Sáng ba chiều bốn

Sáng ba chiều bốn  ( 朝三暮四)

“Triêu”:buổi sáng, “mộ”: chiều tối. Buổi sáng “ba”, buổi chiều “bốn” nghĩa là gì?

Tương truyền vào thời Chiến Quốc có một ông lão rất thích nuôi khỉ, ông nuôi một đàn thật đông. Vì mỗi ngày đều tiếp xúc với khỉ, do đó ông hiểu được tính tình của chúng, chúng cũng hiểu được lời nói của ông.

Lương thực cho khỉ ăn mỗi ngày rất nhiều, lâu ngày như thế, ông cảm thấy không nuôi nổi đàn khỉ nữa, nhưng nếu giảm thức ăn thì sợ chúng không vui, suy đi nghĩ lại, ông bèn nghĩ ra một kế rất hay.

Một hôm ông nói với đàn khỉ: “ Tao rất thích chúng mày, nhưng chúng mày ăn nhiều quá, trong khi tuổi tao đã lớn, lại không làm ra tiền, nên bắt đầu từ mai tao sẽ  giảm bớt thức ăn của bọn bây, mỗi ngày buổi sáng chỉ cho mỗi đứa ba hạt dẻ, buổi chiều bốn hạt”

Bầy khỉ vừa nghe ông nói giảm bớt thức ăn thì đứa nào cũng trở nên buồn bã, phản đối ầm lên. Ông lập tức hạ giọng: “Thôi được, thôi được, như vầy nhé, buổi sáng tao cho mỗi đứa bốn hạt, buổi chiều ba hạt, như vậy được chưa?” Đàn khỉ vừa nghe buổi sáng được thêm một hạt dẻ, chúng hớn hở nhảy loạn cả lên.

Câu Thành ngữ “Sáng ba chiều bốn” được dùng ví cho một người luôn thay đổi chủ ý, khiến cho người khác không thể tin tưởng được, hoặc người chuyên dùng lời lừa dối để đi dối gạt người khác.

Thực tế cuộc sống:

Tiểu Trương hôm nay bảo tôi làm thế này, mai lại bảo làm thế khác, cùng làm việc với người “sáng ba chiều bốn” như vậy thật là khó.

Nhật Chính (dịch)