TIỀN THÂN CỦA TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT
Khái niệm từ điển Hán Việt đề cập trong bài này bao gồm những tự điển hoặc từ điển chữ Hán đối chiếu – giải thích bằng chữ Việt dưới dạng chữ quốc ngữ thông dụng hiện đại. Tuy nhiên, nếu truy đến cội nguồn sâu xa thì các loại từ điển này vốn đã có một lịch sử lâu dài, khởi đầu từ một số tự điển Hán Nôm mà ngày nay còn lưu truyền hoặc còn ghi nhận được. Vì vậy, để nắm bắt lịch sử vấn đề, trước khi đi vào phần chính giới thiệu các từ điển Hán Việt đã có từ trước đến nay, tưởng cũng nên nhắc lại một số tự – từ điển hoặc sách từ vựng đối chiếu Hán Nôm đã từng xuất hiện trong quá khứ, và được coi là tiền thân của từ điển Hán Việt hiện đại. Có thể kể:
1. Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa 指南玉音解義, 2 quyển, do sư Pháp Tính (thế kỷ 17) biên soạn (đã có bản khảo cứu và phiên âm của Trần Xuân Ngọc Lan, Hà Nội, 1985). Đây là một bộ tự điển Hán Nôm tương đối cổ, nội dung phân làm 40 mục, tương tự như loại từ điển phân theo chủ đề hiện đại, đại khái như: Thiên văn (đệ nhất), Địa lý, Nhân luân, Thân thể, Tạng phủ, Nông canh, Khí dụng, Văn tự, Hôn nhân, … cho đến Vũ trùng, Mộc loại, Hoa loại, Nam dược (đệ tứ thập). Kể từ phần chính văn, sách trình bày theo lối chữ Hán xen lẫn với nghĩa chữ Nôm, có ghi âm đọc cho những chữ khó. Về cách giải nghĩa, soạn giả sắp xếp để khi đọc lên thì chữ Hán hợp với chữ Nôm thành thể thơ lục bát có vần điệu. Thí dụ mục Thiên văn đệ nhất có đoạn:
Thiên văn trước nói cho hay,
Hồng quân trời cả cao thay trùng trùng.
Kim ô mặt trời sáng hồng,
Thiêm luân nguyệt sáng trên không làu làu.
Phong thanh gió mát tiện lâu,
Cụ phong bão giật đình cầu lở xiêu.
Chú vũ đổ cơn mưa rào,
Bạc vũ mưa đá ào ào đổ xô.…
Bài tựa sách bằng chữ Hán đề năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761), có đoạn chép nêu rõ nội dung và mục đích việc làm sách: “Từ khi thánh nhân lập ra lối chữ có bộ phận bên cạnh để chỉ nghĩa, chỉ tên gọi cho chính xác, khiến cho người Trung Quốc dễ hiểu, còn các dân tộc khác thì hãy còn khó hiểu (…). Nay, tôi là nhà sư xin lựa chọn từng tiếng, chua âm đọc, giải nghĩa đen từng chữ, tay viết thành sách, để làm tỏ những điều cốt yếu, khiến cho độc giả dễ đọc, xuôi vần thuận miệng. Hoàng thiên không phụ người đọc sách, người đọc sách tất có con cháu thi đậu, tôi mong đợi các bậc bác học sửa chữa cho” (theo Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990, tr. 12).
2. Nhật dụng thường đàm 日用常談, 1 quyển, của Phạm Đình Hổ (1769-1839), biên soạn trong khoảng 1827 (theo Trần Văn Giáp, sđd., tr. 18). Đây là một bộ tự điển Hán Việt (Hán Nôm) nhỏ, xếp theo 32 loại, như Thiên văn, Luân tự, Nho giáo…, Du hí, Tật bệnh, Cầm thú, Trùng loại…, với số từ ngữ tạm đủ để đọc biết những chữ thông thường.
3. Tự điển tiết lục 字典節錄, 2 quyển, do Phạm Công Vĩ biên soạn, bài tựa ghi năm Tự Đức thứ 5 (1852). Theo sự ghi nhận của Trần Văn Giáp, sđd., tr. 19) thì bài Tự thuyết nói sách này lược trích từ trong Tự điển (có lẽ Khang Hi tự điển) các chữ cần thiết cho đời sống hàng ngày mà ít người học đến. Soạn giả trích sao những chữ ấy ra, xếp theo thứ tự các bộ trong tự điển (nhưng không nêu rõ từng bộ), rồi chua âm đọc giản dị, giải nghĩa gọn gàng.
4. Đại Nam quốc ngữ 大南國語, 1 quyển, của Hải Châu Tử Nguyễn Văn San (thế kỷ 19). Chia làm 50 mục, như Thiên văn môn, Địa lý môn, Nhân luân, Thân thể…, Tang tế, Tang lễ, Tục ngữ, Bách hoa, Bách quả, Bách thảo, Bách mộc, Vũ trùng, Mao trùng, Lân trùng… Mục “Nghĩa lệ” trong sách đề năm Tự Đức thứ 33 (1880), có đoạn nêu rõ: “Tiếng nói của các nước khác nhau… Nước ta từ đời Sĩ Vương (tức Sĩ Nhiếp) đã đem dịch tiếng Nam, bằng tiếng Bắc (Trung Quốc); trong số tiếng dịch ấy, có nhiều tên còn chưa rõ, như “thư cưu” (chim uyên ương) chẳng biết là con chim gì, “dương đào” (cây khế) chẳng biết gọi là cây gì. Các chữ như vậy rất nhiều. Sách này đem các từ ngữ chua bằng quốc âm, may ra có thể đủ để tra cứu, còn những chữ dễ thì không cần thiết phải chua” (theo Trần Văn Giáp, sđd., tr. 21).
