Pháp Tướng và Lược Truyện Chư Tổ Tịnh Độ Tông
Thích Tâm Mãn lược dịch
Pháp Tướng Đông Lâm Lô Sơn – Huệ Viễn Đại Sư
Tịnh Độ Sơ Tổ – Lô Sơn Đông Lâm – Huệ Viễn Đại Sư
1. Đại Sư Huệ Viễn (334-416): người Nhạn Môn, Sơn Tây. Thuở nhỏ đi theo cậu là Lịnh Cô Thị du học ở Hứa Xương, từ thuở thiếu thời Ngài đã tinh thông Nho học, Lão Trang cùng Bách Gia Chư Tử, khi xuống miền nam tham vấn nhà nho Phạm Tuyên, nghe ngài Pháp sư Đạo An, chùa Nghiệp Trung, ở Thái Hằng Sơn hoằng dương Phật học, Ngài liền tìm đến yết kiến vấn đạo, nghe Ngài Đạo An nói Kinh Bát Nhã. Đạo học cũng như tư cách thiền phong của Đạo An Đại Sư khiến Ngài khâm phục, nên Ngài phát tâm xuất gia học đạo, lễ ngài Đạo An làm thầy.
Năm 358 theo lời dạy của ngài Đạo An đến Kinh Châu tham vấn ngài Trúc Đạo Thái, giải phá luận kiến Tâm Vô Nghĩa của ngài Đạo Hằng, Ngài đăng tòa thuyết pháp khi vừa mới 24 tuổi, Ngài còn dùng cả luận lý của Trang Tử để giải nghĩa thật tướng của Phật Pháp. Năm 361 Ngài theo ngài Đạo An vào Vương Thất Sơn, năm 366 đến Nhượng Dương Hồ Bắc và ở đây 12 năm.
Năm 378 Ngài phụng mệnh ngài Đạo An xuống miền nam hoằng Pháp, Ngài đến ở chùa Thượng Minh ở Kinh Châu, năm đó Ngài 45 tuổi. Ngài muốn xuống miền nam tham vấn bạn đồng học là ngài Huệ Vĩnh ở chùa Tây Lâm núi Lô Sơn, sau đó Ngài ở lại tu hành tại núi Lô Sơn, ban đầu Ngài lập Tịnh xá Long Tuyền làm nơi cư trú, sau đó Pháp sư Huệ Vĩnh trụ trì chùa Tây Lâm ở phía tây núi Lô Sơn muốn mời Ngài cùng ở hoằng truyền Phật Pháp.
Đạo hạnh cũng như trí huệ ngài Huệ Viễn Đại Sư nổi tiếng khắp thiên hạ, nên hành giả Tăng chúng về nương Ngài tu học ngày càng đông, chùa Tây Lâm đất hẹp không thể lập đạo tràng để tiếp Tăng độ chúng. Bấy giờ có Quan Thái Sử Hoàn Y thấy thế, phát tâm cất chùa cho Ngài bên phía đông Lô Sơn. Gọi là Đông Lâm Thần Vận Tự cho Ngài trụ trì hoằng dương Tịnh Độ.
Đại sư còn sai đệ tử là Pháp Tịnh, Pháp Lĩnh đi Tây Thiên thỉnh Kinh, sau đó còn cho người đến Trường An thỉnh Tôn Giả Phật Đà Bạt Đà La, họp cùng những vị khác đến Lô Sơn phiên dịch các kinh điển ấy. Đại sư lại viết thư thỉnh cầu tôn giả Đàm Ma Lưu Chi, người Tây Trúc dịch bộ Thập Tụng Luật. Đại sư thành lập Bạch Liên Xã làm nơi tu hành Tịnh Độ, quy tụ hơn ba ngàn người, trong đây có 123 vị được tôn là Hiền. Trong 123 vị Hiền này, lại có 18 bậc thượng thủ gọi là Đông Lâm Thập Bát Đại Hiền.. Lập luận Sa môn bất bái vương giả có sự ảnh hưởng rất lớn trong Phật Giáo Bắc Truyền.
Huệ Viễn Đại sư và giai thoại Hổ Khê Tam Tiếu nổi tiếng thiên hạ. Chuyện kể rằng Ngài ở Lô Sơn hơn ba mươi năm, chân không bước ra khỏi núi. Ngài khước từ mọi sự liên lạc không cần thiết với đời, nguyện giải quyết vấn đề sanh tử ngay trong kiếp hiện tại. Khi có khách đến viếng, lúc ra về Đại sư nguyện chỉ tiễn chân tới cầu suối Hổ Khê trước chùa.
Có một lần, hai danh nhân là nho sĩ Đào Uyên Minh và đạo gia Lục Tu Tĩnh tìm đến yết kiến. Vì cơ luận khế hợp, khi dưa khách ra về, bất giác Đại sư bước ra khỏi cầu suối hồi này không hay biết. Vừa lúc ấy, ánh tịch dương chợt rọi đến, in bóng người bên vách núi. Cả ba như bừng tỉnh, đứng lại nhìn nhau cả cười, rồi chia tay tạm biệt. Người sau dựng Tam Tiếu Đình tại nơi đây để lưu niệm giai thoại đầy thiền ý này.
