Huệ Quang Ngày Ấy!

Tôi về Huệ Quang không có dự tính gì cả. Ngày đó, sau khi mãn khoá An cư tại Tuyền Lâm, tôi được may mắn lãnh thưởng. Người phát thưởng cao quý đó, chính là Hoà thượng chứng minh, là sư bác Huệ Hưng.

Như một bản chất riêng biệt, như nét đặc thù cố hữu, Hoà thượng rất thích mấy chú nhỏ thông minh, học giỏi, là mầm non Phật giáo. Ngài hy vọng và tin tưởng vào những thế hệ này, ước mong họ sẽ có cơ hội cống hiến cho đạo pháp và dân tộc.

Mới ban đầu, tôi không chịu về, vẫn tiếp tục ở Tuyền Lâm. Một mặt tôi muốn đi học ngoài đời, một mặt, vì ngoài này vui hơn trong kia, và điểm quan trọng cuối cùng là tôi rất sợ uy danh của Hoà thượng. Nhưng thầy Minh Cảnh cứ ghé Tuyền Lâm, bảo thầy Trụ trì thuyết phục để tôi về Huệ Quang hầu Hoà thượng, làm công quả trong đó. Cuối cùng, tôi phải chấp nhận về Huệ Quang trong một tâm thái hoang man lo sợ. Hoang man vì không biết có chịu nổi với tính tình khó khăn, giới luật nghiêm khắc của sư bác không? Hoang man vì ở đó chuyên tu, thời gian đâu đi học? Lo sợ vì không còn bay nhảy rày đây mai đó được nữa. Bạn bè, bổn đạo quen biết ít có cơ hội gặp nhau. Không ai dám vô Huệ Quang, vì Hoà thượng nổi tiếng giới luật nghiêm khắc.

Cuộc đời của Hoà thượng, suốt ngày chuyên tu và hết lòng đầu tư vào giáo dục, đào tạo thế hệ kế thừa.

Dù thời buổi khó khăn, Ngài vẫn khéo léo, quyết tâm mở lớp gia giáo, đào tạo Tăng-Ni tài đức. Lúc đó, ở Sài gòn những bậc Thầy mô phạm, hy sinh cao cả, cả gan làm liều duy trì các lớp học Phật pháp như: Hoà thượng Kim Cương, Hoà Thượng Bình Minh, Hoà thượng Huệ Quang và thượng toạ Nguyên Ngôn Ấn Quang.

Sau này, có sự xuất hiện của Thiền sư Duy Luật, người Hoa nhưng rất có duyên với cộng đồng Phật tử Việt nam. Ngài kết hợp với Hoà thượng Huệ Quang mở Thiền Thất, Phật thất tại Huệ Quang, rồi Từ Ân nữa. Nhờ những lớp này, mà đào tạo được một số Tăng-Ni có khả năng và tâm đức thừa hành Phật sự.

Mấy mươi năm chuyên tâm tu hành, hết Vạn An, Long An, Kim Huê, đến Liên Hải, Ấn Quang, Tập Thành, rồi Tuyền Lâm, Sơn Bửu, Huệ Quang, Vạn Hạnh

Ngài thức khuya dậy sớm, tĩnh toạ tham thiền hằng giờ, hằng ngày. Ngoài ra, còn thành tâm chung lo Phật sự ở các nơi khác.

Mặt trời hết mọc rồi lặn, hết sáng rồi tối, nhưng tâm hồn của thiền sư thì bất động, sáng mãi thiên thu.

Những tia nắng chiều bảng lảng, vấn vươn trên cây xoài, lá nhản, đã làm cho tâm hồn của đệ tử muôn phương, ngưỡng vọng qua về.

Sau này, dù tấm thân tứ đại đa mang tật bệnh, nhưng trái tim nhân bản, đầy ấp tình người, trái tim thương yêu ban trao của Hoà thượng cho Tăng-Ni, Phật tử thì tứ trí viên dung.

