Tôi chưa thấy một ông Thầy tu Phật giáo nào trên thế giới mau già như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài già đi trông thấy. Điều gì đã khiến cho một bực Thầy của thế giới mau già ?
Làm việc quá nhiều, ưu tư lắm nỗi. Quê hương, đất nước, đạo giáo của mình. Lúc nào cũng trăn trở cho đất nước và dân tộc mình, Ngài có cuốn hồi ký: “My land and my people – Đất nước tôi, dân tộc tôi”. Và hơn thế nữa, lúc nào cũng lo lắng đạo Phật của mình bị mai một ở nước nọ nước kia. Lo cho Tây Tạng đã quá mệt , còn đi lo cho Mông Cổ, Hàn Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia,Việt Nam, Nepal…Ngài là người được yêu mến nhất thế giới, được các vị Linh Mục, Giám Mục ở Anh, và một số nước khác mời đến nhà thờ giảng những điểm tương đồng giữa đạo Phật và Ca tô giáo, Ngài là người rất ôn hòa, dễ hòa đồng với tất cả đạo giáo, vậy mà ngài phải lên tiếng trong bài phỏng vấn của tạp chí Pháp LE POINT.
Lược trích:
Le Point: “Ngài cũng chống cả việc cải đạo ?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Nhất định là chống! Quý vị là những người Thiên chúa giáo, quý vị đang làm một việc hoàn toàn lỗi thời và quá xa xưa, đấy là việc nhiệt tình lôi kéo người khác theo tôn giáo của mình (prosélytisme – proseletysm). Tại Mông Cổ chẳng hạn, các nhà truyền giáo Thiên chúa giáo cải đạo cho hàng nghìn người trước kia theo Phật giáo Tây Tạng. Đồng thời người Trung Quốc tại Tây Tạng khuyến khích các vị cố đạo của quý vị cải đạo những người đồng hương của chúng tôi. Tại các vùng miền đông Ấn Độ các nhà truyền giáo người Mỹ sử dụng các phương tiện tài chính để cải đạo các bộ tộc miền núi nghèo đói, cô lập họ với cội nguồn, văn hóa và lối sống lâu đời của tổ tiên họ để lại. Như thế thật không hợp lý : Thế giới phải ngày càng cởi mở hơn. Quý vị thi hành việc cải đạo, đấy là một hình thức chiến tranh chống lại các dân tộc khác và các nền văn hóa khác không giống với dân tộc và văn hóa của quý vị. Như thế không đúng với thông điệp của đức Chúa Trời (Christ) !
Ngài là một bực Thầy dạy về Thiền quán, buông xả, vô ưu. Chúng ta cứ nghĩ Ngài thanh thản nhẹ nhàng lắm! Thích an dưỡng vui thú điền viên, sáng xem hoa nở tối chờ trăng lên, ngâm thơ, vịnh nguyệt. Không ! Ngài không như thế đâu! Ngài giống như Bồ Tát Quan Thế Âm, nhìn khắp, nhìn xa thấy tất cả. Và đôi tay luôn hành động, hành động phi thường làm rung động hằng triệu trái tim. Ngài cũng lo ngay ngáy ngày đêm như một số các Phật tử hữu tâm.Trong chúng ta hàng đệ tử Ngài, số đông có tâm lý ỷ lại rằng: “Ngài tu nhiều đời nhiều kiếp, là Lạt Ma tái sinh, một mình Ngài lên tiếng đủ rồi, một mình Ngài chèo chống đủ rồi, mình phàm phu tục tử im lặng là vàng, lên tiếng làm gì ?”. Mà không nghĩ rằng Đức Phật của ai ? Đạo Phật của ai? Của riêng mình Ngài chắc!? Phật tính chỉ mình Ngài có, chứ chúng sinh phàm phu tục tử như tôi như bạn không có?! Nhiều năm nhiều tháng dõi theo con đường hoằng pháp của Ngài, từ đông sang tây, từ bắc chí nam trong cõi Ta Bà này thấy thương Ngài vô hạn. Lên tiếng bảo vệ đạo pháp ở nước này, lên tiếng bảo vệ đạo pháp ở nước kia, lên tiếng bảo vệ bò điên, lên tiếng bảo vệ gà nuôi nhốt đẻ ngày, đẻ đêm lấy trứng…..Cuộc đời Ngài hàng triệu người quy ngưỡng lễ lạy, dám bỏ công ăn việc làm tìm đến Ấn Độ đảnh lễ, mong Ngài rờ trên đỉnh đầu một chút để kết duyên Phật pháp. Tuy vậy tôi thấy trong ánh mắt Ngài, trong vầng trán sớm nhiều nếp nhăn của Ngài, ẩn chứa nỗi cô đơn của kẻ độc hành. Trong nhà Phật có câu: “Một Phật xuất thế, ngàn Phật ủng hộ”. Còn chúng ta ngày hôm nay đối diện với hiểm nạn cải đạo, Ngài thì thảng thốt kêu lên: “Quý vị thi hành việc cải đạo, đấy là một hình thức chiến tranh chống lại các dân tộc khác và các nền văn hóa khác không giống với dân tộc và văn hóa của quý vị. Như thế không đúng với thông điệp của đức Chúa Trời( Christ)”. Còn chúng ta thì từ từ coi đã, vội gì! Cứ tu đi rồi mọi việc sẽ qua, ta còn có Đức Phật sống Đạt Lai Lạt Ma mà lo gì, ta còn Cao Tăng nọ Cao Tăng kia lo gì.