Ngày mùng 6 tháng 8 năm Bính Thìn, niên hiệu Nghĩa Hy thứ 12. Đại Sư sau hơn 83 năm trụ thế, hơn 30 năm trụ tích ở Lô sơn Hoằng dương Tịnh Độ, Ngài xã báo an tường vãng sanh Tịnh Độ. Quan Thái Thú Tầm Dương là Nguyễn Bảo cùng đại chúng làm lễ an táng và xây tháp Ngài tại phía tây Lô Sơn. Vua An Đế nhà Tấn hay tin rất thương tiếc, sắc phong cho Đại sư thụy hiệu “Lô Sơn Tôn Giả, Hồng Lô Đại Khanh, Bạch Liên Xã Chủ”. Các Vua đời sau đều có phong tặng để cảm niệm công đức hộ pháp an dân của Ngài.
Pháp Tướng Trường An Quang Minh – Thiện Đạo Đại Sư
Tịnh Độ Nhị Tổ – Trường An Quang Minh – Thiện Đạo Đại Sư
2. Đại Sư Thiện Đạo (613-681): là một trong những Đại sư cao Tăng thạc đức hoằng dương Tịnh Độ Tông nổi tiếng đời Đường. Người họ Chu xứ Tứ Châu. Năm 10 tuổi Ngài đến quy y xuất gia học đạo với ngài Minh Thắng Đại Sư ở Chư Thành – Sơn Đông, ban đầu học Tam Luận Tông, tụng đọc Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật.
Năm 641 đến chùa Huyền Trưng ở Giao Thành lạy ngài Đạo Xước cầu học Tịnh Độ, tu tập Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Nhân đọc Tịnh Độ Cửu Phẩm Đạo Tràng của Thiền sư Đạo Xước, Ngài liền tỏ ngộ thốt lên lời cảm thán rằng: “Đây mới thật là cửa mầu đi vào cảnh Phật, nếu như muốn tiêu trừ nghiệp khiên thoát khổ thành Phật thì duy chỉ có pháp môn này”.
Năm 645 sau khi ngài Đạo Xước viên tịch, Ngài trở về Trường An, tại chùa Từ Ân hoằng truyền diễn khai pháp môn Tịnh Độ, khuyến phát Tăng tục cùng tu, nhất tâm niệm Phật. Hơn 30 năm, Đại sư vừa hóa đạo, vừa chuyên tu, chưa từng ngủ nghỉ. Có đến hàng vạn người theo Ngài tu tập niệm Phật.
Năm 645, một hôm, Đại sư bỗng bảo mọi người rằng: “Thân này đáng chán, ta sắp về Tây!” Nói xong trèo lên cây liễu trước chùa, chấp tay hướng về Tây chúc nguyện rằng: xin Phật và Bồ Tát tiếp dẫn con, khiến cho không mất chánh niệm, được sanh về Cực Lạc. Nguyện xong, gieo mình xuống nhẹ nhàng như chiếc lá rơi, ngồi kết già ngay thẳng trên mặt đất, rồi Ngài an nhiên thị tịch, đệ tử lập tháp của Ngài tại chùa Hương Tích ở Trường An, vua Đường Huyền Tông truy niệm Đại sư khi niệm Phật, trong miệng phóng ra quang minh, nên sắc tứ cho chùa Ngài tên là Quang Minh Tự, vậy nên người đời sau thường xưng tụng Ngài là Quang Minh Hòa Thượng.
Pháp Tướng Nam Nhạc Di Đà – Thừa Viễn Đại Sư
Tịnh Độ Tam Tổ – Nam Nhạc Di Đà – Thừa Viễn Đại Sư
3. Đại Sư Thừa Viễn (712-802): người xứ Cẩm Dương, Hán Châu, Tứ Xuyên, là bậc đại sư danh tiếng của Phật Giáo đời Đường, là môn hạ của ngài Huệ Chân núi Ngọc Tuyền thuộc Tông Thiên Đài. Lúc mới xuất gia, Ngài theo học với Bảo Đường Tông Xứ Tịch Đại Sư. Sau đến học với ngài Trí Sân ở Tư Châu, rồi đến Kinh Châu tham học với ngài Huệ Chân ở chùa Ngọc Tuyền và được ngài Huệ Chân dạy lên núi Hành Sơn tu hành khổ hạnh. Sau khi tu hành khổ hạnh, Ngài nghe danh ngài Đại Nhựt Từ Mẫn ở Quảng Châu, liền đến cầu xin học Kinh Vô Lượng Thọ và Niệm Phật Tam Muội.
Sau đó Ngài trở về Hành Sơn hoằng hóa. Ban sơ Ngài tu thiền ở hang núi tại phía tây nam của Hành Sơn, Ngài lập nguyện khổ hạnh, tùy theo căn cơ chúng sanh mà chỉ dạy Thiền hoặc Tịnh. Ngài thường y theo tinh thần nhất tâm niệm Phật trong Kinh Ban Chu Tam Muội để dạy chúng, khuyến hóa mọi người niệm Phật, đồ chúng đông đến hàng vạn. về sau vua Đường Đại Tông sắc tứ cho đạo tràng của Ngài là Ban Chu Đạo Tràng, vua Đường Đức Tông ban bảng hiệu là Di Đà Tự, tức là tiền thân của chùa Hành Sơn Chúc Thánh sau này. Ngài viên tịch vào năm Trinh Nguyên thứ 18 đời nhà Đường, trụ thế 90 năm.