Ai muốn hỏi điều gì, Hoà thượng đều không từ chối giảng giải rõ ràng. Ai chê bai, từ chối, Ngài đều dang tay rộng lớn, bảo bộc đỡ nâng. Giống như người thợ mộc giỏi, tuy gỗ sằn sù, khúc mắc, nhưng vào tay thì trơn láng, dễ thương!

Hồi đó, con đường trước chùa chưa được quan tâm, chỉnh trang cho lắm, mặc dù nó đã có mặt lâu đời. Hết lớp đá đỏ, rồi tới đá xanh, rồi đất trộn nước, dơ dáy, bụi bậm không thể kể xiết. Có lẽ chỉ thích hợp cho xe đạp, xe thồ và người đi bộ. Còn những phương tiện giao thông cao cấp khác, thậm chí xe xích-lô có bửa không dám chạy vô.

Sau này, nhờ hảng Tôm Đông Lạnh toạ vị nơi đây, người ta mới nâng cấp, sữa đường, trán nhựa lại. Nhưng cũng phải trải qua nhiều lần. Vì mỗi lần như vậy, do nhựa đường Việt nam khan hiếm, nên xài tiện tặn, tráng mỏng như bánh tráng nhúng nước thôi. Nhựa đường mà tráng mỏng như bánh tráng nhúng nước thì dễ bể, dễ hư nếu gặp nước nhiều, nhứt là mùa mưa mỗi năm.

Sài gòn là một trong những chổ mưa nhiều, nước ngập nhiều. Tuy không như vùng đồng bằng sông Cửu long, nhưng rất gần gũi với Long An, Mộc Hoá. Có khi bà thuỷ lên du lịch dài hạn, là coi như dân Sài gòn tăng gia đi Bình Hưng Hoà nhiều. Thuỷ Tinh-Sơn Tinh ở đây nhiều hơn ở những thành phố văn minh khác. Hết mưa ngày lại mưa đêm, thậm chí mưa ngày lẫn đêm, nước ngập đầy đường, chết mấy người dân nghèo, lam lũ.

Con đường phía trước đâu tránh khỏi lượng nước mưa khổng lồ đổ xuống, thành thử nước ngập lề đường, tràn lên mé đường, đè trên mặt lộ, ngâm vài giờ đồng hồ, đủ để mấy miếng bánh tráng gặp nước, nức ra, bể ra hết. Đường bắt đầu có ổ chuột, ổ voi là thế!

Trước chùa, còn có đường cống, nước đen không thua gì nước của rạch Ông Buông ngoài Phú Lâm. Bao nhiêu nước phế thải từ các nhà máy xung quanh đổ xuống đây, kể cả mấy nhà máy bột giặt gần chùa Pháp Giới cũng dẫn nước về. Chảy đâu mặc kệ, đi vô nhà dân chứ đâu chảy ngược lại xí nghiệp mà lo! Dân nghèo đã chịu khổ, chịu cực suốt đời, đồng thời lại phải hít thở những mùi hôi, mùi thúi khủng khiếp. Vậy mà họ không bị ô nhiễm gì cả. Không nghe ai nám phổi, lủng ruột lủng gan gì. Chắc thân phận nghèo, trời cho cơ thể có hệ thống miễn nhiễm đặc biệt hơn dân nhà giàu? Hay là quy luật bù trừ của tạo hoá!

Huệ Quang, mang tiếng là ở Thành phố gấm hoa, nhưng đâu biết xài nước phong-tênh, mà muôn đời vẫn xài nước giếng. Ngay phong khách, ngồi nhìn ra là cái giếng bự, nước có quanh năm.

Ngày xưa còn múc từng thùng lên để xài, sau này, người ở đông, Phật tử tới lui tu tập nhiều, nhu cầu mỗi ngày mỗi cấp bách, Hoà thượng quyết định lắp đặt hệ thống máy bom, cho đở tốn công sức, nhưng sẽ tốn tiền, tốn điện, tốn đường dây dẫn lên cái bồn trên cốc của Hoà thượng và mấy cái lu bự xung quanh chùa.

