Ghi chú về Thiền sư Thích Minh Lương – Mãn Giác (? – 1675)

Ghi chú về Thiền sư Thích Minh Lương – Mãn Giác (? – 1675)

Đời thứ 35 Thiền phái Lâm Tế

Tháp Kim Cương, Chùa Vĩnh Phúc, núi Côn Cương

Dẫn nhập

Đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, trong một nỗ lực có nhiều khuyết hãm tư liệu và điều tra thực địa bởi chiến loạn. Hòa thượng Thích Thanh Từ đã mạnh dạn cho trình làng cuốnThiền sư Việt Nam (trước thế kỷ 18), sách biên soạn theo mô hình và nội dung củaThiển uyển tập anhthời Lý Trần,Ngự chế Thiền điển thống yếu Kế đăng lục(từ đây gọi tắt làKế đăng lục)của Như Sơn vàThiển uyển truyền đăng lụccủa Phúc Điền, ngoài ra sách có phụ thêm một số Thiền sư chưa từng được 3 cuốn sách trên nêu tên. Nói là (trước thế kỷ 18), nhưng trên thực tế, Đại sư Thông Vinh cũng ở vào quãng già bán thế kỷ 19.

Đến giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, được sự hỗ thuận của ban cố vấn, nhóm biên soạn, hình ảnh và cộng tác viên có thể nói hùng hậu hiếm thấy, Thích Đồng Bổn chủ biên cho ra mắt cuốnTiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ 20, lấy mốc viên tịch để chọn 100 vị danh tăng (trong đó có 4 cư sỹ). Nói là “Thế kỷ 20”, nhưng trên thực tế Thiền sư Nguyên Biểu chùa Thiên Sơn (Bồ Đề) cách Đại sư Thông Vinh chỉ mỗi một đời chữ “Tâm” – theo truyền pháp kệ của dòng Lâm Tế.

Ráp cả hai cuốn sách trên về mặt con người và niên đại, cơ hồ người đọc có một cái nhìn khá xuyên suốt tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam, được trình hiện qua các bậc danh tang ở 3 miền đất nước, bất luận mỗi địa vực, mỗi giai đoạn sự xuất hiện có mật độ dầy thưa khác nhau. Điều này phản ánh đúng như lời tự bạch của tác giảThiền sư Việt NamtrongLời nói đầu: “Trong quyển sử này, chúng tôi chỉ biên soạn đến tiền bán thế kỷ thứ 18, từ đó về sau vì không đủ tài liệu nên không dám soạn. Dành phần này cho người sau, khi có đủ tài liệu biên tiếp…” Qua đây đủ thấy, sách có cấu trúc để ngỏ, đợi kẻ rộng kiến văn đời sau theo đó mà bổ sung, đào sâu hoặc hoàn chỉnh.

Vì hiểu biết giới hạn về tư liệu, chuỗi bài chuyên khảo về các Thiền sư chỉ xin tập trung ở địa vực Bắc bộ, thoạt đầu là Thiền tông Lâm Tế thời Trung hưng, bắt đầu từ pháp tự chữ “Minh”, kết thúc ở chữ “Quảng”. Riêng với Thiền tông Tào Động, chỉ viết thành bài với những Thiền sư có nhiều cứ liệu. Cũng phải nói thêm rằng, từ lúc hình thái quản lý bởi Tổ đình Sơn môn bị phá sản và dần thay thế bởi mô hình Giáo hội tập quyền, đã hỗ thuận cho sự dịch chuyển Môn nhân trụ trì một cách khó kiểm toán, đặc biệt là trạng huống Phật giáo Bắc tiến đã khiến Phật giáo Bắc bộ nói chung chuyển động thoát ly dần khỏi bản vị tính. Hàn Phi tử từng nói: “Đời thay đổi thì việc cũng thay đổi“, thư tịch bi ký trước kia phong phú bao nhiêu thì đến nay rất tiếc chỉ còn lại tản mát, thậm chí là “phiến ngôn chỉ ngữ”. Nên những ai muốn làm “Du khách lật giở trang hoài cổ” hoặc “Đem chuyện trăm năm giở lại bàn” rất dễ rơi vào nô thư, ức thuyết hoặclực bất tòng tâm. Bài chuyên khảo về Thiền sư Minh Lương (? – 1675) là một đơn cử khó tránh khỏi ngữ cảnh đó, tác giả rất mong các bậc tôn túc trong hàng Sa môn và các Thiện tri thức giầu có tự liệu, hoặc có kiến giải cao minh thì cũng xin lượng thứ và bổ chính.

Phật giáo trước và cùng thời Minh Lương

Trở lại cuốnThiền sư Việt Nam, ngoại trừ phần các Thiền tổ thời Lý Trần sớm được giới thiệu và đã được nhiều người biết đến quaThiền uyển tập anh, còn lại tạm chia làm hai phần: Phần đầu, viết về các Thiền sư thuộc hai Thiền phái Lâm Tế bởi Chuyết Chuyết và Tào Động bởi Thủy Nguyệt du nhập vào ở Đàng Ngoài. Những Thiền sư này nhiều ít đều đượcKế đăng lụcThiền uyển truyền đăng lục điểm danh, nhẩm tính cả thảy gồm 22 vị, gồm Tào Động 5 vị, Lâm Tế 16 vị – trong đó An Thiền và Phúc Điền chỉ là 1, Hương Hải thuộc Lâm Tế nhưng đơn truyền bởi Viên Thực, Viên Cảnh, vị chi còn 20. 20 vị Thiền sư này lấy xuất phát điểm tính từ Viên Văn Chuyết Chuyết ra Bắc (1633) và kết thúc là Đại sư Thông Vinh (khoảng nửa cuối tk 19), kéo dài quãng gần 300 năm. Phần còn lại, tạm tính từ miền Trung đổ vào, xuất nhập cùng khoảng niên đại với Thiền phái Lâm – Tào Đàng Ngoài, nhưngThiền sư Việt Namliệt kê gấp rưỡi số lượng Thiền tổ miền Bắc.

Xem kỹ và đẩy ngược lên chút đỉnh, thấy một chi tiết khá thú vị, đó là khi dựng lại hành trạng của hai vị Thiền tổ chùa Pháp Vũ (Đậu), tác giảThiền sư Việt Namđã không biết xếp họ vào nhóm Trúc Lâm hay Lâm – Tào, và đành xếp tạm vào sau Thiền sư chùa Đại Bi (Bối Khê) và Quảng Nghiêm (Trăm Gian) – tức là gá vào đuôi thời Trần, bất luận niên đại có sự cách biệt khá xa, nhưng cũng không thể xếp vào Lâm – Tào, dù đồng đại với Chuyết Chuyết và Thủy Nguyệt. Tương tự, xemLịch sử Phật giáo Đàng Ngoài, của Nguyễn Hiền Đức, trước khi dẫn nhập vào Thiền phái Lâm Tế của Chuyết Công ở chương 1, phần D, tác giả cũng khá dụt dè khi cho các Thiền sư ở Bắc Hà giai đoạn 1593 – 1630 (chính xác là 1633 – mốc Chuyết Chuyết ra Bắc truyền giáo) là cái đuôi của Thiền phái Trúc Lâm (!?)