Pháp Tướng Ngũ Đài Trúc Lâm – Pháp Chiếu Đại Sư
Tịnh Độ Tứ Tổ – Ngũ Đài Trúc Lâm – Pháp Chiếu Đại Sư
4. Đại Sư Pháp Chiếu (747-821): là bậc cao Tăng nhà Đường, vì kính mộ ngài Huệ Viễn Đại Sư nên đến Lô Sơn tu học Niệm Phật Tam Muội. Năm Đại Lịch thứ nhất đời Đường, Ngài đến Di Đà Đài phát nguyện mỗi cửu tuần trong mùa hạ chuyên cần tu trì Ban Chu Tam Muội, cũng trong năm đó Ngài thọ Ngũ Hội Niệm Phật.
Sau đó Ngài đến chùa Vân Phong ở núi Hành Sơn tu hành, rồi đi đến chùa Hồ Đông. Năm Đại Lịch thứ 5, Đại sư đến chùa Phật Quang ở huyện Ngũ Đài, sáng lập Ngũ Hội Niệm Phật, lợi dung âm thanh biến hóa của câu niệm Phật nhanh chậm, cao thấp để biểu đạt cảm giác niệm Phật được an lạc và niệm phật là việc làm cấp thiết trong đời. Ngài soạn sách Tịnh Độ Ngũ Hội Niệm Phật Tụng Kinh Quán Hành Nghi và Tịnh Độ Ngũ Hội Niệm Phật Lược Pháp Sự Nghi Tán, để hoằng dương Tịnh Độ Tông.
Đại Sư sau đó ở tại Chùa Phật Quang núi Ngũ Đài, được Bồ Tát Văn Thù khai thị chỉ dạy cho Pháp môn Niệm Phật cầu được vãng sanh Tây Phương. Từ đó về sau, Đại sư chuyên tâm niệm Phật và mở nhiều đạo tràng niệm Phật, từ Ngũ Đài Sơn cho đến Trường An, từ dân gian cho đến hoàng cung, tín chúng theo Ngài niệm Phật nhiều không kể xiết, hóa độ cho vô số người. Sau khi Ngài viên tịch được triều đình phong tặng đức hiệu Đại Ngộ Hòa Thượng.
Pháp Tướng Tân Định Ô Long – Thiếu Khang Đại Sư
Tịnh Độ Ngũ Tổ – Tân Định Ô Long – Thiếu Khang Đại Sư
5. Đại Sư Thiếu Khang (?-805): họ Châu, người ở Tiên Đô Sơn xứ Tấn Vân, mẹ Ngài họ La, năm Ngài 7 tuổi cha mẹ cho vào chùa xuất gia, đến năm 15 tuổi thì Ngài tụng thông 5 bộ Kinh, sau đó đến thọ giới tại giới đàn chùa Gia Tường ở Triệu Châu và ở chùa này học luật 5 năm.
Năm Trinh Nguyên thứ nhất Ngài đến chùa Bạch Mã ở Lạc Dương, thấy có vật gì phóng ra ánh sáng trong đại điện liền đến xem, thấy được quyển văn Tây Phương Hóa Đạo do ngài Thiện Đạo sáng tác, liền tìm đến chùa Hương Tích ở Trường An xin vào trong nơi thờ di ảnh của ngài Thiện Đạo để đảnh lễ, khi lễ chơn tượng của ngài Thiện Đạo, Ngài thấy tượng ngài Thiện Đạo hóa thành thân Đức Phật A Di Đà, Ngài liền khởi tâm tu hành Tịnh Độ.
Sau đó Ngài đi về phương nam đến chùa Quả Nguyện ở Giang Lăng, được một vị sư ở trong chùa chỉ cho Ngài hướng đi về Tân Định Mục Châu. Khi đến Mục Châu, Ngài đi khất thực hóa duyên được tiền, liền đem ban phát cho các em nhỏ và dạy chúng niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Qua một năm Ngài đến núi Ô Long kiến lập Đạo Tràng Tịnh Độ, vân tập mọi người ngày đêm niệm Phật, hành đạo tán tụng, gặp các ngày trai giới Ngài thường thăng tòa xướng tụng lớn danh hiệu Đức Phật A Di Đà, khi Ngài niệm thì hình tượng của Đức Di Đà từ miệng Ngài đi ra, nếu Ngài niệm đến mười tiếng thì có mười Đức Phật đi ra theo hình bận chuổi.
Ngài thị tịch vào năm thứ 21 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường, tháp Ngài được dựng ở Châu Đông Đài Tử Nham. Năm thứ 3 niên hiệu Càn Hựu , Đức Thiều Thiền Sư ở Núi Thiên Đài trùng kiến tháp của Ngài, bấy giờ mọi người đều tôn danh hiệu của Ngài là Hậu Thiện Đạo, được tôn xưng là Tổ thứ năm của Tịnh Độ Tông.
