Bài viết của Shu-Ching Jean Chen cho tạp chí Forbes Ấn Bản Á Châu, ngày 12 tháng 4 năm 2010
Pháp Hạnh dịch từ Anh sang Việt
Đài Bắc, Đài Loan – Pháp sư Chứng Nghiêm có thể là vị nữ tu Phật giáo 72 tuổi tuân thủ nghiêm khắc đời sống kỷ luật của một tu viện có 160 sư cô, nhưng điều đó không có nghĩa là vị Ni sư này bỏ lỡ những tiến bộ về khoa học kỹ thuật tân tiến nhất hiện nay.
Bất cứ nơi nào Ni sư có mặt, dù ở ngôi tịnh thất nhỏ của bà ở miền đông Đài Loan hay trong khu phức hợp văn phòng bao la mà Ni sư giám sát, lúc nào cũng có màn ảnh truyền hình gần kề, kể cả 2 cái lớn đặt nơi mỗi buổi sáng có khóa lễ. Ni sư chủ trì cuộc họp hằng ngày qua đường truyền hình từ các máy điện toán trên bàn của mình, tổ chức các cuộc họp khẩn cấp thông qua webcam và truyền hình. Từ đầu những năm 1990, Ni sư đã nhanh chóng lập địa chỉ e-mail và bắt đầu lướt web.
Ni sư Chứng Nghiêm là người sáng lập và là tổng quản trị của một tổ chức từ thiện phát triển nhanh chóng nhất: đó là Sáng Hội Phật Giáo Từ Tế Đài Loan, một tổ chức phi chính phủ lớn nhất trong cộng đồng người Hoa trên thế giới. Nhờ nối mạng điện tử nhanh chóng, Ni sư đã nghe nói về trận động đất tại Haiti trong tháng giêng vừa qua ngay khi nó xảy ra và ngay tức thời bắt đầu điều phối một chương trình gây quỹ toàn cầu và thực hiện công cuộc cứu trợ.
Thường được so sánh với Mẹ Teresa, Ni sư Chứng Nghiêm cùng năm người khác khởi sự Từ Tế (Tzu Chi) vào năm 1966 khi họ bắt đầu may giày cho trẻ em để bán gây quỹ kiếm tiền cho người nghèo. Khởi đầu trong một túp lều bằng gỗ không xa trụ sở chính ngày nay bao nhiêu, Từ Tế ngày nay đã thâu nhận nhiều nhà doanh nghiệp và Phật tử để huấn luyện họ trở thành thiện nguyện viên và hoạt động như một tập đoàn kinh tế. Số lượng người giúp đỡ cho Từ Tế đã lên đến một triệu người vào năm 1989, cùng năm đó Ni sư đã cho xuất bản tập sách đầu tiên về những lời dạy tâm linh, được gọi là “Tịnh Tư Ngữ”. Tuy nhiên, những hoạt động từ gốc rễ của Từ Tế thực sự thu hút chú ý của công chúng sau khi báo chí nước ngoài bắt đầu chỉ trích Đài Loan là một hòn đảo của lòng tham giữa lúc bong bóng thị trường chứng khoán vào năm 1990. Tập sách này giờ đây đã được dịch ra 11 thứ tiếng và đã bán được 3 triệu 500 ngàn bản, và số người đóng góp cho Từ Tế đã lên đến con số 10 triệu người.
Ni sư Chứng Nghiêm chưa từng bao giờ đi ra khỏi Đài Loan vì bà bị bệnh tim. Nhưng điều này không ngăn cản Ni sư đem Từ Tế đến những nơi xa xôi. Từ Tế có chi nhánh tại 47 quốc gia khác nhau với số lượng lớn nhất là ở Mỹ, nơi Từ Tế có 99 văn phòng. Khoảng 30% người đóng góp cho Từ Tế sống ở bên ngoài Đài Loan, với nhóm lớn nhất khoảng 330,000 người ở Malaysia. Năm ngoái, Từ Tế quyên góp lên đến 313 triệu dollars tại Đài Loan và ít nhất là 30 triệu dollars ở nước ngoài; không có con số tổng thể bởi vì Từ Tế không kiểm đếm số tiền thu thập được từ các chi nhánh. Các chi nhánh Từ Tế đều tự duy trì và chỉ tìm nguồn tài trợ từ tổng hành dinh khi cần thiết.
