Câu chuyện về Cuộc đời Đức Phật

Câu chuyện về Cuộc đời Đức Phật

LỜI GIỚI THIỆU

Triết lý đạo Phật từ đâu mà có? Do đấng nào giác ngộ? Và giác ngộ trong hoàn cảnh nào? Đây là những thắc mắc vô cùng lý thú của hầu hết các thiếu niên quan tâm đến đạo Phật và bước đầu học Phật.

Tìm hiểu về Đức Phật và giáo lý của Ngài sẽ mãi mãi là điều bổ ích cho tâm hồn mỗi chúng ta, đặc biệt là cho các mầm non Phật tử.

Đức Phật ra đời và thành đạo cách nay hơn 25 thế kỷ, nhưng giáo pháp mà Ngài truyền dạy cho chúng ta là vô giá, và thực sự đã làm dịu đi rất nhiều khổ đau trong cuộc sống toàn nhân loại. Vì vậy, có rất nhiều tác phẩm với nhiều phiên bản tái hiện cuộc đời Ngài, bậc đạo sư đã chỉ ra con đường thoát khổ cho chúng sinh.

Với lòng tha thiết vì một nền hiểu biết của thế hệ trẻ đối với Đức Phật, chư Tăng chùa Viên Giác hướng dẫn thực hiện chuyển ngữ một sách truyện, kể tóm tắt về cuộc đời và hành trình giác ngộ của Đức Phật, để giúp thêm cho các thiếu niên Phật tử có thể hình dung một cách sống động về cuộc đời Ngài qua từng giai đoạn – sinh ra, trưởng thành, tu tập thành đạo và truyền dạy giáo lý giải thoát, sáng lập ra đạo Phật truyền thừa mãi đến ngày nay.

Câu chuyện trong quyển sách này tuy được hành văn nhẹ nhàng, giản dị, không tìm thấy những triết lý câu từ thần bí, hay những kiến thức quá sâu xa, phức tạp đối với trẻ em nhưng mỗi câu chữ sẽ là những thông điệp đầy ý nghĩa về một nhân vật đầy huyền thoại. Tùy theo mỗi khả năng cảm thụ khác nhau mà câu chuyện có thể khơi mở được mức rung động khác nhau ở mỗi độc giả.

Đây sẽ là món quà tinh thần nhân ngày đản sanh của Đức Phật từ chư Tăng chùa Viên Giác dành cho các thanh thiếu niên Phật tử. Mong rằng việc làm này tuy nhỏ bé nhưng cũng có ích cho sự Phật học của các Phật tử, và mang lại niềm hân hoan cho các Phật tử trẻ khi được hiểu biết thêm về cuộc đời của Đức Phật.

Nguyện cầu phước báu này gia hộ cho quý Phật tử luôn được an lành hạnh phúc trong ánh hào quang từ bi và trí tuệ của Đức Phật.

Và bây giờ… mời các Phật tử bước vào thế giới của chuyện cổ tích, với những nhân vật và sự kiện của cổ tích, để nhận hiểu được về một nhân vật lịch sử phi thường…

Tháng 04/2009

Trụ trì chùa Viên Giác

Tỳ kheo Thích Đồng Văn

LỜI NÓI ĐẦU

Đây là sách kể chuyện. Nhưng câu chuyện này không giống như những chuyện thông thường khác, mặc dù cũng có đủ các nhân vật quen thuộc (nhà vua, công chúa, xe ngựa và các nhân vật khác tương tự), mà là một câu chuyện khác biệt kể về một nhân vật lịch sử sống ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên.

Ngày nay, có hơn một phần năm dân số thế giới sống theo cách mà Đức Phật dạy, nên mong rằng quyển sách này sẽ giúp tăng thêm sự quan tâm đối với đạo Phật cũng như giúp các nền văn hóa khác nhau hiểu nhau hơn. Cuốn sách đáp ứng được nhu cầu cảm thụ của phương Tây về một quyển sách dành cho thiếu nhi để tìm hiểu về cuộc đời và thời đại của Đức Phật.

Nhà xuất bản xin chân thành cảm ơn các bạn hữu ở tại Anh quốc và tận Sri Lanka, đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều để phát hành cuốn sách này. Chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách sẽ là bước mở đầu cho hàng loạt các cuốn sách như thế này tiếp tục được thực hiện, và chúng tôi sẽ lại nhận được sự trợ giúp quý báu từ các bạn đồng sự trong tương lai.

Mặc dầu câu chuyện được biên soạn cho thiếu nhi nhưng cũng vẫn thích hợp cho cả người lớn. Vì vậy, chúng tôi mong rằng ấn bản khá đặc biệt này sẽ được thưởng thức bởi những độc giả có khả năng và trí tưởng tượng bay bổng, một đặc quyền tưởng chừng như là độc nhất của trẻ em trên toàn thế giới.

Khoảng 2600 năm trước ở miền Bắc Ấn, tại ngọn đồi dưới chân dãy Himalaya, tồn tại một số tiểu vương quốc. Mỗi vương quốc được trị vì bởi một lãnh chúa hoặc một vị quốc vương. Một trong số đó là vương quốc của những người Sakyas, một dòng tộc chiến binh. Tên của vị vua trị vì lúc đó là Suddhodana (Tịnh Phạn). Nhà Vua sống ở thủ đô Kapilavastu ( Ca Tỳ La Vệ ), gần biên giới Nepal.

Một đêm nọ, Hoàng Hậu Maha Maya trải qua một giấc mơ lạ lùng. Bà thấy một ông voi trắng khổng lồ đi vào phòng và mang theo một hoa sen. Ông voi cất tiếng rống to khi đi quanh giường bà ba lần. Sáng ra, Bà thuật lại với Đức Vua và nhà Vua đã triệu tập các nhà thông thái của vương quốc vào cung điện để giải thích ý nghĩa của giấc mơ này

Hoàng hậu Maya nằm mộng.

Họ cho biết: “Ồ, thưa Bệ Hạ! Hoàng Hậu sẽ hạ sanh một hoàng tử vĩ đại và cao quý.”

