Bài viết “Bụt hay Phật?” phần 1 giới thiệu khung cảnh tổng quát về cách dùng các từ Bụt và Phật trong các ngôn ngữ Đông Nam Á. Ta có cơ sở rất vững chắc để kết luận rằng Bụt là dạng âm (thượng) cổ của Phật; Phật là âm Hán trung cổ nhập ngược (back-loan) vào tiếng Việt có hệ thống cũng như đa số các từ Hán Việt khác.
Các dạng (cổ) phục nguyên của âm Phật Hán Việt hay fú Bắc Kinh đều rất gần dạng *put hay *but : như theo các GS Axel Schuessler (“ABC Etymological Dictionary of Old Chinese” 2007), William Baxter (*pjut, 1992), E. G. Pulleyblank (EMC, 1991), W. South Coblin (ONWC) … Phần này đi sâu vào nguồn gốc và cách dùng chữ Phật và đưa ra các dữ kiện ngôn ngữ dẫn đến khả năng từ Bụt đã nhập vào tiếng Hán (cổ) từ phương Nam và do đó từ Phật là kết quả nhập ngược lại cũng như tên gọi 12 con giáp chẳng hạn. Nên nhắc lại ở đây là khả năng ký âm (chỉ là gần đúng) của tiếng Hán, như phất 弗 dùng để ghi âm Phạn Sariputra शारिपुत्र (Phạn Nam/Pali là Sariputta, Phất/putra nghĩa tiếng Phạn là con trai) Xá Lị Phất 舍利弗 cũng như Buddha बुद्ध là Phật Đà 佛陀. Gần đây hơn là cụm từ Phật Lăng : phiên âm (đơn âm hoá) từ đồng Franc của Pháp – so với cách phiên âm của Trung Quốc là Pháp Lang 法郎. Vì ảnh hưởng của các tài liệu rất phong phú bằng chữ Hán, cũng như từ khi văn hoá Trung Quốc khởi sắc từ thời Tần Hán … Đường Tống, ảnh hưởng phương Bắc rất đậm nét trong ngôn ngữ văn hoá Việt Nam và làm ảnh hưởng của phương Nam càng ngày càng lu mờ dần, dù vô tình hay cố ý. Tuy nhiên, vết tích của ngôn ngữ phương Nam không vì thế mà biến mất hoàn toàn, vấn đề là ta phải chịu khó tìm kiếm và gạn lọc các dữ kiện này – hiện tượng ‘nghịch lý’ này hàm chứa phần nào trong ca dao tục ngữ như
Ngàn năm bia đá thì mòn
Trăm năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
Chúng ta hãy xem qua vết tích của Bụt hay Phật trong văn hoá dân gian, rồi đi vào chi tiết qua các dữ kiện ngôn ngữ cho thấy khả năng của từ Bụt có thể đã xuất phát ở phương Nam, sau đó du nhập Trung Quốc vào thời bình minh của đạo Phật. Dù biết rằng y nghĩa bất y ngữ, và không chẳng khác sắc, sắc tức là không – phần này ghi nhận vài suy nghĩ (chấp ngã) về hiện tượng Bụt-Phật trong tiếng Việt – cho thấy đóng góp của tổ tiên ta vào văn hoá tín ngưỡng Á Đông mà ít người nhận ra. Nhìn về quá khứ, hình ảnh của đức Phật luôn ẩn hiện trong kho tàng truyện (cổ) dân gian Việt Nam như sau.
1. Tấm Cám
Tấm(1) mồ côi cha, ở chung với dì ghẻ và bị con riêng là Cám cùng bà bạc đãi. Nhờ Bụt giúp nên Tấm đã vượt qua nhiều chướng ngại để trở thành hoàng hậu, dù trải qua bao nhiêu kiếp (mắm, chim vàng anh, cây xoan đào, cái khung cửi, cây thị) nhưng về sau vẫn chung sống hạnh phúc bên vua. Hai mẹ con Cám phải lãnh hậu quả tàn khốc là chết trong đau khổ …v.v…
2. Chử Đồng Tử
Chử Đồng Tử(2) chịu bao khổ cực trong đời sống để rồi về sau lấy được công chúa Tiên Dung của vua Hùng đời thứ ba. Trong lúc giàu sang, Chử Đồng Tử đã tìm tới đạo Phật (sư Phật Quang) và cùng vợ giác ngộ bỏ việc mua bán …
3. Man Nương Phật Mẫu
Man Nương Phật Mẫu theo học đạo với sư Khâu Đà La (cùng đến Luy Lâu với sư Ma Ha Kỳ Vực, nhưng ở lại chứ không đi Trung Quốc), về sau được phép thần thông cứu đời độ thế. Quan thái thú Sĩ Nhiếp rất nể sợ và cho tạc tượng Tứ Pháp là Pháp Vân – Pháp Vũ – Pháp Lôi – Pháp Điện tượng trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp để thờ. Bốn pho tượng Tứ Pháp được thờ ở bốn chùa Dâu, Đậu, Tướng, Dàn ở Thuận Thành, Bắc Ninh … Xem thêm chi tiết trên trang web
4. Truyện Kiều
Có lẽ không có một tác phẩm nào lại có nhiều phê bình và tranh luận như truyện Kiều; Điều rõ nét nhất là ảnh hưởng của Phật giáo trong truyện Kiều : ác giả ác báo vậy (thuyết nhân quả). Tại sao Kim Vân Kiều truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân nhà Thanh, nguồn chính chữ Hán của truyện Kiều, không phổ thông ở Trung Quốc mà lại rất được ưa chuộng bằng chữ Nôm ở Việt Nam? Tại sao lại có tục bói Kiều? … Có thể nói lên điều gì về ảnh hưởng của Phật giáo trong tiềm thức của dân tộc Việt Nam chăng? Đây là những vấn đề thú vị không nằm trong phạm vi phần này. Dù có trải qua một cuộc bể dâu, hình ảnh Bụt vẫn ’hiện’ ra lúc cần thiết để cứu độ chúng sinh, lòng Bụt luôn mở rộng để xoa dịu các nỗi khổ đau khắc nghiệt trong cuộc sống
Rỉ tai mới kể sự lòng
Ở đây cửa Phật là không hẹp gì (Kiều, câu 2075, 2076)
…v.v…
Không những hiện diện trong truyền thuyết dân gian, như vài thí dụ ở trên, Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam vào đầu công nguyên như ghi nhận trong các tài liệu còn để lại.
5. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (phần Ngoại Kỷ) thì
” …Anh em ông (Sĩ Nhiếp) làm quan coi quận, hùng trưởng một châu, ở lánh ngoài muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ (Thiên Trúc, Ấn Độ) đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo hầu, người đương thời ai cũng quý trọng, các man di đều sợ phục, dẫu Úy Đà (Triệu Đà) cũng không hơn được …”. Rõ ràng cho thấy vào thế kỷ II đã có nhiều giao lưu với tăng sĩ Ấn Độ và chắc chắn phải để lại những vết tích trong ngôn ngữ qua quá trình truyền bá đạo Phật.
6. Thiền Uyển Tập Anh
Theo Thiền Uyển Tập Anh, ghi lời bàn của quốc sư Thông Biện dẫn lời sư Đàm Thiên (542-607) :
“Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ Tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào lúc ấy, thì đã có Khâu ni danh, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó. Nay lại có Pháp Hiển thượng sĩ, đắc pháp với Tì-ni-đa-lưu-chi, truyền tông phái của tam tố, là người trong làng Bồ-Tát, đang ở chùa Chúng Thiện dạy dỗ học trò. Trong lớp học đó không dưới 300 người, cùng với Trung Quốc không khác. Bệ hạ là cha lành của thiên hạ, muốn bố thí một cách bình đẳng, thì chỉ riêng khiến sứ đưa Xá lợi đến, vì nơi ấy đã có người, không cần đến dạy dỗ.”
Năm 189 CN: Lý Hoặc Luận, tác phẩm về đạo Phật bằng chữ Hán đầu tiên được Mâu Tử viết tại Giao Chỉ …
Năm 247 CN: Khương Tăng Hội là thiền sư người Việt đầu tiên sang Đông Ngô truyền đạo …v.v… Người đọc có thể xem thêm chi tiết trong “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận”, tác giả Nguyễn Lang hay “Tổng tập Phật Giáo Việt Nam”, tác giả Lê Mạnh Thát hay “Phật Học Tinh Hoa” Thích Đức Nhuận – NXB Phật Học Viện Quốc Tế – California (1983), “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” Nguyễn Tài Thư (Chủ biên) – NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội, 1991) …v.v…
Tham khảo các chi tiết về Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam trên mạng
Các lý luận về khả năng đạo Phật nguyên thuỷ tới Việt Nam từ đường biển (không phải từ TQ) đã được nhắc đến trong các tài liệu trên, do đó phần này chỉ chú trọng đến ngôn ngữ qua hiện tượng Bụt Phật mà thôi.
- Các con đường truyền bá của Phật giáo
Các con đường truyền bá của Phật giáo (trích từ vi.wkipedia)
Theo tác giả Tâm Hà Lê Công Đa(3) thì thời vua A Dục/Asoka अशोक (thế kỷ III TCN) đã có tăng sĩ đến Việt Nam truyền đạo; Nay tại Hải Phòng còn tháp ghi lại sự tích này. Các học giả Trung Quốc cũng đã đặt vấn đề về các con đường truyền bá đạo Phật, như có thể từ đường biển như trong tạp chí Lịch Sử Nghiên Cứu 1995 (2) : 20-39, hai học giả Ngô Đình Cầu 吴廷璆 và Trịnh Bành Niên 鄭彭 年 đưa ra các bằng chứng để đi đến kết luận rằng đạo Phật nguyên thuỷ đến Trung quốc bằng đường biển qua bài viết “Phật giáo hải thượng truyền nhập Trung Quốc chi nghiên cứu”; Tóm tắt lý luận của hai học giả này là (a) đường biển đã có nhiều hoạt động truyền bá đạo Phật trước đường bộ (b) các hình tượng, đồ vật (liên hệ đến đạo Phật) khai quật ở nam Trung Quốc và các vùng biển tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây có niên đại rất sớm so với ở các vùng phía tây TQ (c) cách dùng cụm từ Phù Đồ, phiên âm tiếng Phạn Buddha, có tính chất địa phương so với từ đơn tiết Phật (d) ảnh hưởng rõ nét của môn phái Nam Tông/Hinayana (còn gọi là Phật giáo nguyên thuỷ) so với Bắc Tông (Đại Thừa/Mahayana) đến từ đường bộ qua Trung Á (e) các tài liệu khả tín cho thấy đạo Phật truyền qua đường bộ Trung Á xẩy ra sau khi các trung tâm truyền bá đạo Phật như Lạc Dương đã phát triển mạnh mẽ … Học giả Quý Tiễn Lâm 季羨林 trong bài viết “Phật Đồ dữ Phật” (1957) cũng phân tách các cách dùng từ phiên âm song tiết Phật Đồ và Phật từ các ngã đường nhập vào Trung quốc rất khác nhau để cho rằng từ đơn tiết Phật đến từ ngôn ngữ Hồi Hột (Urghur) như đã nhắc đến trong phần 1. Xem các chi tiết tranh luận trong bài viết của Rong Xinjiang. Nhưng có thể Phật đến Trung Quốc từ phương Nam thay vì phương Tây (Trung Á) hay phương Đông như trên?