Pháp Tướng Hàng Châu Vĩnh Minh – Diên Thọ Đại Sư
Tịnh Độ Lục Tổ – Hàng Châu Vĩnh Minh – Diên Thọ Đại Sư
6. Thiền Sư Vĩnh Minh Diên Thọ (940- 975): Ngài người họ Vương, thế danh Diên Thọ, tự là Xung Nguyên, hiệu là Bao Nhất Tử xứ Tiền Đường Hàng Châu, là vị Thiền Sư danh tiếng cuối đời Đường đầu thời Ngũ Đại, là Tổ thứ 3 của Pháp Nhãn Tông, sau được hậu thế tôn sùng là Tổ thứ sáu của Tịnh Độ Tông.
Diên Thọ Thiền Sư khi chưa xuất gia, Ngài làm quan ở địa phương thời vua Thế Tông nước Ngô Việt, phụ trách về quân nhu, là người chánh trực, thường ngày trì tụng Kinh Pháp Hoa. Năm Ngài 34 tuổi (937) có Thiền sư Túy Nham Lịnh Tham hoằng pháp tại chùa Long Sách núi Tứ Minh, nên Ngài phát tâm theo Thiền sư xuất gia tu học.
Vua Ngô Việt là Văn Mục Vương thấy Ngài phát tâm cầu đạo tha thiết, nên chuẩn y cho Ngài theo Thiền sư Túy Nham Lịnh Tham xuất gia thọ giới tu hành, sau đó Ngài đến Thiên Trụ Phong của Núi Thiên Đài, tham thiền học đạo trong 90 ngày, chuyên tâm tọa thiền cho đến cảnh giới chánh định, ngay cả chim chóc làm tổ trên đầu mà Ngài cũng không biết. Sau đó Ngài đến tham vấn Quốc Sư Đức Thiều núi Thiên Đài, phát tâm đại ngộ được truyền tâm pháp làm Tổ của Pháp Nhãn Tông.
Năm 952 Diên Thọ Thiền Sư tại Chùa Tuyết Đậu ở Phụng Hóa tu hành khổ hạnh và truyền thọ Thiền pháp được Ngô Việt Quốc Vương kính trọng. Năm 960 Ngô Việt Trung Ý Vương Tiền Hoằng Thục thỉnh Ngài Diên Thọ Thiền Sư trụ trì chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu. Năm 961 Ngài đến trụ tại chùa Vĩnh Minh núi Huệ Nhựt, Ngài trước tác bộ Tông Cảnh Lục và bộ Vạn Thiện Đồng Quy… Mỗi ngày đêm Ngài trì tụng một bộ kinh Pháp Hoa, niệm 10 ngàn câu Phật hiệu. Người đương thời tôn xưng Diên Thọ Đại sư là Phật A Di Đà ứng hóa. Học chúng lên đến hơn 2 ngàn người, pháp âm đại chấn.
Ngô Việt Trung Ý Vương kính trọng đạo hạnh của Ngài nên ban cho đạo hiệu là Trí Giác Thiền Sư. Ngài hành đạo ở chùa Vĩnh Minh 50 năm, vua nước Cao Ly khi đọc sách Tông Cảnh Lục của Ngài sáng tác đã sai người đem Ca Sa đến cúng dường Ngài để tỏ lòng kính ngưỡng. Vào năm thứ 8 niên hiệu Khai Bảo (975) Đại sư an nhiên thị tịch, Vua Tống Huy Tông phong tặng đức hiệu cho Ngài là “Tông Chiếu Thiền Sư”, Vua Ung Chánh đời Thanh phong Ngài là “Viên Diệu Chánh Tu Trí Giác Thiền Sư”.
Pháp Tướng Hàng Châu Chiêu Khánh – Tỉnh Thường Đại Sư
Tịnh Độ Thất Tổ – Hàng Châu Chiêu Khánh – Tỉnh Thường Đại Sư
7. Đại Sư Tỉnh Thường (959 – 1020): xuất thế năm thứ 7 niên hiệu Hiển Đức (959) đời vua Thế Tông nhà Hậu Chu, Ngài xuất gia tu học vào năm 7 tuổi, đến năm 17 tuổi Ngài được ân sư cho đăng Tam đàn thọ Cụ túc giới, đại phát bồ đề tâm, gìn giữ giới hạnh tinh nghiêm tu hành ngày một tinh tấn. Ngài lấy việc nghiên cứu học tập Đại Thừa Khởi Tín Luận và trước tác các luận lý Phật Giáo, tinh thông pháp môn chỉ quán của Thiên Đài Tông, đối với Tịnh Độ Tông, Ngài hết tâm hành trì và được nhiều điều tâm đắc trong Tịnh tu.
Niên hiệu Hưởng Hóa đời Tống, Ngài trụ ở chùa Chiêu Khánh Tây hồ Hàng Châu tỉnh Triết Giang, chuyên tu tịnh nghiệp, Ngài ngưỡng mộ Tổ sư Huệ Viễn tạo Liên Xã ở Lô Sơn, tập họp đồ chúng lại tu niệm Phật, tại Hàng Châu, Ngài phục hưng lại phong khí kết xã niệm Phật của Lô sơn, được rất nhiều tín chúng và sĩ phu đương thời tham gia tu trì niệm Phật. Ngài lấy phẩm Tịnh Hạnh trong Kinh Hoa Nghiêm làm tông chỉ quy thú của kết xã niệm Phật, vì vậy hội chúng đạo tràng niệm Phật của Ngài xưng là Tịnh Hạnh đệ tử.
