Quan niệm đạo hiếu của Phật giáo

Quan niệm đạo hiếu của Phật giáo

 Thoại Anh trích dịch

Trong quá khứ, khi Phật Giáo truyền vào Trung Quốc, có những người theo Nho giáo không hiểu về đạo lý của Phật giáo, họ nhìn thấy những người xuất gia tu hành không phụng dưỡng cha mẹ, thế là họ cho rằng Phật Giáo là tôn giáo bất hiếu.

Trên sự thật, Phật giáo đặt nặng vấn đề hiếu thuận, vả lại hiếu thuận của Phật Giáo khác với hiếu thuận của thế tục, hiếu thuận Phật Giáo vượt ngoài hiếu thuận của thế tục.

Ba Ngài đại biểu cho đạo hiếu của Phật Giáo đó là: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Địa Tạng Bồ Tát và Tôn giả Mục Kiền Liên.

Thứ nhất là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vua Tinh Phạn phụ thân của Ngài sau 49 tuổi mới sinh được Thái Tử, đương nhiên hi vọng của vua Tịnh Phạn là kế thừa vương vị , nhưng Thái Tử lại xuất gia tu hành.

Mặc dù Thích Ca Mâu Ni Phật tuy chưa tròn bổn phận hiếu tại gia, nhưng lại tròn hiếu thuận xuất gia. Gọi hiếu thuận xuất gia, là vì sau khi Ngài thành đạo, Ngài liền về cung để độ phụ thân, và độ người trong gia tộc của Ngài, sau khi phụ thân của Ngài qua đời, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng trở về cung khiêng quan tài. Đoạn này ghi chép ở trong “Tịnh Phạn Vương Bát Niết Bàn kinh”.

Vị thứ hai là Địa Tạng Bồ Tát. Từ trong kinh chúng ta thấy, do lòng phát nguyện của Ngài Địa Tạng nên gọi Ngài là Vạn Niên Bồ Tát, tức là vĩnh viễn đều làm Bồ Tát, vì sao nói vĩnh viễn đều làm Bồ Tát nhỉ? Vì Địa Tạng Bồ Tát phát nguyện “chúng sanh độ hết, ta mới thành Phật”, chỉ vì chúng sanh chưa độ hết cho nên Ngài không thể thành Phật, nhưng tại sao Ngài lại phát nguyện “chúng sanh độ hết, ta mới thành Phật” nhỉ ?

Căn cứ theo “kinh Đia Tạng” ghi chép, Địa Tạng Bồ Tát trong thời quá khứ từng làm Bà La Môn nữ, mẫu thân của Ngài không những không tin Phật Giáo mà còn hủy báng Phật pháp, Ngài biết Mẹ của mình ở trong ác đạo chịu khổ luân hồi, cho nên Ngài ở trước Phật khẩn cầu và phát nguyện, nếu có thể cứu mẹ Ngài khỏi khổ của ác đạo thì trong kiếp vị lai Ngài sẽ độ hết thảy chúng sanh chịu khổ báo đều được giải thoát. Chúng ta nghĩ thử xem, chúng sanh làm sao mà độ hết được? chúng sanh vốn là độ không hết, mà đã độ không hết thì đương nhiên Ngài Địa Tạng không có cơ hội thành Phật, đây là lời nguyện mà Ngài đã phát lúc là Bà La Môn nữ, đoạn này ghi lại trong “kinh Địa Tạng phẩm thứ nhất” tức phẩm (đao lợi thiên cung thần thông).

Có lần Địa Tạng Bồ Tát làm nữ Quang Mục, mẹ của vị nữ Quang Mục này thích ăn cá, tôm và các loại thủy tộc, người mẹ này rất thích sát sanh, cho nên sau khi chết, theo nghiệp mà bị đọa vào trong địa ngục chịu đau khổ. Một vị A La Hán liền dạy nữ Quang Mục niệm danh hiệu Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, cầu Phật thương xót đến cứu độ mẹ của mình.