SauThiền uyển tập anh(Trần), Phật giáo khá trầm lắng vào thời Lê sơ để rồi bùng phát mạnh mẽ vào thời Lê – Mạc.Kế đăng lụcđược ngự chế (thực tế là xuống sắc sai làm) và hoàn tất vào năm 1674 như một tổng kết sớm của mạch truyền thừa hai dòng Lâm – Tào. Tiếc là Như Sơn đứng ở quan điểm quá chính thống, nên chỉ tuyển lựa những bậc Thiền tổ có tính chất chính tông để đưa vào sách, ngoài ra những vị Thiền sư như ở chùa Đậu và hàng loạt nơi khác mà Nguyễn Hiền Đức liệt dẫn đều không đếm xỉa lấy một dòng. Vậy những Thiền sư không được Như Sơn đưa vào sách là những ai? Trước tiên, họ là lớp Thiền sư nổi lên từ cuối Lê sơ và bùng phát mạnh vào thời Lê – Mạc, họ tồn tại trước khi Chuyết Công ra Bắc, Thủy Nguyệt về Nam và Tông Diễn về Trung đô dâng ngọc. Là cả một tập hợp Tăng đoàn hàng ngàn vị thuộc lớp Thiền sư, Tăng quan và Bán thế cung chức trong Tăng và Đạo ty thuộc viện Thượng Lâm và Nhã Đạm. Vì thời lượng có hạn, soạn giả xin có một bài đi sâu vào khảo sát dòng Thiền sư – Tăng quan – Bán thế này vào một dịp khác, nay chỉ xin đơn cử vài ví dụ gắn với vài trong số hàng ngàn cứ liệu bia ký, ngõ hầu rộng đường kiến văn người đọc.

1. Văn biaHưng tạo Lâm Dương quán bi, Vĩnh Tộ 10 (1628), No 1871 có nói đến một vị “Tiến công lang, Thượng Lâm viện Tăng Lục ty thống tri khải giáo Nam Thiên Trúc quốc Sa di, Đầu đà, Tôn giả, Cao tăng, Hòa thượng, tự Pháp Tín, hiệu Đại Đức Thiền sư”. Diễn dịch ra là “Vị Sa di, Đầu đà, Tôn giả, Cao tăng, Hòa thượng tên chữ là Pháp Tín, hiệu là Đại đức Thiền sư giữ tước Tiến Công lang ở ty Tăng Lục, viện Thượng Lâm chuyên trông coi về việc diễn giảng giáo pháp ở nước Nam Thiên Trúc”.

2. Trong hai tấm bia mang tênQuốc sư bi, Vĩnh Tộ 10 (1628), No 5140 vàQuốc sư bi ký, Đức Long 3 (1631). Kh: 5138, 5139 có nói đến một vị “An Nam Thánh Tổ, Đại Việt Quốc sư, Thành hoàng Xã lệnh” tên là Đào Ngọc Lâm, hiệu Huyền Bảo, giữ chức Văn Nham Hầu. Bảo người xã Cao Duệ, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng. Vì Bảo có công truyền giáo cho Quốc vương, thành tâm hết long với đạo, nên được gia phong huy hiệu và phong cho là “Pháp Vân Giáo chủ, Linh thông Hiển ứng Quảng đạt Huyền diệu Xung hóa Chiêu cảm Phổ cứu, kiêm tri Tam giới Hành hạ Quỷ thần Hộ quốc An dân Thượng đẳng Đại Pháp sư”.

3. Văn biaTrùng tu Đại Bi tự bi,Quý quan công đức bi,Đức Long 1 (1629), No 1700/ 1701 nói về việc hưng công trùng tu chùa Đại Bi. Phần phương danh những người công đức cùng lúc liệt kê 8 vị Tăng thống và 1 vị Thiền tăng, gồm:

– Thiền tăng Đặng Khắc Kiệm, tự là Đạo Sùng.

– Trụ trì bản tự giữ chức Tăng thống ở ty Tăng Lục, tước Hàng Chân nam, tự là Viên Hạo, hiệu là Huệ Nhãn.

– Giữ chức Tăng thống ở ty Tăng Lục trong phủ Thị Nội, tước Thụy Khê tử là Trần Kim Thành, tự là Minh Diễn, người phủ Từ Sơn, huyện Tiên Du

– Tăng thống Nguyễn Văn Nham, tự là Huệ Uy, người huyện Yên Sơn

– Tăng thống Hoàng Văn Nguyện, tự là Huệ Hùng, người huyện Cẩm Giàng

– Tăng thống Nguyễn Tăng Hữu, tự là Huệ Tiến

– Tăng thống Hoàng Quang Huy, tự là Huệ Hải

– Tăng thống Nguyễn Thiên Tải, tự là Huệ Phúc, người huyện Thượng Phúc

– Tăng thống Nguyễn Như Ý, tự là Huệ Thuận

4. Văn biaTrùng tu Trường Sinh Phúc Khánh tự công đức bi ký, Dương Hòa 5 (1639), No 0955 nhắc đến một vị Quốc sư khác, có tên là Chính Đại Hòa thượng, tước Phúc Khê hầu là Lê Thái Hòa, tên chữ là Đạo Long, người xã Thạch Khê, huyện Đông Sơn. Vị này có con trai là Lê Thái Sơn, tên chữ là Đạo Giai, giữ tước Kiên Lộc hầu và Lê Nhân Tín, tên chữ là Huệ Khánh Đại Đức Thiền sư, giữ tước Nhuệ Tài hầu. Đặc biệt văn bia có nhắc đến tên “Chính Hoàng cung Trịnh Thị Ngọc Trúc”, nhưng lại ghi Mậu Toàn thay cho đạo hiệu là Pháp Tính!

Đồng hành đơn cử 04 đơn vị văn bia trước sau mốc 1630 không lâu, để thấy Phật giáo giai đoạn trước sau Lê Thần Tông lên ngôi lần 1 (1619-1643) có nhiều vấn đề không dễ nhất thời lý giải. Có thể nói đó là thời kỳ quá độ của Lý Trần, của Trúc Lâm như Nguyễn Hiền Đức nói cũng đúng, là sự trỗi dậy cô cao sau nốt trầm lặng thời Hồ mạt Lê sơ cũng chẳng sai. Hoặc giả nói, là bản lề khép lại Trúc Lâm và mở ra Lâm – Tào cũng không phải phi lý! Phong khí Phật giáo Lý Trần và Lê – Mạc có thể ví như hai hình thái đối lập của “Lâm tuyền ẩn” và “Triều thị ẩn”, giữa một bên là lên núi tìm Phật và một bên là kéo tuột Phật Tổ xuống núi tùy tục về làng, tới mức “gần nhà gọi Bụt bằng anh”.

