24-giờ đồng hồ tham quan Lhasa

Bà Louise Southerden rất may mắn được có cơ hội giao du với các vị tu sĩ và Phật tử hành hương ngay giữa trung tâm đẹp tuyệt vời của Phật giáo Tây tạng.

Từ những ngọn đèn dầu đốt bằng mỡ bò Tây tạng(một loại động vật to lớn gọi là yak), từ tiếng trì chú thì thầm của các tu sĩ, cho đến những bánh xe Mani hay những kẻ hành hương cung kính quỳ lạy sát đất… tất cả vận hành theo thói quen thông thường tại thủ phủ chính thống của Phật giáo Tây tạng. Dĩ nhiên là bạn không cần phải là Phật tử có ý thích muốn tìm hiểu về Phật giáo để đi du lịch tại Lhasa, nhưng nếu có sở thích đó thì càng dễ dàng cho bạn tham quan xứ sở Phật giáo này.

Chùa chiền lễ lược, sự tu tập, tu sĩ và thiền viện đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống hằng ngày của người Tây tạng. Dĩ nhiên Lhasa có những cảnh trí văn hóa khác nữa. Năm mươi năm dưới chế độ cai quản của Trung quốc cũng đem lại cho Lhasa rất nhiều những phát triển mới mẻ, thí dụ điển hình là hệ thống đường lộ, hệ thống xe lửa từ cảng Bắc kinh, và tất nhiên có những luật lệ cũng hoàn toàn mới lạ. Nhưng thủ đô Lhasa vẫn giữ được truyền thống thiết yếu của Tây tạng bất chấp sự cai quản đô hộ, nhất là tại trung tâm văn hóa Barkhor. Bạn có thệ ‘trụ’ tại chính nơi đây để nếm qua cái hương vị rất thật như trái tim sống động của người Tây tạng vậy.

7 giờ sáng: Giờ sáng sớm này bên Tây tạng cho dù là mùa hè, trời cũng vẫn còn tối mịt. Trung Quốc có diện tích rộng lớn như thế nhưng chỉ có một múi giờ duy nhất – từ Lhasa đến Đài bắc cách nhau cả 4000 km. Nhưng thật sự bạn sẽ không bị thất vọng khi phải dạy sớm vào giờ này vì thành phố Lhasa đã rất tấp nập náo nhiệt rồi. Sau phần điểm tâm sáng bằng bánh bột nướng tại quán ăn mang cái tên rất ý nghĩa là Đất Tuyết, bên cạnh nhà trọ cũng cùng tên đó, trên đường Zangyiyuan ngay trung tâm Barkhor, tôi tham gia nối đuôi dòng người hành hương đi nhiễu vòng quanh Cung điện Potala theo chiều kim đồng hồ. Cuộc nhiễu hành này được gọi là Kora, và là một đoạn đường hành hương vòng tròn dài khoảng nữa giờ đồng hồ đi bộ.

9 giờ sáng: Có hai thứ ở Lhasa làm cho người ta ngỡ ngàng kinh ngạc, đó là độ cao của thành phố – Lhasa có tọa độ 3000 thước bên trên mặt nước biển – và điện Potala. Potala là một kiến trúc hùng vĩ nguy nga trải dài trên triền đồi nhìn xuống trung tâm Barkhor. Nhiều dẫy nhà kết nối nhau thành một tập họp độc lập tự túc tự cường về mọi mặt, gồm có đền thờ, chánh điện, trường học, mồ mả nghĩa trang, và cả nhà tù nữa… Ngày xưa Potala là nơi thường trú của các vị Dalai Lamas hiện tiền – quý Ngài ở tại Bạch Điện – trong khi Hồng Điện là nơi tích chứa nhục thân và quan tài của các vị Dalai Lamas tiền thân từ đời thứ 5 đến đời thứ 13. Ngày nay Potala trở thành một bảo tàng viện vĩ đại nguy nga tráng lệ cao 13 tầng, và có gần 300 bậc thang từ dưới phố đi lên. Mỗi ngày chỉ có 2300 vé vào cửa (giá vé là 100 yuan = khoảng 16 usd) được phân phối cho du khách tham quan – phải ghi tên trước vài ngày, giờ giấc cũng có giới hạn, an ninh được kiểm soát rất chặt chẻ, và chụp hình quay phim bên trong đều bị ngăn cấm. [Điện Potala được mở cửa mỗi ngày từ 9g sáng đến 3g30 chiều, vé vào cửa là 120 yuan.]

