Thầy Tôi – Thích Tâm Mãn

Thầy Tôi

Thích Tâm Mãn

Chuông chùa một tiếng ngân dài lặng chìm vào trong đêm trường tỉnh mịch, gió rít trên đỉnh tháp trong vườn chùa làm thức giấc tiếng phong linh, tiếng đinh đương trong đêm khuya như làm cho lòng bổng nhiên bồi hồi thương nhớ, cho những kỷ niệm thật hiền lành làm man mác chút ưu tư. Chùa đã đến giờ công phu khuya các tiểu lên chùa lễ thời kinh sáng tôi ngồi một mình để nhớ về Thầy tôi.

Thầy tôi mộc mạc như ông già thôn quê chất phác với áo nâu sòng, đôi dép củ đã mòn vì cát bụi thời gian. Thầy tôi giọng nói trầm ấm thâm vang, dạy dỗ chúng tôi từ ngày còn bé thơ cho đến khi trưởng thành, Thầy tôi ánh mắt nghiêm nghị nhưng thật hiền từ, đôi khi chỉ nhìn mắt Người chúng tôi thầm hiểu rằng Thầy vui hay có ý không vừa lòng vì những việc làm hay lối suy nghĩ của chúng tôi.

Thầy tôi lúc nào cũng vì mọi người, cả cuộc đời Người chỉ dành cho việc chữa bịnh cứu người, làm thuốc giúp cho đời không bao giờ nghĩ đến việc riêng tư. Thầy tôi tu Pháp Môn Tịnh Độ chuyên tâm niệm Phật, luôn phát tâm nguyện cầu thế giới của Đức Di Đà sẽ là nơi đến của tương lai, Người niệm Phật dạy chúng tôi niệm Phật với câu nói thật dễ gần làm chúng tôi nhớ thương:

“ con ơi! Tu về Tịnh Độ sướng hơn Tiên, chẳng nhọc công phu, chẳng tốn tiền. sáu chử Di Đà luôn chánh niệm…”

Thầy tôi mộc mạc là như vậy.

Thầy tôi dạy chúng tôi thành người Tăng sĩ, trong chuyện ăn, nết mặc trong ngôn ngữ từ bi. Vì muốn chúng tôi hiểu thế nào là Giải thoát phục và trở thành người biết nhớ đến công ơn khó khổ của người dệt vải “thân phi nhất lũ, thường tư chức nữ chi lao” nên suốt trong thời gian làm điệu Người chỉ cho chúng tôi mặc đồ tang phục của những gia đình khi hết tang đem vào chùa để làm đồ lau, thầy tôi nhuộm một ít mực tàu là thành áo mới cho tôi, lúc bé khi mặc đồ mới nhuộm chúng tôi thật là mừng nhưng khi lớn khôn biết đẹp biết xấu có lúc chúng tôi lại buồn vì sao Người chỉ cho chúng tôi mặc toàn đồ tang. Nhưng khi đủ lớn đủ khôn và có ngày hôm nay áo y cụ túc chúng tôi mới hiểu được diệu ý của người tích đức cho ngày sau.

Thầy tôi không thời cơm nào mà Người để lại dư vật thực, những phần cơm thuộc về Người, cho đến những hạt cơm rơi Người đều nhặt lại để ăn. Người dạy chúng tôi không làm mà có cơm ăn nên luôn nhớ đến công ơn người làm ra nó, cho nên một hạt cũng chứa đựng biết bao công sức mồ hôi của người nông dân, “Một hạt cơm vàng chín giọt mồ hôi”.

Ngày hôm nay khi ngồi trên Quá Đường đọc lời phục nguyện “Nhật thực tam san mỗi niệm nông phu chi khổ” con thấm thía hơn nhiều lời Thầy dạy năm xưa. Nhìn mấy chú tiểu trông tôi khi nhặt từng hạt cơm rơi, ký ức ngày thơ của tôi như trở lại, ngày ấy tôi cũng trố mắt ra nhìn và không hiểu gì nhiều về việc Thầy mình làm và cứ thế tôi cũng làm theo, cho đến bây giờ và sau này chắc là các tiểu cũng làm theo như tôi, một lối truyền thừa “Đại Thừa Thân Giáo” mà tôi đã học được từ Thầy tôi.