Có lẽ cả xóm này đều xài nước giếng, mạnh ai nấy khoan giếng để làm rẫy và sinh tồn. Nhứt nước nhì phân mà! Nước đứng hàng số một, không có nước sử dụng, con người đâu thể tồn tại lâu dài được.

Hồi đó, trong miệt Tân Phú cũng đâu có nước phong-tênh. Nước chính phủ cố gắng chạy tới đầm sen là hết hơi, hết tiền, hết sức, chảy không nổi nửa. Ai muốn sống còn, tự động đào giếng, không cần phép tắc gì cả, chỉ cần tiền mướn đóng mà thôi. Hồi đó có mấy công ty nhỏ phía dưới chợ chòm hỏm gần chùa, quảng cáo lãnh phần việc này. Nói công ty cho hợp thời đại kinh tế phát triển, chứ đâu có ai trong đó. Gia đình, mấy cha con hè nhau đi làm, chia nhau kiếm sống, không ai bên ngoài dự vào được.

Dân làng vùng này uống nước giếng, tắm nước giếng, nấu nước giếng, đi vệ sinh cũng bằng nước giếng, tưới cây làm rẫy, làm kỷ nghệ gì cũng bằng nước giếng. Già trẻ bé lớn gì cũng uống nước giếng, ai nấy khoẻ mạnh, thông minh. Ông Sáu nói, nước giếng ngọt lịm là nhờ xương cốt từ mấy nhị tì Quảng đông, Tiều châu, và những khu mã lạng, mấy cái mã của bà chủ đất chảy tụ lại mội nước.

Nói vậy mà chẳng thấy ai sợ, người trong chùa không sợ, người ngoài chùa, đâu nghe mà sợ. Nhưng, dù có sợ đi nữa, cũng phải uống mà. Uống quanh năm suốt tháng, đâu thấy ai bệnh hoạn gì!

Phân nữa khu đất được khai thác để cất chánh điện, cái thất chuyên tu và khu nhà bên kia. Phần còn lại là khu tháp, mã mồ, lao sậy um tùm, cao hơn đầu người lớn, và cây mắc cở mọc bít lối đi.

Thậm chí ngay nhà bếp, còn có 2 cái mộ thật to, Hoà thượng không dám đụng tới. Để nguyên đó, dù muốn phát triển, xây cất rộng ra, cũng chưa đến lúc.

Phía sau, có một hàng lu, chừng 4 cái, bên cạnh có cây nhản thật to, cây xoài thật bự, đã cung cấp nhiều cho con người cúng Phật, cho chim quạ tận hưởng hương thơm, vị ngọt của trái cây miền sơn cước.

Sau khu mã, là mấy cây ổi, do chim chóc trồng. Không biết đi ăn ở đâu xa, lấy giống về đây trồng.

Trong chùa ảnh hưởng tinh thần vô ngã, hỷ xả, nên chim muông trồng mà con người hưởng sái, đặt biệt là mấy nhỏ trong chùa và lối xóm! Nhưng thỉnh thoảng, mấy dì Phật tử ở quận nội thành, đến đây lạy Phật, viếng thăm Hoà thượng, rồi tranh thủ viếng thăm mấy cây ổi luôn. Mạnh ai nấy hái, không ai la ai.

Chỉ trừ sau này, có cô Bảy, em ruột của Hoà thượng, không chịu lập gia đình, hay không ai thương vì tính tình khó khăn khúc mắc, hay giữ của. Giữ trong chùa chưa đủ, tranh thủ giữ mấy cây ổi, mấy gốc nhản bên ngoài. Thật đáng tội nghiệp!

Lúc tôi về đây, ngoài việc học hành, hầu hạ sư bác, không có việc gì làm, tuổi trẻ mà, sức như trâu, phải kiếm việc lao động chứ. Một ngày không làm là một ngày không ăn đó. Thành thử, tôi xin phép thầy Minh Cảnh cho khai thác khu đất còn lại, gần khu mả và gần mấy cây ổi phía sau, thầy đồng ý liền.

