Tu viện Trúc Lâm (Venuvana) ở Rajagaha, tu viện Trùng Các (Kutagarasala) ở Vesali và tu viện Kỳ Đà Cấp Cô Độc (Jetavana) ở Savathi đã trở nên ba trung tâm hành đạo và hoằng pháp lớn.
Các vị khất sĩ đã tạo lập những trung tâm tu học khác rải rác trong các vương quốc Magadha, Kosala và những vương quốc nhỏ kế cận. Hình bóng những vị khất sĩ áo vàng khoan thai và tĩnh lặng xuất hiện khắp nơi.
Đạo lý tỉnh thức đã được truyền bá đi mọi nơi chỉ sau sáu năm hành hóa của Bụt.
Mùa an cư thứ sáu, Bụt cư trú trên núi Makula. Mùa an cư thứ bảy người ẩn cư một mình trên núi ở Samkasya, mãi trên vùng thượng lưu sông Ganga. Mùa an cư thứ tám người cư trú tại Sumsumaragira ở xứ Bhagga và vào mùa an cư thứ chín người về cư trú tại Kosambi. Kosambi là một thị trấn thuộc vương quốc Vamsa nằm trên tả ngạn sông Jamuna, nơi đây đã có một trung tâm tu học quan trọng. Tu viện nằm trong một khu vườn ở Rừng Lớn gọi là Ghosira.
Vào mùa an cư thứ chín các thầy lớn như Mahakassapa, Mahamoggallana , Sariputta và Mahakaccana không có mặt bên Bụt ở tu viện Ghosira tại Kosambi, nhưng thầy Ananda vẫn được kề cận Bụt. Chú Rahula cũng không có mặt, vì chú phải theo học với thầy Sariputta. Các khu rừng quanh tu viện đầy những cây simsapa, và Bụt ưa vào tĩnh tọa trong rừng vào những buổi trưa khi trời nắng gắt.
Một buổi chiều từ rừng về, Bụt cầm trong tay một nắm lá simsapa. Người đưa nắm lá lên và hỏi các vị khất sĩ có mặt:
– Các vị khất sĩ! Lá trong tay tôi nhiều hay lá trong rừng nhiều?
Các vị khất sĩ đáp:
– Lá trong tay Bụt thì ít mà lá trong rừng thì nhiều.
Bụt nói:
– Cũng như thế đó, các vị khất sĩ! Những điều tôi biết do sự thực chứng thì nhiều, nhưng những điều tôi đem ra dạy quý vị thì ít. Tại sao thế? Tôi chỉ muốn trình bày cho quý vị những gì thực sự có ích lợi cho công trình tu tập của quý vị mà thôi …
Bụt nói như thế, vì độ ấy trong giới các vị khất sĩ có nhiều người có khuynh hướng muốn đi vào những vấn đề siêu hình không thiết thực mấy đối với sự tu học. Mấy tháng trước ở Savathi, Bụt đã khuyên thầy Malunkyaputta về việc không nên để tâm trí vướng bận vào những vấn đề không thiết yếu cho sự tu học.
Thầy Malunkyaputta lúc đó thường hay hỏi Bụt những câu hỏi thuộc phạm vi siêu hình, nhưng Bụt từ chối không trả lời. Ví dụ thầy hỏi: Vũ trụ này là hữu biên hay vô biên? Hữu hạn hay vô hạn. Một hôm thầy không chịu đựng sự im lặng của Bụt được nữa. Thầy quyết định đi gặp Bụt để ép Bụt phải trả lời những câu hỏi của thầy. Thầy tự bảo là lần này nếu Bụt từ chối thì thầy sẽ xin xả giới không tu theo người nữa. Thầy đi gặp Bụt và nói: “Nếu Thế Tôn chịu trả lời những câu hỏi của con thì con sẽ nguyện tiếp tục theo học với người. Nếu không, con sẽ xin từ bỏ giáo đoàn khất sĩ. Nếu quả thật người biết vũ trụ là hữu biên hay vô biên, thì xin người cứ nói ra, còn nếu người không biết thì người cứ nói thẳng là người không biết”.
