Làm Sao Đắc Đại An Lạc Nơi Chốn Đi Về Của Người Niệm Phật Vãng Sanh-Thích Tâm Mãn

Làm Sao Đắc Đại An Lạc Nơi Chốn Đi Về Của Người Niệm Phật Vãng Sanh

Thích Tâm Mãn

Niệm Phật là để tìm về cội nguồn của an lạc, vì điểm đến cuối cùng của người tu niệm Phật là được tiếp dẫn đến cảnh giới Cực Lạc của Đức Đại Từ A Di Đà Như Lai, để thọ hưởng vô lượng an lạc. Vậy người muốn đến được với an lạc thì cần có những điều kiện gì, nếu như chúng ta nhất tâm niệm danh hiệu của Đức Phật Di Đà thì sẽ thấy rõ, đó là cần phải có đủ 3 đức là: 1. Vô Lượng Thọ; 2. Vô Lượng Quang; 3. Vô Lượng Công Đức.

Vô Lượng Thọ là diệu ý người tu niệm Phật, muốn được an lạc trước tiên phải có một thân thể khoẻ mạnh ít bịnh, ít não, không bị sự khổ đau của bệnh tật làm cho khổ não, không vì sự đẹp xấu của thân thể làm cho phiền muộn, không bị sự tham ái xúc chạm của thân thể làm cho mê muội đau buồn, thân không đắm chìm trong dục lạc để rồi trôi lăn luân hồi sanh tử, không vì danh vì lợi của chính bản thân mình mà huỷ báng Chánh Pháp, chỉ người có thân thể khoẻ mạnh, thanh tịnh, trang nghiêm như thế, là đầy đủ nhân duyên để trở nên trường thọ và dùng thân thể này để niệm Phật thì đắc được an lạc không có gì khó, khi lâm chung sẽ được Đức Phật Di Đà thọ ký, hoá thân vào thân Vô Lượng Thọ của Đức Phật Di Đà, diệt trừ hết thảy khổ đau được đại an lạc.

Vô Lượng Quang là diệu ý người tu niệm Phật, muốn được an lạc cần phải thông minh trí tuệ, điều căn bản nhất là phải nhận thức được lẽ phải trái, đúng sai, chân thật của trong cuộc đời, không tin những điều vô lý mơ hồ, không có cơ sở, mê tín, trái với đạo đức của lẽ sống thường tình, phải phân biệt được đâu là lời Phật dạy, đâu là lời của ma.

Lời Phật dạy người nghe sanh tâm hoan hỷ an lạc, còn lời của ma nói thường làm cho người nghe sanh tâm hồ nghi, khởi niệm phân biệt, dẫn người đi đến chổ mơ hồ về chân lý, lệch lạc với Thánh đạo, khởi niệm phỉ báng Chánh Pháp, vậy nếu khi nghe lời nói mà tâm ta khởi lên những niệm như trên, thì phải dùng trí tuệ để phân biệt thật hư, nhận chân sự việc, nếu có thể như thế là người thông minh trí tuệ an lạc hiện tiền.

Người tu niệm Phật nếu không có trí tuệ thì thật là khó có thể đắc được an lạc, vì tất cả pháp môn mà Đức Phật dạy cho người tu hành, không có pháp môn nào mà không dùng đến trí tuệ để tu tập, cho nên có người bảo rằng niệm Phật mà không cần phải tụng kinh, học giáo lý Phật Pháp, không cần phải nghe thuyết giảng để hiểu Phật Đạo, tăng trưởng trí tuệ, như vậy thì Đức Phật Di Đà cần chi danh hiệu là Vô Lượng Quang, Đức Phật của trí tuệ nếu tâm như vậy mà tu niệm Phật thì làm thế nào để tương ưng với vô lượng quang minh trí tuệ của Phật A Di Đà.

Niệm Phật mà không biết tại sao mình niệm, niệm cũng không biết mình đang niệm ai, niệm như vậy an lạc chăng? Một người khi thương nhớ đến người thân như cha mẹ, thì điều trước tiên là phải nhận biết được cha mẹ mình, và điều thương nhớ nhất là những gì cha mẹ mình đã làm cho mình, điều mà mình phải cảm ơn nhất đó là những lời dạy của cha mẹ mình để mình được thành người, hiểu được đúng sai, hướng về nẻo thiện, sống chân thiện mỹ.