So với các sách cùng loại (đã kể trước) thì Đại Nam quốc ngữ nhờ biên soạn sau nên số từ ngữ nhiều hơn, còn về cách giải nghĩa bằng chữ Nôm cũng có phần rõ ràng, chính xác hơn.
5. Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca 嗣德聖製字學解義歌 (gọi tắt Tự học giải nghĩa ca), 13 quyển, do vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) (1829-1883) biên soạn, được Tu thư cục thuộc Sử quán triều Nguyễn khắc in năm Thành Thái thứ 10 (1898). Hiện đã có bản phiên âm ra chữ quốc ngữ của Trương Đình Tín và Lê Quý Ngưu (Nxb Thuận Hóa, 2005). Bản phiên âm của Trương Đình Tín nhờ công phu làm thêm bảng tra chữ Nôm ở cuối sách đã giúp cho công dụng tra cứu được tăng thêm. Đây cũng là một tự điển Hán Việt (dạng Hán Nôm), với chữ Hán ghi trên, chữ Nôm ghi dưới, kết nối thành những câu thơ lục bát (tổng cộng 4.574 câu), tương tự Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa. Mấy câu đầu:
THIÊN 天 trời ĐỊA 地 đất VỊ 位 ngôi,
PHÚC 覆 che 載 TẢI chở LƯU 流 trôi MÃN 滿 đầy.
CAO 高 cao BÁC 博 rộng HẬU 厚 dày,
THẦN 晨 mai MỘ 暮 tối CHUYỂN 轉 xây DI 移 dời.
…
Các từ ngữ được chia làm 7 loại: Kham dư (trời đất, quyển 1 và 2), Nhân sự (con người, quyển 3, 4 và 5), Chính hóa (chính trị giáo hóa, quyển 6, 7), Khí dụng (đồ dùng, quyển 8, 9), Thảo mộc (cỏ cây, quyển 10, 11), Cầm thú (chim muông, quyển 12), Trùng ngư (côn trùng cua cá, quyển 13).
Sách chứa đựng nhiều chữ khó hoặc ít dùng, lại được khắc in rõ ràng, nên có ưu điểm góp phần xác định lối viết chữ Nôm, và có thể coi là một tài liệu quý để nghiên cứu về chữ Nôm trong khoảng cuối thế kỷ 19.
6. Nam phương danh vật bị khảo 南方名物備考, 2 quyển, do Đặng Xuân Bảng (1828-1897) biên soạn, đã được khắc in năm Nhâm Dần, niên hiệu Thành Thái (1902). Soạn giả đã tham khảo nhiều sách của Tàu và ta, bổ sung thêm nhiều từ ngữ do bản thân sưu tầm ghi chép được. Nội dung xếp theo 32 mục, như Thiên văn, Địa lý, Nông tang, Ngư liệp (đánh cá săn bắn), Xảo nghệ (nghề khéo), Ngũ cốc… Có ghi âm cho những chữ khó đọc, rồi ghi nghĩa chữ Nôm; nếu có từ đồng nghĩa thì cũng ghi thêm. Sách chú ý nhiều đến tên gọi các sản vật của Việt Nam, cho biết sản vật ở đâu có, để làm gì…, nên ngoài ý nghĩa đối chiếu Hán Việt thông thường, còn có thể coi đây là một tập hợp có giá trị độc đáo về danh từ động – thực vật học, giúp đọc hiểu và dịch được một số từ ngữ lạ liên quan đến danh vật thời trước (như 黃鶯皮 [hoàng oanh bì] là gỗ dừa, vỏ có thể dùng làm giấy…).
7. Trước cả các sách kể trên, có lẽ cũng nên nhắc đến một cuốn từ vựng Hán Việt (Hán Nôm) đối chiếu gọi là An Nam dịch ngữ 安南譯語 do một người Trung Quốc đời Minh biên soạn vào khoảng giữa năm 1427 và 1543, chậm nhất là giữa thế kỷ 16, phản ánh được tình trạng của tiếng Việt cổ trong vùng phương ngữ Bắc Bộ. Từ lâu sách đã được vài học giả người nước ngoài (Nhật, Trung Quốc, Pháp) giới thiệu, nghiên cứu. Tại Việt Nam gần đây đã có bản giới thiệu và chú giải của Vương Lộc (do Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học in lần thứ hai, 1997).
Nội dung khá đơn giản, chia làm 17 môn với 716 mục từ, như Thiên văn môn gồm 52 mục từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên; Thời lệnh môn gồm 86 mục từ chỉ về thời gian – thời tiết… Giải thích theo lối một chữ Hán đối chiếu với một chữ Nôm (cũng mượn gốc Hán) có nghĩa tương đương. Như chữ 金 (kim) (trong Trân bảo môn) được đối chiếu bằng chữ 罔 (võng) để chỉ “vàng”, chữ 銀 (ngân) được đối chiếu bằng chữ 拔 (bạt) để chỉ “bạc”…
Sách thuộc loại quý hiếm nhưng chỉ có giá trị để tìm hiểu ngữ âm Việt cổ, chứ không có ý nghĩa thực tế để tra cứu nghĩa tiếng Việt của chữ Hán như các bộ tự điển Hán Nôm khác đã giới thiệu ở trên.
