Mùa hạ còn gọi là mùa hè, mùa phượng đỏ, mùa sen nở. Riêng tôi, tôi gọi mùa hạ là mùa hạ vàng, vàng hanh màu nắng và vàng thắm màu y của những hành giả trong chùa viện.
Mùa hè, mùa của nắng. Những cơn nắng gay gắt, vàng hanh như thiêu đốt vạn vật. Ở Sài Gòn, hay ở miền nam nói chung, chúng ta ít cảm nhận được cái nắng đặc trưng của mùa hè, bởi có những cơn mưa bất chợt xoa dịu. Còn như ở miền Trung, người ta gọi cái nắng mùa hè là nắng đổ lửa, nắng chảy mỡ … Đâu đâu cũng chỉ là một màu vàng hanh, chói chang của nắng.
Mùa phượng đỏ, cái tên thật thân quen với những ai đã một thời cắp sách đến trường. Cái tên gợi nhớ, gợi thương, gợi bao kĩ niệm tràn về trong kí ức một thời đáng yêu của cuộc đời. Khi những cánh phượng thắm xuất hiện kiêu sa trên tán lá xanh giữa sân trường, là lúc những cô cậu học trò thấy lòng chợt buồn, chợt vui khó hiểu.
Thái độ tình cảm thay đổi theo lứa tuổi. Tiểu học, cái tuổi còn quá ngây thơ, chỉ trông cho đến hè để được rong chơi thỏa thích. Cấp hai, lứa tuổi đã bắt đầu biết buồn buồn nhớ nhớ khi xa trường lớp, xa bạn xa bè, nhưng vẫn thích hè về với những cuộc chơi náo nhiệt. Cấp ba, lứa tuổi nhiều mơ lắm mộng, có kẻ bàng hoàng khi thấy phượng nở hoa, ba tháng hè dài như mấy thế kỉ.
Lưu bút nhỏ chuyền tay nhau mấy độ, từng trang hồng đầy ắp những yêu thương, từng cánh phượng ép đầy trang kĩ niệm, ai vô tình để lạc bài thơ. Lên đại học, lứa tuổi đã biết nghĩ về tương lai. Hè đến tạm gác lại chuyện sách vở, họ lao vào thực hiện bao kế hoạch, bao chương trình cho hôm nay, cho ngày mai. Ngày mai? Với đầy những lo âu trăn trở …
Mùa sen nở, mùa hè về cũng là mùa của những cánh sen hồng thắm đua nhau khoe sắc, xoa dịu bớt cái nắng oi bức của mùa hè. Sen, những đóa hoa tinh khiết thanh cao mọc lên từ bùn nhơ, có nhiều biểu tượng, ý nghĩa gắn liền với lịch sử, triết lý của Phật giáo.
Mùa hạ vàng, màu vàng của những chiếc y, những mảnh ruộng phước. Thế những mùa khác không phải là mùa của màu vàng ấy sao?
À ! Nắng thì lúc nào cũng nắng đó thôi, nhưng cái nắng của mùa hè thì có khác đấy. Cũng vậy, y thì ngày nào những hành giả Như Lai cũng khoác lên mình. Nhưng vào mùa hạ, mùa An cư kiết hạ, hàng tu sĩ tạm gác lại những sinh hoạt trong cuộc sống đời thường, tập trung về một trú xứ, tinh tấn tu học theo một chương trình đặc biệt của ba tháng hạ nhằm rèn luyện tự thân, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, tăng trưởng đạo tâm.
Cho nên, trong khuôn viên các tự viện, các trường hạ lúc nào cũng vàng rực một màu y; y vàng trên chánh điện; y vàng trên quá đường; y vàng trên lối kinh hành, từ khuya đến tối. Vì vậy, mùa hạ đã vàng hơn!
Cứ thế, không biết tự bao giờ, tôi đã yêu tha thiết mùa hạ vàng, biết trông mong mùa hạ đến … Có lẽ … vì mùa hạ vàng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp. Mùa hạ vàng, mùa an cư, tôi có thêm nhiều pháp lữ, góp nhặt thêm nhiều tư lương, có thêm nhiều niềm vui, vững tin hơn trên con đường mình đã chọn. Với tôi, mùa hạ vàng là mùa đạo hạnh, mùa an lạc, mùa xây đắp niềm tin.
Viên Lộc