Tôi hạ bút viết về Phạm Công Thiện mà không có bất kỳ một tài liệu nào về ông ở xung quanh. Những quyển sách tôi đọc của ông, tôi đã vứt hết đâu đó dọc đường gió bụi, trên xe đò, dưới tàu thủy hoặc bờ ga bến chợ. Đành rằng có những quyển sách của ông tôi đã từng gối đầu giường, đọc đi đọc lại đến rách cả gáy, nhưng tôi đã vứt hết chúng như vứt hết những cặn bã trong tâm thức của mình.
Tác phẩm đầu tiên tôi đọc của Phạm Công Thiện không phải là Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, mà là bài thơ “Bất nhị”. Tôi không phải đọc bài này trong Ngày sanh của rắn, mà chỉ là một bài độc nhất trong một tạp chí, nếu tôi nhớ không lầm là trong đặc san Giữ Thơm Quê Mẹ của thầy Nhất Hạnh. Ở tuổi sắp 20, tôi thật sự chấn động khi đọc “Bất nhị” của Phạm Công Thiện.
“Mười năm qua gió thổi đồi Tây Tôi long đong theo bóng chim gầyMột sớm em về ru giấc ngủBông trời bay trắng cả rừng câyGió thổi đồi Tây hay đồi ĐôngHiu hắt quê hương bến cỏ hồngTrong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông
Gió thổi đồi thu sang đồi thôngMưa hạ ly hương nước ngược dòngTôi đau trong tiếng gà xơ xácMột sớm bông hồng nở cửa Đông.”
Tôi không muốn phân tích bài thơ này. Thơ thì đọc. Không hiểu mà phân tích ra còn khó hiểu hơn. Thơ không phải để hiểu, mà là để cảm, để yêu. Nếu đã không yêu thì có thuyết phục thế nào cũng không yêu. Bài “Bất nhị” thì mới đọc tôi đã yêu, tôi không cần phân tích. Nếu có rậm lời ở đây cũng chỉ là ghi lại cảm nhận của tôi chứ không phải phân tích hay bình giảng gì cả.
“Mười năm qua gió thổi đồi Tây”. Mười năm của Phạm Công Thiện hay mười năm của tuổi trẻ Việt Nam thập niên 60? Với chàng trai họ Phạm thì mười năm; với tuổi trẻ Việt Nam thì ba mươi năm. Người ta học tiếng Tây, nói tiếng Tây, viết tiếng Việt bằng ngữ pháp Tây, làm thơ kiểu Tây, mặc quần Tây, hớt tóc Tây, ăn đồ ăn của Tây. Cái mốt thời thượng là thế, họ Phạm lại thấy mình “long đong theo bóng chim gầy”. Trong giấc mơ của chàng trai đất Việt, “bông trời bay trắng cả rừng cây”.
Trong Ý thức bùng vỡ, tác phẩm khó đọc nhất của Phạm Công Thiện, có một chương nói về Quách Tấn. Phạm Công Thiện đã phong cho Quách Tấn là “thi sĩ vĩ đại nhất Việt Nam thế kỷ 20”. Với tôi chẳng có gì lạ. Quách Tấn là lão già ngồi ôm bếp lửa, nếu không là bếp lửa thì cũng là đống tro tàn còn ủ hơi ấm của ÁĐông để chàng trai họ Phạm nằm mơ. “Bông trời bay trắng cả rừng cây” còn thơ mộng gấp trăm lần câu thơ của Quách Tấn mà Phạm Công Thiện ca ngợi:
“Chiều chiều trông nước Lai giang chảy Thấp thoáng buồm treo mộng cố hương”.
Hay
“Gọi đò một tiếng lạnh hư không”.