Do phát tâm cúng Phật, niệm Phật của nữ Quang Mục, cho nên sau đó người mẹ đầu thai vào trong nhà của Quang Mục và làm con của một nữ tỳ. Đứa bé này rất lạ kỳ, vừa mới sanh ra thì biết nói, bà bảo với Quang Mục rằng: “trong quá khứ ta đã từng là mẹ của ngươi, nhưng năm 13 tuổi thì chết, vì nghiệp của ta quá nặng nên bị đọa lạc”. Lúc đó, nữ Quang Mục liền vì mẹ mà phát nguyện, giá như ta có thể độ cho mẹ ta được giải thoát, thì ta sẽ độ tất cả chúng sanh được thành Phật, sau đó mới thành Phật, cho nên chúng ta tán thán Ngài Địa Tạng Bồ Tát : “chúng sanh độ tận, phương chứng bồ đề”.

Còn một vị nữa là Tôn giả Mục Kiền Liên. Nhân duyên của Tôn giả Mục Kiền Liên được ghi chép ở (kinh Vu Lan bồn). Tôn giả Mục Kiền Liên tu hành thành đạo, đạt được thần thông. Ngài rất có hiếu thuận, lúc chưa chứng thần thông, mặc dù nhớ nghĩ đến mẹ của Ngài, nhưng lại không thể tìm được mẹ, bởi vì không biết mẹ của Ngài tái sanh ở chỗ nào? Sau khi chứng được thần thông, Ngài liền lợi dụng nhãn thông của mình để quan sát thì phát hiện mẹ của Ngài ở trong chốn ngạ quỉ chịu sự đói khát.

Thế là Tôn giả Mục Kiền Liên liền lợi dụng thần thông của mình đem cơm đến cho mẹ ăn, mẹ của Ngài ở trong chốn ngạ quỉ đói khát không biết bao lâu, vừa nhìn thấy người nhà mang cơm đến cho bà, bà liền vội vàng dật lấy, nhưng vừa bưng cơm lên chưa đưa vào miệng thì cơm đã hóa thành than lửa. Lúc đó Tôn giả Mục Kiền Liên giật mình, đau lòng khóc lóc.

Trong tâm nghĩ: dùng thần thông của chính mình cũng không thể cứu được mẹ, Tôn giả Mục Kiền Liên đem chuyện bạch với Phật Đà, hỏi Phật có phương pháp nào mà cứu mẹ con không? Đức Phật liền bảo với Tôn giả Mục Liên rằng: “mẹ của ông lúc sanh tiền nghiệp chướng sâu dày, tham lam đố kỵ nặng nề, không phải chỉ có riêng ông mà cứu được , tất nhiên phải nhờ đến đạo đức cao dày của chư tăng, đặc biệt là trong ngày rằm tháng bảy lúc kiết hạ viên mãn, ông thiết lập trai tăng cúng dường, thỉnh mười phương chúng Tăng cầu nguyện thì mới có thể siêu độ được vong linh của mẹ ông.”

Tôn giả Mục Liên nghe lời dạy của Phật Đà, vào ngày rằm tháng bảy cúng dường trai tăng Vu Lan Bồn. Hiện nay pháp hội Vu Lan Bồn là pháp hội rất lưu truyền trong Phật Giáo, pháp hội Địa Tạng cũng là pháp hội rất thịnh hành.

Địa Tạng Bồ Tát và tôn giả Mục Liên đều là tấm gương của hiếu thuận, cho nên chúng ta nên hiểu rằng Phật Giáo là tôn giáo hiếu thuận.

Nhưng hiếu thuận như thế nào? Quan niệm hiếu thuận của Phật giáo, Nho giáo có chỗ không giống nhau. Bây giờ chúng ta đem quan niệm hiếu thuận của Phật giáo và Nho giáo ra để so sánh.

Phương pháp hiếu hạnh, đối với Nho giáo là khi cha mẹ còn tại thế, ngày ngày phải lo phụng dưỡng cho cha mẹ, ăn mặc ở phải để cho cha mẹ hưởng thụ đầy đủ, bản thân người con phải lập thân hành đạo, ở đời phải công thành danh tựu, mang lại tiếng thơm cho tổ tông, đây là hiếu. Nhưng sau khi cha mẹ mất thì sao? Nho giáo cho rằng, lúc cha mẹ mất, nên thờ cúng cha mẹ, như vậy mới là trọn con đường hiếu thuận trong khi sống cũng như khi chết, đây là phương pháp hiếu hạnh của Nho giáo.