Bụt nhìn thầy Malunkyaputta:
– Hồi thầy xin đi xuất gia, tôi có hứa với thầy là sẽ giảng giải cho thầy về những câu hỏi như thế không? Tôi có nói: “Này Malunkyaputta, anh cứ xuất gia đi, rồi tôi sẽ dạy cho anh về những vấn đề siêu hình” không?
– Bạch Thế Tôn , không.
– Vậy sao bây giờ thầy lại đặt điều kiện với tôi? Alunkyaputta! Ví như có một người nọ bị trúng một mũi tên có tẩm thuốc độc.
Bà con mời ông thầy thuốc tới để nhổ mũi tên ra, bôi thuốc vào và cho uống thuốc trừ độc, nhưng người bị trúng tên không cho ông thầy thuốc đụng vào vết thương mình. Người ấy nói: “Khoan đã, trước khi chữa trị tôi muốn biết ai là kẻ đã bắn mũi tên này, tên họ người đó là gì, mấy tuổi, ở đâu, làm nghề nghiệp gì, thuộc giai cấp nào, vì cớ sao mà bắn tôi. Tôi cũng muốn biết loại cung bắn này là loại cung nào và chất độc nó dùng là thứ chất độc lấy từ đâu”. Malunkyaputta, người bị thương sẽ chết trước khi anh ta tìm hiểu được hết những điều đó. Người đi xuất gia cũng vậy, những điều mà người xuất gia phải biết và phải hành là những điều căn bản mà tôi đã và đang dạy các thầy, còn những điều khác vì không có ích lợi thực tế cho sự tu học và hành trì để đi đến giải thoát cho nên tôi không nói tới.
Này Malunkyaputta, thầy phải biết điều này: dù vũ trụ là hữu biên hay vô biên, hữu hạn hay vô hạn thì thầy cũng phải công nhận điều này: có những đau khổ trong cuộc đời, những đau khổ đó có nguyên do và ta có thể quán chiếu các nguyên do ấy mà tìm cách làm cho cuộc đời bớt khổ. Những điều tôi dạy quý thầy có thể giúp quý thầy đạt tới sự buông bỏ, vô dục, thanh tịnh và giải thoát, còn những điều không thiết thực cho việc tu học thì tôi từ chối không nói tới.
Đại đức Malunkyaputta nghe Bụt nói rất lấy làm hối hận. Thầy đã xin sám hối Bụt về tội đã dám ra điều kiện cho người.
Bụt thường khuyến khích các vị khất sĩ gia công tu học và tránh những cuộc luận đàm có tính cách lý thuyết suông. Người gọi những lý thuyết suông không ích lợi gì cho sự tu học ấy là hý luận. Trong số các thầy ở Kosambi, có những thầy rất ưa hý luận và cũng vì lẽ ấy Bụt đã đem tặng cho họ một nắm lá simsapa.
Tại Kosambi, có một thí chủ lớn tên là Ghostra. Vị thí chủ này đã cúng dường rừng cây của mình để làm tu viện cho tăng đoàn, gọi là tu viện Ghostra. Ngoài ra ông còn bảo trợ thành lập thêm hai trung tâm tu học cho các vị khất sĩ nữa: đó là tu viện Kukuta và tu viện Pavarikambavana. Tu viện thứ tư trong vùng là tu viện Badarika.
Quốc vương Udayana không có cảm tình nhiều với Bụt, nhưng thái tử Bodhi trị vì xứ Bhanga lại là một người sùng kính Bụt đúng mức. Tại xứ Bhanga Bụt và giáo đoàn đã từng được thái tử Bhodi đón tiếp rất nồng hậu.
Tại Kosambi, cũng như tại các trung tâm tu học khác, có một số các vị kinh sư, nghĩa là những thầy chuyên về sự giảng dạy và ôn tụng các lời Bụt dạy. Những lời Bụt dạy trong gần mười năm qua được kết tập và ôn tụng dưới những đề mục gọi là sutra. Sutra là kinh. Ví dụ kinh Chuyển Pháp Luân là bài giải đầu tiên mà Bụt nói tại vườn Nai phía Bắc thành phố Baranasi cho năm vị khất sĩ đầu. Các kinh như kinh Vô Ngã Tướng, kinh Nhân Duyên, kinh Bát Chánh Đạo đều được học thuộc lòng và được ôn tụng mỗi nửa tháng. Ngoài các vị kinh sư còn có các vị luật sư, chuyên lo trì tụng về giới luật. Người tập sự xuất gia thì có giới luật của người xuất gia. Những những chưa đến tuổi hai mươi như chú Rahula thì chưa được thọ giới khất sĩ, mà chỉ được thọ giới sa di.