8. Ngoài ra, còn có những loại sách khác không phải tự – từ điển, nhưng là những tập hợp từ vựng Hán Nôm đối chiếu biên soạn thành sách giáo khoa dùng để dạy chữ chủ yếu cho trẻ em ở bậc tiểu học trong thời Hán học thịnh hành, mỗi loại đều có cách sắp xếp riêng thành câu có vần có điệu cho dễ học. Thông dụng nhất có thể kể:
– Nhất thiên tự 一千字, dạy khoảng 1.000 chữ đối chiếu Hán-Nôm, đặt thành thể thơ lục bát, theo kiểu: THIÊN 天 trời ĐỊA 地 đất VÂN 雲 mây, VŨ 雨 mưa PHONG 風 gió TRÚ 晝 ngày DẠ 夜 đêm…
– Tam thiên tự 三千字, dạy khoảng 3.000 chữ đối chiếu Hán – Nôm. Không phân thành loại mục, chữ và nghĩa đặt kế tiếp nhau thành từng đoạn 2 tiếng một, cứ tiếng cuối đoạn trên ăn vần với tiếng cuối đoạn dưới. Như: THIÊN 天 trời ĐỊA 地 đất CỬ 舉 cất TỒN 存 còn TỬ 子 con TÔN 孫 cháu LỤC 六 sáu TAM 三 ba GIA 家 nhà QUỐC 國 nước…
– Ngũ thiên tự 五千字, dạy khoảng 5.000 chữ đối chiếu Hán-Nôm, chữ và nghĩa ghép lại theo thể thơ lục bát tương tự như cuốn Nhất thiên tự, nhưng có phân thành từng mục như Thiên văn, Địa lý, Quốc chính, Luân thường, Tứ dân, Ẩm thực…. Mấy câu đầu: THỪA 乘 nhân NHÀN 閒 vắng HẠ 暇 rồi, CÀN 乾 trời KHÔN 坤 đất TÀI BỒI 栽培 trồng vun, TÍCH 昔 xưa TỰ 字 chữ DO 猶 còn, QUAN 觀 xem SOẠN 撰 soạn VIÊN 圓 tròn THIÊN 篇 thiên…
Các sách Tam thiên tự, Ngũ thiên tự…, trong thời kỳ chuyển từ Hán học sang tân học, đầu thế kỷ 20, đã được một số soạn giả cho phiên âm chữ Nôm ra chữ quốc ngữ hiện đại và thường có kèm thêm chữ Pháp, để phục vụ cho những người vẫn còn muốn học chữ Hán, trước khi các loại sách tự học chữ Hán ra đời. Hiện trong tay chúng tôi còn giữ được vài quyển cũ như Tam thiên tự do hiệu sách Quảng Thịnh in năm 1939 tại Hà Nội (đề giá mỗi cuốn trọn bộ 1$00), Ngũ thiên tự diễn âm của Nguyễn Ngọc Xuân do hiệu sách Ích Ký xuất bản tại Hà Nội năm 1929 (2 volume, mỗi volume giá 0$50, tức 5 cắc),… Thời gian gần đây, những loại sách này vẫn còn được tiếp tục xuất bản với chữ Hán in kèm chữ Nôm (chế bản mới bằng vi tính) và chữ quốc ngữ, của một số soạn giả quen thuộc như Đoàn Trung Còn, Vũ Văn Kính, Lạc Thiện, Khổng Đức…, trong chừng mực nào đó vẫn còn hữu ích cho việc tự học chữ Hán cổ. Riêng quyển Ngũ thiên tự của nhóm Vũ Văn Kính – Khổng Đức biên soạn (Nxb Văn Hóa Thông Tin, 1997), nhờ có các bảng tra chữ Hán và chữ Nôm ở cuối sách nên còn có thể được sử dụng như một từ điển chữ Hán – chữ Nôm với số lượng khoảng 5.000 từ tương đối căn bản và đủ dùng.
Tất cả những sách như được giới thiệu sơ lược trên đây tuy chưa phải là từ điển Hán Việt chính thức như khái niệm mà bài viết này muốn đề cập, nhưng đều có thể coi chúng như là thành quả ban đầu của những công trình nền tảng có tính khai phá, và là tiền thân đích thực của các loại từ điển Hán Việt hiện hữu.
NHỮNG CÔNG TRÌNH TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT TIÊN PHONG
Ở Việt Nam, chế độ khoa cử thời phong kiến đã chấm dứt từ khoa Thi hương cuối cùng năm 1918, nhưng địa vị của chữ Hán vẫn còn quan trọng do các yếu tố Hán Việt đã thâm nhập vào tiếng Việt từ rất lâu đời. Muốn hiểu thấu đáo tiếng Việt, muốn tìm hiểu – nghiên cứu sâu những vấn đề văn hóa liên quan đến nền học thuật cổ điển trong nước, cũng như để đọc được các công trình nghiên cứu của Trung Quốc hay kinh sách Phật giáo… thì chữ Hán vẫn còn là một công cụ rất lợi hại, mà một người Việt Nam có học vấn hầu như không thể hoàn toàn không biết tới. Vì vậy việc học hỏi chữ Hán ở nhiều mức độ khác nhau đối với người Việt Nam có lẽ vẫn sẽ còn là một nhu cầu liên tục và lâu dài như hiện nay chúng ta cũng đã từng chứng nhận.
Tác gả: Đào Duy Anh – Nguyễn Bá Trác
Đầu thế kỷ 20, giai đoạn bàn giao giữa cựu học với tân học, trong bối cảnh bước đầu tiếp thu mạnh những tinh hoa văn hóa – khoa học phương Tây, đi cùng với nhu cầu diễn đạt ngày một gia tăng trong xã hội và sự phát triển nhanh chóng của chữ quốc ngữ thay thế chữ Nôm đã ít người biết tới, việc học hỏi chữ Hán của người Việt vẫn được tiếp tục nhưng bằng những sách công cụ hiện đại hơn, đã bắt đầu xuất hiện để thay thế cho những loại tự điển Hán Nôm cổ. Đây là lý do sự ra đời của một số bộ từ điển Hán Việt đầu tiên được biên soạn theo lề lối tương đối hiện đại, có tham khảo phương pháp làm việc của cả Tây lẫn Tàu.
