Dòng Nhật Ký Dâng Thầy

Tôi đã viết rải rác những dòng hồi ký về chuyến đi VN vào tháng tám vừa rồi, nhưng chỉ viết trên nhật ký của mình. Hôm nay đến Chùa Pháp Hậu viếng thăm một vị Pháp Sư Đài Loan, gặp lại tấm hình Thầy trên bàn Tổ, tôi lại muốn viết thêm những dòng tưởng niệm về Thầy với tất cả tâm thành kính…

Ngày về thăm Tu Viện, tôi chỉ ghé lại một hồi rồi ra về. HT Minh Cảnh cười bảo: Việt kiều về nước bận rộn lắm, thông thường chỉ ghé lại chút hoặc sai người đến thăm là thôi. Thật ra, ngày về của tôi nhầm mùa kiết hạ, sinh hoạt chư Tăng trong chùa đều phải quy theo thời khóa biểu, nên tôi không tiện ở lại lâu; vả lại khi về đến mái chùa xưa, tôi lại có một cảm giác là lạ – cảm giác như mình là một người khách qua đường.

HT Minh Cảnh là vị Thầy tôi quen từ thuở bé, nhưng không hiểu sao trong lòng lại cảm thấy rất xa lạ, xa lạ đến nổi không biết nên nói gì! Tôi thiết nghĩ phần xa lạ này là do cái khoảng trống của nội tâm… chùa không vắng, Tăng cũng không thưa, nhưng vắng đi hình bóng Thầy là cả một khoảng trống to lớn kỳ lạ cho đến HT Minh Cảnh, người em ruột giống hệt như Thầy vẫn không thể nào điền lấp được!

Lý do khác của phần xa lạ cũng có thể là vì sự biến đổi nhanh chóng của sự vật xung quanh trong thành phố… mảnh đất hoang vu đối diện Tu Viện ngày xưa, đã trở thành khu dân cư đông đảo, buôn bán nhộn nhịp; những con đường đất gồ ghề, nay đã là những con đường mặt lát, trơn như xa lộ; còn nẻo đường cong co hẻo lánh dẫn đến cổng chùa xưa kia, nay đã trở nên một con đường phố chính, tình cảnh phồn thịnh được biểu hiện qua những tiếng ào ạt của xe gắn máy, tiếng còi inh ỏi của xe ô tô; và càng kinh dị hơn, khu đầm sen mà tôi bị đưa đi đào kênh ngày xưa đã trở thành ku du lịch, là nơi vui chơi giải trí cho mọi người …

Tu Viện thì không đến nổi diện mục toàn phi, tòa kiến trúc chính vẫn còn đó, trang trí của chánh điện, nhà tổ cũng không thay đổi nhiều, cả đến những miếng gạch bông có hình bông sen màu xanh trên lầu mà tôi thích nhất, tuy màu sắc bị nhợt nhạt đi, nhưng vẫn còn nguyên vẹn không bị sức mẻ. Nhưng phòng phía sau chánh điện nay đã trở thành một điện thờ Phật nho nhỏ. Chiếc giường nghỉ ngơi của Thầy, căn phòng nhỏ đựng sách và chiếc ghế tọa thiền mà tôi thường ngồi dưới chân Thầy đã không tồn tại. Ở phía sau, ngoài mái nhà trù thô sơ kia, mảnh vườn sau chùa và những căn nhà lá lụp xụp hai bên đã thay đổi đến nổi tôi không còn nhận ra, cả đến cái giếng bên hông và nấm mồ của Sư Bà ở phía sau cũng đã không còn nơi chỗ cũ…hình như cây mít vẫn còn đó, nhưng tôi lại quên chụp tấm hình lưu niệm!

Kỷ niệm duy nhất của Thầy còn lại là chiếc giường dưới lầu bằng ván và chiếc chiếu cũ mà Thầy thường nằm nghĩ trưa ngày xưa, và kế bên vẫn là nơi nghỉ của HT Minh Cảnh. Không ngờ, HT nay đã lớn tuổi nhưng vẫn còn nằm lại chỗ xưa trên chiếc giường cũ hơn thời Bảo Đại của HT, tôi cảm thấy nghèn nghẹn nói không ra lời.

