1. Đôi Nét về Tác giả và Tác phẩm
Vương Duy, tự Ma Cật, được người đời kính trọng gọi theo chức vị là Vương Hữu Thừa. Ông sinh năm 701, tức năm đầu niên hiệu Đại Túc đời Võ Tắc Thiên, mất năm 761, năm thứ hai niên hiệu Thượng Nguyên đời Đường Túc Tôn. Vương Duy là người đất Kỳ, thuộc phủ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ông thuộc dòng dõi thế phiệt, năm đời làm quan.
Vương Duy rất mực thông minh “bảy tuổi học vỡ lòng, chín tuổi biết làm thơ”, về sau tài nghệ thơ văn của ông càng vượt trội hơn người. Ngoài thơ văn, ông còn có tài hội họa, từng sáng lập ra họa phái Nam Tông hay Nhân Văn họa phái. Chữ ông viết rất đẹp, đánh đàn tỳ bà cũng rất hay. Vương Duy không những có tài mà còn có nhiều đức hạnh: chí hiếu cha mẹ, hòa mục anh em, luôn luôn tận tâm giúp đỡ mọi người. Do chịu sự ảnh hưởng của mẹ là Thôi Phu Nhân, vốn là một Phật tử thuần thành, nên từ nhỏ Vương Duy đã tín mộ đạo Phật. Lớn lên, ông ham học Kinh Phật và Kinh điển của Đạo gia, ông không có hứng thú đối với danh lợi, luôn cảm nhận được sự vô vị của “Phù thê công danh”. Sau biến cố An Lộc Sơn, ông càng thấm thía lời dạy “Chư hành vô thường” của Phật và càng say cái đạo “dưỡng sinh, toàn chân” của Đạo gia. Trong tâm trạng ấy, mỗi khi rảnh việc quan, ông thường lui về am thự ở phía nam Lam Điền sống đời giản dị, ngày ngày cùng các vị đạo hữu, Sư sãi tụng kinh, luận Thiền…
Theo Vương Duy truyện, quyển 190, Cựu Đường Thư có viết: “Vương Duy mua được biệt thự của của Tống Chi Vấn tại Lam Điền, Võng Khẩu, sông Võng bao quanh nhà ngập bãi trúc lũy hoa. Vương Duy thường cùng đạo hữu Bùi Địch thả thuyền qua lại thung lũng hoa Trướng Trúc Châu, đàn ca ngâm vịnh suốt ngày.Vương Duy thường tụ hợp bạn bè lại gia trang của mình để đối vịnh làm thơ, ông cho ra đời tập thơ riêng tên “Võng Xuyên tập”.” Trong văn học sư từng có sự tranh luận về tác phẩm “Chung Nam biệt nghiệp” và “Võng Xuyên biệt nghiệp”, nhưng xét phạm trù 20 cảnh ở Võng Xuyên và 20 bài thơ miêu tả các cảnh đó thì không còn nghi ngờ gì cả. Người viết cho rằng: nguồn gốc mỹ cảm của Võng Xuyên Thi và mục đích tạo nên Võng Xuyên biệt nghiệp đều có liên quan sâu sắc đến Phật giáo. Từ sau khi Vương Duy quy y với thiền sư Đạo Quang năm 31 tuổi, ông ra sức nghiên cứu về giáo lý nhà Phật, trong thơ văn cũng có không ít những tác phẩm luận về đạo lý cao siêu của nhà Phật. Về hình thức, các tác phẩm trong Võng Xuyên tuy chỉ sắp đặt và miêu tả cảnh sông núi tự nhiên, nhưng nội dung bên trong tiềm ẩn lý tưởng tu hành thanh tịnh của Vương Duy. Nói cáh khác, thực tế Võng Xuyên biệt nghiệp cũng giống như Lộc Dã uyển của Phật Đà, là nơi gởi gấm tâm linh của Vương Duy, đó cũng chính là “Tịnh độ” trong tâm của ông. Hoàng Thúc Xán cho rằng: “Phản chiếu cảnh núi rừng tịch mịch chính là Vườn nai”. “Con nai” theo nhà Phật là tượng trưng cho chân tánh. Cơ chế thiết kế Võng Xuyên của Vương Duy bất luận là từ bản thân thơ họa hoặc sông núi, mỗi mỗi đều in đậm dấu tích thiền.
2. Thực tại, thế giới và phi thế giới
Để đi vào phân tích và hiểu được Võng Xuyên Thi, đầu tiên phải mượn các thuật ngữ bên Hiện tượng học như thực tại, thế giới v.v.. để phối hợp cách nhìn thế giới của Phật giáo và cách nhìn thế giới của Vương Duy trong Võng Xuyên Thi.
Trong toàn thể hệ thống luận về vấn đề tồn tại đều lấy con người làm mấu chốt để lý giải, Hải Đức Cách Nhĩ gọi nó là “Dasein”, dịch là “Thân tại” hay “thực tại” v.v.. “Thực tại” là chủ thể có khả năng ý thức được, nhận biết được ‘tính hữu hạn”, “tính thời gian” của bản thân mình trong vạn hữu. Họ Hải liên kết tính thời gian, tính không gian của con người lại với nhau. Nhưng thời gian và không gian đều không phải là thước chuẩn mà tri thức khoa học có thể dựa vào đây để quán triệt được sự biến hóa của vạn vật, chúng là một loại ý thức vốn có trọn vẹn nơi con người, cấu tạo thành thế giới của thực tại. Con người sống trên đời không thể chia cắt thời gian ra làm quá khứ, hiện tại, vị lai. Không gian cũng vậy, đối với thực tại, bản thân thế giới vốn không có khoãng cách đáng nói. Thực tại chính là cái ta trong thế giới, không hề có sự phân chia giữa ta và thế giới, lại càng không có hiện tượng phân biệt giữa chủ thể và khách thể. Cách nhìn thế giới của họ Hải bị giới hạn, không giống với sự duy nhất và vĩnh hằng trong thiền.