Thầy tôi như thấm sâu hiểu nhiều về nỗi buồn đau của nhân thế, suốt bao năm trường tôi sống với người chưa bao giờ thấy Thầy bận việc riêng, sáng ra ngồi cho thuốc, chiều lại cho thuốc cho đến tối, cứ như vậy trong suốt mấy mươi năm hầu như thầy ít khi đi ra đường, tôi nhẩm tính Thầy tôi đi công việc chỉ có mười mấy lần, Phật sự nào quan trọng người mới đi, lắm lúc tôi không hiểu sao Thầy mình tài thế không biết buồn không biết chán hay sao, sau này tôi mới biết thế nào là hạnh an trụ của người xuất gia với câu “Bồ đề Diệu Pháp biến trang nghiêm, tuỳ sở trụ xứ thường an lạc” thế nào là học hạnh của Bồ Tát vì cứu khổ chúng sinh mà quên đi thân mình.

Thầy tôi học không nhiều nhưng hiểu thấu “Tánh không pháp giới” người chuyên tu đạt đến “Mật Hạnh Du Già”. Khiêm tốn giản dị, ân cần chất phác, nói được làm được luôn là hạnh tu mà Người thường dạy chúng tôi, có những điều người nói cho đến hai mươi năm sau mới thành hiện thực, có những điều Người làm cho đến bây giờ khi Người không còn nữa mọi người mới vỡ lẽ ra.

Phật Pháp nhiệm mầu từ sự tu trì của Người làm chúng tôi chợt sáng, công năng của Tam Bảo từ sự vận dụng của Người làm chúng tôi tỏ ngộ, thế đế Phật duyên từ sự không chướng ngại của người làm chúng tôi nhận ra sự chân thật, kiền thành kính lễ Phật Pháp Tăng Bảo là pháp tu nhiệm mầu mà Người dạy chúng tôi với câu “Thâm tín Chư Phật giai sung mãn”.

Thời gian trôi qua nhanh quá ngày nào còn làm điệu hôm nay tôi lại bắt đầu làm thầy, những bài học ngày xưa Thầy tôi dạy nay vẫn còn nguyên giá trị và nó vẫn còn được truyền thừa cho đến mãi về sau, vì những bài học này là lẽ sống, là tình thương, là mối tương quan của cuộc sống hàng ngày, là giá trị đích thực của đạo mầu giải thoát, là ân tình của bao nhiêu thế hệ, là ngọn nguồn trí tuệ của Thiền môn, là lối ứng xử của người Sa Môn Thích Tử, là nẻo đường an lạc dẫn đến cõi Tâm không.

Tiếng Bảng “Hoà Nam” lặng chìm trong sương sớm, tiếng chuông khuya cuối cùng im bặt giữa trời không. Thời kinh sớm theo mấy chú xuống quét sân chùa, tôi đứng dậy tắt ngọn đèn trời sáng, cuộc sống Thiền môn lại bắt đầu ửng nắng, từng giọt hồng ban sáng lấp lánh trên mái hiên chùa, tôi rót một chén trà mời Thầy tôi, ánh trà sóng sánh như ánh mắt Thầy đang cười, làn khói hương trà như Thầy tôi đang nói, vị trà chang chát thấm ngọt tận cỏi lòng như tình Thầy tổ trọn tròn trong ký ức.

Đã bao lần dâng trà cúng Thầy nhưng sao hôm nay bổng thấy lòng tha thiết, vì hôm nay thêm một ngày đặc biệt vì  ngày này Thầy tôi về chốn “Chơn Không”.