Thầy tôi là giới sư Đại Giới Đàn, là một Luật Sư Giáo Thọ của chư Tăng Ni. Chẳng những bản thân Thầy nghiêm trì giới luật, Thầy rất gay gắt với chư Tăng Ni về phương diện trì giới. Cho nên những Thầy Cô trẻ tuổi đến thăm viếng hay đến học hỏi với Thầy ngày xưa, vừa cung kính, vừa khép nép, và cũng vừa có vẻ sợ sệt dưới sự oai nghi, nghiêm khắc của Thầy. Thật ra Thầy rất bình dị cận nhân và nhiều khi cũng thích nói đùa.

Còn nhớ một lần… một Chú nhỏ (tôi đã quên tên) vừa đến Tu Viện, tôi tò mò hỏi Thầy Chú này là đệ tử của ai. Thầy cười bảo: đã cạo đầu vô chùa tu thì dĩ nhiên là để từ Thích Ca. Đến sau này tôi mới biết ý Thầy chỉ là thích ca chớ không phải là Đức Thích Ca, vì Chú này rất thích ngâm ca vài câu tân nhạc nhất là khi chỉ một mình Chú.

Đã từng nghe mẹ nói Thầy bị bịnh bất trị! Trong những ngày tháng cuối cùng của Thầy, mẹ có về thăm và nghe mẹ kể, hình hài của Thầy hốc hác còn lại chỉ là da bọc xương, ngoài cặp mắt ra, mẹ không còn có thể nhận ra Thầy! Khi gặp mẹ Thầy rất xúc động, một tay run run Thầy nắm lấy tay mẹ, một tay khác Thầy chỉ vào bụng và nói bằng một giọng hết sức yếu ớt rằng Thầy có cục nghiệp trong đó, nay đã đến ngày phải trả…

Điều làm tôi ngậm ngùi, đau buồn cực độ là khi nghe HT Minh Cảnh kể về những ngày cuối cùng đó của Thầy khi khối u trong bụng lớn dần và tế bào ung thư đã lan tràn khắp nơi trong thân thể… Căn bệnh ung thư trong giai đoạn cuối hành hạ người bệnh như một nghiệp chướng phải trả cho hết trước khi sang thế giới bên kia. Trên đời ai lại không tham sống sợ chết! Nhưng với nhiều người bệnh, cõi chết đã không khủng khiếp bằng những cơn đau đớn hãi hùng khiếp sợ trong lúc cơ thể đang tan hoại từng giây từng khắc. Những tiếng rên khóc thê thảm vì đau đớn đã đủ làm cho người nghe khó chịu tột cùng, hà huống là bản thân người bệnh!…

Nghe nói Thầy đã kiên trì không làm phẫu thuật hoặc điều trị bằng hóa liệu khi vừa phát bệnh, cả đến trong giai đoạn cuối cùng, Thầy vẫn không phục dùng thuốc giảm đau, cơn bệnh đã hành hạ Thầy như chết đi sống lại, nhưng Thầy không một câu rên rỉ, không một tiếng kêu la, chỉ âm thầm cắn răng chịu đựng, lặng lẽ lướt lên những bước đi cuối cùng của cuộc đời!…

Vẫn biết nhục thân trên đời vốn không tránh khỏi bốn định luật của sinh, lão, bệnh, tử, ngay cả nhục thân của Đức Như Lai cũng phải thọ trọng bệnh và phải gánh chịu mọi trạng thái tàn hoại của một thân nghiệp trong luật vô thường. Nhưng như lời Tôn Giả Xá Lợi Phất nói về cái nhìn của Phật giáo đối với sự chết: Người tu hành điều phục được tâm ý thì xem cái chết của thể xác như đổ bỏ chén nước độc, như bịnh nặng được lành. Sắp chết mà tâm ý vẫn bất động, thần sắc vẫn an nhiên là vì người đã dùng con mắt trí tuệ để nhìn các tướng trạng của thế gian, đã vượt ra khỏi ngôi nhà lửa. Thật là tuyệt đẹp!