Ngài còn tự lấy máu của mình để chép phẩm Kinh Tịnh Hạnh, cứ viết một chữ Ngài đảnh lễ 3 lạy và đi nhiễu 3 vòng, niệm 3 lần danh hiệu Phật. Sau đó Ngài dùng gỗ chiên đàn điêu khắc tượng Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, khi tượng Phật điêu khắc hoàn thành, Ngài cùng các đệ tử quỳ bái trước tượng Phật mà phát nguyện rằng: “con cùng 1 ngàn đệ tử, 80 vị Tỳ Kheo, từ đây cho đến vô cùng tận muôn đời sau, nguyện phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát hạnh, nguyện tận hết báo thân được vãng sanh về An Dưỡng quốc. Vào ngày 12 tháng giêng, niên hiệu Thiên Hy thứ 4 đời vua Chân Tông nhà Tống (1020) Đại sư an nhiên Thị tịch, tứ chúng khởi tháp phụng thờ.
Pháp Tướng Hàng Châu Vân Thê – Liên Trì Châu Hoằng Đại Sư
Tịnh Độ Bát Tổ – Hàng Châu Vân Thê – Liên Trì Châu Hoằng Đại Sư
8. Đại Sư Liên Trì Châu Hoằng (1535- 1615): Ngài họ Trầm thế danh là Châu Hoằng tự là Phật Huệ, hiệu là Liên Trì, nên người đời thường xưng Ngài là Liên Trì Đại Sư, quê Ngài ở Nhơn Hòa Hàng Châu, Ngài là một Đại Tăng danh tiếng của thời nhà Minh, vì Ngài trụ trì chùa Vân Thê nên cũng được tôn xưng là Vân Thê Hòa Thượng. Sau Ngài được tôn xưng là Tổ thứ 8 của Tịnh Độ Tông. Ngài cùng các vị Đại sư, Tử Bá Chân Khả, Mẫn Sơn Đức Thanh, Ngẫu Ích Trí Tuần được tôn xưng là 4 vị Đại cao Tăng của thời nhà Minh.
Đai sư thuở thiếu thời thông minh đỉnh đạt, 17 tuổi đỗ tú tài nhưng chí của Ngài không trọng thị công danh, trãi qua nhiều biến cố trong cuộc đời Ngài ngộ được chân lý, sanh tử mới là việc lớn nhất cần phải cố gắng để giải quyết trong cuộc đời này. Năm 31 tuổi sau khi mẹ Ngài mất, Ngài quyết chí xuất gia cầu Hòa Thượng Thiên Lý làm Bổn sư thế phát làm Tăng, sau đó phát tâm hành cước khắp danh sơn phạm sát tầm sư học đạo, Ngài từng đến Kinh đô tham kiến hai vị trưởng lão là Biến Dung và Tiếu Nham, và xin theo hai vị này học đạo một thời gian, sau đó tham cứu câu niệm Phật là ai, khi đi ngang qua Đông Xương, Ngài quát nhiên liễu ngộ Phật ý.
Niên hiệu Long Khánh thứ 5 (1571) đời vua Minh Mục Công, Ngài đến núi Vân Thê trùng kiến chùa Vân Thê, bắt đầu hoằng dương Phật Pháp, tín chúng Tăng đồ tựu lại học đạo rất đông, chùa Vân Thê bỗng chốc trở thành Tòng Lâm Bảo Sát.
Ngài chuyên trì giới luật nên mỗi nữa tháng đều trì Kinh Phạm Võng và Tỳ Kheo Giới phẩm. Vì có nhân duyên sâu dày với Tịnh Độ và khi đi tham học Ngài có nghiên cứu pháp môn niệm Phật, nên Pháp môn Ngài hành trì Tịnh Độ niệm Phật tọa thiền, xiển dương Thiền Tịnh song tu. Ngài trước tác bộ Di Đà Sớ Sao, Ngài còn biên tập các sách Thiền như Thiền Tông Ngữ Lục, Thiền Quan Sách Tấn. Do nghiêm trì giới luật coi trọng giới không sát sanh, nên cổ xúy phóng sanh và trước tác rất nhiều văn chương để cho hậu thế.
Niên hiệu Vạn Lịch thứ 43 (1615) đời vua Minh Thần Tông, Ngài thị hiện bệnh tướng, tập họp đồ chúng lại dặn dò: nên chân thật niệm Phật, luôn nhớ đừng làm việc gì không đúng, phải y theo quy củ mà tu hành, dặn dò xong Ngài ngồi ngay thẳng trang nghiêm, mặt quay về hướng Tây niệm Phật an nhiên viên tịch, trụ thế 80 tuổi.