Bi kịch lớn nhất của tuổi trẻ Việt Nam thế kỷ 20 là đi tìm lại chính mình từ một phương trời khác. Nói tiếng Tây để hiểu tiếng Ta. Đọc sách Tây để hiểu sách Ta. Qua Tây sống để nhớ Ta. Nói cách khác, ăn pizza để thèm rau muống luộc, nhớ cà dầm tương, ăn mì spaggetti để nhớ mè trộn măng, uống Coca Cola để nhớ “hai tay vốc nước suối ngàn, rắc lên cành dại giọt ngần như sương” (Bùi Giáng). Phạm Công Thiện đã dịch Nietzsche, dịch Nikos Kazantzakis, dịch Heidegger, dịch Krishnamurti. Krishnamurti theo tôi cũng là một ông Tây, một ông Tây người ÁĐông thứ thiệt. Trong những dịch phẩm của những dịch giả Việt Nam, có những dịch phẩm của người khác dịch, tôi vẫn tưởng là của Phạm Công Thiện. Zarathurstra đã nói như thế là một ví dụ. Đây là một dịch phẩm rất hay, rất thơ mộng của Trần Xuân Kiêm, thế mà mỗi lần nhớ đến nó, tôi lại nghĩ là của Phạm Công Thiện dịch. Bởi cái chết Nietzsche trong Phạm Công Thiện quá lớn. Cái thú vị của người đọc một tác phẩm dịch thuật là cứ tưởng lầm dịch giả chính là tác giả, như Bùi Giáng dịch Saint Exupery, Phạm Công Thiện dịch Nietzsche, hay Tuệ Sỹ dịch Thiền luận của Suzuki.
“Gió thổi đồi Tây hay đồi Đông, hiu hắt quê hương bến cỏ hồng”. Tuổi trẻ Việt Nam thế kỷ 20 lớn lên trong khói lửa tang thương của dân tộc, hứng chịu cơn xoáy khốc liệt nhất của dân tộc. Vũ Hoàng Chương đã thốt lên: “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ”. Rồi họ Vũ chán nản giương buồm lên cho thuyền “Trôi về Đông hay dạt tới phương Đoài”. Trong cơn gió bụi “đùng đùng gió giục mây vần, một xe trong cõi hồng trần như bay” với thân phận nường Kiều của Nguyễn Du, chàng trai họ Phạm, hay tuổi trẻ Việt Nam có lúc từ chối lý tưởng. “Sống có lý tưởng là sống với kinh nghiêm, kinh nghiệm đánh mất sự hồn nhiên” (Ý thức mới trong văn nghệ và triết học). Đến nỗi đã có những “người lớn” đứng ra nhận trách nhiệm và phê phán lối sống không có lý tưởng đó (Nói với tuổi hai mươi – Nhất Hạnh). Nhưng tuổi trẻ lúc bấy giờ không còn tin vào người lớn, họ nguyền rủa, lên án người lớn đã thiếu trách nhiệm với họ. Tôi còn nhớ như in những dòng được viết hoa thật lớn trong những trang giấy của Phạm Công Thiện: “HÃY KHÓC LÊN ĐI HỠI QUÊ HƯƠNG YÊUDẤU”. Sau khi đã nói thật, khóc thật, sau màn nước mắt, chàng trai mới lớn nhận ra “hiu hắt quê hương bến cỏ hồng”. Nhận ra quê hương mình là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, trong thân phận con người giữa yên ba giang thượng, không còn câu hỏi ngơ ngác của Thôi Hiệu hơn ngàn năm trước “nhật mộ hương quan hà xứ thị”. Nhận ra quê hương là hành trình quan trọng nhất của triết lý Việt Nam. Thật là tuyệt vời khi “Trong mơ em vẫn còn bên cửa”.
Trong mơ thôi cũng là quá đủ. Mơ mộng đôi lúc còn thật hơn cả sự thật, bởi có sự thật nào lại chẳng là mơ. Em vẫn còn bên cửa để anh yêu. Có đâu như mấy lão Tàu Đường ngẩn tò te hỏi “Nhân diện bất tri hà xử khứ”, để hoa đào năm trước chỉ cười với gió đông. Dù chỉ trong mơ, chàng trai họ Phạm đứng trên đồi cho mây trắng trổ bông.
Chàng đã yêu? Vâng! Chàng yêu. Người đang yêu thì không còn thứ tự gì cả, có khi viết mà không chấm không phết, có khi hét lên mà không để ý những người xung quanh. Il ne parler pas par le qu’aimes. Đừng nói với kẻ đang yêu. Đừng đem luân lý nói với kẻ đang yêu. Họ là Thượng đế, họ là hoàng tử, là vua. Họ vung vít, la hét, họ tự nhận mình là thần đồng, thiên tài, họ tự nhận mình là “Người Việt Nam hiểu Tây phương nhất”, họ đòi đốt hết các quyển sách triết, họ chửi hết cả triết gia. Tôi thấy họ thật dễ thương. Dễ thương chứ không phải đáng thương, không phải tội nghiệp. Họ đâu thèm nghe những lời chửi bới của những người “có học” rằng họ mất dạy, cao ngạo, tự phụ. Hoàng tử mà không tự phụ thì đến lúc nào mới tự phụ đây!
