Ảnh Hưởng Của Phật Giáo Trong Văn Học Dân Gian Việt Nam
Thích Ðồng Văn
Dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử 4000 năm văn hiến và văn học Việt Nam có hàng nghìn năm truyền thống. Riêng về văn học dân gian, ít nhất lịch trình phát triển cũng đã trãi qua 4000 năm, kể từ thuở vua Hùng dựng nước.
Chức năng của văn học là phản ảnh hiện thực của cuộc sống. Ðời sống tinh thần của con người nhất là đời sống tinh thần có đức tin là một mảng đời sống tồn tại trong hiện thực cuộc sống. Chính vì thế, nội dung tục ngữ, ca dao, ngụ ngôn, truyện cổ tích, truyện cười thuộc kho tàng văn học dân gian cũng đề cập đến nội dung tôn giáo, phản ảnh nội dung về tôn giáo.
Phật giáo Việt Nam là một thực thể tinh thần đã hiện diện , tồn tại hàng ngàn năm cùng dân tộc Việt Nam, trở thành một phần tâm linh tinh thần dân tộc, một thành tố trọng yếu về văn hóa tư tưởng. Từ nền văn hóa cực thịnh của các triều đại Lý, Trần đến kho tàng văn học dân gian đều nêu bật lý tưởng thương người yêu đời của Phật giáo.
Qua văn học, ta tiếp nhận mọi cái đẹp về cuộc sống thông qua cảm quan thẩm mỹ quần chúng nền tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng cũng được nhân dân phản ảnh vào văn học bằng cái nhìn thẩm mỹ của nhân dân lao động.
Lịch sử dân tộc là lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước. Phật giáo bắt đầu du nhập vào nước ta thời Bắc thuộc. Khi đó Phật giáo đã qua hai đường mà vào: một đường qua Trung Quốc nhưng trước hết là đường qua các biển phương Nam. Và khoảng cuối thế kỷ II sau Công nguyên, Phật giáo ở Giao Châu nước ta thịnh hơn ở nước Ngô (một trong ba nước ở Trung Quốc thời Tam Quốc). Phật giáo một mặt thâm nhập vào quần chúng nhân dân, mặt khác lại thâm nhập vào các tầng lớp trên của xã hội trong đó có trí thức phong kiến. Hai tên gọi khác nhau là Bụt và Phật phản ảnh hai con đường du nhập của đạo Phật, một đằng thì trực tiếp từ Ấn Ðộ sang (Bụt là phiên âm thẳng từ Ấn độ Buddha), một đằng thông qua Trung Quốc (Phật, Phật đà là âm Hán Việt của các từ ngữ Trung Quốc) Bụt là từ ngữ dân gian, Phật là từ ngữ bác học. Phật giáo đã được quần chúng nhân dân chấp nhận vì tinh thần bình đẳng, tình thương yêu đồng loại, quần chúng lao khổ mà Phật giáo phản ảnh phù hợp với lý tưởng giải phóng của nhân dân ta. Phật giáo sớm được phổ cập trong nhân dân ta thời Bắc thuộc. Với Phật giáo nhiều truyện dân gian Ấn Ðộ cũng du nhập vào nước ta.
Tăng lữ thường dùng phương thức kể chuyện để truyền giáo nhưng khi những truyện do đạo Phật chuyển tải thâm nhập vào nhân dân ta thì phần giáo lý bị mờ nhạt, trái lại những yếu tố có tính chất dân gian đậm nét hơn, mang sắc thái mới – sắc thái Việt, cứ thế nhiều Phật thoại đã tách khỏi kinh Phật hoặc lời thuyết giáo đã trở thành truyện ngụ ngôn, hoặc truyện cổ tích của nhân dân ta. Hòa vào lịch sử dân tộc Việt Nam, Phật giáo đã có nhiều công sức trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ðiều này không những lịch sử dân tộc Việt Nam khẳng định mà nhân dân Việt Nam cũng từng khẳng định thông qua những sáng tác truyền miệng của quần chúng.
Tôn giáo vốn là một thế giới tinh thần thiêng liêng để con người gửi gắm đức tin nhưng một khi tôn giáo có những biểu hiện sa sút thì nhân dân không thể chấp nhận. Lúc đó ý thức phê phán để xây dựng của nhân dân ta đã mượn tác phẩm văn học dân gian để hình thành tiếng cười đã kích những tồn tại ấy.
