Hàng nghìn ngọn nến thắp sáng trong đêm hoa đăng dâng lên cúng dường đức Từ phụ A-di-đà Phật chan hòa với của ánh từ quang mát mẻ dịu dàng của vầng trăng mười bảy tháng mười một đang lên cao dần trong đêm huyền diệu. Mỗi một ngọn nến là hiện thân của một vị bồ-tát đang miệt mài chịu thương chịu khó hi sinh thân mình soi sáng cho chúng sinh trong đêm dài vô minh tăm tối mà quên đi sinh mệnh của mình đang mỗi lúc một cạn dần như ngọn nến kia.
Đọc lại câu chuyện của bồ-tát Dược Vương trong kinh Pháp Hoa, lúc ngài còn làm bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến đã tự đốt thân để hiến cúng đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai, Ngài được đức Phật khen: “ Thiện nam tử! Như thế mới là sự cúng dường bậc nhất. Trong mọi sự cúng dường thì sự cúng dường này là tối tôn, tối thượng, vì đây là dùng pháp cúng dường chư Như Lai”. Nói về cúng dường, trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện , kinh Hoa Nghiêm ghi: “Thiện nam tử! Trong các thứ cúng dường, pháp cúng dường là hơn hết. Pháp cúng dường là: tu hành đúng theo lời Phật dạy để cúng dường, làm lợi ích cho chúng sinh để cúng dường, chịu khổ thế cho chúng sinh để cúng dường, nhiếp thọ chúng sinh để cúng dường, siêng năng tu tập thiện căn để cúng dường, không bỏ hạnh bồ-tát để cúng dường, chẳng rời tâm bồ-đề để cúng dường”.
Kinh Duy-ma-cật dạy: “ Nếu mình bị trói mà mở trói cho người khác, không thể được; nếu mình không bị trói mới mở trói cho người khác được”. Vì thế, trong điều thứ nhất của pháp cúng dường là phải học phải hành đúng như lời Phật dạy, mà ở trong phần lưu thông của các bộ kinh thường gọi là “y giáo phụng hành” hoặc “hoan hỷ phụng hành”, cũng trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện có nói: “ Vì theo đúng như lời Phật dạy mà tu hành thì sinh ra các đức Phật”. Bồ-tát là người học điều Phật đã học, hành điều Phật đã hành; nhờ học và hành như thế mà thiện căn (giới định huệ) ngày càng minh tịnh thì mới có đủ năng lực thực hiện điều thứ hai là “làm lợi ích cho chúng sinh”.
Ý nghĩa của “làm lợi ích cho chúng sinh” rất sâu rộng, nay chỉ nói sơ lược. Kinh Duy-ma-cật nói: “ Dùng dục câu dắt để đưa vào Phật trí”, nói một cách khác, là tùy theo sở thích của chúng sinh mà đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vật chất (tài thí) và tinh thần (vô úy thí) cho họ rồi giảng nói chính pháp để khiến họ phá mê khai ngộ như việc làm của trưởng giả Cam Lộ Đảnh được ghi lại trong phẩm Nhập Pháp Giới (kinh Hoa Nghiêm q.48, bản Cựu dịch). Vì thế, bốn nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, đồng sự, lợi hành) là phương tiện thù thắng để thực hiện hạnh bồ-tát. Hàng bồ-tát từ Sơ địa đến thập địa đều phải thực hành bốn pháp này mà tâm không rời niệm Phật, niệm pháp. Do đó đủ biết người học Phật là người học tâm hạnh của Phật, thực tập tâm hạnh thanh tịnh bình đẳng chánh giác của Phật trong sinh hoạt tiếp nhân xử thế hàng ngày. Học Phật là học để thông hiểu lý luận và phương pháp rồi thực hành cho nên được thọ dụng pháp lạc, còn nhà nghiên cứu Phật học nặng về danh tướng chi li cho nên không khéo dễ rơi vào thế trí biện thông, nạn thứ bảy trong tám nạn, làm trở ngại cho việc chánh tu giới định huệ, bị gọi là kẻ đếm của báu dùm người mà bản thân không hưởng dụng được.
Điều thứ ba của pháp cúng dường là “chịu khổ thế cho chúng sinh để cúng dường”, như các đức Thế Tôn Thích-ca, Di-đà và mười phương chư Phật cùng các vị Đại bồ-tát trải qua vô lượng kiếp vì tất cả chúng sinh mà siêng năng tinh tấn làm các hạnh khổ khó làm, cũng trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện có nói: “Nếu các chúng sinh nhân vì trước kia chứa nhóm các nghiệp ác nên chiêu cảm tất cả quả rất khổ, tôi đều chịu thế cho, khiến chúng sinh đều được giải thoát, rốt ráo thành tựu quả Vô thượng bồ-đề”.
Điều thứ tư của pháp cúng dường là “nhiếp thọ chúng sinh để cúng dường”, nhiếp thọ nghĩa là sẵn sàng hoan hỷ tiếp nhận chúng sinh để giáo hóa mà không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, giới tính, tuổi tác, trình độ, người xuất gia, kẻ tại gia, vì Phật giáo là giáo học, dạy dỗ chúng sinh theo tinh thần “hữu giáo vô loại” (chỉ có giáo dục chứ không phân biệt người học) của cổ thánh tiên hiền từ nghìn xưa để lại.