Nhưng hiện nay, nói tới từ điển Hán Việt trong giai đoạn đầu tân học, hầu như người ta chỉ nhắc đến bộ Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (1932) và Hán Việt tự điển của Thiều Chửu (1942), vẫn còn được sử dụng tận đến ngày nay, mà không ngờ rằng trước đó hoặc gần đồng thời, còn có những công trình tiên phong khác nữa. Vì vậy, trước khi giới thiệu hai bộ từ điển quen thuộc vừa nêu trên, và những bộ từ điển khác, bài viết này sẽ đặc biệt đề cập đến vài công trình hiện nay vẫn còn rất ít được nhiều người biết đến.
1. Trước hết có lẽ nên nhắc đến phần phụ trương gọi là Tự vựng Quốc ngữ – Chữ Nho – Chữ Pháp đăng trên tạp chí Nam phong từ số 1 (7.1917) đến số 10 (4.1918), sau đó ngưng 2 kỳ rồi đăng tiếp trên các số 13 và 14 (8.1918). Đăng được 91 trang giấy khổ lớn với mỗi trang khoảng 20 mục từ, tổng cộng thành chừng 2.000 mục từ, tương đương với một từ điển Hán – Việt – Pháp khổ nhỏ chừng 200 trang.
Phụ trương Tự vựng trên tạp chí Nam phong không ghi rõ ai là tác giả, nhưng coi giọng văn, đoán có lẽ là Phạm Quỳnh (1892-1945), chủ bút Nam phong.
Không có từ đơn, chỉ thu thập những từ ghép hoặc thành ngữ tương đối hiện đại của thời kỳ đó dùng để diễn đạt một số khái niệm mới. Đây có thể coi là công trình từ điển Hán Việt đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, nên chúng tôi không ngần ngại trích đầy đủ nguyên văn lời nói đầu của soạn giả, như một chứng tích lịch sử, nêu rõ lý do cùng nội dung, mục đích của việc biên soạn:
“Quốc văn ta hiện còn nghèo lắm, chưa đủ tiếng mà dùng. Thế tất phải mượn thêm chữ Nho thì mới có thể gọi được những sự vật mới, diễn được những tư tưởng mới. Điều đó thiết tưởng quốc dân ta cũng đã hiểu rõ rồi. Vậy báo Nam phong chủ thu nhặt những điều mới lạ trong các môn học ngày xưa ngày nay, cũng không thể tránh được cái thế tất nhiên ấy, nên các bài báo thường dùng đến nhiều những danh từ mới. Kể ra những chữ ấy cũng không lấy gì làm khó hiểu, người nào đã có biết ít nhiều chữ Nho cũng có thể tự giải được.
Nhưng lúc mới đầu này cần phải định nghĩa phân minh những chữ mới dùng để sau khỏi lẫn lộn sai nhầm. Vả hiện nay chữ Nho ít người học, các nhà Tây học tất không được tinh cách dùng chữ lắm. Vậy bản báo tưởng cũng là một việc có ích mà phụ thêm sau mỗi số báo mấy tờ “Tự vựng” thích nghĩa những tiếng mới, vừa bằng quốc ngữ, vừa bằng chữ Nho, vừa bằng chữ Pháp để giúp những người hoặc biết chữ Nho mà không biết nghĩa Tây, hoặc biết chữ Tây mà không biết tên ta.
Bản báo thiết nghĩ phàm chữ mới chỉ mới một lúc đầu thôi. Dùng một lần thì còn mới, dùng vài ba lần thì nghe đã quen tai, dùng đến mười lần thì đã cũ rích vậy. Mười năm trước, ai từng nói đến những tiếng như văn minh, xã hội? Thế mà bây giờ những tiếng ấy thông dụng rồi. Ngày nay những tiếng như quan niệm, thái độ, nghe còn lạ tai, an tri (làm sao biết – TVC) ít lâu nữa lại chẳng thành những tiếng thường dùng ư? Tiếng Annam ta đối với chữ Tàu vốn vẫn có cái hấp lực rất mạnh, cốt là bây giờ dùng chữ nào định nghĩa phân minh chữ ấy là đủ vậy.
Đó là cái mục đích của tập Tự vựng này”.
Để hình dung cụ thể, xin trích dẫn vài mục từ đầu tiên của Tự vựng Nam phong:
Anh hùng-ca – 英雄歌 = Bài ca tán tụng công đức những bực anh hùng hào kiệt.- ÉTOPÉE
Ảnh hưởng – 影響 = Chính nghĩa là cái bóng, cái tiếng vang. Dùng rộng nghĩa thì chỉ cái thế lực của vật nọ lan động sang vật kia, như cái bóng chiếu, cái tiếng vang.- INFLUENCE, EXERCER UNE INFLUENCE.
Áp chế chủ-nghĩa – 壓制主義 = Chủ nghĩa đè nén, áp ức người ta.- DESPOTISME.
Bán khai – 半開 = Là mới văn minh mở mang được nửa.- SE DIT D’UNE CIVILISATION PEU AVANCÉE.
Bành trướng – 澎漲= Dương rộng ra, phát to ra.- EXPANSION, FORCE D’EXPANSION.