Một là cho sáng xủa mặt hậu, hay là cho mấy người nằm dưới những khu mộ đở cô đơn. Mỗi ngày, khoảng 9 giờ sáng, tôi đều ra để cắt cây, dọn đất. Ngày đầu tiên đã phát hiện lý do tại sao không ai dám đụng tới, dù khu đất không lớn lắm. Chỉ vì phía dưới toàn là đất sét, đá ông lâu đời, đào cuốc sao nổi. Toàn đất sét làm sao trồng hoa màu được. Đất sét chỉ để làm lò gạch như dưới Sa-đéc, hoặc làm đồ gốm, sành sứ như trên Biên Hoà, Đồng Nai thôi. Trời thương, cho chùa mỏ đất sét lớn, nhưng khai thác chưa đúng chỗ, vẫn còn thua lỗ, eo hẹp, thiếu trước hụt sau hoài.

Hơn một năm, trồng gì cũng chết, mất công kiệt sức, hết tiền mua giống, Hoà thượng dạy tôi, ‘nên trồng rau muống tàu chắc ăn, sáng luột chấm nước tương, ăn độn với cháo cũng bắt lắm ông à!’ Tôi nghe lời, dọn đất mần cỏ, lên líp kỷ càng, bắt đầu kế hoạch trồng rau muống như ước muốn của Hoà thượng.

Sau khi gieo hạt, đuổi kiến lửa, kiến hôi, tước tưới ngày ba bốn cử, tưới lầy lội, ngập hết mà rau muốn không chịu xanh tốt, mới ban đầu èo ọt, lần hồi đi tới héo tàn. Hoà thượng thấy vậy nói chơi: “chẳng lẽ số ông không trồng được cái gì, chẳng lẽ số ông chỉ lo học hành, chuyên tu thôi sao?”

Mấy đêm liền, ngủ gát tay trên trán, tìm giải pháp khắc phục những líp rau muống. Rau muống là thứ dễ trồng nhứt trên đời, mà trồng còn hỏng được, chẳng lẽ Hoà thượng nói đúng sao ta.

Tự nhiên, chợt nhớ tới phương cách trồng trọt của Thầy Trị Sự dưới Kim Huê, lấy phân người, trộn với tro trấu, đất sẽ sốp, rau muống có chất đạm, có lẽ sống và khoẻ ra. Nhưng vấn đề là, phân người ở đâu mà lấy, tro trấu ở đâu ra?

Nhớ có lần, mấy huynh bên chùa Pháp Giới khoe là bên đó làm bánh tráng, sản xuất hủ tiếu, nấu bằng trấu không hà. A, qua đó xin chắc ăn như bắp, lọt vô trung tâm sản xuất tro trấu rồi.

Tôi và chú Tâm qua đó xin tro trấu đem về, rồi rình rình lấy phân người phía sau mấy nhà vệ sinh của chùa, trộn lại với nhau, bỏ vào mấy líp rau muốn. Chỉ có vài ngày, hiệu quả thấy rõ, tốt khủng khiếp, mập thù lù, xanh đậm như tàu lá chuối! Hoà thượng và thầy Minh Cảnh đâu biết, khen nức nở, trồng kiểu này, đâu thua mấy ông Tàu xung quanh. Thôi cắt vô, nấu canh chua, xào chao, luột sống, không bỏ một cọng, cả chùa vui vẻ thưởng thức. Từ đó rau muống Huệ Quang vang danh, quý dì Phật tử đem về ăn thả cửa.