Trong quá trình giao lưu văn hóa khi nhân dân ta tiếp nhận thì những tư tưởng triết học tôn giáo đan xen nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Bởi vậy, nội dung văn học ảnh hưởng tôn giáo không thuần nhất, đôi khi mang nhiều yếu tố: khi thì mang yếu tố của tôn giáo này, lúc lại chứa yếu tố của tôn giáo khác. Ở đây ta chỉ đi sâu vào tìm hiểu, ảnh hưởng của Phật giáo đối với các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam mà thôi.
Những chuyện ngụ ngôn như “Xẩm sờ voi“, “Mèo lại hoàn mèo“, hoặc chuyện cổ tích như “Cây nêu ngày tết” (kết hợp nhiều chuyện khác trong đó có truyện Bụt và quỷ trồng chung và chia hoa lợi – Một Phật thoại có nguồn gốc dân gian Ấn Ðộ nhưng lại được gắn với phong tục ngày tết của nhân dân ta ). Truyện “Man Nương” liên quan với sự tích Chùa Dâu ở Thuận Thành (Bắc Ninh) là một chuyện nảy sinh trong thời kỳ hưng khởi của Phật giáo ở nước ta khoảng từ thế kỷ II-IX. Những yếu tố thần thoại về thần Inđora (Mây, mưa, sấm, chớp hay thường gọi là Phong, Lôi, Vũ, Ðiện) mà Phật giáo từng sử dụng nay lại được chuyện Man Nương khai thác và kết hợp với tính ngưỡng dân gian Việt Nam về thần Mưa, Gió, Chớp, Sét thể hiện dưới hình thức mới: đưa những yếu tố ngoại lai vào khuôn bản lĩnh Việt, sử dụng những yếu tố ấy để bổ sung vào kho tàng văn học Việt.
Truyện cổ tích lịch sử kể về các nhà tu hành chịu ảnh hưởng của Phật giáo như truyện Không Lộ, Giác Hải, Minh Không (có tài liệu đồng hóa làm một, hai nhà sư như Không Lộ, Minh Không). Nhưng “Lĩnh nam chích quái“, thì lại coi là hai người: Dương Không Lộ và Nguyn Minh Không). Truyện cổ tích lịch sử một mặt mang yếu tố mê tín, một mặt lại biểu lộ niềm tin tự hào về nhân vật có tài năng kỳ lạ của nước Ðại Việt. Truyện “Minh Không“, phảng phất phong thái của thần thọai và chất liệu Phật giáo khá đậm.
Truyện cổ tích thế sự cũng ảnh hưởng từ Phật giáo, mang yếu tố của đạo Phật như truyện “Tấm Cám“. Ông Bụt trong “Tấm Cám” đã hình tượng hóa tấm lòng cưu mang của người Việt bằng màu sắc Phật giáo. Ngay đoạn kết của truyện Tấm Cám cũng mang tư tưởng Phật giáo của nhân dân “Thiện thắng ác“, “Chính nghĩa thắng gian tà“, Tấm sống lại và trở thành người sau bao lần bị tiêu diệt và hóa thân thành “chim vàng anh – xoan đào – khung cửi – cây thị“. Ở đây thuyết luân hồi của đạo Phật đã trở thành chỗ dựa và phương tiện nghệ thuật, giúp cho tác giả dân gian thực hiện ước mơ công bằng xã hội và liên tưởng thẩm mỹ của mình một cách thuận lợi trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng sáng tạo.
Ông Bụt trong Tấm Cám đã dùng phép sai khiến đàn chim nhặt thóc ra khỏi gạo cho Tấm, biến xương hóa nón, hài, quần áo, ngựa hồng cho Tấm dự hội. Những truyện như “Tấm Cám“, “Phượng hoàng và cây khế ” ra đời thời kỳ công xã thị tộc tan rã để phản ánh những mâu thuẫn nảy sinh khi xuất hiện gia đình riêng lẻ thì những truyện “Cây tre trăm đốt“, “Kéo cày trả nợ” xuất hiện sau đó, tố cáo sự gian ác của bọn địa chủ và sự khổ cực của nhân dân.
Ở “cây tre trăm đốt“, nhân vật Bụt giúp kẻ thật thà chất phác đến mức vụng dại. Câu truyện bế tắc – ông Bụt xuất hiện – tình tiết phát triển nhanh chóng chuyển bại thành thắng, ánh sáng do ông Bụt mang đến là ánh sáng thông minh trí tuệ, bởi vì ông Bụt không hoá phép để tạo cây tre trăm đốt mà chỉ bày cho anh chặt từng đốt tre rời ra và ghép lại thành cây tre dài trăm đốt. Những câu thần chú “khắc nhập, khắc xuất” mới nghe có vẻ thần bí nhưng lại mang nội dung ý nghĩa hiện thực, ông Bụt đã bày cho anh Khoai cách thức , còn phải do sức lao động của anh tạo nên, ông Bụt chỉ xuất hiện hai lần chỉ anh cách ghép và tháo rời. Như thế chính anh Khoai đã nắm bí quyết để tự mình hoàn thành công việc và đạt tới mục đích.
