Bài Pháp Đầu Tiên
Giác Hạnh – Lê Bích Sơn
Mỗi chúng ta gặp vô số những con người khác nhau trên cuộc hành trình Sanh – Tử, nhưng chỉ có một ít người lưu lại trong ký ức chúng ta. Người mà tôi sẽ kể cho bạn nghe hôm nay là Cố Hòa Thượng THÍCH THIỆN NHƠN – người vừa tháo bỏ xác thân tứ đại để tiếp tục một hành trình khác trên lộ trình đi về cõi Tịnh.
Khi tôi viết những dòng chữ này gởi đến bạn, bên kia bờ đại dương xác thân của Ngài đang được tứ chúng gởi vào lòng đất mẹ Việt Nam thiên thu.
Nhớ ngày đó – vào năm 1987, Phật giáo quê tôi còn nhiều khó khăn, chư Tăng nhiều chùa trong tỉnh ban ngày lao động lo việc ruộng nương, đêm về an trú trong lời kinh tiếng kệ, nên việc chư Tăng thuyết pháp hay trai tăng là những từ nghe rất xa lạ vào thời bấy giờ. Và ‘thời pháp chui’ của Ngài Thiện Nhơn ban bố tại chùa Hưng Khánh năm ấy là bài pháp lần đầu tiên tôi nghe trong đời. Sở dĩ tôi gọi đó là ‘thời pháp chui’ vì nó diễn ra ‘bí mật’ trong lễ Quy Y Tam Bảo tại chánh điện chùa Hưng Khánh; lúc đó Ngài Thiện Nhơn mới trở về từ ‘trại cải tạo’ vài năm nên chính quyền luôn theo dõi. Chỉ có một số Phật tử thân tín của chùa phát nguyện Quy Y Tam Bảo hôm ấy mới được tham dự, cổng chùa đóng kín và ba chú ‘cẩu’ của chùa làm ‘công tác báo động’, còn tôi được cử làm Thị giả quạt hầu (thời đó chùa chưa có điện)…dù là ‘dự thính – không chính quy’ nhưng cũng nghe được trọn thời pháp. Bài pháp Ngài nói năm ấy là triển khai năm giới cho hàng cư sĩ hiểu với những câu chuyện dẫn chứng rất hấp dẫn. Tôi còn nhớ một trong những câu chuyện Ngài kể về gã uống rượu rồi phạm các giới còn lại…
Lần thứ hai được ‘tiếp xúc chính quy’ với Ngài là giữa tháng 4 năm 2003. Lần đó tôi vừa đi khảo cứu từ Trung Quốc trở về, Ngài xuống thăm Sư ông của tôi là Cố Hòa Thượng THÍCH BẢO AN, và dặn tôi lên Chùa Thiên Đức trước khi trở lại Ấn Độ.
Lúc ấy Chùa Thiên Đức đang trong giai đoạn trùng tu, Ngài hỏi tôi có ý kiến gì không; tôi cúi đầu thưa: “Theo con, cái gì có thể giữ lại được thì cố gắng giữ, đừng đập phá những công trình kiến trúc do chư Tổ khổ công tạo dựng. Nhiều ngôi chùa cổ đã bị thế hệ trẻ đập phá không thương tiếc, trong khi cái mới chưa thể hình thành. Trùng tu là duy trì, làm mới cái cũ chứ không phải đập phá hết cái cũ”. Tôi trình bày với Ngài về những cổng tam quan, những ngôi bảo tháp của những ngôi chùa cổ là những ‘di sản’ văn hóa vô giá. Và lý luận rằng người ta có thể xây vô số bản sao của Chùa Một Cột (Chùa Diên Hựu – Hà Nội) hay Tháp Phước Duyên (Chùa Linh Mụ – Huế) nhưng không làm sao thay thế được giá trị của ngôi tháp cổ hay ngôi chùa gỗ nhỏ bé đã đi vào lịch sử và văn hóa dân tộc. Ngài gật đầu…
Ngài hỏi tôi về hiện tình Phật giáo Trung Quốc, tôi trình bày rất nhiều về những điều chứng kiến trong chuyến khảo cứu của mình với ngôn ngữ kính cẩn dành cho các bậc trưởng thượng. Ngài lắng nghe một cách chăm chú. Tôi chia sẻ rằng: ngày nay tại Trung Quốc ‘người ta’ đã biến những tự viện Phật giáo thành những điểm du lịch hơn là nơi tu học cho Tăng ni và Phật tử, mỗi chùa đều có cổng bán vé với giá từ 8 đến 40 nhân dân tệ (1 đến 5 USD) cho mỗi Phật tử viếng chùa; Tăng sĩ tại Trung Quốc hầu như không thấy nếu không muốn nói là không được phép theo học tại các trường Đại học