Những Đóa Hồng Và Giấc Mơ

Truyện ngắn: Viên Lộc

Hôm nay, giữa tuần lại được nghỉ học, đối với một học trò không mấy siêng năng như Nguyên mà nói, thì quả là một ngày tuyệt vời. Sau những sinh hoạt chung của đại chúng, Nguyên bắt đầu một ngày mới cho riêng mình bằng việc đi rửa bộ li tách nhỏ, rồi pha tặng mình những chén trà xanh xanh, thơm thơm, chan chát. Đang lơ lửng trong “cõi trà”, một luồng gió đi lạc ghé vào khung cửa sổ, phà vào mặt thật sảng khoái, khiến Nguyên nảy ra ý tưởng mới: “Cái không khí man mát, lành lạnh vào buổi sáng ở thành phố này thật hiếm có, nếu nhốt mình trong căn phòng này thì thật là không biết thưởng thức những gì không gian chiêu đãi.” Vừa nghĩ, Nguyên vừa liếc qua kệ sách và chọn ngay quyển “Mười hai con mắt”, di cảo thơ của Bùi Giáng, rồi nhẹ nhàng rút ra khỏi phòng. Bên ngoài, tiếng gió vẫn lao xao như mời gọi.

Nguyên đi rảo một vòng quanh khuôn viên chùa, chọn nơi dừng chân lí tưởng để theo Bùi Giáng vào cõi thơ. Nhưng đi giáp chùa rồi mà chẳng nơi nào níu giữ được bước chân của Nguyên cả. Cuối đường, cánh cửa nhà Tổ đang mở, không đắn đo gì cả, Nguyên bước vào.

Có lẽ từ trong sâu thẳm ý thức, Nguyên biết những ngày thường, chỉ có “cõi của Phật” là nơi bình yên, ít bị ai quấy rầy nhất. Nếu tìm một nơi lí tưởng để thưởng thức một tác phẩm văn chương thôi, thì ngoài vườn chùa, dưới gốc cây khế, dưới cây chùm ruột; hay dưới mái hiên chùa lộng gió, vừa hóng mát, vừa ngắm hồ sen đang khoe sắc, vừa ngâm nga thi phú thì còn gì bằng. Nhưng chọn một nơi bình yên để “trốn” thì chỉ có lên ôm chân Phật mà thôi.

Đi thẳng từ nhà Tổ đến góc cuối của điện Phật, nơi để những chiếc chiếu

nhỏ, Nguyên lấy một chiếc để xuống, ngồi vào và bắt đầu nhìn quyển sách nhỏ trên tay. Ánh mắt chạm ngay vào bìa sau của quyển sách với bài thơ thủ bút của tác giả có nhan đề rất lạ: “TRƯỚC KHI”

Trước khi về Chín Suối

Em xin gửi đá vàng

Của trăm năm buồn tủi

Về trở lại nhân gian.

“Bài thơ ngắn mà ý nghĩa bao la quá!”. Nguyên sửa tư thế ngồi theo kiểu “suy tư”, vừa nhìn lên đức Từ phụ vừa trầm ngâm chiêm nghiệm ý nghĩa của bài thơ; nhưng ý thơ chưa kịp tượng hình thì dòng tâm thức của Nguyên đã khựng lại trước bình hoa hồng trắng đặt trên chiếc độc bình ngay lư hương giữa chính điện. Bình hoa cắm không mấy đẹp, nhưng hoa thì không chê vào đâu được, đóa nào cũng tươi rói, cái màu trắng không trắng toát mà như pha chút xanh lơ thật ngọt ngào. Có đóa đã nở lớn, có đóa còn ngậm búp, đóa nào cũng sắc sảo, mơn mởn, sống động như có một tâm hồn đang ẩn bên trong. Tự dưng Nguyên lẩm bẩm:

– Một, hai, ba, bốn, năm… mười ba, mười bốn. Mười bốn đóa hoa hồng trắng!