Trong truyện cổ tích, nhân vật Bụt xuất hiện khá nhiều. Có thể nói trong những khái niệm vốn có của nhà Phật, dân gian chỉ giữ lại một điều đơn giản nhưng có ý nghĩa nhất: Bụt có sức mạnh vô biên, thần thông quảng đại, thường xuyên giúp đỡ những người hiền lành. Vai trò của Bụt là vai trò của yếu tố thần kỳ, một thủ pháp nghệ thuật quan trọng và quen thuộc của truyện cổ tích trong việc giải quyết số phận nhân vật và sự phát triển của cốt truyện. Bụt xuất hiện nhiều nhưng không phải để tuyên truyền giáo lý mà chỉ tạo điều kiện cho nhân vật giành lại hạnh phúc ngay trong cõi trần, ngay trong chính cuộc đời.
Như thế, biểu hiện của Phật giáo trong truyện cổ tích là biểu hiện có ích cho nghệ thuật xây dựng truyện là một trong nhiều cách để chuyện kết thúc có hậu. Nếu vội nhận xét sự hiện diện của nhân vật Phật giáo trong truyện cổ tích làm ảnh hưởng tiêu cực, giảm giá trị chiến đấu là đã quên rằng dân gian từng mượn khái niệm hoặc nhân vật tôn giáo để khẳng định hạnh phúc trần gian. Hơn nữa nhân vật Phật giáo trong truyện cổ tích cũng không tránh khỏi danh hiệu quý tộc. Trong ký ức tâm hồn người kể và nghe chuyện cổ tích, Bụt hiện lên thật hiền từ – nhân hậu – thương người – gần gũi như một người ông. Ðó là ông Phật của dân gian. Nhân vật Phật giáo này làm phong phú thế giới cổ tích, tạo nên sức lôi cuốn đối với người nghe, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu sáng tạo của dân gian.
Những cảm quan khát vọng của con người trước lẽ sống chứa đựng trong truyện cổ, ta thấy rải rác ít nhiều tinh thần màu sắc Phật giáo.
Những truyện “Tấm Cám” – “Ăn một quả, trả nghìn vàng” rõ ràng là chuyên chở các bài học đạo đức của lý nhân quả – nghiệp báo, khuyên con người ăn hiền ở lành. Truyện “Quan Âm Thị Kính” là truyện rút ra từ kinh Phật, trình bày những mẫu người – mẫu đời theo quan niệm đạo Phật.
Truyện “Quan Âm Nam Hải” do một vị tăng đời Nguyên sáng tác vào khoảng thế kỷ XIV. Sự tích truyện khi truyền đến Việt Nam đã được Việt hóa. Cốt truyện đối kháng lại sự công kích của Nho giáo khi cho rằng tu theo đạo Phật là thất nhân – thất hiếu. Vì vậy, mở đầu truyện “Nam Hải Quan Âm“, ta thấy rõ chủ đích:
“Chân như đạo Phật rất mầu
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân.
Hiếu là độ được đấng thân
Nhân là cứu vớt trầm luân mọi loài.
Tinh thông nghìn mắt nghìn tay
Cũng trong một điểm linh đài mà ra.
Xem trong biển nước Nam ta
Phổ Môn có Ðức Phật Bà Quan Âm”
Cũng như truyện “Quan Âm Thị Kính“, “Nam Hải Quan Âm” trình bày một mẫu người trải qua những đoạn đường gian truân bất hạnh trong cuộc đời, nhưng cuối cùng lại thành đạt viên mãn. Ðiều này chứng tỏ một khi tâm đã quyết, chí đã bền thì ắt phải đạt đến mục đích vậy.