Điều thứ năm của pháp cúng dường là “siêng năng tu tập thiện căn để cúng dường”, tham sân si là ba cái gốc bất thiện (tam bất thiện căn, còn gọi là căn bản phiền não), đối lại thì giới định huệ tức là thiện căn, người siêng năng tu tập ba đức mục này tức là cúng dường Phật. Trong các kinh Đại, Tiểu thừa có dạy rất nhiều phương pháp để tu giới định huệ, ở đây xin đề xuất một pháp tu rất giản dị mà cũng rất quen thuộc với chúng ta, đó là pháp môn Niệm Phật, vì trong câu hồng danh A-di-đà Phật một khi hiện hữu nơi tâm thì ngay khi ấy liền đầy đủ giới định huệ, như trong bài kệ Niệm Phật của Sư Ông Vạn Đức dạy:
Nhiếp tâm là định học,
Nhận rõ là huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ.
Điều thứ sáu của pháp cúng dường là “không bỏ hạnh bồ-tát để cúng dường”, hạnh bồ-tát thì vô lượng vô biên, thu tóm lại chẳng ngoài sáu độ ( tức lục ba-la-mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền và huệ) nêu trong kinh Đại Bát-nhã, hoặc triển khai thành mười độ ( tức thập ba-la-mật : sáu độ kể trên cộng thêm Phương tiện, Nguyện, Lực, Trí) trong kinh Hoa Nghiêm. Các độ ấy, nơi một độ hàm nhiếp các độ kia như trong phẩm Lục Độ Tương Nhiếp, kinh Phóng Quang Bát-nhã q.15, Đức Phật có giảng rõ. Bồ-tát không thể nào bỏ hạnh bồ-tát, vì bỏ hạnh bồ-tát thì đâu còn là bồ-tát nữa, là đã tự đánh mất bản thệ của mình và cũng là cô phụ bốn ân (theo thuyết của kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán thì bốn ân đó là: Ân cha mẹ, ân chúng sinh, ân quốc vương, ân Tam bảo).
Điều thứ bảy của pháp cúng dường là “chẳng rời tâm bồ-đề để cúng dường”, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật giảng tâm bồ-đề phải gồm đủ ba tâm là Chí thành tâm, Thâm tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm, luận Đại Thừa Khởi Tín gọi ba tâm này là Trực tâm, Thâm tâm, Đại bi tâm; bồ-tát phải luôn luôn hộ trì tâm bồ-đề này không một phút giây lơi lỏng, vì trong kinh Hoa Nghiêm có nói: “ Quên mất tâm bồ-đề mà tu các hạnh lành thì đó là nghiệp ma”. Tại sao gọi là nghiệp ma? Vì các hạnh lành đã tu không tương ưng với bản tánh chân như (trực tâm), không tương ưng với công đức vô lậu (thâm tâm), không vì lợi ích cho tất cả chúng sinh (đại bi tâm), thế nên tuy tu hạnh lành mà vẫn chướng ngại đạo Phật bồ-đề. Vì sao thế? Kinh Hoa Nghiêm dạy: “ Vì bồ-tát nếu có thể tùy thuận chúng sinh thì chính là tùy thuận cúng dường các đức Phật. Còn tôn trọng và phụng sự chúng sinh thì chính là tôn trọng và phụng sự các đức Như Lai. Nếu làm cho chúng sinh hoan hỷ thì chính là làm cho tất cả Như Lai hoan hỷ. Vì sao? Vì các đức Như Lai lấy tâm đại bi làm thể. Nhân nơi chúng sinh mà sinh tâm đại bi, nhân tâm đại bi mà phát tâm bồ-đề, nhân nơi tâm bồ-đề mà thành bậc Vô thượng Chính Đẳng Chính Giác”. Còn nói: “ Những người như vậy, trong một niệm tất cả hạnh nguyện đều được thành tựu, được phước vô lượng vô biên; có thể ở trong biển khổ phiền não cứu vớt chúng sinh khiến chúng được giải thoát, đều được vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà”.
Kinh Vô Lượng Thọ dạy người phát nguyện cầu sinh tịnh độ Cực Lạc của đức Phật A-di-đà cần phải có đủ hai điều thiết yếu là “phát bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” mới được vãng sinh Cực Lạc. ‘Phát bồ-đề tâm’ đã nói sơ lược ở đoạn trên, nay nói đến ‘nhất hướng chuyên niệm’, xin dẫn lời dạy trong bài kệ Niệm Phật của Sư Ông Vạn Đức như sau:
Một câu A-di-đà
Không gấp cũng không hưỡn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ,
Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh.
Ba chữ ‘chấp trì danh’ nói đủ là ‘người chấp trì danh hiệu A-di-đà Phật từ một ngày đến bảy ngày nhất tâm bất loạn thì lúc lâm chung, người ấy được Phật A-di-đà và thánh chúng hiện ra trước mặt nghênh đón, người ấy được sinh về thế giới Cực Lạc’ xuất xứ từ kinh Phật thuyết A-di-đà. Do đó, chấp trì danh hiệu đúng nghĩa chính là ‘nhất tâm bất loạn’, cũng tức là ‘nhất hướng chuyên niệm’.
Tâm ý miên man nhớ lời giáo huấn của Phật, của Thầy, xin ghi lại vài hàng chia sẻ cùng các bạn đồng tu về công hạnh của các vị bồ-tát ở khắp mười phương xuyên suốt ba thì quá khứ, hiện tại, vị lai đã, đang và sẽ thực hành pháp cúng dường, chẳng tiếc thân mạng để hộ pháp và hoằng pháp với mục đích cao cả là giúp cho tất cả chúng sinh vãng sinh Cực Lạc, vĩnh viễn thoát khổ, đạt đến cứu cánh thành Phật.
Định Huệ