Đức Phật Di Đà Ngài Buồn Dữ Lắm

Đức Phật Di Đà Ngài Buồn Dữ Lắm

Thích Tâm Mãn

Sáng nay mấy con chim sáo cứ luyên thuyên đủ điều, ríu ra ríu rít trên mái tháp trước sân chùa, nghe thật là vui nhộn, mấy giọt nắng sớm chiếu thẳng xuống mặt hồ, chiếc lá thu rụng nhẹ làm lay động mặt nước, đánh thức con cá vàng còn ngáy ngủ quẩy đuôi, “Tách” một tiếng vang nhẹ làm bừng tỉnh thế giới, một buổi sáng lại về trên Tịnh Độ của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca.

di đà phật

Tôi thắp một tuần hương dâng lên cúng dường Phật, rồi châm một chén trà phụng hiến Đức Từ Tôn, mùi hương trà lan nhẹ, khói trầm quyện đung đưa, không gian như lắng lại, đợi chờ. Hôm nay chùa có khách, một vị hành giả tu Tịnh độ trên đường vân du ghé qua chùa vấn đạo, đàm thiền, có chút nỗi niềm về “Niệm Phật” muốn trao đổi, tỏ bày lo lắng những chuyện thật buồn của Đức Phật Tây Phương A Di Đà.

Là pháp lữ đồng tu Pháp Môn Tịnh Độ, là hành giả thuần thành kính tín niệm Phật, phát nguyện vãng sanh, cho nên chúng tôi rất nhiều tâm đắc về Tịnh Độ, cứ mỗi độ hè sang thu đến, ba tháng an cư tịnh nghiệp viên mãn, thầy trên đường trở về bổn xứ thường ghé qua chùa để hàn huyên sở đắc, vì thế rất nhiều điều tôi được hiểu từ thầy và cũng không ít điều từ sự tín tâm của thầy với Đức Phật A Di Đà làm tôi phải kính phục, đôi khi tôi còn phải hỏi lại chính mình.

Là hàn huyên nên lời thường mộc mạc, là vấn thiền nên ngôn ngữ giản đơn, nhưng cũng có đôi lời khiến người nghe phải suy nghĩ, lại thêm mấy ý ẩn dụ tâm thiền nên khiến người nghe phải bật cười trong nỗi niềm lo âu. Vừa mới chào nhau, cuối đầu lễ Phật, ngồi xuống, tách trà rót chưa xong, bồ đoàn chưa yên toạ, Thầy liền bảo tôi rằng có nghe gì không? Tôi bảo có gì đâu mà nghe! Không nghe gì sao? nghe nói Đức Phật Thích Ca đang buồn Đức Phật A Di Đà.

Tôi đáp: làm gì có chuyện đó! Thầy bảo thật đó, vì nghe đâu các vị tu hành Niệm Phật khuyên những tín chúng của mình nên bỏ quy y với Phật Thích Ca chỉ cần quy y với Đức Phật A Di thì mới được vãng sanh Tịnh Độ, tôi trố mắt ngạc nhiên hỏi, sao lại có chuyện như vậy, thầy bảo chẳng những có thật mà còn đang được tuyên truyền dẫy đầy ở hầu hết khắp đạo tràng tu Pháp Môn Niệm Phật vãng sanh ở Việt Nam.

Thầy bảo tôi: đúng thật là ngớ ngẩn! Tôi hỏi Thầy, Thầy thường đi nước ngoài, điều kiện trước tiên Thầy muốn xuất cảnh thì cần phải có cái gì, Tôi đáp phải có hộ chiếu, Thầy lại hỏi không có hộ chiếu thầy có thể xuất cảnh được không? Tôi bảo không. Thầy nói tiếp, ai cấp hộ chiếu cho thầy, Tôi bảo nhà nước Việt Nam, thầy cần có những điều kiện để được cấp hộ chiếu? điều trước tiên phải là một công dân tốt, yêu đất nước yêu quê hương, chấp hành hết thảy các quy định cũng như pháp luật mà nhà nước đã ban hành, thì được cấp hộ chiếu và nếu có hộ chiếu rồi thì mới đi xin visa nhập cảnh của nước mà mình muốn đến, các nước đó họ cũng dựa theo sự chấp nhận của nhà nước của mình, để họ cấp visa cho phép chúng ta nhập cảnh vào nước của họ.

