nên gọi là Vô biên Thánh đế. Lại nữa, theo kinh Thắng Man, phẩm Pháp Thân [3], có nêu rõ hai loại Thánh đế đó là Tác thánh đế và Vô tác thánh đế.
1. Hữu tác Thánh đế hay Hữu lượng Tứ thánh đế:
Đây là Thánh đế không do hàng Thanh văn tự liễu tri, tự chứng ngộ mà do Phật khai thị và tác chứng.
2. Vô tác Tứ thánh đế hay Vô lượng Tứ thánh đế:
Đây là Thánh đế do Như Lai tự liễu tri, tự chứng ngộ, Thánh đế này gọi là Vô tác hay Vô lượng.
Ngài Cát Tạng giải thích: “Hữu tác là Quyền đế. Vô tác là Thực đế. Nói quyền hay thực, nói tác hay vô tác là từ nơi thiết lập hạnh mà nói. Sau Thánh đế Tiểu thừa còn phải tu tập quán chiếu Thánh đế Đại thừa, ấy gọi là hữu tác. Sau Thánh đế Đại thừa, không còn Thánh đế nào cần phải tu tập quán sát nữa, nên gọi là Vô tác”.[4]
Lại nữa, Ngài Trí Khải, lại phân chia Tứ thánh đế có bốn loại phối hợp với Tứ giáo như sau:
1. Sinh diệt Tứ đế:
Nghĩa là Tứ đế được trình bày ở trong Tạng Giáo (giáo lý Nguyên Thủy) là nói về sự tướng của pháp hữu vi sinh diệt. Do đó, quán chiếu nhân quả của Tứ thánh đế là có sinh diệt.
2. Vô sanh Tứ đế:
Hay là Tác vô sinh diệt Tứ đế được trình bày ở Thông Giáo (giáo lý bán Đại thừa) là nói các pháp thuộc về nhân duyên là Không, là Vô sinh.
Do đó, quán chiếu nhân quả của Tứ đế gồm mê và ngộ đều là rỗng lặng không sinh diệt.
3. Vô lượng Tứ đế: Tứ đế được trình bày ở trong Biệt Giáo (giáo lý thuần Đại thừa) là nói thế giới nội tại và ngoại tại có vô lượng hằng hà sa số sai biệt. Nhưng quán chiếu hết thảy hiện tượng đều do nhân duyên sinh khởi, có đủ vô lượng sai biệt.
Do đó, Tứ đế cũng có vô lượng hành tướng.
4. Vô tác Tứ đế:
Tứ đế được trình bày ở trong Viên Giáo (giáo lý Tối Thượng Thừa) là nói đương thể của mê và ngộ chính là thực tướng. Quán chiếu thực tướng giữa mê và ngộ là nhất thể không mâu thuẫn. [5]
Ở đây, nếu nhìn Thánh đế bằng con mắt của Đệ nhất nghĩa trí thì Thánh nghĩa là Đệ nhất nghĩa và Thánh đế là Đệ nhất nghĩa đế tức là chân lý tuyệt đãi và tuyệt đối.
Vì pháp vốn là vậy, nên tự tính của pháp vốn bình đẳng, không sai biệt.
Nhưng ở đây pháp có sai biệt, có phân loại là thế này là thế kia là do căn cơ của hành giả quán chiếu đối với pháp mà có.
IV. CHÂN LÝ TỐI HẬU
Mọi sự vật đang diễn ra trước mắt của chúng ta là nó diễn ra từ chân lý tự thân của chính nó.
Cảm nhận được sự có mặt của mọi vật đang có mặt xung quanh ta không phải là sự cảm nhận của trẻ thơ mà đó là cảm nhận của người lớn.
Thấy mọi vật chung quanh ta là thường hằng, bất biến, là muôn năm đó là cái thấy của những kẻ phàm tục. Thấy mọi vật đang diễn ra chung quanh ta không phải là thuần phát đơn điệu, chúng diễn ra trong sự tương tác hòa điệu và sống động của nhân duyên đó là cái thấy của bậc Thánh hay gọi là bậc Kiến Thánh đế.
Vậy, Thánh đế là gì ? Thánh đế không phải là chân lý của bậc Thánh, vì không có bậc Thánh đích thực nào tự cho mình là người nắm giữ chân lý hay là đấng sáng tạo chân lý.