Tiếp theo là nói đến phương pháp hiếu hạnh của Phật giáo, hiếu của Phật giáo là lúc cha mẹ còn sống, ngoài những phương thức hiếu hạnh dùng những vật chất thế tục như Nho giáo ra, còn phải dùng phương tiện thiện xảo để khuyên cha mẹ học Phật tin Phật, ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đây là hiếu thuận lúc cha mẹ còn tại thế. Sau khi cha mẹ rời khỏi đời này, phải thay thế cha mẹ tu tích công đức, chí thành hồi hướng cho cha mẹ vĩnh viễn ra khỏi tam giới, liễu thoát sanh tử, đây chính là phương pháp hiếu hạnh sau khi cha mẹ chết.

Cho nên điều đầu tiên trong (thất bút câu) của Đại Sư Liên Trì nói: “ân trọng sơn khưu, ngũ đảnh tam sanh vị túc thù”, tương truyền Đại Sư Liên Trì trước khi chưa xuất gia, Ngài làm quan trong triều đình. Có một lần, người nữ giúp việc trong nhà làm vỡ bình hoa mà Hoàng Đế tặng cho Ngài, Ngài Liên Trì rất tức giận, vì đồ quí báu của Hoàng Đế tặng mà đã bị vỡ. Lúc đó vợ của Ngài rất hiền từ, bà là người tin Phật Pháp, liền khuyên Ngài: “thế sự vô thường, xem nhẹ một chút” Ngài Liên Trì nghe câu nói này rất cảm động, cuối cùng thâm nhập kinh Phật, Ngài mới phát hiện Phật pháp quá tuyệt vời, về sau càng nghiên cứu sâu hơn về Phật pháp.

Sau khi nghiên cứu thâm sâu về pháp của Phật. Ngài liền quyết định xuất gia, vợ của Ngài muốn níu lại nhưng không thể níu kéo Ngài lại được, thế là vợ của Ngài mời một bà người hàng xóm có khiếu ăn nói qua để khuyên Ngài, bà ta nói với Ngài là: “xuất gia là bất hiếu, vì ông không có cách nào để hiếu thuận với cha mẹ của ông, lại không có cách nào để phụng dưỡng vật chất hiếu thuận lên cho cha mẹ.”

Lúc đó, Đại Sư Liên Trì đã hiểu Phật pháp, liền bảo cho bà ở điều thứ nhất trong (thất bút câu):“ân trọng sơn khưu, ngũ đảnh tam sanh vị túc thù”, là nói về ân cha mẹ cao như núi, nhưng không phải chỉ có năm đầu gia súc mới báo đáp được ân của cha mẹ, năm đầu súc vật là nói theo lễ vật ngày xưa của Trung Quốc, sau khi cha mẹ chết dùng để cúng bái cha mẹ. Năm đầu súc sanh là người quan lớn trong triều dùng làm vật để tế lễ cha mẹ, người đời lấy đây làm “báo hiếu trọn vẹn”, nhưng như vậy có báo đáp được ân cha mẹ không?

Vì cha mẹ mà báo ân, đặc biệt là người mẹ khổ cực nuôi ta khôn lớn, chẳng lẽ sau khi cha mẹ mất, giết heo để cúng tế cho cha mẹ? Như vậy có được xem là báo ân không? Việc này không thể được.

Câu thứ ba của Đại Sư Liên Trì nói: “thân đắc ly trần cấu, tử đạo phương thành tựu.ý là nói rằng, nếu con cái khuyên được cha mẹ xa lìa ô nhiễm của cõi trần, cõi trần là phiền não sanh tử, nếu được như vậy thì đây mới là hiếu thuận chân chánh. Cho nên Ngài Liên Trì lại nói: “xuất thế đại nhân do”, là nói tôi hôm nay xuất gia tu hành là có nhân duyên chân chánh, đó là nhân duyên gì? Chính vì tôi hôm nay muốn báo hiếu ân sinh thành nuôi dưỡng trọn vẹn không phải thuộc về đạo hiếu của thế gian, mà là đạo hiếu xuất thế gian. Câu sau nói: “phàm tình chẩm phẩu.