Có lần, buổi chiều đi xin tro trấu bên Pháp Giới, bận về, tôi lái chiếc xe ba bánh chất đầy, chú Tâm ngồi phía sau, hàn huyên tâm sự. Đột nhiên, nổi hứng, tôi hỏi chú có biết võ thuật không. Chú nói là hồi nhỏ có học, biết rất nhiều thứ, kể cả Thiếu lâm. Nghe xong, trong bụng tôi muốn thử thiệt hay giả, thử bằng cách nào đây? Tôi nói với chú Tâm, nếu thiệt có võ, thì buông tay lái, là tự động nhảy lên thay tôi cầm lái. Chú nói, chuyện nhỏ, có gì đâu mà thách đố, lải nhải hoài. Nghe vậy, tôi liền buông tay lái, nhảy xuống, mặc nhiên cho chiếc xe chạy lung tung ngoài đường lộ. Vì quá bất ngờ, chú đâu phản ứng kịp, ngồi phía sau la làng, xe đâm vào gốc trước nhà ông Tàu. Hên là không đụng sập nhà người ta, không ảnh hưởng đến ai. Chỉ có chú Tâm bị đập nhẹ vào chiếc xe, lảo đảo bước xuống, ngồi bệt bên vệ đường, cố gắng nhướng mắt nhìn, miệng mếu máo, lép nhép điều gì đó, tôi không nghe rõ. Đáp lại, chú nghe toàn tiếng vỗ tay tán thưởng của tôi. Từ đó, mới biết chú chẳng biết chút võ nghệ nào, nếu có chỉ có ‘võ cua’ thôi!

Nhớ lại, thời kỳ khó khăn chung, nhà dân đã cực khổ, nhà chùa còn khổ cực hơn. Nhưng nói vậy chứ khổ mà vui, cực thì có, nhưng tôi chẳng thấy khổ gì hết.

Chùa lúc đó, ngoài Hoà thượng, Thầy Minh Cảnh, thầy Thiện Đức, Sư huynh Quảng Nghiêm ra, tôi cũng thuộc loại có hạng lắm. Lớn hơn chú Tâm, chú Hùng, chú Minh, Chú Hạnh, chú Thuận và mấy nhỏ Phật tử xung quanh chùa. Được Thầy trụ trì tin tưởng, giao trách nhiệm đi xin và vận chuyển vỏ dừa, mạt cưa làm khí đốt cho chùa. Đỡ tốn tiền mua củi, để dành tiền thỉnh kinh, hay cất chùa mới sau này

Thật tình, tôi đâu quen ai, chỉ chờ thầy trụ trì liên lạc, bắt mối xong, cho địa chỉ, hẹn ngày giờ, là tôi đạp xe ba-bánh tới lấy. Mấy chổ cho còn ra điều kiện, phải lấy hết và dọn dẹp sạch sẽ nửa.

Hai điểm vỏ dừa thường lấy là bên Lữ Gia và ngay trước Đại học Bách Khoa. Còn mạt cưa thì phải đi ngược ra ngoài quận 6, gần chùa Tuyền Lâm.

Thỉnh thoảng, thầy Minh Cảnh, dù là Chánh Đại Diện Phật giáo Tân Bình, cũng lớn lắm chứ, nhưng nhờ tu hành, bản ngã của thầy lại nhỏ xíu. Thầy thường phụ tôi chở vỏ dừa, mạt cưa về chùa.

Để đở hao hơi tốn sức, sau khi chất lên xe ba-bánh xong, sẳn có chiếc xế nổ Su-zu-ki nữ, đời hồi đó, thầy sẳn sàng rồ ga, thẳng giò đạp đằng sau, gọi là trợ lực, tiếp duyên cho chuyến vỏ dừa mau tới bến.

Dân Sài gòn ảnh hưởng văn hoá văn minh phương Tây nhiều, nên chẳng thèm đếm xỉa, quan tâm tới. Ai làm gì thì làm, miễn đừng ăn cướp, hay quậy phá, ảnh hưởng an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của người khác.

Lâu lâu mới gặp mấy tay xích-lô đã quắt cần câu, ngạc nhiên la lên: “Á, nhìn kìa, ông thầy chùa cha, đạp ông thầy chùa con kìa tụi bây ơi”.

Nghe la ỏm tỏi, nhìn lại không ai nghe, mình la mình nghe luôn!

Vỏ dừa, mạt cưa về đổ đống bên hong nhà Tổ, cạnh mấy cây nhản, Thầy trò còn phải chặt nhỏ, đem ra phía trước phơi cho khô mới chụm được.