Trở lại câu chuyện với 04 tư liệu làm ví dụ nêu trên, với tư liệu 1, “Nam Thiên Trúc quốc” (nước Nam Thiên Trúc) dẫu có cho là nước Việt và ví von như nước Phật, nhưng thực không thể hiểu nổi giáo phẩm tích hợp cả chuỗi “Sa di, Đầu đà, Tôn giả, Cao tăng, Hòa thượng” là giáo phẩm gì? Bất luận vị Hòa thượng đó không kham lãnh được 250 giới Cụ túc và chỉ phát nguyện giữ giới Sa di. Ở tư liệu 2, mỹ tự dẫu có tính khoa trương, xong thực sự soạn giả không lý giải được nhà Vua, mà cụ thể ở đây là bộ Lễ của triều đình Lê Thần Tông chiểu theo điển chế gì, để có thể ban cho ông ta ngôi vị cực phẩm tới mực “An Nam Thánh Tổ, Đại Việt Quốc sư, Thành hoàng Xã lệnh”, “trông coi cả ba cõi, sai khiến cả quỷ thần, giúp nước yên dân là bậc Đại Pháp sư vào hàng Thượng đẳng” và ăn lương tước Hầu? Với tư liệu 3, rõ ràng nhận ra định chế tuyển và khảo Tăng như một bả phú quý giành cho những ai muốn trở thành Tăng quan, muốn gia nhập Tăng đoàn thuộc viện Thượng Lâm và Nhã Đạm. Và, chỉ để chăm chăm vào Nội cung lập đàn chay, hành sự tạp tiếu hơn là lo việc thị giảng khải giáo khai tâm cho bề trên, hoặc xuống giới đao ban độ điệp cho hàng sơ cơ nhập đạo nơi ngõ xóm. Tư liệu 4 cách 8 năm so tư liệu 2, xét về địa lý thì chùa Trường Sinh Phúc Khánh thuộc phủ Phụng Thiên (Trung đô) không xa so với huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng (Nay là Gia Lộc, Hải Dương, vẫn thuộc thời Lê Thần Tông). Ấy vậy mà cùng thời khác điểm xuất hiện hai vị Quốc sư, quan phẩm vợ con như ai, thực khó thể nghĩ bàn!

Có thể nói Lê Mạc là thời kỳ Phật giáo “Làng” nhất, “Thánh phàm đồng cư” nhất và cũng bản địa nhất trong lịch sử Phật giáo nước Việt. Tuy chưa có một thống kê đầy đủ, nhưng cứ vào tư liệu khảo sát bia ký, thư tịch cổ từ cá nhân soạn giả, cho thấy: Đội ngũ Tăng quan Bán thế gồm Tăng thống, Tăng cương, Tăng chánh, Tăng phó, Thiền tăng, Cụ Thọ, Phù lục Pháp sư xuất thân từ ty Tăng Lục, Đạo ty thuộc viện Thượng Lâm, Nhã Đạm và hệ thống chùa làng lên tới con số hàng ngàn vị, đại đa số ít thấy cứ liệu chứng minh họ có xuất xứ và mối dây liên kết với nhánh Trúc Lâm, đại đa số không tuân theo “pháp tự”, “tự bối” thuộc hai dòng Lâm – Tào, quá bán đều có vợ con, nắm tước lộc, điền trạch và hành sự tôn – tín khá hỗn tạp. Sự xuất hiện của Lâm – Tào giữa thế kỷ 17 đồng nghĩa với việc trùng hưng phong khí đã mất của Lý Trần, trong đó nhánh Trúc Lâm được Chân Trú, Chân Nguyên kế tục bổ xứ. Ngoài ra sự xuất hiện của “Đông đô Thủy tổ” Chuyết Chuyết và lớp cao đệ tiên phong của ông, vô hình chung tạo ra một lực lượng chủ lưu, tiêu giải quyền lực của dòng Tăng quan Bán thế thịnh hành từ trước 1633 và dần tắt vào hết thời Tây Sơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tạo ra thế chân vạc cho Phật giáo Đàng Ngoài, giữa Tăng quan Bán thế – Lâm Tế – Tào Động kiêm hành và cùng tiêu trưởng, vừa đầy rẫy tệ đoan, bao la căn tính Việt nhưng cũng rất mực lề lối thanh quy theo quỹ đạo Phật giáo Bắc quốc. Trong bối cảnh kiêm dung giáo pháp giữa Khách – Việt, Chân – Tục, Vũ lưu – Đạo lưu và Thiền lưu đó, Thiền sư Minh Lương thuộc Thiền tổ đời thứ 35 Thiền phái Lâm Tế được đánh giá là người có khả năng “biệt lập môn đình”, “tự thành nhất gia” (lập Sơn môn riêng, tự thành một nhà), trở thành một bậc “Thiền môn Tông chủ” nắm giữ tuệ mệnh của kiều Tăng Chuyết Chuyết trong buổi đầu Trung hưng Phật giáo, hơn hẳn phe môn của Minh Hành Tại Tại, Minh Huyễn Liễu Nhất và Minh Nghĩa Vô Trước.

Râu ông nọ cắm cằm bà kia

Đi sâu tìm hiểu, khảo sát tư liệu ghi chép về hành trạng Thiền sư Minh Lương, các chuyên khảo Phật giáo trong nước đa phần chỉ nhắc tên “Minh Lương“, ít tìm hiểu và khảo biện về ngài. RiêngThiền sư Việt Nam của Thích Thanh Từ như nói ở trên, có ưu ái một trang, nhưng xét kỹ cấu trúc và lời thoại thì lấy nguồn từKế đăng lục, sách này sau đó được Phúc Điền khắc lại để rồiThiền sư Việt Namdịch ra Việt ngữ trên cơ sở của bản khắc lại này. Không rõ khi cho khắc lại, Phúc Điền có đối bản giữaKế đăng lụcvớiThiền uyển tập anhkhông, nhưng rõ ràng khi viếtThiền uyển truyền đăng lục, Phúc Điền đã không mắc phải lỗi của Như Sơn, đó là việc Sơn “đạo” lại nguyên si từThiền uyển tập anh,Thiền phái Vô Ngôn Thông,Đời thứ 3 – Thiền sư Vân Phong. Cụ thể chúng ta có thể so sánh hai mẩu đối thoại,Thiền uyển tập anhviết:

“…Thiện Hội từng bảo sư: –Sống chết là việc lớn, cần phải suy ngẫm cho thấu đáo

Sư hỏi: –Khi sống, chết đến, làm sao mà tránh?

Thiện Hội đáp: –Phải nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh

Lại hỏi: –Thế nào là chỗ không sống chết?

Đáp: –Phải ở trong sống chết mới nhận biết được.

Hỏi:Làm thế nào mà nhận biết được?

Thiện Hội nói: –Ngươi hãy đi đi!Chiều muộn lại đến!

Sư bèn đi ra, đúng hẹn, chiều hôm đó lại đến.

Thiện Hội nói:Đợi đến sáng mai mọi người sẽ chứng tỏ cho người biết.

Sư bừng tỉnh bèn sụp xuống lạy tạ…”

Dưới đây làKế đăng lụcvà đượcThiền sư Việt Namdịch ra Việt ngữ như sau:

“Sư ở núi Phù Lãng, nghe Hòa thượng Chuyết Công từ Trung Hoa sang, bác thông kinh sử, thấu triệt Tâm tông, nên Sư tìm đến tham vấn.

Sư hỏi: –Khi sanh tử đến phải làm sao trốn tránh?

Chuyết Công đáp: –Chọn lấy nơi không sanh tử trốn tránh

Sư hỏi: –Thế nào là nơi không sanh tử?

Chuyết Công đáp: –Ở trong sanh tử nhận lấy mới được

Nghe nói thế Sư vẫn chưa ngộ, Chuyết Công bảo: –Hãy lui đi, đợi chiều sẽ đến

Sư giữ đúng hẹn, chiều lại vào phương trượng.

