Trích: Tập san Suối Nguồn số 06 (TVHQ – 2000)
(Trịnh Công Sơn).
Năm ấy, tôi vừa tròn 20 tuổi.
Mưa vẫn không cản được những bước chân rồ dại xăm xăm nẻo cuối rừng chiều. Đêm vội vã phủ chiếc lồng bí mật xuống thung lũng như muốn vồ lấy nguyên vẹn những gì ở đó, không cho thoát ra. Trên đỉnh của cái lồng bàn đêm chất ngất ấy, trớ trêu thay lại vắt cẩu thả một mảnh trăng the thé, vừa đủ rọi đường cho những tên trộm vô hình đến ngắm nghía những bảo vật rừng thiêng. Tiếng thác ầm ầm như những tảng đá to từ trên cao đổ xuống. Tôi ướt sũng. Lạnh. Đông cứng.
Bây giờ ngồi nghĩ lại, chỉ tưởng tượng một người đang đứng trong lòng thác Bongour giữa đêm mưa xám xịt cũng đủ thấy rùng mình kinh hãi. Chỉ với cái tuổi hai mươi, cái tuổi muốn gì làm nấy, cái tuổi khát vọng và đẩy nỗi khát vọng lên đến đỉnh, muốn thỏa mãn sự hiếu kỳ lẫn quằn quại, mới dám lầm lũi vào chốn thâm u một mình khi trong người chỉ có duy nhất một cái hộp quẹt, không đủ làm hun khói những lá cây sũng nước, nói chi đến một ngọn lửa sưởi ấm hồn đơn.
Tôi chọn một tảng đá to dưới cội trâm già, bên dòng thác lũ, lấy thân mình che mưa cho đống củi mục, nguyện cầu một ánh lửa bùng lên mà mãi không đỏ được, ngoài những ụ khói cứ xông thẳng vào mắt cay nồng. Tảng đá to hơn một cái bàn, nhưng cảm giác trong tôi chỉ là một miếng gỗ bồng bềnh trên ngọn nước. Cây trâm già nghiễm nhiên trở thành một vị hung thần quái ác, mang đầy đủ trên mình đôi mắt cú vọ và rắn độc lẫn những nụ hoa lan sặc sỡ sắc màu. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, nhưng không thổi tắt được cái đèn thuyền treo lủng lẳng trên ngọn cây. Nếu không có ánh trăng, mọi vật hoàn toàn chìm trong bóng tối, như thế có lẽ dễ chịu hơn. Còn bấy giờ thì mọi vật lại bắt đầu chập chờn chuyển động với những hình thù kỳ dị. Tôi lạc vào cõi nào chẳng biết. Tự dưng, mọi hình ảnh xung quanh mình cái gì cũng có hai mặt, vừa thiên thần vừa quỷ sứ, vừa thánh thiện vừa phàm tục. Và mỗi hình ảnh đi qua tôi đều chứa đầy hai cảm giác trái nghịch, vừa hạnh phúc vừa đớn đau, vừa quằn quại gan lì vừa tê mê chất ngất.
Vách đá dựng đứng, xếp đều từng lớp hệt những tháp Chàm ở Thánh địa Mỹ Sơn. Tháp Chàm di chuyển chập chờn. Từ trong cửa tháp, bóng hai thiếu nữ bước ra, mình đeo đầy còng cườm lục lạc, nhảy múa những vũ điệu ma quái của giống dân Hời, rồi họ đi vào, cửa tháp khép lại. Tháp Chàm hóa thành những bức lập thể của Picasso, tiến tới bóng tôi, mỗi lúc một gần. Tôi dùng hết tâm lực đẩy chúng ra xa, vách đá ngã sóng xoài trên thảm cỏ, biến mất.
Ánh trăng lại lóe lên, vàng rực cả lòng thác, đẩy rừng cây ra xa, xa lắm. Cả rừng cây nhuộm vàng ánh lá, lung linh và đầy huyền hoặc như bức “Mùa thu vàng” của Lévital. Rồi bóng tối như một mảnh vải, xỏa lần xuống che đậy bức tranh. Ở góc vàng cuối cùng tôi còn nhìn thấy, một con mèo hoang nhảy ra, cắm hai ánh nhìn vào lòng đá tảng.
Mưa, lại mưa.
