Giáng Kiết Tường dịch từ Anh sang Việt
Kính gởi ông chủ bút:
“Năm nay con được 8 tuổi. Một vài đứa bạn con bảo rằng không có Ông già Nô-en. Ba con nói là nếu đọc được trên tờ báo Sun thì có thể tin được. Vậy thì xin ông cho con biết sự thật đi. Có ông già Nô-en hay không? Ký tên: Virginia O’Hanlon, địa chỉ: 115 West ninety Fifth Street”
Câu trả lời đăng trên báo New York Sun như sau: “Virginia mến, các bạn con đều sai lầm hết. Chúng nó bị ảnh hưởng bởi tư tưởng nghi ngờ của những người hay hoài nghi. Họ chỉ tin khi nào chính mắt họ thấy. Họ nghĩ nếu cái trí óc nhỏ mọn của họ không thấu hiểu được một sự việc nào tức là sự việc đó sẽ không thể nào có thật được. Cho nên, Virginia thân mến, cho dù là người lớn hay là trẻ nít, tất cả tâm trí loài người đều nhỏ nhoi hết con ạ. Trong vũ trụ bao la của chúng ta đây, con người chỉ như một con sâu, con kiến nhỏ tí xíu; với cái hiểu biết bé tí teo của họ so với kiến thức trí tuệ bao la của vũ trụ ngoài kia, làm sao họ có khả năng để hiểu thấu được hết hằng hà sa số những chân lý và trí thức một cách hoàn hảo cho được.
Virginia thân thương, dĩ nhiên là có Ông già Nô-en chứ. Ông ta hiện hữu có thật như là tình yêu thương, lòng nhân đạo, tính rộng lượng, và tâm thành của con vậy, và nhờ vào đó con đã có cuộc sống thật tốt đẹp hạnh phúc như thế này. Thương thay! Không biết thế gian này sẽ ra sao nếu không có ông già Nô-en, hay nếu không có một cô bé tên Virginia. Tất nhiên sẽ không có niềm tin của trẻ con, không có thơ văn ca ngợi cuộc đời, không có những mộng mơ lãng mạng để làm cho cuộc sống thêm mầu nhiệm và dễ chịu hơn. Nếu vậy thì chúng ta sẽ không có chút vui thích nào ngoại trừ những gì chúng ta có thể thấy được, sờ mó được, nghe được. Nếu vậy thì ánh sáng bất diệt từ niềm tin tưởng tượng phong phú của trẻ con đem đến cho thế gian này đều bị dập tắt hết sao.
Nếu không tin có Ông già Nô-en, thì cũng như con đã không tin có thiên thần, tiên nữ, công chúa, hoàng tử như trong truyện thần thoại. Con có thể nói bố con mướn những người canh giữ tất cả các ống khói trên nóc nhà vào đêm Nô-en, nhưng nếu họ không bao giờ thấy một ông già nào chui xuống ống khói hết, điều này có chứng minh là không có ông già Nô-en không? Chưa một ai từng thấy ông hết, nhưng như vậy cũng đâu có nghĩa là không có ông già Nô-en. Hầu hết những gì mà hiện hữu nhất trên thế gian này là những gì mà cả người lớn cả trẻ con không thể thấy được bằng mắt thường. Con có bao giờ thấy những tiên nữ nhảy múa ngoài vườn nhà con không? Dĩ nhiên là không phải không, nhưng làm sao con biết chắc là không có? Không ai có thể tận tường thấu hiểu hay tưởng tượng hết được tất cả mọi kỳ quan cho dù có thể hay không thể chứng minh được trên thế gian này.
Con có thể tháo tung cái lúc lắc đồ chơi của em con để xem cái gì trong đó làm nó tạo ra tiếng động. Nhưng có một cái màn che đậy mất thế giới huyền bí, cho dù người mạnh nhất hay một tập thể những cường quốc mạnh mẽ nhất trên thế gian này cũng không thể nào phá vỡ được tấm màn này. Chỉ có niềm tin, óc tưởng tượng, văn chương, tình yêu thương, sự mộng mơ lãng mạng mới vén được tấm màn huyền ảo này để có thể tận hưởng được thế giới của thần thoại dễ thương mầu nhiệm ảo tưởng đó. Tất cả có thật không? Virginia ơi, mọi thứ trên thế gian này có thật không? Ông già Nô-en ư? Cám ơn trời phật, cám ơn thượng đế! Ông già Nô-en sẽ vẫn còn tồn tại mãi mãi, đời đời, kiếp kiếp, ngàn năm, triệu năm sau này, ông vẫn còn thể hiện để đem đến niềm vui cho mọi đứa trẻ con sinh ra trên cõi đời này đó bé Virginia ơi.”
Lời người dịch: Câu hỏi thơ ngây của Virginia được đăng trên tờ New York Sun vào ngày 21 tháng 9, 1897. Tác giả của lá thư tòa soạn trả lời bé Virginia chỉ được công bố tên thật sau khi ông mất vào tháng tư năm 1906. Đó là cây bút bình luận của tờ The Sun: Ông Francis Pharcellus Church, lúc ấy 57 tuổi. Theo Viện Bảo tàng Báo chí ở Arlington (bang Virginia): Bài viết này được in lại nhiều nhất trong lịch sử Báo chí Hoa Kỳ, (được in liên tục mỗi năm vào dịp lễ Noel trên tờ The Sun cho đến năm 1949 khi tờ báo bị đóng cửa), được dịch ra nhiều thứ tiếng, và được trích đăng trong nhiều sách báo trên toàn thế giới.
Còn Virginia O’Hanlon Douglas cũng đã mất năm 1971 ở tuổi 81, sau một cuộc đời 47-năm làm giáo viên và hiệu trưởng cống hiến cho việc giáo dục trẻ thơ vùng Upper New York. Hành trang cho sự nghiệp giáo dục của bà Virginia là lá thư phúc đáp của ông Francis P. Church mà Bà cho biết đã mang theo mình suốt cả cuộc đời.
Đã hơn 100 năm trôi qua kể từ khi lá thư hoài nghi của cô bé Virginia được đăng và được trả lời, nhưng những lý lẽ của ông Church đưa ra vẫn tiếp tục sống. Bởi nó không chỉ là bài báo trả lời về việc có hay không có ông già Noel. Trên tất cả, nó là thông điệp của lòng tin vào những giá trị nhân loại cao quý nhất.
Đà-lạt, mùa Noel 2009