Chuyết Công bảo: –Đợi sáng mai chúng sẽ vì ngươi minh chứng

Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, sụp xuống lạy. Chuyết Công hứa khả và truyền tâm ấn cho…”

Sự khuyết hãm về tư liệu khiến đời sau nô thư tập ấm cái sai của người trước, dẫn nguồn theo lối“mũ cụ Trương đội lên đầu ông“, “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Nói cách khác: “”, “râu” vốn thuộc đối thoại giữa thầy trò Vân Phong ở thế kỷ 10, vượt thời không lần lượt được Như Sơn, (Phúc Điền), Thích Thanh Từ và khá nhiều học giả lười tra cứu khác chuyên tay “đội” “cắm” lên đầu, vào cằm Minh Lương ở thế kỷ 17. Điều này có nghĩa: Tiểu truyện về Minh Lương mà Như Sơn đưa vào trongKế đăng lụcvà trongThiền sư Việt Namcủa Thích Thanh Từ, cùng hiệu ứng “copy” “paste” đường link từ internet gắn đến tiểu chuyện về Minh Lương nói trên, chỉ có giá trị khảo cứu về truyền bản như một thoại đầu Thiền, còn đối với việc nghiên cứu thực chứng về Minh Lương là hoàn toàn vô quan, nếu không nói là vô giá trị!

Vậy thì, lấy cơ sở dữ liệu nào để viện bút viết về Minh Lương? Luận án Tiến sỹ mang tênViệt Nam Thiền tông sử luậncủa Thích Thanh Quyết khôn ngoan hơn khi chọn tiểu truyện về Minh Lương của Phúc Điền, hơn là dựa vàoThiền uyển tập anhKế đăng lục. Toàn truyện tác giả xin dịch ra như sau:

Tổ Kế đăng đời thứ 73(Thiền phái Lâm Tế. LQV chú thêm)là Hòa thượng Minh Lương Mãn Giác ở chùa Phù Lãng, núi Côn Cương. Sư người xã Lương Đa, huyện Sơn Minh, tỉnh Hà Nội(2). Trẻ thơ đã vào đạo(2), một ngày nghe Hòa thượng Viên Văn tới trùng hưng lại chùa Phật Tích(3) (nghĩa song trùng, cũng có thể dịch: “làm rạng lại dấu Phật”. LQV chú),diễn giảng chính pháp. truyền thừa Thiền phái Lâm Tế. Pháp hội Phật Tích khi đó, có rất nhiều bậc cao thiền trong sân cửa, sư bèn đến trước mặt Tổ đỉnh lễ rồi đứng vào hàng theo thứ tự.

Chuyết Chuyết hỏi:Ngươi là ai?

Minh Lương:Không ai cả!

Chuyết hỏi: Là Phật chăng?

Minh Lương:Ồ, không!

Chuyết Chuyết:Không người không Phật, vậy ngươi là cái gì?

Minh Lương:Là một thứ ở trong lòng Tổ!

Chuyết Chuyết:Ngươi được đấy! (4)

Minh Lương từ đó gọt rũa tính trời lòng đất, hai vai gánh vác câu chuyện tuệ mệnh của Tổ, không ngại gian khổ. Sau khi sư đắc được pháp rồi, liền trở về chùa Phù Lãng(5). Đến năm Nhâm Dần (1662)(6)thì tu tạo lại các tòa chùa viện, một cõi phong quang, tượng vàng sán lạn, Tổ đường tráng lệ. Đương thời bốn chúng dưới hội chừng 300 người, Thượng thủ trong đám là Hòa thượng Chân Nguyên(7)mới hỏi Tổ rằng:

Bao năm tích chứa ngọc trong túi

Nay biết làm sao trước mặt xem?

Thầy trò bốn mắt nhìn nhau, Chân Nguyên lĩnh được ý chỉ bèn sụp xuống lễ. Tổ bảo rằng: “Nay ta đem tuệ mệnh của Lâm Tế trao cho ngươi, hãy khiến nó thịnh hành ở đời!” Nguyên đắc được pháp xong, học đồ đông đảo kéo tới, Tổ mới phó chúc kệ cho Chân Nguyên rằng:

Ngọc quí chìm trong đá

Hoa sen lẩy tự bùn

Nên hay sanh tử đó

Hiểu được chính là Thiền.

Nói kệ xong thì viên tịch, đại chúng(9)mới dựng tháp(8)ở chùa Phù Lãng, nhang đèn phụng thờ, chuyện xảy ra quãng những năm niên hiệu Vĩnh Hựu (1735 – 1740) thời Lê(10)”

Từ thư tịch đến bi ký

Ngoài mẩu đối thoại tàn khuyết nêu trên, tiểu truyện về Minh Lương mà Phúc Điền trình hiện đến nay không cách nào khảo được dẫn nguồn, sự hạn hẹp về tư liệu buộc soạn giả phải tin theo Phúc Điền, bất luận nhiều sách, nhiều chỗ do ngài viết khá luộm thuộm và cẩu thả, hơn là nghiêng vềKế đăng lụcThiền sư Việt Nam. Cổ nhân nói: “Tin hết sách chẳng bằng không có sách”, nhưng trong trường hợp này, nếu không tin cổ nhân thì cũng chẳng biết tin vào ai!

Dẫu vậy, tiểu truyện Phúc Điền soạn có 10 chú thích, tương ứng với 10 luận điểm cần mổ xẻ. Và, đó cũng là trọng tâm của bài viết, đồng thời cũng là đoạn kết của bài viết trước khi chuyển sang phầnPhụ lục văn bản, như một biểu hiện tôn trọng của soạn giả đối với trước thuật của người đi trước khi viết về hành trạng Minh Lương.

1. Không biết Minh Lương sinh năm nào? Họ tên gì? Theo văn biaVĩnh Phúc Thiền tự bido đệ tử của Minh Lương là Tỷ kheo Chân Tường (nguyên là Quan viên tử xã Hoằng Trung, huyện Thuần Lộc, phủ Hà Trung, Thừa tuyên Thanh Hoa) soạn vào năm Chính hòa 13 (1692), cho biết: Minh Lương “người xã Lương Đa, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam”. Phúc Điền khi viết về tiểu truyện Minh Lương trong tác phẩmThiền uyển truyền đăng lụccủa mình, đã hoán đổi địa danh trên sang thời ngài là “xã Lương Đa, huyện Sơn Minh, tỉnh Hà Nội”, nay là thôn Lương Đa xã Trầm Lộng (xưa từng gọi là Kiện Trung) huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Nội.

2. Minh Lương xuất gia từ năm nào? Chân Tường nói Minh Lương “Đồng tử xuất gia”, còn Phúc Điền thì hạ bút “Đồng chân nhập đạo”. Cả hai câu đều có nghĩa tương đương là “Trẻ thơ đã vào đạo” hoặc “Tuổi thơ đã sớm xuất gia”. Vậy “Đồng tử” ở văn bia và “Đồng chân” của sách nên hiểu như thế nào? “Từ Hải” nêu 3 nghĩa: a. Tuổi từ 6 đến 12 gọi là “Đồng”, “Đồng tử”; 2. Trẻ nít ngây thơ; 3. Thuật từ nhà Phật, trỏ hàng Sa di đuổi quạ đã chịu 10 giới. Qua đó, có hai luận đoán: 1. Minh Lương từ bé đãm hâm mộ đạo Phật, hoặc từ sớm đã xuất gia (với một ai đó trước khi Chuyết Chuyết ra Bắc; 2. Xuất gia khi Chuyết Công hoằng hóa ở Phật Tích, tuổi đời từ 6 đến 12, tương ứng vào quãng thời gian từ 1633 đến 1644 như đoạn sau sẽ tường giải.

