Bấy lâu nay tôi dự định viết về Thầy, Thầy chủ nhiệm lớp tôi, nhưng tôi cứ ngập ngừng không biết bắt đầu từ đâu cho phải lẽ. Bởi vì, nếu không khéo lời sẽ dễ gây ngộ nhận, sẽ rơi vào ý tưởng “mẹ hát con khen”. Sau bao ngày đắn đo, cuối cùng tôi quyết định ghi lại những hình ảnh đẹp của bậc Thầy mà tôi tôn kính.
Quý vị! Nếu ai đã từng đến Huệ Quang hẳn đều đã biết, Thầy chủ nhiệm lớp Phiên Dịch Hán Nôm, tuổi ngoại lục tuần, dáng người nho nhỏ với bộ y phục bạc màu, trên môi luôn điểm nụ cười từ ái. Ngày đầu tiên gặp gỡ, tôi không nghĩ Thầy là vị lãnh đạo Tu viện Huệ Quang và sẽ là Chủ nhiệm lớp tôi. Vì tôi trộm nghĩ, Thầy nổi tiếng nghiêm khắc và nguyên tắc, nên tôi đoán rằng: “Ngài là vị tu sĩ lạnh lùng khô khan lắm! ?…”.
Với ý nghĩ đó, trong suốt hai năm học, tôi luôn sợ Thầy, nhất là khi thi cử, Thầy rất ư “lạnh lùng”. Mặc dù tôi chưa bao giờ vi phạm nội quy nhưng lòng vẫn hồi hộp khi thấy bóng Thầy xuất hiện, bởi đời vô thường, đâu biết được hôm nào mình sẽ bị khiển trách ? Thế nhưng, chuyến du lịch Bình Châu vào tháng hai đã làm thay đổi quan niệm sai lầm của tôi đối với thầy. Nơi chốn núi rừng hoang dã, Thầy đã biểu lộ sự thân thiện hòa đồng không ngờ.
Thầy ân cần quan tâm nhắc nhở, thăm hỏi chúng tôi bằng tất cả tấm lòng, cảm động nhất là giờ cơm trưa, thấy chúng tôi dùng cơm sau mọi người, Thầy đến hỏi: “Quý cô có đủ thức ăn không ? Phần của Thầy vẫn còn!…”
– Mô Phật, chúng con còn đủ thức ăn! Cảm ơn sư phụ. (một sư em nhanh nhẩu đáp lời).
Đến khi chúng tôi mời Thầy dùng trái cây, Thầy bảo: “Hãy để dành cho quý cô dùng sau giờ đi chơi biển”. Vào buổi chiều khi xe về thành phố, Thầy còn cổ vũ chúng tôi văn nghệ, hầu quên đi mệt nhọc, thu ngắn quãng đường xa. Chuyến du lịch Bình Châu đã qua nhưng dư âm chân tình vẫn còn đọng lại cho tôi một ý tưởng mới về Thầy. Và giờ đây trước khi vào hạ, chúng tôi lại được Thầy hướng dẫn tham quan về miền Tây Nam Bộ.
Một lần nữa, tôi được tận mắt chứng kiến tấm lòng lãnh đạo, cứ mỗi lần xe dừng lại khu vực nào để tham quan, thì bao giờ Thầy cũng là người dạo bước sau cùng để quan sát kiểm tra xem trong đoàn còn có ai sót lại không ? Hôm ấy, ngày mùng bốn tháng tư là ngày du lịch đầu tiên, suốt chặng đường dài mệt mỏi hàng trăm cây số, từ thành phố Hồ Chí Minh đến chùa Thầy Tây An thì trời đã sẫm màu. Sau một lúc tham quan, cả đoàn chuẩn bị lên xe về chùa Đông Lai nghỉ đêm, cách đó vài cây số để rạng sáng còn khởi hành đi núi Cấm.
Nhưng lớp Phiên dịch năm thứ hai của chúng tôi cứ nao nức muốn xem đền Bà Chúa Xứ. Lẽ ra thiểu số phải phục tùng đa số, nhưng Thầy chiều ý để chúng tôi đi một lần cho biết. Lúc chúng tôi quay lại thì trời đã tối mịt, mọi người chờ đông đủ trên xe, riêng Thầy vẫn đợi nơi thềm chùa. Thầy không một lời trách móc mà còn bảo chúng tôi hãy thư thả, nếm thử hương vị dừa thốt nốt … Đoàn lại tiếp tục lên đường, xe lăn bánh giữa bóng đêm mờ ảo, giữa miền núi hoang vu mênh mông như tấm lòng Thầy bao la che chở đàn con dại.
… Trải qua một ngày ê ẩm đường xa, cộng với một đêm chập chờn chiếu đất, chúng tôi ai cũng bơ phờ, riêng Thầy vẫn tươi vui, động viên mọi người sửa soạn đăng lâm núi Cấm. Đường lên núi quả là “Dốc cao thăm thẳm heo hút cồn mây mũi ngửi trời”, bước lên mười bước chân gối muốn rã rời, quý thầy ở lớp tôi phải thay phiên nhau gồng hành lý cho quý ni. Chao ơi! Nhộn nhịp làm sao quãng đường dốc đá ?