7. Vết tích trong ngôn ngữ
Lướt qua các truyền thuyết và lịch sử Phật giáo ở Việt Nam, một điều rõ nét là đạo Phật đã hiện diện ít nhất là từ đầu công nguyên. Như vậy chắc phải để lại vài vết tích nào đó trong ngôn ngữ chúng ta?
Buddha – buộc – Bụt
Hãy nhìn lại vốn từ căn bản của tiếng Việt, hay cụ thể hơn là các từ diễn tả những hoạt động nông nghiệp cổ truyền của dân ta : trong đó phải có hoạt động bó hay bọc (lúa, rạ) lại. Các động từ trói, cột, quấn, buộc, bọc … đều có một mục đích như nhau là giữ đối tượng lại và không được tự do. Trong các dạng động từ trên thì buộc rất đáng chú ý. Các dạng buộc rất thường gặp trong ngôn ngữ Đông Nam Á như:
Buộc (Việt); puôc (Mường Bi)(4): puôc lòng (buộc lòng), Nả phái puôc thỗi là ăn lỗm (nó bị buộc tội là ăn trộm); Laich mềm puôc chăt (lạt mềm buộc chặt)
Phục/pục (Nùng): pắt pục (bắt buộc)
โพก phohkF (tiếng Thái, buộc vải quanh đầu); pục, bục (Lào)
puôt (tiếng Môn); puột (Stiêng); puoth, kr-buôch, ch-buôch (Khme); Buôk (Aslian)(5); bukkhì (Nahali); t-buk, p-buk, buôk (Chàm/Chăm); pyuôk (Wa); puk (Nicobar).
Phọc/phược Hán Việt 縛 (phồn thể) 缚 (giản thể): giọng Bắc Kinh/BK bây giờ là fú, giọng Quảng Đông : bok3 fok3 bok6 so với Đài Loan đọc là pak8 – các giọng khác là:
客家話:[海陸豐腔] piok8 [客英字典] piok8 [台灣四縣腔] piok8 [梅縣腔] piok7 [客語拼音字彙] piog6 [東莞腔] bok7 [寶安腔] bong3
Khách Gia thoại :[ Hải Lục Phong Khang ] piok8 [ Khách Anh tự điển ] piok8 [Đài Loan Tứ Huyền Khang ] piok8 [ Mai Huyền Khang ] piok7 [ Khách ngữ bính âm tự vị ] piog6 [Đông Hoàn Khang ] bok7 [ Bảo An Khang ] bong3
Các từ trong tiếng Hán hiện đại dùng để chỉ buộc là hệ 系 (xì, jì BK), khổn 捆 (kun3 BK), kết 結 (jié BK), thuyên 拴 (shuan1 BK), trát 扎 hay 札 (za1 BK), bảng 綁 (bang3 BK)… chứ ít thấy dùng từ phọc hay phược 縛 của phương Nam(6). Một chữ hiếm gặp là phất 紼 nghĩa là dây thừng (để buộc quan tài) theo Thuyết Văn Giải Tự thì :
亂系也。從糸弗聲 (Loạn hệ dã. Tòng mịch phất thanh)
Do đó phất 紼 đọc như Phật thời Hứa Thận (Đông Hán), và có nghĩa là dây nhợ … Ngọc Thiên còn ghi một dị thể của phất 紼 là 綍 rõ ràng cho thấy âm bột (Bụt). Ngoài ra, các chữ hiếm khác đọc như phật (phất) thời Đông Hán như phất 紱 (dây thao buộc ấn) còn viết là 韍; Phất 巿 (một bộ thủ riêng biệt trong Thuyết Văn Giải Tự) là dây đeo lưng cho quan phục, lễ phục thời xưa … đều có thể là vết tích của âm thượng cổ buộc. Có thể đây là các vết tích giao lưu ngôn ngữ thời cổ đại của dân tộc Việt và Hán – như trường hợp chữ Hán giang 江 là sông chẳng hạn, từng đọc là *kong (Thuyết Văn : 从水工聲 tùng thuỷ công thanh) so với dạng cổ phục nguyên của sông là *krong.