3. Để trả lời cho câu hỏi: Minh Lương xuất gia hoặc gia nhập vào Tăng đoàn Phật Tích vào năm nào? Câu hỏi này đồng nghĩa với câu hỏi: Chuyết Chuyết truyền đạo ở Phật Tích cụ thể vào năm nào? Bài viết thật tiếc khi chưa tìm được cứ liệu bia kí hoặc thư tịch nói rõ việc này.Tổ sư xuất thế thực lụctrong sáchẤn Phật tâm tông – Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lụcdo Thiền sư Minh Hành biên tập sau khi Chuyết Chuyết mất (1644) cũng không ghi cụ thể, chỉ kể: “Đương thời có Đức bà là Lão cung tần giầu có mà tin Phật xin theo sư sư học đạo, ba cô con gái xin được quy y. Không lâu thì lại có em trai Thanh vương Trịnh Tráng là Dũng Lễ công Trịnh Khải hâm mộ Thiền học của sư, liền sai người rước sư đến phủ. Qua vài câu hỏi đáp, Khải biết sư là người thấu triệt huyền vi, biện tài vô ngại, liền vái sư làm thầy, chắp lễ theo làm đệ tử. Khải tuy yêu trọng sư hết mực, nhưng đôi chỗ vẫn còn nghi ngờ đạo pháp, mới đem tục tình ra thử mà roi vàng bất động, không nhiễm mảy bụi, trải qua mấy tháng vẫn nguyên như cũ, Khải cho là bậc dị nhân, liền cho con gái theo sư xuất gia.

Từ đó, bốn phương kéo đến như mây đùn, rước sư về ngôi cổ sái của nhà Lý ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du. Xưa kia, vua Lý bỏ ngôi cao xuống ngồi chỗ thấp khiến việc Tam bảo rạng rỡ, điện các tráng lệ, lấy vàng xếp làm đàn, gạch rồng rải kín đất, tạc đá thành các tượng trâu, ngựa, voi, sư tử, hổ báo. Quần thần có tâu lên rằng: “Ngôi chí tôn bỏ giầu mà xuống ở nghèo, chẳng phải là quá xa xỉ sao!” Vua đáp: “Rường cột vững trãi, ngói gạch kiên cố, trong thì trang trí văn vẻ, ngoài thì trồng cây râm mát, là cốt để sau này có bậc Nhục thân Bồ tát đến chùa diễn thuyết phép Tối thượng thừa, cứu độ vô lượng chúng sinh mà thôi!” Sư vào chùa, thấy đất báu khác lạ, thế núi trót vót, gạch điêu gỗ khắc chữ “Lý” trùng với họ sư, liền nói: “Chẳng phải Vua là bậc chuyển thân đó ư! Sao có sự trùng hợp khéo đến vậy!”

Từ đó Hoàng thượng, Hậu phi, Vương công, Cung tần, Tể quan, Sỹ dân, Tăng ni, đạo tục đồ chúng ngày một đông. Lại được đội ơn đức Chúa Thái thượng Thanh vương là bậc Thánh nhân sẵn đủ sáng suốt, tâm tính thích làm việc thiện, ban danh cho sư là Tổ, gồm trải cả danh sơn trong bốn trấn, dấu Phật được trùng hưng không thể đếm xiết, người đi theo đến mấy trăm, đắc pháp đến mấy chục, còn hàng thấy nghe mà giác ngộ thì đến nửa nước.

Trong khi đó, theoKim Cương bảo tháp bi từdo Cư sĩ Dạ Mạt người Thái Nguyên là Vương Nhị Xá soạn năm 1676 cũng chỉ mô tả chung chung, đại loại Minh Lương “đủ duyên lên núi Linh Sơn(tức đi xuất gia ở chùa núi Phật Tích), may gặp mây chơi tổ Chuyết, tiếng đức rộng sâu, đượm thấm muôn dân, lan truyền ngoài cõi. Thầy ta ngưỡng mộ, chẳng hiềm ngàn xa, cắp tráp hầu theo, thầm mong thụ giáo, dung hạnh chẳng ngại, đạo lấy y bát chân truyền. Nên được vào cửa, như mê bỗng tỉnh; liền tới bờ kia, tựa say liền tỏ. Mới hay Bốn đại vốn không, Năm uẩn chẳng có, chỉ sợ vô minh dầy đặc”.

Đối sánh các nguồn tư liệu bi ký khả tín cùng thời, vẫn theoTổ sư xuất thế thực lụcở phần cuối, cho biết: “Tổ ở Đông đô 12 năm”. Chiểu theoBài khoán khắc lên đá ghi chuyện vua ra sắc dựng tháp Tôn Đứclược ghi về hành trạng Minh Hành, cho biết: “Năm Quý Dậu niên hiệu Đức Long thứ 5(1633)sư theo thầy Phổ Giác(tức Chuyết Chuyết)ra ngoài Đại Việt đi du hóa”. Như vậy, tổng quan bia ký và thư tịch nêu trên, chỉ có thể kết luận: Minh Lương gia nhập Tăng đoàn Phật Tích trong trong quãng 12 năm Chuyết Chuyết ở Đông đô mà thôi, không rõ cụ thể xuất gia hoặc gia nhập vào năm nào, và cũng không rõ lúc đó Minh Lương bao nhiêu tuổi!

4. Như trên đã đề dẫn, không rõ Phúc Điền căn cứ vào đâu để viết thoại đầu Thiền giữa Chuyết Công và Minh Lương? Cũng có thể thuở Phúc Điền trước thuậtThiền uyển truyền đăng lục, tư liệu ý hẳn còn giầu có, mà nay chưa tìm ra nguồn và xin tạm coi như một nguồn chứng liệu lịch đại quý giá ngõ hầu hiểu thêm về tư tưởng Thiền học của thầy trò Minh Lương. Ngoài tư liệu lịch đại của Phúc Điền ra, việc phát hiện tàn khuyết bộ sáchChuyết Chuyết ngữ lục – Ấn Phật tâm tông, do Minh Hành Tại Tại biên tập, Ni sư Diệu Tuệ đứng ra hưng công khắc ván và tàng bản tại chùa Vạn Phúc (Q1, 2, 3, chùa Đồng Kỵ tàng thư; 4, 7, 8, am Chân Thanh tàng thư; 10, 11, 12, viện Thiền Phong tàng thư), đặc biệt đoạn đối thoại ở trang 12, Dị đồng Q4 và đoạn vấn an ở cuối phầnTổ sư xuất thế thực lục, Q1 giúp ta hiểu thêm về sinh hoạt Phật giáo thông qua mẩu đối thoại giữa Chuyết Công và Minh Lương. Xin cung lục như sau:

Dị đồngQ4 viết:

“…lên đầu thuyền vượt qua. Lại hỏi như thế nào là oan Phật? Phật vốn không sinh, nói ngày nay Phật Thích Ca ra đời, đó chính là oan cho Phật sinh. Phật vốn không diệt, nói ngày sau Phật nhập diệt, đó chính là oan cho Phật chết, sống chết ngậm oan, muôn thuở khó tránh. Trong đại chúng nếu có kẻ anh hùng, kẻ đại trí thì xin bước ra cùng ta biện oan cho Phật, để nói cho dứt khoát!