Pháp Tướng Bắc Thiên Mục – Linh Phong Ngẫu Ích Đại Sư
Tịnh Độ Cửu Tổ – Bắc Thiên Mục – Linh Phong Ngẫu Ích Đại Sư
9. Đại Sư Ngẫu Ích (1599- 1655): Ngài họ Chung, là người xứ Giang Tô quê ở Mộc Đậu, tự là Trí Húc, hiệu là Ngẫu Ích, Ngài còn một hiệu nữa là Tây Hữu, biệt hiệu là Bát Bất Đạo Nhân, là một trong bốn vị danh Tăng cuối thời nhà Minh, được tôn là Tổ thứ 9 của Tịnh Độ Tông, về già Ngài trụ ở chùa Linh Phong huyện Hàng tỉnh Triết Giang nên được tôn xưng là Linh Phong Ngẫu Ích Đại Sư.
Niên hiệu Thiên Khải thứ 2 đời nhà Minh, Ngài 28 tuổi, nhân vì ngưỡng mộ ngài Mẫn Sơn Đại sư nên theo đệ tử của ngài Mẫn Sơn là Tuyết Lãnh thiền sư xuất gia học đạo. Sau đó đến núi Thiên Đài nghiên cứu Thiên Đài Tông, Ngài được công nhận là một trong những Đại sư có sự thành tựu về giáo nghĩa Thiên Đài cuối cùng của Thiên Đài Tông, nhưng Đại sư vẫn phát nguyện nhất tâm về Tịnh Độ và tín ngưỡng Đức Phật A Di Đà.
Ngài trước tác rất nhiều sách như: A DI Đà Kinh Yếu Giải, Phạm Võng Kinh Huyền Nghĩa, Bồ Tát Giới Bổn Tiên Yếu, Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa Tiết Yếu, Pháp Hoa Kinh Hội Nghĩa, Lăng Nghiêm Kinh Huyền Nghĩa, Lăng Nghiêm Kinh Văn Yếu, Duyệt Tạng Tri Tân, Pháp Hải Quán Lan, Châu Dịch Thiền Giải. Người đời sau tập hợp lại tập thành bộ Ngẫu Ích Đại Sư Toàn Tập.
Năm Thuận Trị thứ 2 (1614), vào cuối Đông, Đại sư cảm bệnh nhẹ, Ngài di chúc mọi việc và dặn các đệ tử, sau khi Ngài viên tịch đem trà tỳ, lấy xương phải tán nhuyễn rồi trộn với bột hòa thành viên, chia thí cho loài cá chim để kết duyên Tịnh Độ với chúng.
Đầu năm Thuận Trị Thứ 3 đời nhà Thanh (1615), ngày 21 tháng Giêng, sáng đó Đại Sư dậy sớm, sắc diện tươi tỉnh như người không có chút gì là tật bịnh. Đến đúng ngọ, Ngài đoan tọa trên giường, xây mặt về Tây chấp tay niệm Phật mà tịch, trụ thế 57 tuổi.
Ba năm sau, các đệ tử môn nhân của Ngài hội lại, định y pháp làm lễ trà tỳ. Lúc mở bảo tháp ra thấy toàn thân Đại sư vẫn còn nguyên vẹn, tóc ra dài phủ hai tai, sắc mặt tươi tỉnh như sống. Đại chúng không nỡ tuân lời di chúc, xây tháp thờ toàn thân Ngài ở chùa Linh Phong.
Pháp Tướng Ngu Sơn Phổ Nhơn – Tiệt Lưu Hành Sách Đại Sư
Tịnh Độ Thập Tổ – Ngu Sơn Phổ Nhơn – Tiệt Lưu Hành Sách Đại Sư
10. Đại Sư Hành Sách (1628-1682): Ngài là Người Tuyên Hưng – Tô Châu, họ Tưởng, tự là Tiệt Lưu, hiệu là Hành Sách, là bậc cao Tăng đắc đạo đời nhà Thanh, được tôn xưng là Tổ thứ 10 của Tịnh Độ Tông.
Cha của Ngài là Tưởng Toàn Xương bạn thâm giao của Ngài Mẫn Sơn Đức Thanh đại sư, khi Ngài 23 tuổi thì cha mẹ đều qua đời, Ngài đến chùa Lý An ở Vũ Lâm lễ ngài Nhược Am Thông Vấn làm thầy, xuất gia học đạo. Sau đến chùa Báo Ân được ngài Am Anh khuyên tu Tịnh Độ.
Niên hiệu Khang Hy thứ 2 (1663) đời nhà Thanh, Ngài đến Hàng Châu vào chùa Pháp Hóa kết am Liên Phụ chuyên tu Tịnh Độ. Niên hiệu Khang Hy thứ 9, Ngài đến trụ trì Tấn Nhân Viện ở núi Ngu Sơn, hoằng dương phục hưng pháp môn Tịnh Độ. Trước tác sách Kim Cang Kinh Sớ Ký Hội Biên, Khuyến Phát Chơn Tín Văn, Khởi Nhất Tâm Tinh Tấn Niệm Phật Thất Kỳ Quy Thức, Bảo Cảnh Tam Muội Bổn Văn. Niên Hiệu Khang Hy thứ 21 Ngài viên Tịch.
