Truyện ngắn Lam Khê
Sáng sớm. Đầu hạ mà sương mù đã giăng kín ngọn đồi. Cánh rừng thông lúc này trông giống như một tấm lụa trắng trải dài. Tiếng suối róc rách chảy xuyên qua ghềnh đá. Tiếng thác nguồn theo hướng gió vọng về. Giữa thiên nhiên hùng vĩ ấy, ngôi cổ tự thấp thoáng hiện ra bên lưng đồi. Khách muốn đến chùa, chỉ việc băng qua cây cầu đá nhỏ bắc ngang dòng suối.
Sư cụ trụ trì năm nay đã luống tuổi lắm rồi. Dân cư quanh vùng hiếm khi thấy người rời sơn viện đi đâu. Một đời sư chuyên tâm tịnh niệm, tu hành khắc khổ trong giới luật nghiêm minh. Ngày trước chùa có nuôi nhiều chú tiểu, nhưng không ai trụ được lâu nơi này. Cảm thấy ngày về cõi Phật không còn bao xa, sư gọi môn đồ trở về lo kế thừa đạo nghiệp. Song hàng đệ tử sư, người còn du học nơi xa, người có trụ xứ hành hóa đạo nghiệp một phương và không ai có ý định quay về nơi Tổ đình sơn lâm heo hút.
Bao mùa hạ đến thu sang, sư mặc nhiên làm ông từ già khuya sớm một mình lo hương đèn cúng Phật. Hết niệm Phật trì kinh thì ra hiên ngoài quét dọn. Thỉnh thoảng sư đứng lặng bên hiên chùa, ngó mông lung ra mấy ngôi tháp Tổ sư. Người xưa tạo dựng Già lam thường thích cảnh núi rừng yên tịnh, nào bận tâm đến việc hoang tàn hư phế theo thời gian.
Khách vãng cảnh chùa dừng chân bên chiếc cầu đá. Lâu rồi khách mới có dịp ghé lại. Cũng do tình cờ một lần đến mà biết cảnh, biết người. Từ đó khách thường lui tới viếng thăm sư cụ và cùng người đàm luận chuyện văn thơ thiền học. Năm trước, khách đến vẫn là mái chùa tiêu sơ hoang lạnh ít người lai vãng. Bây giờ… xem chừng như sư cụ đang định tổ chức một cuộc lễ hội gì đây. Khách chậm rãi bước lên đồi.
Trước sân chùa, bên gốc cây bồ đề rộng tàn che phủ một góc khu vườn. Một bồn cỏ nhân tạo và một bức tranh vải dựng ngay trên đó. Bức tranh vẽ cảnh Hoàng hậu Mahamada cùng dạo chơi với các thể nữ. Khi bà đưa tay ra định hái cành hoa vô ưu thì sanh hạ Thái tử Siddhartha Gautama. Thái tử vừa sanh ra vội đưa một tay lên chỉ trời, một tay chỉ xuống đất và đi liền bảy bước trên những búp sen hồng. Một hình tượng được tôn tạo lại khá là sinh động. Một nhân vật lịch sử gắn liền với bao truyền thuyết nhiệm mầu, để từ đó tồn tại mãi trong niềm tin ký ức của muôn loài.
Khách chợt nhớ ra. Đã bước qua tháng tư âm lịch rồi còn gì. Ngày lễ Phật đản đã trở thành truyền thống thiêng liêng cho hằng triệu triệu tín đồ Phật giáo trên khắp thế giới. Năm nay một đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên được Nhà nước đăng cai tổ chức. Thủ đô ngàn năm văn vật sẽ là nơi tiếp đón hơn 90 quốc gia về tham dự. Thật là một Đại lễ Phật giáo huy hoàng và tầm cỡ chưa từng có trên đất nước này. Nhiều năm lui tới chùa, khách chưa từng thấy sư cụ tổ chức lễ hội gì. Rằm tháng giêng tháng bảy, ngày Phật đản sinh hay thành đạo, sư cụ cũng chuyên tâm tịnh niệm ngồi thiền, chẳng chút ưu tư hay bận tâm đến vấn đề thời sự thời cuộc. Phật tử thân tín đến chùa cũng chỉ dăm người. Giả như sư cụ có ý định tổ chức một ngày lễ Phật đản có quy mô ở chốn thâm sơn này cũng khó mà thực hiện được.
