“Địa Ngục và Diêm Vương” là những danh từ trong Đại Lễ Vu Lan Bồn thường được nhắc đến, khi nói đến tháng bảy người ta liền nghĩ đến Địa Ngục và nỗi khổ trong địa ngục, rồi các vong hồn ngạ quỷ thọ khổ trong địa ngục, làm cách nào để cứu khổ, Đức Địa Tạng Bồ Tát đã phát nguyện “Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề, Địa Ngục vị không thệ bất thành Phật” hay dân gian thường có câu “Ta không vào Địa ngục thì ai vào…”.
Kinh Phật Thuyết Báo Phụ Mẫu Ân có chép: “sau khi chết bị đày vào ngục, Ngũ Vô Gián cũng gọi A Tỳ, ngục này trong núi Thiết Vi, vách phên bằng sắt chung quanh bốn bề, trong ngục này hàng ngày lửa cháy, đốt tội nhân hết thảy thành than… ngày đêm chết sống muôn lần, đến trăm ngàn kiếp không ngừng một gây”.
Quan niệm về Địa Ngục của Phật Giáo có nguồn gốc từ tín ngưỡng địa ngục của Bà La Môn Giáo Ấn Độ, hệ thống giáo lý Phệ Đà của Bà La Môn Giáo, từ rất sớm đã có nhắc đến Địa Ngục. Trong Lê Câu Phệ Đà đã có sự ghi chép về Diêm Vương, vị chúa tể của địa ngục và họ quan niệm rằng địa ngục là chổ để các vong hồn trú ngụ trong thời gian chờ đi đầu thai.
Theo truyền thuyết Bà La Môn Giáo nói rằng, người chết đầu tiên trên thế giới Ta Bà tên Tiếng Phạm là Yama, Đông độ phiên âm Diêm Ma, tương truyền rằng sau này trở thành là vua của âm phủ thống lãnh địa ngục.
Diêm Vương là tên gọi phiên âm tiếng Phạm, còn gọi Diêm La Vương, Diêm La Đại Vương, Diêm Ma Vương, Diêm Ma, Diễm Ma, Diễm Ma La, có nghĩa là “Phược” tức là trói buộc, trói buộc những người có tội. Cũng có một quan niệm khác là Diêm Vương gồm có hai người, theo sách Huyền Ứng Thích Nghĩa chép: “Diêm vương có hai anh em, anh tên là Diêm La, em gái tên là Diêm Mỹ, anh cai quản các vong hồn người nam, còn em thì cai quản các vong hồn nữ…”.
Trong Kinh Vấn Địa Ngục có chép: “Diêm vương trước kia là vua của nước Tỳ Sa, đánh nhau với vua Duy Đà Thủy Sanh, bị thua trận cho nên thề rằng, chết sẽ làm vua của Địa ngục. 18 vị đại thần của nhà vua cùng với 100 vạn quân lính cũng đồng thề xuống địa ngục để coi giữ, và trị tội các tội nhân dưới âm phủ. 18 vị đại thần sau này thành 18 vị tiểu vương coi giữ 18 tầng địa ngục và 100 vạn quân sau này trở thành ngục tốt dưới địa ty.”.
Trong sách Huệ Lâm Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa quyển thứ 5 chép về Diêm vương rằng: “Tiếng Phạn gọi là Diêm ma, dịch nghĩa là Bình Đẳng Vương, Âm ty đây là nơi ghi chép các nghiệp tội phước của từ khi sanh ra cho đến khi chết của con người, Diêm vương là chúa tể của địa ngục, bát nhiệt, bát hàn và thống lãnh hết thảy các quyến thuộc và ngục tốt, là người quản lý tất cả quỷ ma trong ngũ thú, truy bắt tội nhân, tra khảo trị tội, quyết đoán thiện ác, không có lúc nào ngơi nghĩ.”.
Quan niệm về địa ngục của Phật Giáo, là do thuyết luân hồi, nghiệp và quả báo. Theo lời Phật dạy, địa ngục là một trong sáu đường luân hồi trong Lục Đạo, người bị luân hồi vào trong lục đạo là căn cứ theo nghiệp báo của họ đã tạo. Người bị vào chịu khổ để trả nghiệp trong địa ngục không phải là vĩnh viễn, tuy là chịu khổ nhưng cũng có lúc chết và sống như trên dương gian, đến khi trả hết tội thì theo nghiệp định mà được vãng sanh về cảnh giới khác.