Năm ấy ở Kosambi đã xảy ra một vụ tranh chấp giữa một vị kinh sư và một vị luật sư tại tu viện Ghostra. Nguyên do vụ tranh chấp thật là bé nhỏ nhưng vì lòng tự ái của một số các thầy khất sĩ mà vụ tranh chấp đã gây nên chia rẽ trầm trọng trong đại chúng. Vị kinh sư này vì vô ý đã không đổ nước trong chậu sau khi sử dụng. Vị luật sư cho đó là phạm luật. Vị kinh sư nghĩ là vì không cố tình cho nên mình không có lỗi. Nguyên do vụ tranh chấp chỉ có thế, nhưng đệ tử của hai vị ai cũng bênh vực thầy mình và nói bên đối phương và sai lầm. Cuộc tranh chấp vì thế mà leo thang. Bên này bắt đầu nói bên kia là vu khống. Bên kia bắt đầu nói bên này là vọng ngữ. Cuối cùng vị luật sư tuyên bố giữa đại chúng là vị kinh sư phạm giới, và nếu không sám hối thì vị này sẽ không được phép tham dự các buổi bố tát tụng giới hàng nửa tháng.
Tình trạng trở nên căng thẳng. Hai bên nói qua nói lại. Những lời qua lại này cũng tai hại như những mũi tên độc. Các vị khất sĩ chia thành hai phe. Cũng may là có một số các vị khất sĩ không chịu theo phe nào. Họ than thở với nhau: “Chết mất, chết mất! thế nào cũng có chia rẽ trầm trọng trong giáo đoàn”.
Trong khi đó, Bụt vẫn chưa hay biết gì, tuy người đang an cư ở một tịnh xá sát bên tu viện. Một số các vị khất sĩ đi tìm Bụt và trình lên người hiện tình của đại chúng, và cầu Bụt can thiệp. Bụt liền đi tìm vị luật sư. Người nói:
– Chúng ta không nên quá tin ở quan điểm riêng của chúng ta. Chúng ta phải lắng nghe và tìm hiểu quan điểm của người bên kia. Chúng ta phải làm mọi cách để tránh sự chia rẽ trong đại chúng.
Rồi Bụt đi tìm vị kinh sư. Người cũng nói với vị kinh sư những lời mà người đã nói vị luật sư, hy vọng hai người sẽ đi tới hòa giải. Sau đó người trở về tịnh xá.
Nhưng cuộc can thiệp của Bụt không có hiệu quả. Cả hai bên vì lời qua lẽ lại đều đã bị thưong tích trầm trọng. Các vị khất sĩ đứng ở giữa không đủ sức để dàn xếp một cuộc hòa giải. Nội vụ được chuyền tới tai giới đệ tử tại gia và chẳng bao lâu các giáo phái bên ngoài đều biết tới. Uy tín của đoàn thể khất sĩ bị thương tổn nặng. Đại đức Nagita thị giả của Bụt thấy thế, không chịu nổi nữa. Thầy lại đem nội vụ trình lên Bụt và cầu cứu Bụt tới can thiệp một lần nữa.
Bụt khoác áo và tới thẳng thính đường của tu viện. Người bảo đại đức Nagita thỉnh chuông triệu tập đại chúng. Khi mọi người đã tụ họp đầy đủ, Bụt nói:
– Xin các thầy hãy chấm dứt việc tranh chấp và cãi cọ. Xin quý thầy hãy chấm dứt tình trạng chia rẽ trong nội bộ giáo đoàn. Xin trở về với sự tu học. Nếu chúng ta tu học thật sự thì chúng ta không còn là nạn nhân của tự ái, giận hờn và chia rẻ nữa.
Một vị khất sĩ đứng lên, bạch:
– Thế Tôn, xin Thế Tôn đứng ra ngoài vụ tranh chấp này. Xin người cứ an trú trong niềm vui tịnh lạc của thiền định. Đây không phải là việc của người. Chúng tôi đã lớn: chúng tôi có thể tự mình giải quyết vụ này được, không cần đến Thế Tôn.