Đức Vua và Hoàng Hậu rất đỗi hạnh phúc.

Gần đến ngày hạ sanh, theo tục lệ thời đó, Hoàng Hậu xin phép Đức Vua được về quê mẹ ở vương quốc láng giềng để Hoàng Tử ra đời. Đức Vua sẵn lòng thỏa mãn ước mong của Hoàng Hậu và ra lệnh chuẩn bị chu đáo để chuyến đi được toại ý Bà.

Một đoàn tùy tùng phục trang lộng lẫy với trang sức lấp lánh rước Bà đi trong kiệu của hoàng gia.

Trên đường đi, họ băng qua một khu rừng và vườn cây thơ mộng có tên là Lumbini ( Lâm Tỳ Ni ). Khi Hoàng Hậu đến chốn tuyệt diệu này, nơi có thể ngắm nhìn được đỉnh Himalaya phủ đầy tuyết, bà muốn tạm dừng chân nghỉ lại một lát trong bóng cây râm mát. Tuy nhiên, một sự kiện đã xảy ra. Khi đang nghỉ ngơi dưới tàng cây trong khu vườn Lumbini yên tĩnh, bà đã đản sanh Hoàng Tử. Đó là ngày trăng tròn của tháng Vesak (tháng Năm). Tất cả cây đều nở hoa và tiếng hót của chim chóc cũng như tiếng kêu của muôn thú trong khu vườn đáng yêu tạo nên âm thanh rộn rã. Các chú ong vo ve đầy phấn khích khi chúng bay từ bông hoa này sang bông hoa khác hút mật. Cả thiên nhiên như thể đều hân hoan trước sự ra đời của vị Hoàng Tử này

hoàng hậu dưới khu vườn Lumbini.

Thế là cả đoàn quay trở về thủ đô Kapilavastu, nơi Hoàng Tử được chào đón với sự hoan hỷ tột độ.

Cậu bé rất khôi ngô. Da của cậu có sắc màu của vàng, đôi mắt sâu thẳm màu xanh tím rất đáng yêu. Tóc đen, cơ thể và tứ chi vô cùng hoàn hảo.

Một trong những vị khách đầu tiên đến viếng thăm sau khi cậu được sinh ra là hiền nhân thông thái Asita. Khi thấy đứa bé, thốt nhiên ông cười vui sướng nhưng rồi sau đó lại rơi lệ. Vua và Hoàng Hậu rất lo lắng

Lời tiên đoán của hiền nhân Asita.

“Có điều gì không hay sắp xảy ra cho con ta sao?”

“Ồ, không, thưa Bệ Hạ.” nhà hiền triết đáp lời, “Con trai của ngài có số mạng vinh quang. Hạ thần không thể nén nổi niềm hạnh phúc vì tự thấy mình có diễm phúc được nhìn thấy bậc vĩ nhân xuất thế. Cậu sẽ trở thành người phi thường nhất. Cậu sẽ trở thành Đức Phật, một Bậc Giác Ngộ, vào một ngày không xa. Ngài sẽ dạy cả thế giới cách để tìm chân hạnh phúc và giải thoát khỏi khổ đau. Nhưng hạ thần tuổi đã già và sẽ không thể sống cho đến lúc thấy được ngày đó. Điều đó làm hạ thần buồn lòng lắm.”

Điều nghe được khiến niềm hạnh phúc của Đức Vua không còn được trọn vẹn. Ngài cho mời thêm nhiều học giả và nhà thông thái vào cung. Có đến tám học giả tham gia vào việc đặt tên cho con trai Ngài. Họ nghiên cứu cẩn thận các dấu hiệu đặc biệt trên cơ thể cậu bé. Bảy người trong số họ cho rằng cậu sẽ trở thành một vị vua vĩ đại, hay đúng hơn là Đức Phật. Nhưng nhà hiền triết thứ tám, tên là Kondanna, đã xác định rõ ràng rằng, một ngày kia Hoàng Tử sẽ nhìn thấy bốn dấu hiệu đặc biệt và sẽ từ bỏ cung điện cùng gia đình để hướng đến cuộc sống giản dị của một tu sĩ khổ hạnh trong sự trầm tư mặc tưởng và trở thành Phật.

Đức Vua và Hoàng Hậu rất phiền muộn khi nghe lời tiên tri này.

Hoàng Tử đã được đặt tên là Siddhartha ( Sĩ Đạt Ta ), có nghĩa là “Người luôn đạt được mong ước”, và họ của ngài là Gotama ( Cù Đàm ).

Bảy ngày sau khi hạ sanh Hoàng Tử, Hoàng Hậu Maha Maya ( Ma Da ) tạ thế. Em của Hoàng Hậu, bà Prajapathi Gotami ( Ma Ha Ba Xà Ba Đề ), đã nuôi dưỡng và chăm sóc Hoàng Tử như con ruột của mình. Hoàng Tử lớn lên rất khôi ngô tuấn tú, cao lớn, khỏe mạnh và học rất giỏi tất cả các môn học, chàng còn tử tế, tốt bụng và tao nhã nên được dân chúng rất yêu quý.

Một ngày kia, Đức Vua đưa chàng đến dự lễ hội khuyến nông của vương quốc được diễn ra hàng năm. Đức Vua cưỡi đôi bò được đeo bộ yên bằng vàng kéo theo lưỡi cày vàng đi dẫn đầu, theo sau là các hoàng thân khác cưỡi trên những con bò với bộ yên bằng bạc kéo theo lưỡi cày bạc.

Vị Hoàng Tử trẻ tuổi ngồi lặng lẽ dưới bóng râm một cây đại thụ. Thay vì thưởng thức lễ hội, chàng bắt đầu thiền định: chàng tập trung vào hơi thở, hít vào rồi thở ra. Khi đoàn tùy tùng quay lại, họ thấy chàng ngồi bắt chéo chân và đang nhập định. “Thật là một cậu bé lạ lùng,” họ thốt lên và chạy đi báo cho Đức Vua biết.