Địa Ngục của Phật Giáo tiếng Phạm gọi Naraka phiên âm là A Tỳ, ý nghĩa là Vô gián, có nghĩa là ở nơi này, sự thống khổ không có thời gian dừng dứt, là nơi khổ đau nhất trong Lục Đạo. Thường được đem so với các nỗi khổ của thế gian, nỗi thống khổ ở A tỳ địa ngục còn khổ hơn sống tủi nhục trong một xã hội đen tối ở thế gian, sự hà khắc khổ đau của địa ngục còn hơn rất nhiều so với ở trong lao ngục trần thế, muốn thoát khỏi mà không có cách nào thoát ra được cảnh khổ đó nên gọi là Địa Ngục.
Danh từ A Tỳ địa ngục được xuất hiện rất nhiều trong kinh điển Phật Giáo. Kinh Pháp Hoa phẩm Pháp Sư Công Đức có chép: “Phương dưới cho đến A Tỳ Địa ngục…” trong Đôn Hoàng Biến Văn Tập. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Giảng Kinh Tập có chép: “lúc còn sinh tiền chưa từng tu phước, chết đọa vào A Tỳ Địa ngục…”
Tên gọi và ý nghĩa của địa ngục được rất nhiều luận điển của Phật Giáo nhắc đến, như trong Luận Lập Thế A Tỳ Đàm chép về danh xưng của địa ngục: “Địa ngục Tiếng Phạm là Niraya phiên âm là Ni Lợi da, có nghĩa là nơi mà hoàn toàn không có hỷ lạc và phước đức”.
Trong LuậnTân Bà Sa chép: “Địa Ngục tiếng Phạm là Naraka phiên âm là Na Lạc già, tức là chỉ nơi không có ý hỷ lạc và điều hỷ lạc trong ý.”. Qua đó phần nào chúng ta cũng có thể hình dung được địa ngục là nơi như thế nào. Địa Ngục theo quan niệm của Phật Giáo có bốn loại:
Loại thứ nhất là Bát Đại Địa Ngục: Bát đại địa ngục theo Luận Câu Xá quyển 11 và sách Đại Thừa Nghĩa Chương quyển 8 có chép: “Bát đại địa ngục nằm ở phía nam của núi Tu Di, thuộc phương hộ trì của Nam Phương Tăng Trưởng Thiên Vương, phía dưới của Nam Thiệm Bộ Châu…”
Địa ngục này là ngục chính của âm phủ, bốn phía đâu đâu cũng toàn là lửa đỏ, cho nên còn gọi là “Bát nhiệt địa ngục” và tầng cuối cùng của địa ngục này, mà mọi người ai nghe cũng sợ đó là Địa ngục A Tỳ, hoặc còn gọi là Vô gián địa ngục. Bát Đại Địa Ngục gồm có tám ngục:
1. Đẳng Hoạt Địa Ngục tiếng Phạm là Samjva; những vong hồn đọa lạc vào đây tàn sát lẫn nhau, chết rồi là bị một làn gió lạnh thổi vào làm cho sống dậy, rồi tiếp tục chém giết, cứ như vậy sống chết, chết rồi sống, khổ sở vô cùng.
2. Hắc Thằng Địa Ngục tiếng Phạm là Kalsotra; trong địa ngục này dùng dây bằng sắt thép trói xích dằn xéo tội nhân.
3. Chúng Hợp Địa Ngục tiếng Phạm là Samghata; dùng những hình cụ tra tấn, với thú dữ để tra khảo tội nhân.
4. Hiệu Khiếu Địa Ngục tiếng Phạm là Rdurava; tội nhân trong địa ngục này bị chà đạp mài dũa, đau khổ vô cùng rên khóc kêu la thảm thiết.
5. Đại Khiếu Địa Ngục tiếng Phạm là Maharaurava; địa ngục này tôi nhân bị trừng phạt vô cùng nặng nề đau đớn, nên tiếng kếu rống rất lớn.
6. Viêm Nhiệt Địa Ngục tiếng Phạm là Tapana; tội nhân trong địa ngục này bị nấu trong vạc đồng sôi, bị nướng bị quay trong hầm lửa.