Diệu Thiện, nhân vật chính trong truyện, vốn là con gái của Diệu Trang Vương, chỉ muốn xuất gia cầu đạo, không muốn lập gia đình. Nhà vua tức giận, bèn xuống lệnh cho vị trụ trì tại ngôi chùa lớn trong vùng : Một khi công chúa đến tu tại đây thì cho làm lụng vất vả, cốt để công chúa thoái tâm. Ngược lại, công chúa không những không thoái tâm mà lại rất chuyên tâm công phu chấp tác. Thời gian trôi qua, nhà vua thấy mưu kế của mình bất thành, bèn ra lệnh đốt chùa, lại được rồng phun nước dập tắt ngọn lữa. Vua xuống lệnh đem Diệu Thiện ra xử chém. Nhưng lạ thay ! Lưỡi gươm của đao phủ khi chạm đến cổ Diệu Thiện lại gãy làm đôi. Sau đó, Diệu Thiện được con mãnh hổ mang lên núi. Diệu Thiện ngủ thiếp đi, còn hồn xuống âm phủ chứng kiến bao cảnh đọa đày đau đớn ở cảnh giới địa ngục. Ðộng lòng trắc ẩn, Diệu Thiện dốc tâm cầu nguyện cho tất cả tội nhân sớm được giải thoát. Hồn Diệu Thiện nhập xác trở lại và vững tâm tu hành nên được Phật hiện ra chỉ đường cho Diệu Thiện trở về núi Hương Tích mà tu:
“Ðức Phật mới chỉ đường tu
Rằng có một ngôi chùa tại Hương Tích sơn
Gần bể Nam Việt thanh nhàn
Sang tu chốn ấy sẽ toan viên thành”
Diệu Thiện hoan hỉ tín thọ phụng hành tìm sang Nam Việt, vào núi Hương Tích quyết tâm tu hành. Sau nhiều năm tu luyện, Diệu Thiện đắc quả thành Phật Quan Âm hóa độ chúng sinh. Ngài hiện ra nghìn tay nghìn mắt tượng trưng cho hành động và quan sát :
“Tinh thông nghìn mắt nghìn tay
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra”
Câu chuyện đại để là thế, nhưng qua đấy cốt chuyện lại chuyên chở giáo lý nhân quả – nghiệp báo của nhà Phật.
Truyện cổ nói chung và truyện cổ mang màu sắc Phật giáo nói riêng đa phần được dựng trên những màu sắc hoang đường huyền thoại. Ðó có thể là vì cái đầu óc mê tín của một lớp người thường trực đối mặt với những hiện tượng bất khả giải thích của vũ trụ, nhưng đó cũng có thể là vì sự pha trộn của Phật giáo và Lão giáo, để rồi nảy sinh ra những hình thức lạ lùng đáp ứng các nhu cầu thần bí của con người.
Truyện “Từ Ðạo Hạnh với Nguyn Minh Không” là một chứng tỏ khá rõ ràng về điều này.
Thiền sư Ðạo Hạnh, họ Từ tên Lộ. Thuở nhỏ đã nuôi chí lớn nên rất chuyên cần học tập, tuy bề ngoài lại tỏ ra là một cậu bé đùa nghịch ham chơi. Cha cậu là Từ Vinh, thấy con suốt ngày rong chơi nên rất để tâm lo lắng. Ðang đêm, ông lẻn vào phòng Ðạo Hạnh, thấy chàng đang tựa án mà ngủ, trên tay còn cầm quyển sách. Yên tâm con mình chăm học về đêm nên ông không còn lo lắng nữa. Ít lâu sau, chàng đi thi đỗ đầu khoa, nhưng không ra làm quan vì mang nặng mối tư thù muốn báo đáp cho cha. Cha chàng trước đó có dùng tà thuật phạm đến Duyên Thành Hầu nên Hầu nhờ Ðại Ðiên Pháp sư dùng pháp thuật đánh chết. Nuôi hận, chàng bèn đi học pháp thuật để trả thù. Sau khi trả được thù, Ngài thác sinh làm con của Sùng Hiền Hầu và sau đó trở thành vua Lý Thần Tông. Lý Thần Tông mắc bệnh nặng vì quả báo, may nhờ Minh Không Thiền sư dùng pháp thuật chữa khỏi.