Khách đăm chiêu ngước nhìn mấy dây cờ Phật giáo đang bay phất phơ trong gió. Ngôi Tổ đình tọa lạc trên vùng cao vi vút gió ngàn, dường như cũng bắt nhịp với ngày lễ hội Phật đản mang tầm cỡ quốc tế thời hội nhập. Con đường nhập thế của đạo Phật luôn ẩn chứa nhiều sắc màu diệu kỳ là vậy. Công việc trang hoàng vườn hoa mừng ngày Phật đản còn dang dở… Khách đi vòng ra phía sau. Quanh chiếc bàn dài có nhiều người đang dùng cơm trưa. Hẳn là Phật tử đến chùa làm công quả đây. Một vị thầy còn rất trẻ đứng gần đó. Thầy nhìn thấy khách lạ, vội bước ra niềm nở hỏi:
– Đạo hữu từ phương xa đến tham quan chùa hay muốn gặp sư cụ? Xin mời qua phòng khách.
Khách mỉm cười lễ phép:- Dạ… Con ghé thăm sư cụ.
Khách theo thầy băng qua mảnh sân trải sỏi, đến một ngôi thiền thất nhỏ nằm khuất sau rặng liễu um tùm. Thiền thất mới làm bằng gỗ, đậm màu cổ kính u nhàn. Sư cụ ngồi niệm Phật trên sàn ván, trông thấy khách thì tươi cười rạng rỡ:
– Mô Phật! Lâu lắm rồi mới thấy con ghé lại chùa.
Khách chắp tay chào sư cụ rồi khẽ đáp:- Sư cụ vẫn còn khỏe mạnh. Hơn năm rồi con mới có dịp trở về chùa. Nhìn từ xa thấy cảnh chùa có nhiều thay đổi, lòng con cứ ngờ ngợ. Sợ sư cụ xuôi về cõi Phật mà đệ tử không được gặp người lần cuối.
Sư cụ cười, tay lần chuỗi hạt, cất lời nhỏ nhẹ:- Sự đời vô thường thoáng chốc. Có thân có diệt là lẽ tất nhiên. Sư nay tuổi đã cao, chỉ mong sớm về cửa Phật, liễu thoát sanh tử ngay trong đời này.
Khách bắt đầu lý sự: – Sư về Tây Phương thì cũng mau trở lại độ tận chúng sanh cõi này. Biết đâu lúc ấy, con được theo người sống cuộc đời thoát tục.
Vị thầy quay trở lại với khay trà nóng. Theo sau là chú nhỏ bưng mâm cơm đãi khách. Thầy ân cần bảo:- Sư cụ mới dùng ngọ xong. Vậy mời thí chủ dùng tạm bữa cơm chay đạm bạc, nghỉ ngơi thong thả rồi hãy đàm đạo.
Đợi thầy bước ra, khách ngồi xuống dùng cơm và gợi chuyện hỏi sư cụ:
-Vị thầy này…hẳn là đệ tử của sư cụ đi du học xa mới về. Hèn gì con thấy cảnh chùa có nhiều thay đổi mới lạ. Mùa Phật đản năm nay Phật tử có dịp tựu về Bổn tự làm lễ đông vui.
Sư cụ châm trà ra tách, lắc đầu chậm rãi nói:- Thầy Phước đây là người từ phương khác tới. Không phải đệ tử cũng chẳng là Tông đồ. Mà có hề gì chứ. Là Thích tử Như Lai thì ai ai cũng là huynh đệ, là bạn hữu, chấp nê chi chuyện tông phái tông môn. Thật ra thầy Phước không nghĩ đến việc phải về đây đâu. Mấy lần ghé lại chùa, thầy chỉ muốn dưỡng bệnh và thực hành thiền quán nơi thanh vắng. Sư cảm kích hạnh tu của thầy, nhiều lần mời gọi… thầy mới nhận lời về. Nhưng thầy nói mình chỉ là một hành giả du phương, nơi nào cần thì đến, hết duyên thì đi.
Sư cụ yên lặng ngước nhìn ra trước sân. Vài cánh chim lạ vừa sà xuống bên thềm. Chúng thản nhiên, vô tư đi lại như chốn rừng rậm thân quen. Bầu trời đầy nắng và gió từ rừng thông thổi vào mát rượi. Thỉnh thoảng vang lên vài tiếng cười nói nho nhỏ từ phía trai đường. Khung cảnh yên bình bỗng rộn ràng đôi chút.
Sư cụ nói tiếp: – Đã gọi là nhân duyên Phật bổ xứ, thì đâu đâu cũng là Phật sự con à! Ngày trước sư nuôi nhiều chúng đạo, mà trụ lại trong môn đồ cũng chỉ được dăm người. Người ta bảo chim non quen chốn rừng xanh. Nhưng chim đã sổ lồng thì khó mà quay về chốn cũ. Nay gặp được người chịu về hành đạo phương này, cũng là phước duyên hy hữu.
Khách ngồi yên lặng lắng nghe. Là người thích ngao du sơn thủy, tìm thú văn thơ. Khách chẳng mấy am tường chuyện truyền thừa tông phong tông phái của nhà chùa. Về giáo điển lại càng mù tịt. Mỗi lần ghé qua, khách được sư cụ giảng dạy những bài thi kệ Phật Pháp, rất lấy làm thú vị. Hôm nay lại nghe người bộc bạch mấy điều căn cơ trong lòng, khách càng cảm khái. Sư cụ lui về tịnh thất yên tu trong niềm hỷ lạc. Và mai này, người sẽ được chứng kiến một ngày đại lễ Phật đản huy hoàng, ghi đậm dấu son truyền thừa ánh đạo trong suốt mấy ngàn năm lịch sử.
– Con thấy đấy. Thầy Phước mới về mấy tháng mà cảnh Già lam đã rộn rịp bóng người. Họ là những Phật tử ở tận vùng sâu vùng xa, có cả người dân tộc lần đầu tiên biết đến chùa nhưng ai cũng giàu tâm đạo, nhiệt tình tu tập, thích làm lành tạo phước. Bây giờ có thầy hướng dẫn đường tu, mọi người về chùa cùng chung sức chung lòng tổ chức cho ngày đại lễ Phật đản lớn nhất từ trước đến nay nơi vùng thâm sơn hẻo lánh này…
Sư cụ uống cạn ngụm trà nóng rồi thong thả tiếp lời:
– Mà này! Con đã đến thì ở lại dự lễ Phật đản rồi hẳn đi. Không như các nơi khác, lễ Phật đản chùa núi chỉ tổ chức đơn sơ nhưng chắc là không kém sự thân tình đạo vị. Thầy Phước còn mở khóa tu niệm Phật hằng tuần và có giảng dạy Phật pháp. Rồi con sẽ nhìn thấy cả một hàng dài nam nữ lớn bé nối nhau đi kinh hành quanh đồi. Từ ngày có thầy Phước về khuyến tu giảng pháp, Phật tử ở đây thật chẳng khác nào như cây khô gặp được trận mưa nguồn tưới tắm. Sự sống quanh vùng ngày càng nẩy mầm tươi sáng.
Một buổi sáng, khách quảy hành trang từ giã sư cụ xuống núi. Ngôi chùa cổ nằm khuất sau cánh rừng thông, còn vọng lại tiếng hát ngân nga của đoàn oanh vũ áo lam. Khách không thể ở đến ngày lễ Phật đản như lời mời của sư cụ và thầy Phước. Tuy vậy mấy ngày lưu lại khách đã cảm nhận ra được bầu không khí trang trọng và tưng bừng chờ đón ngày đại lễ Phật đản. Rồi đây trong chuyến hành trình vô định, khách sẽ dừng chân bên một ngôi chùa nào đó để cùng mọi người chung vui ngày hội lớn.
Một đàn chim trắng vừa bay qua đỉnh núi. Vài khoảng vắng nhạt nhoà đọng lại trên không. Dưới chân đồi, bóng người lữ khách khuất dần nơi nẻo vắng.