…
Đối với một vài từ như TRI ÂM, ngoài nghĩa đen còn giảng thêm điển cố liên quan đến hai nhân vật cổ Bá Nha và Tử Kỳ…
Tóm lại, Tự vựng Nam phong năm 1917 tuy chưa chính thức là từ điển Hán Việt, cũng chưa in ra thành sách, nhưng về phương diện lịch sử, có thể coi đây là một công trình nhỏ có tính khai sáng hiện còn ghi nhận được.
2. Công trình thứ hai trước Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (1932) dường như càng ít được biết đến hơn so với Tự vựng Nam phong. Đó là bản phác thảo Hán Việt từ điển 漢越辭典 đã được phát khởi từ năm Khải Định thứ 10 (Khải Định năm cuối, 1925), được biên soạn và phát hành mỗi tháng một kỳ (đôi khi đến hai tháng một kỳ) dưới hình thức những tập từ điển phác thảo, mỗi tập chừng 24 trang giấy khổ lớn, nhằm thu thập ý kiến đóng góp bổ sung của đông đảo độc giả và học giả trong nước, với mong muốn tiến đến thực hiện một bộ từ điển Hán Việt hoàn hảo và bổ ích.
Hiện trong tay chúng tôi chỉ có được bản photo của 11 tập kể trên (do một nhà sưu tầm sách cổ gởi giữ), từ tập 14 phát hành ngày 30.6 năm Bảo Đại thứ 2 (1926) đến tập 26 không ghi ngày tháng mà chỉ ghi năm Bảo Đại thứ 3 (1927) (bị mất số 15 và 23). Ngoài bìa mỗi tập đều có ghi rõ bằng chữ quốc ngữ, để đến cuối tập lại ghi thêm bằng chữ Hán, cùng một nội dung với những chi tiết từ trên xuống dưới và từ trái qua phải như sau (thí dụ lấy từ bìa tập 14):
Các thành phần Phụng duyệt hành và Phụng duyệt biên qua các số từ 14 đến 26 có thay đổi chút ít, chỉ có nhân vật ĐINH XUÂN HỘI giữ chức Kiểm bộ (tương đương thư ký công trình) là có mặt xuyên suốt từ đầu đến cuối.
Đến tập số 20 (năm Bảo Đại thứ ba, 1927), người ta đọc thấy ở cuối có một “Cáo bạch” thông báo việc thay đổi về nhân sự biên tập, do người chủ trì là Nguyễn Bá Trác được cải bổ chức Bố chánh sứ tỉnh Bình Định phải bàn giao công việc lại cho Quốc tử giám Tư nghiệp Hồ Đắc Hàm. Cáo bạch trên có phần bàn giao công việc do Nguyễn Bá Trác (1881-1945) viết tại Huế đề ngày 20.2.1928, nói lý do bàn giao; dưới có lời lĩnh nhận của Hồ Đắc Hàm (1879-1963), xin dẫn nguyên văn như sau để hiểu thêm về công việc biên soạn từ điển Hán Việt của các bậc tiền bối:
“Thưa các ngài,
Nhơn Quan Binh bộ thị lang Nguyễn bá qui chức cải bổ Bố chánh Bình Định có trình Bộ Học thương ủy cho tôi coi về việc biên tập bộ Hán Việt từ điển, chúng tôi biết rằng công việc biên tập rất là nặng nề, không thể lấy sức một người mà khảo cứu cho hoàn bị được; nhưng một việc có lợi ích cho học giới tương lai, không thể từ chối, nên chúng tôi tiếp nhận lấy chức trách khởi thảo, còn về sự bổ di đính chánh, thời nhờ công tán trợ của các ngài học thức trong nước. Công việc của Quan Bố Nguyễn làm khi trước thể nào thì chúng tôi cũng làm theo như thế ấy, không thay đổi một điều gì.
Vậy xin các ngài chiếu thường mà giúp đỡ như trước, từ nay về sau phàm những giấy dị nghị (tức thư góp ý-TVC) của các ngài, xin cứ đề bì giao cho tôi tiếp nhận, chúng tôi lấy làm cám ơn vô cùng.
Nay kính cáo”.
Qua một số chi tiết đã trình bày, chúng ta hiểu công trình khởi thảo bộ Hán Việt từ điển nêu trên là do Bộ Học thời Bảo Đại phụng chỉ ấn hành, bắt đầu từ tháng 7.1925, được sự ủng hộ và duyệt y của Trú kinh Khâm sứ Pasquier, rồi giao cho một số học giả quan lại như Nguyễn Bá Trác, Hồ Đắc Hàm và một số người khác soạn bản sơ thảo đưa ra lấy ý kiến của đông đảo các giới học vấn trong nước. Cách làm việc như thế vừa công phu vừa cẩn trọng, đảm bảo khi công trình hoàn thành chắc chắn sẽ đạt chất lượng cao. Rất tiếc, bộ từ điển đã không đi được đến đích cuối cùng, và theo sự hiểu biết của chúng tôi, vẫn chưa có cơ hội nào để được in ra thành sách chính thức.
Xem một số mẫu sơ thảo thì thấy quy mô của bộ Hán Việt từ điển này khá to lớn, nếu biên soạn thành công sẽ có tác dụng đóng góp không nhỏ cho học giới trong lĩnh vực nghiên cứu chữ Hán và văn sử học cổ điển.
Từ điển được xếp theo thứ tự bộ thủ truyền thống, chữ Hán ghi trước rồi đến phiên âm Hán Việt, phiên âm Bắc Kinh. Nếu một chữ có 2 âm đọc khác thì ghi thành 2 âm A, B (như chữ thứ 72 亡 A.-VONG; VƯƠNG; B.- VÔ; rồi giải nghĩa phân biệt theo 2 âm VONG và VÔ, thành 4 nghĩa: A.- 1. MẤT….-2. TRỐN….-3. QUÊN…. B.- 4. KHÔNG…).
Có phạm vi thu thập từ ngữ rất rộng lớn và bao quát trên nhiều lĩnh vực văn chương, khoa học. Chẳng hạn, cả tập bản thảo số 14 chỉ trình bày riêng một chữ 五 (NGŨ) (Chữ số 64) đã chiếm hết 23 trang giấy khổ lớn mà vẫn chưa hết. Dưới chữ NGŨ là những từ phái sinh gồm những từ đa âm xếp theo thứ tự 2 âm tiết rồi đến 3, 4 âm tiết, căn cứ vào số nét của âm tiết thứ hai (tức chữ thứ hai trong từ ghép) để định trước sau, tương tự như những từ điển xếp theo bộ thủ của Trung Quốc cận hiện đại. Như vậy sau chữ NGŨ đơn thì đến một loạt dài những từ ghép như NGŨ NHẬN, NGŨ THỔ, NGŨ TỬ, NGŨ ĐẠI, NGŨ VƯƠNG, …NGŨ TẾ, NGŨ HOẠN…, NGŨ BÁ…, lần lần xuống tới những từ 3 âm tiết như NGŨ ĐẠI DƯƠNG, NGŨ THIÊN TRÚC, NGŨ THỦY VỆ, NGŨ CÔNG TỪ… Không chỉ là những từ ngữ có sẵn trong từ điển cổ của Trung Quốc mà còn sưu tập cả những danh từ chung và riêng liên quan đến văn hóa, lịch sử, định chế tổ chức, núi sông, đền đài miếu mạo, nhân vật, điển tích… riêng của Việt Nam. Để làm được như vậy, các soạn giả đã tham khảo rộng rãi hầu hết những thư tịch trọng yếu của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, và dẫn dụng nhiều ở các sách Hán Nôm Việt Nam như Đại Nam hội điển, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử… cùng hàng trăm tác phẩm khác đủ loại. Ở những câu chữ Hán trích dẫn dùng làm thí dụ, đều có nêu rõ xuất xứ từ các sách cổ; còn ở những từ địa lý liên quan đến các châu lục khác, cũng có chua thêm chữ Pháp, như 五大洋 NGŨ ĐẠI DƯƠNG = NĂM BỂ LỚN (cinq océans)…
Tựu trung, cách làm tương tự như Từ nguyên, Từ hải của Trung Quốc, cung cấp cho người sử dụng mội khối lượng từ lớn bao quát đông tây kim cổ, có chú ý đến những đặc điểm để phục vụ riêng cho nhu cầu tra cứu của người Việt, nên đây có thể coi là một bộ từ điển Hán Việt dự định quy mô lớn và có tính đặc trưng được biên soạn theo quan điểm Việt Nam mà mãi cho đến nay, mặc dù mong muốn, vẫn chưa có cá nhân hay tổ chức nào làm được.
3. Xuất bản năm 1933 tại Nam Định (do Imprimerie TRUONG PHAT), sau Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh một năm (in lần đầu năm 1932), nhưng quyển Việt Hán thông thoại tự vị 越漢通話字彙 của nhóm Đỗ Văn Đáp đã được chuẩn bị từ trước đó khá lâu, và hoàn thành trong năm 1925. Tuy gọi “Việt Hán thông thoại…” nhưng thực chất đây là một từ điển Hán Việt xếp thứ tự chữ Hán dựa theo âm đọc Hán Việt từ vần A đến Y (chữ 阿 A đến chữ 殀 YỂU), lại bắt chước theo kiểu từ điển Larousse của Pháp tách phần danh từ riêng ra đặt ở cuối sách, tổng cộng lên đến 1.122 trang khổ lớn (phần tên riêng chiếm 127 trang, từ trang 995 đến trang 1.122). Các soạn giả gọi “Việt” đây tức là từ Hán đọc theo âm Việt.
Sách thuộc loại quý hiếm, hiện còn một bản lưu trữ tại Phòng đọc Hán Nôm của Thư viện Tổng hợp TP. HCM để phục vụ rộng rãi độc giả.
Nhóm biên soạn ghi ngoài bìa gồm có:
Khởi sáng giả: Hưởng Đình ĐỖ VĂN ĐÁP
Tán trợ giả : Mộng Chu LÊ NHƯ TIẾP
Bổ đính giả : Trí Cung BÙI TRÌNH KHIÊM
Việc chuẩn bị và bắt tay biên soạn công trình có vẻ được tiến hành một cách công phu và trân trọng, có sự tranh thủ ý kiến ủng hộ của các quan chức cả Việt lẫn Pháp, nên trước khi vào phần chính văn, chúng ta đọc thấy những phần phô trương khá dài dòng: (1) Bản sao bức thư chữ Pháp đề ngày 15.5.1925 của quan Trú sứ Bắc Kỳ Krauthermer gởi cho viên Công sứ Pháp ở Nam Định, đại khái nói “đã xem xét bản thảo của ông Đỗ Văn Đáp do viên Công sứ chuyển tới, và việc xuất bản sách này không bắt phải theo bất kỳ một nguyên tắc nào khác ngoài việc phải tuân thủ nạp bản (nộp lưu chiểu), quan Trú sứ không can thiệp trong trường hợp như vậy. Tác giả còn tự do xuất bản tác phẩm của mình, hoàn toàn chịu trách nhiệm, nếu ông ấy cho là hợp thời”. Bản sao này do Tổng đốc Nam Định Trần Văn Thông ký tên và chuyển đến cho viên Tri huyện Y Yên. Phía dưới (trong cùng trang) có in bài “Thơ đề sách” của Tán trợ giả Lê Như Tiếp làm theo thể thất ngôn bát cú; (2) Lời bạt “Việt Hán thông thoại tự vị” của Đàn viên Phạm Văn Thụ (Hộ bộ Thượng thư), bằng chữ quốc ngữ nhưng viết theo lối biền ngẫu (dài 2 trang rưỡi); (3) Lời nói đầu (préface) bằng tiếng Pháp của ông Crayssac* (dài 2 trang, cuối bài ký tên là MẶT GIĂNG); (4) Bài đề sách của Hồng Liên Phạm Sĩ Vỹ (Cử nhân, làng An Xá, huyện Duyên Hà cẩn đề) (1 trang rưỡi); (5) Tự của Bổ đính giả Bùi Trình Khiêm (dài 2 trang rưỡi), nói về những lý do và sự cần thiết của việc làm sách; (6) Bài tựa của Khởi sáng giả Đỗ Văn Đáp (dài 2 trang); (7) Lệ làm sách (dài 2 trang, dưới ký tên đủ cả 3 nhà biên soạn, nhưng người chấp bút có lẽ là Đỗ Văn Đáp).