Do đó, không có chân lý của bậc Thánh mà chỉ có chân lý được thấy và được chứng nghiệm bởi bậc Thánh mà thôi.
Chân lý là yếu tính vốn có của mọi sự vật, nó tồn tại là tồn tại một cách khách quan, do đó không có một ai độc quyền nắm giữ nó mà chỉ có quyền cảm nhận nó và không có một ai có quyền sáng tạo nó mà chỉ có quyền chứng nghiệm và trực nhận nó.
Muốn chứng nghiệm chân lý, đó là khát khao muôn thuở của con người. Nhưng con người làm thế nào để có thể chứng nghiệm được chân lý, khi nơi chính họ có quá nhiều nhận thức sai lầm về bản thân, có quá nhiều nhận thức cục bộ và phiến diện, có quá nhiều sự mắc kẹt về các quan điểm bè phái và lại có quá nhiều sự tuân thủ vào những tín điều sai lệch với chân lý.
Và con người làm thế nào để có thể chứng nghiệm được chân lý, khi nơi tâm hồn của họ đầy dẫy những vô minh và khát ái. Vô minh không đưa con người đi tới chân lý mà đưa con người đi tới những hành động phi lý như khủng bố, giết người, trộm cắp, dối trá, phi luân, phân biệt và kỳ thị. Khát ái không đưa con người đi tới với tình yêu cao vợi mà chỉ đi tới với tình dục thô hèn. Khát ái không đưa con người bay bổng vào chân trời rộng lớn vô biên mà làm cho con người bị gãy cánh và sà xuống đắm chìm ở trong sinh tử.
Vô minh không đưa con người đi tới với chân lý toàn diện mà đưa con người đi tới với chân lý bể vụn. Và khát ái không đưa con người đi tới với sự tự do mà đi tới với hệ lụy.
Như vậy, con người muốn đạt tới chân lý vô biên và toàn diện thì chân lý trước mắt là con người phải loại bỏ vô minh và khát ái ở trong chính mình.
Nếu con người không loại bỏ vô minh và khát ái thì chân lý trước mắt của họ là chân lý khổ đau. Và nếu con người không loại bỏ những kiến chấp về bản ngã, tự kiêu và tự đắc thì chân lý trước mắt của họ là sự bất khoan dung và bạo động, là hận thù và chiến tranh.
Do đó, pháp loại bỏ vô minh và khát ái, pháp ấy gọi là Thánh pháp. Pháp đi theo với vô minh và khát ái, pháp ấy gọi là phàm pháp. Pháp không có Thánh hay phàm, nhưng pháp nào mang tính “thanh” thì pháp ấy được gọi là pháp thuộc về bậc Thánh hay gọi là Thánh pháp. Pháp nào mang tính “trược” thì pháp ấy được gọi là pháp thuộc về kẻ phàm. Pháp nào mang thể của “tịnh” thì pháp ấy được gọi là Thánh pháp, pháp nào mang thể của “nhiễm” thì pháp ấy được gọi là phàm pháp. Pháp nào mang “tướng của vô tướng” thì pháp đó thuộc về bậc Thánh, pháp nào mang “tướng của hữu tướng” thì pháp đó thuộc về kẻ phàm. Pháp nào mang tác dụng thăng tiến, pháp đó gọi là pháp thuộc về bậc Thánh, pháp nào mang tác dụng thoái hóa, pháp đó được gọi là pháp thuộc về kẻ phàm.
Lại nữa, pháp nào mang năng lực sinh khởi hiểu biết và thương yêu, pháp đó gọi là pháp thuộc về bậc Thánh, pháp nào mang năng lực sinh khởi khát ái hận thù thì pháp đó thuộc về kẻ phàm. Pháp nào mang tác nhân đưa tới sự ngộ nhập chân lý, pháp ấy gọi là pháp thuộc về bậc Thánh. Pháp nào mang tác nhân che khuất chân lý, pháp đó gọi là pháp thuộc về kẻ phàm. Pháp nào hỗ trợ cho sự chứng đạt chân lý, pháp đó gọi là pháp thuộc về bậc Thánh. Pháp nào cản trở sự chứng ngộ chân lý, pháp đó gọi là pháp thuộc về kẻ phàm. Pháp nào mang thành quả của sự an lạc, pháp đó gọi là pháp thuộc về bậc Thánh. Pháp nào mang thành quả của khổ đau và thất vọng, pháp đó là pháp thuộc về kẻ phàm.