Chữ Bụt ghi bằng bột khá rõ nét trong các tài liệu chữ Nôm xưa như Phú Dạy Con (Mạc Đỉnh Chi 1280-1350), Cư Trần Lạc Đạo (vua Trần Nhân Tông 1258 – 1308), Vịnh Vân Yên Tự (Hoà Thượng Huyền Quang, 1300) … Cho tới thời tự điển Việt Bồ La (Alexandre de Rhodes, 1651) vẫn còn thông dụng như chữ Phật, nhưng càng ngày càng ít dùng đi và thay bằng chữ Phật (trích phần 1). Tam Thiên Tự và Ngũ Thiên Tự cũng dùng 孛 bột (Bụt) chỉ Phật, và liên hệ hai âm Bột, phất đã có từ thời Xuân Thu (nghĩa là sao chổi, không liên hệ gì đến dây buộc) (trích Khang Hy, khảo về chữ bột 孛)
[申須曰】彗,所以除舊布新也。或作茀,敷勿切 [Thân Tu viết] : tuệ, sơ dĩ trừ cựu bố tân dã . Dịch tác phất(Thân Tu hay Thân Nhu 申繻 là đại thần nước Lỗ)
Nhìn lại các cách phiên âm của Buddha (từ phần 1) : Bất Đắc 不得 , Bộ Đa 部多 , Bộ Đà 部陀 , Bột Đà 勃 陀/勃 馱/馞 陀 , Bộ Tha 步 他 , Hưu Đồ 休 屠 , Mẫu Đà 母 陀 , Một Đà 沒 馱/没陀 , Phật Đà 佛陀/佛 馱 , Mẫu đà 母陀 , Phật 佛 , Yêu 仸 , Phật Đồ 佛圖 , Phí Đà 沸 馱 , Phù Đà 浮 陀 , Phù Đầu 浮 頭 , Phù Đồ 浮 屠/浮 圖 , Phù Tháp 浮 塔 , Phục Đậu 復豆 , Vật Tha 物 他 , Vô Đà 毋陀 …; Ta thấy các dạng Hưu Đồ và Yêu là khác hẳn vì không có phụ âm đầu môi (môi môi hay môi răng). So với cách phát âm Bụt của Mân Việt (Hẹ, Triều Châu, Đài Loan) và Nhật, ta thấy có khuynh hướng hầu hoá (glottalisation) b/p > h ; Thành ra các dạng Hưu Đồ, Yêu (và hug8, hot-, hut8 …) chính là vết tích của các giọng địa phương(6) hay cách đọc trại đi của âm Phạn Buddha. Trường hợp phiên âm khác nhau tuỳ địa phương xẩy ra gần đây với cách ký âm tên Tổng Thống Mỹ đương thời Barack Obama : Trung Hoa lục địa ghi là 奥巴马 / 奧巴馬 Àobāmǎ (Áo Ba Mã) so với Đài Loan ghi là 欧巴马 / 歐巴馬 Ōubāmǎ (Âu Ba Mã). Tóm lại, các dạng phiên âm trên bao gồm một số âm đọc địa phương (yếu tố không gian) kể cả một số âm cổ hơn của Phật (yếu tố thời gian). Theo thiển ý và dựa vào cấu trúc hài thanh (đa số) của chữ Hán như các chữ phiên âm Buddha (tiếng Phạn) trong tiếng Hán, cũng như tính chất phân bố của dạng buộc trong các ngôn ngữ phương Nam : ta có cơ sở để liên hệ âm Bụt đến tiếng Việt (Cổ) *biuk (buộc); Dạng này nhập vào tiếng Hán (Cổ) thành bất, bột … và sau này thành Phật (âm trung cổ) và nhập ngược vào tiếng Việt như đa số các từ Hán Việt khác. Nhưng tại sao có nhiều âm phù gần như Bụt như bộ, bột, phù … mà chỉ có dạng Phất 弗 là còn tồn tại? Theo cách diễn dịch chữ Phật 佛 của ngài Huyền Trang(7) thì bộ nhân 人 chỉ người, phất 弗 là không, hàm ý Tánh Không (hay Không Tánh 空 性, dịch nghĩa tiếng Phạn Śūnyatā, शून्यता) của đạo Phật. Phật tổ ngộ được Tánh Không nên thành Phật. Nhưng theo người viết đã ghi nhận bên trên về thành phần hài thanh buộc – Bụt của phương Nam, ý nghĩa của chữ Phật 佛 có thể được hiểu như sau :
Phật cũng là người như mọi người bình thường khác (phản ánh qua bộ nhân)
con người luôn luôn chịu nhiều điều ràng BUỘC, phản ánh qua Khổ Đề (duh-kha दुःख) trong Tứ Diệu Đề, rõ nhất là Tam Phọc (ba điều ràng buộc, còn gọi là Tam Căn, Tam Độc, Tam Chướng …); Ý thức được các dây nhợ ràng buộc con người (Tập Đề) và tìm cách hay những con đường giải thoát (Diệt Đề, Đạo Đề) dẫn đến Bát Nhã (般若 dịch từ Phạn ngữ prajna प्रज्ञा) : đây chính là hạnh bồ đề (菩提 phiên âm Phạn ngữ bodhi बोधि) của bậc giác ngộ vậy. Người đã giải thoát khỏi các ràng buộc thì trở thành bậc A-La-Hán (阿羅漢: tiếng Phạn Arahant hay Arhat अर्हत्) – một khái niệm cốt lõi của Tiểu Thừa (Phật giáo nguyên thuỷ). Nếu không hiểu