Hoàng tử nhập định trong lễ khuyến nông

Siddhartha rất yêu quý động vật. Thường thì chàng thích chơi một mình hơn là tham gia với chúng bạn trong các trò chơi bạo lực. Một ngày kia, chàng rời cung và đi vào rừng với người anh họ là Devadatta ( Đề Bà Đạt Đa ). Devadatta đã bắn một con chim đang bay qua đầu họ. Con chim rơi xuống. Siddhartha nhanh chân chạy lại trước và nhẹ nhàng rút mũi tên ra khỏi con chim. Sau đó, chàng hái một ít dược thảo, ép lấy nước tưới lên vết thương để cầm máu và vỗ về chú chim đang hoảng sợ.

Devadatta bảo rằng con chim thuộc về anh ta. “Nó là của tôi vì tôi đã bắn trúng nó.” Anh ta bảo vậy.

Siddhartha nói rằng, “Nếu anh giết và nó chết thì nó là của anh. Nhưng nó chỉ bị thương và tôi là người đã cứu được nó, nên nó phải là của tôi.” Cuối cùng họ quyết định đi đến tòa án của các nhà thông thái để giải quyết tranh chấp. Tòa đã quyết rằng: “Một sinh mạng sẽ thuộc về người cứu vớt chứ không thuộc về kẻ hủy hoại.” Vì vậy, Siddhartha có quyền đem con chim đi. Devadatta rất tức giận.

Hoàng tử cứu con chim đang bị thương

Lòng trắc ẩn và sự trầm tư của Siddhartha làm Đức Vua rất lo âu. Ngài thường suy tư về lời tiên tri của nhà hiền triết và quyết rằng sẽ không để cho con trai nhìn thấy bốn dấu hiệu đặc biệt mà một ngày kia sẽ làm chàng từ bỏ dòng tộc và đời sống vương giả.

Vì vậy, Vua Suddhodana đã truyền lệnh nghiêm ngặt rằng Hoàng Tử sẽ chỉ được sống trong sự vui sướng hạnh phúc và chỉ các khía cạnh tươi đẹp của cuộc sống mới được phép tồn tại và phủ quanh Hoàng Tử. Người già và bệnh tật sẽ bị giữ xa khuất khỏi tầm mắt chàng, và tuyệt đối không được đề cập đến cái chết.

Tương truyền rằng, ngay cả những bông hoa và lá cây héo trong vườn riêng của hoàng gia và cả ở các khu vườn lân cận cũng được chú ý loại bỏ để tránh cho mắt Hoàng Tử không phải nhìn thấy bất cứ điều gì khiến chàng biết đến sự suy tàn. Nhà Vua ban cho chàng đủ mọi tặng phẩm xa hoa. Có đến ba cung điện được xây cho chàng để ngự vào 3 mùa trong năm – mùa nóng, mùa mưa và những tháng mát mẻ của mùa đông. Trong các cung điện này đều có các khu vườn tuyệt đẹp với suối , ao hồ đầy cá, thiên nga và hoa súng.

Phục vụ cho chàng cũng là những người hầu trẻ trung đầy sức sống. Giúp vui cho chàng là các nữ vũ công và nhạc công tài ba.

Phủ kín bởi những điều tốt đẹp như vậy, Hoàng Tử dần trưởng thành là một chàng thanh niên khỏe mạnh và thanh nhã. Chàng cũng đã đến tuổi lập gia đình. Vua cha bèn gửi thông điệp cầu hôn cho con trai Siddhartha đến các vương quốc láng giềng. Nhưng các hồi âm đều cho thấy mặc dù Hoàng Tử rất đẹp trai và giàu có, nhưng do không phải là một chiến binh nên không một vị quốc vương nào muốn gả con gái mình cho một thanh niên yếu nhát. Khi nghe được điều này, Vua cha rất buồn rầu. Nhưng Siddhartha nói rằng chàng sẽ chứng minh được kỹ năng của mình trong bất cứ cuộc thi đấu nào, kể cả bắn cung.

Hoàng tử thi bắn cung

Vào ngày diễn ra cuộc tranh tài, khắp nơi đều náo nhiệt tưng bừng. Các kỵ sĩ trong các bộ quân phục rực rỡ cưỡi trên những con ngựa được đóng yên và bọc giáp sắt lấp loáng, mỗi người đều có nô bộc trang phục tề chỉnh giương cao cờ hiệu riêng đầy màu sắc của mình, tụ tập tại quãng trường cung điện.

“Siddhartha đã thắng cuộc thi cưỡi ngựa và đang dẫn đầu trong cuộc thi bắn cung,” đám đông dân chúng gào thét đầy phấn khích. Chàng đã dễ dàng chiến thắng mọi cuộc thi được tổ chức. Giờ đây, chàng đã chứng tỏ được khả năng của mình trong lĩnh vực quân sự. Nhà Vua đã tổ chức đại tiệc để chọn cô dâu cho chàng và các quốc vương láng giềng rất hân hoan đưa con gái đến dự. Siddhartha đã chọn cô em họ Yasodhara (Da Du Đà La) tuyệt đẹp của mình trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Cha nàng rất sẵn lòng gả nàng cho chàng Hoàng Tử tài hoa. Họ sống sung sướng trong tòa cung điện mới với đầy đủ tiện nghi và mọi thú vui bất tận.

Hoàng tử Siddhartha và công chúa Yasodhara

Thời gian cứ thế trôi qua, tất cả sự tráng lệ và phong lưu khoái lạc nơi cung điện đã làm Siddhartha chán nản và trăn trở. Hơn nữa, mọi nỗ lực của Vua cha Suddhodana nhằm giúp con trai hưởng lạc cũng chỉ làm gia tăng sự hiếu kỳ của Hoàng Tử muốn được nhìn thấy thế giới bên ngoài. Vì thế, một ngày kia, chàng triệu người đánh xe của hoàng cung tên là Channa ( Xa Nặc ) đến chở chàng đi một vòng ngoại vi cung điện.

Channa chọn một chiếc xe ngựa thật đẹp do những con ngựa trắng kéo để đưa Hoàng Tử đi du ngoạn. Dân chúng đều trầm trồ tự hào ngắm nhìn vị Hoàng Tử phong nhã của mình ngồi trên xe ngựa đi qua các ngã đường.