7. Đại Nhiệt Địa Ngục tiếng Phạm là Pratapana; địa ngục này trừng trị tội nhân bằng các công cụ bằng lửa còn thảm khốc hơn ở địa ngục Viêm Nhiệt.
8. A Tỳ Địa Ngục tiếng Phạm là Avici còn gọi là Vô Gián Địa Ngục, nghĩa là không có thời gian dừng nghỉ gián đoạn, phàm là những ai phạm vào 10 điều bất thiện, sau khi chết bị đọa và địa ngục này chịu khổ vô cùng, không có lúc nào mà sự trừng phạt đau đớn được nghỉ ngơi nên mới gọi là Vô Gián.
Loại thứ hai là Bát Hàn Địa Ngục: Địa ngục này lạnh lẽo vô cùng, những chúng sanh bị dọa vào địa ngục này thọ khổ về lạnh giá vô cùng vô tận, đau đớn khóc lóc kêu than không kể xiết, lạnh đến thân thể đông cứng biến màu tím ngắc. theo sự ghi chép trong sách Câu Xá Luận Quan Ký quyển 11, thì Bát Hàn Địa Ngục cĩng có 8 ngục:
1. A Bộ Đà Địa Ngục tiếng Phạm là Arbud, những vong hồn bị đọa vào trong địa ngục này do bị lạnh lẻo, toàn thân thâm tím, mụt nhọt ghẻ ngứa khắp thân.
2. Ni Thứ Bộ Đà Địa Ngục tiếng Phạm là Nirarbuda, khi bị đọa vào trong ngục này, thân thể bị nứt ra do khí lạnh, cũng giống như mụn nhọt ghẻ lở bị vỡ máu mũ tràn trề đau nhức không thể kể xiết.
3. A Tra Tra Địa Ngục tiếng Phạm là Atata, các vong hồn bị đọa vào địa ngục này, lạnh đến nổi miệng môi đều đông cứng lại, phát ra tiếng kêu rét rung.
4. Hoắc Hoắc Bà Địa Ngục tiếng Phạm là Hahava, khi đọa vào địa ngục này lạnh đến nổi miệng mồm đông cứng lại đến nổi phát lên tiếng rên kêu lộc cộc rất lớn.
5. Hổ Hổ Bà Địa Ngục tiếng Phạm là Huhuva, khi đọa vào địa ngục này, toàn thân hoàn toàn bị đông cứng, chỉ còn nơi yết hầu phát ra âm thanh hô hô như gáy ngủ.
6. Ôn Bát La Địa Ngục tiếng Phạm là Utpala, khi đọa vào địa ngục này thân thể đông cứng đến nổi rạn nứt ra như những đường sớ trên cánh của hoa sen xanh.
7. Bát Đặc Ma Địa Ngục tiếng Phạm là Padma, đoạ vào địa ngục này thân thể hoàn toàn đông thành băng giá nứt tét nhiều đường thấy thịt ở bên trong, như những đường sớ trên cánh sen hồng.
8. Ma Ha Bát Đặc Ma Địa Ngục tiếng Phạm là Mahapama, khi đọa vào địa ngục này lạnh đến nổi xương cốt đông thành đá nứt rạn thành nhiều đường, như những vết rạn trên cánh sen lớn hoặc là hoa sen màu trắng.
Trong Đại Trí Độ Luận quyển 16 có chép: “tại cạnh bốn bên của Bát đại địa ngục còn có Bát viêm hỏa địa ngục, sự lợi hại của các địa ngục này còn nghê gớm kinh hãi hơn nhiều. Bát viêm hỏa địa ngục gồm có các địa ngục như:
1. Địa ngục hầm lửa;
2. Địa ngục nước sôi;
3. Địa ngục lửa cháy như cháy rừng;
4. Địa ngục rừng kiếm;
5. Địa ngục đường đi trên đao;
6. Địa ngục đâm chem;
7. Địa ngục chìm hụp trôi nổi trên sông;
8. Địa ngục trụ đồng đốt cháy”.
Loại thứ ba Du Tăng Địa Ngục: Trong Bát Nhiệt địa ngục cứ mỗi tầng địa ngục đều có bốn cổng, cứ mỗi cổng lại có bốn địa ngục nhỏ, có tổng cộng là 128 địa ngục. Phàm là chúng sanh bị sa vào địa ngục này thì phải đi qua hết tất cả các địa ngục, để chịu sự trừng phạt khổ sở, cho nên gọi là Du Tăng địa ngục, với ý là càng đi thì càng gặp nhiều địa ngục hơn.
