Thầy tôi

Sau hơn 20 năm tu học, trải qua bao sóng gió cuộc đời, vui cũng nhiều mà buồn cũng không ít, bây giờ tôi mới cảm nhận được tôi thật sự hạnh phúc vì tôi đã may mắn gặp được minh sư-Thầy của tôi.

Tuy đã hơn 90 tuổi, được tấn phong Hòa Thượng nhiều chục năm lại đảm nhiệm Trưởng ban trị sự mấy nhiệm kỳ, mọi người vẫn tôn xưng “Thầy” là trưởng lão Hòa thượng và thông thường thì gọi bằng một danh từ rất Huế là “Ôn”, nhưng ở đây tôi vẫn mạo muội dùng danh từ “Thầy” để xưng hô minh sư của tôi – vì Thầy thích chúng tôi gọi như thế. Thầy giải thích: tiếng Thầy vừa thiêng liêng vừa gần gũi, không có từ nào hay hơn, hơn nữa ngày xưa đức Phật thường gọi: “Này các Thầy Tỳ-kheo, chứ có gọi này các ông hòa thượng hay thượng tọa gì đâu”.

Cách giải thích dí dỏm nhưng hợp tình hợp lý của Ôn làm chúng tôi tâm phục, khẩu phục. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ gọi “Thầy” khi chỉ có mấy thầy trò thân tình nói chuyện, còn bình thường vẫn dùng “Ôn” để xưng hô như bao người khác. Ôn từng nói: Tăng không được phép độ ni và còn dẫn chứng rất cụ thể “Đức Phật dạy nếu Tăng già mà có người nữ thì giáo đoàn sẽ giảm tuổi thọ đi 500 năm” và Ôn còn khôi hài“người nữ các con là đầu mối của rắc rối”.

Tuy vậy, Ôn vẫn độ cho hai chị em chúng tôi xuất gia. Nói chính xác và khách quan Ôn chỉ làm lễ xuất gia, đặt pháp danh rồi gởi trả chúng tôi về bên ni bộ quản lý. Tuy nhiên, Ôn vẫn quan tâm đến chúng tôi từ mặt vật chất đến lĩnh vực tinh thần. Người ta thường nói làm đệ tử Tăng sẽ ít được dạy dỗ những oai nghi tế hạnh, được nuông chiều nên dễ sanh ngã mạn, nhưng đối với riêng Ôn thì khác, Ôn chu đáo hơn ai hết, Ôn vừa là người Thầy nghiêm khắc, vừa là người cha bao dung, lại vừa là người mẹ chu đáo nhẹ nhàng, thậm chí có lúc Ôn như bạn bè kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thời trẻ Ôn trải qua, rồi chúng tôi cũng kể cho Ôn nghe những vui buồn mà chúng tôi gặp phải trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ôn lắng nghe và khuyên dạy chúng tôi trong từng tình huống nên xử lý thế nào cho phải đạo.

Chúng tôi nghe mà như uống từng lời Ôn dạy. Đúng là nhân duyên thầy trò nhiều đời nhiều kiếp hay sao mà tuy khác giới, tuổi đời lại chênh lệch quá nhiều, hai thế hệ là biết bao cách biệt mà sao Ôn hiểu thấu nỗi lòng của đệ tử?

Dù có khéo léo che giấu cách nào đi nữa thì những nỗi vui buồn của chúng tôi cũng khó mà giấu được cặp mắt nhân từ mà sáng suốt của Ôn. Từng bước chân tỉnh giác trong“Tỳ ni nhật dụng thiết yếu” đến những lời thức tỉnh của chư Tổ trong “Quy sơn cảnh sách”…Ôn đều quan tâm và kiểm tra một cách khéo léo và tài tình. Như có cơ hội hầu Ôn, đang rửa tay Ôn hỏi: Chị em con rửa tay có đọc chú rửa tay không? hoặc Ôn đọc một câu trong“Quy sơn cảnh sách” rồi giả bộ quên kêu chúng tôi tiếp lời. Qua cách kiểm tra cố ý mà như tình cờ này, chúng tôi rất sợ bất chợt bị kiểm tra, không dám xao lãng mà luôn ở tinh thần chuẩn bị sẵn sàng để trả lời.