Câu chuyện đại để chỉ có thế, nhưng cái đáng nói ở đây là yếu tố thần thông pháp thuật được tận dụng triệt để. Sự kiện này chứng tỏ sự pha trộn giữa Phật và Lão khi Phật giáo không còn chính thống. Tuy vậy, hành động sử dụng pháp thuật ở đây lại gần gũi hơn về phía đại chúng, có tác dụng rất tích cực về mặt tâm lý của giới bình dân rất d tin vào khuynh hướng cầu nguyện một tha lực độ trì ban vui cứu khổ, trong khi giới trí thức không d dàng chấp nhận những hình thức mang tính mơ hồ, không xuất phát từ chánh tín. Do vậy, Phật giáo ngày càng xa rời bản chất cố hữu vốn được nuôi dưỡng bằng sự tu chứng hành trì của mình …
Truyện cổ chủ yếu ra đời và phát triển trong lòng xã hội có giai cấp, với người Việt, chủ yếu là xã hội phong kiến. Trong hàng ngàn năm phong kiến, các tôn giáo phương Ðông, đặc biệt là Phật giáo, đã du nhập và có tác động nhất định đến mọi mặt đời sống của nhân dân, là những hình thái ý thức xã hội tồn tại trong xã hội Phật giáo và văn học dân gian (trong đó có cổ tích) chắc chắn có tác động và ảnh hưởng lẫn nhau.
Ðạo Phật quan niệm vạn vật không do một thế lực bên ngoài nào làm ra mà do vận động của bản thân nó. Quy luật vận động là quy luật nhân quả. Mỗi vật có thủy có chung, sinh rồi diệt, sắc bất vị không nên gọi là “vô thường”. Ðạo Phật nhằm giải thoát con người khỏi vòng vô thường mà trở về với thường trụ bất sinh – bất diệt. Ðạo Phật cũng quan niệm cuộc đời là bể khổ, con người trầm luân trong bể khổ. Dứt được cái khổ tức là giải thoát, nhưng đạo Phật lại tìm nguyên nhân cái khổ ở bản thân con người, do nhân duyên (duyên nghiệp) luân hồi. Ai cũng khổ, nhưng ai cũng có thể giải thoát thành Phật được bằng cách tu tâm. Ðạo Phật chủ trương bình đẳng và tự giác, đồng thời chủ trương cứu khổ cứu nạn – vị tha – từ bi bác ái.
Nói chung, thể loại tự sự dân gian phát triển nhanh chóng trong thời kỳ thịnh của chế độ phong kiến trong đó loại truyện cổ tích mang màu sắc Phật giáo cũng có khá nhiều như đã tìm hiểu ở trên.
Gần với thể loại tự sự có tục ngữ. Việc ghi chép tục ngữ ở nước ta chỉ tiến hành từ thế kỷ XIX, vì vậy khó xác định chính xác những câu tục ngữ xuất hiện từ thời cổ. Tục ngữ Việt Nam có nhiều giá trị nhân bản rút từ tư tưởng Phật giáo. Những kinh nghiệm về nhân sinh của dân tộc Việt Nam biểu hiện ở tục ngữ tiềm tàng màu sắc Phật giáo, chứa đựng triết lý nhân quả luân hồi nghiệp báo và cả về đức từ bi – hỷ xã.
Ở văn hóa dân gian, tinh thần nhân ái là lẽ sống rất tha thiết gắn bó bền chặt tình cảm, đượm tình người. Câu tục ngữ ” đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt ” phản ánh điều kiện xã hội đời Lý chắc đã xuất hiện trước thế kỷ XII. Câu tục ngữ ” Ðất Bụt mà ném chân trời, chim thì bay mất, đất rơi xuống chùa” tuy hàm nghĩa rộng những cũng có thể đã xuất hiện khi Phật giáo còn rất thịnh ở Việt Nam. “Thương người như thể thương thân” nhân sinh quan này xuất phát từ đức từ bi hỷ xã của đạo Phật biểu hiện một hành vi cao đẹp của lòng thuần từ dân tộc. Nhìn chung, luân lý Phật giáo trong tục ngữ dể hiểu, dể cảm nhận, dạy con người biết sống đời sống tốt lành, lương thiện. “Giấy rách phải giữ lấy lề” hay ” sống đục sao bằng thác trong” là giáo lý tri túc – thiểu dục và tam quy ngủ giới của đạo Phật, ở đây ta thấy đã trở thành những nguyên tắc căn bản cho đạo làm người.
Triết lý nhân quả của đạo Phật cũng được dân gian Việt Nam hiểău một cách giản dị như “ở hiền gặp lành“, “gieo gió gặt bão“, “không có lửa sao có khói“.
Tinh thần bác ái, bố thí của đạo Phật được cụ thể vào thực tin bằng tinh thần đoàn kết tương thân tương ái: “môi hở răng lạnh” hay “máu chảy ruột mềm“.
Giáo lý luân hồi nghiệp báo được văn học dân gian thể hiện hóa bằng chính bản thân như “con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp chướng“, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước“.
