(Tiền thân Suhana)
Tát-noa cùng Thiện Giáp…
Trong khi trú tại tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana), đức Thế Tôn kể câu chuyện này về hai Tỳ-kheo có tính khí nóng nảy.
Có hai thầy Tỳ-kheo, một người sống ở Kỳ Viên và một người sống ở miền quê. Hai thầy này tính tình nóng giận, thô lỗ và hung dữ. Một hôm nọ, thầy Tỳ kheo ở quê vì có công chuyện nên đến Kỳ Viên. Các Sa-di và những Tỳ-kheo trẻ biết tính khí hay nóng giận của vị này, vì vậy họ dẫn thầy đến phòng của thầy kia, tất cả nóng lòng chờ xem họ tranh cãi. Ngay khi vừa thấy mặt nhau, hai người có tính khí nóng nảy này đã ôm chầm lấy nhau, xoa bóp chân, tay và đấm lưng nhau!
Các Tỳ -kheo bàn luận điều này trong Chánh pháp đường:
– Thưa các Hiền hữu, hai Tỳ-kheo này cáu giận, thô lổ và hung dữ đối với người khác, nhưng giữa họ với nhau thì luôn là bạn bè thân mật và đầy cảm thông!
Đức Thế Tôn đi vào và hỏi họ đang bàn luận điều gì khi ngôi lại nơi đó? Họ Thuật lại sự việc với Ngài. Ngài nói:
– Này các Tỳ-kheo, đây không phải là lần duy nhất hai người này cáu giận, thô lổ và hung dữ đối với những người khác, còn chính họ lại bày tỏ thân mật, thương yêu và cảm thông với nhau thôi đâu. Điều này xưa kia cũng đã vậy rồi.
Nói như vậy xong, Thế Tôn liền kể một câu chuyện đời quá khứ.
* * *
Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) là vua nước Ba-la-nại (Banares), Bồ-tát là một vị đại thần trông coi mọi việc cho ông, cố vấn cho vua các việc thế sự cũng như tâm linh. Bấy giờ, vị vua này có bản tính tham lam. Ông có một con ngựa hung dữ được đặt tên là Ma-ha-tác-noa (Mahāsoṇa, Hạt dẽ lớn).
Một số người lái ngựa từ miền Bắc mang xuống năm trăm con ngựa, và báo tin cho nhà vua rằng những con ngựa đã đến. Trước đây, Bồ-tát thường để những lái buôn ấn định giá cả rồi sau đó trả tiền đầy đủ. Nhưng giờ đây nhà vua phật lòng, nên cho gọi một triều thần khác đến và nói:
– Này khanh, bọn người này tự định giá cả của họ, vậy thì hãy thả con Ma-ha-tác-noa vào trong đàn ngựa để cho nó cắn đàn ngựa, rồi khi đàn ngựa yếu đuối và bị thương tích thì bọn người này sẽ giảm giá tiền.
– Thưa vâng.
Vị triều thần tuân lệnh và làm theo như vậy.
Những vị lái buôn hết sức phẫn nộ, và nói với Bồ-tát điều con ngựa này đã làm. Bồ-tát hỏi:
– Các ông không có một con ngựa như vậy ở kinh đô của mình à?
Họ nói:
– Thưa có, chúng tôi có một con ngựa được đặt tên là Thiện Giáp (Suhanu), nó là một con ngựa hung dữ và hoang dã.
– Lần sau đến, các ông hãy mang nó theo. Bồ tát nói.
– Thưa vâng.
Vì thế lần kế khi họ đến, họ đã mang con ngựa này theo cùng. Khi nghe những nhà buôn ngựa đã đến, nhà vua mở cửa sổ nhìn bầy ngựa, rồi cho thả con Ma-ha-tát-noa ra. Khi nhìn thấy con Ma-ha-tát-noã đến, những vị lái buôn thả con Thiện Giáp ra. Khi hai con ngựa gặp nhau, nó đứng lại và liếm mình nhau!
Vua thấy vậy bèn hỏi Bồ-tát:
– Này khanh, khi những con ngựa độc đi ngang qua những con ngựa khác, chúng luôn hung dữ, điên cuồng và bạo tiết, cắn và gây thương tích cho những con khác. Nhưng giữa chúng với nhau, chúng đứng lại, liếm khắp mình nhau! Lý do gì vậy?
Bồ-tát nói:
–Tâu đại vương, vì chùng giống nhau, giồng nhau cả trong bản chất lẫn đặc tính.
Và Bồ-tát đọc lên đôi bài kệ này:
Tát-noa cùng Thiện giáp
Tính khí không khác nhau
Tát noa sống thế nào
Thiện giáp như thế ấy.
Cả hai đều hung hãn
Luôn cắn đồng loại mình
Tà ác theo tà ác
Bất thiện cùng bất thiện.
Sau đó, Bồ-tát khuyên nhà vua bỏ đi lòng tham lam vô độ, đừng làm hại tài sản người khác, rồi ấn định giá tiền và bắt vua phải trả đúng giá. Những lái buôn nhận được giá cả thích đáng, thoả mãn ra đi. Còn nhà vua, tuân theo lời khuyên của Bồ-tát, sau khi mạng chung đã tái sinh theo hành nghiệp của mình.
* * *
Sau khi kết thúc pháp thoại này, đức Thế Tôn nhận diện Tiền thân:
– Thuở đó, hai Tỳ-kheo xấu nết này là hai con ngựa, A-nan là nhà vua, còn ta chính là vị cận thần hiền trí.