được chữ buộc đi kế con người (bộ nhân) thì ta vẫn còn trong giai đoạn vô minh (無明 dịch nghĩa tiếng Phạn avidya अविद्या), yếu tố đầu tiên trong 12 nhân duyên. Tóm lại, buộc có thể vừa là ký âm của Buddh- (vần đầu của Buddha) và vừa hàm ý rất sâu sắc của nhà Phật, một dấu ấn thâm thuý của tiếng Việt (Cổ) qua môi trường truyền bá đạo Phật của chữ Hán (Cổ). Nguồn gốc hình thành chữ phất trong tiếng Hán hỗ trợ cũng cho nhận xét trên – sau đây là các nét khắc/viết của chữ phất trong giáp văn, kim văn và chữ triện :
Xem thêm chi tiết trên mạng của tác giả Richard Sears (cập nhật 2008)
Các hình vẽ hay khắc trong giáp văn, kim văn và triện văn đều cho ta thấy dùng dây buộc hai thanh (gỗ?) với nhau. Hiểu xa hơn nữa : hai thanh gỗ đã bị nhập chung lại (phải ’ở’ chung với nhau) và không còn trạng thái ’tự do’ như trước … Như vậy nghĩa BUỘC nguyên thuỷ đã thay đổi nghĩa phần nào (thành ra chẳng, trừ) trong tiếng Hán. Phất theo Thuyết Văn là 橋也 kiệu dã (uốn nắn cho ngay) – thật ra không khác với buộc (cột lại cho ngay) cho lắm. Các cách dùng của phất trong các tài liệu cổ Trung Quốc đều có nghĩa là chẳng (không, phủ định) như :
[論語·八佾]: 子謂冉有曰:“女弗能救與?”[ Luận Ngữ – Bát Dật ]: tử vị nhiễm hữu viết : ” nữ phất năng cứu dữ ? ” [爾雅·釋詁]: 乂,亂,靖,神,弗,淈,治也。[Nhĩ Nhã – Thích Cổ]: nghệ , loạn , tĩnh , thần , phất , cốt , trì dã .…v.v…
Tiếng Việt thật ra vẫn còn vết tích của nghĩa phủ định của buộc qua các cách dùng như :
(Mường Bi)(4) Chăng cỏ tiền, puôc lòng phái lễ mở cả nhó nì đã
(Việt) Không có tiền nên buộc lòng phải lấy mớ cá nhỏ này
Câu trên còn hàm ý là KHÔNG muốn lấy mớ cá nhỏ, với phạm trù nghĩa mở rộng từ cụ thể (buộc dây) đến trừu tượng (ngược lại với ý mình). Như vậy BUỘC tiếng Việt thật là phong phú, và không phải ngẫu nhiên mà lại dùng chung với nhà Phật qua câu tục ngữ :
Của người (thì) bồ tát, của mình (thì) lạt buộc
Chính vì ý thức được sự ràng BUỘC mà ta đi đến sự CỞI (CỔI) bỏ các dây liên hệ này : CỞI là âm cổ của giải 解, hay giải thoát (moksh-a मोक्ष )- một mục đích quan trọng trong Phật giáo để đạt được Niết Bàn (nirvana निर्वाण) – trạng thái tinh thần hoàn toàn tự do không bị ràng buộc …. Mối dây ràng buộc (như hình khắc của các chữ Phất nguyên thuỷ) còn tạo ra cái tôi, cái bản ngã (nhấn mạnh lần nữa qua bộ nhân đứng trước chữ phất) gây nhiều phiền luỵ, thành ra hiểu được mối tương tác này thì có thể hiểu được chân ngã hay vô ngã (anatman अनात्मन्) mà cởi nó ra (giải thoát). Các từ buộc và cởi đều rất gần gũi với con người, rất cụ thể của nền nông nghiệp phương Nam so với thuyết lý trừu tượng như Tánh Không mà sư Huyền Trang đã dẫn giải. Điều này còn nói lên hiện sự kiện Phật Tổ ra đời, sống và đắc đạo như một người bình thường chứ không phải đi tìm đến các tà thuyết rất xa lạ với con người cũng như là ngoại đạo vậy. Để nói lên tánh không(8) (phủ định) thì đã có các dạng phiên âm của buddha là Vô Đà 毋陀 hay Một Đà 没陀, tại sao dạng Phật lại phổ thông hơn hết? Có thể là nghĩa nguyên thuỷ (ràng) BUỘC khi làm con người (bộ nhân) của phương Nam rất gần gũi với thời kỳ hình thành chữ/ âm BỤT và do đó đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu – âm BUỘC đã nghiễm nhiên trở nên thông dụng và trường tồn qua môi trường chuyên chở và truyền bá đạo Phật của chữ Hán, loại chữ có sẵn và trên đà phát triển ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc thời đầu công nguyên.
