Tái Ông mất ngựa

Tái Ông mất ngựa  (塞翁失马)

“Tái Ông”: Tên một ông lão ở vùng biên giới, “thất mã”: mất ngựa.

Ngày xưa, gần Trường Thành, có nhà Tái Ông nọ nuôi một con ngựa. Một hôm, con trai ông đi chăn ngựa, do không chú ý nên đã để nó chạy sang đất Hồ.

Hàng xóm nghe tin đều đến an ủi, ông nói: “Cảm ơn mọi người. Tôi thấy con ngựa nầy mất đi, nói không chừng sẽ mang về vận may đấy!”

Quả thật mấy tháng sau, không những con ngựa của ông đã quay trở lại mà còn dẫn về thêm một con ngựa khác. Hàng xóm nghe tin, vội kéo đến chúc mừng hai cha con ông. Tái Ông mỉm cười: “Cảm ơn bà con. Nhưng có thêm một con ngựa nữa không ắt hẳn là việc tốt, biết đâu con ngựa nầy sẽ mang đến tai họa cũng nên”.

Quả đúng như lời ông nói, một hôm khi đứa con trai cưỡi con ngựa lạ ấy thì nó đã hất con ông ngã xuống đất gãy chân. Hàng xóm lại đến thăm hỏi, Tái Ông nói: “Cám ơn sự quan tâm của các bác, lần nầy tuy con tôi không may bị ngã gãy chân, nhưng biết đâu trong họa có phước cũng nên”.

Một năm sau, người Hồ kéo quân đến chiếm thành, tất cả thanh niên trong làng đều phải đi đánh giặc và đều bị người Hồ giết chết. Con trai của Tái Ông nhân vì bị gãy chân không đi đánh giặc được, nên đã thoát khỏi nạn kiếp nầy, bảo toàn được tánh mạng.

Câu thành ngữ “Tái Ông mất ngựa” dùng để chỉ cho sự việc tuy tạm thời bị tổn thất, nhưng sau đó lại được điều tốt. Hay nói khác hơn là nhân họa được phước vậy.

Thực tế cuộc sống:

A: Sau khi tốt nghiệp, tìm không được việc làm, nên tôi đành phải học lên Tiến sĩ.

B: Chị thật đúng là “Tái Ông mất ngựa”. Bây giờ chẳng phải là quá tốt đó sao, chị chẳng  những lấy được học vị Tiến sĩ mà còn tìm được công việc rất tốt.

Nhật Chính (dịch)