Hải Đức Cách Nhĩ nêu ra ý nghĩa triết học của “tử” (chết) thực chất là sự thể nghiệm về thực tại và thế giới. Đây là căn nguyên của sự thương cảm và trầm tư trong thi ca và nghệ thuật của nhân loại từ xưa đến nay. Chết không phải là cái có thể kinh nghiệm được, nhưng lại là điều không ai có thể tránh khỏi. Do đây, con người phát sanh ra một loại tâm lý đặc biệt mà theo cách gọi của họ Hải là “ưu tư”. Ưu tư là một trạng thái đặc biệt của thực tại. Thực tại không phải là cái mà tri thức có thể trực tiếp hiểu rõ được, phải từ sự thấu triệt các trạng thái của ưu tư, tử vong, thời gian, không gian mới có thể lĩnh hội được. Cách nhìn thế giới và vấn đề thực tại của họ Hải căn bản không giống với Phật giáo. Ông xác định hướng của thực tại vượt ra ngoài những sự vật đang tồn tại là thế giới mà không chú trọng đến sự vật phi thực tại, chỉ hướng đến việc lấy thế giới để thử nghiệm thực tại, trong khi Thiền thì không rơi vào nhị biên như thế. Như Lai nói: “Ba ngàn đại thiên thế giới tức không phải là thế giới, đó gọi là thế giới” (Kinh Kim Cang).
Từ đây có thể thấy thế giới của Phật giáo là một chỉnh thể tương sanh tương thành, không có giới hạn của thế giới và phi thế giới như họ Hải. Thực tại, thế giới, thời gian, không gian của họ Hải đều có tính giới hạn, do vậy hiện tại mới có ưu tư về sự chết, còn thiền giả thì vui vẻ an lạc, “không sợ hãi, xa lìa tất cả những mộng tưởng điên đảo”. quan sát thế giới trong Võng Xuyên Thi của Vương Duy, nếu chỉ lấy thế giới tồn tại của họ Hải để xem xét thì không đủ, chũng ta vẫn phải dựa vào cách nhìn thế giới của Phật giáo để hiểu rõ thêm.
Cảnh giới rốt ráo của Phật giáo là “không có một pháp có thể được”, “quá khứ tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc” (Kinh Kim Cang). Thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai chỉ là sản phẩm của tâm niệm biến hiện. “Như Lai chẳng từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu”. Không gian, thời gian và thế giới trong giáo lý nhà Phật đều cùng một tướng, không thể nghĩ bàn. Cái có thể nói ra được, có thể đạt được đều có giới hạn. Chúng ta có thể nói từ thuyết “Tồn hữu luận” của triết học Phương Tây đến hiện tượng đột phá sự phân biệt giữa chủ thể và khách thể của Hải Đức Cách Nhĩ không những dựa vào tánh khách quan vốn có của sự vật, mà còn là mục đích của lý luận nương vào một số quan điểm vốn có từ trước chứ không hoàn toàn tách biệt. Trong khi Thiền là vô trụ vô chấp. ngoài ra, điều mà họ Hải tuyên bố chỉ là trình độ lý luận, còn Thiền là dựa vào kinh Nghiệm thực tế, hai bên không giống nhau.
Tóm lại, thuyết của họ Hải theo Phật giáo cùng lắm chỉ là “Hữu tình thế giới” và “Khí thế giới”. Thế giới của Phật giáo còn là “Hoa tạng thế giới”, là 18 cõi Viên mãn báo độ – theo Tịnh Độ tông, Tỳ Lô Gía Na Như Lai Tịnh độ – theo Kinh Hoa Nghiêm Thập Thuyết. “Hai mươi vị Phật trong vô số kiếp vi trần về trước, thế giới chung quanh thuần nhất thanh tịnh, Phật hiệu là Pháp Giới Tịnh Quang Minh”. Lại nói “Hai mươi vị Phật trong vô số kiếp vi trần về trước, thế giới chung quanh thuần nhất thanh tịnh, Phật hiệu là Đại Biến Hóa Quang Minh Võng”… “Trong mỗi mỗi thế giới đều có vô số trang nghiêm, theo thứ tự chuyển tiếp nhau tạo thành mạng lưới thế giới. Trong biển Hoa Tạng thế giới trang nghiêm có vô vàn sai biệt được dựng lập cùng khắp” (Kinh Hoa Nghiêm) “Tịnh độ Hoa Nghiêm là thế giới hiện tượng viên dung” (Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, quyển 10). Hiện tượng tức là bản thể, bản thể tức là hiện tượng, một là tất cả, tất cả là một. Một hạt bụi đưa lên gồm thâu cả vũ trụ, một sợi lông đưa lên dung nhiếp cả pháp giới. Nên nói: “Trúc biếc hoa vàng đâu khác cảnh, trăng trong mây bạc hiện toàn chân” (Thuyền Lão thiền sư). Cái tuyệt hay trong Võng Xuyên Thi Tập của Vương Duy là “Sông Võng chảy luân lưu, xuống lên cùng trăng sáng” cũng bố trí 20 cảnh, mỗi cảnh đều họa thơ, giống như “20 vị Phật trong vô số kiếp vi trần về trước, thế giới chung quanh thuần nhất thanh tịnh” khiến người ta không khỏi liên tưởng đến thế giới thiền của Phật giáo.