“Quái lạ, hồi giờ ngắm hoa có bao giờ đếm đâu trời, hình như mỗi đóa đều thu hút mình, đều muốn mình để mắt đến hay sao đó…”

– Hoa đẹp không Tâm Nguyên?

Câu hỏi làm Nguyên giật mình, dòng suy tư đứt đoạn. Nguyên quay nhìn về hướng âm thanh vừa cất lên và chậm rãi trả lời khi nhìn thấy sư cô quản chúng từ nhà Tổ đang đi lên:

– Dạ, cắm thì chưa được đẹp, nhưng hoa thì đẹp quá cô ạ!

– Em có biết bình hoa có bao nhiêu đóa không?

– Dạ, mười bốn đóa thưa cô!

– Sao hay vậy?

– Dạ, hồi nãy ngắm hoa tự nhiên em nhẩm đếm nên biết.

– Em có biết tại sao bình hoa có mười bốn đóa không?

– Dạ, chuyện này thì em chịu, nhưng nghe cách nói của cô, em hình dung đó là ẩn số của một câu chuyện li kì lắm.

– Đúng là đầu óc nhà văn có khác, sức tưởng tượng đi trước thực tại.

– Bộ có chuyện li kì thật hả cô.

– Ừ!

***

Ở một miền quê sông nước Tiền Giang có hai gia đình thuộc diện trung lưu. Họ ngày càng gắn bó, thân thiết với nhau hơn sau lời giao ước làm sui gia khi phát hiện hai trẻ đầu xanh của hai gia đình có vẻ ý hợp tâm đầu. Thời gian trôi qua nhanh, hai gia đình vui mừng, bận bịu chuẩn bị hành trang cho Bình và Thanh lên thành phố vào đại học.

Hai đứa chọn hai ngành khác nhau, học khác trường, ở khác nơi, ngoài những đứa bạn cũ dưới quê lên, thì thế giới bạn bè, giao tiếp cũng dần dần thay đổi, mở rộng. Vì vậy mà, tuy hai đứa vẫn thường xuyên gặp nhau, vẫn dặn bảo là phải tin tưởng nhau, dù chuyện gì xảy ra. Thế nhưng, cái thành phố trăm nghìn điều mới lạ hấp dẫn con người, hấp dẫn tuổi trẻ này đã từ từ làm lung lay niềm tin về nhau của hai trẻ “thanh mai trúc mã”. Những giận hờn, những dòng nước mắt, những đau khổ cứ tăng dần theo thời gian, chi phối chuyện học và sức khỏe của cả hai. Nhất là Thanh, chính bản thân cô cũng không sao hiểu nổi tại sao mình lại trở nên như thế; dù rất yêu Bình, dù rất tin Bình, nhưng không hiểu sao mỗi lần thấy Bình thân thiện với các bạn gái khác là Thanh nghe trái tim mình đau nhói, là giận hờn, thậm chí là bệnh nằm vùi luôn. Thanh biết như thế là tự làm khổ mình, làm khổ người mình yêu, làm khổ cả gia đình hai bên lo lắng. Thế nhưng lí trí không làm chủ được tình cảm, mọi chuyện cứ xấu dần đi.

Một hôm cuối tuần, bỗng nhiên Thanh muốn vào chùa và hẹn Bình đến chở. Hai đứa chọn ngôi chùa không mấy đẹp, nhưng có khuôn viên thoáng mát, pha chút miền quê nằm trên đường hai đứa thường đi qua. Sân chùa yên tĩnh, trên những chiếc ghế đá quanh khuôn viên chùa có các cô cậu học trò ngồi học bài, có những người ngồi đọc sách, và có cả những người ngồi nhắm mắt yên lặng. Hai đứa chọn chiếc ghế đá dưới gốc sứ đang trổ hoa trắng muốt, ngồi im lặng bên nhau. Thỉnh thoảng vài chiếc lá vàng theo gió đáp xuống sân

chùa, có chiếc đáp cả trên áo, trên tóc Thanh. Thanh nghe lòng bình yên như đang được cảnh thanh tịnh của thiền môn vỗ về; như năng lực từ bi của chư Phật, chư Bồ tát đang xoa dịu nỗi khổ đau trong lòng của một đứa con bướng bỉnh, đang mải mê rong chơi giữa dòng đời. Chợt Thanh quay sang nhìn Bình và nói với giọng không buồn không vui, nhưng nghe mênh mang diệu vợi:

– Sống trên đời này quả là khổ phải không Bình? Thanh cũng không biết làm sao nữa, Thanh tệ quá phải không, đã làm khổ cho Bình rồi. Chắc tại hai đứa mình nợ nhiều mà duyên ít, nên ông trời cho yêu nhau, cho sống gần nhau mà lại đau khổ vì nhau.

Thanh dừng lại một xíu, rồi hỏi:

– Trong những lúc buồn quá, Bình có nghĩ đến chuyện buông bỏ hết? Có nghĩ đến chuyện đi tu như hồi nhỏ hai đứa từng dọa nhau mỗi lần giận không?

Bình quay sang nhìn Thanh với ánh mắt thương yêu lẫn buồn vô hạn:

– Có, từng nghĩ giá như cả hai đứa mình là con gái hay con trai hết để làm bạn với nhau, hồn nhiên như thuở nhỏ thì hạnh phúc biết dường nào. Và cũng đã nghĩ, giá như hồi nhỏ giận nhau đi tu thật thì hay biết mấy. Hai đứa đâu có khổ như hôm nay. Còn bây giờ thì mọi chuyện quá muộn rồi, mình phải đối diện với thực tế và làm sao để nỗi buồn bớt đi Thanh à! Còn một năm học thôi, Thanh ráng đi, học xong hai đứa về quê cho Thanh yên lòng.

Thanh nhìn Bình, nói nửa đùa nửa thật:

– Nếu như kiếp sau còn gặp nhau, Bình có muốn đi tu với Thanh không? Bình thích chúng mình là con trai để cùng làm thầy, hay là nữ để cùng làm ni cô?

Bình bất ngờ trước câu hỏi lạ lùng của Thanh, nhưng thấy gương mặt Thanh vui vẻ hẳn lên, nên Bình buột miệng trả lời:

– Cùng làm ni cô!

Không ngờ Thanh quay sang bảo Bình ngoéo tay giao ước. Chiều Thanh, Bình làm theo.

Từ hôm đó, hai đứa đến chùa thường hơn trong những ngày nghỉ học. Cũng thời gian này, Thanh có vẻ lạc quan hơn, sức khỏe tốt hơn. Bình vui và an tâm nhiều. Nhưng đùng một cái, Thanh xỉu trong lớp học, bạn bè đưa đi cấp cứu. Kết quả là bác sĩ khuyên nên đưa Thanh về sống với gia đình, tịnh dưỡng trong thời gian ngắn ngủi còn lại. Bác sĩ còn nói, Thanh biết mình bệnh lâu rồi nhưng cố tình giấu mọi người. Cuối cùng, chiều theo ý Thanh, mọi người đưa Thanh về với gia đình.

Bây giờ, ngồi bên cạnh, nắm bàn tay xanh xao tiều tụy của Thanh, Bình mới nghiệm ra những điều Thanh nói ở chùa hôm đó như lời báo trước một cuộc ra đi mà Bình không để ý. Những giọt nước mắt nóng hổi cứ tuôn trào, rơi trên cánh tay xanh xao, làm Thanh mở đôi mắt mệt mỏi nhìn Bình, nụ cười méo mó nở trên môi:

– Bình trẻ con quá, có gì mà khóc chứ, chẳng phải đã hẹn kiếp sau cùng đi tu rồi sao!