Còn Thầy lúc leo lên trước, lúc lùi lại phía sau. Tôi ngỡ Thầy cao tuổi nên sức yếu, ngờ đâu Thầy làm thế là để nhằm mục đích canh các ngã tư đường dốc núi ngoằn ngoèo, đón từng đứa con lạc đàn rớt lại tuyến sau. Giữa chốn núi rừng mênh mông buổi sớm, vắng vẻ tịch liêu, đá gối chập chồng dễ làm chùn chân khách lữ hành xứ lạ. Nhưng tấm lòng Thầy đã động viên chúng tôi mạnh chân vượt qua dốc thẳm tiến về phía trước.
Sau hai ngày dạo chơi, chuyến tham quan kết thúc, xe trở về thành phố. Theo sự sắp xếp của ban tổ chức, đoàn sẽ rời núi vào sáng sớm hôm sau và về lại thành phố vào lúc mới lên đèn. Thế nhưng vì chúng tôi muốn tham quan cầu Mỹ Thuận. Một lần nữa, Thầy lại vui lòng lội bộ cùng đại chúng suốt quãng đường dài non cây số, để rồi về đến chùa vào lúc mười giờ đêm. Sau hai lần du ngoạn, tôi có thêm cảm niệm sâu sắc về Thầy.
Ngài không phải đơn thuần như tôi nghĩ lúc ban đầu. Là một bậc Thầy ở vào cương vị trưởng thượng nhưng Ngài không nề hà những việc làm rất nhỏ, ân cần nhặt chiếc nón lá bay trong sân trường, một tờ giấy ai rơi trên hành lang lớp học. Thậm chí cho đến giờ kiểm tra, bút của học trò hết mực, Thầy nhiệt tình sang từng dãy bàn mượn của các vị chung quanh. Tất cả đều được Thầy thể hiện bằng thái độ vô tư mà chu đáo. Trong Phật pháp, trên con đường tu hành hóa tha, phương pháp thiết yếu thường được chú trọng là Tứ Nhiếp Pháp (Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự).
Bốn phương pháp ấy, không rõ Thầy thiên nặng về pháp môn nào, nhưng tôi thầm cảm nhận, Thầy đã âm thầm cho thế hệ tu sĩ trẻ chúng tôi một tấm lòng nhẫn nại hy sinh, bình dị mà hàm chứa bao la tình người, tình đạo. Thật lòng tôi không muốn dùng ngôn từ để tuyên dương, ca ngợi, bởi lẽ ngôn ngữ luôn nằm trong phạm trù tương đối, nó sẽ làm giới hạn mối tương giao đồng cảm giữa người và người, đôi khi trở nên thần thánh hóa xa rời thực tế.
Nhìn từ góc độ nào đó, Thầy vẫn còn đôi lúc làm chúng tôi phải khiếp sợ e dè, vì tánh nguyên tắc “trời cho” của Ngài. Có khi nhìn Thầy đang tươi cười nhưng chúng tôi phải giật thót mình với ánh mắt nghiêm nghị, giọng nói sắc gọn của Thầy trong những lúc kiểm tra luyện dịch. Khi cần quở trách, Thầy cũng rất “nhiệt tình” đến nỗi chúng tôi xanh cả mặt để rồi sau đó Thầy dung hòa lại tình thế bằng một câu nói pha trò …
Song dù trong bối cảnh nào, Thầy vẫn là vị sư phụ kính yêu của chúng tôi, Người đã cho học trò mình tinh thần cầu tiến vươn lên trong học tập. Sự bình dị đơn giản của Thầy đã cho chúng tôi bài học lớn về đạo đức làm người. Thiết yếu hơn nữa là cách làm tu sĩ. Thầy đã gián tiếp tái tạo cho thế hệ hôm nay một hình ảnh tăng già “thân thương gần gũi”, bỏ lại sau lưng những bon chen ích kỷ, hẹp hòi, để đi vào đường đạo cao cả thênh thang rộng lớn.
Một mùa Vu Lan nữa lại về! Một năm học nữa sắp trôi qua! Bao nhiêu hình ảnh đẹp về Thầy trong những giây phút “tùy duyên hóa độ”, nhất là đối với nhóm học trò khờ dại như chúng con thì không bút mực nào tả xiết. Thầm mong Người hãy thư thả quên đi những khờ dại nông nỗi đó. Và xin Thầy mở rộng tấm chân tình của chúng con trên trang giấy hiếm hoi này, cho chúng con được giây phút sưởi ấm lòng mình, thu ngắn quãng đường đi hãy còn thăm thẳm, hãy còn biết bao phiến đá chơi vơi, chót vót, gập ghềnh chắn lối.
Để mai kia hành trang bước vào đời của chúng con là tấm lòng đại từ độ lượng của Thầy, mãi mãi giúp cho con vượt qua bao chướng ngại nơi chính bản thân mình, từng bước hòa nhập cùng xã hội, nối tiếp ngọn đèn chánh pháp trường tồn miên viễn.
Mùa Vu-lan năm Tân Tỵ.
TNTP.
Trích: Tập san Suối Nguồn số 10