Bởi vậy, Phạm Công Thiện viết gì thì cũng viết về mình, nhất là khi viết về người khác. Đọc Goethe để hiểu Kiều, viết về Apolinaire để ca ngợi Cung Trầm Tưởng, Hoàng Trúc Ly, viết về Saroyan để tâm tình với bạn bè, đọc Basho để ca ngợi Quách Thoại, điên để ngủ với Hàn Mạc Tử, chửi Henry Miller để làm bạn vong niên. Nói ngày trở về của đứa con hoang trong Phúc Âm để giảng về đứa cùng tử trong phẩm Thí Dụ kinh Pháp Hoa. Chỉ có Phạm Công Thiện mới dám xô thần tượng, phản luân lý, lên án đạo đức và đối thoại với hiền triết Đông Tây. Trong cơn xoáy khốc liệt của đời sống, Phạm Công Thiện hô hào nhảy vào Hố Thẳm Tư Tưởng. Đó là thứ Hiện sinh mới, một thứ Hiện sinh của Việt Nam, không phải thứ Hiện sinh hữu thần của Gabriel Marcel hay Karl Jaspers. Không phải thứ hiện sinh vô thần của Albert Camus hay Jean Paul Sartre. Một chút khói sương của Heidegger và tinh thần của Nietzsche, Phạm Công Thiện nhảy vào hố thẳm tư tưởng, đối diện với im lặng và hố thẳm, và chàng gọi đó là Ý thức mới trong văn nghệ và triết học.
Cái chất ấy của Phạm Công Thiện chúng ta thấy từ thơ, viết đến dịch. Ngông thì không thiếu kẻ ngông. Chửi đổng tất cả các triết gia bên trời Tây thì chẳng ai để ý. Nhưng dám nói “ở Việt Nam ngoài Bùi Giáng ra thì tất cả chỉ là một lũ bồi bút” thì chỉ có Phạm Công Thiện mới dám nói. Ấy thế mà chẳng ai giận. Thanh niên Việt Nam thời đó xúm nhau đọc Phạm Công Thiện như một mốt thời trang. Kết quả là một trào lưu Hiện sinh ào ào như thác lũ. Ít ra thì cũng vơi đi nỗi đau buồn thân phận sau những tang thương của binh lửa kinh hoàng.
Thuở nhỏ tôi vớ được một quyển sách, dường như là Bắt trẻ đồng xanh của Salinger. Tôi không đọc hết nội dung trong truyện, nhưng tôi vẫn còn thuộc làu cho đến bây giờ những dòng chữ ở bìa 4 của quyển sách này: “Bắt một đứa trẻ đi qua cánh đồng là bắt phải thiên đàng xanh của tuổi thơ. Thiên đàng xanh của tuổi thơ đã bị thất lạc khi cuộc sống bị vây bủa bởi bọn nửa người nửa ngợm…Thiên truyện này dành cho những người nổi loạn, những kẻ khinh bỉ học đường, những du đãng, những triết gia, những tu sĩ, những tâm hồn cỏ mượt, và những người không thể yêu nhau. Hãy lắng nghe cơn gió hư vô đang bàng bạc…”
Chính vì đẩy con người vào chân tường khốc liệt như thế, đã có những chàng trai lên đường tìm cuộc quy hồi, trở về cố quận:
“Gió thổi đồi thu sang đồi thông”.