Loại thứ tư Cô Độc Địa Ngục còn gọi là Bình Ngục, trong Câu Xá Tụng Sớ quyển thứ 10 chép: “Địa Ngục này còn khổ hơn sống cô độc lạc lõng một mình trong rừng hay bên bờ sông hoang vắng, không nhà, không người, cô độc khổ sở, không phải là cuộc sống của người thường…”. Nói tóm lại Bát nhiệt, Bát Hàn, Du Tăng, Cô Độc địa ngục tổng cộng có 18 xứ gọi là mười tám tầng Địa Ngục.
Đông Độ thời cổ đại không có khái niệm về Địa Ngục, khái niệm và tín ngưỡng Điạ ngục được truyền vào Đông Độ theo bước chân của Phật Giáo vào khoảng thời kỳ Nam Bắc triều, do ngài An Thế Cao dịch bộ Kinh Thập Bát Nê Lê, nội dung của Kinh nói về 18 tầng địa ngục, từ đó tín ngưỡng về địa ngục được truyền vào Đông độ, Đến đời nhà Đường thì đạt đến cực thạnh.
Sách Phật Tổ Thống Kỷ chép: “truyền rằng đời nhà Đường, Hòa Thượng Đạo Minh, xuất thần đi xuống địa phủ…” rồi việc Triều đình nhà Đường sắc phong cho Diêm La Vương, phong ông làm thống lãnh vệ binh của Ngũ Nhạc… qua đó thấy rõ ý niệm về địa ngục cũng như tín ngưỡng vua Diêm Vương đã rất phổ biến trong xã hội đương thời, và được lan truyền rộng rãi trong các nước Á đông.
Địa Ngục và Vua Diêm La trong tín ngưỡng của Phật Giáo là “Khuyến thiện, trừng ác” theo niềm tin của Phật Giáo “gieo nhân nào thì gặt quả ấy”, theo mạch sống đạo đức của xã hội đông phương “làm ác thì khó thoát được lưới trời” tất cả đều từ tâm của chúng sanh vô minh, bất thiện, vọng tưởng tạo thành, nếu ngày nào các tâm này không còn nữa thì Diêm vương, Địa ngục đều không.
Cho nên điều quan trọng nhất là chỉ trong đau khổ thì con người mới nhận ra được chân thật, mới thấy được việc mình làm là đúng hay sai, cũng chính khi thọ khổ tột cùng thì niềm tin về chân thật thiện lành mới trở về với họ, tâm nguyện vãng sanh hơn lúc nào hết làm cho họ có phát nguyện quy y Tam Bảo, và vị Phật trong tiềm thức của chính mỗi vong hồn bắt đầu tỏa sáng để xóa dần bóng tối vô minh, giác ngộ chánh chơn, tu hành thành Phật.
Chính vì vậy, Địa Ngục theo tư tưởng Đại Thừa giáo hải cho rằng, chính nơi tối tăm và cực khổ này là đạo tràng tốt nhất để tu tập của các bậc Đại Thừa Bồ Tát, vì chúng sanh nơi này là đáng độ nhất, ánh sáng trí tuệ của Phật là ánh sáng thánh thiện nhất để soi rọi cho họ. Lòng từ bi của Phật là tình cảm mà địa ngục chúng sanh tha thiết cần được có nhất.
Vì nhân như vậy, nên Đế Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát phát nguyện “chưa độ hết chúng sanh, ta thề không thành Phật, Địa Ngục một ngày nào chưa trống không thì ta chưa chứng quả vị Bồ đề”. Vậy Vua Diêm La hiển nhiên là một vị Đại Bồ Tát Đại Thừa trong ý niệm “Ta không vào địa ngục thì ai vào”. Hết thảy đều vì tâm từ để cứu độ chúng sanh, nhưng vì do nghiệp cảm của chúng sanh có sự sai khác, nên các bậc Đại Thừa Bồ Tát “Trục loại tùy hình, ứng hiện sắc thân, diễn dương diệu pháp”.
Thích Tâm Mãn – Chùa Minh Thành