3. Cấu tạo thế giới của Võng Xuyên Thi
Vương Duy còn có biệt hiệu là “Thi Phật”, một đời ông đã sáng tác không ít tác phẩm thơ đượm mùi thiền vị. Những tác phẩm sau này, khi tuổi xế chiều về định cư ở Võng Xuyên mới dần thể hiện rõ sự “đối cảnh vô tâm, không sanh thị phi, không khởi vui buồn, không nhiễm mảy trần”. Cảnh vật thiên nhiên trong tứ thơ của ông ảnh hưởng tư tưởng thiền “có có không không” hết sức sâu đậm, tạo thành một cảnh giới linh hoạt kỳ ảo, yên tịnh vắng lặng đến nhiệm mầu. Đan xen vào 20 cảnh trong Võng Xuyên tập là rất nhiều suy nghĩ và cách nhìn độc đáo có ảnh hưởng tư tưởng thiền Phật giáo của ông, thời gian trôi chảy, không gian biến di, nhân sự đổi dời. Cảnh sông núi trong Võng Xuyên hàm chứa sự quán chiếu của Vương Duy về các vấn đề vô thường, vô ngã, thế giới sanh diệt.
a) Nơi ở của người cũng như thơ
Một nhà thơ người Đức từng nói: “Nơi ở của người cũng như thơ”. Thông qua lời thơ là một sự thăm tìm bản chất tồn tại của con người. Đây cũng là cách thức của họ Hải khi thuyết minh về thực tại: “Cư” chính là “ngụ” trong trời đất, là làm sáng tỏ tính bổn nhiên vốn có của con người sống trên đời. Ngôn ngữ của thơ vẫy gọi bốn phương trời, đất, con người, thần linh tụ hợp vào tự thân sự vật, khiến cho thực tại hiển nhiên trở thành bốn chỉnh thể có cùng một mục đích thống nhất, đây chính là thế giới.”
Võng Xuyên Thi của Vương Duy lấy Mạnh Thành Ao làm bài đầu tiên, vì đây là nơi Vương Duy ở. Thơ rằng:
Nhà mới Mạnh Thành Ao,
Cây xưa gốc liễu cỗi
Sau ta ai sẽ đến,
luống thương người xưa đâu.
(Tân gia Mạnh Thành Ao,
Cổ mộc dư suy liễu,
Lai giả phhục vi thùy,
Không bi tích nhân hữu)
“Thùy” (ai), “gia” (nhà) chính là suy nghiệm về vấn đề tồn tại. Vương Duy mượn Kiết Lô Mạnh Thành Khẩu để nhận thức về thế giới thực tại. Sự vật thì có cổ thụ, liễu yếu; người thì có người xưa, người nay, người cũ người mới. Trong sự biến động về thời gian xưa nay và nhân sự đổi dời thì sinh mạng ở nơi nào, sinh mạng là ai đây?
Từ Tăng trong “Đường Thi Giải Độc”, quyển 3 có giải thích tương đối tường tận: “Đây là sự giải thích của người liễu đạt. Tôi mới dời nhà về Mạnh Thành, trước tôi, ở đây đã có nhà, đình đài, hồ tạ đẹp nhất một thời. Nay ngoài cây cổ thụ ra chỉ còn lại vài cây liễu già cỗi, tôi tạm có được chỗ an thân về sau. Ngoài cổ thụ, liễu yếu ra, còn gì nữa không? Sau tôi ai sẽ đến? Cũng không biết nữa. Nay nhìn về sau, cũng giống như hiện tai tôi đang nhìn lại quá khứ mà không bận lòng về những gì người xưa có, chỉ vậy thôi.”
Thơ của Vương Duy, về hình thức không chấp vào câu chữ, nội dung thâm đạt lý thiền. Ngoài cái nhìn nhân sinh khoáng đạt và khai mở thế giới tồn hữu ra, thơ còn vượt ra ngoài sự tồn hữu, tức hướng đến chữ “không” trong nhà Phật. Nói cách khác, nếu thơ của Vương Duy lấy thế giới của họ Hải làm căn cứ thuyết minh thì sự tìm tòi của Vương Duy đã vượt ra ngoài định nghĩa “thế giới” của họ Hải và dung hòa được cái gọi là “phi thế giới”. Đây là một sự trông đợi “chân đế bất ly tục đế” dưới tuệ quán “không” của nhà Phật. Tuy chúng ta không thể luận định được Vương Duy đã đạt đến “cứu cánh không tịch” hay chưa, nhưng thơ ông đã thể hiện sự vượt thoát ra ngoài “nhà mới” của người thế gian bằng chính hai chữ “không bi”. Sự bận tâm trong hiện tại, Vương Duy biết nó không có thực thể và nhà mới rồi cũng sẽ đi đến hư hoại. Vương Duy biết trong cõi đời duyên hợp này các pháp không có thật ngã, không ai là chủ nhân thực sự của thế gian này, vậy bận lòng phỏng có ích gì chứ?
Vương Duy luôn có những suy nghĩ đi ngược lại với thói thường:
Từ gió thu hiu hắt
Năm gốc liễu xác xơ,
Nhìn đây qua dòng đời,
Xuôi thuyền đến nhà tôi.
