Thái tử Thắng Tâm khiến vua xấu…
Đức Thế Tôn kể câu chuyện này tại Kỳ Viên (Jetavana), về một Tỳ-kheo thối thất tâm. Những tình huống câu chuyện sẽ được trình bày ở Tiền thân Samvara, số 462. Khi đức Thế Tôn hỏi Tỳ-kheo này rằng có phải thầy thực sự thối thất tâm không, thầy trả lời:
– Bạch Thế Tôn, thật như vậy.
Đức Thế Tôn nói với thầy:
– Này Tỳ-kheo, thuở xưa, thầy đã kiên nhẫn nỗ lực giành lấy vương thành Ba-la-nại rộng mười hai dặm, và trao nó cho một cậu bé, không khác gì trao một miếng thịt! Còn giờ đây thầy xuất gia theo đại đạo giải thoát này, lại thối thất tâm sao?
Rồi Ngài đã kể một câu chuyện xưa.
* * *
Thuở xưa , khi Phạm Dự (Brahmadatta) là vua xứ Ba-la-nại (Benares), cách kinh thành ấy không xa, có một ngôi làng thợ mộc. Ở đó, có năm trăm người thợ mộc sinh sống. Họ thường dùng thuyền đi ngược sông để vào rừng. Ở đó, họ đẽo xà và ván để làm nhà, đặt sườn những căn nhà một gác hay hai gác lại với nhau, đánh số tất cả những trụ chính, rồi mang xuống bờ sông, chất hết lên và chèo trở về. Họ thường làm nhà khi có người đặt hàng, rồi sau khi nhận tiền công, họ trở lại vào rừng để kiếm thêm vật liệu. Họ đã sinh sống theo cách ấy.
Một lần nọ, tại nơi họ đẽo gỗ, có một con voi giẫm lên một mảnh gỗ keo và bị mảnh gỗ đâm vào chân. Vết thương sưng phồng lên và mưng mủ, khiến con voi đau đớn vô cùng. Trong sự đau đớn tột cùng, nó nghe tiếng xẻ gỗ của những người thợ mộc này, liền nghĩ, “Những người thợ mộc này sẽ cứu ta.” Khập khiểng ba chân, nó đi đến những người thợ mộc và nằm xuống một bên. Những người thợ mộc nhìn thấy cái chân sưng phồng mưng mủ của nó, xem xét thì thấy có một mảnh gỗ mắc kẹt trong đó. Bằng một dụng cụ sắc, họ rạch quanh mảnh gỗ, buộc nó vào một sợi dây và giật phăng nó ra. Sau đó, họ mổ chỗ mưng mủ, dùng nước nống rửa sạch, chữa trị vết thương đúng cách, và chỉ trong chốc lát vết thương đã được chữa lành.
Tri ân việc cứu chữa này, Voi nghĩ: “Những người thợ mộc này đã cứu mạng ta, giờ đây ta phải trả ơn họ.” Vì thế từ ấy trở đi, nó thường kéo cây, lăn gỗ lại khi họ đốn xuống, mang rìu búa hay những dụng cụ nào họ cần bằng cách giữ chặt nơi vòi. Còn những người thợ mộc đến buổi thì cho nó ăn, mỗi người thường mang cho nó một phần, và như vậy nó có năm trăm phần ăn tất cả.
Bấy giờ, con voi này có một con voi con trắng muốt, là một con thú cao quý. Voi nghĩ rằng bây giờ nó đã già, tốt hơn nó nên đem con nó đến phục vụ những người thợ mộc này rồi ra đi. Vì thế, không nói gì với các thợ mộc, nó đi vào rừng và đưa con mình đến cho họ, nó nói:
– Voi nhỏ này là con tôi. Các ông đã cứu mạng tôi, nay tôi giao nó cho các ông như là tiền công cho việc các ông đã cứu chữa tôi. Từ này về sau, nó sẽ giúp việc cho các ông.
Rồi nó giảng giải với con Voi nhỏ rằng, bổn phận của voi nhỏ là làm những công việc mà nó đã làm. Nói xong, nó đi vào rừng, để con voi nhỏ ở lại với những người thợ mộc. Kể từ hôm đó, con Voi nhỏ làm mọi việc cho họ, trung thành và ngoan ngoãn. Còn những người thợ đã cho nó ăn như cho con voi trước đây, năm trăm phần cho một bữa.
Mỗi khi làm xong việc, Voi thường chơi quanh quẩn ở sông, rồi sau đó lại quay về. Con cái của những người thợ mộc này thường kéo vòi nó, đùa giởn tinh nghịch với nó trên và dưới sông. Thời ấy, những loài thú cao quý như voi, ngựa, hay loài người không bao giờ đại tiểu tiện trong nước. Vì vậy, con Voi này không làm những việc như vậy khi ở trong nước mà đợi cho đến khi nào lên bờ.