Vị khất sĩ nói xong, mọi người đều im lặng. Bụt cũng im lặng.
Một lát sau, người đứng dậy, rời bỏ thính đường. Người trở về tịnh xá lấy bình bát và áo, rồi người một mình đi vào Kosambi để khất thực. Khất thực xong, người vào rừng một mình để thọ trai. Thọ trai xong người đứng dậy, ôm y bát từ bỏ thành phố Kosambi, hướng về phía bờ sông mà đi. Không ai được phép đi theo người, kể cả thầy thị giả, kể cả đại đức Ananda.
Bụt đi lần hồi tới thị trấn Balakalonakaragama. Tại đây người gặp một vị đệ tử là đại đức Bhagu. Thấy Bụt, đại đức rất vui mừng, đại đức rước Bụt vào một cụm rừng, mời Bụt ngồi rồi đi tìm nước và khăn cho Bụt rửa mặt và tay chân. Bụt hỏi thăm về sự tu học của thầy Bhagu. Thầy nói thầy rất an lạc ở đây, dù thầy ở có một mình. Bụt nói:
– Ở một mình đôi khi mà khỏe hơn là ở với nhiều người.
Sau khi giảng dạy thêm giáo lý và khích lệ đại đức Bhagu về sự tu học, Bụt từ giã thầy để đi về phía công viên Đông Trúc cách đó không xa. Bước vào công viên, Bụt bị người cai vườn ngăn lại, ông ta nói:
– Sa-môn, ông đừng đi vào trong công viên, sợ làm rộn các vị đang tu hành trong ấy.
Bụt chưa biết nói sao thì từ trong công viên đại đức Anuruddha đi ta. Thầy vái chào Bụt và nói người cai vườn:
– Đó là thầy của chúng tôi đấy, xin ông cứ để cho người vào.
Rồi đại đức đưa Bụt vào phía trong công viên. Ở đây, Bụt gặp thêm hai vị khất sĩ khác: đại đức Nandiya và đại đức Kimbila. Hai người được gặp Bụt rất mừng. Thầy Nandiya nâng bát cho Bụt, còn thầy Kimbila thì nâng áo sanghati của người. Họ sắp chỗ ngồi cho Bụt bên một bụi tre vàng. Họ đem nước và khăn tới cho Bụt rửa mặt và rửa chân. Rồi cả ba thầy chắp tay làm lễ Bụt. Bụt bao ba thầy ngồi xuống bên cạnh:
Người hỏi:
– Các thầy ở đây có được an tịnh không? Sự tu học có thuận lợi không? Việc khất thực hành hóa có dễ dàng không?
Thầy Anuruddha đáp:
– Bạch thầy, chúng con ở đây rất an ổn. Ở đây khung cảnh rất an tịnh. Việc khất thực và hành hóa cũng dễ dàng. Chúng con đã đạt được nhiều tiến bộ trong sự tu học.
Bụt hỏi:
– Các thầy có thương mến nhau và hòa hợp với nhau không?
– Thưa Thế Tôn, chúng con rất thương mến nhau. Chúng con hòa hợp với nhau một cách dễ dàng như nước với sữa. Riêng con, được sống với hai huynh Kimbila, và Nandiya là một điều may mắn lớn cho đời con. Con trân quý tình bằng hữu này lắm. Mỗi khi con nói hay con làm một điều gì, dù là khi hai huynh không có mặt, con cũng nghĩ đến hai huynh. Con tự hỏi con: nói như thế và làm như thế thì hai huynh có vừa ý không? Nếu con có một chút nghi ngờ rằng lời nói và việc làm ấy có thể làm cho hai vị phật ý là con nhất định không nói và không làm. Thưa Thế Tôn, chúng con tuy là ba người mà cũng như là một.
Bụt gật đầu ưng ý. Người nhìn hai thầy kia. Thầy Kimbila nói với Bụt:
– Điều sư huynh Anuruddha nói đó là sự thật. Chúng con rất hòa hợp với nhau và rất thương mến nhau.
Thầy Nandiya nói:
– Chúng con biết chia xẻ cho nhau đồng đều mọi thứ. Từ chỗ ăn ngủ cho đến kiến thức và kinh nghiệm, chúng con đều sẵn lòng chia xẻ cho nhau.