(Thu phong tự tiêu sách,
Ngũ liễu cao thả sơ,
Vọng thử khứ nhân thế,
Độ thủy hương ngô lư)
Ông đã từng có sự tìm tòi đi ngược lại với thế thường, như mái hiên nay đã được sửa sang lại, lấy Võng Xuyên biệt nghiệp làm nhà mới. Vậy sự thể nghiệm của ông về thế giới và phi thế giới có dung hợp trọn vẹn hơn hay không? Bài thơ Văn Hạnh Quán trong tập Võng Xuyên Thi đã truyền tải được ý nghĩa “Bến đỗ của ông cũng vui vẻ như thơ”:
Gỗ hạnh đẽo làm xà,
Cỏ thơm kết làm hiên
Ai hay mây trong đòn
Đi làm mưa nhân gian.
(Văn hạnh tài vi lương,
Hương mao kết vi vũ,
Bất tri đống lý vân,
Khứ tác nhân gian vũ)
Nhìn từ bối cảnh Võng Xuyên, bài thơ này xếp vào vị trí thứ ba. Từ con đường trong thung lũng Mạnh Thành nhìn lên, vượt qua đồi Hoa Tử, đến đây phải là đỉnh núi. Lý Anh nói: “Chơi thơ muốn có thi vị, thi quán phải được đặt trên đỉnh núi. …mây từ ngôi nhà trên núi bay ra làm mưa…” Ý thơ tinh tế, nhà cửa được tạo bởi gỗ Văn hạnh, cỏ thơm. Ngoài thế giới vật chất ra, phải biết kết hợp thế giới tinh thần của tác giả vào đó. Thế giới muôn màu, tôn quý của gỗ Văn hạnh, rường cột đượm mùi thơm cỏ quỳnh không phải là nơi Vương Duy đã từng mong muốn theo đuổi như trong bài thơ Qua Chùa Hương Tích. Hình ảnh “mây trong đòn” chính là thực tại. Vương Duy vào thế giới này rồi lại muốn trở ra, thế là mây trong đòn hóa làm mưa xuống nhân gian. Trong sự biến hóa “xuất” và “nhập” này không hề có ý niệm suy nghĩ đắn đo, tác ý là làm ngay, cho nên mới dùng hay chữ “bất tri”. Vương Duy vận dụng được hình ảnh tổng hợp cao độ từ thị giác và vị giác, không dựa vào dấu vết của không gian vật chất biến thành không gian trừu tượng, trở thành nơi trú an ổn cho sinh mệnh, trong đó có thế giới hiện thực, đồng thời cũng có thế giới lý tưởng của ông. Ra vào “thực tại” trong thế giới và phi thế giới, mỗi bước đều đi trên con đường hướng đến “biện chứng sức không” của Phật giáo.
b) Khảo nghiệm về trạng thái tâm lo buồn, sợ hãi
Nói từ gốc độ thiền, cảnh giới chứng đắc của Vương Duy như thế nào, người viết không thể định luận, nhưng lấy kinh nghiệm thuần túy về Mỹ học mà nói thì Võng Xuyên “vẫn được nét nguyên sơ chưa từng bị sửa đổi, chưa từng bị hoen ố bởi dấu tích của một khái niệm hóa nào.”. Diệp Duy Liêm nói: “Loại tâm cảnh này rất giống với ý thức khi nhập định. Do đây 20 bài thơ trong Võng Xuyên Tập rất ít có trạng thái mừng, giận, buồn, vui của bản thân ông. Nhưng suy cho cùng thì Vương Duy vẫn là người, vẫn không thể tránh khỏi một số tâm trạng ưu tư còn sót lại trong tiềm thức. Hải Đức Cách Nhĩ nói: Ưu lo là một biểu hiện rất rõ của thực tại. Viên Bảo Tân từng giải thích hàm ý về tâm ưu lo này của họ Hải như sau: “Chỉ có trong tâm trạng ưu lo thì cơ cấu tồn tại của vạn vật mới có thể hiển bày một cách trọn vẹn.” “Tất cả mọi sự liễu ngộ đều song hành với tâm cảnh này. …trong ưu lo, mới phát hiện ra mình đang phải đối mặt với tính bất khả của bản năng.” Đây cũng chính là hướng đến bản chất tồn hữu của sự chết, gọi là ưu lo. “Lo lắng sợ hãi” là tâm lý tất yếu có mặt trong quá trình thể nghiệm về sự tồn tại, cũng chính là tâm trạng “hận” và “sợ” của người trước. “Căm hận thân này không phải là vật sở hữu của ta, thân này đang chịu đựng sự lo sợ.” Bài thơ Hoa Tử Cương, được xếp vào vị trí thứ hai trong Võng Xuyên Thi đã truyền đạt được loại tâm lý này.
Chim bay đi, đi mãi
Dãy núi đượm sắc thu
Xuống lên đồi Hoa Tử
Nỗi buồn, buồn khôn nguôi.
(Phi điểu khứ bất cùng
Liên sơn phục thu sắc
Thướng hạ Hoa Tử cương
Trù trướng tình hà cực)
Bài thơ lưu lại một nỗi buồn khôn nguôi. Buồn cái gì? Cố Khời Kinh đời Minh chú thích câu này của Vương Duy như sau: “Cảnh tiêu điều càng không muốn nói.”. rõ ràng câu thơ này của Vương Duy đã nhóm chút cảm thụ những điều khó nói về sự tồn tại của sinh mệnh, cảm thụ này gọi là ưu tư. “Chim bay đi, đi mãi”, sinh mạng lưu chuyển theo nhân duyên cũng đi, đi mãi, đó chính là hướng đến sự hiện diện của cái chết mà họ Hải đã nói. Chúng ta đều không biết rõ “sanh từ đâu đến và chết đi về đâu?”. Nỗi buồn được hình thành từ sự lo nghĩ mê lầm này, nó rất tương hợp với động tác xuống lên đồi Hoa Tử. chữ “xuống lên” ứng đối với chữ “buồn bã”, như có một người bồi hồi trước cảnh chiều hôm của ngọn núi vào thu. Cuộc sống vốn có vô vàn những ưu tư lớn nhỏ khác nhau, chúng hiển bày thực tại một cách đầy đủ, sinh động.