Tóm lại, qua các dạng của động từ căn bản buộc trong tiếng Việt và láng giềng, ta có cơ sở để thành lập liên hệ buộc và âm Phạn Budh- (gốc của từ Buddha Phật Đà). Nhờ vào chữ Hán, môi trường chính chuyên chở và truyền bá đạo Phật vào thời sơ khai, cũng hỗ trợ cho cách dùng chữ buộc phương Nam qua cấu trúc của chữ Phật 佛; Cùng với các chữ hiếm phất/phật (âm cổ là *but, hay buộc) hàm ý trong các chữ này – những dữ kiện này cho thấy ảnh hưởng rất sâu sắc của phương Nam khi đạo Phật còn phôi thai ở Đông Nam Á và do đó dạng 佛 vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Người viết xin mượn lời của vua Trần Nhân Tông ’ … Bụt ở cung nhà, chẳng phải tìm xa …’ (hội thứ năm, “Cư Trần Lạc Đạo”) để kết luận phần 2 loạt bài này.
8. Phụ chú và phê bình thêm
Có hai hiện tượng khá lắt léo đáng được tóm tắt để người đọc dễ thông cảm với bài viết nhỏ này : đó là hiện tượng nhập ngược và hiện tượng đổi chữ (và nghĩa). Hiện tượng nhập ngược lại (back-loan) trong quá trình giao lưu văn hoá như Bụt-Phật, tên 12 con giáp (gốc Việt cổ) trong tiếng Việt không phải là hiếm – nhất là khi các dân tộc sống gần nhau qua một thời gian rất dài; Một thí dụ gần đây hơn và thường được nhắc đến đã xẩy ra vào thế kỷ 20 khi Nhật Bản du nhập văn minh Tây phương và dùng một số từ gốc Hán, sau đó các từ này nhập ngược lại tiếng Hán và sau đó nhập vào tiếng Việt
Xí nghiệp (HV) | 企業 qi4 ye4 (Bắc Kinh) | kigyō (Nhật) |
Điện tử | 電子 dian4 zi3 | denshi |
Nguyên tử | 原子 yuan2 zi3 | genshi |
Thị trường | 市場 shi4 chang3 | shijō |
Khoa học | 科學 ke1 xue2 | kagaku |
Hàng Không Mẫu Hạm | 航空母艦 hang2 kong1 mu3 jian4 | kookuubokan |
…v.v…
Hiện tượng đổi chữ (và nghĩa) thường xẩy ra khi âm gốc từ tiếng nước ngoài nhập vào mà người bản xứ không biết rõ nghĩa (vô tình) hay cố tình đổi cho hợp với ngôn ngữ của mình. Thí dụ như trường hợp của tên gọi 12 con giáp chẳng hạn, dễ nhận ra nhất là chi thứ tư Mão Mẹo (mèo) – người Trung Hoa, với chữ viết có sẵn (chữ Hán), đã đổi thành ra thố hay thỏ 兔 (thêm 1 nét nhỏ vào chữ mãn/miễn 免). Mãn đã từng là con mèo trong trong tiếng Việt! Xem thêm chi tiết bài viết liên quan trên mạng. Hiện tượng đổi chữ (và nghĩa) cũng có thể xẩy ra trong trường hợp chữ Phật 佛 : có người đã hiểu bộ nhân hợp với chữ phất (chẳng, không) là Phật (Tổ) không phải là người thường … Mà hoàn toàn không để ý đến cấu trúc hài thanh (dùng để phiên âm) của đa số chữ Hán – một chức năng cơ bản của chữ viết loài người.
(1) xem thêm chi tiết truyện Tấm Cám trên mạng
(2) xem thêm chi tiết về Chử Đồng Tử trên mạng
(3) trích từ bài viết “Introduction to BUDDHISM IN VIET NAM &VIETNAMESE ZEN” xem trên mạng
(4) trích “Từ điển Mường-Việt” Nguyễn Văn Khang (Chủ Biên), Bùi Chỉ – Hoàng Văn Hành – NXB Văn Hoá Dân Tộc (Hà Nội, 2002)
(5) dựa vào “Tự Điển Đồng Nguyên Việt & Đông Nam Á” Nguyễn Hy Vọng (California, 2006)
(6) 袱 phục HV, fú BK so với âm fuk6 (Quảng Đông) hok8 (Hẹ, Mân Việt) âm cổ hơn là bọc còn duy trì trong tiếng Việt – theo Khang Hy : [ 字彙】房六切,音伏。包袱 [Tự Vị ] phòng lục thiết , âm phục . Bao phục. Tiếng Việt không dùng từ ghép bao phục (danh từ) để chỉ cái bọc (bao 包 là từ Hán Việt, gốc Hán-Tạng); Bao bọc nghĩa mở rộng để chỉ che chở, bênh vực … Để ý dạng hok8 của Mân Việt (Hẹ, Triều Châu, Đài Loan …) so với pok (Hàn), fuku, fukusa (Nhật).