Hoàng tử đi ra ngoài cung điện

Họ đi không xa thì nhìn thấy bên vệ đường một cụ già có cái bướu. Đây quả thật là một cảnh khác thường đối với Hoàng Tử. Chàng cho ngừng xe ngựa lại:

“Kia là ai? Ông ta trông có vẻ là một con người nhưng sao tóc lại màu trắng, không răng, má hóp và da lại nhăn nheo. Ông ta yếu ớt, gù và phải tựa vào cây gậy. Đó là loại người gì?”

“Đó là một NGƯỜI GIÀ,” Channa đáp. “Ông ta đã sống rất lâu rồi.”

“Mọi người đều sẽ già sao, Channa? Yasodhara tuyệt đẹp của ta cũng sẽ già, còn ngươi thì sao? Và ta cũng sẽ già sao?”

Siddhartha rất lo âu với những gì đã thấy.

Một ngày khác, khi chàng lại ra ngoài cung với Channa và thấy một NGƯỜI BỆNH. Anh ta yếu đến nỗi không thể đứng dậy mà nằm lăn trên đất khóc than vì đau đớn. Khắp thân thể lở loét và miệng thì sùi bọt. Channa giải thích rằng ai cũng phải bị bệnh vào lúc nào đó.

Rời cung lần thứ ba, họ thấy một đám tang đi ngang qua. Những người tiễn đưa khiêng một thi hài và khóc than thảm thiết.

“Tại sao họ phải khiêng người đàn ông đó?” Siddhartha ngạc nhiên hỏi.

“Thưa Ngài, vì rằng, đó là một NGƯỜI CHẾT.”

Cảnh già bệnh chết và sa môn

Để thỏa măn các thắc mắc của Hoàng Tử về hiện tượng này, Channa giải thích rằng cái chết là sự kết thúc của cuộc sống và đó là kết cục thường tình đối với tất cả mọi sinh vật sống. “Vâng, kể cả Ngài và Công Chúa Yasodhara, chắc chắn cũng sẽ chết vào một ngày nào đó, thưa Ngài. Không thể khác được, và Ngài cũng không thể làm gì để ngăn chận hay tránh né được điều đó.” Không nhớ đến lệnh của Đức Vua, Channa nhấn mạnh một cách rõ ràng cho Hoàng Tử biết như vậy.

Siddhartha hầu như đổ bệnh khi nhận thức được điều này. “Trở về cung điện ngay,” chàng nói, “Ta không muốn đi nữa.”

Trên đường về, họ lại gặp một cảnh bất thường khác. Họ nhìn thấy một người đàn ông quấn y vàng và cạo tóc. Vẻ ngoài điềm tĩnh và thanh thản của ông gây ấn tượng mạnh cho Hoàng Tử. Channa giải thích rằng đó là một TU SĨ, là người đã rời bỏ mái ấm gia đình để tìm phương cách giải thoát cho chúng sanh khỏi sự khổ đau.

Về cung điện, di mẫu hỏi chàng tại sao lại trở nên buồn bã đến như vậy.

“Con đã biết rằng tất cả mọi sinh vật đều phải trải qua già lão và xấu xí, rồi bệnh tật và chết đi. Con buồn khi nghĩ đến tất cả điều đó.” Siddhartha trầm lặng trả lời.

Giờ đây Siddhartha đã thấy đủ bốn dấu hiệu sẽ làm thay đổi cuộc đời chàng như tiên đoán của các nhà hiền triết và nhà thông thái khi chàng được sinh ra.

Nhà Vua rất đau lòng khi thấy tất cả các biện pháp phòng ngừa mà Ông cố công thực hiện để bảo bọc con trai đều bị thất bại. Tuy nhiên, sự kiện Công Chúa Yasodhara sinh hạ được một hoàng nam khiến Ông vui mừng khôn xiết. Ông đã tổ chức một bữa tiệc linh đình để chúc mừng sự ra đời của cháu nội, vì Ông hy vọng rằng bây giờ thì Siddhartha sẽ không thể rời bỏ vợ con.

Hoàng Tử tham dự bữa tiệc nhưng vẫn đầy suy tư.

“Ta phải trở thành như người đàn ông mà ta thấy trên đường, thoát tục và vô ưu, khoác y vàng, ra đi tìm cách đoạn trừ phiền não. Ta sẽ từ bỏ thế giới này ngay hôm nay. Ta đã sống những ngày rỗng không và nông cạn”.

Khi màn đêm buông xuống, chàng mơ màng chợp ngủ vì không mảy may thích thú với các trò tiêu khiển của buổi tiệc. Các vũ công và nhạc công khi thấy Hoàng Tử ngủ cũng ngừng múa hát và tạm nằm nghỉ ngơi, nhưng rồi họ cũng nhanh chóng rơi vào giấc ngủ.

Cảnh mệt mỏi của đoàn vũ công

Khi thức dậy, chàng ngạc nhiên khi thấy tất cả mọi người đều ngủ la liệt. Quang cảnh thay đổi không ngờ! Các vũ công và nhạc công mới trước đây còn rất thanh lịch, nhưng giờ lại nằm lê la ngổn ngang, một số ngáy khò khò, số khác lại nghiến răng. Thật là một cảnh tượng không hay. Chàng hoàn toàn vỡ mộng với cuộc sống này.

Chàng nhón chân khẽ khàng rời khỏi phòng tiệc và bảo Channa thắng yên con ngựa Kanthaka ( Kiền Trắc ) yêu thích của mình. Đoạn, chàng đến cửa phòng Yasodhara và lặng lẽ nhìn vào. Nàng đang ôm con ngủ say. Siddhartha chỉ mới 29 tuổi. Với trái tim nặng trĩu nhưng nung nấu một quyết tâm mạnh mẽ, chàng dứt khỏi vợ con và vượt khỏi cổng thành cùng Channa.