– Ừ! Thanh yên tâm ra đi đi. Thanh đi rồi Bình sẽ đưa Thanh vào chùa, và kiếp sau mình cùng đi tu.

Nụ cười trên đôi môi khô nhưng vẫn phơn phớt hồng của Thanh trở nên tươi tắn. Thanh bình yên khép mắt, Bình cố nén cơn nấc, kéo mền cho Thanh nghỉ.

Hai ngày sau, Thanh đã ra đi vĩnh viễn sau một cơn trở bệnh, khi bàn tay mềm mại trong tay Bình buông xuống. Bình nghe lòng chơi vơi hụt hẫng. Tiếng ve sầu râm ran trên những cánh phượng đỏ ngoài sân như chùng xuống tiễn biệt một người đi.

*****

Tiếng đại hồng chung thong thả buông từng tiếng, Uyên giật mình, dụi mắt: “Chết, trễ giờ công phu rồi! Thì ra mình vừa nằm mơ?… Sao mình mơ giấc mơ kì lạ vậy?… Sao tình tiết câu chuyện quá rõ ràng như vừa đọc truyện?…và sao có cảm giác như là câu chuyện của chính mình?… Không lẽ đó là một quãng đời trong quá khứ?…Kì lạ quá?”. Từ hôm đó, Uyên luôn bị giấc mơ ám ảnh, luôn nhớ đến hai nhân vật chính trong câu chuyện. Nhiều điều thắc mắc, nhiều điều trăn trở, nhưng Uyên không dám kể với ai, không biết hỏi ai.

Rồi nhân duyên đưa đẩy, Uyên lên tu học tại một ngôi chùa trên thành

phố. Giấc mơ hôm nào dần dần phôi phai. Một hôm, trên đường đi về chùa, vì muốn khám phá thêm đường phố nên Uyên rẽ qua một con đường khác song song với con đường thường ngày vẫn đi. Một ngôi chùa hiện ra trong tầm mắt, Uyên cố tình chạy xe chậm để ngắm, và giật mình, dừng hẳn xe lại: “Ngôi chùa sao quen quá, mình đã gặp ở đâu rồi thì phải. A, không lẽ ngôi chùa trong giấc mơ?” Uyên rùng mình nổi cả da gà. Vừa tò mò, vừa bị thu hút, Uyên tụt xuống, đẩy chiếc xe đạp tiến vào sân chùa. Cảnh càng nhìn càng quen, tuy mọi thứ đều mới mẻ, nhưng khung cảnh thì như trong giấc mơ vậy. Uyên dựng xe, ngồi vào chiếc ghế đá, một cảm giác thật thân quen, gần gũi xâm chiếm cả tâm hồn. Uyên không dừng lại ở đó, cô bé mon men bước vào nhà khách, một ni cô trạc tuổi Uyên đang ngồi đọc sách trên chiếc bàn nhỏ bên phải cạnh cửa ra vào. Bốn ánh mắt gặp nhau, hai nụ cười nở trên môi, hai cái gật đầu chào, sao thân quen quá đỗi!!!

Chủ nhân hỏi:

– Dạ, chị tìm ai?

– Không! Tại thấy cảnh chùa thích nên muốn vào tham quan thôi.

– Chị ở gần đây à? Em thấy quen quen, dường như có gặp qua rồi.

– Dạ, cũng ở gần đây, chắc là người giống người đó chị. Em cũng ít đi đâu lắm.

– Chị cứ tự nhiên đi tham quan đi. Có gì cần thì gặp em nhé!

Uyên mỉm cười cúi đầu chào người bạn mới gặp, mà có cảm giác như thân từ thuở nào. Từ ánh mắt, nụ cười, giọng nói đều thân quen quá.