Từ Tế là mô hình của sự hiệu quả: số lượng nhân viên của Từ Tế chỉ khoảng 800 người. Từ Tế được hỗ trợ bởi một mạng lưới thiện nguyện viên bao gồm 2 triệu người, tăng từ 30,000 chỉ 17 năm trước đây. Để so sánh, Hồng Thập Tự có ít hơn 1 triệu thiện nguyện viên, nhưng nó phải trả lương cho 34,000 nhân viên. Tổ chức Bangladesh BRAC, một tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới theo số lượng nhân viên, tuyển dụng hơn 120,000 nhân viên.
Kể từ sứ mạng từ thiện đầu tiên tại nước ngoài vào năm 1991 sau một trận lụt ở Bangladesh, các nhóm y tế và cứu trợ của Từ Tế đã hoạt động tại 70 quốc gia, với màu áo sơ-mi xanh đậm và quần trắng nổi bật, người ta có thể tìm thấy thiện nguyện viên Từ Tế ở những nơi xa xôi như Kosovo, Rwanda, Cam Bốt và Bắc Triều Tiên. Tại Bắc Hàn, trong nhiều năm sau 1998, Từ Tế là tổ chức NGO duy nhất được phép trao quà đến tận tay người nhận, mà không phải chỉ giao hàng cứu trợ tại cảng như các tổ chức NGO quốc tế khác phải làm.
Năm 2003, Từ Tế đã là tổ chức phi chính phủ đầu tiên của Đài Loan được đứng dưới trướng của Liên Hiệp Quốc và được Liên Hiệp Quốc bảo vệ tại các điểm nóng như Afghanistan, và trong năm 2008 Từ Tế là tổ chức từ thiện đầu tiên bên ngoài Hoa lục được phép đăng ký hoạt động tại Trung Quốc. Trong tháng giêng năm nay, Bắc Kinh đã có một phán quyết theo đó danh xưng Từ Tế (có nghĩa là “từ bi cứu trợ”), xứng đáng được bảo vệ tác quyền từ một tổ chức địa phương muốn bắt chước tên. “Cách tốt nhất để hiểu Từ Tế qua quan điểm quản trị kinh doanh là bằng phương thức nào tính hiệu quả và giá trị thương hiệu tiếp tục thu hút thiện nguyện viên và người đóng góp từ bên ngoài”, đó là lời phát biểu của ông Stan Shih, một đồng sáng lập của hãng Acer. “Ni sư Chứng Nghiêm, không còn nghi ngờ gì nữa, là một trong những CEO xuất sắc nhất thế giới.”
Ông Shih đã gặp Ni sư Chứng Nghiêm trong những năm 1990 thông qua vị đồng sáng lập Acer, là Ken Tai. Ken Tai khởi đầu là một thiện nguyện viên Từ Tế và sau đó tiến sâu hơn trong sinh hoạt Từ Tế qua việc tham dự một trại hè do Từ Tế tổ chức cho những doanh nhân có đóng góp 30,000 dollars trở lên. Ông Shih hiện đang làm việc với Từ Tế và các tổ chức khác trong nỗ lực của các nước Á Châu để thúc đẩy sự hiểu biết và sử dụng máy điện toán.
Các tổng giám đốc điều hành thường được biết đến nhiều về sự làm việc nhiều giờ, nhưng Ni sư Chứng Nghiêm, người đã từ chối nói chuyện với tạp chí FORBES Ấn Bản Á Châu cho bài viết này – đã nâng thông lệ này lên đến mức độ cực đoan. Giờ làm việc tại văn phòng của bà bắt đầu lúc 3 giờ 45 sáng và kết thúc lúc quá 10 giờ đêm. Lịch trình làm việc của bà dầy đặc hàng tháng trước với những cuộc thăm viếng từ các nhà tài trợ, các thiện nguyện viên, người yêu cầu giúp đỡ và các chính trị gia. Lịch trình làm việc chỉ bị gián đoạn bởi những bữa ăn không quá 15 phút. Cần kiệm đến mức khó khăn, Ni sư được biết đến qua cách sử dụng không nhiều hơn một chậu nước một ngày. Một vài lần một năm, bà đi quanh đảo để thăm các thiện nguyện viên và giáo huấn cho họ. Một nhà diễn thuyết mạnh mẽ, Ni sư thúc dục các bà nội trợ tiết kiệm tiền chợ để giúp đỡ người nghèo chi phí y tế, và Ni sư làm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có tên tuổi lớn trở thành môn đồ sùng đạo.
