Xin nói ngay, xuất phát từ tấm lòng trân trọng cụ Đinh Văn Chấp – một bậc túc Nho và cũng là người hứng chịu nhiều thăng trầm trong lịch sử nước nhà, chúng tôi đã tìm đọc tập sách “Tuyển dịch thơ văn Lý Trần” của cụ vừa được xuất bản quý I-2011. Và cũng từ tình cảm đó, chúng tôi thấy có mấy ý cần bàn thêm về cách thực hiện tập sách này.
1/ Từ chuyện làm sách
Quyển sách “Tuyển dịch thơ đời Lý Trần” do NXB Lao Động cấp phép, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây liên kết xuất bản. Trang bìa lót có mở ngoặc ghi rõ hai chữ “di cảo”, như vậy đây là tập sách được xem là di cảo của cụ Đinh Văn Chấp. Cũng trang này có ghi rõ: tên hai người sưu tập và chú giải là: Đông Tùng và Nguyễn Quang Tô; người hiệu chinh là Hoàng Hồng Cẩm.
Đầu sách có in bài “Lời người hiệu chỉnh” của Hoàng Hồng Cẩm, và bài “Ý nghĩa việc sưu tầm và chú dẫn” của Đông Tùng Nguyễn Tư Hồng và Nguyễn Quang Tô. Đọc bài của Hoàng Hồng Cẩm đã thấy ngờ ngợ kiểu làm việc. Đọc bài của Đông Tùng và Nguyễn Quang Tô thì biết các bài trong tập di cảo này thực ra là đã in trên Nam Phong tạp chí. Đến khi đọc tiếp, sau bài giới thiệu thân thế sự nghiệp Hoàng Giáp Đinh Văn Chấp do cụ Đinh Văn Niêm viết, đến phần dịch thơ Lý Trần thì thấy có “Bài tựa dịch thơ đời Lý – Trần” ký tên Đinh Văn Chấp.
Thế nhưng, sách này không nói rõ: cụ Đinh Văn Chấp có tập hợp các bản dịch thơ Lý Trần thành tập hay không, và viết lời tựa rõ ràng như thế này. Nếu có, thì tên sách ấy nguyên tác do cụ Đinh Văn Chấp gọi là gì? Trong các bài viết đầu sách không thấy nhắc đến tên sách gốc. Thật lạ! Đọc lại bài viết của Đông Tùng và Nguyễn Quang Tô, thì thấy có câu: “được sự khích lệ của Giáo sư khoa trưởng Văn khoa và Khoa học Nhân văn Viện đại học Vạn Hạnh, chúng tôi mạnh dạn sưu tập, chú thích và dẫn giải mục “Dịch thơ đời Lý và Trần” (trên Nam Phong – Lam Điền) của cụ Đinh Văn Chấp với hy vọng…”. Như vậy, hóa ra tác giả là cụ Hoàng Giáp Đinh Văn Chấp chỉ là người dịch thơ trên Nam Phong, và tập hợp lại thành sách là hai người Đông Tùng và Nguyễn Quang Tô. Điều đáng tiếc là: hai ông này không nói rõ các ông đã tập hợp các bài dịch thơ của cụ Đinh Văn Chấp đăng trên Nam Phong tạp chí theo nguyên tắc nào. Bởi vì, từ những trước tác rời rạc, nay có người tập hợp lại thành bản thảo để làm thành sách, thì chí ít cũng phải giới thiệu cái phương pháp làm việc của mình chứ. Bởi hai ông không giới thiệu cách làm việc, mà chỉ nói ngắn gọn “sưu tập, chú thích và dẫn giải”, nên chúng tôi không rõ hai ông này khi đem các bài viết của cụ Đinh Văn Chấp từ Nam Phong về đã “chú thích và dẫn giải” những gì.