Hỏi:Như thế nào là Phật?

Sư đáp: “Phật”một chữ ấy,ta không thích nghe!

Minh Lương hỏi:Bởi đâu có người thông suốt Phật pháp?Sao không thành tựu quả đạo Bồ đề mà lại thoái chuyển?

Sư đáp:Đó là do có Phật tính nhưng lại không có Phật trí.

Lại hỏi:Nghe nhiều thì sinh trí tuệ, sao lại nói không có trí tuệ?

Sư đáp:Đó chỉ là trí tuệ của sự phân biệt thần thức, không phải trí tuệ!

Lại hỏi:Như thế nào là trí tuệ?

Sư đáp:Người có trí tuệ là người biết cái như như khi việc gấp vội vậy! Nếu suy nghĩ đắn đó thì không phải là trí. Lục tổ nói: “Tự tính thường sinh ở trí tuệ, nhưng trí tuệ cũng sinh ra từ tự tính”.Kinh nói: ‘Không trí, không đắc, đó là trí vậy’.Con nghé con đang buồn bã, thấy mẹ về liền thôi. Người tu hành chưa có được Bát nhã, thì suốt đời không thôi!

Hỏi:Dập đầu quy y Bà lô Yết đế là như thế nào?

Sư đáp:Đó là sự Đại từ, Đại bi của Bồ tát Quán Thế Âm, từ có thể cùng vui là học, bi có thể cứu khổ là hành. Muôn hạnh của Lục độ là học, gần gũi yêu dân cho tới muôn vật là hành, học hành gồm thâu, cứu hết chúng sinh lên bờ Giác, đó chính là Bà lô Yết đế, Yết đế là nhân không, pháp không, không không vậy!

Hỏi:Thế gian muôn khổ, duy có cái khổ chết là khổ nhất, một khi khổ chết vụt đến, như thế nào để được lìa thoát?

Sư đáp:Duy chỉ có sáng lòng thấy tính mới có thể lìa thoát khổ chết!

Hỏi:Thánh hiền còn có thể sáng lòng thấy tính, còn người phàm phu làm sao để mà sáng lòng thấy tính?

Đáp:Ai ai cũng sẵn có đủ cái lẽ sáng lòng thấy tính, ngại gì phàm phu!

Hỏi:Như thế nào để người phàm phu được sáng lòng thấy tính để lìa thoát cái khổ chết?

Đáp:Phàm phu nếu nghĩ đến cái khổ chết, thì nên thường bố thí sẽ được không sinh, thì nên thường trì giới thì sẽ được không diệt, đó chính là Niết bàn.Nhưng hay hành xả, bố thí, trì giới đó, không phải là sáng tính thấy lòng…

 

Tổ sư xuất thế thực lục, Q1 viết:

Năm Quý Mùi(1643),Tổ muốn tính chuyện Hóa thành, đại chúng khẩn thiết níu Tổ ở lại quá ba, người chặt ngón tay có hai. Tổ bèn dừng gót ở chùa Khán Sơn ở Tây thành Thăng Long, vì Hoàng Thái hậu mà diễn thuyết mật nghĩa của kinh Kim Cương. Sau đó lấy cớ có bệnh về an thiền ở chùa Ninh Phúc, Thái hậu khẩn khoản lưu giữ nhưng Tổ không ở, nói rằng:

Hữu bệnh thả quy Ninh Phúc ẩn

Vô duyên bất hội Khán Sơn xuân

(Có bệnh thì về Ninh Phúc ẩn

Vô duyên không gặp Khán Sơn xuân)

Tháng Sen năm Giáp Thân(1644),Tổ ở chùa Long Ân giảng kinh Niết Bàn. Công khanh cùng các huynh đệ thỉnh Tổ cầu đảo, Tổ đáp lại bằng một nụ cười, rồi cầm bút viết vài câu để mọi người hay. Tổ nói: “Ta đến đây đã hơn 10 năm, nhọc miệng khuyên người dốc lòng tu hành, các người chớ để bóng câu lướt qua khe cửa. Sống chết luôn là việc lớn, vô thường kéo đến rất nhanh, đừng nên coi đó là chuyện đùa phiếm! Sau tiết lập Thu, thì đến tìm ta ở dưới núi Bắc.Lúc đó, Thượng thủ Minh Hành cũng lấy cớ có bệnh lui về chùa Khán Sơn. Các đức bà ai cũng bỏ vàng bạc dựng am an trí để báo đền cái đức, để nêu cao cái hạnh thiện của Tổ.

Ngày mùng 6 tháng 7 cùng năm, Tổ sai người quẩy dép vào trong cung mật báo việc về Tây, tất cả đều không hiểu.

Sáng ngày mùng 8, bơi thuyền về chùa Ninh Phúc ở Kinh Bắc. Minh Lương cung kính tới vấn an, Tổ lấy kệ đáp rằng:

Thân như mộng huyễn hữu đồng vô

Vạn mộc Xuân vinh, Thu phục khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

 

Vì chưa đủ nội chứng về Thiền học, tác giả bài viết xin không lạm bàn về nội dung thoại đầu Thiền trongThiền uyển truyền đăng lục, bài đáp kệ phỏng cổ ở Q1 mà Chuyết Chuyết vay mượn của Vạn Hạnh Thiền sư (? – 1018), đặc biệt vấn đáp ở Q4. Nhưng qua đây cũng phản ánh Chuyết khá am tường thiền học của nước Nam, còn chuyện thầy trò họ dùng tiếng Hoa hay tiếng Việt để đối đáp là chuyện còn bỏ ngỏ. Chỉ biết, mẩu đối thoại đầu được thực hiện ở đạo tràng Phật Tích, phần vấn an và đáp kệ được thực hiện 7 hôm trước khi Chuyết Chuyết viên tịch. Chi tiết thứ 2 cho phép ước đoán có hai khả năng: 1. Minh Lương từ chùa Phật Tích qua sông sang chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) vấn an Chuyết Chuyết, phản ánh Minh Lương vẫn đang trong thời gian tu học ở chùa Phật Tích. 2. Minh Lương đã xin Chuyết Chuyết về trụ trì chùa Vĩnh Phúc, núi Côn Cương và chỉ về vấn an trước khi Chuyết Chuyết viên tịch (1644).

5. Trong văn, Phúc Điền gọi tên làng xã thay cho tên chùa – một thói quen phổ quát của người Việt, thực tế chùa tên chữ là “Vĩnh Phúc thiền tự”. Thời Phúc Điền thì chùa này thuộc thôn Thượng, xã Phù Lãng, tổng Phù Lương, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Đoàn Kết, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Với tên chùa gắn với chữ “Phúc”, mà cụ thể ở đây là chùa Phật Tích với tên chữ là Vạn Phúc, Nhạn Tháp hoặc Bút Tháp với tên chữ là Ninh Phúc, dễ gợi cho ta biết Chuyết Chuyết dẫu tha hương tăm cá, nhưng ngài luôn có một niềm hoài niệm về cố hương Phúc Kiến – nơi sinh ra ngài.

