Giáo dục Phật giáo – Từ góc nhìn tâm linh

I. Không ở đâu trên Trái đất này như ở Việt Nam, sau khi hai cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược kết thúc thành công, thì đã diễn ra trên quy mô toàn xã hội một sinh hoạt tâm linh sôi động rất đặc thù Việt Nam. Đó là việc các nhà ngoại cảm giúp tìm hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh ấy, giúp người sống tìm được người đã khuất, và giúp chính những người đã khuất liên hệ với đồng đội và người thân, giúp chuyển lời nhắn gửi của họ cho những người còn sống; cùng với hoạt động của các nhà ngoại cảm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong nhiều dịp khác nhau, ở nhiều địa phương khác nhau, đã tổ chức nhiều lễ cầu siêu cho hương linh các liệt sĩ, góp phần làm vợi đi nỗi đau của người còn sống, an ủi, hóa giải cho những người đã khuất, đưa lại không khí thanh bình cho xã hội, cho Đất Nước sau nhiều chục năm máu lửa khốc liệt của chiến tranh.

Sinh hoạt tâm linh trên đây tự nó đã trực tiếp khẳng định, trên bình diện chính thống toàn xã hội, về hiện tượng tồn tại sự sống của con người sau khi thân xác đã hư hoại; và như thế, gián tiếp khẳng định sự sống của con người cũng tồn tại trước khi nó được sinh ra. Thế là, một cách mặc nhiên, ở Việt Nam hiện nay, hiện tượng “luân hồi sinh tử”, được nêu trong lý thuyết của Phật giáo, đã được xã hội thừa nhận. Điều này, tạo nhiều thuận lợi cho việc hoằng dương và tiếp nhận các giáo lý của đạo Phật liên quan tới các mặt khác nhau, các giai đoạn khác nhau của đời sống con người.

II. Không một người nào khi còn đang sống trên trần thế này mà lại không có những mối liên hệ, nối kết mình với thế giới xung quanh. Những sự kiện diễn ra trong thế giới bao quanh, hoặc diễn ra trong chính bản thân cơ thể con người, sẽ thu hút sự chú ý của con người, được người ta nhận thức và ứng xử với chúng theo cách xác định, với một thái độ xác định, tương ứng với quan niệm đã có ở mỗi người, với nhu cầu, lợi ích và khả năng có được của họ. Trận mưa lũ làm ngập lụt đồng lúa mới cấy, buộc người ta phải be bờ, chắn lũ, bơm tiêu nước để cứu lúa; cùng với hoạt động đó là thái độ bực dọc vì sự tốn kém, là nỗi niềm lo lắng về vụ mùa thất thu có thể xảy đến và sự thiếu đói có thể diễn ra. Khoa học qui những hoạt động chống lũ cứu lúa ấy vào phạm trù hoạt động vật chất thực tiễn, còn sự bực dọc, niềm lo âu đó là hoạt động tâm lý, tình cảm, tinh thần của con người. Không ai gọi đó là hiện tượng tâm linh. Nếu Trung tâm Khí tượng Thủy văn cảnh báo trước về trận mưa lũ sẽ xảy ra và, từ việc tiếp nhận được thông tin ấy, dân chúng chuẩn bị thực hiện những hoạt động tiêu nước cứu lúa khi nó diễn ra, thì cũng không ai gọi đó là hiện tượng tâm linh. Thế nhưng nếu có một nhà ngoại cảm, chẳng hạn như bà Vanga (người Bungari, đã quá cố năm 1996), đã từng báo trước cho mọi người biết về việc chiến tranh thế giới thứ II sẽ xảy r a, hoặc về thời gian lãnh tụ Liên Xô Xtalin sẽ qua đời, thì mọi người lại gọi hiện tượng dự báo đó là hiện tượng tâm linh. Thực ra, mọi hiện tượng, dù trong tự nhiên hay xã hội, đều diễn ra theo những quy luật khách quan vốn có. Chỉ có điều sự hiểu biết của khoa học, của người trần thế là còn hạn hẹp mà thôi. Nếu quan niệm như vậy, thì, có lẽ, tâm linh cũng phải được nói tới cả trong các hiện tượng thiên nhiên như mưa lũ, động đất, sóng thần… đã được hoặc chưa được Trung tâm Khí tượng Thủy văn dự báo. Và những hiện tượng tâm linh cũng tuân theo những quy luật khách quan mà con người và khoa học cần phải tìm hiểu, khai thác.