Và với khởi sự như thế, đến người hiệu chỉnh là Hoàng Hồng Cẩm, thì chúng tôi lại càng không biết “hiệu chỉnh” ở đây là làm những gì. Tuy nhiên, trong bài “Lời người hiệu chỉnh” của Hoàng Hồng Cẩm, vị này có cho biết: “Nhân một chuyến công tác vào nam đến thăm nhà cụ Hoàng Giáp Đinh Văn Chấp, chúng tôi được ông Đinh Văn Niêm và Minh Chi (tên thật là Đinh Văn Vinh, con trai thứ tư của cụ Hoàng Giáp Đinh Văn Chấp) trao lại bản thảo này từ gia đình của giáo sư Đông Tùng”. Đọc phần “quy cách biên tập” trong bài này, thấy có một câu “Dịch thơ: những bài đã đăng thì giữ nguyên; những bài chưa đăng có thể hiệu chỉnh khi xét thấy cần thiết; ngoài ra chúng tôi xin phép dịch thêm một số bài để so sánh (để ở phần phụ lục)”. Như vậy, “đã đăng” và “chưa đăng” ở đây có phải là nói đến việc đăng trên Nam Phong tạp chí không? Nếu có cả những bài chưa đăng trên Nam Phong cũng được tập hợp vào sách này, thì nó đến từ nguồn nào: bản thảo nào khác của cụ Đinh Văn Chấp, di cảo do gia tộc còn giữ được, hay ở đâu, các bài này là những bài nào, số lượng bao nhiêu, đưa vào sách này theo nguyên tắc nào? Tất cả những thông tin đó đều không có.
Nói tóm lại, cho đến khi tập sách “Tuyển dịch thơ đời Lý Trần” được cấp phép xuất bản và bán ra cho công chúng, nó không được làm rõ về lai lịch, mặc dù bên cạnh tên cụ Đinh Văn Chấp là tác giả, có đến ít nhất là 3 cái tên khác chịu trách nhiệm cho quá trình hình thành bản thảo sách này.
2/ Thái độ người đời sau đối với cụ:
Sau khi đọc các trang viết của những người sưu tập, chú thích, dẫn giải, hiệu chỉnh, chúng tôi vẫn chưa rõ một số thông tin. Lật sách đọc thì càng đọc càng thấy hoang mang. Mỗi tác giả trong sách đều có phần tiểu sử, và ai đã viết phần tiểu sử này, sách không nói rõ. Thoạt đầu chúng tôi cứ nghĩ: phần tiểu sử này cũng do cụ Đinh Văn Chấp soạn. Nhưng đến khi đọc tiểu sử của tác giả Đặng Dung in ở trang 266, chi tiết “nhảy xuống biển tự vẫn”, thì tin chắc đây không phải là văn chữ của cụ Đinh. Vì một bậc túc Nho như cụ lẽ nào mắc cái lỗi phổ biến của người thời nay: cứ gọi bừa tự tử thành tự vẫn! Với khả năng chữ nghĩa ấy, mà bắt tay làm cái việc hiệu chỉnh hay chú thích hay dẫn giải gì đó cho tác phẩm của cụ Đinh Văn Chấp, thì thật là số cụ lận đận mãi… cho đến bây giờ!
Do vậy, chúng tôi giở Nam Phong ra tìm, thì thấy quả đúng cụ tiến sĩ Đinh Văn Chấp có dịch thơ Lý Trần in trên tạp chí này. Nhưng mà, mỗi bài thơ Nam Phong chỉ in chữ Hán và bản dịch thơ chữ quốc ngữ của cụ Đinh Văn Chấp. Như vậy, phần dịch nghĩa, viết tiểu sử… hẳn thuộc về trách nhiệm của một trong mấy vị kia rồi. Còn cái bài “Bài tựa dịch thơ đời Lý – Trần” của Đinh Văn Chấp ấy chính là phần tựa cụ viết nhân khi Nam Phong ra mắt chuyên mục này, trên số 114 (năm 1927). Cũng trong bài tựa ấy, các vị làm bản thảo quyển sách đang đề cập không rõ có phải là chép từ Nam Phong ra không, nếu đúng vậy, thì ngay cả việc chép từ Nam Phong ra bản thảo này cũng đã chép sai lời của cụ Hoàng Giáp Đinh Văn Chấp. Cụ thể: trên Nam Phong, cụ Đinh Văn Chấp viết “ít chữ nhiều nghĩa”, thì sách TDTĐLT viết “ít chữ nghĩa nhiều”, lỗi lộn xộn ấy còn có thể cho là do người đời nay già cả hơn người đời xưa nên mắc phải. Đến như chỗ này, cụ Đinh Văn Chấp viết “thơ phải ép vần”, thì sách TDTĐLT chép thành “thơ phải hợp vần”; cụ viết “muốn cho được lời thời nghĩa không tỏ” nhưng sách TDTĐLT sửa thành “muốn cho được lời hay thời nghĩa không tỏ”. Bài tựa ngắn ngủn, nhưng đọc bấy nhiêu đó, thấy cái cách sưu tập, chú thích, dẫn giải, hiệu chỉnh của những vị đời nay làm đối với tác phẩm của cụ Hoàng Giáp Đinh Văn Chấp như thế, chúng tôi sinh buồn, vì chữ nghĩa của một bậc túc Nho đã không được coi trọng, mà người đời sau là những ai, sao bỗng tùy tiện sửa chữ của cụ như vậy? Nếu muốn làm công tác tập hợp bản thảo theo quy cách khoa học thì phải thống nhất phương pháp làm việc. Điều cần thiết nhất là phải giới thiệu được công trình của cụ Đinh Văn Chấp có độ tin cậy cao nhất về mặt văn bản học. Còn các việc bình chú, ý kiến, chỉnh sửa gì đó, thì là việc khác, và nếu có tham gia vào văn bản, thì phải nói rõ để minh định ngay: Đây là phần của ông A,X,Y thêm vào, không phải của cụ Đinh Văn Chấp.
Nhưng, nói quy cách làm việc khoa học với lại văn bản học ở đây e không phải chỗ, vì ngay cả cái cách dụng ngữ “được lời” và “tỏ nghĩa” của cụ Hoàng Giáp, mà những vị làm bản thảo TDTĐLT còn không hiểu được, bèn thêm chữ “hay” vào cho thành “được lời hay”, nhưng lại biến cái việc của các vị thành ra quá dở.
Tiện thể giở Nam Phong ra, nên chúng tôi đọc thêm mấy bài dịch của cụ Đinh Văn Chấp. Thì lại phát hiện ra khối chỗ chép sai lời thơ của cụ. Ngay bài đầu tiên – “Khen sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi” của Lý Thái Tôn, hai câu cuối của cụ trên Nam Phong là “bao giờ hay gặp mặt/cùng giải lẽ u huyền” thì sách TDTĐLT chép thành “bao giờ may gặp mặt/ cùng giải lẽ u huyền”. Sửa chữ hay thành chữ may, thật là không may cho cụ Đinh Văn Chấp vậy! Đến bài “Bạch Đằng giang” của Trần Minh Tông, bài này trên Nam Phong in hai câu thực của cụ Đinh Văn Chấp là “Gấm đất sau mưa mầu cỏ ói/ đàn trời trước gió tiếng thông vo”, nhưng sách TDTĐLT chép thành “Gấm đất sau mưa màu đỏ ối/ đàn trời trước gió tiếng thông vo”. Nếu căn cứ trên nét nghĩa của hai từ ối-ói giữa thời nay và thời cụ Hoàng Giáp có tương đồng nhau, thì sửa hai chữ đó còn được, nhưng cỏ mà sửa thành đỏ, là cách hiểu của những người không biết phép làm thơ luật. Bởi trong hai câu thực phải dùng phép đối, và cụ Hoàng Giáp đã dùng “cỏ ói” đối với “thông vo”, trong đó hai từ chỉ cây: cỏ – thông đối nhau. Nếu sửa chữ cỏ thành đỏ, thì “đỏ” không thể đối với “thông”, mà nghĩa của toàn câu cũng bị hỏng: màu cỏ chính là gấm đất sau mưa/ tiếng thông chính là đàn trời trước gió. Ý người xưa làm thơ và dịch thơ là như thế, chứ như người đã không hiểu luật thơ, lại không hiểu nghĩa thơ, thì cứ nhằm vào những tác giả đời xưa, để lục lấy các trước tác, rồi sưu tập, chú thích, dẫn giải, hiệu chỉnh… là tiện nhất.
3/ Đọc phần thơ dịch của Hoàng Hồng Cẩm ở phần phụ lục
Người yêu thơ luật có lẽ chỉ còn cách ngửa mặt nhìn trời mà than, vì cụ Hoàng Giáp đã khuất núi rồi, người chết không còn khả năng từ chối những bài thơ sai luật in chung tập với mình, than ôi!!!
4/ Niềm thương cảm thứ tư quả thực là tế nhị.