Hôm nay ngày mồng năm tết, mẹ dắt con đến chào Thầy, mừng tuổi Thầy! Tôi hỏi: “Con từ Mỹ về hồi nào? Con học xong chưa? Từ ngày con đi du học đến khi con về nước thời gian bao lâu rồi?”.
– “Dạ thưa Thầy gần bốn năm”. Khi đi cháu cùng mẹ đến thăm tặng thầy một chai xà bông Dove, tánh tiết kiệm khi cháu về tôi xài mới hơn nửa chai. Chai xà bông Dove vẫn còn trong nhà tắm. Bốn năm mà ngỡ như hôm qua. Thời giờ trôi qua như tên bắn, tín đồ mất dần mất mòn như đá mài dao. Còn chúng ta cứ thinh lặng, cứ luôn tự an ủi mình rằng: “Đạo Phật có mặt ở trái đất này đã 2600 năm, không có lý do gì mà mất được, đừng quá lo xa”.
Không chỉ Đức Đạt Lai Lạt Ma cô đơn mà Đức Vua Lý Thái Tổ nhà Lý cũng cô đơn không kém. Con, cháu, chắt nhiều đời của Ngài tỵ nạn tại Hàn quốc đã được khuyến hóa, dụ theo đạo Tin Lành hết. Do vậy khi về tham dự ngày lễ 1000 năm Thăng Long, trước tượng Ngài ở Hà Nội – Thăng Long họ chỉ đứng nhìn, không thắp nhang không lễ lạy, bởi họ cho là ngẫu tượng. Cô đơn biết dường nào, thương cho Lý Thái Tổ đại Hoàng Đế, suốt đời chinh nam phạt bắc đem lại nền thịnh trị an bình cho trăm họ hơn hai trăm năm, vậy mà…. Từ những sự kiện như thế chúng ta mới thấm thía đau lòng và mới thấy đựợc giá trị của câu: “Mất văn hóa là mất tất cả, như xác không hồn, vật vờ đầu ghềnh cuối bãi”.
Chúng tôi là những Tăng Ni, Cư Sĩ, Phật tử ….trong nước hết lòng ưu tư lo lắng trước hiểm nạn này và cùng một thao thức như Chư Tôn Đức Tăng Ni, Cư Sĩ hữu tâm hải ngoại. Đến khi gặp kiếp nạn những người con Phật trong nước, ngoài nước cùng đều nhìn chung về một hướng, biết bảo bọc che chở, bỏ quá cho nhau. Tất cả chúng tôi đều suy nghĩ mong muốn như Cư Sĩ Đào Văn Bình mà chưa kịp nói thì Cư Sĩ đã nói thay cho chúng tôi. Mong sao giáo hội Phật giáo các nước Châu á, đông nam á cùng ngồi lại với nhau mà thảo luận, tìm cách liên kết chống cải đạo trên diện rộng toàn thế giới. Để cho Đạo Phật không phải độc tôn lớn mạnh, mà cho trái đất bình yên, cho hận thù được lắng xuống, cho hành tinh xanh thêm bởi đức hiếu sinh Phật dạy, và hơn hết trăm họ âu ca thái bình.
Thích Giác Tâm