Pháp Tướng Hàng Châu Phạm Thiên – Tỉnh Am Đại Sư
Tịnh Độ Thập Nhất Tổ – Hàng Châu Phạm Thiên – Tỉnh Am Đại Sư
11. Đại Sư Tỉnh Am (1686-1734): tự là Tư Tề, hiệu là Tỉnh Am, là người xứ Thường Nhiệt Giang Tô. Đại sư khi sinh ra đã không ăn mặn, năm 7 tuổi bái Hòa Thượng Dung Tiên ở am Thanh Lương làm thầy xuất gia hành điệu. Năm 15 tuổi chính thức nhập đạo tu hành, Đại sư trí tuệ thông minh, phàm những kinh sách khi đã học qua Ngài đều thuộc lòng không quên một câu, thi văn thơ phú không có thứ nào mà Ngài không tinh thông, nhưng điều Ngài quan tâm nhất vẫn là việc “Sanh Tử Sự Đại”.
Năm 24 tuổi Đại sư thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Chiêu Khánh. Từ đó Ngài nghiêm trì giới luật, không lìa y bát, ngày ăn một bữa. Đại sư đến nghe pháp với Pháp sư Y Cự Thành giảng về Pháp Hoa Huyền Nghĩa, lạy ngài Thiệu Đàm Đại sư học Duy Thức, Lăng Nghiêm và Chỉ Quán, Ngài ngày đêm tinh cần học hỏi nghiên cứu, tham cầu chân đế, không đến 3 năm toàn bộ yếu chỉ của Đại thừa như: Đại Thừa Phật Học Tam Quán, Tánh Tướng Chi Học, Ngài đều dung thông, được ngài Thiệu Đàm Đại Sư thọ ký cho Ngài là đời thứ tư của phái Linh Phong, Thiên Đài Tông.
Sau đó Ngài đến chùa Sùng Phúc bái Hòa Thượng Linh Thứu, tham học thiền thoại đầu “Niệm Phật là ai”, tham thiền được 4 tháng Ngài hốt nhiên đại ngộ. Từ đó về sau Ngài trở thành bậc Thiền môn kiệt xuất Tăng tài, tư duy thâm áo, biện tài vô ngại. Hòa Thượng Linh Thứu muốn truyền y bát và ngôi vị trụ trì cho Ngài, nhưng Ngài từ chối ra đi đến chùa Chân Tịch bế quan, ban ngày đọc tụng Đại Tạng Kinh, đêm đến trì danh hiệu Phật, hết 3 năm, khi Ngài xuất quan đại chúng thỉnh Ngài đăng tòa thuyết giảng Pháp Hoa Kinh, lời như sông chảy, văn như suối tuôn trào, thao thao bất tuyệt.
Danh tiếng của Ngài vang vọng khắp một vùng Giang Triết, Ngài được thỉnh đi khắp chùa chiền ở hai vùng này giảng Kinh thuyết Pháp, hoằng truyền Pháp môn Tịnh Độ, Ngài trước tác bài Phát Bồ Đề Tâm Văn làm chấn động thiên hạ Phật Giáo, lời văn cảnh tỉnh không biết bao nhiêu là người con Phật. Ngài còn viết Tịnh Độ Thi, Niết Bàn Sám, Tây Phương Phát Nguyện Văn Sám, Tục Vãng Sanh Truyện.v.v… hết mực hoằng dương Tịnh Độ.
Lúc về già Đại Sư thoái ẩn ở chùa Tiên Lâm – Hàng Châu, phát nguyện chân không rời chùa, tận lực tu trì Tịnh nghiệp. Nhiều người đến thỉnh Đại sư lâm đàn thuyết giáo nhưng Ngài đều chối từ, ngày đêm chuyên trì tu hành Tịnh Độ, đại chúng đều cho rằng Ngài là hậu thân của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ Đại Sư.
Niên hiệu Ung Chánh thứ 12 (1733), Đại Sư báo cho đại chúng biết trước ngày giờ mình viên tịch, đúng như lời Ngài báo trước, Đại sư y áo chỉnh tề chánh thân đoan tọa niệm Phật vãng sanh an nhiên thị tịch. Ngài Vô Trụ Hòa Thượng, thượng thủ chùa Ngu Sơn thỉnh linh cốt của Đại sư đem nhập tháp tại Cầm Xuyên Phất Thủy Tây ở Thường Nhiệt. Niên hiệu Càn Long thứ 7 chư Tăng chùa A Dục Vương hoài niệm đạo hạnh của Đại Sư, nên rước linh cốt của Ngài về xây tháp phụng thờ ở phía Tây chùa A Dục Vương.
Pháp Tướng Hồng Loa Tư Phước – Triệt Ngộ Tế Tỉnh Đại Sư
Tịnh Độ Thập Nhị Tổ – Hồng Loa Tư Phước – Triệt Ngộ Tế Tỉnh Đại Sư
12. Đại Sư Triệt Ngộ Tế Tỉnh (1741-1810): pháp danh Tế Tỉnh, tự là Triệt Ngộ Nạp Đường, hiệu là Mộng Đông, người đời gọi Ngài là Hồng Loa Triệt Ngộ. Ngài là người xứ Phong Nhuận Hà Bắc, là cao Tăng của Phật Giáo đời nhà Thanh, được tôn là Tổ thứ 12 của Tịnh Độ Tông.
Tế Tỉnh Đại sư khi 22 tuổi, bị bệnh rất nặng, sau đó Ngài liễu ngộ nhân sanh vô thường, nên phát tâm quy y đầu Phật, Ngài đến am Tam Thánh lạy ngài Hòa Thượng Vinh Trì làm Thầy xuất gia học Đạo, cùng năm đó Ngài đến chùa Tụ Vân cầu thọ Cụ túc giới, rồi cầu học Kinh Viên Giác, Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cang và Duy Thức và các giáo nghĩa của Đại thừa Phật Giáo.
Sau đó Ngài được thỉnh trụ trì chùa Vạn Thọ và chùa Quảng Thông, Ngài cổ xúy Thiền Tịnh song tu, hoằng dương pháp môn niệm Phật. Niên hiệu Gia Khánh thứ 5 Ngài đến trụ trì chùa Hồng Loa, ở đây Ngài chuyên tâm hoằng truyền Tịnh Độ Giáo Nghĩa, khuyên người tu hành Pháp môn niệm Phật, danh đức của Ngài vang khắp thiên hạ, đương thời được mọi người tôn xưng là Hải Nạp Tịnh Độ Thủ Suy Hồng Loa Yên. Ngài trước tác Niệm Phật Dà Đà, Triệt Ngộ Thiền Sư Ngữ Lục. Ngài Viên tịch vào năm Gia Khánh thứ 15 đời nhà Thanh.
Pháp Tướng Tô Châu Linh Nham – Ấn Quang Đại Sư
Tịnh Độ Thập Tam Tổ – Tô Châu Linh Nham – Ấn Quang Đại Sư
13. Đại Sư Ấn Quang (1862- 1940): Pháp danh là Thánh Lượng, biệt hiệu là Thường Tàm Quý Tăng, được tôn là Tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông, là vị Đại sư có công nhất trong sự nghiệp trung hưng Tịnh Độ Tông, là một trong những vị đại Tăng kiệt xuất của Phật Giáo Trung Hoa trong sự nghiệp chấn hưng Phật Giáo. Thường được tôn xưng là Ấn quang Đại Sư.
Đại Sư Ấn Quang sinh vào năm 1861, niên hiệu Hàm Phong thứ 11 đời nhà Thanh, Ngài họ Triệu tên là Thiệu Y, tự là Tử Nhậm, người Huyện Cáp Dương tỉnh Thiểm Tây. Thời còn nhỏ Ngài theo học Nho, năm 21 tuổi Ngài đến chùa Liên Hoa Động phía nam ngũ đài núi Chung Nam lễ Hòa Thượng Đạo Thuần cầu xin xuất gia học Phật. Từ đó Ngài chuyển học Nho qua chuyên tâm nghiên cứu học Phật, khi Ngài đi xuất gia mọi người trong gia đình đều phản đối nhưng Ngài rất kiên định, cuối cùng gia đình cũng phải thuận ý cho ngài đi tu.
Hòa Thượng Đạo Thuần cho Ngài đi đến An Huy tham học, trên đường đi An Huy, Ngài đi ngang qua chùa Liên Hoa ở Hồ Bắc, và ở lại chùa này hành hạnh khổ hạnh, Ngài đọc được văn Long Thơ Tịnh Độ từ đó ý niệm tu hành Tịnh Độ của Ngài ngày thêm kiên định, ý nguyện dùng Tịnh Độ Tông để cứu đời ngày một lớn hơn.
Năm 1887 Ngài ở tại chùa Pháp Vũ núi Phổ Đà tu hành đọc tụng Tam tạng kinh điển trong hơn 3 năm. Năm 1918 Ngài in các ấn phẩm kinh thư về Tịnh Độ hơn một trăm loại, số lượng hơn cả vạn cuốn để phổ biến Phật Pháp đến khắp nhân gian. Ngài còn dùng sách của Đạo Nho là Liễu Phàm Tứ Huấn và sách của Đạo Lão là Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, dùng hai tư tưởng này lại để hoằng truyền Phật Pháp.
Năm 1926 trụ trì chùa Linh Nham ở Tô châu là Hòa Thượng Chân Đạt vì muốn trùng chấn qui củ của đạo tràng Tịnh Độ, nên thỉnh Ngài đính lập thanh quy, Ấn Quang Đại sư lập ra 5 điều quy tắc, làm cơ sở cho các đạo tràng tu hành Tịnh Độ, Ngài còn lập các cơ sở như: Phóng Sanh Niệm Phật Đạo Tràng ở chùa Pháp Vân – Nam Kinh, Phật Giáo Từ Ấu Viện để nuôi dạy trẻ em, và Giám Ngục Cảm Hóa Hội, đi cứu tế ủy lạo làm từ thiện khắp các nơi.
Năm 1930 Ấn Quang Đại Sư đã 70 tuổi, Ngài đến chùa Báo Quốc ở Tô Châu bế quan tu hành, giao các công việc Phật sự lại cho tứ chúng đệ tử. Năm 1937 Ngài về làm giám viện chùa Linh Nham, Hòa Thượng Diệu Chân thỉnh Ngài tiếp tục hoằng truyền pháp môn Tịnh Độ. Ngày mồng 4 tháng 11 Năm 1940 Ngài tập hợp đồ chúng lại căn dặn, di chúc rồi Ngài an nhiên tịnh tọa, mặt hướng về Tây niệm Phật, Đại Sư an tường thị tịch trong tiếng niệm Phật hộ niệm của tứ chúng tử tôn, trụ thế 80 tuổi.