Tản văn Lam Khê
Ngọn đồi nằm khuất sau lũy tre vàng, không cao lắm nhưng cóù thể nhìn bao quát hết mọi cảnh quan trong thôn xóm. Phía trước con đường làng có dòng kênh xanh chảy xuyên qua những cánh đồng lúa bạt ngàn xa tít. Chiều đến, đám thanh niên trai trẻ quanh vùng thường rủ nhau lên đồi vui chơi ca hát. Giữa không gian yên ả của vùng quê sông nước, chợt đâu có tiếng chuông chùa nhẹ êm theo làn gió thoảng.
Ngày còn bé, Nhi hay theo bọn trẻ con trong làng lên đồi chơi. Khi nghe cô bạn nhỏ gọi là đồi Vọng, Hải cắc cớ hỏi:
– Vọng gì? Đồi Vọng Phu à ?
Nhi lắc đầu:
– Không phải. Nhi nghe người lớn nói vọng có nghĩa là mong ngóng, là trông chờ. Nhưng theo Nhi thì vọng còn có nghĩa là“Vọng tiếng chuông chùa” Vì khi đứng trên ngọn đồi có thể nghe cả tiếng chuông chùa vọng lại từ xa…
– Thôi đi cô bé ưa mơ mộng à! Con nít mà suy tưởng chi những điều xa xôi lắm vậy – Hải hóm hỉnh cười chế nhạo bạn.
– Ơ! Thì Nhi nghe người ta nói như thế mà.
Khung trời tuổi thơ đầy ắp những lần hái hoa bắt bướm, tưởng chừng như thế giới này chỉ hiện hữu bấy nhiêu qua các trò quê mùa mộc mạc. Lớn lên đi học xa nhà, thỉnh thoảng Nhi cũng dẫn về vài người bạn thân người thành phố. Quê của Nhi không có cảnh kỳ quan làm nao nức lòng người khi đến, nhưng màu xanh của những đồng lúa trải dài mênh mông, của những đồi cây trái thoai thoải bạt ngàn đã nuôi sống biết bao ước mơ bình dị. Chừng ấy thôi cũng đủ khiến cho ai đi xa luôn vương vấn nhớ về.
Ấy vậy mà… khi Nhi đang làm luận án tốt nghiệp cho đềà tài về làng quê mình thì Hải trở về. Hải về mang theo chút rong rêu quá khứ đã bị lớp bụi thời gian xóa dần theo năm tháng. Hải về để Nhi có dịp ôn lại những kỷ niệm của một thời. Hai đứa trẻ cùng lớn lên chung một bờ rào ngăn hờ bên hiên nhà, lại chung lớp chung trường, chung một ước vọng đi về khi tuổi đời mới lớn. Trước ngày theo gia đình rời xa đất nước, Hải rủ Nhi lên đồi Vọng chơi lần cuối. Không có dòng nuớc mắt chia ly, không có lời nhắn nhủ ngậm ngùi khi xa cách. Nỗi buồn của tuổi hồn nhiên chỉ thoáng qua, nhưng Nhi vẫn cảm nhận từ đây mình sẽ mất đi một người bạn thân thiết nhất. Hải cũng xúc động. Cậu bé không nói gì nhiều, chỉ nhìn bâng quơ ra cánh đồng lúa chín. Một chiếc lá rơi. Một cơn gió lạnh buổi tàn đông. Và mảng trời chiều man mác màu tím buồn như gói kín niềm tâm sự chưa thố lộ thành lời. Thời gian lúc này chỉ còn là khoảnh khắc mà những gì Hải nói đã trở thành niềm tin tưởng tuyệt đối trong lòng Nhi: “Hải sẽ trở về. Lâu lắm là mười năm thôi. Nhi chờ nhé. Chúng ta sẽ xây dựng hạnh phúc trên mảnh đất này, trên quê hương này. Không ở đâu đẹp bằng quê hương mình cả, Nhi ạ”.