Khi đến con sông Neranjara ( A Nô Ma), chàng xuống ngựa, cắt tóc và gỡ bỏ bộ quần áo hoàng tộc cùng đồ châu báu rồi trao lại tất cả cho Channa, bảo ông dẫn ngựa trở về hoàng cung. Channa rất buồn bã. Ông van nài Hoàng Tử hãy cho ông theo cùng nhưng Siddhartha kiên quyết từ chối. Chủ ý của chàng là muốn Channa trở về gặp gia đình chàng và an ủi họ đừng đau buồn về sự ra đi của chàng như vậy, bởi chàng sẽ trở về với họ khi tìm thấy đạo.

Hoàng tử cắt tóc xuất gia

Channa đồng ý và dợm lên đường nhưng chú ngựa Kanthaka không chịu nhúc nhích. Siddhartha phải nhỏ nhẹ khuyên nhủ và thuyết phục nó đi với Channa. Nhưng Kanthaka biết rằng nó sẽ không bao giờ được gặp lại Hoàng Tử nữa. Nó buồn bã ngoái đầu lại nhìn chủ tha thiết và rồi nó đã chết trên đường đi do quá đau buồn.

Siddhartha đổi y phục cho một người hành khất và đơn độc ra đi. Chàng không còn là một hoàng tử nữa, mà là tu sĩ khổ hạnh Gotama đang đi tìm chân lý.

Chàng tìm đến Ngài Alara Kalama và Uddaka, những người thầy nổi tiếng lúc bấy giờ. Siddhartha tu học rất chăm chỉ, cho đến một ngày nọ, Alara nói rằng: “Ta không còn gì để truyền dạy cho con nữa. Kiến thức của con đã ngang tầm ta rồi. Con có sẵn lòng ở lại giúp ta dạy học trò không?”

Gotama hỏi: “Thầy có thể chỉ cho con cách nào để giải thoát khỏi cái chết, bệnh tật và tuổi già không?”

“Không. Không ai trên thế gian này biết được.” Alara trả lời.

Thời gian tu khổ hạnh

Vì vậy, chàng tiếp tục hành trình cầu đạo với những đạo sư khác và cũng vẫn không được mãn nguyện, nên lại tiếp tục lang thang tìm kiếm phương cách giải thoát. Sau đó, chàng gia nhập vào nhóm năm tu sĩ khổ hạnh tên là Kondanna, Bhaddiya, Vappa, Mahanama và Assaji. Họ cùng nhau thực hiện tự kiềm chế bản thân và tự hành xác, nghĩa là, sống mà không cần đến các nhu cầu thông thường như ăn uống, nghỉ ngơi. Họ ngủ trên nền đất thô cứng và hoàn toàn hướng đến một cuộc sống kham khổ thiếu thốn. Họ tin rằng để được thanh khiết tinh thần và diệt trừ phiền não, nhất thiết phải trải qua hành xác.

Nhà sư Gotama ngày càng trở nên kiệt sức và một ngày kia chàng đã ngã quỵ do đói khát và đau đớn. Một cô gái chăn cừu đã hồi sức cho chàng bằng sữa cừu và chăm sóc chàng cho đến khi bình phục.

Nhận bát sữa cừu của một tín nữ

Chàng đã nhận ra rằng hành xác là vô ích. Từ trải nghiệm bản thân, chàng cũng thấy rằng đời sống xa hoa mà chàng từng hưởng qua cũng quá phù phiếm. Do đó, chàng quyết định đi theo đường lối dung hòa giữa hai thái cực này, đó là “Con đường trung đạo”. Chàng bắt đầu trở lại sống đời sống bình thường. Năm tu sĩ khổ hạnh kia thấy thất vọng và rời bỏ chàng. Nhưng chàng đã quyết tâm tự mình sẽ tìm ra chân lý mà không cần có thầy dạy hay bạn đồng sự.

Lúc này có một phụ nữ tên là Sujatha ( Su Già Ta ) sống ở làng bên cạnh, hạ sanh được một cậu con trai, để thực hiện lời thề mà bà đã hứa khi cầu con, bà làm một bát bánh bột gạo để dâng cúng và đi đến đúng ngay lùm cây nơi nhà sư Gotama đang tham thiền.

Khi Sujatha trông thấy hình ảnh một con người thật đẹp đẽ và trong sáng, thanh thản đang ngồi bất động dưới gốc đa, bà cố vượt qua nỗi sợ hãi, tiến đến dâng cúng bát bánh và nói rằng: “Thưa Đấng tôn kính, cho dù ông là ai, thần hay người, xin hãy nhận bánh gạo này và cầu chúc ông sẽ đạt được điều mà ông đang tìm kiếm.” Chàng thọ nhận sự dâng cúng, rồi xuống sông tắm và ngồi ở bờ sông thọ thực. Sau đó, chàng trở lại con sông, đặt cái bát không trên mặt nước và nói: “Nếu cái bát này trôi ngược dòng thì ta sẽ đạt được Giác Ngộ.”

Cái bát đã trôi ngược dòng sông.

Chàng quay lại dưới lùm cây tại Gaya và với niềm tin tuyệt đối vào bản thân, chàng bắt đầu thiền định. Chàng quyết tâm: “Nếu không chứng thành quả Giác Ngộ thì ta quyết sẽ không rời khỏi chỗ này,”.Và chàng đã bất động suốt cả buổi chiều đến tối trong tư thế thiền định như vậy. Ban đầu có nhiều suy nghĩ quẩn quanh làm chàng không tập trung được vào mục tiêu của mình. Suy nghĩ về người vợ và đứa con yêu quý, kỷ niệm về tổ ấm xa hoa, về Phụ vương và Mẫu hậu, về bạn bè, về những bữa yến tiệc, lễ hội, về các thú vui hưởng lạc… Tất cả lần lượt vụt hiện lướt qua tâm trí chàng. Nhưng chàng không để bị chúng lôi cuốn. Với quyết tâm đã được xác định rõ, chàng tiếp tục thiền định cho tới khi tâm thức hoàn toàn thuần khiết và trong sạch. Chàng đã thật sự trở thành Bậc Giác Ngộ, là Đức Phật.

