Cảm xúc cùng cuộc sống

寫在人生邊上

Nếu như đời người là một quyển sách, thì đây là những cảm xúc rải rác trên lề của quyển sách này…

Tôi chỉ biết cái tên gọi này vào khoảng mấy tháng trước. Thì ra đó là loại rau thơm lá dầy có lớp lông tơ mà tôi lâu lâu thấy bán ngoài chợ Cabramatta của người Việt. Rau này thường được dùng để điều vị cho các món canh chua hay gỏi sống Việt Nam, nhưng không ngờ “tần dày lá” cũng là một vị thuốc nam thường dùng để trị bệnh ho và viêm nhiễm khuẩn.

Rau Tần dầy lá

Từ ngày đi Việt Nam về, tôi bị ho liên miên, càng ho càng nặng, nhiều đêm ho đến nổi gần như tắt thở! Tôi đã chạy dùng đủ loại thuốc, từ thuốc tây đến thuốc bắc – trên dưới cũng đã uống gần một trăm thang, nhưng chỉ nghe khá khá, rồi lại trở bịnh! Cho đến bác sĩ chuyên khoa, cũng không tìm ra manh mối của bịnh tình!

Hòa Thượng Phước Huệ cười bảo: “Con ho như vậy làm sao ca cải lương hát hồ quảng? Uống thuốc nhà giàu không hết thì để thử thuốc nhà nghèo, thuốc này là thuốc cổ truyền nhân gian, vừa rẻ tiền vừa công hiệu”. Vị thuốc rẻ tiền này chính là “Rau tần dầy lá”. Lúc đó tôi dạ dạ rồi thôi, vì rau này chỉ thấy bán ngoài chợ vùng người Việt, và vùng này lại xa nhà tôi gần 35 cây số. Hơn nữa tôi thầm nghĩ: Cả đến các loại trụ sinh mạnh vẫn không thấy công hiệu thì những miếng tần dầy lá này sẽ có công hiệu chăng!?

Một tuần sau Hòa Thượng lại phone đến hỏi thăm bịnh tình, tôi bạch vì bận nên chưa dịp ra chợ, tạm thời xịt thuốc để cầm ho, hai tuần sau sẽ đi Cabramatta một chuyến. Thầy bảo: “Trên Đại Tùng Lâm chắc có trồng lá này, để Thầy đi tìm xem”. Hai ngày sau Thầy phone đến cho biết là đã tìm được thuốc, để lâu sợ héo, nên bảo tôi cuối tuần về Chùa lấy. Nhưng thật ra đi Chùa càng xa hơn đi chợ, nên tôi liền nói đùa với Thầy: Gần đến Noel, Thầy sẵn làm ông già Noel, đưa quà đến tận nhà con! Hôm sau Thầy phone đến xin địa chỉ, tôi liền bạch là văn phòng của Chùa có địa chỉ tôi (vì đánh vần tiếng Anh sẽ đem lại nhiều khó khăn cho Thầy). Thầy bảo hôm qua đã kêu người đưa xuống, nhưng mới đó đã không biết bỏ nơi nào, tìm cả buổi cũng không thấy. Thôi thì tôi đành phải đánh vần từng chữ cái cho Thầy…

Hai ngày sau tôi nhận được hộp rau tần. Tôi ôm gói quà nước mắt rưng rưng, nói không ra lời! Không ngờ Thầy đã lặn lội tìm thuốc gởi đến tận nhà cho tôi. Tôi vội phone đến cám ơn và Thầy bảo: “Con đâm lá cho nát, rồi vắt nước uống, chịu khó uống đặc đặc cho có công hiệu, hết rồi Thầy sẽ gởi thêm. Còn mấy cành cây con đem gieo ngoài vườn, nuôi cho sống để dành sau này dùng, vài ngày sau con cho Thầy biết hiệu quả”. Tôi liền bạch: thuốc này chan chứa tình thương của Thầy, chắc chắn con sẽ lành bệnh. Nhưng một tuần sau…

Tôi chưa kịp báo cáo bịnh tình và mấy cành cây tần vẫn chưa kịp nảy mầm trổ lá, thì Thầy đã vào bệnh viện, rồi Thầy lặng lẻ ra đi… Tôi chẳng kịp một lời đưa tiễn…

Tôi ít dịp sống gần gũi với gia đình, nhưng lại là người rất diễm phúc, vì tôi được hai vị Ân Sư dìu dắt trên những bước đi trên đường đời và đường đạo. Một vị truyền dạy các pháp môn tu học, soi đường chỉ lối để tôi được nương theo con đường chánh đạo. Một vị chăm sóc ân cần ngay từ thuở tôi vừa đến Úc, sẵn sàng nâng đỡ khi tôi bị vấp ngã trên những bước đi gập ghềnh của cuộc đời… cũng nhờ những nâng đỡ ban sơ và những đạo lý truyền dạy đó, tôi đã mang theo vào đời, và được lớn khôn thành trưởng cho đến ngày nay.