Sân chùa hạn chế, phần trên ưu tiên cho công ty sản xuất nhang kế bên phơi, phần dưới mới tới của chùa.

Nói công ty sản xuất nhang cho bự, chứ phía trước chùa là gia đình Bà Tư, làm nhang bán lẻ. Chưa thấy chùa mua nhang của bà! Thỉnh thoảng, rằm lớn, chỉ thấy chị Bích sai nhỏ Hạnh đem vài bó nhang trầm qua cúng Phật.

Chị Bích là đứa con gái duy nhứt của bà, có ông chồng ít nói, hiền khô. Hai người sinh được một con gái mụ mẫm, tên Hạnh, thông minh học giỏi, có hiếu với gia đình.

Nhỏ Hạnh ngoài giờ đi học, tối ngày lẫn quẫn trong nhà như ở trong chùa, vì chùa và nhà có chung một cái cổng, một khu vực.

Gần đó không xa là khu vui chơi giải trí Đầm Sen-Nhà hàng Thuỷ Tạ. Nguyên thuỷ của Nhà hàng Thuỷ Tạ là Nhị Tỳ Triều Châu, và nguyên thuỷ của Viện Con Lai lại là Nhị Tỳ Quảng Đông. Nói ra tưởng đâu là chuyện đời xưa dữ lắm, nhưng chưa tới 30 năm, mà thế hệ trẻ hỏng chừng hỏng biết!

Thỉnh thoảng, đêm khuya tăm tối, tôi nghe tiếng than vãn thét gào, tiếng kêu la inh ỏi của những oan hồn phía sau khu gò mả, hay tuốt dưới Nhà hàng Thuỷ Tạ vọng về. Không biết họ chết từ bao giờ, nhưng đến nay vẫn chưa siêu độ.

Chắc họ kêu van cha mẹ gia đình, hay những người thân thiết, để tìm chút hương ấm trong những ngày rằm lớn. Hay họ cầu cứu tôi, ai mà biết được!

Thầy Minh Cảnh lúc nhỏ chuyên tâm học tu, đến lớn thành đạt, cũng từng làm Hiệu trưởng Trường Bồ Đề Long Xuyên, rồi Chánh Đại Diện Phật giáo Tân Bình chớ bộ. Lúc nhỏ thông minh, nên sư cụ Vạn Đức đặt là Minh Cảnh, chắc lấy chữ ‘tâm như minh cảnh đài’ trong bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng để gọi.

Thầy biết đủ thứ hết, không phải chỉ giỏi Văn-Sử-Địa, mà giỏi luôn về y học, châm cứu trị bệnh nữa.

Thầy hay đưa tôi đi ngoài mấy chỗ bán sách cũ cập lề đường. Đang chạy, tấp vô, mạnh ai nấy lựa. Thầy lựa sách y học, tôi lựa tiểu thuyết, thơ ca, luyện thi tốt nghiệp. Vì dân quê bình dân, mặt miền Tây, ngôn ngữ còn dính phèn, hơi thở chẳng cầu kỳ hoa lá, thích hợp với cách biểu đạt của nhà văn sông nước Hồ Biểu Chánh.

Thầy Minh Cảnh chức vụ lớn, địa vị cao, nhưng chưa bao giờ ra vẻ quyền cao chức trọng gì cả. Không thấy sắm xe hơi chạy, chẳng thấy có xe Hon-da đời mới để đi. Phương tiện duy nhứt vẫn là chiếc xe Shuzuki cà tàn.

Không biết ai cúng dường, hay phải tự sắm làm phương tiện đi đây đi đó. Thấy người này người nọ lên đời, nhưng đời thầy chỉ có chiếc Shuzuki thuộc loại đời cũ, chạy nhanh hơn rùa một chút. Có bửa, công việc gắp, sáng sớm dắt xe ra, đạp cả trăm lần mà không chịu nổ, mồ hôi nhuể nhải, bỏ buổi điểm tâm luôn.

