Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ này, dù ở trong môi trường nào, hoàn cảnh nào, không nhiều thì ít, ai cũng đã từng trải qua, chứng kiến những sự việc, những câu chuyện làm chúng ta xúc động, hạnh phúc, buồn khổ hay ray rứt, xót xa … Có những sự việc, những câu chuyện ăn sâu vào tâm trí chúng ta, trở thành những kỉ niệm khó quyên, khó xóa nhòa. Có những kỉ niệm đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời của chúng ta. Nó tạo nên một ảnh hưởng lớn về tâm thức, hoặc tạo nên một lối rẽ xoay chuyển cả cuộc đời của mình mà mỗi khi nhớ lại, chúng ta cứ ngỡ ngàng như mới hôm qua.
Tôi vốn là một thành viên trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ ấy, nên cuộc đời tôi cũng có rất nhiều kỉ nịêm. Song kỉ niệm sâu sắc làm tôi nhớ mãi là ngày tôi từ giã ngôi chùa đầu tiên ra đi sau gần một năm hành điệu tu học.
Cách đây gần đúng mười năm, tôi xin đi tu và được thầy năm giới (thầy Tăng) gởi lên một ngôi chùa ni quen biết tại Thành Phố.
Hình như đây là một hình thức trở thành truyền thống đối với người xuất gia sau này. Nếu chúng ta muốn đi tu thì liền thưa với một vị thầy hoặc một Sư cô quen biết. Vị ấy sẽ dẫn chúng ta đến một ngôi chùa mà vị ấy đã tin tưởng, chọn lựa một môi trường tương đối phù hợp và tốt cho việc tu học của chúng ta. Nhưng đó chỉ là cái nhìn tổng quát từ bên ngoài, những chuyện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày vị tân xuất gia phải tiếp xúc thì vị thầy dẫn dắt không hề biết hết được. Vì vậy đã xảy ra không ít trường hợp vị tân xuất gia “tiến thoái lưỡng nan”.
Theo sự cảm nhận của tôi, cuộc sống là một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái thuận và cái nghịch, giữa quả quá khứ và nhân hiện tại, giữa nghiệp lực và ý chí của chúng ta … Cho nên chúng ta không thể đi theo một công thức định sẵn mà có khi tiến, khi lùi, có khi chấp nhận, có khi phải từ chối … nói theo thuật ngữ Phật giáo là “tùy duyên”. Vì thế, đồng thời cùng một hoàn cảnh, cùng một ngôi chùa lại có người tu được, có người tu không được. Người tu được có lẽ vì giữa hoàn cảnh và những hạt giống trong tâm thức của người đó có nhiều điểm tương đồng. Người tu không được thì ngược lại, nên họ khó lòng chấp nhận được hoàn cảnh đó, trong khi người khác vẫn an lạc tiến tu.
Cụ thể trường hợp của tôi, trong gần một năm chính thức nhập chúng tu học đợi ngày xuất gia, mọi chuyện đến với tôi tương đối suôn sẻ. Sau ba tháng, tôi đã tạm hoàn tất những gì mà một vị mới nhập môn phải hoàn thành, cũng như tôi đã quen nếp sống tu, học, làm việc trong chùa. Mọi việc cứ trôi qua, trôi qua âm thầm lặng lẽ. Không biết vì lí do gì mà thầy hứa cho tôi xuất gia vào rằm tháng tư, rồi lại hẹn đến rằm tháng bảy, rồi mùng tám tháng mười hai, rồi lại hẹn nữa, và tôi đã ra di đúng vào ngày mùng tám tháng mười hai, ngày Phật thành đạo năm ấy.
Tuy nói cuộc sống cứ âm thầm lặng lẽ trôi, vì chẳng có sóng gió gì đến với tôi cả, nhưng mỗi một ngày trôi qua, tôi lại cảm thấy có cái gì đó không bình thường, không phù hợp với tôi. Điều không phù hợp lớn nhất là thầy tôi làm công tác từ thiện xã hội, nên trong chùa có nhiều hoạt động kinh tế như: làm nhang, làm nước tương … thầy giao cho mấy sư chị tôi mỗi người chịu trách nhiệm mỗi thứ. Tôi tuy không có trách nhiệm, không có liên quan vướng bận đến việc tính toán tiền bạc, nhưng mỗi khi ở đâu cần hàng, sư chi nhờ tôi chở đến giao rồi về.
Vì vậy, mới từ dưới quê lên Thành phố chưa bao lâu mà chợ Lớn, chợ Bến Thành, chợ Tân Bình, chợ Cầu Muối … tôi đều biết hết. Nếu cứ bình thường vui vẻ chấp nhận như vậy thì chẳng có chuyện gì xảy ra, đằng này tôi là một nhân vật “khíu chọ”. Khi còn ở nhà, tôi rất kị việc đi chợ, nhất là đi bán. Ở nhà tôi không đi thì có mẹ tôi, em tôi đi, còn ở đây tôi không dám. Mỗi lần một mình lặng lẽ đạp xe đạp chở hai mươi lít nước tương sau lưng đi qua nhiều đường phố xa lạ, giữa bao người không quen, tôi tủi thân nước mắt ràn rụa.