Và đây là điều mà chúng tôi thực sự đắn đo liệu thì có nên nói không. Nhưng thôi thì cũng nên nói một phen, với khuôn khổ chỉ là ý kiến cá nhơn của chúng tôi thôi. Ấy là: cụ Hoàng Giáp Đinh Văn Chấp dịch thơ không hay. Việc cụ có một số bài dịch đăng trên Nam Phong, cùng với hành trạng của cụ lúc cộng tác với Nam Phong, nếu là hậu duệ, thiết nghĩ cần nghiên cứu thêm xem có lý do gì không. Đồng thời, cũng cần phải nghiên cứu xem tình cảm của cụ dành cho thơ, đặc biệt là cụ sáng tác mảng thơ như thế nào, là nội dung cần phải khảo cứu kỹ. Tất nhiên, nếu là hậu duệ của cụ, được có những trước tác dịch thuật của cụ để tìm hiểu, nghiên cứu, là một may mắn. Nhưng đó là việc có tính chất dòng tộc, gia đình. Một khi đem trước tác giới thiệu ra thiên hạ, chí ít cũng coi xem những thể loại ấy ở bên ngoài đã có chưa, có ở tầm mức nào. Rồi mới quyết định giới thiệu. Tất nhiên là chúng tôi không có ý cho rằng nếu thơ cụ Đinh Văn Chấp dịch không hay bằng các tác giả khác, thì không nên công bố. Nhưng nếu có xem xét đến vấn đề đó, thì người đời sau sẽ cân nhắc một cách thức công bố hợp lý hơn với người đời xưa. Tại sao vậy? Vì có những sự thực thế này: có người thực sự là am hiểu, sở trường, thành thạo ở một lĩnh vực khác. Nhưng trong cuộc đời, có khi có 1 lý do nào đó rất chánh đáng, họ có làm một việc trái tay, trong một thời gian thôi. Đến khi con cháu không tìm hiểu kỹ, cứ ngỡ cái việc trái tay ấy của ông cha mình là danh giá lắm, hồ hởi công bố hoành tráng, mà lại không chịu bỏ công tìm hiểu kỹ hành trạng của cái sở trường đích thực của tiền nhân. Như thế, nếu còn sống, người được công bố cũng không vừa ý.
Chắc sẽ có người thắc mắc: sao lại bảo cụ Hoàng Giáp dịch thơ không hay, mà lại không dẫn chứng. Nếu vậy thì có thể xem ví dụ sau: bài Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, cụ dịch thế này (chép từ Nam Phong): “Mấy độ non sông giáo một cây/ ba quân gầm thét khóm sao lay/ công danh trai chửa đền xong nợ/ truyện Vũ hầu nghe những mặt dày”. Câu nguyên tác “Hoành sáo (hay “sóc”) giang sơn cáp kỷ thu” của Phạm Ngũ Lão mà cụ dịch “mấy độ non sông giáo một cây” thì cái hình ảnh “giáo một cây” xem ra vừa không sát nghĩa vừa yếu quá, không còn cái khí độ của một tướng lĩnh tỏ vào thơ. Dịch như thế, đến câu “tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu” cụ dịch “truyện Vũ hầu nghe những mặt dày” thì chữ “mặt dày” không chuyên chở nổi cái ý “tu thính = thẹn [mà/khi] nghe”, lại còn có thể làm cho người đọc hiểu sai cái nghĩa từ mặt dày này là chỉ cho Vũ hầu thì khốn.
Mà cũng lạ, khi giở Nam Phong đọc bài thơ của Phạm Ngũ Lão để nêu ví dụ, thì thấy nguyên tác in chữ sáo (矟), nhưng xem qua sách TDTĐLT thì thấy phần nguyên tác chép chữ sáo (槊). Cả hai chữ sáo đều có nghĩa là “cây giáo dài”, và quả thực là chúng tôi không biết làm sao để coi chữ sóc ngày xưa cụ Phạm Ngũ Lão viết là chữ nào. Nhưng bản in trên Nam Phong một chữ, đến khi đem về sách TDTĐLT lại chép ra chữ khác. Như vậy càng khiến người đọc hoang mang: liệu những bài thơ ở đây được sưu tập từ một nguồn là Nam Phong hay còn những nguồn nào khác, độ tin cậy của những tài liệu đó đến đâu? Đọc sách, mà gặp loại sách như thế này, thì đúng là vất vả quá đi!!!
Lam Điền
Nguồn: Đặc San Suối Nguồn I – Tu Viện Huệ Quang