Bài “Loan Gia Lại” trong Võng Xuyên cũng thể hiện tâm trạng ưu lo tương đối rõ ràng:
Rào rào trong mưa thu,
Khe đá tuôn dòng cạn,
Sóng trào bắn tung tóe,
Cò trắng sợ, sà trông.
(Táp táp thu vũ trung
Thiển thiển thạch lưu tả
Khiêu ba tự tướng tiễn
Bạch lộ kinh phục hạ)
Du Bệ Vân, trong “Thi Cảnh Thiển Thuyết Tục Biên” nói: “Xen lẫn giữa tiếng mưa thu và tiếng khe nước chảy, cò trắng thấp thỏm sợ hãi bên dòng nước chảy xiết, bay lượn một hồi mới vòng trở lại, đáp xuống. Chỉ người có cái nhìn vô nhiễm về nước mới có thể mô tả được đặc tính của loài thủy cầm như thế.” Trong thế giới mà con người và sự vật tương dung tương tức với nhau, không phân biệt chủ khách thì sự hiện hữu của có trắng chính là sự hiện hữu của thi nhân, và sự sợ hãi của có trắng cũng chính là sự sợ hãi của thi nhân. Trong tiếng mưa thu rào rào, dòng nước chảy xiết mặc sức tung hoành, sóng bắn tung tóe thì khó mà tránh khỏi sự sợ hãi, bất an về mối nguy hiểm trước mắt. Mạng sống hiện tai là có hình tướng, bản thân nó vốn không toàn mỹ, luôn có sự mâu thuẫn và xung đột, trong khi mạng sống lý tưởng là không có hình tướng, nên có thể làm cho dòng nước trở lại như xưa, trở lại sự thanh bình yên ả, tròn đầy. hình ảnh sợ hãi của có trắng và động tác bay lên bay xuống đã cho ra lời giải thích rõ ràng về bản chất tồn tại của sinh mệnh.
Võng Xuyên Thi đa phần thể hiện sự bằng phẳng nhẹ nhàng, an ổn ôn hòa, ít có tâm trạng lo lắng sợ hãi. Cho nên chỉ một hai ý này cũng đã truyền đạt được ý nghĩa sâu sắc của “thực tại” trong thế giới. Vương Duy nương về tu dưỡng theo thiền của Phật giáo, nên từ trạng thái tâm ưu lo, ông có thể trở về với bản tâm thanh tịnh một cách nhanh chóng. Lấy cái lo hữu hạnh đặt vào trong thế giới lý tưởng vô cùng.
c) Thể nghiệm quan sát về thời gian và không gian
Đầy ắp trong Võng Xuyên Thi là sự thể nghiệm, quán sát về không gian và thời gian. Bất luận là nhìn từ thế giới quan của Hiện tượng học hay “ba đời” và “ba ngàn đại thiên thế giới” của Phật học đều có ý vị sâu sắc. Đầu tiên là nói về thế giới tồn hữu của hiện tượng. “Thế giới là cái có mặt trong không gian và thời gian”. Thế giới này là thế giới có sự hiện hữu của con người. Ý nghĩa không gian chiếm cứ trong thế giới tồn hữu hiện tượng đã bao hàm ngay nơi thời gian. “Thời gian” trong “chủ nghĩa tồn tại” được xem là hướng độ thứ tư, sau ba loại hướng độ của không gian. Họ Hải tiến thêm một bước giải thích về tính chất của thời gian bao gồm quá khứ, hiện tại, vị lai dung nhiếp lẫn nhau. Ông nói: Đặc trưng của “đã là” do “hướng đến” mà sanh ra, mà “hướng đến” trong “đã là” này là do sự buông thả tự thân mà có, ‘làm cho…có mặt”, đây là một hiện tượng không thể phân chia. “Hướng đến” thuộc về vị lai. “làm cho…có mặt” thuộc về hiện tại, và ngay đây “đã là” quá khứ, chúng ta gọi nó là thời gian tính. Để thể nghiệm toàn vẹn “thực tại” phải thông qua việc thể nghiệm quán sát hệ thống “đã là, làm cho…có mặt, hướng đến” mới có thể liễu ngộ được. Nói cách khác, ý thức tồn tại của bản thân phải thông qua môt số hoạt động như “đi ra xa” và “mang đến gần”, cần có một khoãng không gian để xác định; đồng thời cũng cần trãi qua một khoảnh khắc hiện tại đã qua (quá khứ), hiện tại chưa đến (vị lai), khoảnh khắc ngay đây (hiện tại) và thời gian kéo dài để xác định. Xét từ gốc độ Hiện tượng học, ý thức tồn tại của thi nhân hiện rõ được là nhờ xuyên qua tính chất thời gian, đến cả không gian ngay đây cũng trở thành bối cảnh mang tính thời gian. Vương Kiến Luận trong “Cách nhìn về thời gian của Hiện tượng học và Thơ sơn thủy của Trung Quốc” từng nói: “Thi nhân xem kinh nghiệm không gian của mình là một tình huống, cơ cấu căn bản đó ăn sâu vào trong thời gian, trọng tâm này bắt đầu từ không gian di chuyển đến thời gian. Đa số trong thơ luôn có hai loại hiện tượng: Một là hiển bày trực tiếp hình ảnh thời gian cụ thể; hai là thời gian mang tính nội tại – ẩn tàng trong thơ. Đây là một loại ý chỉ tiềm ẩn của thi nhân, thậm chí có thể tổng hợp được tính chất thời gian vào hoạt động của tự thân.”