Ðó là tinh thần Phật giáo trong tục ngữ là một tổng hợp kết tinh của những triết lý dân gian có ý nghĩa nhân sinh cao đẹp thấm đượm tình người. Nguyên lý cao đẹp của Phật giáo trong tục ngữ nhằm thể hiện khát vọng của con người bình dân trong cuộc sống.
Về múa hát dân gian, đáng chú ý là loại dân ca nghi l, hát chèo trong đó chèo Chải chùa Keo (Vũ Tiên, Thái Bình), chùa Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Ðịnh) liên quan đến việc thờ sư Minh Không là sinh hoạt l nghi dân gian có từ đời Lý – Trần, khi mà Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân. “Kể hạnh” và “hát kệ” gắn với Phật giáo cũng khá phát triển trong thòi Lý Trần. Hiện nay ta còn giữ được bài “Thiền tông bản hạnh” (Thiền tông truyền tông chỉ nam quốc ngủ hành) đời Trần, hoặc chèo “Quan Âm Thị Kính“. Hình ảnh và những tư tưởng Phật giáo trong kho tàng ca dao lại càng phong phú hơn nữa.
Có ý nghĩa biến dịch thay đổi của đời sống mà đạo Phật triển khai bằng giáo lý vô thường được nhân gian tiếp nhận, lấy đó làm quan điểm sống của mình:
” Ðời người như bóng phù du
Sớm còn tối mất, công phu lở làng.
Sinh không, tử lại hoàn không,
Khó ta ta chịu, đừng mong giàu người.”
Tư tưởng nhân quả, luân hồi nghiệp báo là niềm tin cố hữu của dân tộc.
“Ai ơi! Hãy ở cho lành,
Kiếp này chẳng gặp, để dành kiếp sau.”
Người bình dân tin hiện kiếp là sự tiếp nối của tiền kiếp và là điều kiện tạo quả ở hậu kiếp. Thế nên họ xem xét trau dồi thiện tâm là để tạo phúc ở kiếp sao. Ta có thể hiểu được điều đó ở bài ca dao sau:
” Người trồng cây hạnh, người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sao “.
Họ bảo nhau lánh xa phiền muộn khổ đau để an tâm hưởng cuộc sống thâm tâm an lạc hạnh phúc.
” Ở hiền thì lại gặp lành,
Ở ác gặp dữ, tan tành như chơi.”
Giáo lý nhân quả của nhà Phật được lọc qua lăng kính của nhân dân, biến thành những nguyên tắc sống đẹp: “làm việc gì cũng phải nghỉ đến hậu quả“.
“Quả báo ăn cháo gãy răng,
Ăn cơm gãy đũa, xỉa răng gãy chày”.
Bên cạnh đó, người bình dân còn nặng lòng hiếu kính mà “Kinh báo phụ mẫu ân” của đạo Phật đã đề cập “ân đức cha mẹ vô lượng vô biên, kể không bao giờ cùng” khơi nguồn từ lòng hiếu thảo trong ánh sáng đạo Phật, nhân dân lao động hình dung công ơn sinh thành dưỡng dục như sự vĩ đại, vĩnh hằng của trời cao bể rộng.
” Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Hiếu hạnh xuất phát bởi lòng từ bi, là Bồ tát hạnh vậy. Trên cơ sở đó, lòng hiếu thảo trở thành một nền luân lý đạo đức thiết yếu mà bổn phận làm con phải chu toàn:
” Làm trai hết đủ trăm đường,
Trước tiên đều hiếu, đạo thường xưa nay”.
Hiếu hạnh trong Phật giáo trong ca dao còn thể hiện ở tâm nguyện đối với tiền nhân, tổ tiên trong quáù khứ:
“Khôn ngoan nhờ ấm cha ông,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.
Ðạo làm con chớ có hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm”.
Phật trời là hình ảnh tinh khiết tiêu biểu tượng trưng cho tình yêu thương, cảm ứng thiêng liêng chứng giám cho lòng thành của người con hiếu thảo:
“Lâm râm khấn vái Phật trời,
Xin cho cha mẹ sống đời với con”.
Phật giáo thấm sâu tư tưởng toàn thiện toàn mỹ vào đời sống dân gian rất sâu đậm. Người dân lao động đã tìm về với Phật giáo như đó là nơi nương tựa an ủi, nơi để bày tỏ niềm tin và thể hiện khát vọng thanh bình giải thoát của mình trước tục lụy phù du của cõi đời ô trọc.
“Mười năm lưu lạc giang hồ,
Một ngày tu tạo cơ đồ lại nên”.
Ngôi chùa là nơi người dân gởi gắm bao kỷ niệm vui buồn với tất cả thâm tình. Rằm – mùng một họ dâng hương hoa phẩm vật cúng Phật.