Nếu có người bảo rằng nhớ cha nhớ mẹ nhưng khi người ta hỏi đến cha mẹ mình thì hoàn toàn không có khái niệm cũng như không biết cha mẹ mình là ai và cũng không biết là cha mẹ mình đã dạy mình những gì, đã làm điều gì để mình phải cảm ơn, nếu như có người nhớ như vậy liệu chúng ta có chấp nhận hay không? Người tu niệm Phật mà không tu trí tuệ, không nghe giảng pháp, không đọc tụng Kinh điển thì có khác gì với người bảo là nhớ cha mẹ mà không biết cha mẹ mình là ai và cha mẹ mình có dạy mình điều gì hay không, hoàn toàn trống rỗng vô vị không ý nghĩa.

Người tu Niệm Phật cần phải có trí tuệ để phân biệt chánh tà, hư thật, luôn luôn dùng trí tuệ để nhất tâm niệm Phật, không để tà pháp làm não loạn, không để ngoại đạo phỉ báng Chánh Pháp, nếu niệm Phật như thế thì mới có năng lực thể nhập vào thế giới vô lượng quang minh của Đức Phật A Di Đà, thọ được sự an lạc ở cảnh giới An DưỡngTây Phương.

Vô Lượng Công Đức, trong Kinh A Di Đà có đoạn chép: “Này Xá Lợi Phất, người thiếu thiện căn và phước đức thì không thể sanh về nước của Phật A Di Đà”. Qua câu kinh trên cho chúng ta thấy người không có trí tuệ và công đức thì không cách nào để vãng sanh về cõi Phật A Di Đà. Người tu niệm Phật công đức ở đâu? làm gì để có công đức? Niệm danh hiệu Phật đó là công đức nhưng mà làm thế nào để được công đức nhân duyên cụ túc để sanh về cõi Phật.

Làm Sao Đắc Đại An Lạc Nơi Chốn Đi Về Của Người Niệm Phật Vãng Sanh

Ví như có người con ở phương xa luôn miệng nhắc đến tên cha mẹ mình, bảo là nhớ cha mẹ mình và muốn về quê để thăm cha mẹ, người đó chỉ nói nhưng không có tiền hay phương tiện để đi về quê, và cũng không cố gắng đi làm hoặc tìm các phương tiện có thể đi về, thì liệu người đó ngồi một chổ gọi tên cha mẹ mình, gọi như vậy cho hết một đời, không lúc nào dứt, cũng không có phút giây nào ngừng nghỉ, liệu gọi như thế có thể về đến quê để thăm được cha mẹ hay không?

Lại có người con ở phương xa luôn nhớ đến cha mẹ, cố gắng làm ăn kiếm tiền mua vé xe để về quê thăm, nhưng khi đã có tiền mua được vé rồi lại không muốn ngồi xe đi về mà lại mong muốn làm sao mình có phép lạ, hay ai đó chỉ cho mình phép thuật mà không cần ngồi xe, chỉ chừng khoảng trong giây phút thì có mặc ở quê nhà, cứ như vậy suy tưởng, rồi ngồi chờ phép lạ, thử hỏi người này đến lúc nào có thể thấy được mặt mẹ cha?

Lại có người cũng ở phương xa làm có tiền, mua được chiếc xe để về quê thăm cha mẹ, nhưng tự mình không biết lái xe, lại muốn làm sao xe chạy được mà không cần phải có tài xế, nếu ý cứ như vậy không hiểu được xe chạy cần phải có người lái, thử hỏi người này khi nào mới về đến quê nhà thăm cha mẹ?

Niệm Phật cũng như vậy nếu như chỉ biết có niệm danh hiệu Phật, thì có khác gì người con luôn miệng nhắc đến tên cha mẹ mình nhưng không có phương tiện nào có thể giúp mình về được quê.

Rồi cũng có người biết niệm Phật sẽ được vãng sanh về Cực Lạc nhưng không hiểu niệm như thế nào cho đúng pháp, niệm như vậy có khác nào như người không hiểu ngồi chờ để phép lạ đưa mình về quê mà không phải đi xe.

Rồi cũng có người biết niệm Phật như thế nào cho đúng pháp rồi, nhưng không có Thầy hướng dẫn đúng cách để tu tập thì có khác nào mong rằng xe không cần người lái mà cũng có thể về đến quê của mình, nếu niệm Phật như thế thì thật là hoang đường, điên đảo mộng tưởng.

Tin vào mỗi chúng sanh đều có Phật tánh đều có khả năng thành Phật, Phật tánh là bất sanh bất diệt trường tồn không mất, đây chính là tính chất Vô Lượng Thọ của Đức Phật A Di Đà cũng như mười phương chư Phật, nhờ đức tính này mà Phật tánh của ta không mất, cho nên mới có thể tương ưng với tự tánh Di Đà, vì thế khi niệm danh hiệu của Ngài thì được Ngài tiếp dẫn đắc đại an lạc.