Một đệ tử sớm nhất của Ni sư là ông Wei Yin-Chun, một trong bốn anh em sáng lập của công ty Tingyi Holdings. Năm 1988, bốn năm trước khi bốn anh em này đi sang Trung Quốc để thành lập công ty mà sau này trở thành hãng sản xuất mì ăn liền lớn nhất ở Trung Quoc. Wei, lúc đó 31 tuổi, đã xúc động sâu sắc bởi những câu chuyện trong một ấn phẩm của Từ Tế và liên lạc với văn phòng địa phương của Từ Tế để đóng góp. Năm 1995 ông bắt đầu làm việc với Từ Tế tại Trung Quốc, phát quà cứu trợ và xây dựng trường học ở các làng xa xôi. Sau khi hoàn thành 2 năm thực tập từ thiện, ông Wei đã trở thành một đệ tử của Ni sư và hiện nay đứng đầu chương trình viện trợ thực phẩm quốc tế của Từ Tế. Khi thảm họa xảy ra, ông dẹp qua một bên công việc của doanh nghiệp gia đình để tập trung vào nỗ lực cứu trợ, như ông đã làm trong tháng giêng cho Haiti, trong khi đang kinh doanh tại Trung Quốc. Bây giờ trở về Đài Loan để lèo lái công ty Wei Chuan Food, một công ty con trong gia đình, ông Wei thiết lập một chương trình trong năm 2008 trong công ty để cung cấp các khóa học nhóm cho 5,000 nhân viên.
Một người không ngừng nghỉ và luôn tạo nguồn cảm hứng cho mọi người như Ni sư Chứng Nghiêm, bà đã dành được sự mến mộ sâu rộng nhờ khả năng mang lại kết quả trong khi chuyển dịch các tư tưởng triết học Phật giáo sang ngôn ngữ bình thường và áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày. “Lời nói của Ni sư giúp ta thấy mọi việc nghe như rất đơn giản và bạn có thể hiểu được,” ông Franky Widjaja, con trai của Eka Tjipta Widjaja, người sáng lập tập đoàn tài chính Mas Sinar Group của Indonesia, nói. “Không có gì bí ẩn về những gì Ni Sư dạy.”
Người cha này, một tín đồ Thiên Chúa Giáo, và con trai ông viếng thăm Ni sư Chứng Nghiêm lần đầu tiên chỉ vài ngày trước khi cuộc bạo loạn nổ ra ở Indonesia vào năm 1998 do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính. Trở về nước, gia đình Widjajas bắt tay hành động, phân phối thực phẩm, kem đánh răng, mì ăn liền và các nhu yếu hàng ngày khác cho các nạn nhân và quân đội trong các cuộc bạo loạn. Họ cũng đã làm việc với Từ Tế để làm sạch con sông Angke nổi tiếng vì ô nhiễm sau khi thảm họa lũ lụt trong năm 2002 và quyên góp 30 triệu dollars để tái định cư các nạn nhân của sóng thần năm 2004. Với sự giúp đỡ của các thiện nguyện viên như gia đình Widjaja, Từ Tế đã tới Banda Aceh, thủ phủ của khu vực bị tàn phá bởi sóng thần, một ngày trước khi Tổng thống Indonesia, một số Bộ trưởng và quân đội đến.
Sự huy động quần chúng từ cơ sở được phối hợp một cách nhịp nhàng với một cơ cấu ra quyết định dựa vào sự đồng thuận tại tổng hành dinh. Ni sư Chứng Nghiêm đã can thiệp vào các vấn đề tranh cãi, chẳng hạn như trong quyết định giúp Trung Quốc tái định cư hàng triệu nạn nhân lũ lụt năm 1991 tại miền đông Trung Quốc, mặc dù có cản trở chính trị giữa hai phe bên eo biển Đài Loan. Đây là nỗ lực cứu trợ đầu tiên của Đài Loan ở Trung Quốc – chính phủ Trung Quốc lúc đó nghi ngờ về động cơ của Từ Tế, và một số người Đài Loan không được vui lắm khi thấy Từ Tế giúp đỡ những người ở lục địa thay vì tập trung vào cứu trợ trong nước. “Ni sư có thể kết hợp uy tín và sự thu hút quần chúng của mình với việc quản lý của một tổ chức hiện đại”, bà C. Julia Huang, một giáo sư nhân chủng học tại Đại học Quốc gia Tsing Hua và tác giả của một cuốn sách mới về Từ Tế. “Điều đó làm cho Từ Tế là một trường hợp thú vị khi nghiên cứu về một tổ chức bất vụ lợi, khác với hầu hết các nhóm Phật giáo khác.” Bà nói tiếp, “Nhiều nhóm Phật giáo đang phát triển gặp khó khăn khi vượt qua gốc rễ tôn giáo của mình”.