Bụt khen:
– Tốt lắm! Tôi rất hài lòng khi thấy các thầy ăn ở với nhau như vậy. Có sự hòa hợp đó, một đoàn thể tu học mới thật sự là một đoàn thể tu học. Các thầy đã thật sự tỉnh thức cho nên quý thầy mới thực hiện được sư hòa hợp đó.
Bụt ở lại với ba thầy một tháng.
Người nhận xét như sau: Buổi sáng sau giờ thiền tọa, ba thầy cùng đi khất thực một lần. Khất thực xong, vị nào về trước thì đi sắp đặt chỗ ngồi đi lấy nước uống, nước rửa và một cái chậu sạch để sẵn tại đó. Xong rồi vị ấy mới đi rửa mặt, rửa chân, và ngồi xuống để quán niệm và thọ trai. Trước khi thọ trai, vị ấy san bớt thức ăn trong bát vào chiếc chậu sạch. Thức ăn này là để dành cho vị khất sĩ nào không xin được đủ một phần ăn. Khi các vị kia về, thì nước rửa và nước uống đã có sẵn. Họ khì phải đi xách nước. Họ chỉ cần ngồi xuống rửa tay, rửa mặt và rửa chân trước khi ngồi xuống thọ trai. Sau khi thọ trai và uống nước, cả ba người cùng đi dọn dẹp. Nếu thức ăn trong chậu còn dư, họ đem đổ ở một khoảng đất không có cây cỏ, hoặc đổ xuống nước nơi không có loài vật nào đang sống. Họ cùng rửa và cùng úp các chậu lại. Ai thấy bình nước uống hết nước thì đi lấy thêm. Ai thấy vại nước rửa lưng đi thì đi xách nước thêm. Ai thấy cầu tiêu không được sạch thì đi chùi rửa. Việc gì cần hai hoặc ba người mới làm nổi thì họ đâu vai chung sức lại. Họ không cần bàn cãi gì hết về công việc hàng ngày. Cứ mỗi năm ngày họ ngồi lại một lần để cùng học hỏi giáo lý và trao đổi kinh nghiệm tu tập.
Trước khi từ giã ba thầy, Bụt nói:
– Các thầy, bản chất của một tăng đoàn (sangha) là sự hòa hợp. Theo tôi, ta có thể minh định sự hòa hợp như sau:
– Thứ nhất là thân hòa đồng trú, nghĩa là cùng chia xẻ với nhau một trung tâm tu học, một khu rừng hay một mái nhà.
– Thứ hai là lợi hòa đồng quân, nghĩa là cùng chia xẻ với nhau đồng đều những tiện nghi của cuộc sống.
– Thứ ba là giới hòa đồng tu, nghĩa là cùng hành trì với nhau những giới và những luật đã được truyền thọ và ban hành.
– Thứ tư là khẩu hòa vô tránh, nghĩa là chỉ sử dụng thứ ngôn ngữ hòa hợp, tránh tất cả những lời nói có thể gây ra sự xích mích và tranh cãi.
– Thứ năm là kiến hòa đồng giải, nghĩa là trao đổi và chia xẻ những hiểu biết và những kiến thức với nhau, không dấu diếm cái hiểu biết cho riêng mình, để cho mọi người cùng được học hiểu.
– Thứ sáu là ý hòa đồng duyệt, nghĩa là các ý kiến khác nhau phải được tổng hợp lại, và không ai có thể bắt buộc mọi người khác phải làm theo ý kiến riêng của mình như thế để tạo nên sự vui vẻ hòa hợp trong đoàn thể.
Các vị khất sĩ! Từ nay về sau, chúng ta phải lấy sáu nguyên tắc hòa hợp này mà sống với nhau.
Ba vị đại đức hoan hỷ tiếp nhận lời nhận của Bụt.
Từ giã ba thầy, Bụt lên đường. Bảy ngày sau, người tới Parileyyaka, Bụt đi vào rừng Rakkhita, và tìm thấy một cây sala cành lá sum suê. Người đặt y bát xuống và ngồi nghĩ dưới gốc cây đẹp đẽ này.
Bụt có ý định muốn ở lại một mình tại đây trong mùa an cư sắp tới.