Hải ra đi. Hơn mười năm trôi qua, những lá thư nhạt dần. Bao lời hứa chỉ còn là bóng dáng mong manh của một thời thơ dại. Nhiều lần Nhi thơ thẩn một mình trên ngọn đồi, với chiếc cọ và giá vẽ. Cô vẽ mãi hình ảnh quê hương cuồn cuộn một màu xanh giữa đất trời như chính tâm tư của người chờ đợi. Mỗi gam màu là sự thể hiện niềm riêng mà cũng chứa đựng nỗi khát vọng sống của bao thế người đi qua cùng thời đại. Bóng chim trời đã vuột cánh bay xa. Dòng sông xưa cũng đổi màu theo làn khói lam chiều lãng đãng. Lòng thủy chung một thời gắn bó cũng mất đi dần những khái niệm đối xứng trước bao toan tính đời thường. “Đôi khi một người dường như chờ đợi… thật ra đang ngồi thảnh thơi”. Nhi ngâm nga câu hát quen thuộc như thể cõi lòng này chẳng có gì để chờ đợi nhớ thương.
– Nhi à! Mẹ nghe nói thằng Hải mới về thăm quê phải không?
Vừa mang đồ vẽ ra đến cửa, nghe mẹ hỏi, Nhi quay lại trả lời ậm ự .
– Dạ, con cũng nghe nói.
– Nó không đến thăm con sao?
Nhi cười: – Người ta bây giờ là Việt Kiều mà mẹ. Bạn bè cũ đâu nhất thiết phải thăm viếng qua lại.
… Một bóng người ngã dài trong ánh nắng giữa ngọn đồi. Nhìn từ dưới Nhi sợ mình ngộ nhận. Hải đó sao? Vóc dáng cao to cương nghị gần như xóa hết mọi góc cạnh về cái thời thanh thư đen sẫm của cậu bé tinh nghịch. Hải quay nghiêng người với tia nhìn mừng vui bỡ ngỡ. Nhi cố bước chậm qua đám cỏ may, sợ khua động lại bao lối mòn còn in dấu chân xưa.
Hải chạy lại bên Nhi, cười tươi rạng rỡ. Nụ cười vừa thân thiết vừa xa xôi làm Nhi hơi bối rối, cô nhẹ nhàng hỏi bạn:- Hải về bao giờ? Sao không đến nhà Nhi?
– Hải về cả tuần rồi và mới tới nhà bác Hai chiều hôm qua. Nghe nói Nhi hay lên đây vẽ nên Hải đến tìm thử xem. Không ngờ lại trùng hợp thật là thú vị. Sắp ra trường rồi phải không? Nhi học hội hoạ à?
Vẫn lối bông đùa, vẫn chất giọng trầm ấm như thuở nào, duy ánh nhìn chứa đầy vẻ khinh bạc của người từng trải phương xa.
Nhi lắc đầu bâng quơ: – Không! Nhi học văn khoa, chỉ biết vẽ vời đôi chút thôi. Nhi thích khung cảnh yên tịnh này nên hay tìm đến…
Đôi bạn sóng bước đi bên nhau. Cuộc tao ngộ không gợn lên niềm cảm xúc như được chờ đợi bao nhiêu năm. Cảnh vật vẫn còn đây. Chỉ có lòng người trở về là chân bước ngập ngừng như vừa dẫm qua một bến bờ xa lạ…
Hồi lâu Nhi mới khẽ khàng cất tiếng để lấp lửng sự lúng túng ngỡ ngàng của hai người:
– Hải thấy làng quê mình xinh đẹp và phát triển hơn ngày trước chứ. Đồng lúa cây trái bạt ngàn. Kia là con kênh xanh vừa mới hình thành mấy năm nay đó. Bây giờ nông dân đã có máy bơm nước, máy gặt đầy đủ cả…
Một đám khói tỏa ra từ dưới chân đồi. Ai đó đang đốt cỏ. Làn khói bay lên làm Hải khó chịu phải nheo mắt lại, anh lầm bầm ngắt lời cô:
– Làng quê mình bao năm rồi vẫn vậy. Ruộng vườn dù cò bay thẳng cánh, dòng sông có êm ả trong lành, thì chỉ khá hơn với cái thời con trâu đi trước cái cày thôi. Còn nhìn chung thì cảnh sắc và đời sống cứ nhàn nhạt u buồn làm sao ấy. Nếu Nhi đi ra nước ngoài, mới thấy hết sự phát triển và giàu đẹp của xứ người ta. Thế giới bao la tươi vui biết chừng nào chứ đâu chỉ bó hẹp bấy nhiêu.