Một số nhà khoa học ngày nay quan niệm hiện tượng tâm linh như là “sự sống dưới dạng sóng” (Theo Erơnơ Mundasep trong “Chúng ta thoát thai từ đâu”), hoặc như là hoạt động của các dạng  nguyên  tử  năng  lượng  cao  (theo  Baird Thomas  Spalding  trong “Hành  trình về  Phương Đông”)…Và bằng cách ấy, những nhà khoa học này đã qui các hiện tượng tâm linh về phạm trù hoạt động vật lý của thế giới. Một số nhà khoa học khác lại coi tâm linh như là những hiện tượng thuộc về “Năng Lượng Cõi Không” hay “Năng Lượng đằng sau Vật Thể”, nó phân biệt với “Năng Lượng Vật Thể là cái  xoay vòng từng giai đoạn khác nhau giữa trạng thái năng lượng và vật thể” (Xem  “Quan  niệm  Tây  Phương  về  Tâm  Linh  trong  Khoa  Cận-Tâm-Lý-Học (PARAPSYCHOLOGY)” của GS. Đàm Trung Phán trên Website http://damtrungphan.wordpress.com). Dù quan niệm ra sao, thì chính các nhà khoa học đó cũng vẫn dành một phần để ngỏ cho khía cạnh đạo đức ở các hoạt động sống của con người khi nó tham dự vào các hiện tượng vật lý hay cận tâm lý của thế giới, của vũ trụ mà chúng ta thường gọi là hiện tượng tâm linh.

Đời sống trần thế của con người gắn với tâm linh c ó thể ví như phần nổi gắn với phần chìm của tảng băng đang trôi; nghĩa là tâm linh chính là phần quyết định đối với đời sống trần thế của con người, mà thực ra, đó chỉ là hai phần của một chỉnh thể không tách rời. Tuy nhiên, phần đông người ta lại dường như chỉ biết tới và sống với phần nổi của tảng băng, chứ chưa cảm nhận ra, thậm chí không thừa nhận phần chìm của nó và, do vậy, người ta không lý giải nổi và càng không chủ động được trước những gì xảy ra với mình trong cuộc đời, điều ấy dẫn tới sự hoang mang, lo sợ, thậm chí  hoảng hốt  trước  những biến cố  không mong đợi như bệnh tật, tai nạn, sự chết chóc,…Sự hoảng sợ, nỗi lo âu là một trong những căn bệnh tâm lý khó chữa nhất của con người, là nguồn gốc của trạng thái bất an thường trực trong cuộc sống. Khô ng có an lành thì không có hạnh phúc. Như vậy, muốn đạt tới hạnh phúc, muốn có sự an lành trong cuộc đời mà chỉ biết tới và thuần túy chỉ dựa vào phần vật chất trần thế để thực hiện hoạt động sống thì chưa đủ; “nhà giàu cũng khóc” là minh chứng cho điều ấy. Sự thiếu hiểu biết về phần tâm linh của cuộc đời phải được bù lấp. Các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, theo cách riêng của mình, thực hiện chức năng bù lấp khoảng trống đó cho cuộc sống của con người và cộng đồng.

III. Không giống với các tôn giáo khác, Phật giáo có cách lý giải và thực hành riêng của mình dành cho cuộc sống của mỗi người và cả cộng đồng nhằm giúp họ xóa đi được nỗi lo âu, niềm bất hạnh, đạt tới được niềm hạnh phúc, trạng thái an lành trong cuộc đời.

