Sơ Thám về Huệ Lâm và Quán Thiện Luận | Chương 9

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(Tập Một)

Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế

Tiến sĩ Lê Mạnh Thát

Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành Phố Huế thực hiện

Nhà Xuất Bản Thuận Hóa Huế 1999

Chương IX – Sơ Thám về Huệ Lâm và Quán Thiện Luận

  • Về cuộc đời Huệ Lâm
  • Về Quân thiện luận
  • Phản ứng trí thức đương thời về Quân thiện luận
  • Những vấn đề tranh cãi

Qua nghiên cứu về Sáu lá thư xưa nhất cuả lịch sử văn học và Phật giáo nước ta ở trên, chúng tôi đã có dịp giới thiệu và phân tích sơ về một nhà sư Trung Quốc bị đuổi ra nước ta vào giữa thế kỷ thứ V tên Huệ Lâm và tác phẩm Quân thiện luận của ông. Con người cũng như tác phẩm của nhà sư này qua thế kỷ đã gây ra nhiều bàn cãi khá lôi cuốn. Không những thế, chính trong những phát biểu ở Quân thiện luận đã tạo cơ hội cho sự ra đời của sáu lá thư vừa nói, nhằm trả lời và bác bỏ những kết luận mà Quân thiện luận đề lên. Ngoài ra, Lâm có thể đóng góp không ít vào sự thành công của cuộc khởi nghĩa Lý Trường Nhân. Do vậy, con người và tác phẩm Huệ Lâm càng lôi cuốn hơn nữa đối với công tác nghiên cứu văn học Phật giáo và chính trị Việt Nam. Chúng tôi vì thế đề nghị tìm hiểu ở đây cuộc đời của Huệ Lâm và dịch lại bản Quân thiện luận vừa kể nhằm cung hiến một phần nào tư liệu cho những tra khảo sau.