(7) trích từ Thư Viện Phật Giáo Hoa Sen, Diễn Đàn Phật Pháp – xem chi tiết bài viết trên mạng (tác giả Phan Mạnh Lương)
“ … Ðối với người Việt chúng ta ngày nay, ngoại trừ lớp cao niên còn quen thuộc với chữ Hán, nhiều người nhất là lớp trẻ đã đọc và viết theo vần La Tinh không biết chữ Phật viết theo lối chữ Hán như thế nào. Từ Phật 佛, theo cách viết chữ Hán, gồm có hai vế: bên trái là bộ “Nhân”人 , bên phải là chữ “Phất” 弗.
Dùng pháp chiết tự để dẫn giải, bộ Nhân ở bên trái có nghĩa là “Người”.
Chữ Phất ở vế thứ hai, có nghĩa là “Không”, là chẳng được; theo thuật ngữ Phật giáo đó là Tánh Không.
Ghép cả hai vế lại với nhau, Phật nghĩa là Người Ngộ Tánh Không.
Diễn giải một cách toàn diện hơn bao gồm cả hai vế, khi nhìn thấy danh từ “Phật”, nó nhắc nhở người Phật tử, hay những ai biết chữ Hán, những điều nhận thức rất căn cốt và thâm diệu sau đây:
Phật là một con người như tất cả mọi người.
Vì cũng là con người cho nên Phật với chúng ta đều bình đẳng.
Phật không phải là Tiên, Thánh hay Thần và nhất thiết không phải là một Thượng Ðế “Toàn Năng” như của bất kỳ tôn giáo độc thần nào có quyền ban ơn giáng họa mà người ta gán cho Thượng Ðế này.
Mỗi người và mọi người đều có khả năng thành Phật, chứ Phật chẳng dành riêng cho ai.
Muốn thành Phật thì phải tu hành và ngộ được Tánh Không, chưa ngộ Tánh Không thì chưa thành Phật.
Tánh Không phải tu hành mới đạt được chứ không thể cầu xin hay do ai ban cho.
Tánh Không là Phật Tánh….”
Người viết vẫn còn tra cứu thêm về nguồn gốc và thời điểm (tài liệu chữ Hán) của cách giải thích trên của ngài Huyền Trang cho thêm phần chính xác. Một điểm đáng nêu lên ở đây là tại sao Hán ngữ có thể dùng Không Tánh 空 性 cũng tương đương với Tánh Không 性 空 ? (thứ tự chữ ngược cũng được so với tiếng Việt). Cũng nên nhắc lại ở đây về lý thuyết phiên dịch của ngài Huyền Trang – ngài đã nhận ra được các trục trặc khi phiên dịch kinh Phật từ khác ‘hướng’ khác nhau – nên ngài đề nghị 5 điều cấm kỵ (không thể dịch được/Five Untranslatables, hay nên phiên âm trực tiếp) là :
7.1 Dharani 陀羅尼 (Đà La Ni, hay Đà La Na, Đà Lân Ni …) nghe giáo pháp mà giữ lại lời bí mật, chân ngôn, thần chú; Các cách dịch nghĩa là trì, tổng trì, năng trì, năng già …
7.2 Đồng âm dị nghĩa như Bhaga 薄伽 (Bạc Già, Bạc Ca): có nhiều nghĩa như dễ chịu, tên, may mắn, tôn trọng … Như trong cụm từ Bạc Ca Phạm (Bhagavat), một trong 10 danh hiệu của đức Phật, dịch là Thế Tôn; Cũng có thể là tên thần trong Ấn Độ giáo …v.v… An Thế Cao (thế kỷ II) từng dịch Bhagavat là Phật (Buddha), nhưng HT lại dịch là Bạc Già Phạn 薄 伽 梵 chính xác hơn (xem bài viết của Jan Nattier, nguồn trích bên dưới).
7.3 Không có ở Trung Quốc như cây Jambu 閻浮樹 (Diêm Phù thụ, hay Diệm thụ, nay gọi là Thiệm Bộ) – tiếng Phạn (Sanskrit) và Phạn Nam (Pali) đều là jambu. Jambudvipa là lục địa có nhiều Diêm Phù thụ trong kinh cổ; Ấn Độ bây giờ có rất nhiều cây Jambu – nơi thường trú của tăng sỹ (lấy bóng râm, theo Du Già Luận Kí) – cũng là nơi Thái Tử Tất Đạt Đa từ bỏ địa vị để xuất gia và về sau trở thành Phật Tổ.