Trên nền tảng quan niệm về “vô thường”, “vô ngã”, về “tí nh không”, về “ni ết bàn”, Phật giáo đã đưa ra lý thuyết   “tứ di ệu đế”, “thập nhị nhân duyên”, “bát chánh đạo”,…Đó chính là cách lý giải và thực hành riêng có của Phật giáo cho đời sống thế gian này nhằm giúp con người dứt bỏ được “vô mi nh”, “tham, sân, si”, “mạn, nghi”, thoát khỏi được biển khổ triền miên trong “luân hồi sinh tử”, đạt tới chân hạnh phúc của sự “gi ải thoát”. Thế nhưng, nếu ai đấy chỉ dừng lại ở đời sống trần thế phàm tục, mà không hề biết tới đời sống tâm linh, không thừa nhận hiện tượng “luân hồi sinh tử” trong vô lượng kiếp khác nhau của mình, thì chính điều ấy đã cản trở họ tiếp nhận các chân lý của Phật giáo. Lành thay cho chúng ta, thông qua sinh hoạt tâm linh sôi động rất đặc thù Việt Nam trên quy mô toàn xã hội những năm qua, một cách mặc nhiên,  quan niệm về “luân hồi sinh tử” trong lý thuyết giải thoát của Phật giáo đã được xã hội thừa nhận một cách chính thống. Thừa nhận hiện tượng “luân hồi sinh tử” là mặc nhiên thừa nhận sự tác động của các tiền kiếp tới cuộc sống hiện tại và sự ảnh hưởng của những gì mà người ta thực hiện trong đời sống trần thế hiện nay tới đời sống sau khi thân xác bị hư hoại sau này, nghĩa là mặc nhiên thừa nhận tác động của l uật nhân quả nghi ệp báo, đã được nói tới trong giáo lý nhà Phật, sẽ không dừng lại chỉ ở qui mô hạn hẹp mấy chục năm trời đời sống trần thế của một con người, mà diễn ra liên tục trong nhiều đời, nhiều kiếp nối tiếp nhau không ngưng nghỉ. Điều này tự nó, một mặt, đã cho thấy sự thừa nhận chính thống về sự tồn tại của đời sống tâm linh, một mặt khác, ít nhất cũng đặt ra vấn đề : muốn có được đời sống hạnh phúc đích thực, thì mỗi người nhất thiết phải chăm lo cho đời sống đạo đức của mình trên mọi phương diện, trong mọi mối quan hệ ngay trong kiếp sống hiện tiền đang diễn ra ở cuộc đời trần thế này.

Theo thiển nghĩ của chúng tôi, sẽ là khiểm khuyết nếu giáo dục Phật giáo của chúng ta hiện nay không biết tận dụng điều kiện thuận lợi này để đưa những chân lý cao sâu của Phật giáo đến được với dân chúng đông đảo.

IV. Không có tâm linh, thì không có đời sống của con người. Khoa học hiện đại thường chia đời sống của con người và xã hội thành hai lĩnh vực: đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Hai khái niệm “đời sống vật chất” và “đời sống tinh thần” không bao trùm hết được lĩnh vực tâm linh; trái lại, khái niệm “tâm linh” tự nó ôm chứa cả phần vật chất và phần tinh thần của đời sống con người, nhưng nó không dừng lại chỉ ở đó. Do vậy, biết chăm sóc đúng đắn cho đời sống tâm linh là biết chăm sóc toàn diện cả cho đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người, đặng giúp cho người ta có được trạng thái sống an lành, thanh thoát, tự tại ; biết tạo ra và thụ hưởng giá trị sống đích thực nhân văn trong tính chỉnh thể của các mối quan hệ giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, giữa mình và người khác, giữa cá thể và cộng đồng, giữa con người và xã hội, giữa con người xã hội và tự nhiên, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và trách nhiệm,…nghĩa là làm cho con người trở thành chủ nhân tự giác đích thực kiến tạo nên đời sống an lành, thanh thoát, tự tại của chính mình và của toàn xã hội.