Đây là câu thơ vớ vẩn nhất, nhưng lại là câu thơ hay nhất. Ở đây không phải là Đông và Tây, những không gian riêng biệt. Nếu nói Đông Tây bất nhị thì đó là tư tưởng, là lý thuyết mất rồi. Nói bất nhị nhưng vẫn còn những phạm trù đối đãi. Ở đây thu là thời gian, thông là không gian. Đồi là hình tượng đẹp nhất của bình diện ý thức vượt lên trên, cao nhưng không phải là đỉnh núi. Đỉnh núi dễ cho ta khái niệm thái cực, mà thái cực thì có sự đối lập. “Gió thổi đồi thu sang đồi thông” chỉ có ở những con người dám vượt qua chính mình, sống đến tận cùng khát vọng của yêu thương giữa hai bến bờ sinh tử. Từ thời gian nhảy qua không gian, hay nhảy từ thế giới siêu thực đến một quê hương hiện thực, quê hương như một cô thôn trầm lắng giữa khói lam chiều và tiếng tù và của mục tử gọi trâu về.
“Gió thổi đồi thu sang đồi thông
Mưa hạ ly hương nước ngược dòng”
Mưa mà cũng có quê hương để ly biệt sao? Không! Mưa chẳng từ đâu. Cái quê hương chôn nhau cắt rốn chỉ là một ảo giác giữa vạn trình lữ thứ. Hãy lìa xa quê hương đó để tìm đến một quê hương đích thực, một cố quận nằm ngay vườn tâm nhỏ bé nhưng bát ngát mênh mông ngoài thế giới ba ngàn. Muốn như vậy phải ly hương, phải nghịch lưu như nước chảy ngược dòng. Phải quằn quại, nổi loạn, hét lên, nhảy cẫng lên trên gió, trên mây, không để lại dấu chân trên cát. Phải biết đau nỗi đau vong bản, phải biết khóc nỗi thống thiết nhân sinh. Đâu đó Phạm Công Thiện viết: “Cuộc đời càng tuyệt vọng, càng đau khổ, càng đen tối thì càng trở nên có ý nghĩa và lại càng đáng sống”. Và khi sơn cùng thủy tận, tiếng gà xao xác như báo hiệu một bình minh vĩnh cửu, không còn Đông Tây, bất nhị: “Một sớm bông hồng trổ cửa Đông”.
Tôi đã đọc bài thơ “Bất nhị” như thế vào năm mười tám tuổi. Từ đó những Ý thức mới…, Hố thẳm tư tưởng, Im lặng và hố thẳm, Ngày sanh của rắn, Bay đi những cơn mưa phùn, Ý thức bùng vỡ,… được tôi tụng đọc như đọc Tâm kinh suốt tuổi đôi mươi hừng hực lửa sống. Tất nhiên tôi trở thành một chàng trai hư hỏng, khinh bỉ học đường, nhảy rào đi chơi và đôi khi thác loạn. Phạm Công Thiện đã bít lấp cửa ngõ tiến thân và thành đạt của tôi. Phạm Công Thiện đã ngăn trở tôi tiến vào những salon, ngồi vào những chiếc ghế, phủ nhận những bằng cấp… Bây giờ tôi chẳng biết nên thù ghét Phạm Công Thiện hay nói lời cảm tạ ông đây.
Chỉ có điều, khi nghe tin chị Hoàng Hiệp, em dâu của Phạm Công Thiện, vợ Phạm Trung Cang gọi từ bên Mỹ về trong ngày 8.3.2011: “Anh Thiện mất rồi!”, tôi thật sự buồn, ngẩn người ra, rồi nhắn tin cho những người đồng điệu biết. Và cả một khung trời hoa mộng tuổi thơ hiện về, dệt nên ký ức. Những dòng chữ của Phạm lại bay nhảy trong tôi mà từ rất lâu tôi đã khước từ nó để trở thành một người đàng hoàng. Ôi! Tôi đã bị đàng hoàng bao lâu rồi nhỉ!
Trong những cuốn sách của Phạm Công Thiện, quyển Về thể tính của chân lý của Heidegger là dịch phẩm nghiêm túc nhất, nói theo nghĩa sư phạm. Hiếm khi nào tôi đủ kiên nhẫn đọc hết một quyển sách triết như quyển này, qua đó phần nào tôi hiểu Heidegger nhiều hơn khi đọc Tư tưởng hiện đại của Bùi Giáng. Sau đó, tôi không đọc Phạm Công Thiện nữa. Mười năm lang bạt, tôi thậm chí không còn nhớ đến Phạm Công Thiện. Tôi vẫn thường nghe tin tức Ông, xem hình ảnh Ông qua gia đình, những lần đi chơi cùng Không Lộ, Không Việt hay Nina, những đứa con ông từ bên Pháp, Úc về, hay nơi nhà Phạm Trung Cang, em trai ông. Tôi có nhân duyên khá thân thiết với gia đình ông, nhưng với ông tôi thật sự quên mất.