Thầy cười bảo tôi: đó thầy thấy chưa, chúng ta là những người tu hành theo pháp môn của Đức Phật Thích Ca chỉ dạy, là chúng sanh của cõi Ta Bà do Đức Phật Thích Ca làm giáo chủ, mà chúng ta không quy y Ngài, không tu học theo kinh điển của Ngài chỉ dạy, như vậy chúng ta đã là một công dân tốt của cõi Ta Bà hay chưa? nếu là chưa sao chúng ta có thể đầy đủ tư cách làm công dân cõi Ta Bà và lấy nhân duyên phước báo nào để đủ điều kiện cho Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về cảnh giới Cực Lạc.

Như vậy nếu như thầy thấy hướng dẫn mọi người tu hành không quy y Phật Thích Ca, chỉ quy y Đức Phật A Di Đà, không tụng kinh điển nào khác ngoài kinh Vô Lượng Thọ, thì có khác gì là người “Vong bổn” không biết mình là người nước nào, luật lệ nước nhà thì không đọc không hiểu, không làm người công dân tốt ở nước mình, mà cứ suốt ngày đọc học luật lệ của nước khác và cứ muốn đi ra nước ngoài ở, làm công dân ở nước đó, liệu có thể được không? và một người như vậy, liệu rằng nước mà họ muốn đến người ta có chấp nhận không? thật là buồn .

Chư Phật chỉ có một tâm là “Bình đẳng không phân biệt” chư Phật chỉ có một niệm là “Từ bi phổ độ” thì làm gì có chuyện phân biệt rằng đệ tử nào quy y tôi thì tôi mới tiếp dẫn còn quy y người khác thì tôi không có trách nhiệm, nếu như vị Phật nào đó mà có tâm niệm như vậy thì đúng là ma hoá Phật, không thể là Phật của chúng ta và cũng chưa đủ phước báo để chúng ta quy ngưỡng là Phật. Có người lại hiểu Phật như vậy, thầy thấy có buồn không?

Đạo đức truyền thống của thế gian cũng dạy rằng “cây có cội, nước có nguồn, làm con cháu phải biết hiếu kính ông bà cha mẹ, phải biết cội gốc của mình” chúng ta học Phật thì điều này cần thêm tinh tấn, chớ có đâu vì chuyện vì muốn được vãng sanh về cõi Cực Lạc mà xúi người ta bỏ Phật Thích Ca theo Phật A Di Đà thì còn gì là đạo nghĩa, rồi chỉ đọc kinh nói về Phật A Di Đà mà không biết rằng tất cả những điều mà ngày nay có thể tu tập niệm Phật vãng sanh đều là tâm huyết, đều là tình thương vô lượng của Đức Phật Thích Ca dành cho chúng ta.

Đức Phật Thích Ca Ngài biết rằng, chúng sanh đời mạt pháp khó tu khó chứng, cho nên Ngài giới thiệu đến cảnh Cực Lạc và nhờ Đức Phật A Di Đà thâu nhận chúng ta, tạo điều kiện để chúng ta tu tập và Đức Phật Di Đà biết đến chúng ta tiếp độ chúng ta, cũng là do từ Đức Phật Thích Ca mà ra, sao chúng ta là quay ngược lại bỏ Phật Thích Ca theo Phật A Di Đà, làm như vậy theo đạo đức của thế gian còn không chấp nhận được hà huống chi là người tu học Phật Pháp, sao lại có những ý niệm như vậy thật không thể hiểu được? buồn lắm vậy.