Một ngày nọ trời mưa, dòng nước đã mang bãi phân khô của voi vào sông. Bãi phân trôi dạt đến bến thuyền Ba-la-nại, và bị mắc kẹt trong một lùm cây. Trong lúc đó, những người quản tượng của nhà vua đang đem năm trăm con voi xuống sông tắm. Nhưng những con voi đánh hơi thấy bãi phân của con thú cao quý này nên không một con nào dám bước xuống nước, cong đuôi lên, cả bầy bỏ chạy. Những người quản tượng thuật lại điều này cho những người huấn luyện voi. Những người này nói:
– Như vậy, chắc có một thứ gì đó ở trong nước.
Vì thế, họ ra lệnh phải dọn sạch nước, và rồi họ thấy bãi phân này trong bụi cây. Họ nói:
– Nguyên nhân chính là đây!
Họ mang đến một cái chum và đổ đầy nước vào, kế đến nghiền nát bãi phân này trong chum và rưới nước lên đàn voi, thân của chúng trở nên có hương thơm. Ngay lập tức chúng lội xuống sông và tắm.
Khi tường thuật lại việc này cho nhà vua, những người huấn luyện voi khuyên vua nên tìm con Voi này vì giá trị và lợi ích của nó.
Do đó, nhà vua ngự lên một chiếc thuyền, và chèo ngược sông mãi cho đến khi đến nơi những người thợ mộc định cư. Con voi nhỏ đang nằm trong nước thì nghe tiếng trống, nó ra khỏi nước và đến gần những người thợ mộc. Những người thợ mộc đi ra cung đón nhà vua giá lâm. Họ bẩm với vua:
– Bẩm Hoàng thượng, nếu ngài cần đồ mộc, cần gì ngài phải đến đây? Tại sao ngài không nhắn để chúng con mang đến?
– Này các khanh, trẫm đến đây không phải vì cần gỗ mà vì muốn có con voi này.
– Bẩm hoàng thượng, xin hoàng thường cứ mang nó đi!
Nhưng khi vua dắt đi, con Voi không nhúc nhíc. Thấy vậy, nhà vua hỏi:
– Này Voi, bạn muốn tôi làm gì?
– Bẩm hoàng thượng, xin trả tiền cho những người thợ mộc này vì họ đã nuôi tôi.
– Này bạn, được thôi.
Nhà vua sai đem một trăm ngàn đồng tiền đặt cận đuôi, vòi và một trong bốn chân của nó. Nhưng như vậy đối với Voi là không đủ, nên nó không đi. Vì thế, mỗi người thợ mộc được cho thêm một đôi áo, và vợ của họ mỗi người được ban một chiếc áo choàng, vua cũng không quên ban phát tiền nuôi dương đầy đủ cho những đứa trẻ cùng chơi với Voi. Sau đó, nhìn những thợ mộc, phụ nữ và lũ trẻ lần cuối, nó ra đi cùng với nhà vua.
Nhà vua đưa nó về kinh thành. Thành phố và chuồng voi được trang hoàng hết sức lộng lẫy. Ông cho con Voi dạo quanh kinh thành trong một đám rước long trọng, rồi đưa nó về chuồng và trang trí chuồng lộng lẫy. Nhà vua làm lễ quán đảnh cho Voi và chọn nó làm vương tượng. Ông cư xử với nó như một người bạn, ban cho nó một nửa vương quốc, và chăm sóc nó như chăm sóc bản thân mình. Từ khi con Voi này đến, khắp cõi Ấn Độ đều thuộc quyền cai trị của vua.
Bấy giờ, hoàng hậu mang thai Bồ-tát. Khi kỳ sinh nở cận kề thì nhà vua băng hà. Lúc này, nếu con Voi biết tin nhà vua băng hà thì chắc nó sẽ vỡ tim, vì thế không ai nói gì với nó mà vẫn chăm sóc nó như trước đây. Nhưng vị vua xứ Câu-tát-la (Kosala) láng giềng, khi nghe nhà vua băng hà liền nghĩ, “Ta phải định đoạt xứ sở này mới được.” Và rồi, ông kéo một đạo quân hùng mạnh đến bao vây kinh thành. Quân bảo vệ cho đống ngay các cổng thành lại, và gởi thư cho vua Câu-tát-la:
– Hoàng hậu chúng tôi gần đến kỳ sinh, và những nhà tiên tri tiên đoán rằng trong bảy ngày tới bà sẽ sinh một hoàng nam. Nếu bà sinh một hoàng nam, chúng tôi sẽ không chịu nhường vương quốc mà vào ngày thứ bảy chúng tôi sẽ tham chiến với ông. Vì thế, chúng tôi xin ông chờ cho!