Tình ái của phàm phu là khó mà tháo gỡ, lại nói: “hiếu tử hiền tôn, hảo hướng chân không cứu, nhân thử bả ngũ sắc kim chương nhất bút câu.” Ý nói phàm là người con cháu hiếu thuận nên truy cầu đạo hiếu trong Phật giáo,ngoài đạo hiếu ở thế gian ra, phải nên thực hành hạnh hiếu của Phật giáo, thực hành hạnh hiếu của Phật giáo thì mới là nói: “thân đắc ly trần cấu, tử đạo phương thành tựu” cũng chính là lúc cha mẹ còn tại thế, nên khuyên cha mẹ tin Phật học Phật, ly khai ô nhiễm của thế gian, vì cha mẹ mà làm các công đức, khiến cha mẹ được sanh về thế giới cực lạc, đây mới là phương pháp hiếu hạnh của con cái.

Tuy nhiên đương lúc Ngài làm quan trong triều đình mặc dù rất tốt, nhưng vẫn không bằng xuất gia tu hành báo đáp ân cha mẹ.

Chúng ta đã từng nói: “nhất tử trì trai thiên Phật hỷ, cửu huyền thất tổ tận siêu sanh”. Câu này tôi tin rằng người nào học Phật lâu đều đã được nghe qua, một người con biết ăn chay, thì một ngàn vị Phật đều vui, đương nhiên cửu huyền thất tổ cũng được siêu sanh. Ngày xưa có một câu chuyện nhân duyên rằng.

Tương truyền có một người phát tâm muốn tu hành, ông ta liền vào trong núi sâu, đi đến chỗ nào cũng đều rất yên tịnh, khác xa với hoàn cảnh ở nhà, nên có những cảm giác không quen, tâm liền nghĩ: “ta đến đây xuất gia đúng không? dứt khoát ngày mai về thôi” trong lòng ông không muốn xuất gia nữa.

Một chóc, lại nghe tiếng khóc từ trên núi vọng xuống, ông ta nghĩ quá lạ lùng, khuya khoát vậy tại sao lại có tiếng khóc từ trên núi vọng xuống nhỉ?

Thế là ông ta hỏi sư phụ tri khách: “gần đây có mộ không? Nếu không thì tại sao lại có tiếng người khóc ven theo trên núi xuống nhỉ?” Sư phụ tri khách đáp: “không phải đâu, vì có người vốn muốn xuất gia tu hành nên cửu huyền thất tổ của người ấy đã được siêu sanh, bây giờ ông ấy hối hận không xuất gia nữa, những cửu huyền thất tổ đó lại bị đọa nên mới khóc vậy.”

Ông ta nghĩ, “ai dà, người nào đó không phải là tôi?” phát tâm tu hành, cửu huyền thất tổ đã siêu sanh hết, nhưng khi tâm tu hành bị thối thất, cửu huyền thất tổ lại phải bị đọa, tại sao ta không có tâm hiếu thuận nhỉ? Thế là ông ta lại phát tâm, bất luận như thế nào cũng phải học Phật tu hành. Phát tâm như vậy, qua một lát lại nghe tiếng chiêng tiếng trống gõ vang, một đoàn người lại vui vẻ đi lên núi, ông ta cảm thấy lạ kỳ, tối như vậy rồi, những người này đi đâu thế nhỉ? Ông ta lại hỏi sư phụ tri khách.

Sư phụ tri khách nói: “người nào đó lại phát tâm tu hành, cho nên cửu huyền thất tổ của ông ấy lại được siêu sanh.”

Đây chỉ là câu chuyện, nhưng trong đó lại bao hàm đạo lý thậm thâm, cũng là quán về đạo hiếu của Phật giáo. Từ đạo lý này, chúng ta có thể hiểu được, ở trong ngày lễ Vu Lan chúng ta nên làm gì để báo đáp ơn cha mẹ của chúng ta.