Ngọn thác hùng vĩ dựng đứng như một mảnh thiên y mịn màng che vách núi, chốc chốc lại tung ra từng đợt sóng mù khơi, giăng mùng tứ phía. Tôi mải miết nhìn ngọn thác, từ đầu đến chân, rồi tự nhiên thấy thác chảy ngược, chảy từ dưới lên trên, chảy tới đâu khô tới đó, hệt như bàn tay vô hình nào đang cuốn bức lụa trắng ngần từ chân tới đỉnh. Vén lên tới đầu ngọn, thác im thin thít, không còn một âm thanh nào của nước, cái im lặng đến rợn mình, đến nỗi nghe rõ được từng giọt rơi tí tách trên lá, nghe rõ được âm thanh của một loài dế du mục đang gậm nhấm cỏ non. Bãi cỏ xát xô dựng hình loạn tứ bên bờ suối cạn, gợi nhớ đến bức “Hoa diên vĩ” của Vangogh. Rồi trên đỉnh cao, bóng Bồ-tát Quán Thế Âm lồng lộng theo mây đi xuống, màu áo hay màu mây mà mênh mông quá. Bồ-tát tay cầm nhành dương liễu, tay cầm bình cam lồ, Ngài nhúng nhành dương vào bình nước rồi rảy một cái, tự dưng thác chảy lại, như tự bao giờ vẫn vậy, như một cổ máy huyền vi có thể ấn nút tắt mở một cách tự nhiên, thật là kỳ diệu. Tôi thảng thốt, cúi đầu đảnh lễ với lòng thành kính vô biên. Chợt nghe có cái gì đi ngang qua trên đầu tôi, vùn vụt như một cánh đại bàng. Ngẩng đầu lên, mọi sự trở lại như cũ.
Ngồi tĩnh tọa trên phiến đá dưới rừng mưa, tôi hít thở thật sâu để cố tìm trở lại một ngọn thác Bongour thật sự sau những ảo giác mơ hồ. Nhưng có cái gì là thật sự đâu ! Rừng cây xung quanh như những bóng người đang đứng, kẻ cúi đầu, người chắp tay, có nhiều người nắm tay nhau nhảy múa, hay cúi mình soi bóng xuống dòng nước cuồn cuộn nhập nhòa ánh sáng. Phải chăng tất cả mọi sự mọi vật chỉ là sự biến hiện của tâm thức con người ?
Phải chăng mọi khái niệm thiện ác, đẹp xấu, hạnh phúc hay đau khổ đều từ tâm cảm mông lung này ? Thế thì tất cả xung quanh tôi lúc ấy, cái gì là giả, cái gì là thật ? Đến những vách đá sừng sững bên ngọn thác Bongour kỳ vĩ kia cũng giả nốt sao ? Chỉ có thằng tôi là thật thôi sao ? Ồ mà tôi cũng chẳng thật, tôi cũng tan ra từng đợt theo khói, theo sương, theo hơi nước mơ hồ. Vậy ở đây cái gì là chủ thể, cái gì là khách thể ? Nếu không có chủ khách thì thật là vô lý, ai sẽ là người cảm nhận mọi sự vật kia đây ?
Mưa mỗi lúc một lớn, rào rạt trên những cánh rừng. Nước mỗi lúc một mạnh, chảy tuôn trào từ đỉnh thác xuống từng kẽ đá, dâng cao dần, cao dần. Tôi lạnh cóng, những tưởng ngồi lại tới sáng ở đây có lẽ tôi sẽ chết cứng vì lạnh. Tôi chợt nghĩ ra tại đây chỉ có cái lạnh là thật, còn cái gì cũng giả, kể cả tôi. Nhưng cái lạnh là cái gì ? Chẳng qua cũng chỉ là cái nghiệp cảm của mình.
Tôi nghĩ vậy. Tôi chợt muốn lao mình xuống dòng thác lũ kia, cho nó trôi đi đâu thì đi, không phải tôi muốn chết, muốn tự tử, mà là muốn buông xuôi tất cả. Thế rồi bỗng dưng, tôi chợt nghe có một con rắn đang gát đầu lên đùi của mình, lạnh tanh. Tôi run rẩy, sợ hãi. Té ra bây giờ chỉ có cảm giác sợ hãi là thật. Chỉ cần nó cắm đầu vào đùi tôi là chấm dứt tất cả. Nghĩ đến đó tôi thật sự hoảng hốt khi mường tượng phải xa lìa hẳn cuộc đời, cha mẹ, thầy bạn, người thân. Cảm giác đau khổ lại là cảm giác thật. Tôi lẹ làng dùng tay hất đầu con rắn ra xa rồi rùng mình đứng dậy. Về thôi !
Mưa vẫn rả rích, những tàn cây le le quất vào mặt túi bụi, đá lại quá trơn, tôi vội vã nên cứ trượt chân, đá đập vào ống quyển đau không thể tưởng, nhưng vẫn cố lao nhanh cho ra khỏi lòng thác, hướng về phía hừng đông mà chạy.
Về đến cô thôn, tiếng chuông khuya trầm ấm tỏa lan, rồi bao nhiêu chuông mỏ từ các thảo am lần lượt trỗi dậy, nhưng tiếng thác vẫn còn rền trong tâm khảm, từ ấy đến tận bây giờ.
Du Tróc Tử
Trích: Tập san Suối Nguồn số 06 (TVHQ – 2000)