Thời xưa, có một vị Hòa thượng tu hành khắc khổ và cuối cùng đã chứng được quả vị A la hán. Chứng quả rồi, Ngài vẫn ở lại trong núi sâu gia công tinh tấn để cầu đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Một hôm, có một thần đồng 7 tuổi đến xin làm đệ tử, Hòa thượng biết đây là một đứa trẻ phi phàm, vừa thông minh lại có tuệ căn nên liền thâu nhận.
Chú tiểu thần đồng tinh tấn dụng công tu hành, đến 8 tuổi thì chứng được thần thông có thể nhìn thấy suốt mọi nơi mọi chốn, tai có thể nghe được âm thanh ở bất kỳ ngõ ngách nào, còn có thể bay đi tự tại trên hư không, hoặc biến ra bất kỳ hình dạng tùy ý, thông suốt mọi chuyện trong quá khứ, quán biết được tất cả nhân duyên trong vài kiếp trước.
Một hôm, đang lúc tọa thiền, Chú thấy được tiền thân của mình trong những kiếp quá khứ, bất giác chú mỉm cười. Sư phụ ngồi kế bên nhìn thấy, liền hỏi: “Con đang cười gì thế?”
Chú tiểu trả lời: “Con cười những chuyện trong quá khứ và đời này của con! Tổng cộng con làm con trai của năm bà mẹ quả phụ, cả năm bà mẹ đều đau thương thống khổ, sớm tối than khóc vì con.” Nghĩ đến sự vô minh của họ nên con không nhịn được cười.
Bà mẹ thứ nhất khi sinh con ra, cùng ngày ấy nhà hàng xóm cũng cho ra đời một đứa bé trai. Con chào đời được mấy ngày, do duyên trần đã hết nên chết đi. Người mẹ mỗi khi nhìn thấy điệu bộ con nhà hàng xóm tập nói, tập cười, tập đi đều không cầm được nước mắt. Khi người mẹ của đứa trẻ ấy vui cười cũng là lúc mẹ con đau buồn thống khổ.
Khi con đầu thai làm con trai của người mẹ thứ hai thì cũng sớm ra đi, nên khi mẹ nhìn thấy con của người khác đang bú sữa thì xúc động bi thương, không cầm lòng được.
Con tái sanh làm con trai của người mẹ thứ ba, cũng vì duyên trần mỏng manh nên đến năm 10 tuổi cũng bỏ mẹ ra đi. Mỗi khi dùng cơm, mẹ đều nghẹn ngào nói rằng: “Nếu như con trai của tôi còn sống, có lẽ bây giờ nó cũng đang ăn cơm với tôi.” Cứ thế, vừa nói vừa khóc.
Đến người mẹ thứ tư, cũng vì duyên phận nên chưa đến 15 tuổi con cũng rũ áo ra đi. Nhìn thấy đồng bạn hàng xóm của con lớn lên, lấy vợ, mẹ luôn đau khổ bảo rằng: “Con trai của tôi nếu như còn sống, có lẽ bây giờ cũng đã lấy vợ. Tôi không biết mình đã làm chuyện gì xúc phạm đến cao xanh mà ông trời nỡ cướp đi đứa con trai độc nhất của tôi.” Mẹ nói trong đau khổ tủi hờn, rồi cứ oán trời trách đất.
Đến người mẹ thứ năm, tức kiếp sống hiện tại, vì sùng mộ Phật pháp mà con bỏ mẹ đơn độc, đến đây thọ giáo với Hòa thượng. Người mẹ ở nhà mỗi ngày đều khóc, than rằng: “Con trai của tôi tầm thầy học đạo, không biết giờ này nó đang ở phương nào? No hay đói? Nóng hay lạnh? Còn sống hay đã chết? Năm dài tháng rộng, không biết mẹ con tôi còn cơ hội gặp nhau nữa không?”
Mỗi lần con đầu thai làm con trai của một trong năm người mẹ, vì sanh ly tử biệt đã mang đến cho họ không biết bao nhiêu thống khổ. Con đã thoát khỏi những tình cảm trói buộc khổ đau, vui buồn tan hợp, đáng lẽ các bà mẹ phải vui mừng cho con, đằng này họ vẫn thương nhớ, lưu luyến đến mê muội, đó là lý do tại sao con mỉm cười.
Hòa thượng nói: “Con người rốt cuộc rồi cũng phải chết, sanh ly tử biệt là chuyện trong nháy mắt. Ta thương xót cho năm người mẹ đã không thấu triệt được điểm này, đã không tự thoát ra được, lại còn than thân trách phận. Ta càng thương xót cho người trên đời mãi theo đuổi danh lợi, dục tình, chịu biết bao khổ đau mà mãi vẫn không chịu tỉnh ngộ. Đã không rời bỏ dục tình thì làm sao có thể giải thoát sanh tử được? nhân duyên của chúng sanh đã thâm căn cố đế, dù có khuyên giải cũng không cách nào làm họ hiểu ra thế nào là hạt giống nhân duyên chân chánh? Chỉ có dựa vào chính bản thân thân mình để thể hội liễu ngộ mà thôi.”
Nói xong, Hòa thượng liền đứng dậy bỏ đi.
Lời bàn:
Các bạn nghĩ gì về nụ cười của chú tiểu thần đồng?
Đứng trên lập trường của người thế gian mà nói thì chú tiểu thần đồng có hơi chút vô tâm, chú đã không cảm thông lại còn cười nhạo trên nỗi đau mất con của năm người mẹ mà theo chú đó là một sự biểu hiện của vô mình tham ái. Chú đã không hiểu được thế nào là tấm lòng của người mẹ, chú đã phủ nhận tất cả tình thương mẹ dành cho chú. Chú thật đáng trách.
Nhưng đứng trên lập trường xuất thế gian thì đó là nụ cười bừng ngộ. Không phải sao? Đời người là một giấc mộng lớn. Mộng chỉ có hấp lực với người đang mê ngủ, một khi bừng tỉnh thì tất cả như sương như khói. Ngay cả thân này cũng vậy, chỉ một chớp mắt là qua đời khác. Vạn vật vô thường, không ngừng biến đổi, dòng đời cứ thế trôi đi như một dòng sông, ta ra sức nắm bắt cái không thực thể, cố sức giữ lại dòng luân lưu, phỏng có được gì? Có chăng chỉ là một sự hụt hẫng, chán chường, tuyệt vọng, khổ đau. Bi kịch lớn nhất của con người chính ở điểm này. Thay vì lấy mộng làm thực, lấy tham ái tạm bợ làm lẽ sống thì tại sao ta không nhìn đời bằng cặp mắt trong sáng vô nhiễm của thiền sư:
“Trúc biếc hoa vàng đâu khác cảnh,
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.”