11 giờ sáng: sau khi thăm viếng Potala là điện mùa đông của quý Ngài Dalai Lama, chúng tôi được hướng dẫn xuống núi đi về hướng Tây để tham quan điện mùa hè mang tên là Norbulingka. Ngài Dalai Lama thứ 14 hiện tiền đã sống tại đây cho đến năm 1959; nơi đây Ngài đã phải giả dạng một quân lính Trung quốc để trốn thoát khỏi đất nước Tây tạng thân yêu, và bắt đầu cuộc sống ly hương cho đến bây giờ ở bên kia dãy núi Hy-mã-lạp-sơn, nơi quê hương thứ hai Dharamsala, miền bắc Ấn Độ. Điện Norbulingka còn lại một vết tích duy nhất của Ngài: đó là bức ảnh chân dung của Ngài được vẻ trong một góc phòng tối tăm không có nhiều ánh sáng (nên biết hình ảnh của Đức Dalai bị triệt để cấm đoán trên toàn lảnh thổ Tây tạng). Không một chút gì giống như điện Potala oai nghi hùng vĩ, Norbulingka chỉ là một gian nhà rộng hai tầng lầu, đơn sơ gần gủi với quần chúng, vẫn được chưng bày nguyên vẹn bằng đồ đạc của Ngài từ thập niên 50 trở về trước, với một vài thứ tân tiến như nhà vệ sinh và một cái radio… bên đường dẫn vào điện là hai hàng hoa cúc bộc quanh vườn cây cỏ. Ngày xưa hươu nai hoang dã dạo chơi ở bìa rừng, và những thú vật nhỏ được nuôi nấng như một vườn thú ngay trên vùng đất hoang, bây giờ chỉ còn một hồ nước rộng với những đàn vịt được người bản xứ mua ở chợ đem về thả dưới nước. [Điện Norbulingka mở cửa từ 9g sáng đến 6g30 chiều; vé vào cửa là 60 yuan.]

1 giờ chiều: Hầu hết tất cả hàng quán, cơ sở thương mại, văn phòng đều đóng cửa vào giờ trưa nghỉ ngơi 2 tiếng đồng hồ, nhưng nhiều tiệm ăn tiếp tục phục vụ cho khách thập phương. Chúng tôi dùng trưa tại nhà hàng Thịt nướng Tây tạng. Món ăn gồm có những món đặc sản như thịt bí-tết bò Tây tạng, nhưng chúng tôi đành lòng giải quyết bằng bánh mì săng-quit và pizza chay. [Nhà hàng này tên là Tibet Steak House, địa chỉ 49 Middle Beijing Rd, mở cửa từ 8g sáng đến 10g30 đêm.]

3 giờ chiều: Buổi chiều chúng tôi được hướng dẫn tham quan hai tu viện Sera va Drepung thuộc phái Gelugpa, tức là phái “mũ vàng” của Phật giáo Tây tạng. Sera được xây dựng vào năm 1914 cách thành phố khoảng 5 km về hướng bắc là nơi mà nếu bạn đến vào buổi chiều, bạn sẽ được chứng kiến những màn tranh luận Phật pháp thật là hào hứng náo nhiệt giữa các tăng sinh trẻ đang theo học. Ghé vào thăm một vài chánh điện như Yamantaka chẳng hạn, bạn có thể tham dự những lễ chúc phúc cho những đứa bé sơ sinh do cha mẹ chúng đem đến thỉnh cầu. Khi chiều xuống, tìm một bóng cây râm mát nào đó trong khuông viên tu viện để quan sát cuộc đối đáp tranh luần hào hùng nói trên. Chừng 2-3 chục cặp tăng sinh trong màu áo đỏ sậm, một vị đứng trong tư thế ‘sát phạt’, liên tục kích thích đối phương bằng những câu hỏi Phật pháp trong sách tập; vị tăng kia ngồi trong tư thế sẳn sàng để trả lời từng câu hỏi hóc búa được đặt ra. Tất cả đều bằng tiếng Tây tạng, tôi chảng hiểu ất giáp gì cả, nên có cảm tưởng như mình đang xem một cuộn phim ngoại quốc không có lời thuyết minh, nhưng cuộc tranh luận rất là hào hùng, mãnh liệt, và có phần vui nhộn nữa. [Tu viện Sera mở cửa từ 9g sáng đến 5g chiều, tranh luận biện tài vào lúc 3 đến 5g chiều, vé vào cửa là 55 yuan.]