7.4 Không tôn trọng quá khứ như tên anuttara-samyak-sambodhi đã từng phiên âm là Anouputi 阿耨菩提 (A Nậu Bồ Đề) so với A-Nậu đa-la tam-điểu tam-bồ-đề, Vô thượng chính biến tri, Vô thượng chính biến đạo, Chân chính biến tri, Vô thượng chính đẳng …
7.5 Khuyến khích lòng tôn kính và ‘ngay thẳng’ như Prajna 般若 (Bát nhã) thay vì dịch ra là Trí Tuệ (智慧) hay Tuệ Minh …v.v…
Xem thêm chi tiết trên mạng về các lý thuyết phiên dịch qua tiếng Hán
Chính học giả Lê Quý Đôn (1726-1784) cũng đã nhận ra rằng ’… Kinh nhà Phật có Kinh, Luật, Luận và Tam Tạng. Từ Hán về sau, đời nào cũng có phiên dịch, tưởng cũng chưa được đúng, vì thanh điệu không thông. Nhà sư Huyền Trang, triều Đường, dịch kinh Phật. Vua Cao tông hạ chiếu cho đại thần xem lại những bản dịch ấy, nếu thấy chỗ nào chưa ổn, thì cho tuỳ ý sửa chữa. Thế thì Phạn bại (các bài tụng kinh Phật) đời Đường có phải đều là lời của Đại Hùng Thị (một danh hiệu của đức Phật Tổ) đâu? …’ – trích từ ‘Vân Đài Loại Ngữ’, tác giả Lê Quý Đôn – Trần Văn Giáp biên dịch và khảo thích, Trần Văn Khang (làm sách dẫn), Cao Xuân Huy (hiệu đính và giới thiệu) – NXB Văn Hoá Thông Tin (Hà Nội, 2006). Tiếng nói con người thay đổi theo thời gian đến nỗi ta khó nhận ra khả năng cùng nguồn gốc, đúng như Lê Quý Đôn đã nhận xét về ’thanh điệu không thông’: thí dụ như Phọc Sô (Vaksu) là một trong 4 con sông lớn nhất ở Diêm-Phù-đề đã từng có âm cổ hơn là Bắc-xoa (biến âm b > ph – xem phần 1); Vậy mà cũng có tài liệu Phật học ghi là “…Xưa gọi Bắc-xoa là sai …” (“Tự điển Phật Học Hán Việt” NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội, 1998), và ngay cao đệ của Pháp Sư Huyền Trang là Khuy Cơ còn nhận xét rằng ’Phạn văn Bột Ðà, ngọa lược vân Phật’! Chính những dạng phát âm khác nhau là cánh cửa hé mở cho ta nhiều thông tin về nguồn gốc và lịch sử của các chữ này thêm vào khả năng có thể đọc sai hay nhầm lẫn.
Gần đây hơn, tác giả Jan Nattier, thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Phật Học, Đại Học Soka (Tokyo, Nhật) đã ghi nhận các lấn cấn trong tài liệu Trung Hoa khi phiên âm kinh bằng tiếng Phạn (các phương ngữ Phạn), qua các tiếng địa phương trước khi vào Trung Quốc. Người đọc có thể tham khảo bài viết (bản thảo) “Masquerading as Transcription : Substitution Terms in Buddhist Translations” – tạm dịch là “Giả như phiên dịch: cách dùng thay thế trong khi dịch kinh Phật” (2006) xem trên mạng
(8) Vô 無 giản thể 无, hay Mu (tiếng Hàn, Nhật む) là một trong những công án nổi tiếng, thường dùng trong nhánh Thiền Rinzai bên Nhật. Khi một tăng sĩ hỏi sư Triệu Châu (778–897, tên Nhật là Jōshū) rằng “Con chó có phật tính hay không?”, sư trả lời “Vô” (không). Câu trả lời có hay không có đều có thể trúng hay sai! Hay chỉ là ảo tưởng/vô minh 無明 (dịch nghĩa từ tiếng Phạn avidya अविद्य). Cổ văn dùng vô 無 như vô 毋 (theo Khang Hy) – như vậy Vô Đà cũng có khả năng mang nhiều nghĩa sâu xa không kém Phật bộ nhân hợp với phất (không). Nhất là Tánh Không có thể áp dụng cho muôn loài, không chỉ cho con người? Đây là những vấn đề cần được tra cứu sâu xa thêm để làm sáng tỏ cách dùng chữ Phật theo đúng ý nguyên thuỷ (khi du nhập vào Á Châu). Vấn đề trở nên rất lý thú khi chữ Nôm dùng bộ nhân 人 hợp với chữ thiên 天 để chỉ Phật, như trong Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh, Thiên Nam Ngữ Lục … Đây có thể là trường hợp sáng tạo ở Việt Nam (loại hội ý) như chữ Nôm trời viết bằng chữ thiên 天 hợp với chữ thượng上 (trên); Hay diễn dịch từ Tánh Không (không biểu tượng bằng không gian, trời hay thiên HV) để tạo ra chữ Phật bộ nhân hợp với thiên 天 (trời, không – trên không là trên trời) … Hay có thể là viết sai từ chữ Yêu/Phật 仸 mà ra? Hay có hàm ý tiêu cực (yêu đạo, yêu nhân)? Ngoài ra, nếu quả thật Bụt (loại chữ vừa hài thanh, tượng hình và vừa hội ý – buộc) là gốc của chữ Phật 佛 , thì có thể chữ này là một trong những chữ Nôm đầu tiên có tuổi thọ rất cao (không bị đào thải trong vốn từ Hán) vì yếu tố tâm linh và tín ngưỡng của quảng đại quần chúng. Đây là các chủ đề cần nghiên cứu cẩn thận hơn để xác định rõ khả năng duy trì các âm cổ hay nghĩa cổ trong vốn từ chữ Nôm (cổ) của chúng ta.