Thầy Minh Cảnh có trình độ cao, nhưng lại ảnh hưởng nếp sống bình dân của vùng miền Tây nam bộ quá độ, nên một số ít người chuộng hình thức, ưa ồn ào không kính nể nhiều. Mà thật, bình dân đến mức trở thành lèn xèn, chính Hoà thượng Huệ Quang cũng kêu lên rầy hoài.

Thầy thuộc dạng đa nghệ, không chỉ giỏi văn chương, toán học, mà còn giỏi sữa xe, vạo vít lửa, thay bu-ri nữa kìa. Nhờ mua xe dỏm, hư hoài, sữa liên tục, nên trình độ thẩm định xe máy nổ cũng khá chính xác. Như những bậc tu hành, nhờ gặp gian nan trắc trở, nhờ gặp thử thách nghịch duyên, nhờ thẩm định đạo lý vô thường nhiều, mới dễ thành đạo chứng quả!

Nhớ hồi đó, năm đầu học Cơ Bản Vĩnh Nghiêm, mỗi ngày phải đạp xe từ Huệ Quang, dần dà thấm mệt. Thầy có ý khuyên tôi nên kiếm chiếc gắn máy để đi. Tôi bắt đầu tiện tặn dành tiền, rồi nhờ Thầy đi coi mua xe dùm. Hồi đó, đâu đủ tiền mua xe Hon-da đời mới, chỉ đủ mua được chiếc Chacly hoặc chiếc Mobilết cũ xì thôi. Mới ban đầu chạy ngon lắm, đặc biệt là những ngày trời khô nắng ráo. Nhưng khi gặp dông bão mưa to, đường xá ngập hết, nước ngập hơn phân nữa chiếc xe, chết bu-ri, nằm đường dài dài. Tôi đành lết về chùa bằng xe lôi cây chưng, mình ướt như chuột lột. Lạnh mà không lạnh, vì có hơi ấm tình thương của Hoà thượng và sự quan tâm hun đúc của thầy trụ trì.

Hơn 20 năm rồi, Huệ Quang thân thương vẫn còn nằm trong trí nhớ. Những bụi tầm vông cao ngút, mấy cây mận, cây dừa, đã đồng hành, chống chọi với bao mưa nắng, bụi bậm của cuộc đời, ngày đêm vẫn cho bóng mát.

Phía bên này, mát mẻ hơn, những gốc xoài trồng tiêu phía dưới, những gốc nhản tuổi thọ khá cao, giúp cho phong cảnh Huệ Quang đượm chút thanh u, toả mùi thoát tục. Con đường Hoà Bình quen thuộc dẫn vào khu vui chơi giải trí Đầm Sen hiện về.

Theo quy luật thành trụ, trải bao hưng phế vô thường, cảnh vật tuỳ duyên thay đổi, có thể thay đổi từng ngày, nhưng những ân nghĩa sâu nặng vẫn còn đó, vẫn trong lòng của Phật tử, Tăng-ni gần xa.

Hơn 20 năm qua, từ khi Ngài khai sơn viên tịch, tôi chưa có dịp ghé thăm. Nhưng cõi lòng lúc nào cũng trân trọng, kính quý từng kỷ niệm, nơi đó một thời đã là quán trọ bên đường, cho tôi dừng chân ngơi nghỉ.

Buổi chiều, ánh mặt trời thẹn thùng đỏ mặt, trước khi vẫy tay chào ngơi nghỉ, một chút nắng hanh hanh còn vấn vươn trên nóc chùa, hình ảnh Huệ Quang lung linh, huyền ảo hiện về. Mái chùa nhỏ đơn sơ, thấm đượm nghĩa tình, biết bao trái tim thiêng liêng đợi chờ còn đó, nhưng kẻ đăng trình vẫn cất bước ra đi. Phương trời thong dong, hay vùng trời tây mênh mông, đều là những hoá thành, có mặt trên những đoạn đường đi!!!

Úc Châu, năm 2011

T.K.Thiện Hữu

Trích trong “Trên Những Đường Đi”

(Biên tập từ nội dung trang nhà QuangDuc.Com)