Sen Nở Giữa Tây Nguyên

SEN NỞ GIỮA TÂY NGUYÊN

Kiến Tràng

Núi Tổng Trì, mây nước ba ngàn, sắc không một niệm tùy duyên hiện,

Chùa Minh Thành, mật phú tâm tông, sự lý chơn truyền noi Tổ ấn.

Là khách du phương, nếu những ai có ít nhất một lần bước vào nơi đây-chùa Minh Thành để lễ Phật, vãn cảnh đều không khỏi tán thưởng, hoan hỷ trước sự uy nghiêm hùng tráng của ngôi Già lam danh thắng này.

Từ cách thiết trí tôn thờ các pho tượng, cho đến sự sắp xếp bố cục phối cảnh kiến trúc được ước lệ qua tinh thần “thiên nhân hiệp nhất”, hay “sự lý nhất như” đã đạt đến trình độ tuyệt mỹ mà rất ít ngôi chùa ở Việt Nam có được. Tất cả đều lồng ghép vào đó hơi thở cùng nhịp sống tâm linh mà người dân xứ cao nguyên này luôn tín ngưỡng và ước vọng….Đặc biệt các pho tượng Phật, Bồ tát, A la hán…qua sự hướng dẫn chế tác mỹ thuật của Đại Đức trụ trì Thích Tâm Mãn đã thành những tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo vô cùng kiệt xuất, thể hiện rất sinh động và đa dạng với rất nhiều hình thái diễn tả nội tâm con người luôn hướng đến sự thanh bình an lạc, không còn những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống.

Theo tôi, ngôi Chùa này như là một cuốn tài liệu thực địa rất quý cho những người nào muốn nghiên cứu về văn hóa, mỹ thuật cũng như kiến trúc thượng đẳng của Phật giáo. Đồng thời, đối với những vị nào đầy đủ nhơn duyên phước báu có tâm nguyện trùng hưng Phạm Sát, kiến lập Đạo Tràng để Báo Phật Ân Đức, tiếp dẫn hậu lai…thì nơi đây chính là điều kiện cần để tham khảo chi tiết kiểu mẫu Phật tượng, các loại hoa văn trang trí phù hợp của một ngôi chùa được xây dựng trên nước Việt Nam và do chính con tim khối óc người Việt Nam tạo nên.

Thiết nghĩ, ngôi Chùa là mành lưới đế châu quang minh vi diệu, thanh tịnh và trang nghiêm nhất trong trời người. Chính nơi đây, mà hào quang của mười phương Chư Phật đảnh phóng, biến chiếu hiện thành đóa sen ngàn cánh tỏa ra vô lượng hương công đức, vô lượng hương giải thoát tri kiến, và là biểu tượng hóa tâm linh khiến Thánh phàm hoan hỷ, làm cho tất cả chúng sanh thấu rõ căn nguyên của tội nghiệp phước duyên mà tu nhân tích đức, bỏ ác theo lành, quay về bến Giác và sống thật có ích cho xã hội Quốc gia. Cho nên, nơi phước địa này phải được trùng kiến một cách hoàn mỹ về nội dung lẫn hình thức, luôn đầy đủ ý nghĩa và thể chế rõ ràng, thế mới đúng với câu “Xây thành Tịnh Độ giữa nhân gian”, tạo thành một cảnh giới an lạc đại đồng….

Hơn nữa, một ngôi Chùa đúng nghĩa là phải có sự sinh hoạt của Tăng đoàn theo lễ chế Phật môn. Chính tiếng mõ sớm chuông chiều là con thuyền phổ độ, đưa khách trần vượt qua sông ái dài muôn dặm tử sanh. Và, cây hương ngọn đèn là lòng thành khẩn thiết, để sưởi ấm cho bao âm hồn cô quạnh nỗi chìm trong vạn nẻo…Vì vậy, ngôi Chùa tuy trụ giữa nhân gian nhưng không bị thế tục hóa, không phải là chỗ để vay mượn cuộc sống tạm bợ cho những người thiếu ý chí giải thoát và lạm dụng phụ bạc lòng tin của bốn ơn. Ngoài ra, ngôi Chùa được xây lên là bằng mồ hôi và nước mắt của muôn dân nên càng không thể để làm cảnh du ngoạn, cưỡi ngựa xem hoa, mà thiếu vắng đi hình bóng tu tập của người xuất gia trong ấy, như thế thì thật khác nào như cái xác không hồn, vô tình chỉ là nơi trưng bày vô cảm cho nhân tình thế thái qua lại luận đàm…

Qua sự hình thành của ngôi Chùa Minh Thành, người Việt Nam chúng ta có quyền tự hào về lối kiến trúc Phật giáo mang tính vĩ mô, kết hợp những tinh hoa kiến trúc mà từ xưa cha ông ta đã có ở các ngôi chùa cổ phía Bắc với thể chế kiến trúc chùa tháp tại các nước Phật giáo hàng đầu như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản..để tạo ra một trong những sản phẩm văn hóa đậm đà bản sắc cho dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 21. Có lẽ, tư tưởng làm Chùa “sợ giống” và “sợ bị lai căn” của một số người phải nên suy nghĩ lại, vấn đề là mình thể hiện nó bằng cái tâm như thế nào? Cho lợi ích cá nhân mình hay cho sự trường tồn chung của văn hóa Phật giáo Việt Nam trong sự hội nhập và phát triển?

Người dân Tây Nguyên nói riêng và người dân khắp mọi miền Tổ Quốc nói chung, từ đây đã có thêm một điểm hẹn mới trong tinh thần cho chính mình, nên tất cả hãy trân trọng và gìn giữ như bảo vật vô giá, để các thế hệ sau thấy được thành quả mà ngày hôm nay chúng ta đã tạo dựng bằng con tim đầy nhiệt huyết, bằng khối óc sáng tạo không còn tự ti và bằng cái thiện tâm luôn tràn đầy tính Phật, như đóa sen vàng luôn tỏa ngát hương thơm trong tiếng vọng nguyên sinh của núi rừng…thật đúng là “không có Chùa to hay nhỏ mà chỉ có Tâm con người to hay nhỏ mà thôi…”