Đây là tính chất thời gian tổng hợp, là kết cấu căn bản của nhận biết về thực tại của thi nhân, ngã là một cái tôi từng trải qua giây phút hiện tại, ông lấy việc trở về nhưng lại xem là phương thức tồn tại của vị lai, trong đó “trước” và “sau” nối tiếp nhau xoay vần vô tận, hư thực thay nhau biến hóa thú vị. Như bài Nam Xá dưới đây:
Thuyền lướt nhẹ gò Nam,
Gò Bắc ngập khó đến,
Bờ này ngóng tin nhà,
Xa xôi cùng không biết.
(Kinh chu Nam xú khứ,
Bắc xú miểu nan tức,
Cách phố vọng nhân gia,
Dao dao bất tương thức)
Nam xá và Bắc xá, xét về không gian là hai hướng Nam Bắc khác nhau, nhưng đều lấy Võng Khẩu làm trung tâm. Thi nhân dùng cặp phương thức biến hóa “đi – xa”, “đến – gần” để thể nghiệm thế giới hiện hữu của thực tại trong khoãng không gian một đi, một đến. Xét về thời gian, hình thành nên một cảm thụ trong hiện tại là “ngập khó đến” và “xa xôi cùng không biết”. Mỗi một thời khắc trong hiện tại đều trở thành thời gian mang tính tổng hợp của “xa” trong quá khứ và “ngập” ở vị lai. Sự thể nghiệm cảnh vật trước mắt này là hoàn toàn chân chính. “Thực tại” không lún vào thế giới vụn vặt của quá khứ, hiện tại, vị lai do con người chia ra, mà là đạt đến sự thể nghiệm toàn vẹn về sinh mạng của chính mình. Vương Duy rất khéo trong việc dùng phương thức mang tính tổng hợp thời gian và không gian để hiển bày thế giới. Bài thơ “Cân Trúc Lĩnh”:
Đàn, Loan trổi khúc không,
Hồ biếc lăn tăn sóng,
Ẩn khất trong lối mòn,
Tiều phu không hay biết.
(Đàn, loan ánh không khúc,
Thanh thúy dạng liên y,
Án nhập thương sơn lộ,
Tiều phu bất khả tri)
Bài thơ này lấy “khúc không” làm thời gian và không gian trong hiện tại. Thi nhân chỉ về hướng tăm tối của con đường thông thương trong núi, thời gian và không gian trên con đường u ám này trong nháy mắt rơi vào vô tính, hiện bày ra trạng thái “bất khả tri”. Điều này ngầm chỉ cho sự đột phá của Vương Duy về thế giới hiện hữu trong thực tại, ra sức hướng đến lãnh vực thâm thúy hơn, nhằm vào thế giới siêu việt thời gian, không gian của thiền Phật giáo.
Xét về “thế giới viên dung” của Phật giáo, từ trong vũ trụ vắng lặn bao la mà vạn vật có mặt, thời gian không có khởi đầu, không có kết thúc; không gian không có ngằn mé; các pháp không thể tồn tại một cách độc lập riêng biệt mà chúng luôn có một mối liên hệ mật thiết với nhau, nương tựa vào nhau để tồn tại, vạn vật đều có cùng một thể tánh. Xét về mặt không gian, tất cả hiện tượng đều có cùng nơi chốn, có đầy đủ cảm ứng với nhau. Thế giới hiện tượng có sự sai biệt về không gian lớn nhỏ, xa gần. Trong thế giới Hoa Tạng thì sự sự vô ngại, cái nhỏ có thể dung chứa cái lớn, rộng chính là hẹp, hẹp chính là rộng. Thời gian cũng thế, sự khác biệt về thời gian chỉ là xuất phát từ chủ quan mà thôi. Quá khứ có thể bao hàm cả hiện tại, vị lai; hiện tại có thể bao hàm cả quá khứ, vị lai… Trong một khoảnh khắc có thể dung chứa cái muôn đời, nên nói: “Mộng chỉ một đêm mà thấy suốt việc trăm năm”, “tấm gương một thước có thể thấy hết cảnh trong ngàn dặm” chính là ý này vậy. đây chính là tính siêu vượt thời gian, không gian trong thế giới Hoa Tạng. Chỉ có mạng sống tồn tại trong 3 cõi mới phải chịu cái khổ do sự biến dịch của không gian, thời gian này. Thơ Vương Duy vượt qua được sanh mạng ảnh hiện dưới sự biến dịch của không gian và thời gian, nhờ vào sự nổ lực tự thân ông đã vượt thoát ra ngoài vết tích hạn chế của thời gian. Do đây, trong bài Mạnh Thành Ao, ông rất tự giác chỉ ra tính không chân thật của đau buồn (không bi), trong Hoa Tử Cương nêu lên “khoãng không vô tận của chim bay”, trong Cân Trúc Lính, Mộc Lan Trại, Nam Xá mô tả tính “bất khả tri”, “không có nơi chốn”, “không biết lẫn nhau”. Sự sống trên đời chỉ là ký gởi tạm thời mà thôi, con người phải có lý tưởng tối hậu của mình, có sự xuất ly hoặc một cái gì đó tương đối mãnh liệt. Đây chính là cách nhìn thế giới của Vương Duy được bắt nguồn từ sự ảnh hưởng thiền Phật giáo. Nói khác đi, dưới sự thể nghiệm và quán sát về không gian và thời gian, Võng Xuyên Thi một mặt triển khai về thế giới sanh diệt biến dị của thực tại, mặt khác nhắm vào sự vượt thoát khỏi thế giới hữu hạn sanh diệt.
d) Biện chứng thế giới sắc không
Trên căn bản, Vương Duy chịu ảnh hưởng thiền học rất sâu đậm, “không tịch” là cảnh giới ông ra sức để đạt được. Nếu cứ lấy quan niệm của Hiện tượng học để quan sát những chuẩn mực như “Ở, ưu lo, không gian, thời gian v.v..” là thiếu sót. Trong tập Võng Xuyên còn rất nhiều bài thơ hay, nhưng chỉ có thấu triệt được “biện chứng sắc không” của Phật giáo mới có thể thưởng thức được ý vị trong đó.