Vua Câu-tát-la đồng ý.
Đến ngày thứ bảy, hoàng hậu sinh một hoàng nam. Vào ngày đặt tên, họ đặt tên cho hoàng từ là hoàng tử Thắng Tâm, vì họ nói rằng thái tử sinh ra để thâu phục nhân tâm.
Cũng chính vào ngày hạ sanh thái từ, thị dân bắt đầu đánh nhau với vua Câu-tát-la. Nhưng do họ không có người lãnh đạo, nên dầu đạo quân rất mạnh cũng dần dần thất thế. Triều thần tâu sự việc với hoàng hậu:
– Nếu đạo quân cứ thất thế rút lui thế này, chúng tôi sợ sẽ thất bại. Trong khi quốc Tượng người bạn của đức vua chúng ta, chúng ta chưa hề nói với nó là vua đã băng hà và hoàng tử được sanh ra. Giờ đây, vua xứ Câu-tát-la gây chiến với chúng ta, chúng ta có nói cho nó biết không?
– Hãy nói cho nó biết. Hoàng hậu đáp.
Thế rồi, hoàng hậu mặc quần áo cho hoàng tử, đặt cậu vào trong một tấm lụa mịn, rồi cùng với triều thần rời cung để đến chuồng voi. Ở đấy, bà đặt hoàng tử dưới chân Voi, và nói:
– Này Voi, bạn của Voi đã băng hà, nhưng chúng tôi sợ Voi vỡ tim khi biết tin đó nên không nói. Đây là con trai của bạn Voi. Giờ đây, vua xứ Câu-tát-la đã đến vây lấy kinh thành một dặm, đang gây chiến với con trai của bạn Voi, và đạo quân đang thua trận, hoặc Voi hãy giết chết đứa bé này, hoặc giành lại vương quốc cho nó!
Voi liền dùng vòi vuốt ve đứa bé, nhắc nó lên trên đầu mình, và than khóc. Rồi nó nhắc đứa bé xuống, đặt vào tay hoàng hậu và nói:
– Tôi sẽ chinh phục vua xứ Câu-tát-la!
Nói rồi, nó vội ra đi.
Sau đó, các triều thần khoác áo giáp và yên lên lưng nó, mở cổng thành và hộ tống nó đến chiến trận. Voi gầm lên, làm cho tất cả đạo quân của vua Câu-tát-la khiếp sợ đến phải bỏ chạy. Nó đập nát doanh trại, túm lấy búi tóc vua Câu-tát-la và lôi ông đến đặt dưới chân hoàng tử. Một số người đứng dậy định giết ông ta, nhưng Voi ngăn lại và để cho vị vua tù binh ra đi cùng với lời khuyên:
– Sau này hãy thận trong, đừng quá kiêu ngạo vì nghĩ hoàng tử chúng tôi còn nhỏ.
Từ đó, khắp cõi Ấn Đội đều thuộc quyền cai trị của Bồ-tát, và không có một kẻ thù nào dám nỗi dậy chống lại Ngài. Bồ-tát lên ngôi vào lúc mười bảy tuổi với vương hiệu Thắng Tâm vương, trị vì vương quốc một cách công chính, rồi sau khi mạng chung đã sanh về thiên giới.
* * *
Khi kết thúc pháp ngữ này, đức Thế Tôn bằng giác ngộ viên mãn đã đọc lên đôi bài kệ:
Thái tử Thắng Tâm khiến vua xấu
Xứ Câu-tát-la biết tri túc,
Bằng việc bắt lấy vua tham ác
Đã khiến dân chúng vui háo hức.
Vậy nên Tỳ-kheo cần tinh tấn
Quy y, tu tập các pháp lành,
Trình tự đoan trừ các kiết sử
Đạt đến Niết bàn giải thoát thân.
Và như thế, sau khi trình bày giáo pháp đưa đến đỉnh điểm Niết bàn vĩnh cữu, đức Thế Tôn tiếp tục tuyên thuyết Tứ Thánh Đế và nhận diện Tiền thân: (Sau khi tuyên thuyết xong các Thánh Đế, thầy Tỳ-kheo thối thất tâm này chứng được quả A-la-hán):
– Bấy giờ, Ma-ha-ma-ya (Mahāmayā) là hoàng hậu, Tỳ-kheo thối thất tâm này là con voi đã giành lấy vương quốc và trao nó cho hoàng tử, Xá-lợi-phất (Sāriputta) là Voi cha, còn ta chính là Hoàng tử.