Chứng thành Phật quả

Hành trình tìm kiếm kéo dài sáu năm ròng rã đã kết thúc. Đó là một đêm trăng tròn. Mặt trăng dịu dàng phủ ánh bạc rạng rỡ khắp miền thôn quê, một ngày của tháng Vesak (tháng Năm). Đức Phật bấy giờ được 35 tuổi và trong bảy ngày đêm truy tìm sự Giác Ngộ, Ngài ngồi dưới tàng cây để chứng nghiệm hạnh phúc viên mãn mà Ngài đã đạt được. Cây này sau đó được gọi là cây Giác Ngộ hay cây Bồ Đề, và nơi Phật thành đạo gọi là Buddha Gaya. Ngài trải qua thêm sáu tuần thiền định bên cây Bồ Đề. Tương truyền rằng trọn một tuần lễ, Ngài đã nhìn cây chăm chú với tất cả lòng thành biết ơn vì đã che chở cho Ngài trong suốt thời gian tu tập.

Cuối tuần thứ bảy, Ngài quyết định sẽ truyền bá giáo pháp mà Ngài đã ngộ được. Ngài biết rằng Phật Pháp không dễ dàng để ai cũng có thể hiểu được ngay và ít thu hút đối với những người dân thường. Mặc dù vậy, Ngài tự thấy rằng đó là bổn phận của Ngài phải dấn thân vào việc truyền bá giáo pháp mà Ngài đã chứng ngộ, trước tiên là cho các bậc có đủ căn cơ có thể lãnh hội được thông điệp truyền đạt của Ngài. Nhưng các thầy dạy của Ngài đã qua đời. Rồi Ngài nhớ đến năm tu sĩ khổ hạnh đã rời bỏ Ngài. Ngài đi bộ nhiều ngày qua hơn 100 dặm, đến khu vườn Deer ở Isipatana, gần Benares, nơi năm tu sĩ khổ hạnh vẫn đang thực hiện hành xác.

Thấy Ngài từ đàng xa, họ quyết ngó lơ. Nhưng khi Đức Phật đến gần hơn, họ nhận ra rằng Ngài đã thay đổi hoàn toàn. Ngài rất uy nghi, oai vệ. Hào quang sáng rực xung quanh Ngài. Trước oai đức của Đức Phật, họ đến đảnh lễ chào Ngài và mời Ngài ngồi, rồi theo phong tục, khoát nước rửa chân cho Ngài. Tối đó, vào đêm trăng tròn của tháng Esala (tháng Bảy), Đức Phật đã thuyết bài Pháp đầu tiên. Ngài nói với năm tu sĩ khổ hạnh, “Này các tu sĩ, cuộc sống ẩn dật sẽ giúp tránh được hai trạng thái cực đoan. ‘Con đường trung đạo’, như ta đã hiểu và thực hành, sẽ cho ta tầm nhìn, tuệ giác và hướng đến Sự Giác Ngộ.”

Phật thuyết bài Pháp đầu tiên độ 5 tu sĩ

Sau đó Đức Phật đã giải thích cho họ về Bốn Chân Lý (Tứ Diệu Đế), là giáo lý chính yếu trong lời dạy của Ngài:

1. Sống là khổ, khổ vì ốm đau, tuổi già, cái chết, khổ vì phải xa lìa người thân yêu, và khổ vì muốn mà không được.

2. Căn nguyên của khổ là mong muốn hoặc khao khát xuất phát từ lòng tham và sự ích kỹ. Ta càng ham muốn, cuộc sống càng không làm ta thấy thỏa mãn.

3. Để diệt khổ, phải loại bỏ ham muốn. (Như ngọn lửa sẽ tắt khi ta không châm thêm dầu, vì vậy sự bất hạnh sẽ chấm dứt khi ta loại bỏ nguồn cơn khao khát).

4. Con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau là hành theo “Con đường trung đạo” hay “Bát Chánh Đạo”, tám pháp đó là:

– Chánh kiến (Hiểu biết chính xác)

– Chánh tư duy (Tư duy chân chính)

– Chánh ngữ (Phát ngôn chân chính)

– Chánh nghiệp (Hành vi chân chính)

– Chánh mạng (Mưu sinh chân chính)

– Chánh tinh tấn (Nỗ lực giữ tâm chân chính)

– Chánh niệm (Tâm niệm chân chính)

– Chánh định (Tâm linh thanh tịnh)

Năm tu sĩ khổ hạnh với khả năng lĩnh hội cao nên tiếp thu ngay được lời dạy của Ngài và trở thành những đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Sangha hay còn gọi là Tăng bảo bắt đầu được hình thành như vậy.

Phật dạy, “Này các Tăng sĩ, hãy tinh tấn. Hãy hướng dẫn Phật Pháp nhiệm mầu này. Những người vướng ít bụi trần sẽ hiểu được.”

Đức Phật cứu đàn hươu thóat chết

Chư Tăng bắt đầu lên đường hoằng truyền Phật Pháp. Bản thân Đức Phật cũng đi hết vùng này đến vùng khác để thuyết Pháp. Trong một chuyến đi đến làng Rajagaha, Ngài gặp một đàn hươu và thấy một chú hươu con đi khập khiểng. Đức Phật nâng nó lên và hỏi người chăn hươu đang đưa chúng đi đâu. “Những con hươu này là của Vua Bimbisara ( Tần Bà Sa la ). Chúng sẽ là vật tế cho ngọn lửa thiêng.” Đức Phật ẵm con hươu nhỏ, đi cùng người chăn hươu đến gặp nhà Vua: “Hỡi Đức Vua, giết những con vật vô tội là một hành vi tàn ác. Đó không phải là cách để đạt hạnh phúc.”

Ngài giải thích rằng sự sống là thiêng liêng. Như quyển “Ánh sáng Á châu” đã diễn đạt rất tinh tế:

“Mạng sống, đó là thứ mà mọi người có thể lấy đi nhưng không ai có thể trao tặng.

Mạng sống, đó là thứ mà mọi sinh vật đều yêu quí và cố giữ lấy.

Cuộc sống tuyệt vời, đáng quý và thỏa mãn sẽ đến với mọi vật.