Tam pháp ấn của Phật giáo Nguyên thủy “Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, niết bàn tịch tịnh” đã triển khai được cốt lõi của thế giới sắc không. Vạn vật trong thế giới sắc trần đều phải trải qua các giai đoạn “thành, trụ, hoại, không, sát na sanh diệt”, tất cả đều “như ảo, như mộng, như sấm chớp, như sương sa”, không có thật ngã (Kinh Kim Cang). Thiền giả hiểu rõ nó là khổ, do tâm ảnh huyễn vọng sanh ra, chỉ có niết bàn tịch tịnh mới thật sự đến được sự trong mát an lành. Trong 20 phần giáo, bất luận là Kinh Bát Nhã, Kinh Hoa Nghiêm v.v.. đều lấy biện chứng sắc không này làm nền tảng căn bản. Cái mà thiền tông gọi là cứu cánh không cũng giống như vậy.
Thế giới sắc trần do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra, nhân duyên tan rã thì sắc trần hoại diệt.
Các pháp do duyên sanh
Ta nói chúng là không
Cũng gọi là giả danh
Cũng là nghĩa trung đạo.
Chưa từng có một pháp
Không từ nhân duyên sanh
Cho nên nhất thiết pháp
Tất cả đều là không.
(Trung Luận – Phẩm quán Tứ đế thứ 24)
Dưới sự quán chiếu của con mắt tuệ, Vương Duy trong Võng Xuyên Thi cũng đã đối chiếu “sắc không” một cách đầy đủ. Ví như trong “Văn Hạnh Quán”: Gỗ hạnh – cột, cỏ thơm – nhà, mây trong đòn – mưa nhân gian chính là nói đến tính vô thường biến hóa của vật chất trong thế giới sắc trần. Tuy hình tướng bị biến đổi, nhưng xét về bản chất chúng chỉ là một. Trong “Thù Du Phán” cũng đã nêu ra cái nhìn tuệ giác về sự biến dị của sắc trần:
Kết nụ hồng biên biếc
Xum xê hơn hoa nở
Khách lưu lại trong núi
Nhờ đây chén Thù du
(Kết thực hồng thả lục
Phục như hoa cánh khai
Sơn trung thảng lưu khách
Trí thử Thù du bôi)
Căn cứ vào sự khảo sát của Nguyên Điền Hiến Hùng: “Thù du phán là một loại cây cao hơn một trượng; vỏ xanh; sắc biếc; lá giống như cái chày, vừa rộng lại vừa dày; hoa màu tím, nở vào tháng 3, những hoa nhỏ li ti thì có màu mận chín. Tháng 7-8 kết trái, hình giống như hạt tiêu.” Vương Duy thì mô tả thì từ lúc kết nụ vào tháng 3 đến tháng 7-8 nở hoa cho đến lúc cho ra “chén thù du” làm cho ta nhìn suốt được quá trình sinh, trụ, dị, diệt của hoa cỏ tự nhiên.
Ở bài “Tân Di Ổ” biểu thị sát na sanh diệt càng rõ hơn:
Hoa trên ngọn phù du
Ánh sắc hồng trong núi
Ngõ khe vắng không người
Mặc tình hoa nở rụng.
(Mộc mạt phù dung hoa
Sơn trung phát hồng ngạc
Giản hộ tịch vô nhân
Phân phân khai thả lạc)
Đài hoa phù dung trong bài thơ này phát ánh hồng rực rỡ, còn thi nhân lại cho hoa “nở” rồi “rụng” chỉ trong khoảnh khắc. thời gian trong bài thơ này của Vương Duy dường như không còn phân chia ra tháng 3, tháng 7 hoặc tháng 8, cũng như không có xuân thu, sớm tối mà chỉ thấp thoáng trong một sát na. Dĩ nhiên, những cây cỏ này trong nháy mắt cũng có biết bao biến đổi, được ước tính bằng vô số sát na.
Quán chiếu về sự biến động của sắc trần, ngoài sự nhìn vào tính biến đổi của vật chất ra thì 6 trần (hình sắc, âm thanh, hương thơm, vị nếm, xúc chạm và pháp trần) đều là những đối tượng quán chiếu tuyệt hay mà Vương Duy đã vén khéo vào trong thơ. Ví như trong bài “Lộc Trại”
Núi vắng không bóng người,
Tiếng nói đâu vọng lại
Hắt bóng tít rừng sâu
Phản chiếu ánh rêu xanh.