Chừng như có vệt sáng vừa lóe lên rồi nhanh chóng tan biến vào hư không mà Nhi không thể nào nắm bắt lại được. Đây là điều mà cô chờ đợi nơi người bạn thân tình bao năm đó sao. Ngẩn ngơ nhìn đàn cò trắng bay qua, Nhi ray rứt với ý nghĩ: “Mình quả thật ngây ngô. Trò đời dâu bể đổi thay, huống chi đã mười năm xa vắng thì còn mong đợi gì một tình bạn cao đẹp trong sáng. Chuyện ngày qua… đã trôi theo dòng sông ký ức mịt mù”
* * *
Suốt mấy tháng bận chuẩn bị thi cử, làm luận án tốt nghiệp, Nhi không có dịp trở về quê, không tìm lên ngọn đồi Vọng để vẽ lại khung cảnh làng quê và lắng nghe tiếng chuông chiều nhẹ khua vọng theo cánh cò bay lả. Hải lại ra đi. Hải đi không một lời từ giã, cũng không có gì lưu luyến để làm vướng bận một nơi chốn bình yên vốn dĩ. Tất cả rồi sẽ qua nhanh. Và lòng người cũng sớm phôi phai theo thời gian. Nhi từ chối mọi lời mời đi chơi, những buổi chiêu đãi bạn bè của Hải. Và ngay cả lời tỏ tình đột ngột cũng được dự định đâu vào đó:
– Hải về thăm quê lần này cũng vì lời hứa năm xưa, Nhi à! Chúng ta cùng xây dựng gia đình với nhau nhé. Hải thấy không ai xứng đáng với lòng tin yêu của mình hơn Nhi cả. Dù mười năm ít liên lạc thư từ nhưng Hải vẫn hỏi thăm và không quên cô bạn gái ngày nào. Nếu không có gì trở ngại, mình sẽ tổ chức đám cưới, và lo giấy xuất cảnh cho Nhi ngay. Hải còn phải trở về bên ấy. Công việc làm ăn không thể trì hoãn.
Nhi bật cười, lòng trống trải như nhành cây khô lịm tắt trước buổi tàn thu. Tình yêu mà Hải thể hiện sao giống trò mua bán đổi chác mà hồi nhỏ hai đứa vẫn bày ra chơi. Người lớn mặc cả cuộc đời có vẻ toan tính thực dụng, nên cũng đầy rẫy sự chông chênh bí hiểm. Cô nhẹ nhàng từ chối, rồi trở về bên cánh đồng quê cùng khung giá vẽ thường ngày, vui lòng với những gì hiện có vì chẳng còn gì để chờ đợi. Mọi người ngạc nhiên và lấy làm tiếc cho Nhi. Chỉ có mẹ thì không nói gì cả. Mẹ luôn hiểu và đồng tình với những suy nghĩ và quyết định của Nhi. Hải không ngớt chất vấn gạn hỏi: – Nhi có người yêu khác rồi chứ gì? Bao nhiêu người chờ Hải nói ra điều này mà không được… còn riêng Nhi thì…
Nhi từ tốn trả lời bạn: – Đối với Nhi thì tình yêu quê hương là sâu xa và to lớn hơn cả. Quê hương dù chưa giàu đẹp nhưng đây là nơi đã dưỡng nuôi và cho mình một thời tuổi thơ êm ấm hiền hòa. Dù có đi đâu, có làm gì đi chăng nữa thì hình ảnh quê nhà vẫn mãi mãi là cõi bình yên nhất để lòng mình hướng tới.
Chiều nay, hoàn tất bức ký họa về phong cảnh, Nhi thở phào đứng dậy rồi từ từ thả bộ xuống cuối ngọn đồi. Ngôi chùa nhỏ vang lên tiếng chuông chiều yên ả bâng khuâng. Tiếng chuông từng làm Nhi khắc khoải như chờ đợi một điều gì chưa đến. Nhưng lúc này, cõi lòng thanh thản, thì tiếng chuông chùa lại trở thành một dạo khúc êm đềm, vun mầm cho bao ý tưởng mới vươn lên. Tiếng chuông hay tiếng lòng người đang trực hiện với nơi chốn hằng nhiên bất tận.
Ở tận phương trời xa chắc Hải cũng nhận ra được điều đó. Bởi cuối cùng ai cũng phải có lúc quay trở về với nơi mình từng cất tiếng khóc chào đời mà năm tháng chưa thể xóa nhòa trong tâm tưởng.