Sự tác động của đời sống tâm linh mỗi người tới đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của bản thân và xã hội là điều còn cần được làm sáng tỏ nhiều hơn nữa. Có lẽ, chỉ với “thiên nhãn minh” của mình, đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới có khả năng trả lời thỏa đáng về những vấn đề này.  Mặc dù vậy, không thể phủ nhận những sự kiện về tác động tích cực của hoạt động tâm linh. Khi còn tại thế, đức Giáo Chủ cõi Ta bà vẫn dạy các đệ tử của Ngài phải chăm lo tới hoạt động Tâm Linh – Đạo Đức của mình để có thể, trước là giải thoát được mình, và cùng với đó là giải  thoát  được  người  khác  ra khỏi  vòng “vô  minh, sinh tử luân hồi”. Câu chuyện Đại  đức Ahimsaka cứu giúp một sản phụ bằng một lời chú nguyện “Này cô, từ ngày tôi được sinh ra trong giáo pháp giác ngộ, tôi chưa bao giờ cố ý phạm đến sinh mạng của một loài nào. Nguyện rằng nhờ sự thực ấy mà cô sinh cháu được bình an .” (Xem “Sự tích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni” – ấn bản 05/2009 của Minh Thiện, Diệu Xuân) đã cho chúng ta bằng chứng sinh động về sức mạnh của hoạt động Tâm Linh – Đạo Đức trong đời sống nhân quần. Điều đáng nói ở câu chuyện này còn là ở chỗ, theo đánh giá của vua Pasenadi: “Ðiều mà trẫm không thực hiện được bằng binh hùng tướng mạnh, Thế Tôn đã hoàn thành bằng đức từ bi, chẳng những cứu dân chúng khỏi nạn lo sợ chết chóc mà còn độ được tên sát nhân Angulimala vào đường tu hành thánh thiện. Trẫm xin bái phục”(Cũng  theo ấn bản trên). Thế là, một mặt, sức mạnh Tâm Linh – Đạo Đức của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã trực tiếp hóa độ được cho “Angulimala” (“vòng hoa kết bằng những ngón tay” của người đã bị giết hại) – một kẻ sát nhân đã sát hại 999 người và đang định bụng lẻn về nhà sát hại chính người mẹ của y để có được ngón tay thứ 1000 – Phật đã hóa độ cho y trở nên một khất sĩ thuần thành là Đại đức Ahimsaka, một mặt khác, khi kẻ sát nhân “Angulimala” đã biết phục thiện, sám hối sự lỗi lầm, trở về đời sống chân chánh, “nguyện hối cải, bỏ ác làm lành, quyết tâm theo Phật để học hạnh từ bi” (lời của “Angulimala” thỉnh cầu Phật) và được Đức Thế Tôn chấp thuận cho làm đệ tử: “Hãy đến đây, tỳ – kheo Ahimsaka, hãy sống đời thánh thiện!”, thì chính Đức Từ Bi bước đầu nảy nở ở đệ tử này của Phật, chỉ mới sau một mùa an cư kết hạ, lại đã có được sức mạnh đủ để giúp cho sản phụ vượt khó khi sinh nở. Sức mạnh ấy chính là sức mạnh của đời sống Tâm Linh – Đạo Đức mà Người Con Phật nào cũng có thể có được khi thực hành những điều P hật dạy với một tấm lòng trong sáng, chân tâm.

Chúng tôi nghĩ rằng, giáo dục Phật giáo chính là góp phần tạo ra sức mạnh tâm linh đó trong mỗi Người Con Phật.