Bất ngờ sau này, tôi gặp lại một loạt những quyển sách của ông từ bên kia gửi về: Làm thế nào để trở thành một vị bồ tát sáng rực khắp bốn phương, Sự chuyển động toàn diện của tâm thức trong tư tưởng Phật giáo, Tinh túy trong sáng của đạo lý Phật giáo. Chắc chắn là tôi tò mò. Không phải vì nhan đề của những cuốn sách, mà vì nó là của Phạm Công Thiện viết. Gì nữa đây? Ông đã từng khoát áo cà sa với pháp danh Thích Nguyên Tánh, tôi biết. Ông đã từng phản biện những luận điểm trong bộ Nhận định của Nguyễn Văn Trung để đính chính những quan điểm sai lầm về Phật giáo, tôi biết. Ông đã từng viết Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, tôi biết. Nhưng chưa bao giờ tôi xem Ông là một Phật tử, cho đến khi tôi đọc những quyển sách này. Những tác phẩm nói trên chẳng có gì đặc biệt lắm, ngoại trừ vì nó là của Phạm Công Thiện. Đến Nguyễn Du – đại thi hào dân tộc, ông đã phong “Người cha tóc trắng của thi ca Việt Nam, ngồi lặng im trên đỉnh núi Hồng, già với gió thu” là một trong năm hoặc ba thi hào vĩ đại nhất của nhân loại. Bình thường thôi! Henry Miller vĩ đại, Goethe vĩ đại, Hoederlin vĩ đại, Saroyan vĩ đại, Rilke vĩ đại, Rimbaud vĩ đại, Verlaine vĩ đại, Quách Tấn vĩ đại, thì tại sao Nguyễn Du lại không vĩ đại, thậm chí vĩ đại nhất. Ông lẩm cẩm những “Lòng”, những “Tưởng”, tôi ngờ rằng bút lực của họ Phạm đã xuống đi rất nhiều, chỉ còn cái tinh anh trong tri thức, cho đến khi đọc Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất.
Thật lòng tôi chẳng còn nhớ ông đã viết gì trong tác phẩm này, chỉ nhớ chi tiết quan trọng nhất là ông phát hiện ra dòng sông Cửu Long mà hồi nhỏ ông thường ra tắm lại bắt nguồn từ Tây Tạng. Tây Tạng, có lẽ Mật tông Tây Tạng đã thành cõi đi về cuối đời của Phạm Công Thiện. Những Om Mani padme hum, những Tara, những Avalokitesvaraya trở thành đề tài hấp dẫn trong những trang sách của Ông sau này.
Ngày xưa Phạm Công Thiện đã từng viết: “Thà làm ăn mày ở Paris còn hơn làm triệu phú ở New York, thà làm ăn mày ở Đà Lạt còn hơn làm triệu phú ở Sài Gòn”. Có lẽ ông chưa ăn mày, nhưng ông đã từng sống như một kẻ ăn mày, Homeless, bờ ga bến chợ, Paris, New York, Los Angeles, Houston, ký túc xá, sân trường đại học, lấy vợ, đẻ con, nhập thất tĩnh tu, giảng kinh thuyết pháp. Đêm hoang vu dài bao tá? Ngày tịch mặc ngắn bao chừng? Mặt đất ở dưới chân hay ở trên đầu? Giữa nghìn trùng Đại dương hay trên ngút ngàn Hy Mã? Anh đã đọc Osho chưa hay chỉ biết Henrry Miller qua công án của tính dục? Anh dịch Nikos Kazantzakis, nhưng đã hiểu biết chưa sự phối ngẫu của bồ tát Phổ Hiền với Nữ thần sắc trắng của Mật tông Tây Tạng? Tại sao ngày xưa anh hay phán, bây giờ anh lại ỡm ờ? Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, đã hết hay chưa? Thấy gì? Được gì? Sao anh không nói? Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự yên lặng sao rộn ràng đến thế? Trên tất cả đỉnh cao… là gì ngoài sự yên lặng thiên thu? Mười năm cuối đời của anh là của anh hay bóng dáng của Heidegger và Nietzsche? Của Heidegger là khoảng mù mờ tư tưởng và của Nietzsche là sự trầm lắng bi tráng, còn của anh là gì? “Đã đi thì đã đi rồi…”, “Đã đi rồi đã đi chưa?…”, “Đã đi rồi có đi không?…” Tôi nhận được tập thơ mới nhất này của anh từ chính tay thầy Tuệ Sỹ kí tặng khi mới xuất bản ở Việt Nam. Đọc những câu thơ trên, âm hưởng của nó cứ vang vọng trên đường về. “Án nga nga nẵng bạch hào. Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim”, cái lý đi đi về về của anh đã cũ mèm rồi, nhưng cái “thượng phương lụa trắng” và cái “hạ phương tịch mịch” của anh cứ làm tôi ngờ ngợ. Cõi đi về của anh thơ mộng thật, nhưng đó là bước độc hành hay nhờ sự khai tâm của một Lạt ma nào đó bên Tây Tạng?