Pha trộn lý tưởng của mình với sự kiên trì, Ni sư Chứng Nghiêm thường cam kết cho một dự án trước khi quyên góp được tiền. Mặc dù lo lắng về kinh phí, bà bác bỏ hoài nghi và chuẩn thuận yêu cầu của mỗi vị hiệu trưởng trường học gõ cửa Từ Tế xin tiền xây dựng lại trường sau trận động đất san bằng một phần của miền trung Đài Loan vào năm 1999. Từ Tế đã quyên góp 300 triệu dollars để xây dựng 51 trường học, tất cả với kết cấu chống động đất. Sau tám năm cố gắng, Ni sư xây dựng bệnh viện đầu tiên vào năm 1986 bằng cách thu thập sự đóng góp nhỏ và bỏ qua các nhà tài trợ lớn. “Đừng để cho thế hệ sau phải gặp rắc rối,” Ni sư nói với đệ tử của mình khi giải thích tại sao bà từ chối một đề nghị từ một nhà tài trợ Nhật Bản bảo lãnh toàn bộ dự án bệnh viện. Ni sư lo lắng rằng dựa vào một nhà tài trợ duy nhất sẽ gây nguy hiểm cho sự độc lập của Từ Tế nếu các nhà tài trợ yêu cầu có tiếng nói lớn hơn trong hoạt động.
Sau khi xây thêm sáu bệnh viện nữa là đến việc thành lập một trường đại học chính quy đầy đủ các phân khoa và một trường cao đẳng y tế, tất cả ở Đài Loan, và một tập hợp truyền thông đại chúng bao gồm một đài truyền hình vệ tinh 24 giờ toàn cầu mang tin tức, phim truyện truyền hình, chương trình đối thoại và phim tài liệu, cùng các bài giảng của Ni sư Chứng Nghiêm, thông tin hoạt động từ thiện cung cấp bởi các văn phòng toàn cầu từ những nơi xa xăm như Lesotho. Nhóm truyền thông rút ra một phần tư ngân sách hàng năm của mình từ doanh nghiệp tái chế kim loại, nhựa, và giấy ở Đài Loan do 60 ngàn thiện nguyện viên tái chế thực hiện.
Ngày nay, Từ Tế còn vận hành cơ quan đăng ký tủy bào lớn nhất Châu Á, và quỹ dự trữ khẩn cấp vật tư y tế của Từ Tế có khả năng đủ để chữa trị cho 30,000 bệnh nhân trong một tháng, vượt qua những đối thủ hàng đầu về y tế. “Tài sản lớn nhất của Từ Tế là vị Pháp Sư, tài sản lớn thứ hai là các thiện nguyện viên, và thứ ba là vốn tài chánh và kinh nghiệm của các doanh nhân”, ông Walter Huang, Chủ tịch Texma International, một nhà sản xuất quần áo cho các nhãn hiệu quần áo của Mỹ như JC Penney, GAP và Tommy Hilfige nói. Ông Huang là một trong 5 nhà sáng lập viên tài trợ của Từ Tế và cũng là người quản lý doanh nghiệp dệt may bất vụ lợi của Từ Tế, nơi đây sản xuất vải từ chai nhựa tái chế để may mền cho người tự nạn trên khắp thế giới.
Cho đến nay không có người kế nhiệm trong tương lai của Ni sư từ bốn vị ủy viên mà tất cả đều là quản trị viên kinh doanh chuyên nghiệp hoặc từ các sư cô. “Chúng tôi và Pháp sư luôn luôn tập trung vào hiện tại”, ông Gary KC Ho, một nhà doanh nghiệp môi giới bất động sản và cũng là người đứng đầu chi nhánh Từ Tế ở Canada. “Pháp sư hy vọng sẽ hoàn thành tất cả mọi thứ trong khi bà vẫn còn sống, do đó, mọi thứ sẽ được xếp đặt khi chúng tôi có một vị kế nhiệm, người này có thể lôi cuốn được ít người hơn nhưng sẽ cảm thấy ít bị áp lực.” Tuy luôn phải tranh thủ với thời gian mà Ni sư đã tỉ mỉ chia thành 86 ngàn 400 giây một ngày, Ni sư Chứng Nghiêm thường luôn nói là bà sẽ không nghỉ hưu.
10 điều dạy của Ni sư Chứng Nghiêm:
1. Không giết hại
2. Không trộm cắp
3. Không phạm tội gian dâm
4. Không nói dối
5. Không uống rượu
6. Không hút thuốc, ma tuý, hay nhai trầu
7. Không cờ bạc hoặc đầu tư mạo hiểm
8. Tôn trọng cha mẹ và cẩn trọng vừa phải trong ngôn từ và thái độ
9. Chấp hành luật lệ giao thông
10. Không tham gia vào chính trị hay các cuộc biểu tình