Tôi đựơc biết Phương Bối qua quyển sách NẺO VỀ CỦA Ý do thầy Nhất Hạnh viết khoảng hơn bốn muơi năm về trước. Nó không phải là tiểu thuyết hay là sách tham khảo mà chỉ là những trang hồi ký về một khu rừng hoang vu, nên thơ và hùng tráng giữa thời chiến tranh khiến tôi và rất nhiều người đã bị cuốn hút bởi văn phong nhẹ nhàng, trong sáng và tâm hồn tươi mát của Thầy và các nhân vật có thật trong sách. Dưới ngòi viết thần kỳ, Thầy đã biến khung trời Phương Bối thành Thánh Địa, thành dấu ấn lịch sử, khiến hàng triệu người trên thế giới, nhất là các đệ tử ngoại quốc của Thầy đều mong muốn về Việt Nam để thăm Phương Bối một lần !
Quê hương Việt Nam trải qua bao nhiêu năm chiến tranh đau thương. Thầy đã dấn thân kêu gọi thế giới ủng hộ phong trào đòi hòa bình, yêu cầu các nhà lãnh đạo hai miền hãy ngồi lại với nhau để tìm một giải pháp hòa hợp mà không cần tới đạn bom, đại bác. Kết cuộc, Thầy bị nhà nước Sài gòn cấm không cho trở về Việt Nam. Thầy sống cuộc đời lưu vong từ đó.
Với trái tim tràn ngập từ bi, thấm nhuần sâu sắc giáo lý Phật Đà và tình dân tộc, Thầy đã bước những bước chân vững chãi trên nhiều nuớc Âu, Á, Mỹ và Úc châu, trao truyền pháp môn Thiền chánh niệm, giúp mọi người tìm lại bình an trong cuộc sống, hòa giải đựơc những đổ vỡ trong gia đình, trong cộng đồng xã hội, sống hòa thuận thương yêu nhau. Thầy đã được các nhà lãnh đạo, trí thức, tôn giáo trên thế giới ngưỡng mộ, Thầy là người Việt Nam anh hùng của nền hòa bình thế kỷ 20.
Năm 2005, Thầy và Tăng Đoàn trở về Quê hương, đó là niềm hạnh phúc rất lớn của Thầy và mọi người. Đó là mùa Xuân xum họp của Thầy với bao nhiêu người thương yêu sau bốn mươi năm xa cách.
Mùa Xuân năm nay, 2007, Thầy trở về quê mẹ với niềm thao thức mong mỏi hàn gắn được những vết nứt rạn, đau thương thống thiết của những người đã bỏ mình trong cuộc chiến, trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu, trong núi thẳm, rừng sâu và biển cả qua chương trình Tổ chức Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bình Đẳng tại ba miền đất nước, đã làm phấn khởi lòng người.
Giới đàn Phương Bối
Theo buớc chân Thầy và Tăng Đoàn Làng Mai về Tu Viện Bát Nhã tại DamDri, Bảo Lộc, tôi đã được tham dự Giới Đàn Phương Bối do Chư vị Giáo Phẩm Tôn Túc Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tỉnh Lâm Đồng và Làng Mai kết hợp cho chư vị Tăng Ni tỉnh Lâm Đồng về thọ trì giới pháp Sa Di vàTỳ Kheo.
Buổi lễ đựơc tổ chức theo nghi lễ Làng Mai. Mở đầu là Phần dâng hương và chúc tán chư vị Tổ sư do Thầy Nhất Hạnh tuyên đọc. Với giọng trầm ấm, phát xuất từ trái tim của vị thiền sư 82 tuổi, tôi nghe niềm xúc động đang dâng tràn nơi trái tim và hơn một ngàn giới tử đang quỳ trước đại hùng bảo điện.
Tiếp theo đó là bài Đầu cành dương liễu đựơc toàn thể Tăng Ni cùng hát lên, rồi tiếng niệm Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm như những ngọn sóng hải triều vang vọng khắp không gian. khiến tôi cảm nhận rằng chúng tôi đang sống thật sự nơi Thánh Địa Phương Bối trong giây phút hiện tại. Chung quanh chúng tôi đang có thầy Nhất Hạnh, có sư cô Chân Không, có Tăng Đoàn Làng Mai có chư vị Hòa Thượng, Thượng Tọa tỉnh Lâm Đồng, quí Sư bà và Giới tử khắp miền đất nước về đây tham dự. Không khí Thánh Linh và hạnh phúc ngọt ngào đang bao trùm toàn thể tu viện Bát Nhã, khiến tôi chợt nhớ đến hai câu thơ anh LĐN viết cho Thầy trong Nẻo Về của Ý:
Nếu ngày về khung trời đổ vỡ
Thì tìm em trong đáy hồn anh.
Tôi mỉm cười khẽ nói với anh: “Anh Nguyên ơi, cái khung trời Đại Lão trong khoảnh khắc ngày xưa bây giờ đã chìm vào quá khứ, lãng quên, nhưng linh hồn Phương Bối thì vẫn đựơc thầy Nhất Hạnh, sư cô Chân Không và những người thân quen của anh khắc cốt nơi đáy tâm mình. Phương Bối bây giờ đang hóa sinh nơi núi rừng Damdri, có suối róc rách, có ngàn thông reo trong gió hòa với tiếng chim muông khi bình minh rực rỡ và theo nắng quái chiều hôm gọi bóng đêm về. Phương Bối bây giờ đã trở thành thánh địa thật sự với tiếng chuông chùa thánh thoát buổi ban mai, vang vang lời kinh cầu nguyện của hàng trăm Tăng ni trẻ vào các thời công phu. Phương Bối bây giờ thuần khiết, an lạc trong từng hơi thở, vững chãi từng buớc chân chánh niệm đi về tương lai. Tôi xin đổi hai câu thơ của anh thành:
Nếu ngày về khung trời rạng rỡ
Thì tìm nhau trong ánh mắt thương yêu.
Tôi đang nguyện cầu, hát ca thay cho anh và những người thân yêu khác chưa có mặt nơi khung trời Phương Bối trong giây phút hiện tại nhiệm mầu này.
Cổ Phật Khất Thực
Sáng nay, từ 4 giờ sáng, hàng đoàn xe đò chở chư vị Tăng Ni về hướng tu viện An Lạc tại Bảo Lộc. Tôi vì sức khoẻ yếu nên không tham gia trong Tăng đoàn khất thực. Mà xin làm thí chủ cúng dường. Lộ trình của đoàn khất thực phát xuất từ tu viện An Lạc tới chùa Phước Huệ khoảng 3km.
Chúng tôi phải đi khoảng cách thật xa chùa An Lạc, tới gần chùa Phước Huệ mới được đứng đó, đợi Tăng Đoàn đến để cúng dường thực phẩm.
Phật tử cúng dường kéo đến mỗi lúc một đông, chật cả lề đường. Chúng tôi đợi mỏi cả chân dưới ánh nắng, đến 9g30 thì thấy xe con chở thầy Nhất Hạnh đi qua. Ngài vẫy tay chào chúng tôi. Đợi gần nửa tiếng sau mới thấy Tăng đoàn tới, vì là lần đầu tiên đồng bào và Phật tử ở đây mới được dịp cúng dường chư tăng theo truyền thống mà cả đời chỉ nghe qua sách vở, và cũng chưa bao giờ được hướng dẫn cho nên khi vừa thấy quí Thầy tới là Phật tử ùa ra giữa đướng, chặn quí sư lại và dành nhau bỏ quà vào bình bát, khiến đoàn khất thực bị đứt quãng và tạo nên khung cảnh mất trật tự.
Năm 2005, tại chùa Hoằng Pháp, tôi sung sướng tham dự trong đoàn khất thực Làng Mai, đi từng buớc chân an lạc, nở nụ cười đón nhận những phần quà của thí chủ cúng dường, niềm hạnh phúc to lớn trào dâng như mình đang sống dưới thời đức Bụt. Năm nay, số lượng Tăng Ni đông gấp hai, số người cúng dường rất đông, mà khung cảnh cúng dường thiếu trang nghiêm, chen lấn khiến có vị lớn tuổi không đi được. Nhưng dù sao, tôi vẫn thấy một niềm vui lớn đang tuôn chảy trong lòng.
Được làm kẻ khất sĩ, cầm bình bát đi xin theo Tăng đoàn hòa hợp, tôi có niềm vui thanh tịnh. Năm nay, được làm thí chủ cúng dường, hòa trộn trong hàng Phật tử đông đảo, nhìn thấy nét vui mừng hớn hở của họ khi cúng phẩm vật cho Tăng Ni, tôi cũng thấy niềm vui rộn rã. Tôi thấy chung quanh tôi, khung trời Bảo Lộc này đang hân hoan tham dự ngày Hội lớn, đón mừng Thiền sư Nhất Hạnh trở về nơi gốc rễ tâm linh, mảnh đất đã nuôi dưỡng bao ước nguyện của Thầy lúc Thầy mới ngoài ba mươi tuổi. Thầy đã thiết lập một Phương Bối nên thơ, hùng tráng, thiền vị và chan chứa tình người.
Hôm nay trong không khí thanh bình, trong vận hội mới phát triển của quê hương, Thầy đã trở về với hạnh nguyện tròn đầy, soi sáng ánh đuốc tuệ trên khắp nẻo đường đất nuớc, xây dựng lại Phương Bối, không phải trên mảnh đất Đại Lão thuộc về ký ức, mà trên khung trời cao nguyên DamDri hùng tráng cao rộng. Tiếng chuông chùa Phương Bối ngân vọng khắp núi đồi, âm vang trải dài theo tiếng gió, theo tiếng suối reo, theo ánh nắng ban mai đón mừng một ngày mới 24 giờ tinh khôi, ban cho muôn loài niềm vui thanh khiết.
Nhìn nụ cười hiền trên khuôn mặt sư cô Chân Không, tôi thật xúc động. Hình ảnh chị Cao Ngọc Phượng thân yêu hiện rõ trong trí nhớ tôi, Cô sinh viên quanh năm mặc áo dài trắng quần đen, có nụ cười rất hiền giờ đây đang hiện diện trước mặt tôi. Xác thân chị hoàn toàn khác xưa, bây giờ là sư cô Chân Không 70 tuổi, nhưng tâm hồn vị tha, trái tìm từ mẫn của chị vẫn sáng rỡ đang từng bước thong dong đi trong giáo đoàn khất sĩ Làng Mai, thảnh thơi như vầng mây trắng nhẹ bay trên khung trời Bảo Lộc. Tôi nhớ bài thơ tôi làm tặng chị cách đây 15 năm:
Chiều nay tôi âm thầm
Một mình trên đường vắng
Chợt nghe mùa Thu đến
Mà nhớ chị mênh mông.
Chợt nhìn lên trời cao
Chị tôi là mây trắng
Lang thang bốn phương trời
Đi kêu gọi loài người
Xin cùng nhau thức tỉnh
Mau ngừng chiến tranh thôi
Cho nhân loại yên vui
Cho Việt Nam nhỏ bé
Ngừng máu chảy thịt rơi
Cho những bà mẹ già
Đón con về trước ngõ
Trong niềm vui bồi hồi
Cho những người vợ hiền
Bao năm dài chờ đợi
Ôm yêu thương tuyệt vời
Cho tiếng cười trẻ thơ
Reo vang trong nắng ấm
Tung tăng đi đến trường
Cho ngày mai tươi sáng
Nhìn sâu trong đôi mắt sư cô Chân Không, tôi tìm thấy hình ảnh chị Nhất Chi Mai, cô giáo người miền Nam hiền lành, đã nguyện lấy thân làm cây đuốc soi sáng lương tri nhân loại mau thức tỉnh, để cho bao người Việt Nam vô tội khỏi bị chết oan uổng, đau thương. Cái chết đại bi, đại dũng của chị Mai đã làm bàng hoàng cả nước Mỹ và thế giới, là bản thông điệp hòa bình mãnh liệt, đánh thức chính phủ Mỹ đương thời, đã góp phần rất lớn cho hòa bình Việt Nam và nhân loại.
Hôm nay trong khí thế tưng bừng của ngày hội khất thực, tôi thấy chị Nhất Chi Mai đang là vầng mây trắng thong dong đi bên sư cô Chân Không và thầy Nhất Hạnh trên khung trời Phương Bối.
Phương Bối bây giờ không còn là mảnh đất ký ức Đại Lão, không hẳn chỉ thu hẹp trong phạm vi Damdri hay Bảo Lộc, mà Phương Bối đang trải dài khắp đất nước Việt Nam. Phương Bối được làm bằng những trài tim tràn đầy tình thương yêu quê hương và nhân loại. Phương bối thuộc về Mẹ Việt Nam, là trái tim mẹ Việt Nam, là vầng mây trắng thong dong, đang bay theo Tăng Đoàn đi soi sáng thiền chánh niệm, hàn gắn vết thương đau và khơi dậy niềm tin yêu cho khắp muôn người trên mọi miền đất nước.
Hình ảnh mẹ Việt Nam được tạo dựng trên thiền viện Phương Bối. Ánh mắt mẹ sáng ngời, nụ cuời mẹ thật hiền và tươi, tay trong tay, mẹ cùng hai con trẻ dạo chơi như vầng mây trắng sáng nay, như buớc chân Tăng đoàn đang khất thực.
Chân Y Nghiêm
Bảo Lộc, ngày 11/3/2007
(Đã đăng báo Giác Ngộ)
Theo Phù Sa Online