6. Theo Phúc Điền thì Nhâm Dần (1662) là năm Minh Lương đứng ra trùng tu lớn chùa Phù Lãng. Chắc hẳn Phúc Điền đã chiểu theoVĩnh Phúc thiền tự bithì mới có thể đưa ra thông tin chính xác đến như thế! Theo văn biaVĩnh Phúc thiền tự bicó nhắc đến chuyện trước kia “vào ngày tháng năm Nhâm Dần(1662),Minh Lương thấy chùa Vĩnh Phúc là chốn anh linh muôn thuở, liền phấn chí khuyên giáo, trên từ các vị vương công, dưới tới người hiền thiện tín, cùng dốc lòng lành, cùng gom công đức hưng công tu tạo Thượng điện, Thiêu hương, Tiền đường, Hậu đường cùng hai dãy hành lang, Cửu phẩm, gác chuông, Tam quan, nhà Trù oản, Tăng phòng, tô lại các tượng vàng trang nghiêm, lại xây tường bao trong ngoài…” Đợt trùng tu lớn này có sự góp công của Đại Nguyên súy chưởng Quốc chính Thượng phụ Thái công Tây vương Trịnh Tạc và Thị nội Cung tần Phan Thị Hiên, vương tử Thiếu phó Tuyên Quận công Trịnh Quán… cùng môn đồ pháp quyến sơn môn Vĩnh Phúc.

Theo dòng lịch sử, đến tháng 11 năm Cảnh Trị 5 (1667) “Vĩnh Phúc Nột tử là Minh Lương” đã cho khắc in cuốnPhạm võng kinh Bồ tát giới nghĩa sớ Phát ẩn, tàng bản tại chùa. Hệ thống ván được khắc vào năm này có thể sau đó mối mọt hủ nát, nên Sơn môn Vĩnh Phúc đã đứng ra phủ bản phát khắc lại vào năm Tự Đức 23 (1870), và hoàn tất việc khắc in vào tháng 11 năm Tự Đức 25 (1872) dưới sự đốc san bởi Sa môn Tuệ Đa trụ trì chùa Tân Phúc (xã Quế Tân). Lần in này, thêm hai chữTrùng thuyênvào tên sách và giữ được dòngLạc khoảnxác nhận Minh Lương cho khắc in vào lần đầu. Hai năm sau Minh Hành lại cho in cuốnPhật thuyết vấn giới luật trung ngũ bách khinh trọng sự kinh tân sớ. Qua đây phản ánh Minh Lương khá coi trọng thanh quy giới luật, bất luận giai đoạn này hệ thống sáchTứ phần,Yết Ma,Giới đàn tăng – ni(hình như) còn chưa xuất hiện ở Đại Việt.

7. Trong một tấm bia tại chùa Phật Tích mang tênVạn Phúc đại Thiền tự bi, No 2146 vàKiến lập Tam bảo điền tự sự Tổ sư Ân Quang tháp bi ký, No 2147 dựng năm Chính Hòa 7 (1686), có kể lại chuyện vào ngày 15 tháng 7 năm Phúc Thái 2 (1644) thì Chuyết Công viên tịch. 42 năm sau – tức 1686 – thời điểm dựng tấm bia hai mặt nêu trên, trong khi môn nhân gồm Minh Hành Tại Tại, Minh Huyễn Liễu Nhất, Minh Quang, Minh Đức, Minh Tông, Minh Đạo, Minh Hiển, Minh Nghiêm, Minh Như, Minh Vô, Minh Hảo, Minh Chính, Minh Tính, Minh Quảng, Minh Quy, Minh Lệnh, Minh Thông, Minh Giai, Minh Mẫn, Minh Tường, Minh Nghĩa (Vô Trước), Minh Pháp, Minh Toàn, Minh Ân, Minh Hải, Minh Trực, Minh Đăng, Minh Thiện, Minh Quán, Minh Lai, Minh Niên, Minh Chính Giác, Minh Cao, Minh Thời, Minh Thọ, Minh Kiều, Minh Kiều, Minh Nhân, Minh Si, Minh Giác, Minh (?), Minh Tịnh, Minh Giới, Minh Thịnh, Minh Đạo Nghĩa, Minh Chiếu, Minh Tâm, Minh Túc, Minh Tiến, Minh Thể, Minh Vạn, Minh Nhẫn, Minh Lâm, Minh Hạo (?), Minh Ngạn, Minh Châu, Minh Chí, Minh Biện, Minh Mệnh, Minh Chiêu, Minh Phúc, Minh Lý, Minh Trung, Minh Huệ, Minh Tuyên, Minh Phổ, Minh Thận, Minh Lan, Minh Quế, Minh Diệu, Minh Tại, Minh Tạng, Liên Hoa hội Ưu bà tắc Dũng Lễ công, tự Quảng Đức, hiệu Nhân Bản, thụy Hoằng Phú giác linh công Minh Nguyện. Vương phủ nội Cung tần Ưu bà di Đệ nhất Chiêu Nghi Trần Thị Ngọc Am, gia phong là Thánh Quang Bồ tát (Pháp Giới). Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Pháp Tính). Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Áng (Diệu Định). Tấn thân Đại phu Thái phó Kiên quận công Trịnh Quân, Thiếu phó Dĩnh Quận công Ngô Hữu Dụng… đều đã viên tịch và mất, thì tên Minh Lương được khắc lên hàng đầu ở phần “Tỷ kheo còn tại thế”, trong đó có cả Chân Nguyên. Đoạn phó chúc kệ này, không hề thấy viết trongKiến tính thành Phậtcủa Chân Nguyên.

8. Thời điểm Cư sĩ Dạ Mạt người Thái Nguyên là Vương Nhị Xá soạn văn biaKim Cương bảo tháp bi từlà vào Rằm tháng Giêng năm Vĩnh Trị 1 (1676) cho phép đoán định Minh Lương viên tịch vào năm 1675. Nếu trừ đi 1630 và cộng thêm 12 tuổi đồng tử, thì Minh Lương viên tịch ở giữa tuổi “biết mệnh trời” và “xuôi tai” e chừng không hợp lý lắm! Đồ là Minh Lương sớm đã “Đồng tử xuất gia“, “Đồng chân nhập đạo” với một ai đó trước mốc 1633 (?), nếu không muốn cho ngài mất ở tuổi 55!

Sau khi mất, môn đồ truy tôn sư là “Kim Cương tháp,Mãn Giác Hòa thượng,Minh Lương Tổ sư” (TheoViên Không tháp ký) và “Kim Cương tháp, Phúc tuệ Quảng đại Mãn Giác Hòa thượng Minh Lương Tổ sư” (TheoNgự chế trùng tẩm Như lai ứng hiện đồ.Phổ Hòa trùng san vào năm Minh Mệnh thứ 13 – 1832).

Theo ngu kiến của tác giả bài viết, nên viết tôn hiệu của ngài là “Nam mô Côn Cương sơn, Vĩnh Phúc tự, Kim Cương tháp, Ma ha Tỷ kheo Phúc Tuệ Phổ Nghiêm Mãn Giác Hòa thượng Minh Lương Thiền tổ Hóa thân Đại Bồ tát”. Theo suy đoán thì“Phúc Tuệ Phổ Nghiêm Mãn Giác Hòa thượng” là mỹ hiệu được vua đặc tứ khi Sư còn tại thế, hoặc được phong tặng sau khi viên tịch.