Cho dù đó là vật thấp kém nhất…”

Nhà Vua và dân chúng đều nghe theo lời dạy và xin quy y Phật.

Khi Vua Suddhodana nghe tin con trai đang ở Rajagaha, Ông sai một sứ giả đến báo tin cho Đức Phật rằng ông đã già và mong ước được gặp lại con trước khi nhắm mắt. Vì vậy, Đức Phật và các đệ tử đã trở về Kapilavastu. Dân chúng hay tin mọi người đổ xô đến để được gặp lại Hoàng Tử yêu quý của họ.

Đã 7 năm trôi qua khi Ngài rời quê nhà. Trong cung, vua cha và hoàng tộc tiếp đón Ngài long trọng. Ngài đã thuyết Pháp và thuyết phục được tất cả quy y theo Phật, trừ Đức Vua.

Sáng hôm sau, theo lệ thường, Đức Phật đi đến từng nhà khất thực. Đức Vua rất đau khổ khi biết được việc này. “Làm sao mà Ngài có thể làm ta hổ thẹn đến như vậy? Ngài không thể dùng thức ăn trong cung được sao?”

“Khất thực là tục lệ của Như Lai.” Đức Phật trả lời.

Đức Vua hỏi: “Đó là tục lệ gì? Ngài không phải kẻ bần cùng mà là thuộc dòng dõi hoàng tộc. Ngài là Hoàng Tử.”

“Thưa Bệ Hạ, Ngài quả thực là dòng Đại vương nhưng Như Lai thuộc về dòng Phật. Các Tăng sĩ dòng Phật đều dùng thực phẩm từ khất thực.” Đức Phật nói.

Tuy nhiên, Ngài cũng nhượng bộ trước yêu cầu khẩn nài của Đức Vua và thọ trai tại hoàng cung trong thời gian lưu lại Kapilavastu.

Yasodhara sụp lạy dưới chân Phật

Đến thời điểm này, Đức Phật vẫn chưa gặp Yasodhara. Ngài đến thăm nàng và khi thấy Ngài, nàng sụp xuống chân Ngài khóc nức nở khiến Ngài phải mở lời an ủi động viên nàng.

Vào ngày thứ bảy chuyến viếng thăm Kapilavastu của Đức Phật, Yasodhara mặc đồ đẹp cho cậu con bảy tuổi tên Rahula ( La Hầu La ) và dẫn đến gặp Đức Phật.

“Vị tu sĩ với nước da ánh sắc vàng đó là cha của con, đây là cơ hội duy nhất của con, ông sỡ hữu một kho báu vĩ đại. Con hãy đến bên ông và xin ông cho con được thừa hưởng gia tài đó.” Nàng bảo con trai.

Rahula làm theo lời mẹ dạy. Đức Phật nghĩ: “Nó muốn được thừa kế. Nó nghĩ đến tiền bạc, châu báu, xe ngựa, vũ khí và của cải. Nhưng ta sẽ cho nó tài sản vĩ đại hơn cả. Ta sẽ chỉ cho nó Con Đường Đi Đến Giác Ngộ.”

Đức Phật độ Rahula

Ngài truyền đại đệ tử Sariputta ( Xá Lợi Phất ) độ cho Rahula thành tu sĩ. Khi nghe được điều này, Vua Suddhodana đau khổ đến bạch với Đức Phật một cách thành kính rằng Ngài không nên nhận một đứa trẻ xuất gia khi chưa có sự chấp thuận của gia đình. “Khi Ngài bỏ nhà ra đi mà không một lời từ biệt, ta đã rất đau lòng, vì vậy ta đã dồn tình yêu thương cho Rahula. Bây giờ Ngài lại đưa nó đi luôn.”

Đức Phật giảng về Chân lý mà Ngài đã ngộ được một cách bình dị và đầy thuyết phục nên vua cha nghe theo và rất nhiều hoàng thân cũng đã xuất gia trở thành Tăng sĩ.

Hoàng thân Devadatta, người anh họ và cũng là bạn cùng chơi thời niên thiếu của Đức Phật, ghen tức với Đức Phật và tìm đủ mọi cách giết Ngài để có thể thống lãnh Tăng đoàn. Một ngày kia khi Đức Phật đang ngồi thuyết Pháp, Devadatta đã lăn từ trên cao xuống một tảng đá to và nặng. Nhưng tảng đá đã vỡ làm đôi và rơi chệch xuống hai bên của Đức Phật. Một lần khác hắn bố trí con voi say Nalagiri tấn công Đức Phật. Con voi điên lồng lộn lao vào Ngài. Đức Phật đã dùng đạo lực để chế ngự và làm nó phủ phục dưới chân Ngài. Vào cuối đời, Devadatta thấy ăn năn và đến gặp Đức Phật xin ban cho sự thanh thản tinh thần. Ông ta quỳ gối trước Đức Phật xin được tha thứ và xin quy y theo Ngài.

Phật chế ngự voi Nalagiri

Phẩm hạnh của Ngài đã lan rộng khắp và tín đồ theo giáo pháp của Ngài thuộc tất cả mọi tầng lớp. Vua chúa, tầng lớp trí thức cũng như tầng lớp thấp kém và người nghèo đều quy y theo Ngài. Nhiều người đến với Ngài để xin lời khuyên và sự an ủi. Bà Kisagotami là một trong số đó. Khi đứa con đầu lòng chết, bà đã suy sụp trong nỗi sầu khổ khôn nguôi. Ngày đêm bà mang thi thể con gái đi lang thang khắp đường phố cầu khẩn phương thuốc làm cho con sống lại. Mọi người đều nghĩ rằng bà đã phát điên. Một nhà thông thái tốt bụng đã đưa bà đến gặp Đức Phật.

Đức Phật rất cảm thông với nỗi đau buồn của bà và chỉ bà đi tìm một vài hạt mù tạt. Nó thường được dùng làm thuốc và có sẵn rất dễ tìm. Kisagotami đã lấy lại được bình tâm khi gặp Đức Phật. “Nhưng nhớ rằng, những hạt này phải được lấy từ những nhà không có ai chết cả. Nếu ngươi lấy được một bụm tay đầy, ta sẽ cứu sống con ngươi.”