Tin vào Phật Pháp là chân lý, chân lý thì bất di bất dịch, chân thật không sai khác, nhưng nếu không đủ trí tuệ để nhìn nhận chân lý thì rất dễ hiểu lầm chân thành giả, thật thành hư, đảo điên không phân biệt, vậy nên phải tu học Phật Pháp để trưởng dưỡng trí tuệ, ba đời chư Phật đều từ nơi tu học Phật Pháp mà thành đạo Bồ Đề, Đức Phật A Di Đà cũng vậy, cho nên Ngài còn được xưng Vô Lượng Quang Như Lai, ta niệm danh hiệu Ngài mà không học được pháp trí tuệ của Ngài làm sao có thể phóng ánh sáng trí tuệ để tương ưng với ánh sáng Vô Lượng Quang của Ngài, để được Ngài tiếp dẫn đắc đại an lạc.

Tin vào phước đứcTăng Bảo vì biết rằng ba đời chư Phật đều từ hình tướng của một vị Tăng xuất gia tu hành thành Phật, Đức Phật A Di Đà cũng không ngoại lệ, vì vậy Ngài được xưng là Vô Lượng Công Đức Như Lai. Tăng Già là phước điền để chúng sanh gieo trồng hạt giống thành Phật, nếu không có hình tướng của Tăng thường trụ trên thế gian thì Phật pháp làm sao có thể được lưu truyền, mọi người nương vào đâu để biết được Phật Pháp.

Ngày nay chúng ta biết được Phật Pháp cũng từ nơi Tăng vì vậy công đức làm cho Phật Pháp thường trụ trong thế gian là vô lượng vô biên, nếu không có công đức này tồn tại thì chắc chắc rằng ánh sáng của Phật Pháp không có cách nào tồn tại trên thế gian, vì vậy Tăng Bảo là bậc xứng đáng cúng dường, biết được như vậy tự ta đã có vô lượng công đức tương ưng với danh hiệu của Phật A Di Đà, được Ngài thọ ký đắc đại an lạc.

Lại có Người khi học được Pháp môn Niệm Phật, lầm ở câu “Nhất tâm niệm Phật sẽ được vãng sanh”, tự cho rằng chỉ cần quy y Phật là đủ rồi không cần phải quy y Pháp và quy y Tăng, người đó có khác gì như ba người con thương cha nhớ mẹ đã được ví dụ ở trên, người có thân lại u mê ngu tối, kẻ có thân có trí lại què quặc không cách nào đứng đi, nếu như người mà thân và tâm như vậy, thì làm thế nào để đủ đầy tính chất Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Công Đức của Đức Phật A Di Đà, thì làm sao để được Ngài tiếp dẫn. Cho nên không có cách nào để đắc đại an lạc.

Làm Sao Đắc Đại An Lạc Nơi Chốn Đi Về Của Người Niệm Phật Vãng Sanh

“Niệm Phật” là niệm cho tự tánh Phật của chính mình, và niềm tin của mình vào Phật không bao giờ mất đi trường thọ mãi mãi, như vậy là đã niệm Phật đạt đến cảnh giới nhất tâm bất loạn, đắc đại an lạc Vô Lượng Thọ Phật.

“Niệm Phật “ là niệm cho trí tuệ mình ngày thêm sáng suốt, niềm tin vào Chánh Pháp là chân lý không sai không khác, pháp môn Niệm Phật là phương tiện duy nhất để dẫn dắt ta đi đến cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Tín tâm chánh niệm như vậy là đạt đến cảnh giới nhất tâm bất loạn đắc đại an lạc Vô Lượng Quang Phật.

“Niệm Phật” là niệm cho phước đức của mình ngày thêm tăng trưởng, tin vào phước đức của Tăng Già, phát nguyện ngày nào đó mình cũng được xuất gia dự vào hàng Tăng Bảo tu hành thanh tịnh tinh tấn, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn thành đạo Bồ Đề, nếu niệm như vậy thì đạt đến cảnh giới niệm Phật nhất tâm bất loạn đắc đại an lạc Vô Lượng Công Đức Phật.

Nếu nhân “Tu” là Phật Pháp Tăng, thì quả sẽ là Vô Lượng An Lạc, nếu nhân “Niệm” là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Công Đức thì quả sẽ là Cực Lạc hiện tiền, người tu niệm Phật thì nên nhất tâm quy mạng về thế giới Cực Lạc của Đức Phật Di Đà, nhưng nên biết không đủ ba đức Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Công Đức thì đường về Cực Lạc để được đại an lạc vẫn còn rất xa.

Nguyện sanh về trong cõi tây Phương

Cha mẹ sinh ta chín phẩm sen vàng

Hoa nở thấy Phật ngộ không sanh pháp

Không còn thối chuyển Bồ Tát làm bạn đồng tu

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật