Nghiên cứu về các kinh điển Phật giáo phải thấu hiểu được các truyền thống văn hóa

Chúc Thanh dịch từ Anh sang Việt

Pune, Ấn Độ — Nghiên cứu các kinh điển Phật giáo mà không thấu hiểu truyền thống văn hóa riêng biệt thì chưa gọi là hiểu biết một cách trọn vẹn, lời phát biểu của giáo sư Geshe N Samten, phó hiệu trưởng trường Đại Học Trung phần ngành Phật học Tây tạng (Central University of Tibetan Studies) tại Sarnath, trong cuộc hội thảo quốc tế về kinh sách Phật giáo và các truyền thống văn hóa tại trường Đại học ở Pune (UoP) nhằm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường. Hơn 29 người kể cả các chuyên gia nước ngoài tham dự chương trình hội thảo này. Ông Pandit Vidyasagar, nguyên Giám đốc Ủy ban Phát Triển Đại học và Cao học đã tuyên bố khai mạc cuộc hội thảo.

Giáo sư Shrikant Bahulkar, một thành viên trong cuộc hội thảo, đã nhấn mạnh đến sự cần thiết để thấu hiểu các cách phiên dịch và tầm quan trọng của nó đối với các loại kinh sách Phật giáo ở những đất nước khác nhau.

Những chuyên gia đã trình bày 29 bài nghiên cứu liên quan đến Thiền tông, Phật giáo Tây tạng, Phật giáo Nam truyền, Phật giáo Bắc truyền, cả về Mật giáo, từ điển học, tranh ảnh và kiến trúc nghệ thuật của các truyền thống Phật giáo.

Ông Ravindra Panth, phó hiệu trưởng Đại Tịnh Xá Nava Nalanda thuộc trường đại học Nalanda, nhấn mạnh sự cần thiết cấp bách nhằm bảo tồn và xuất bản các kinh sách Phật giáo và thông dịch sang các ngôn ngữ bản địa.

Học giả xuất sắc nghiên cứu về Phật giáo, giáo sư M G Dhadphale được trao tặng phần thưởng Manjushree từ Hội nghiên cứu Phật giáo Ấn Độ (Indian Society of Buddhist Studies). Một quyển sách về các sắc lệnh của Vua Asoka đại đế được viết bởi giáo sư Meena Talin cũng được giới thiệu và phát hành trong dịp này.

Chúc Thanh (The Buddhist Translation Group)