Như vậy, pháp hay chân lý chỉ là pháp hay chân lý mà thôi. Nhưng khi trong pháp hay chân lý nó mang thể tính, tác dụng và nội dung của cái gì, thì pháp hay chân lý đó có tên gọi theo cái đó và nó có thể trở thành thuộc tính của cái đó và nó biểu hiện theo cái tính của nó đã lệ thuộc.
Bởi vậy, chân lý của con người là chân lý không có chân lý, vì nơi tự thân của con người vừa có thuộc tính của phàm lẫn Thánh, nên con người có thể bỏ phàm theo Thánh hoặc bỏ Thánh theo phàm, do đó chân lý không có chân lý mới là chân lý của con người.
Nếu trong đời sống hàng ngày, con người được xông ướp bởi tám phẩm chất thanh tịnh gồm:
– Thanh tịnh về hiểu biết.
– Thanh tịnh về tư duy.
– Thanh tịnh về lời nói.
– Thanh tịnh về hành động.
– Thanh tịnh về sự nuôi sống.
– Thanh tịnh về sự thăng tiến.
– Thanh tịnh về ý niệm.
– Thanh tịnh về tâm hồn.
Và mọi sự thanh tịnh này đều được thể hiện qua các động tác đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, làm việc, thì con người càng ngày càng lớn dần ở trong Thánh đạo và đi đến Phật đạo. Và đến một lúc nào đó với sự chín muồi của thời gian xông ướp, thì những chất liệu đó đối với con người không phải là hai thực thể cá biệt. Chất liệu đó chính là con người đó, con người đó chính là chất liệu đó. Con người đó ở đâu thì sự thanh tịnh được biểu hiện ra ở đó, và sự thanh tịnh được biểu hiện ra ở đâu là có con người đó ở đó.
Do vậy, khi con người đã loại bỏ sạch vô minh và khát ái trong nhận thức, tư duy, lời nói, hành động, sự nuôi sống, sự thăng tiến, từng ý niệm và trong tâm hồn của chính mình, thì sự tự do không phải là một ước mơ mà là một hiện thực trong từng bước chân đi và hạnh phúc không phải là một sự khát khao tìm kiếm mà nó hiện thực từ những hơi thở, từ những nhịp đập của trái tim và từ nơi những cách nhìn chiếc lá, cụm mây, dòng nước, con sâu, con kiến…
Như vậy, chỉ có hạnh phúc là chân lý tối hậu của mọi chân lý mà con người đang khát vọng tìm cầu. Và chỉ có Diệt Thánh Đế là chân lý duy nhất trong tất cả mọi chân lý mà đức Phật chứng ngộ. Diệt Thánh đế là vô minh và khát ái hoàn toàn vắng lặng, niềm hạnh phúc và tự do an lạc tròn đầy.
Từ chân lý này mà đức Phật ứng thân thị hiện mang chất liệu của đại bi và đại trí dưới vô lượng hình thức, vô lượng thời gian, vô lượng không gian, vô lượng chủng loại để giáo hóa, an ủi và làm bóng cây che mát chúng sinh, làm suối nguồn bình an cho hết thảy chúng sanh tắm gội và là nguồn sáng vô cùng dẫn lối chúng sinh đi, đem lại vô lượng phước đức, niềm tin và lợi lạc cho họ.
Và cũng chính chân lý này là điểm về duy nhất của các bậc Thánh và là nơi quy ngưỡng duy nhất của con người và hết thảy chúng sanh.
Diệt thánh đế là chân lý tối hậu của mọi chân lý, là ước mơ tối hậu của mọi con người, là hướng đến duy nhất của các bậc Thánh và là chỗ chứng nghiệm tuyệt đối của các Đức Như Lai.
Từ chân lý tối hậu, Đức Như Lai đã tùy duyên vận dụng mọi phương tiện một cách kỳ diệu, để dìu dắt mọi người và mọi loài đi về đích điểm.
Do đó, Như Lai là Bậc Thầy của tất cả vị thầy.
T.T.H.
[1] Phật thuyết tam chuyển pháp luân kinh, trang 504, ĐTTT2.
[2] Thắng Man Bảo Khốt, hạ, trang 63, ĐTTT37.
[3] Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa, trang 221, ĐTTT12.
[4] Thắng Man Bảo Khốt, trang 69a, ĐTTT37.
[5] Phật quang đại từ điển 2, trang 1842b.