“Tay bưng quả nếp vào chùa,
Thắp nhang lạy Phật, xin bùa em đeo”.
Hay
” Lên chùa lễ Phật quy y,
Cầu cho tuổi nọ tuổi ni kết nguyền”.
Trong thời kỳ đi xuống của đạo Phật, người bình dân vẫn biết phản ứng bằng những nụ cười để bày tỏ thái độ:
“Chị là con gái nhà giàu,
Ăn mặc tốt đẹp vào chầu tòa sen.
Em là con gái nhà hèn,
Ăn mặc rách rưới mom mem ngoài hè”.
Ngoài ra, tinh thần Lục Hòa của giáo lý thực tin đạo Phật cũng được ca dao thể hiện như một sức mạnh hiệu quả:
“Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Giáo lý tri túc – thiểu dục cũng trở thành triết lý:
“Trông lên thì chẳng bằng ai,
Trông xuống thì chẳng thấy ai bằng mình”.
Ðạo Phật là Ðạo của thực hành hơn là lý thuyết suông:
“Dẫu xây chín đợt phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người”.
Hay
“Thứ nhất là tu tại gia,
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”.
Tóm lại những tư tưởng giáo điều tốt đẹp của Phật giáo đã được người dân chọn lọc tiếp nhận, phù hợp với nhân sinh quan của cả nhân dân. Có thể nói ca dao trong văn học Việt Nam vô cùng phong phú như những kỳ hoa dị thảo tô thắm vườn văn học Việt Nam nói chung và tinh thần Phật giáo trong ca dao cũng hòa quyện với văn hóa dân tộc góp phần tăng giá trị tư tưởng văn hóa dân tộc, bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc được trường tồn.
Nếu truyện ngụ ngôn phản ánh sự vươn lên không ngừng của tư duy trong nhận thức xã hội loài người thì truyện cười là sản phẩm của trí tuệ luôn phát hiện những mặt mâu thuẫn thường xãy ra trong xã hội ấy. Chế độ phong kiến tồn tại được nhờ bạo lực của chính quyền phong kiến và nhờ cả một đội ngủ rộng rãi những kẻ tuyên truyền, bảo vệ ý thức hệ chính thống. Nếu vào thời Lý Trần bên cạnh những sư hổ mang đã có nhiều nhà sư thực lòng mộ đạo theo đúng tam quy ngũ giới thì từ đời Lê, nhất là từ thế kỷ XVI trở đi, đa số sư sãi là những kẻ buôn thần bán Phật, có hành trang ám muội nhơ nhuốc. Nếu như có lúc không ít sư sãi là những kẻ khẩu Phật tâm xà thì không ít các hạng thầy – thầy đồ gàn, thầy lang băm, thầy bói, thầy cúng Ầ là những kẻ giả đạo đức hoặc bịp bợm. Họ vẫn ra vẻ mình có giá trị to lớn hơn là mình có trong thực tế. Truyện dân gian cũng có truyện cười về nhà sư phá giới như “Thầy lang và thầy bói“, “Nhà có động“, “Ðẻ ra sư” Ầ là truyện có ý nghĩa hài hước sâu sắc. Tác giả dân gian tìm thấy và khai thác rất nhiều khía cạnh trong mâu thuẫn giữa bề ngoài và thực chất của sư sãi và các hạng thầy để gây cười.