Cái lý đi đi về về ấy mà viết như Bùi Giáng hẳn là Việt Nam hơn:
“Đã qua đã tới đã vềTết từ bao bận Tết đề huề điĐi về đi ở đi điĐi là đi biệt từ khi chưa về”.
Bùi Giáng nhảy chân sáo vào cõi thơ như một hài nhi thứ thiệt. Phạm Công Thiện bước nhẹ nhàng, trịnh trọng vào cõi tiên thiên.
Kể cũng lạ! Văn chương Phạm Công Thiện đầy lửa, phá phách đến hủy diệt, nhưng thơ thì trầm lắng, siêu thoát đến lạ lùng.
“Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông”.
Ngày xưa đọc câu thơ trên của Phạm Công Thiện, tôi bàng hoàng đến cả mấy ngày. Quyết một lần lên bằng được núi Trại Thủy bên chùa Hải Đức, đứng dưới mưa để ngắm “hoa khế lưng đồi”. Nhưng tôi chẳng tìm được lại cái cảm giác ban sơ sau khi đọc thơ, lại lẩn thẩn hỏi “trổ hết bông” là bông đã trổ hết hay đang trổ hết…
Từ “Bất nhị” đến “Một đêm hoang vu” là một tiến trình, một lộ trình duy nhất, độc nhất, độc hành, độc thoại. Cuối cùng là sự im lặng tuyệt trù trên đỉnh hoang vu. Khép lại tiến trình đó, người ta thấy một tất mệnh, tất mệnh của Việt tính mà chàng trai họ Phạm đã đi qua. Khởi đi từ dòng Cửu Long Giang bên thành phố Mỹ Tho hiền hòa thơ mộng, ngược nguồn đến Vân Nam, Tây Tạng, và nằm chết thơ mộng ở thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ.
Mới đêm hôm trước, đêm 7 tháng 3, anh em văn nghệ Đà Nẵng chúng tôi ngồi bàn tán về những quyển sách của Anh. Sáng hôm sau tôi nhận được tin Anh mất. Phạm Công Thiện mất rồi, tự nhiên ai nấy cũng buồn như vừa mất đi một cái gì rất hiếm. Khi Anh còn sống, chúng tôi biết Anh đang vất vưởng đâu đó nên chẳng thèm để ý. Nhưng đến khi Anh đi rồi, chúng tôi mới nhận ra Anh đã hiện hữu trong chúng tôi, tiếp sức cho chúng tôi suốt những năm tháng điêu linh khắn khít biết dường nào. Xin mượn những lời đề từ trong “Ý THỨC MỚI” để kết thúc những trang tùy bút lộn xộn này:
“Gửi một người đọc không quen Cùng cháy một thứ lửa thiêng như tôi Cùng được nuôi bằng một thứ nước điên nào đó chảy trôi như tôi Cùng sống như tôi đang sống: Cháy Và chảy Cháy và chảy không ngừng…”. Đà Lạt tiết Thanh MinhDu Trốc Tử
(Trích: “Suối Nguồn” số 1. T5/2011 Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang)