Đang mơ màng trong giấc ngủ muộn, tôi và bé Yến bỗng giật mình bởi tiếng chuông điện thoại báo giờ tụng kinh Lăng Nghiêm Online của nhóm du học tăng chúng tôi vang lên. Mắt thì con nhắm con mở, đầu thì đang lâng lâng chưa tỉnh hẳn nhưng tiềm thức đủ nhạy bén để đưa tôi về với một kỷ niệm của ngày xưa – nhân duyên xuất gia của tôi cách đây hơn 20 năm.
Khi đó, tôi lên chùa không phải vì thích xuất gia mà để dự đám giỗ của ông nội tôi. Lúc sanh tiền, ông nổi tiếng “tứ đổ tường”, một ông thông ngôn cho Pháp rồi đến cho Mỹ, tiền lương của ông không biết xài đâu cho hết nên mặc sức ăn chơi. Nghe Ni Sư kể lại không món lạc thú nào trên đời ông chưa từng thử nghiệm qua.Vậy mà, cuối cuộc đời ông lại nương nhờ cửa Phật. Tất nhiên, ông không chính thức xuất gia tu hành mà chỉ vì lo lắng cho Ni Sư thân gái một mình mà tu hành trên núi non nên theo chăm sóc và bảo vệ mà thôi. Không ngờ, tiếng mõ hồi chuông cộng thêm tương chao của nhà chùa đã “tẩy rửa” hoàn toàn tâm hồn và thể xác của ông. Từ một người đàn ông xa hoa trác táng ông trở thành một ông từ hộ pháp của chùa, cứ đúng 3.30 giờ mỗi khuya ông dậy thỉnh Đại Hồng Chung cho Ni Sư tụng Lăng Nghiêm. Nghe kể như vậy tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác rồi đâm ra nghi ngờ: lẽ nào Ni Sư dùng chiêu này để dụ tôi xuất gia? Thật hoang đường! Từ sự nghi ngờ tôi sanh ra tò mò, chính sự tò mò đã đánh thức nhân duyên Phật pháp còn tiềm tàng ẩn sâu đằng sau con người phàm phu ham chơi, ham ăn, ham ngủ của tôi. Có lẽ ba tôi cũng linh tính được điều gì đó nên cúng xong ông một hai xin phép Ni Sư để hai cha con về lại Thành phố, còn tôi thì ngược lại năn nỉ hết lời được xin ngủ lại chùa một đêm. Quả thật “nhân duyên hội ngộ thời”! Xứ sương mù về đêm không gian yên ắng đến rợn người, nghe rõ mồn một tiếng côn trùng kêu, tiếng dế gáy thậm chí có thể nghe từng nhịp thở của trái tim nữa là khác, trong khung cảnh hữu tình “有山有水”, lại có cả “trăng luồn qua khóm trúc” nữa, đan xen giữa không gian tĩnh mịch là văng vẳng tiếng chuông chùa dội về kèm theo giọng Huế ấm áp ngọt ngào hô kệ thỉnh Đại Hồng Chung, tiếng trầm bổng khi khoan khi nhặt tụng chú Lăng Nghiêm đã làm cho con tim của tôi “lỗi nhịp”. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ mồn một nhưng vẫn không thể diễn tả hết được cảm xúc khi đó. Một điều chắc chắn là tôi đã đành lòng để cha tôi về thành phố một mình còn bản thân thì ở lại chùa núi. Khi đó, ba giận “cô em gái nhiều chuyện” biết bao, ba hiểu con gái ba là người nhạy cảm, chỉ cần đánh thức được trái tim đa cảm của tôi là tôi vĩnh viễn vượt ra khỏi vòng tay của ba mẹ, vậy mà Ni Sư lại đánh trúng nỗi lo của ba đi kể chuyện “lá rụng về cội” của ông nội cho tôi nghe. Nhà tôi khi đó mấy chị lớn đã thoát ly gia đình, chỉ còn tôi và cậu em út là niềm vui của cha mẹ, đi học xa ông còn không muốn cho đi chứ đừng nói xuất gia. Vậy mà, câu chuyện về ông nội tôi năm đó đã mở ra một chân trời mới lạ cho cuộc đời tôi. Tuổi mới lớn dễ rung động cộng thêm chút “mơ theo trăng và vớ vẩn cùng mây” vậy mà hay. Nhờ đó, bây giờ tôi mới trở thành một sứ giả của Như Lai. Tuy không mấy gì tinh tấn nhưng thời công phu khuya ít khi nào vắng mặt. Cho đến khi đi du học thì giờ giấc vật lý của mỗi người mỗi khác, ít nhiều đã làm xao lãng đi thời công phu khuya của tôi.
Một chút mơ màng vọng tưởng cũng nhanh chóng qua đi, nhắc nhở tôi về sống với hiện tại. Tôi hoàn toàn tỉnh mộng, y áo chỉnh tề ngồi trước bàn Phật nghe và nhẩm tụng theo đại chúng:
…Đời ác trược con thề vào trước,
Dù gian nan quyết chí không sờn,
Nếu còn một chúng sanh chưa chứng quả
Cảnh Niết bàn con đâu dám tự an…
Thật vi diệu thay thần chú Lăng Nghiêm đã cứu thoát A-nan-vị Thánh đệ tử đa văn đệ nhất của Đức Phật – thoát khỏi nạn Ma-đăng-già để giờ này mới có bài Kệ chú Lăng Nghiêm này. Cũng nhờ nhân duyên đó mà lời dạy của Đấng Thế Tôn mới mãi mãi được “truyền đăng tục diệm”. Thật hy hữu thay thần chú Lăng Nghiêm -nhân duyên đưa tôi đến với Phật pháp. Và, cho bây giờ tôi mới hoàn toàn hiểu được tại sao mấy chú điệu chưa biết chữ đang ngủ ngon lành cũng được quý thầy đánh thức lên chùa ngồi gật lên gật xuống “khen” đại chúng tụng Lăng Nghiêm hay…