Truyện “Nam mô boong!” là một trường hợp tiêu biểu. Truyện kể về một người đàn bà trẻ mới lấy chồng, chưa có con, nhan sắc đậm đà. Trong làng chức sự nhiều người để ý, gạ gẫm từ lâu, có cả nhà sư hổ mang, lý trưởng. Vợ chồng chị ta bày mưu đưa cả bọn vào tròng. Hôm sau, người đàn bà đến ngõ gặp ngay nhà sư lảng vảng buông lời trêu ghẹo. Chị vợ ưng thuận, hẹn canh 2 tiếp sư ở nhà mình, sư mừng quá nhận lời ngay. Chị ta cũng hẹn ông lý, thầy đồ y như thế. Tối đó, nhà sư đến trước, chưa kịp giở trò đã có tiếng gõ cửa. Sư cuống lên, chị ta bảo sư chui vào rọ rồi chị rút rọ lên xà nhà, hể ai hỏi thì chị bảo là chuông nhà chùa mới gửi. Lý trưởng vào cũng gặp tình trạng như sư; có tiếng gõ cửa, chị ta bảo thầy lý chui xuống gầm giường giả chó, nhớ có ai khua thì kêu gâu gâu đôi ba tiếng, Lý trưởng bí quá đành nghe theo. Người đàn bà mở cửa, thầy đồ vào cũng chưa kịp làm gì thì người chồng về gõ cửa, chị ta bảo thầy đồ chui vào hòm khóa. Người chồng bảo vợ “mai có người mời cỗ, ta xem lại quần áo!”, thấy bùng nhùng trong đống váy áo bèn hét “mèo hay chuột mà chui vào đống quần áo thế này, đưa tao con dao, tao xỉa một nhát cho nó chết đi!”. Thầy đồ sợ, đội váy áo đứng van xin, người chồng trói nghiến lại rồi vờ nhìn xuống gầm giường, lý trưởng vờ “gâu gâu“. Chồng hỏi “chó ở đâu thế?”, vợ đáp mới mua. Chồng bảo “chó cắn cả người nhà, đưa thước tao đập nó một trận“. Lúc đầu lý trưởng còn kêu gâu gâu, sau thò mặt ra van xin. Anh chồng trói lại, đoạn nhìn xà nhà hỏi “cái gì lủng lẳng kia?”, vợ nói là chuông chùa mới gửi. Chồng bảo “có kêu không? Ðể tao đánh thử“. Bèn lấy thước đánh luôn tay, nhà sư vội kêu “boong boong “. Anh chồng cứ đánh luôn tay, nhà sư cuống lên ” na mô boong na mô boong ” líu cả lưỡi, sau cùng đau quá xin tha. Anh chồng trói cả ba lại giải ra đình. Ba anh dại gái tiêu biểu cho thế lực phong kiến bề ngoài đạo mạo nay lộ nguyên hình. Truyện “Nam mô boong” có ý nghĩa đấu tranh xã hội mạnh mẽ.
Nhìn chung, kho tàng truyện cười mang ảnh hưởng Phật giáo có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Truyện đã kích nhằm xây dựng những tình cảm lành mạnh. Dưới mắt nhân gian, tăng ni là những người mẫu mực để bênh vực đạo đức, không thể chấp nhận những chuyện suy đồi ở họ. Vì thế dân gian dùng tiếng cười đả kích vào sự vi phạm luân lý đạo đức, lễ giáo – 3 anh dại gái đã “anh hùng tương ngộ” trong hoàn cảnh chẳng anh hùng chút nào nhằm nhằm góp phần đấu tranh cho luân lý đạo đức xã hội.
Nhìn lại nội dung một số sáng tác văn học dân gian ở nhiều thể loại tục ngữ, ca dao, truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích, truyện cười trong quan hệ ảnh hưởng với tinh thần Phật giáo ta thấy ít nhiều văn học dân gian đã phản ánh một thái độ sống, có một sức tác động mãnh liệt trong đời sống tín ngưỡng, tạo nên một sự kết hợp nhuần nhuyn giữa bản sắc dân tộc và tư tưởng Phật giáo. Qua một số nét cơ bản vừa phân tích tìm hiểu ta thấy được Phật giáo có sức ảnh hưởng không nhỏ, gắn bó mật thiết với tâm hồn người Việt Nam.
Ông cha ta vừa tiếp thu tư tưỏng Phật giáo làm kim chỉ nam vừa tạo nền luân lý nhân bản. Xuyên suốt lịch sử dân tộc Việt Nam, Phật giáo trong quá trình du nhập đã hòa mình, thích nghi với tâm hồn dân Việt kết thành mối dây bền chặt giữa Phật giáo và dân tộc. Với quá khứ trên hai ngàn năm lịch sử, Phật giáo Việt Nam, với ảnh hưởng mạnh mẻ của mình ở khía cạnh tích cực nhất, đã có mặt trong dòng văn học tràn đầy tình thương cao cả của đức từ bi hỷ xã, là hình bóng của lý tưởng Bồ Tát thường ban vui cứu khổ.
Tóm lại, nếu trên những trang sử oai hùng của dân tộc, Phật giáo chưa bao giờ bỏ rơi dân tộc thì trong văn học nói chung, văn học dân gian nói riêng, đạo Phật đã và đang là nguồn hứng khởi vô biên cho những tâm hồn nghệ sĩ trong sáng, viết lên cái tinh túy – nỗi khát khao nghìn đời được sống trong một thế giới đại đồng đầy tình người. Ðấy là tất cả ý nghĩa cao cả của lòng từ bi đã hội nhập vào dòng văn hóa truyền thống dân tộc.