Theo những buồn vui của tuổi hành điệu qua đi, chúng tôi cũng lớn dần và trưởng thành theo năm tháng. Ôn vui với những thành tích chúng tôi đạt được, Ôn thao thức trăn trở khi chúng tôi phạm phải sai lầm. Kèm theo những sợi tóc bạc càng ngày càng nhiều của Ôn thì những tình thương Ôn dành cho chị em chúng tôi cũng không thể dùng văn chương mà diễn tả hết được.Tôi trân quý tất cả những kỷ niệm đẹp đó, xem như là trân bảo cất giữ trong kho tàng tâm linh của mình, nó cũng là chất liệu sống để nuôi dưỡng và chăm bón tâm bồ đề của tôi. Nó cũng là động lực giúp tôi vượt qua những chướng duyên hay trở ngại trên bước đường tu hành ma nhiều hơn Phật này.

Nhưng, lại sắp tới đợt thi HSK nữa rồi, kỷ niệm buồn nhất và đáng ghi nhất trong đời xuất gia của tôi lại ùa về, cách đây hơn 2 năm-ngày tôi đi thi HSK là ngày Ôn tôi hấp hối. Tình thương cao cả của người thầy dành cho đệ tử trọn vẹn cho đến phút chót. Vì không muốn lỡ cơ hội thi cử của tôi mà đang mê man trên giường bệnh bỗng Ôn sáng suốt lạ thường làm cho quý huynh đệ hiểu lầm, họ không biết đó là giây phút thầy trò biệt ly đã đến mà tưởng là bệnh cũ của Ôn tái phát nên gọi điện thoại khuyên tôi cố gắng thi xong về vẫn kịp.

Tôi đi thi mà lòng dạ như thiêu như đốt, mọi người an ủi tôi: thi không đậu thì đợt sau thi lại có gì đâu mà lo lắng quá mức vậy? Họ đâu có biết trái tim tôi tựa như đang thắt lại. Như người mất hồn, vừa kéo va li vừa chạy giữa sân bay Quảng Châu mà nước mắt tuôn trào, ruột gan như muối xát, tôi linh tính rằng người Thầy khả kính đã vĩnh viễn xa tôi. Cội thông già trên cao nguyên đất đỏ đã đổ về Tây rồi.

Quả đúng như linh tính của tôi, chỉ lỡ một chuyến máy bay thôi mà lời Ôn dặn tôi trước khi lên đường du học: “con ráng học giỏi, giữ gìn sức khỏe, Ôn đợi con về” đã trở thành lời giáo huấn cuối cùng của Ôn dành cho tôi. Nếu thời gian có thể quay ngược lại, tôi sẽ không tham gia kỳ thi HSK năm đó, tôi thà học trễ một năm mà được về diện kiến Ôn lần cuối và còn được nghe “lời dặn dò trước khi Người ra đi”. Nhưng, trên cuộc đời này làm gì có “thuốc hối hận”? Và, Ôn ra đi thật rồi-bình an và thanh thản.

“Thầy” ơi, thấm thoắt mà đã qua lễ Đại tường của “Thầy” rồi, con không dám về đảnh lễ “Thầy ”nhưng ở bên này hàng ngày con vẫn quỳ dưới chân “Thầy” để cầu nguyện“Thầy” sớm hội nhập Ta-bà để hóa độ chúng sanh, để cho con lại được làm đệ tử hầu hạ “Thầy” và lại được nghe những lời dạy chân tình của “Thầy” dành cho đệ tử. Nếu lại có cơ hội làm đệ tử của “Thầy”, con sẽ không làm “Thầy” buồn phiền nữa mà ráng tu hành tinh tấn để nụ cười luôn nở trên khuôn mặt từ bi và trang nghiêm của “Thầy”.

MP.

Viết từ Phúc Châu…