Thế là giấc mơ hôm nào tưởng ngủ quên chợt sống dậy trong lòng Uyên. Cái cảm giác mỗi lần đi học về đều muốn ghé vào ngôi chùa kia làm Uyên bất an. Mộng và thực cứ đan chen, nhiều lần Uyên đứng chôn chân trước cổng chùa kia, nửa muốn vào mà nửa không dám, đã khiến Uyên trở nên hoang mang; nghĩ đến chuyện thương tâm trong giấc mơ càng làm Uyên lo sợ, như có một điều gì đó không lành sắp xảy ra. Cuối cùng, Uyên đã kể hết mọi chuyện với một vị giáo thọ ni mà Uyên kính mến. Nghe lời khuyên của thầy giáo thọ, Uyên đã chuyển về tu học tại một ngôi chùa dưới tỉnh, cắt đứt mọi liên lạc với thành phố. Từ đó, trong suốt cuộc đời tu, Uyên thường cầu nguyện cho người bạn gặp ở ngôi chùa kia luôn tinh tấn tu tập, sống bình yên trong Phật pháp nhiệm mầu của Pht.

*****

Lời kể của sư cô quản chúng đã dừng lại, nhưng Nguyên vẫn còn tròn xoe đôi mắt như chờ đợi.

– Hết rồi hả cô? Đó là chuyện thật sao?

– Ừ! Chính chị được nghe kể mà.

– Nhưng còn mười bốn đóa hoa hồng có liên quan gì?

– Theo sư bà chị kể, ngôi chùa này chính là ngôi chùa mà ni cô tên Uyên thuở nọ tu học sau khi từ giã thành phố. Có người đã tình cờ đọc được câu chuyện cuộc đời và giấc mơ kì lạ kia trong một quyển nhật kí của sư sau khi sư mất. Nghe đâu cuối đời, sư có viết một bức thư kể mọi chuyện cho vị ni ở ngôi chùa kia nữa. Sau đó thế nào thì không nghe ai nhắc đến. Còn mười bốn đóa hoa hồng trắng là một chút tình và lòng tôn kính của chị dâng lên người xưa. Cứ mỗi năm khi thấy phượng ngoài đường nở đỏ, tiếng ve sầu kêu râm ran là chị mua hoa hồng trắng cắm một bình nhỏ cúng Phật để tưởng nhớ đến bốn nhân vật trong hai câu chuyện một mơ, một thực. Năm đầu chị mua bốn đóa, nhưng không hiểu sao, mỗi năm chị lại thêm vào một đóa, như để ghi nhớ thời gian chị được tương ngộ họ qua câu chuyện kể.

– Mười bốn đóa hoa hồng trắng, cô nghe câu chuyện này mười năm rồi?

– Ừ! Nghe mà kính phục quyết tâm tu của người xưa!

– Đâu ngờ những đóa hoa hồng trắng tinh khôi kia lại chứa đựng cả một không gian và thời gian bao la, chứa cả những “khúc đời” của chị em mình trong đó.

Cây khế bên hè chùa lắc mình trong gió, những chiếc lá vàng nhẹ nhàng về cội, những chú chim sẻ líu lo như đang bàn tán một điều gì.

*****

Đêm đó, mọi người trong phòng đã ngủ hết mà Nguyên vẫn trằn trọc. Vừa bị câu chuyện bao vây, vừa nghĩ bậy “Biết đâu ngủ rồi mình sẽ mơ một giấc mơ như vậy? Mình sẽ làm sao nếu chuyện đó xảy ra???” Chợt Nguyên cười khúc khích một mình: “Rõ là vớ vẩn!” Nguyên nghe tiếng cựa mình, và có cả tiếng nói cười nho nhỏ: “Hình như ai đó đang mơ một giấc mơ đẹp!”

Trước khi về Chín Suối

Em xin gửi đá vàng

Của trăm năm buồn tủi

Về trở lại nhân gian.

Nguyên theo bài thơ vào cõi thơ, cõi thơ đưa Nguyên vào mộng!

VL.

Đầu H Tân Mão

(Trích: “Suối Nguồn” số 1. T5/2011 Tu Viện Huệ Quang)