Kisagotami đi hết nhà này đến nhà khác, gia đình nọ đến gia đình kia nhưng tất cả đều trả lời, “Than ôi, nhà tôi có nhiều người đã chết,” hoặc “chồng tôi (hoặc cha tôi, mẹ tôi, chị tôi, v.v.) mới vừa qua đời.”

Bà đi cả thành phố mà không tìm ra được một nhà nào mà không có ai chết cả. Bà trở về gặp Đức Phật với nhận thức rằng điều mà người thầy vĩ đại muốn bà tự tìm ra … rằng cái chết không trừ người nào, ai ai rồi cũng phải chết cả. “Sự đau đớn đã làm con mù quáng.” Bà bạch Đức Phật.

Giờ đây, tâm trí bà đã được khai sáng để đón nhận lời dạy của Ngài.

“Vạn vật dù đang tồn tại hay sẽ hiện hữu, chắc chắn tất cả đều phải đi đến một kết cục chung như nhau là không còn tồn tại nữa. Cả thế giới này, chỉ có một quy luật là: Không điều gì tồn tại mãi mãi.”

Sau khi Vua cha Suddhodana băng hà không lâu, bà Prajapati Gotami, di mẫu của Đức Phật (em của Hoàng Hậu Maha Maya) đến gặp Ngài và xin Ngài cho bà được xuất gia theo Phật như cách mà Ngài đã ban cho nam giới lập thành Tăng đoàn, nhưng Đức Phật đã từ chối dù bà van nài đến ba lần.

Di mẫu Prajapati Gotami và các phụ nữ Sakyan xin xuất gia

Gotami không nản lòng, cùng với một số phụ nữ từ Kapilavastu, bà cắt tóc, quấn y vàng và đi theo Đức Phật đến Vesali, nơi ngự của Đức Phật. Khi đến nơi, trông họ thật thê thảm, chân bị bong nứt, chảy cả máu. Tôn giả Ananda, thị giả thân cận của Đức Phật, thấy Gotami thiết tha chờ đợi nên đến hỏi thăm bà. Sau khi nghe bà trần thuật lại sự việc, Tôn giả liền đến gặp Đức Phật và cuối cùng đã thuyết phục được Ngài thu nhận Gotami.

Mặc dù Đức Phật nhìn nhận rằng phụ nữ cũng có thể thẩm thấu được những lời dạy thâm sâu nhất của Ngài, nhưng lý do Ngài không muốn lập Ni đoàn là vì Ngài biết rằng với việc gia nhập của Ni đoàn thì sự tồn tại của chánh pháp sẽ bị giảm mất 500 năm. Do Gotami đã chăm sóc Ngài rất tận tụy từ khi Ngài còn trẻ nên Ngài đồng ý thu nhận Gotami và những phụ nữ Sakyan đi cùng với bà, nhưng ngài dạy rằng: “Ni đoàn sẽ không được hành xử ngang hàng với Tăng đoàn để bảo toàn giới luật.”

Đức Phật được 35 tuổi khi đạt thành Bậc Giác Ngộ và bất cứ nơi đâu khi Ngài đến, dân chúng đều nhóm họp lại để được gặp và nghe Ngài thuyết Pháp. Suốt 45 năm sau, đồng hành cùng Tăng đoàn của mình, Ngài đã đến miền Bắc và Đông Ấn để thuyết Pháp. Các quốc vương, giới quí tộc và các thương gia giàu có đều hào phóng cúng dường các tu viện và các khu vườn để Ngài cùng Tăng đoàn ngự và thuyết Pháp.

Về sau này, các tu viện trở thành nơi để học tập và truyền bá Phật Pháp khắp các nước châu Á như: Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Lào, Nê Pan, Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Ngày nay, đạo Phật trở thành tôn giáo của của hơn 500 triệu người trên thế giới. Sự thăng hoa văn hóa của các quốc gia Phật giáo phần lớn nhờ vào lời dạy của Ngài. Không vũ khí, không chiến tranh, không đổ máu ở các khu vực được truyền giáo. Thái bình được trải rộng khắp là nhờ vào lời dạy về tình thương, lòng từ bi và trí tuệ của ngài.

Đức Phật dạy Tăng đoàn của mình hướng đến một cuộc sống bình dị và thanh thản khi phụng sự cho bá tánh. Các Tăng sĩ có thể nhận thực phẩm, y phục, nơi trú ẩn và thuốc uống nhưng không được có nhà ở xa hoa hay nhiều tài sản. Đối với những ai theo giáo pháp của Ngài, lối sống của đạo Phật chính là cách rèn luyện để không còn ích kỷ và giải thoát khỏi thói tham lam thường tình.

Đức Phật thuyết bài pháp cuối cùng

Đức Phật tuổi đã cao và sắp nhập diệt. Khi gần đến Kusinara ( Câu Thi Na ), ngày nay thuộc Uttara Pradesh, Ngài lâm bệnh. Nằm dưới tàng cây trong vườn, Ngài dặn dò chư tăng đang hầu cận xung quanh:

“Mọi vật đều suy vong. Hãy lưu tâm điều này, sống chính trực và thận trọng. Hãy là ngọn đèn soi lối cho bản thân. Vô thường là đặc tính của vạn vật. Vì vậy, hãy nghiêm túc phấn đấu để đạt được sự giác ngộ hoàn thiện.” Đó là những lời dạy sau cùng của Đức Phật.

Đức Phật viên tịch ở tuổi tám mươi. Không sanh cũng không diệt.

Vào một ngày trăng tròn của tháng Vesak khi bóng tối yên bình và lặng lẽ bao trùm lên chim muông và thú vật, lễ hỏa táng Đức Phật được tổ chức với tất cả sự long trọng theo nghi thức hoàng gia. Xá lợi của Ngài được phân chia cho nhiều quốc gia Phật giáo để thờ cúng và là báu vật được bảo tồn mãi mãi.

Phật nhập Niết bàn