của Trung Quốc, dường như những ngôi chùa không được sự quản lý của chư Tăng mà do chính quyền sắp xếp người của họ vào điều hành, và rất nhiều chuyện không thể tin vào mắt mình. Ngài nói Ngài cũng nghe một vài vị Tăng trở về từ Trung Quốc trình bày như vậy. Ngài hỏi tôi có ý kiến gì cho Phật giáo Việt Nam. Tôi kính cẩn trình bày cùng Ngài việc ‘người ta’ sẽ cố gắng đưa những tự viện vào danh sách ‘Di tích Lịch sử Quốc gia’ rồi sau đó đặt trạm thu phí, bán vé cho khách viếng chùa, và từ từ kiểm soát tất cả những sinh hoạt nội bộ của tự viện và Tăng ni. Việc này cần cảnh giác cao độ, đó là âm mưu giết chết Phật giáo mà Mao Trạch Đông đã từng áp dụng tại Trung Hoa đại lục trong những cuộc ‘Cách mạng văn hóa’…
Câu chuyện lần đó kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ, lúc ấy trời đã tối tôi đành phải cáo từ Ngài với lý do đường xá không quen sợ lái xe ‘thăm’ ruộng. Sợ bất kính với bậc Trưởng thượng, tôi thưa Ngài: “Dẫu biết rằng kiến thức và kinh nghiệm của con còn quá non nớt, nhưng những gì trình bày cùng Ngài là nhiệt huyết của con. Kính xin Ngài lượng thứ nếu có điều chi sơ xuất”. Ngài cười nói: “Hậu sanh khả úy”; tôi vui miệng đáp lại: “Hậu sanh khả ố thì có, thưa Ngài”.
Trước lúc từ biệt, Ngài trao tôi một phong bì và nói: “Cái này Thầy gởi con mang theo uống nước. Thầy biết anh em bên ấy khó khăn, thiếu thốn mọi bề…”. Tôi không dám nhận và thưa: “Chùa Thiên Đức đang trong giai đoạn trùng tu, xin Ngài cho con cúng dường để tạo phước…”, rồi lên chánh điện lạy Phật và để lại phong bì trên Phật điện. Hai ngày sau, Ngài đích thân sai đệ tử chở đến gia đình của tôi ở ngã ba Phú Tài giao cho người thân và nhờ chuyển lại tôi ‘món quà’ ấy. Sau này tôi đã dùng lại số tiền ấy cùng qúy Tăng ni Bình Định học tập tại Đại học Delhi thỉnh một tượng Phật bằng đồng theo phong cách Ấn Độ cúng dường Ban Trị sự Phật giáo Bình Định…
Năm tháng qua đi, tôi được cơ duyên tham học nhiều nơi và có dịp học hỏi cùng nhiều bậc trưởng thượng khả kính. Dẫu rất ít khi tiếp xúc cùng Ngài, nhưng đạo phong và cốt cách của Ngài làm tôi vô cùng kính phục mỗi khi diện kiến. Đối diện với Ngài, ai cũng phải kính nể cung cách nghiêm trang của một bậc Long Tượng Thiền Môn, giọng nói của Ngài trầm ấm, cử chỉ khoan thai, và đặc biệt cặp chân mày trắng vút cao của Ngài hiện lên như một võ tướng. Người ta thường ví Bình Định là ‘đất võ trời văn’, riêng tôi mỗi khi có dịp chuyện trò cùng huynh đệ thì sánh Ngài Thiện Nhơn như ‘quan võ’ và Ngài Huyền Quang là ‘quan văn’ của Phật giáo Bình Định.
83 năm cuộc đời, hơn 70 năm mặc áo nhà Thiền, trải qua bao thăng trầm của thế cuộc, nước nhà nhiều lần thay ngôi đổi chủ, tổ quốc trải qua mấy chế độ khác nhau, không hận kẻ đã đem mình bỏ tù – không xu theo những lời xảo trá, Ngài uyển chuyển đi giữa những làn đạn ác liệt của thế gian như ‘Tượng vương’ dũng mãnh xông lên giữa chốn hồng trần để duy trì tâm nguyện: “Truyền Đăng Tục Diệm – Kế Vãng Khai Lai”.
Thành kính đảnh lễ giác linh cố Hòa Thượng thượng THIỆN hạ NHƠN – bậc Đạo sư dõng mãnh như ‘Sư tử tần thân’ và uy nghi như ‘Tượng vương hồi cố’!
Tri ân Ngài – người đã để lại trong tâm con bài pháp đầu tiên trong đời!
Atlanta, Georgia – Hoa Kỳ, 23/4/2013
Giác Hạnh – Lê Bích Sơn