Tôi hỏi thầy nếu là như vậy có buồn không? Buồn chớ sao không! Đức Phật Thích Ca thì buồn cho những chúng sanh của cõi mình “tham quý phụ bần”, còn Đức Phật A Di Đà buồn cho những chúng sanh cõi Ta Bà “Vong ân phụ nghĩa” nếu đã là như vậy chúng ta còn đủ nhân duyên phước báo để được vãng sanh hay không? Đức Phật Di Đà còn hoan hỷ tiếp dẫn chúng ta nữa hay không? Thật là buồn vậy.

Thầy lại bảo trong Kinh A Di Đà có đoạn nói: “cõi nước của Đức Phật A Di Đà cho đến tên của ba đường ác còn không có huống chi là thật có ba đường ác…”, chỉ vậy thôi chúng ta đã thấy rằng, nếu là như trên, phiền não dẫy đầy, bán tín bán nghi, tự mình làm khổ mình, gây ra phiền não hoang mang cho người khác, thì làm sao có thể vãng sanh về Cực Lạc, thật là không biết mình đang niệm Phật gì và vãng sanh về đâu?.

Đức Phật Thích Ca chắc sẽ buồn lắm vì đệ tử mình không hiểu về lời dạy của mình, hay là không muốn hiểu, cố làm méo mó Chánh pháp của Phật, dẫn dắt mọi người đến bến bờ của phiền não khổ đau. Đức Phật Di Đà lại còn buồn hơn, tại sao chúng sanh ở cõi Ta Bà lại không hiểu như thế nào là Cực Lạc, lại biến cảnh giới Cực Lạc của mình thành nơi phiền não, nơi để cho những người “Vong bổn”, “tham quý phụ bần” hay là “Vong ân phụ nghĩa” tụ tập đem đến những điều phiền não của thế gian vào, mà họ có biết đâu rằng tất cả những gì họ lập ra và hướng dẫn cho người khác, rồi tự mình cho là điều kiện tiên quyết nhất để vãng sanh về cảnh giới Cực Lạc, đều là nguyên nhân đưa đẩy họ đến cảnh giới phiền não của ma, ôi thật là buồn.

Nói đến đây, hình như nỗi buồn của Đức Phật A Di Đà cũng bắt đầu làm chúng tôi cảm thấy nao nao, bao nhiêu nổi vấn vương trên bước đường tu học lại thêm một lần phải suy nghĩ, tại sao lại có hiện tượng này? tại sao lại có người lại coi rẻ Phật tánh của mọi người như vậy, họ vì một nguyên nhân gì? hay một lý do gì? hay một chuyện khó hiểu nào đó để rồi huỷ báng Chánh pháp, khinh rẻ Đại Thừa, nếu đúng là như vậy thì Phật Di Đà hay Phật Thích Ca cũng đều buồn như nhau không ai hơn ai, thật là đáng buồn vậy.

Mùa thu năm nay có khác gì mùa thu năm ngoái, cũng lá vàng cũng hiu hắc gió heo may, nhưng câu chuyện mùa thu năm nay sao thật buồn quá đổi, chén trà nguội lạnh, lò trầm không hương, chúng tôi im lặng miên man trong nỗi buồn của Chư Phật, hướng tâm về Cực Lạc để cầu Phật xót thương.

Nguyện Đức từ bi năng nhân tế độ, thương xót dắt dìu người mê muội thoát cảnh mông lung, hộ trì cho Chánh pháp trụ thế mãi trường tồn, Pháp môn Niệm Phật ngày thêm tươi sáng, để tất cả ai cũng được vun trồng nhân duyên “Tín Hạnh Nguyện”, để rồi đầy đủ nhân duyên phước lành được Phật độ vãng sanh. Còn nếu như không thì cảnh “thân người khó được, Phật Pháp khó nghe” sẽ không còn xa nữa, và cứ niệm như rùa mù bơi tìm thân cây mục trong biển khổ vô bờ thì thật là buồn thảm thay.