Xin trích dẫn một số đoạn trong “Lệ làm sách” để hình dung được cách sắp đặt của nhóm tác giả:
“Sách này tôi chép theo tự vị Tây, phàm những tiếng thuộc về nhân danh địa danh thì chép riêng ở nửa quyển dưới.
Mỗi tiếng quốc ngữ có 2, 3 tiếng hoặc nhiều tiếng khác, theo lối chép thì môn loại chữ nào ra chữ ấy, như Á thần, Á thánh chép theo chữ á là thứ 2; á ngữ, á thanh chép theo chữ á là ngọng vân vân.
Phàm những tiếng phụ theo tiếng trên mà cách đặt cách nói giống nhau, thì chỉ chép một vài tiếng để suy ra, như vần ẩm chép một tiếng ẩm tửu, suy ra tiếng ẩm trà, ẩm thủy; vần bản chép một tiếng bản dạ, suy ra tiếng bản nhật, bản nguyệt, để khỏi chép phiền.
Phàm chữ nào nói không đúng vần, cần đem về nguyên vận cho đúng, thì chép theo nguyên vận, mà tiếng nói quen phụ thêm ở dưới có chua “Tục gọi là…” 3 chữ.
Chữ nào tục nói sai vần mà không hại thì chép theo vần nói quen để tiện tra, nhưng có chua thêm chính vận ở dưới.
Phàm nghĩa chữ nào tục quen dùng không đúng, thì lấy chính vận chú thích cho đúng, rồi lại chua thêm nghĩa ấy nữa, gọi là tục quen dùng.
(…)
Về mục nhân danh địa danh, thì có chép lịch sử, địa dư của nước nhà cùng các nước, duy bản quốc thì chép tường hơn.
(…)
Sách này có chua thêm các tiếng mẹo Tây (ý nói chua từ loại theo kiểu tiếng Pháp-TVC) trừ những tiếng nhân danh địa danh là Nom propre (danh từ riêng-TVC) chép riêng ở nửa quyển dưới thì không cần phải chua…”.
Theo đánh giá nói trong lời tựa tiếng Pháp (Préface, tr. 4) của Crayssac, một học giả người Pháp từng dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp, thì theo sự hiểu biết của ông, công trình tự vị của Đỗ Văn Đáp là công trình đầu tiên trong loại này và biểu thị một lợi ích không thể chối cãi… Để chứng minh lợi ích thiết thực đặc biệt của bộ tự vị, Crayssac dẫn chứng vài đoạn thu thập ngẫu nhiên rải rác trong từ điển (Crayssac ghi đảo chữ Hán ra sau phiên âm Hán Việt; sách gốc thì ngược lại, chữ Hán đặt trước):
1–Á 亞 Thứ hai, sánh bằng. Tên châu tức Á-Tế-Á.
Á thần 亞神 Thần là bậc có công đức được thờ – Người gần bậc thần.
Á vũ Âu phong 亞雨歐風, mưa châu Á gió châu Âu, figuré: phong hội hai châu Âu Á giao thông với nhau.
Á 啞 nói ngọng, có vận đọc là ách.
Á thanh 啞聲 Tiếng ngọng
2– A phi lỵ gia 阿非利加 một châu lớn trong năm châu. Cũng gọi là Á phi lý giá; gọi tắt là châu Phi (Afrique).
Ba lê 巴黎 Kinh đô nước Đại Pháp (Paris)
Đô mỹ 都美 Quan Toàn quyền cõi Đông Pháp làm cái cầu Hanoi (Doumer).
Hoa Thắc 華忒 Người nước Anh nghĩ ra máy chạy bằng hơi nước trong năm 1769.
Rồi ông đánh giá: Sẽ là quá đáng nếu cho rằng công trình này tỏ ra không có những thiếu sót và những chỗ chưa hoàn hảo cần được chỉnh sửa đôi chút….