V. Không có giai đoạn nào trước đây được như ngày nay trong việc tham gia ngày càng trực tiếp của khoa học vào nghiên cứu lĩnh vực tâm linh. Các nhà khoa học thời hiện đại thường nói tới các loại trường khác nhau tồn tại trong thế giới; ngoài trường hấp dẫn, trường tĩnh điện, trường điện từ, người ta còn biết và nói nhiều tới trường sinh học, sinh tr ường…Theo cách gọi đó của khoa học, người ta cũng nói tới “trường tâm linh” tồn tại ở mỗi người và mỗi cộng đồng. “Trường tâm linh” có lẽ gắn liền với hoạt động của “sự sống dưới dạng sóng”(theo cách gọi của E- rơ-nơ Mun-đa-sep), hoặc hoạt động của các dạng nguyên tử năng lượng cao – gọi là “dĩ thái” (theo cách gọi của Hamud El Sarim được Spalding ghi lại trong “Hành trình về Phương Đông”). Phải chăng, “trường tâm linh” này sẽ được định hình và gia tăng sức mạnh khi một vị cao tăng thực hiện một cách tự giác đời sống thánh thiện, đạo hạnh của mình và, nếu biết cách phù hợp với đối tượng cụ thể, người ấy có thể sử dụng sức mạnh của “trường tâm linh” này để hóa độ, góp phần giải thoát cho các chúng sinh trong những tình huống cụ thể của đời sống. Sự tích đã nêu trên về Đại đức Ahimsaka là một minh chứng cho điều đó.

Khi nói tới “Trường Tâm Linh” là chúng tôi có ý muốn nói tới không gian đặc thù được tạo ra bởi con người và cộng đồng nhờ đời sống đức hạnh của họ, dù họ có biết hay không biết tới không gian tâm linh ấy, cũng tương tự như trường điện từ sẽ tất yếu được tạo ra trong không gian có dòng điện tích chuyển động. Mỗi Người Con Phật, tu hành đúng theo Bát Chánh Đạo, sẽ tạo ra được Trường Tâm Linh tương ứng với nấc thang tu hành mà người ấy đã đạt tới, dù họ xuất gia hay tại gia. Có lẽ, ở những vị chân tu cao tăng, thì Trường Tâm Linh – không gian tâm linh bao quanh họ có sức mạnh cảm hóa đặc biệt lớn, làm cho những người được tiếp xúc với họ có thể từ một người nóng nảy trở thành người hiền hòa, từ người tham lam, sân hận trở thành người vị tha, đại lượng, bao dung,….tương tự như cách mà nhà thơ Tố Hữu đã cảm nhận về Hồ Chí Minh: “Bên Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Những vị chân tu khác nhau, khi được tổ chức lại, được kết nối lại, sẽ có khả năng tạo ra được cộng hưởng Trường Tâm Linh có sức mạnh to lớn, có thể giải thoát được cho những vong hồn bị đày trong cõi ngạ quỷ. Câu chuyện thượng tọa Moggallana (Mục Kiền Liên) thiết lễ Vu Lan cúng dường trai tăng cầu siêu, giải thoát được cho mẹ nhờ thần lực của mười phương Tam Bảo hộ niệm, là một ví dụ minh chứng rõ ràng về sức mạnh của Trường Tâm Linh cộng hưởng này. Rất tiếc là khoa học ngày này vẫn còn chưa đạt tới trình độ, bằng các công cụ của mình, có thể nhận diện ra các loại hình sức mạnh tâm linh ấy. Dù vậy, nếu có Chánh Tư Duy, Chánh Tín, chúng ta vẫn có thể hiểu và tin được vào sự tồn tại khách quan của các loại Trường Tâm Linh cùng sức mạnh sự cộng hưởng của chúng. Và như vậy, tu hành theo Phật đạo cũng chính là góp phần tạo ra sức mạnh cho Trường Tâm Linh cộng hưởng chung toàn nhân loại để có thể giải thoát cho loài người và các chúng sinh trong thế gian này. Trường Tâm Linh ấy chính là môi trường sinh dưỡng sự sống của con người và muôn loài.

Phải chăng Giáo dục Phật giáo định hướng và phát triển nhằm tạo ra môi trường sinh dưỡng nhân văn như thế đặng giúp cho loài người thoát khỏi họa diệt chủng bởi sự vô minh, tham, sân, si, mạn, nghi đang ngày càng một gia tăng trong thời hiện đại?!