Rồi một ngày phải bôn ba, chen chân trong môi trường chợ búa tấp nập, ồn náo, tâm tư tôi chán nản, rối bời. Tôi thương cho tôi, vì đi tu đâu phải thế. Dù tôi biết làm việc cho Tam Bảo là có phước, nhưng khổ nỗi tôi vào chùa là để tìm một “cái gì đó” mà ở bên ngoài tôi không tìm được chứ tôi không chấp nhận việc tạo phước của mình. Bao nhiêu năm đi chùa, sinh hoạt gia đình Phật tử, được gần gũi học hỏi quý Thầy, quý Sư cô, được học những bài giáo lý căn bản vỡ lòng giúp tôi có một khái niệm tương đối về cuộc đời xuất gia: Ít nhất cũng là một cuộc sống giản dị bình lặng, một tinh thần thanh thoát nhẹ nhàng … Vậy mà ở đây tôi không cảm nhận được. Trong tôi lúc nào cũng cảm thấy lo lắng, bất an, cuộc sống thì hấp tấp, vội vàng, ồn náo. Mỗi một ngày, sự việc cứ thế diễn ra, tôi cũng không ngừng suy nghĩ, so sánh.
Dần dần trong tôi hình thành một tư tưởng, một quyết định mới mà chẳng ai hay biết. Bởi đó chỉ là điểm bất đồng của riêng tôi, nó chỉ diễn ra trong chiều sâu tâm thức. Hằng ngày tôi vẫn sống bình thường, vẫn vui vẻ với huynh đệ, vẫn hoàn thành bổn phận của mình. Với lại, cuộc sống vật chất ở đây rất đầy đủ, tình thương của Thầy cũng không thiếu. Thầy lo hết cho tôi mọi phương diện cần thiết trong đời sống, nhưng tôi lại không cảm thấy yên ổn trong sự chăm sóc đó.
Cuối cùng, khi đã chọn ra một công thức cho một hoàn cảnh lý tưởng: Tu-học-làm ruộng hay làm vườn ở dưới quê. Đồng thời cũng đã tìm được môi trường như thế, tôi quyết định ra đi. Ra đi với một lý do duy nhất, vì ở đây tôi không thể trở thành một “thầy chùa” như tôi mong muốn. Nhiều lúc đắn đo suy nghĩ, tôi nhớ lời thầy năm giới dạy trước lúc gởi tôi lên Thành phố : “Nghịch cảnh là một môi trường tốt để chúng ta tiến tu”.
Tôi vẫn biết, chấp nhận được những điều mình không muốn là một việc cần phải rèn luyện, nhưng điều đó cũng tuỳ chứ không phải lúc nào cũng thế. Như tôi lúc đó, trong “bụng” trống trơn, chưa có “vốn liếng” gì cả, gặp “giặc” rồi mà tôi chưa sắm “vũ khí”. Tôi tự hỏi chấp nhận trong một môi trường như thế để được cái gì? chẳng lẽ chỉ để biết chấp nhận? Tâm tư tôi không có lối thoát. Thế là tôi bất ngờ ra đi trước ánh mắt buồn giận của thầy, ngỡ ngàng của đại chúng và ánh mắt lo buồn của ba.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi âm thầm nhắn ba lên, nhờ ba bày ra một lý do xin cho tôi về, rồi sau đó tôi sẽ xuống quê tu, vì ở đây không thích hợp. Ba ngỡ ngàng lo lắng nhưng vẫn đồng ý, vì ba tin tưởng tôi, ba biết tôi làm việc gì cũng đã suy nghĩ kĩ. Tôi dẫn ba lên gặp thầy. Ba ngập ngừng trình bày những gì tôi đã sắp xếp. Còn thầy thì ngạc nhiên hết nhìn ba tôi lại nhìn tôi. Sau khi hiểu ra sự việc, thầy quở trách ba và tôi nhiều lắm. Tội nghiệp ba chỉ biết cúi đầu lắng nghe. Tôi vừa nghe vừa cảm thấy thương thầy, thấy mình có lỗi. Tôi còn nhớ rõ một câu thầy nói :”Chùa không phải là quán trọ mà muốn đến thì đến, muốn đi thì đi”. Trước lúc chào thầy ra đi, tôi thật lòng xin thầy vài lời chỉ dạy để làm hành trang trên con đường sắp tới. Thầy nghiêm nghị bảo :”Đã quyết định ra đi tức không cần sự chỉ dạy của tôi, thì xin vài lời có nghĩa gì đâu”. Tiếng “tôi” thầy xưng với tôi chứa đựng một sự trách móc buồn giận
Cuối cùng, tôi cũng thu dọn hành lý ra đi. Ra đi, tôi chỉ buồn vì mình đã làm cho nhiều người phải bận tâm, đã làm cho thầy buồn giận. Vì trong tình thương, trong trách nhiệm làm thầy, thầy đâu có lỗi gì để tôi phải đối xử với thầy như thế. Nhưng trong sâu thẳm tâm tư, tôi không nghĩ mình có lỗi.