4 giờ chiều: trở về trung tâm Barkhor để tham quan chùa Jokhang – một ngôi chùa quan trọng và được ưa chuộng và tôn kính nhất của Tây tạng. Nếu đến đúng giờ tụng kinh, bạn sẽ được nghe giọng trầm hùng của các Sư Tây tạng vang rền từ chánh điện. Một điều rất thú vị tại các tu viện và chùa chiền của Tây tạng là được ngắm nhìn thành phần Phật tử đến lễ bái: nào là phụ nữ Khampa với lọn tóc quấn khăn xanh biếc, hay vàng, cam, đỏ trên đầu; nào là dân du mục từ những vùng xa xôi ngoại thành mang theo lễ vật mỡ yak trong lọ chai để đổ vào đèn dầu dâng cúng; nào là đàn ông đàn bà sắp hàng dài dưới những tủ kinh đầy ấp những bộ kinh Phật chép tay để cầu nguyện. Tận tuốt trên nóc cao của chùa Jokhang, ta sẽ có tầm nhìn xa phía dưới là Barkhor, chung quanh là dãy núi phủ tuyết bao bộc Lhasa, và điện Potala hùng vĩ. [Chùa Jokhang mở cửa từ 9g sáng đến 5g30 chiều, vé tham quan là 80 yuan.]

5 giờ chiều: Chúng tôi lại được nhiễu hành theo chiều kim đồng hồ vòng quanh chùa Jokhang khoảng 20 phút. Chuyến kora (nhiễu) này rất thú vị vì được dịp nhìn ngắm và mua bán đồ lưu niệm từ những quán hàng dọc theo đường lộ Barkhor chung quanh chùa. Quà lưư niệm ê hề từ những thứ rẻ tiền làm tại Nepal như chuỗi đá mala, vòng ngọc mani, tượng và mặt thạch hay ngọc lam, cho đến những áo khoác dài (gọi la chubas), khăn choàng của đàn bà Tây tạng, và nón mũ đủ loại… (nón là vật dụng tối cần ở Tây tạng vì khí hậu và mặt trời vùng núi tuyết rất khắc nghiệt). Phía sau con đường chính này là những ngỏ hẻm bằng gạch chỉ vừa cho người đi bộ, bạn có thể tìm lối vào những ‘cung mê’ này để tận mắt chiêm ngưỡng đời sống thiết thực của dân bản xứ: nào là phụ nữ ngồi may ngoài hiên nhà, nào là quán cốc nhỏ bán quần áo tu sĩ; nào những sập gỗ chất đủ loại bơ mỡ và dầu yak, và con nít chạy nhảy tung tăng chơi đùa.

6 giờ chiều: Một khi đã xong chuyến nhiễu hành và mua bán sắm sửa, bạn có thể tìm đến ngồi một nơi nào đó đằng trước cổng chùa Jokhang về hướng tây, ánh nắng hoàng hôn đã bắt đầu dịu dần… nơi đây bạn sẽ thấy và cảm nhận được lòng thành dâng hiến tập trung cả vào thân thể của những tín đồ mộ đạo quỳ lạy năm vóc sát đất trên nền đá cứng. Nhiều người chuẩn bị chu đáo đem theo những miếng đệm bằng gỗ hay da để đeo tay và đầu gối, và áo phủ ngoài bằng vải bạt dầy để không bị trầy sướt và rách quần áo khi lạy kiểu trườn nằm dài xuống đất như thế. Đây là một khu phố rất nổi tiếng và được ưa chuộng bởi cả người Tây tạng lẫn khách du lịch. Ngồi đó một hồi thể nào cũng sẽ có những bạn trẻ lân la đến làm quen chuyện trò và luyện tập tiếng Anh với bạn

7 giờ tối: một trong những chỗ ưa thích nhất là sân thượng của nhà hàng Mạn-đà-la nhất là vào những buổi tối mùa hè ấm áp để vừa thưởng thức món ăn thuần túy địa phương vừa ngắm nhìn Jokhang trải dài trước mặt và sự ồn ào náo nhiệt của hàng quán chợ búa phía dưới. Thực đơn không quá 10 usd cho bữa ăn, bạn có thể chọn nào là bánh bao thịt yak (người Tây tạng gọi là momo), bánh burger thịt yak nướng với khoai tây chiên, vài miếng bánh mì bột lúa mạch (gọi la tsampa, người Tây tạng ăn nhiều lúa mạch hơn lúa gạo) chấm ya-ourt, và bia Lhasa. Đừng mong tìm ra hải sản hay những món thịt nào khác: Người Tây tạng ăn thịt bò yak là vì theo tư tưởng Phật giáo, họ tin là nếu một con vật đã hy sinh thân mạng nuôi sống con người thì con vật càng to lớn càng nuôi sống được nhiều người mới có ý nghĩa. [Nhà hàng New Mandala nằm trên đường Lubu, ngay trước chùa Jokhang, mở cửa từ 7g sáng đến 10g tối.]