Vài nhận xét tổng quát của Crayssac về một số mặt hạn chế của Việt Hán thông thoại tự vị đã tỏ ra khách quan và lẽ tất nhiên rất đúng với những công trình có tính cách tiên phong cùng loại. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ sách này, chúng ta nhận thấy nó đã ghi chép được rất nhiều tài liệu hữu ích để tham khảo về ngôn ngữ văn tự Hán Việt và về văn chương, văn hóa – lịch sử Việt Nam. Đặc biệt ở phần nhân danh địa danh (chiếm số lượng 127 trang), quyển từ vị của nhóm Đỗ Huy Đáp đã cung cấp được nhiều danh từ riêng mà ngày nay chúng ta khó tra tìm đâu được ở những sách khác, như: 都美 (Đô mỹ) là Doumer (viên toàn quyền Pháp chủ trì việc xây dựng cái cầu mang tên ông), 安業 (An nghiệp) là “Quan Ba nước Pháp, năm Tự Đức 36 lấy thành Hanoi. Cũng gọi là 萼兒 Ngạc nhi (Francis-Garnier) (tr. 999).
Cũng như bản sơ thảo Hán Việt từ điển do nhóm Nguyễn Bá Trác – Hồ Đắc Hàm biên tập, quyển từ vị của nhóm Đỗ Huy Đáp là một nỗ lực tập hợp bảng từ phong phú đa dạng để làm thành một bộ từ điển mang tính đặc trưng thích nghi cho việc sử dụng tra cứu của người Việt. Một số tên riêng liên quan đến nhân danhđịa danh, tên núi sông, hang động, đền đài miếu mạo… (trong thực tế và trong dã sử) cho đến các điển cố văn học cũng được ghi chép khá đầy đủ. Thí dụ, chỉ nơi trang 999 (vần 安 AN) chúng ta thấy: 安江 AN GIANG, Một tỉnh xứ Nam kỳ; 安獲山 AN HOẠCH SƠN là núi ở làng An Hoạch tỉnh Thanh Hóa…; 安朗寺 AN LÃNG TỰ là chùa ở trại An Lãng, huyện Vĩnh Thuận, tục truyền ông Từ Đạo Hạnh tu luyện ở đó…; 安南 AN NAM, tên nước ta về đời vua Anh Tôn nhà Lý; 安業 AN NGHIỆP, quan Ba nước Pháp… (đã có nêu thí dụ ở đoạn gần trên – TVC); 安阜山 AN PHỤ SƠN, núi ở làng Kim Toàn, huyện Giáp Sơn, giữa có cột Kình thiên, có hai cái hồ, hồ ngoài thì nước đục, hồ trong thì nước trong; 安暹洲 AN TIÊM CHÂU, Bãi bể huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Tương truyền đời vua Hùng Vương có người danh thần là Mai An Tiêm bị đày ra cửa bể này…; 安孫峒 AN TÔN ĐỘNG, Động ở tỉnh Thanh Hóa, là chỗ tây đô Hồ Quý Ly…
Ngoài một số chỗ vụng về và nhược điểm khác khó tránh khỏi đối với loại công trình tiên phong do cách sắp đặt, trình bày chưa hợp với tiêu chuẩn của khoa từ điển học hiện đại, khuyết điểm lớn nhất đáng tiếc của Việt Hán thông thoại tự vị có lẽ là ở chỗ nó chưa bổ sung được cho người sử dụng một bảng tra chữ Hán ở cuối sách, vì thế đã làm hạn chế công dụng tra cứu đi hết một nửa!
Qua khảo sát ba công trình tạm gọi là tiên phong như trên, chúng ta nhận thấy việc biên soạn từ điển Hán Việt theo hướng hiện đại hóa đã từng được các vị tiền bối chú ý thực hiện cách nay đã gần một thế kỷ, đặt nền tảng cho những công trình có giá trị hơn về sau. Phần lớn những người chủ trương đều là những bậc túc Nho thạc học có hiểu biết thêm Tây học nên làm việc đã bắt đầu có phương pháp, quy củ. Tuy khuyết điểm là khó tránh khỏi do các mặt hạn chế này khác của thời đại, cũng như của điều kiện làm việc thời bấy giờ, tất cả các công trình kể trên đều chứng tỏ một nỗ lực thật đáng trân trọng, đặc biệt là công việc tập trung thu thập từ ngữ lấy từ thực tế sử dụng ở các sách báo kim cổ, để cung cấp một sự tham khảo rộng rãi cho nhu cầu sử dụng Hán Việt, thích nghi với hoàn cảnh Việt Nam. Cách làm như vậy xét trên các mặt cơ bản là hoàn toàn phù hợp với phương pháp của khoa từ điển học (lexicographie), và khác hẳn các từ điển Hán Việt đã được biên soạn trong thời gian gần đây mà hầu hết chỉ biết đơn thuần biên dịch lại từ những bộ từ điển có sẵn khác của Trung Quốc!
Do khuôn khổ hạn chế, chúng tôi xin tạm dừng lại đây và sẽ dành cho đề tài này ở một bài khác để giới thiệu tiếp tất cả những từ điển Hán Việt tiêu biểu đã có ở Việt Nam, kể từ công trình Hán Việt từ điển (1932) của Đào Duy Anh trở đi cho đến ngày hôm nay.
7.4.2012
TVC
______
* René Crayssac (1883-1940), quan lại và học giả người Pháp. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân luật (1903), Crayssac sang Đông Dương. Sau đó ông đăng lính tại Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa, thầy ký tại hải quan và ở các sở khác. Ông giải ngũ năm 1911 và trở thành viên cai trị tại Toà công sứ Bắc Kỳ. Tham gia tích cực vào các hoạt động văn học của địa phương, là nhà thơ, nhà văn tiểu luận, ông sáng lập tờ báo Plume rồi Pages Indochinoises (Trang Đông Dương) tại Hanoi. Năm 1926, ông xuất bản tại Việt Nam bản dịch Kim Vân Kiều (theo “Các bản dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp”, vanhoanghean.com.vn).
Nguồn: Đặc San Suối Nguồn V – Tu Viện Huệ Quang