Hai vị Ân Sư nay đã lần lượt ra đi! Tôi cảm thấy mình như mồ coi mồ cút! Tuy biết nhân sinh vô thường, không có gì là tồn tại vĩnh viễn, nhưng tôi vẫn chưa vượt khỏi được cái hữu hạn của ý niệm sinh tử, khó lòng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Mỗi khi nhìn thấy mấy cành cây tần sau vườn nhà, tôi lại nhớ đến Thầy, nhớ đến tình cảnh Thầy lụm cụm, tay run run ghi lại những hàng địa chỉ bằng chữ Anh của tôi!

Đêm nay trăng tròn, sắc nguyệt lung linh, tôi rất muốn học theo hào khí của các đại thi nhân thời xưa “Đối tửu đương ca, nhân sinh kỷ hà, thí như triêu lộ, khứ nhất khổ đa, khái đương dĩ khảng, ưu tư nan vong, hà dĩ giải ưu? duy hữu đỗ khang…” 對酒當歌, 人生幾何, 譬如朝露, 去日苦多. 慨當以慷, 憂思難忘, 何以解憂, 惟有杜康…  nhưng thì ra, tửu nhập sầu trường, sầu cánh sầu, cạn chén rồi thì thấy lòng càng buồn thêm…

Sách thường có câu, bi mạc bi hề sinh biệt ly, lạc mạc lạc hề tân tương tri (悲莫悲兮生别离, 乐莫乐兮新相知). Với tôi bây giờ thì cho rằng câu đầu tiên nên sửa lại là “Bi mạc bi hề tử biệt ly” mới đúng. Quả đất vẫn tròn, một ngày còn sống thì vẫn còn có ngày tương ngộ, nhưng một khi đã thành thiên thu vĩnh biệt, âm dương tương cách, có gặp lại chăng thì chỉ là một nấm mồ, một tấm ảnh hay một bài vị mà thôi!

11/02/2012

Thiền Quán

Đã gần đến ngày mở màn cho tuồng kịch sống, tôi bâng khuâng lo sợ, sợ bịnh ho ảnh hưởng đến diễn xuất của mọi người, chỉ hy vọng những chai thuốc xịt dành cho bịnh xuyễn sẽ giúp tôi cầm ho trong thời gian ngắn hạng. Nhưng khổ thay, khi gần đến phần giữa, thì vai diễn của tôi sẽ lâm bịnh lao và sau cùng bị chết đi… Như vậy tức có nghĩa là tôi được quyền ho trong lúc diễn, nhưng tôi cần phải ho đúng lúc và ho đúng mức theo nhu cầu.

Thuốc xịt thì dĩ nhiên rất công hiệu, quả nhiên tôi không còn ho… nhưng khi đến lúc tôi bắt đầu giả đò ho, thì những cái ho “giả đò” đó lại kích thích để rồi phát khởi cái ho “thật sự” của tôi!

Còn nhớ đem đầu tiên mở màn, lẫn lộn trong hàng khán giả, ngoài người thân và bạn bè, có những người viết kịch, bình kịch, giáo sư dạy diễn, đạo diễn cho đến các nhà chính trị và lãnh tụ của các cơ quang cộng đồng được mời đến tham dự buổi khai mạc này. Nên đó là một đêm diễn xuất quang trọng nhất của mọi người.

Sau hai tiếng ho đầu tiên “giả đò”, thì tôi cảm thấy cổ họng bắt đầu ngứa… tôi liền nín thở cố gắng cầm xuống đừng để ho ra… Nhưng càng cố gắng thì tôi càng muốn ho!!! Đột nhiên tôi nghĩ đến pháp thiền quán của Thầy từng dạy bên VN, tôi ngồi tịnh tâm, hít thơ điều hòa, và bắt đầu thiền định. Chỉ trong khoảnh khắc cảm giác khó chịu trong cuống họng từ từ hạ xuống, không bao lâu tôi đã trở lại bình thường. Vào những đêm diễn kế tiếp, tôi đều dùng phương pháp thiền quán để giúp tôi thoát khỏi tình cảnh ngặt nghèo nhất trong đời.

Thầy tôi là một vị Thiền Sư, nên tôi đã bắt đầu theo Thầy tập thiền từ nhỏ. Nhưng khi xuất ngoại rồi, sự tu tập trở thành phương phế! Tôi tưởng pháp thiền quán sơ cơ của tôi đã học chỉ là dùng để tu tâm dưỡng tánh, thì ra đó cũng là pháp mầu nhiệm để phòng bịnh và trị bịnh. Nếu luyện tập thường xuyên, tôi chắc chắn sẽ được thoát khỏi trận ho ghê gớm này.

23/02/2012

Cám ơn cuộc sống

Đây là một đề mục mới vừa lập ra trong tập san Phước Huệ kỳ này, mục đích nhằm để mọi người tham gia viết về những cảm niệm, chia sẻ về những câu chuyện đã đem lại nguồn sống an vui hạnh phúc trong cuộc đời.

Bài đầu tiên được đăng tải là bài viết của một vị Sư Cô – một bài tưởng niệm và cảm tạ ơn nghĩa cha mẹ, thân nhân trong gia đình, và nhất là Ân Sư của Cô tức Cố Hòa Thượng Phước Huệ. Nội dung như sau…

Ba của Cô là một công chức làm trong sở bưu điện của Pháp, nhưng vì nhiều lần vắng mặt trong những buổi lễ chào cờ Pháp, ông đã bị đưổi sở! Từ đó mẹ Cô phải làm nghề thêu để nuôi 5 đứa con thơ. Cô là con út và lúc đó Cô chỉ lên 5.  Không bao lâu, được sự ủng hộ và đồng ý của mẹ Cô, ba Cô đã dẫn anh cả ra đi để gia nhập vào đoàn hoạt động chống pháp. Từ đó cuộc sống gia đình càng trở nên vất vả chật vật, người anh kế đành phải nghĩ học để phụ nuôi gia đình. Rất may anh chị khác lần lượt học thành tài, gia đình mới được thoát khỏi cảnh gian nan nghèo túng! Khi hồi tưởng lại đời sống nghèo nàn kham khổ xưa, Cô cảm thấy mình đã chịu ơn rất nhiều với cha mẹ anh chị trong gia đình… Trong lúc vô thường lần lượt cướp đi từng người thân yêu ấy, Cô thầm nghĩ “Nhất nhơn hành đạo cửu huyền thăng”, nên Cô quyết định đáp tạ ơn nghĩa bằng cách thí phát đi tu.

Lời văn chất phát, chơn thành và đầy tình cảm… Nhưng tôi lại không một mảy may cảm xúc đối với bài viết này! Nhất trung nhì hiếu là tư tưởng truyền thống của nho giáo, nhưng thời đại này đã không còn phải là thời vua chúa hay kiếm hiệp!  Nam nhi hào khí có thể làm no bụng anh hùng, nhưng không lẽ nó cũng có thể đem lại sự no ấm cho lũ con thơ vô tội? Ngày xưa Lý Bạch cũng vì không chịu cúi đầu với quyền quy nên đã giả từ quan chức, cáo lão hồi hương, đưa hồn về cảnh thơ, cảnh non sông núi rừng, thật hào phóng và u du tự tại! Nhưng đã nói là “tự” tức là một mình, chẳng lẽ vợ con ở nhà có thể thắt lưng bưộc bụng để gồng gánh bốn chữ “anh hùng hào khí” hay sao?!

Tôi thường cho rằng lập gia đình, sinh con đẻ cái là một chọn lựa cá nhân, một khi đã chọn cho mình vai trò làm cha làm mẹ, thì ta cần phải nhớ đó là một con đường dài đăng đẵng không hồi đầu. Những người không đủ sức hoặc không theo đường đi đến cuối sẽ là những người vô trách nhiệm, và cũng là những người gây tạo cảnh địa ngục trần gian!

Sư Cô là người con hiếu nghĩa, chỉ nghĩ đến một đời sống mà gia đình đã bang cho Cô – đó là cái đẹp và đức hạnh của người Đông Phương chúng ta. Nhưng dù sao ơn nghĩa và trách nhiệm nhiều lúc còn phải tùy theo định nghĩa và cảm nhận của từng người.

03/5/2012

“Ngày xưa ở Cabramatta”

Đây là một bộ phim tài liệu gồm ba tập kể về những thăng trầm của cộng đồng người Việt tị nạn tại vùng Cabramatta – một vùng được xem là “thủ đô bạch phiến” và điểm đen của tội phạm Úc Châu vào thập niên 80/90. Bộ phim có những cuộc phỏng vấn về chuyện thật của các gia đình có những đứa con từng bị sẫy bước lạc bầy.

Dưới đây là những lời bình được đăng tải trên báo chí Việt Nam Úc Châu…

Câu chuyện của các gia đình Hoàng và Lê trong phim cho thấy cuộc sống khó khăn trên vùng đất mới khiến những ông bố bà mẹ phải xa rời những đứa con thơ và làm việc không ngừng nghỉ bất cứ thời gian nào họ có thể. Thiếu sự hướng dẫn và sống trong những mặc cảm, khác biệt trong văn hóa gia đình giữa người Việt và xã hội Úc khiến cho một bộ phận thế hệ trẻ bị lạc bước và sa ngã vào tội lỗi. – Bay Vut

Sự thiếu đi tình thương và hướng dẫn gia đình đã làm cho thanh thiếu niên sẫy chân vào băng đảng của xã hội đen thì rất đúng, nhưng nếu nói là cuộc sống khó khăn trên vùng đất mới khiến những ông bố bà mẹ phải xa rời những đứa con thơ và làm việc không ngừng nghỉ thì tôi không đồng ý!

Người nói lên lời này hình như đã quên lãng đi những ngày tháng “thật sự khó khăn” trong thời chiến VN. Đời sống ở đất này tuy chưa có thể nói là thiên đường, nhưng nước Úc là một phúc địa để mọi người dân được an cư lạc nghiệp! Ngoài những số tiền trợ cấp dài hạn cho người thất nghiệp, người già, chánh phủ còn cho cả tiền sữa nuôi con… lại còn có những phúc lợi xã hội khác, như thuốc men, bác sĩ, bệnh viện, giáo dục, giao thông, nhà cửa… những  người vừa định cư với danh nghĩa tị nạn càng sẽ là nhóm người được hưởng ưu tiên hàng đầu. Vạn sự khởi đầu nan, dù phúc lợi có hoàn chỉnh bao nhiêu thì đối với người di dân với hai bàn tay trắng, trong lòng nặng triễu niềm thương nhớ quê nhà, dĩ nhiên cuộc sống sẽ có một phần khó khăn trên sự bất đồng của ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống, ẩm thực, khí hậu v.v… nhưng nếu nói khó khăn đến nổi phái bỏ con ngoài chợ để làm việc liên miên thì lời nói thật hơi quá đáng!

Sở dĩ những ông bố ba mẹ mài miệt với công việc không ngưng, tôi nghĩ lý do có thể là vì:

  1. tính siêng năng là tính trời sinh của dân tộc Á Châu.
  2. tiền lương tại Úc rất cân xứng với sức lao động của mọi người (nhiều người bên VN ngày xưa, dù có làm lụng cực nhọc nhưng vẫn không đủ cung cấp sự nhu cầu căn bản trong cuộc sống hàng ngày).
  3. gồng gánh trách nhiệm nuôi dưỡng những người thân còn lại ở VN.
  4. không mong muốn con cái có một đời sống nghèo khổ như mình.
  5. không đủ trí thức về công việc dạy dỗ và phương pháp liên hệ với thế hệ trẻ nhất là với một thế hệ đã bị tây hóa! (chớ không phải là một thế hệ sống trong những mặc cảm trên sự khác biệt của văn hóa như đoạn văn trong bài báo vừa nêu trên)

Trong những ngày tết âm lịch, chợ Cabramatta buôn bán càng phồn thịnh hơn thường! Những tiệm hàng hóa, rau cải, nhà hàng, cho đến tiệm thẩm mỹ, tiệm vàng, đều rần rộn chen lấn với những khách hàng đa sắc tộc! Dĩ nhiên những ngày tết như vậy là thời vàng song của thương mại, nhưng tiền kiếm bao nhiêu mới gọi là đủ? Có giây phút nào hơn giây phút gia đình được xôm tụ, có lạc thú nào hơn lạc thú của thiên luân. Ngày đến ngày đi, thế rồi thời gian thấp thoáng trôi qua, mới đây lớp trẻ đã lớn khôn thành người, rồi sau đó mọi người ra đi, đi theo công danh, sự nghiệp và lý tưởng, còn lại chỉ là căn nhà khổng lồ đầy những căn phòng không ai ở. Lúc đó dù có sống trong cung vàng điện ngọc, châu báu ngọc ngà, ta vẫn không thể tìm lại những cảm giác hân hoan khi ôm lấy sự sống kỳ diệu ấy, những vui mừng khi nghe tiếng kêu bố mẹ bập bẹ đầu tiên! Làm sao còn tìm được những tiếng cười nói bi bô, những giờ phút bế nựng, những thú vị khi ôm con vào lòng, những cảm giác đầm ấm khi đôi tay nho nhỏ vòng quanh cổ, những câu hỏi ngây thơ đầy thám hiểm, những chia sẻ về tâm sự lo âu, cho đến niềm kiêu hãnh khi thấy con được trưởng thành…

Hy vọng rằng những người cha người mẹ đừng để cuộc sống tất bật lôi cuốn vào dòng đời hối hả, hãy dừng lại để tận hưởng những thú vui, những khoảnh khắc đẹp nhất và đáng nhớ nhất của cuộc đời – bởi vì thời gian sẽ không trở lại bao giờ!

06/05/2012

Ah Yin.