Có thể sự chọn lựa của Thầy là để giải quyết hết tất cả nợ nần trong kiếp hiện tiền, nhưng dù sao nhục thân vẫn là da thịt của người phàm, sự chọn lựa đó có thể nói là vô tiền khoáng hậu, và chỉ có bậc ‘Dũng’ giả mới có thể kiên trì để quyết thắng mọi thử thách lớn lau và đau khổ nhất trên đời để đạt đến cái ‘đẹp tuyệt vời’ mà Tôn Giả Xá Lợi Phất vừa nêu trên.

Hôm nay ngồi đây với những chuỗi ký ức về Thầy – một bậc Tôn Sư đại Bi, đại Trí, đại Dũng. Kính xin đảnh lễ và dưng lên Thầy những dòng tưởng niệm, ngưỡng nguyện giác linh Thầy từ bi chứng giám!

5/11/2011

* * *

Nếu mỗi người đều phải đi theo con đường định mệnh, thì những khúc quanh của mỗi đoạn đường đời, chính là những hoài niệm và ký ức khó phai mờ nhất…

Nhớ ngày trước khi ra về trong chuyến thăm Thầy lần cuối vào năm 1989, tôi đến Tu Viện hầu chuyện và ở chơi với Thầy suốt một ngày. Tôi kể Thầy nghe những chuyện vui lặt vặt ở nước ngoài, từ chuyện học hành cho đến chuyện học Kinh Thánh bên HK (vì tôi được nhận vào học trong một trường lệ thuộc giáo hội Thiên Chúa của đức Giáo Hoàng bên Ý). Thầy cười không ngưng khi nghe kể tôi là người duy nhất theo đạo Phật trong trường, và cũng là đứa học trò giỏi nhất lớp trong môn học Kinh Thánh.

Lúc về chiều, Thầy vừa nằm xuống nghĩ lưng vừa bảo: hôm nay tiếp khách ngoại quốc, nói mỏi tay chớ không phải nói mỏi miệng. Vì đã lâu tôi không dịp nói tiếng Việt, nên nhiều lúc phải dùng chữ Hán để biểu đạt và Thầy cũng phải viết ra chữ Hán nếu như tôi nghe không hiểu ý Thầy.

Vừa xin phép Thầy về nhà đêm đó thì sáng sớm hôm sau Thầy Cảnh đã chở Thầy đến nhà. Thầy đến lúc tôi còn đang mê man trong những viên thuốc ngủ an thần. Vừa nghe tiếng Thầy dưới lầu, tôi liền ngồi bật dậy, vừa run rẩy vì xúc động, vừa luýnh quýnh vì không biết làm sao tiếp đón một cái bất ngờ – không ngờ Thầy đã đến tận nhà để tiễn đưa tôi!

Khi sắp đến giờ ra phi trường, tôi kính xin đảnh lễ từ biệt Thầy một lần nữa, nhưng Thầy đã đở tôi lên. Tôi cầm tay thầy nước mắt tầm tã, toàn thân run lập cập thốt không ra lời! Thầy lấy tay áo tràng nâu của Thầy vừa chùi nước mắt của tôi vừa nói: “Đệ tử út của Thầy thì ra là để tử mít ướt, hở chút là khóc! Ở nước ngoài không biết có chùa hay không, nhưng có đi đến đâu thì cũng đừng quên đạo, đừng quên tu hành nghe con.” Tôi khóc như mưa đổ, và nắm tay Thầy càng chặt hơn, bịn rịn không chịu buông…đâu ngờ rằng đó là cái nắm tay cuối cùng, và cũng là một đưa tiễn vĩnh biệt!

Đêm đã thật khuya, bên ngoài thì ra trời đang mưa, mưa từ lúc nào tôi cũng không biết… chỉ nghe tiếng rào rạt thì thầm, chợt như tiếng khóc âm thầm trong bóng tối… Tôi bỗng muốn ngâm mấy câu thơ Đường của Lý Thương Ẩn thay cho những cảm xúc lúc này.

Tương kiến thời nan biệt diệc nan,

Đông phong vô lực bách hoa tàn;

Xuân tằm đáo tử ty phương tận,

Lạp cự thành khôi lệ thủy can.

 

相見時難別亦難,東風無力百花殘

春蠶到死絲方盡,蠟炬成灰淚始乾

(李商隱)

Ah Yin

8/11/2011