VI. “Không ăn thì mẻ cũng chêt”, từ ngàn xưa dân gian đã dạy như thế . Điều này hàm ý rằng đời sống trần thế của con người cần có những phương tiện vật chất nhất định để đảm bảo được cho sự sống yên vui, an lành. Tuy nhiên, cần bao nhiêu là đủ? Sẽ có câu trả lời khác nhau từ người có tâm đạo so với người vô minh. “Thiểu dục, tri túc” là phương châm sống của người hướng theo tâm đạo. “Được voi, đòi tiên” là hành xử của kẻ tham lam không biết điểm dừng. Lòng tham đã gây bao tai họa cho chính kẻ tham và cho cả xã hội. Từ giành giật tấc đất mà trong gia đình anh em đâm chém lẫn nhau, đến chiến tranh liên miên “nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn” ở qui mô khu vực và thế giới, chưa biết đến khi nào dừng. Trong thời kinh tế thị trường thì “thị trường là chiến trường”, và sự “đâm chém” nhau cũng không kém phần khốc liệt so với thời đạn bom máu lửa. Sông Thị Vải và nhiều dòng sông thơ mộng khác đang trở thành những dòng sông chết; bầu khí quyển toàn cầu cũng đang thoi thóp vì ô nhiễm, tầng ôzôn đã bị chọc thủng, …tất cả đang đe dọa nghiêm trọng sự sống của muôn loài. Nguyên nhân chủ yếu là vì sự tham lam vô độ và xấu xa của con người. Kinh tế thị trường không lành mạnh, không được điều khiển bởi lương tri, càng kích thích lòng tham đó. Không ai có thể lường trước, cứ với khuynh hướng này thì loài người sẽ đi về đâu. Sự giả dối ngang nhiên trở thành lối sống của nhiều kẻ có tiền tài, địa vị, có học thức, được coi là tầng lớp cao sang của xã hội. Chính khách thì ngang nhiên gia tăng ngân sách quân sự với lí do giữ gìn hòa bình cho nhân loại, lại mong cầu giả thưởng nobel về hòa bình; doanh nhân thì đưa chất độc giết người vào cả thực phẩm cho người lớn lẫn đồ chơi, sữa bột cho trẻ em; người làm giáo dục thì bán điểm lấy tiền. Người làm y thì bán thuốc giả, thuốc lậu, thờ ơ, vô cảm với sinh mệnh của người bệnh. Không giấy mực nào có thể đủ để kể hết những biểu hiện phi nhân tính từ lòng tham do vô minh của con người gây ra cho xã hội thời đương đại, đe dọa cả sự sống thân xác, cả sự sống tinh thần và tâm linh của mỗi người và cả loài. Chính điều này thôi thúc những Người Con Phật phải vào cuộc, phải nhập thế để cứu giúp chúng sinh. Giáo dục Phật giáo không thể không tính tới mục tiêu này. Tuy nhiên, ở đây, có thể hiểu ít nhất 2 phương diện của nhiệm vụ và nội dung giáo dục Phật giáo : một là góp phần tạo ra những tăng ni, Phật tử có trường tâm linh thánh thiện, góp vào Cộng hưởng Trường Tâm Linh sinh dưỡng cho cả Loài ,đủ sức ngăn dừng sức tàn phá ghê gớm của Lòng Tham đang hoành hành hiện nay, hai là góp phần trong việc đào tạo những tăng ni Phật tử có chuyên môn thuộc các ngành nghề khác nhau của đời sống trần thế, sao cho họ có thể trực tiếp tham gia vào một số hoạt động ở một số linh vực của nền kinh tế với tư cách những người trong cuộc, có khả năng, bằng tâm đạo của mình thực hiện hoạt động với hiệu quả và năng suất cao, chi phí thấp, trở thành tấm gương sáng cho mọi người trong hoạt động thế tục. Hiện nay không phải là chưa có những tấm gương như vậy của nhiều nhà hoạt động tôn giáo tham gia trực tiếp công việc trần thế, như những ngôi trường tình thương, những bệnh viện của nhà chùa, những công trình xây dựng do chính các tăng ni trực tiếp chỉ đạo thực hiện trong một số Thiền viện… Tuy nhiên, những công trình và việc làm này dường như chỉ mới dừng lại ở tư cách những việc làm từ thiện của nhà chùa, tuy cũng đã phần nào thể hiện con đường nhập thế của Phật giáo Việt Nam, nhưng chưa tạo dựng được một đường lối tu hành nhập thế của những người con Phật thời nay, chưa làm theo được như tấm gương các tăng ni Phật tử thời Trần khi nước nhà đứng trước mối hiểm nguy đe dọa sự tồn vong từ phía giặc ngoại bang Nguyên Mông. Ngày nay, như chúng ta thấy, “thị trường là chiến trường”, truyền thống văn hóa nhân ái nghĩa tình của dân tộc cũng thực sự đang đứng trước sự đe dọa một mất một còn từ phía Lòng Tham không giới hạn. Phải chăng, những Người Con Phật thời nay cũng cần tới những Phật sự tương tự Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử 700 năm trước, để vừa giữ tâm đạo, vừa bảo vệ được giống nòi, đúng theo tinh thần Phật Đạo Việt Nam thời Trần:

“Trúc Lâm Yên Tử Gieo Mầm Thiện,

Hào Khí Đông A Quảng Đức Thiện!”

Như thế, giáo dục Phật giáo ở Việt Nam hiện nay, có lẽ không thể đặt nhẹ thế học so với Phật học, bởi vì, theo chúng tôi, những người mang Tâm Chính Đạo mà thực hiện những công việc trần thế, thì thực chất cũng làm cho những việc trần thế ấy biến thành Phật sự, “Hoằng dương Phật pháp, Lợi lạc quân sinh”.

Chúng tôi quan niệm rằng, tinh thần nhập thế như vậy sẽ làm cho hiện thực đời sống của mỗi người và cả xã hội vận động theo hướng nhập lưu với dòng Đạo – dòng vận động của hiện thực mang tầm vóc và bản chất của Trí Tuệ và Tình Thương; sẽ làm cho dường như không còn mấy sự ngăn cách giữa Đạo với Đời, không phải theo hướng hạ thấp Đạo xuống chuẩn mực của cuộc đời tầm thường, mà là thực sự nâng phẩm chất của mỗi người và cộng đồng trong mọi hoạt động sống của mình lên ngang tầm với sự nhân nghĩa tinh khiết thánh thiện của đời sống Tâm linh, của Đạo, dù cho người đời có hiểu hay không hiểu về giáo lý Phật Đạo, có ý thức hay không có ý thức thực hành các chuẩn mực của Phật giáo trong đời sống cá nhân và xã hội của mình. Có lẽ, hiện thực đời sống của con người và cộng đồng dân tộc Việt Nam thời các Vua – Cao Tăng nhà Trần đã từng nhập lưu với dòng Đạo như thế; và hiện thực đời sống của con người và cộng đồng dân tộc Việt Nam thời Hồ Chí Minh cũng đã từng nhập lưu với dòng Đạo như vậy!

Điều nói trên đây đặt ra yêu cầu và những vấn đề không dễ dàng và không chóng vắnh thực hiện được đối với giáo dục thế sự cũng như giáo dục Phật giáo ở Việt Nam thời buổi “kinh tế thị trường” hiện nay. Bài viết này của chúng tôi chỉ mạo muội đặt ra vấn đề bước đầu như vậy, chứ chưa có khả năng đưa ra lời giải cho những vấn đề này.

Hà Nội ngày 27 tháng 11 năm 2011

PGS. BÙI THANH QUẤT (Nguyên Chủ nhiệm Khoa Triết học

Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)