Đỉnh Thái Sơn

Cho tôi xin hết hoa đời

Rải lên nắm mộ thay lời nhớ cha…

Nếu như mẹ đã vắt cạn máu tim, hy sinh cho con một phần sức sống từ lúc mới tượng hình hài, thì qua những khúc quanh trên những đồi dốc cheo leo ghập ghềnh đá sỏi là sự hy sinh lặng thầm của cha với đôi mắt dõi nhìn, với đôi tay chai sần dìu đỡ, nâng bước con vững chãi vào đời.

Ngày xưa khi còn thơ ấu, tôi chập chững tập bước những bước chân đầu đời ngượng ngịu, liêu xiêu. Có hôm lại vấp té, khóc òa, cha vội bỏ dỡ dang công việc chạy đến bế tôi lên, xoa xoa đầu gối, hít hà dỗ dành:

– Thôi! Thôi mà! Cục cưng của cha.

– Được nước tôi khóc tức tưởi. Thấy không xong, cha đưa tay đập xuống đất mắng:

– Đáng đời mày! Làm té con tao.

Chẳng hiểu sao tôi lại nín khe. Không biết phải là có “đồng minh” hay vì thấy kẻ làm mình té bị no đòn!

Từ đó cha nhẫn nại bỏ thời gian tập tôi đi từng bước trong tiếng cười nắc nở trong veo và niềm kiêu hãnh tràn trề trong đôi mắt của cha.

Là con đầu lòng nên tôi được cưng chìu lắm, đi đâu cha cũng cõng theo. Từ đầu trên xóm dưới ai ai mà không biết tôi là cục vàng của nhà chú Tám.

Nhà nằm cạnh dòng sông nhỏ hiền hòa, hai bờ Gừa thả từng chùm rễ xuống như các cô gái quê xỏa tóc làm duyên làm dáng. Ven bờ hai hàng Bằng lăng xanh biếc quanh năm. Cứ mỗi độ tháng tư tháng năm, dưới dòng sông phủ đầy màu tim tím. Mỗi ngày đến trường phải qua cây cầu gỗ cheo leo. Vào những tháng mưa cầu càng thêm trơn trợt. Dòng sông hiền hòa giờ lại đổi tánh, giận dữ sủi bọt, cuồn cuộn đỏ ngầu như con thuỷ quái đang cuồng nộ, trông mà phát khiếp lên được. Nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy an tâm vì cha đưa đón mỗi ngày.

Có hôm, khi về đến đầu cầu mà vẫn chưa thấy cha qua đón như mọi bữa, tôi cảm thấy tủi thân nên đứng khóc ngon lành. Nghe tiếng, cha tôi bỏ khách băng qua. Khi thấy cha, tôi càng khóc to hơn nữa, ngồi bệt xuống, phụng phịu không chịu về. Báo hại cha xin lỗi, năn nỉ, dỗ ngon dỗ ngọt một hồi tôi mới chịu cho cha nắm tay dẫn qua cầu.

Năm tháng trôi qua theo tiếng Bìm Bịp kêu nước ròng nước lớn, theo mùa hoa Bằng lăng tím ngát trời chiều. Hết cấp hai, tôi phải lên tỉnh học. Những ngày sắp xa nhà, tôi nghe lòng mình sao quá đổi nao nao, buồn vui rượt đuổi. Buồn vì xa ba me, mấy đứa em thơ, xa khung trời mà đâu đâu cũng dán đầy kỷ niệm; vui vì mai mình sắp thành người lớn, là người đầu tiên trong làng lên tỉnh học. Chắc rồi mỗi lần về mấy đứa bạn sẽ “lé mắt” cho mà xem. Mấy đêm gần đi, tôi là bạn trà của ba rồi chùi vào mùng vùi đầu vào lòng mẹ tìm lại chút hơi ấm thuở nào. Mẹ mắng.

-Đã nhổ giò rồi mà còn nhỏng nhẽo.

Thương con thân gái xa nhà, cha dành với mẹ đưa tôi lên tỉnh trọ nhà bà con. Sau khi sắp xếp đâu vào đó, cha ở lại đưa tôi đến trường mới cho quen đường quen xá. Lần đầu tiên trong đời, chân ướt chân ráo lên tỉnh, tôi cứ như hai lúa đi chợ, nhìn cái gì cũng xuýt xoa, tròn xoe mắt. Nhà gì mà cao đến nhìn muốn gãy cổ vậy đó; xe cộ ngược xuôi gấp mấy lần tàu bè qua lại dưới quê. Mỗi lần băng đường tôi cứ lóng nga lóng ngóng mãi mới qua được bên lề.

Bốn ngày sau cha về vì lúc này đang vào lúc xuống giống. Hôm đi, cha dặn đi dặn lại đủ thứ cứ như là trong mắt cha tôi vẫn còn là đứa bé ngày nào. Tôi đòi đưa cha ra bến, cha gạt phắt đi vì sợ cục cưng cha “đậu phộng đường”.

Những đêm đầu xa nhà, lạ chỗ, thời gian như bị bàn tay vô hình nào đó kéo dài thăm thẳm. Tôi cố dỗ dành mãi mà giấc ngủ như treo ghẹo tôi. Nó chợt đến chợt đi khiến tôi không tài nào chợp mắt được. Nằm đêm thao thức, tiếng thạch sùng tặc lưỡi nuốt hận, nuối tiếc thời vàng son đã qua đi; tiếng tích tắc của từng giọt sát na lắng đọng rơi rơi mãi từ trong không gian tĩnh lặng xuống dòng thời gian trôi trôi chậm chậm, tôi đều nghe rõ mồng một. Trong lòng cồn cào quay quắt nỗi nhớ quê.

Sợ con buồn vì lạ nước lạ cái, mỗi tuần cha lặn lội lên thăm, cụ bị đủ thứ “cây nhà là vườn”, nào là trái cây, thức ăn khô muối xả… thơm ngon hết ý.

Cha đi thăm hoài, mẹ đâm ra giận lẫy

– Ông làm như nó không phải con tôi vậy a ?

Cha cười xòa hòa giải:

– Thôi thì tuần sau bà lên trển.

Từ ngày tôi lên tỉnh, cha gầy đen hơn, tay chai sần nứt nẻ, tôi hiểu để có tiền chu cấp hàng tháng, cha phải làm cật lực. Thương cha vất vả, lặn lội đường xa thăm nom, tôi phải năn nỉ mãi cha mới chịu một tuần thăm một lần.

Tháng ngày trôi qua theo lượt người xuôi ngược. Mới đó mà đã đến ngày thi học kỳ. Thi xong, tôi tranh thủ, quày quả về thăm nhà. Vẫn thói quen hồi nào, đứng bên đây cầu tôi gọi ba vang cả khúc sông. Ba đang làm vườn vội liệng cuốc chạy sang, cốc vào đầu tôi:

– Lớn chồng ngồng mà cứ như con nít không bằng!

Tôi cười trừ rồi nắm tay cha lắt lắt qua cầu. Lúc đó tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất trên đời.

Vừa vào đến nhà mẹ hờn mác:

– Ông thương nó nhất, bận này tôi cho nó ra ghe luôn.

Tội nghiệp mẹ, nói thì nói vậy chứ thấy tôi gầy yếu, sợ bị suy dinh dưỡng, mẹ làm đủ thứ bánh ép tôi ăn. Thương mẹ lui cui, quần áo lấm lem lọ bếp, tôi cố nuốt đến nỗi ngày nào cái bụng cũng binh rỉnh.

Về đến nhà, tôi có cảm giác mình như chim sổ lồng tự do bay nhảy, hết sang nhà bạn tôi lại lang thang ngoài vườn. Xa quê có mấy tháng mà tôi có cảm giác như mình đã xa cách mấy chục năm trời. Mọi thứ đối với tôi dường như quen như lạ. Từ góc vườn, khóm trúc, cây khế, cây chanh… đều hết sức thân thương. Mỗi trưa, tôi mắc võng đong đưa, thưởng thức, thả hồn theo tiếng chim tấu nhạc, đắm mình vào làn gió mát trong lành. Đất trời và con người hòa quyện, cả thế giới dường như nở hoa. Tôi không biết Thiên đường, Cực lạc ở đâu xa nhưng lúc đó với tôi đã là tất cả. Một thế giới tuổi thơ thần tiên thuần khiết, không nhuốm sắc màu tục tụy.

Thấy tôi rảnh rảnh lại thơ thẩn ngoài vườn, mẹ nói với cha:

Con bé con nhỏ này chắc bị ai hớp hồn rồi sao.

Mấy buổi sau đúng vào Thời vụ, nên tôi cũng xoắn quần, lội xình cắt lúa như ai. Bà con lối xóm khen tới khen lui làm cho tôi muốn bể lỗ mũi. Mọi người cứ tưởng tôi là tiểu thư cành vàng lá ngọc hay sao. Hôm đầu lội ruộng, bác ba đùa:

– Bác tưởng con “mất gốc” rồi.

Tôi cười thưa:

– Con từ gốc rơm, gốc rạ ra mà Bác.

Có dãi nắng dầm mưa, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” tôi mới hiểu nỗi khỗ cực, nhọc nhắn của người dân quê mùa lam lũ; càng hiểu nỗi nhọc nhằn vất vả trăm bề của cha mẹ. Tôi thầm hứa phải làm điều gì đó có ích cho quê hương, đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục.

Mấy ngày nghĩ phép trôi theo đám lục bình lên xuống. Ngày lên tỉnh, cha lại dắt tôi qua cầu, đưa tận bến xe. Ba đứng đó vẫy tay khi xe chỉ còn lại bóng mờ rời khuất dần tầm mắt. Nhìn vóc dáng gầy gò, bóng đổ liêu xiêu dưới trời hiu hắt nắng, tôi chợt nghe lòng mình quặn thắt, nghèn nghẹn cay cay.

Hết cấp ba tôi vào đại học. Đến giao đoạn này quả thật là gánh nặng cho gia đình. Vai mẹ chai vì nặng quằn quang gánh; tay cha chưa kịp lột lớp này lại chồng thêm lớp khác; đất cũng thôi không còn dịp nghỉ ngơi. Thương cha mẹ mà nhiều đêm tôi ray rứt không yên giấc. Định nghỉ học, cha biết lên mắng cho một trận te tua:

– Cả đời cha mẹ khổ rồi, không muốn các con phải tiếp tục nữa. Con nghĩ học, cha từ.

Nhớ lời cha, tôi lao đầu vào học, tranh thủ làm nghề “gõ đầu trẻ” để trang trải học phí, giảm bớt gánh nặng gia đình cho đến ngày tốt nghiệp.

Vào thời buổi kinh tế thị trường, tìm việc làm đâu phải dễ. Đâu đâu cũng đòi hỏi phải có ít nhất một hai năm kinh nghiệm. Sinh viên mới ra lò như tụi tui thì đào đâu ra thứ đó. Chạy riết đến sọp cả người. Nghĩ đến cơm cha áo mẹ suốt bao năm trường mà tức đến ứa nước mắt. Buồn. Khóc đã đời rồi chạy về quê để được cha mẹ dỗ dành, an ủi, động viên.

Nay việc làm đã được ổn định, công danh sự nghiệp khá vững vàng, cứ nghĩ mình có cơ hội đáp đền ân cha nghĩa mẹ, thì cha bỏ đi thật xa vào một chiều thu buồn mưa rơi rả rích, xao xác lá vàng. Cũng vào lúc chuông chùa bên đổ tiếng công phu đưa hồn cha về một cõi yên bình.

Mỗi lần về quê, tôi cứ đứng tần ngần nhìn cây cầu bê tông cốt thép vô hồn thay cho cây cầu gỗ ngày nào với nỗi niềm hoài cảm. Vẫn hàng gừa xõa tóc nên thơ, vẫn hàng Bằng Lăng tím ngát ngày nào mà sao giờ đây mênh mang một màu man mác.

Đứng trên cầu nhìn xuống, lòng sông vẫn còn phảng phất ảnh hình của ngày xưa. Tôi không biết có phải là hình ảnh của dòng sông này hay là dòng sông tuổi thơ- dòng sông ký ức trong tôi còn lưu giữ lại

MP.

Trích: Tập san Suối Nguồn 13 (TVHQ)