9 giờ đêm: từ nhà hàng Man-da-la qua khuông viên lát gạch trước Điện Potala chỉ mất 10 phút đi bộ qua chiếc cầu bắt ngang hồ nước nhân tạo. Đèn điện sáng trưng từ Điện Potala rọi xuống mặt hồ làm cho phong cảnh càng thêm hùng vĩ nguy nga – đèn được bật lên từ 8g đến 10g30 mỗi đêm. Những vòi nước phun lên và chảy theo điệu nhạc hòa tấu hào hứng du dương, khó có ai không khỏi bật lên tiếng trầm trồ khen ngợi. Ban đêm Potala càng gây ấn tượng sâu sắc hơn với đèn màu rực sáng cả một vòm trời.

10 giờ đêm: Lhasa thật sự đi ngủ khoảng giờ này sau khi hàng quán dẹp tiệm đóng cửa, không còn một sinh hoạt về đêm nào nữa, ai về nhà nấy chung vui với gia đình, xem ti-vi, đáng cờ tướng chẳng hạn. Gọi một chiếc xích-lô đạp trở về khách sạn là hay nhất, đường xá gồ ghề, nhớ vịn cho chắc đấy nhé. Nếu khí hậu ở độ cao này làm bạn mất ngủ, chỉ có quán cà-phê Summit Fine Art của một gả nhiếp ảnh bụi đời người Mỹ ngay trong sân của khách sạn Shangbala là còn mở cửa để bạn có thể nhâm nhi một ly espresso đậm đen, hay một ly trà sữa nóng, hoặc thưởng thức một miếng bánh phó-mát từ New York (NY cheesecake). [Quán cà-phê Tibet Summit Fine Art có địa chỉ là số 1 đường Denjielin, bạn có thể vào thăm trang nhà của quán tại thetibetsummitcafe.com.]

Louise Southerden (sinh sống tại Úc châu) theo phái đoàn hành hương thăm viếng Lhasa qua sự ưu đãi của công tỳ du lịch Helen Wong’s Tours.

Đường đến Lhasa – phi trường lớn gần nhất là Chengdu Shuangliu International Airport (Code: CTU). Giá vé máy bay hãng China Eastern Airlines đi từ Melbourne hay Sydney qua Chengdu, ngừng 1 chặng ở Thượng Hải (Shanghai) là khoảng 1000 dollars Úc. Những hãng khác như Cathay Pacific cũng có chuyến đến Chengdu, ngừng ở Hồng kông. Từ Chengdu, Air China có chuyến 1 chiều về phi trường nhỏ ở Lhasa khoảng 245 dollars Úc. Người cư dân Úc phải có visa của Trung quốc cấp, và phải xin giấy nhập cảnh Tibet từ Trung quốc để thăm viếng Lhasa. Không ai được tự do du hành trên đất nước Tây tạng.

(phần này do người dịch – đang sinh sống ở Hoa Kỳ – sưu tầm và biên soạn: một vài cái bấm chuột trên mạng cho biết giá vé máy bay từ Los Angeles (LAX) đi Chengdu khoảng $1150, từ New York (JFK) khoảng $1500, từ San Francisco (SFO) khoảng $1560. Visa to China approximately $130 & shipping & handling, visit http://www.china-embassy.org/eng/hzqz/ for information. Travel permit for Tibet can be obtained through your tour guide and tour company. More info from this website: http://www.tibet-permit.com/)

Công ty du lịch Helen Wong’s Tours: có nhiều chương trình tham quan. Chúng tôi theo tour 7-ngày đêm thăm viếng Lhasa và Chengdu; giá bao là $3470 tiền Úc, một phòng hai người, chưa kể tiền máy bay đến Chengdu và hồ sơ xin visa.

SOURCE – http://www.smh.com.au/travel/24-hours-in-lhasa-20091118-ila2.html

Thánh Thủy (The Buddhist Translation Group)

Thánh Thủy dịch từ Anh sang Việt