Vì tôi nghĩ, thầy nuôi dạy tôi cốt mong cho tôi trở thành một thầy chùa tốt, mong cho tôi được an vui, nhưng bên thầy, tôi không được như thế, và biết đâu sau này tôi sẽ càng làm cho thầy buồn phiền hơn nữa. Còn tôi ra đi chính là làm tròn ước nguyện của thầy, làm tròn bổn phận người xuất gia của tôi. Ra đi, công ơn của thầy nuôi dạy gần một năm trời tôi đâu dám quên. Vậy mà hôm đó ở trước thầy, tôi được coi là người vô ơn, vô nghĩa … Tôi chỉ biết lắng nghe, không một lời giải thích, không một ý niệm buồn giận Thầy, vì đó là lỗi của tôi.
Sau này, khi đã về dưới quê, sống trong môi trường thích hợp, tôi như thú được thả về rừng, cá tìm được nước. Đôi lúc suy gẫm quá trình chuyển hoá tâm thức, tôi rút ra một câu thật giản dị: “Nếu hồi đó mình được cái tâm như bấy giờ, có lẽ mình không ra đi”. Nhiều lần nhìn thấy hình ảnh thầy trên báo Giác ngộ, tôi mừng rỡ, nhớ thầy chi lạ… nhớ những lần tôi bệnh, thầy đích thân mua thuốc cho tôi uống, tự tay chích những mũi thuốc cho tôi… tôi chỉ tiếc là không được ở bên thầy cho trọn tình… giá như chùa của thầy cũng làm ruộng… giá như… nhưng tất cả đều là giá như, thực tế thì tôi đã xa thầy đúng chín năm. Sau này tôi có về thăm, thầy cũng đã biết tôi tu ở đâu chứ không như lý do ba tôi thưa hôm đó. Mỗi lần tôi về thăm, thầy không nhắc chuyện cũ, chỉ hỏi thăm về việc tu ở hiện tại của tôi.
Còn tôi chẳng bao giờ nói với thầy cái lý do ra đi của mình. Cho nên, dĩ nhiên giữa tôi và thầy có sự ngăn cách. Sự về thăm của tôi là một bổn phận mà tôi không dám quên, thầy thì không nỡ từ chối cử chỉ xem ra hiếu hạnh của tôi. Tôi im lặng đón nhân, coi như đó là một sự trừng phạt thầy dành cho tôi. Tôi không có quyền đòi hỏi gì ở thầy cả. Và cho dù chín năm đã trôi qua, một thời gian khá dài để người ta quên đi tất cả, nhưng tôi thì không. Tôi không bao giờ quên ngày tôi bước chân ra đi từ giã ngôi chùa gần một năm hành điệu, cũng như mãi mãi không quên vị thầy đầu tiên mà tôi đã phụ lòng.
Qua sự ra đi “bất đắc dĩ “của tôi, tôi nhận ra một số vấn đề: trước khi quyết định xuất gia, tốt nhất, chúng ta nên có một cuộc hành trình “tầm sư học đạo” tìm hiểu môi trường để gởi gắm trọn cuộc đời mình, đồng thời cũng tránh làm cho người lớn phải bận tâm, đau lòng. Còn nếu như chúng ta lỡ gặp hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” thì cần phải tỉnh táo, sáng suốt, dứt khoát chọn lựa. Nếu ở mà nhẫn chịu được, hóa giải được, an vui được thì nên ở. Ngược lại, ở mà tâm tư luôn bất an, hạt giống Bồ đề không nảy mầm được, hoạc đang lụi dần thì hãy mạnh dạn xin thầy ra đi dù… ra đi mà tu học tiến bộ, ở mà không tu được thì sự ra đi của chúng ta vẫn nên hơn chứ?
Dù sao thì đây cũng chỉ là ý kiến của bản thân tôi, rút ra từ một kỉ niệm của tự thân. Tôi thiết nghĩ, việc tu của chúng ta cũng như trồng cây, muốn nó nảy mầm và phát triển tốt thì phải chọn môi trường thích hợp. Cũng vậy, muốn cho cây Bồ đề của chúng ta phát triển thì phải biết chọn nơi gieo trồng. Còn khi nó đã lớn, cứng cáp rồi thì dù ở đâu nó cũng sống được. Nhưng muốn cho nó phát triển nhanh hơn, cứng cáp hơn, nếu được, chúng ta cũng nên đổi môi trường cho nó. Quan trọng đừng để cây Bồ đề của chúng ta chết dần hay biến dạng chỉ vì những suy nghĩ, cố chấp hẹp hòi của chúng ta.
Cuối Đông Nhâm NgọVL.
Tập san Suối Nguồn 14 (TVHQ)