(Không sơn bất kiến nhân
Đản văn nhân ngữ hưởng
Phản cảnh nhập thâm sơn
Phục chiếu thanh đài thượng)
Bài thơ bắt đầu bằng chữ “không”, núi vắng không bóng người, nhưng lại có tiếng người nói; rừng sâu không có ánh sáng mặt trời, nhưng lại có bóng của ánh mặt trời chiếu vào, tất cả đều có ý vị vô cùng thâm sâu. Đường Nhữ Tuân trong “Đường Thi Giải” nói: “Núi vắng không bóng người nhưng lại nghe được tiếng người nói, cảnh ồn náo lồng vào chốn tĩnh lặng, biến hóa như vậy mới vào được pháp môn Tam muội.” Lý Anh trong “Thư Pháp Dị Giản Lục” nói: “Mô tả núi vắng không bắt đầu từ vô thanh vô sắc, lại đi từ hữu thanh hữu sắc để cảm nhận sâu sắc hơn cái tĩnh lặng của nó. Đây là một ví dụ điển hình về biện chứng sắc không mà Vương Duy đã dùng. Bản thể xưa nay vốn vắng lặng thanh tịnh, nhưng không xa rời sự huyên náo của hiện tượng. Xét về nhĩ căn thì “lỗ tai không trụ nơi âm thanh và âm thanh cũng không hề nhiễm dấu vết của lỗ tai”, có một sự thâm nhập vi tế giữa âm thanh và lỗ tai. Bóng râm và ánh sáng của sắc trần cũng thế, mắt tai đều là công cụ dùng để quán chiếu, chỉ có ra sức quán chiếu sự tương tác giữa 6 căn đối với 6 trần mới có thể biết tường tận sự huyên náo và vắng lặng hoặc chọn lấy tố chất xanh đậm hay xanh nhạt trong đó. Như nội dung bài “Mộc Lan Trại”:
Núi thu sót ánh tà,
Chim tung cánh theo đàn,
Dãy xanh đà lộ rõ,
Mây mù giăng muôn nơi.
(Thu sơn liễm dư chiếu
Phi điểu trục tiền lữ
Thái thúy thời phân minh
Tịch lam vô xứ sở.)
Bài thơ miêu tả về cái thấy trong chốc lát, nhưng có rất nhiều sự biến đổi. Ánh chiều tà tụ lại trên ngọn núi mừa thu trong một sát na, sắc núi trong thoáng chốc biến hóa kỳ ảo. Một mảng cảnh sắc “ánh sáng, màu xanh, mây mù trên núi” thật sống động không thể dùng lời tả xiết. Sự biến hóa tinh vi của thế giới sắc trần, mắt phàm không thể nhìn thấy, cho dù Vương Duy có thể nhìn thấy thì cũng khó mà dùng ngôn ngữ chuyển tải được. Chỉ những thi nhân siêu tuyệt mới có thể mượn cái hữu hạn nói về cái vô hạn, miêu tả được cái vĩnh hằng trong một khoảnh khắc, triển hiện được cái tiềm ẩn vô cùng trong thế giới sắc không.
20 bài trong Võng Xuyên Thi đều hiển bày được thế giới dưới cái nhìn biện chứng sắc không.
Trên hồ, ngoảnh đầu lại,
Mây trắng quyện núi xanh.
(Hồ thượng nhất hồi thủ
Thanh sơn quyện bạch vân)
(Cơ Hồ)
Hoặc như:
Cò trắng sợ, sà trông.
(Bạch lộ kinh phục hạ)
(Loan Gia Lại)
Hay như:
Sông Nam Xuyên uốn lượn
Mất dấu mút rừng xanh.
(Uy dĩ Nam Xuyên thủy
Minh diệt thanh lâm đoan)
(Bắc Xá)
Đều là chứng cứ về cảnh sắc biến hóa sanh diệt. Cõi đời không phải là chỗ ở chân thật, nó chưa từng thật có. Thế giới này do nhân duyên sanh diệt hợp thành, nên không thường còn.
4. Kết luận
Thơ Vương Duy có đặc điểm bình dị, hồn nhiên, điềm đạm, ý tại ngôn ngoại. Về điểm này, xem ra Vương Duy có chịu ảnh Hưởng của Đào Uyên Minh – một nhà thơ điền viên đời Tấn, nhưng Vương Duy khác Đào Tiềm ở chỗ bút pháp luôn “nghiêm cẩn” (Đào Tiềm đôi khi còn “bốc đồng”, viết những câu hơi tếu). Vương Duy luôn theo đúng thi giáo: Tức mà không khóc, thương xót nhưng không đau đớn quá độ, vui mà không nhã cợt, giận mà không oán hờn.
Thơ Vương Duy còn một đặc điểm nữa là viết nhiều về thiền lý đạo Phật. Tác giả mượn cảnh sơn thủy hữu tình để truyền tải đến độc giả một cảnh giới “thong dong tự tại, tĩnh lặng trong lành” hoàn toàn tương phản lại với cảnh đời bon chen xuôi ngược. Đỗ Phủ trong bài thơ “Giải Muộn” từng gọi Vương Duy là cao nhân Vương Hữu Thừa. Vương Xương Linh thì nói: “Thân ở thế gian nhưng tâm thì vượt thoát thế gian.” Thông qua sự giải thích tương đối của Hiện tượng học và Thiền học về Võng Xuyên Thi, chúng ta có thể nhìn ra được hình tượng của một bậc cao nhân và những hàm ý về việc nhập thế, xuất thế của ông. Võng Xuyên Thi ngầm chuyển tải dấu tích di chuyển không ngừng của Vương Duy trong khoãng thế giới hiện thực và thế giới phi hiện thực, đồng thời triển khai diện mạo cuộc sống tu hành của một thiền giả.
Có bao nhiêu trời đất
Được bao nả ngày giờ
Bao lần dâu lấn bể
Mấy độ nắng xen mưa
Hưng phế, non trơ đá
Bi hoan, sóng rộn bờ
Trần sa qua kiếp gởi
Bóng Phật dựng vần thơ.
Tiêu Lệ Hoa