9. TheoVĩnh Phúc thiền tự bicho biết môn đồ đệ tử của Minh Lương như sau:

Tỷ kheo gồm: Chân Môn, Chân Tường, Chân Nguyên

Sa di gồm: Chân Phúc, Chân Thắng, Chân Hỷ, Chân Cơ, Chân Hoan, Chân Nghiễm, Chân Quang, Chân Ngôn (1), Chân Nhân, Chân Liên, Chân Ý, Chân Xuyên, Chân Hải, Chân Tuệ, Chân Hào, Chân An, Chân Diễn, Chân Cường, Chân Giáo, Chân Nhẫn, Chân Thọ, Chân Lưu, Chân Niệm, Chân Bình, Chân Chiếu, Chân Trọng, Chân Trình, Chân Nhứ, Chân Chí, Chân Ích, Chân Tam, Chân Tỉnh, Chân Hiểu, Chân Kiết, Chân Phú, Chân Thụy, Chân Vi, Chân Sơn, Chân Ngôn (2), Chân Kim, Chân Minh, Chân Hương, Chân Hậu, Chân Điển, Chân Liễu, Chân Trí, Chân Đức, Chân Điện, Chân Lưu, Chân Trì, Chân Khang, Chân Miêu, Chân Thư, Chân Nho, Chân Hội, Chân Tín, Chân Tiết, Chân Pháp, Chân Từ, Chân Trang, Chân Kiêm, Chân Thường, Chân Công.

Đạo tràng môn nhân dựng tháp gồm: Chân Môn, Chân Hỷ, Chân Minh, Chân Phúc,Chân Tiên, Chân Hương, Chân Hoan, Chân Nghiễm, Chân Ngôn, Chân Nhân, Chân (Toàn?), Chân Nho, Chân Trí, Chân Sơn, Chân Từ, Chân Trang, Chân Kiên, Chân Hiền, Chân Ý, Chân Thụy, Chân Tín, Chân Sơn Phúc Hiền, Chân Tri.

10. “Chuyện xảy ra quãng những năm niên hiệu Vĩnh Hựu (1735 – 1740) thời Lê”, trên thực tế không phải như vậy! Câu cuối của Phúc Điền chỉ khiến tác giả bài viết củng cố thêm luận điểm xác định năm Minh Lương viên tịch đúng như đã giải thích ở chú thích (8). Phúc Điền đã viết nhầm chữ “Trị” trong “Vĩnh Trị” thành “Hựu” trong “Vĩnh Hựu”, đây là lỗi thường thấy trong hầu hết tác phẩm của Phúc Điền.

Gần 100 năm sau, vào năm Cảnh Hưng 34 (1773), Pháp tôn, Pháp điệt là nhóm Thiền sư Như Tồn, Tính Ngân, Hải Tông dưới sự chứng minh của các tiền bối trong Sơn môn Vĩnh Phúc, đã đứng ra hưng công trùng tu tháp Kim Cương cho Thiền tổ Minh Lương, chuyện được ghi rõ trongKim Cương Bảo tháp bi từ, No 5632.

Hơn 200 năm sau, vào năm 1992, có người khách ở đất Cửu, là Ái Chân Thanh lên bái yết dấu Tổ trên đỉnh Côn Cương, cám cảnh tang thương, mới làm một điệu than rằng:

Phục Côn Cương,

Yết Kim Cương,

Sơn tháp thiều nghiêu kỷ đoạn trường,

Cổ tuyển Phật trường,

Hồi đầu biến tang thương,

Tán Minh Lương,

Khấp Minh Lương,

Giáng phó Thiền sàng

Mặc thụ tư cúng dường,

Tư cúng dường

Cộng cúng dàng

Kim ô quá khích

Viện không dư khách thập phương

(Lại Côn Cương

Vái Kim Cương

Núi, tháp chon von mấy đoạn trường

Xưa chọn Phật trường

Ngảnh đầu thảy tang thương

Khen Minh Lương

Khóc Minh Lương

Giáng xuống giường thiền

Ngầm chứng nay cúng dàng

Nay cúng dàng

Cùng cúng dàng

Bóng câu khe cửa

Viện không còn bóng thập phương!”

Phụ lục văn bản Hán Nôm

Kim cương bảo tháp bi từ

Bài từ khắc trên bia tháp báu Kim Cương

Môn nhân cùng đồ chúng thuộc Đạo tràng cổ tích Côn Cương (1) tắm gội vâng làm bài ký trên tháp báu phụng thờ Tổ sư.

Kính nghĩ: Phu tử Vân Mộng (2), đầu thai nơi chốn rừng mây, chí lớn tuy vượt hơn đời, hành xử ở trong nhân thế. Đủ duyên lên núi Linh Sơn (3), may gặp mây chơi tổ Chuyết (4), tiếng đức rộng sâu, đượm thấm muôn dân, lan truyền ngoài cõi.

Thầy ta ngưỡng mộ, chẳng hiềm ngàn xa, cắp tráp hầu theo, thầm mong thụ giáo, dung hạnh chẳng ngại, đạo lấy y bát chân truyền. Nên được vào cửa, như mê bỗng tỉnh; liền tới bờ kia, tựa say liền tỏ. Mới hay Bốn đại vốn không, Năm uẩn (5) chẳng có, chỉ sợ vô minh dầy đặc.

Đội ơn Năng Nhân (6) ngầm trợ, uống giọt nước mát Tào khê (7), toàn thân nhẹ nhõm; tắm gội bể Giác nguồn sâu, mọi căn sạch sẽ. Đúng nay, chính tri, chính kiến và chính tri kiến (8), rạng sáng một tạng Quang minh (9), một tạng Quang minh, dĩ nhiên rộng chiếu, mảy bụi cũng là trái đất. Trồng cây vun tưới đâu hay lợi ích, đến thời sẽ lớn; tích lũy đức hạnh nào biết là lành, đủ duyên đem dùng. Cho nên nói: “Lành đến thì tiếng lan, đức vang xa thì thân tươi tốt”, đó chính là cái Đạo tắm tưới tốt lành vậy!

Thầy ta tay lần hạt châu, chẳng bận tâm ai tính ai; miệng tụng Di Đà, vẫn luôn cứu mình cứu người. Đêm ngày chuyên cần, chẳng dám lãn ông; sáng chiều siêng năng, không rời tự tính. Tính thiện ở trong lòng thanh thản; bình tâm lộ ở vẻ thanh cao. Yên phận giản dị, tự vui với đạo, Xét tính đợi vui, nghe ngóng ý giời. Không chấp văn từ cùng thói tục, ngại gì cao đàm khái luận; tuy ở trong đời mà chẳng nhiễm, đâu quản bụi hồng sóng bạc. Nương theo đạo làm chuẩn, tựa vào đức làm mực. Mềm mại yên tĩnh, dấu mình ở chỗ không dám, hành xử ở chỗ chẳng thể; điềm tĩnh vô tư, hành động không vượt ngoài mức, dừng nghỉ luôn đúng tiết độ.

Chúng ta không lấy đó làm học, mà học cái giữ tính nhạt tình, nhường trước lùi sau, tựa như mũi ngọn giáo và cái bịt cán giáo, nhọn khó đâm mà miếng bịt nhọn cũng không hề gì. Tại sao? Là bởi nhờ đứng đằng sau nên không dùng đến vây! Đại chúng đều nguyện, đều mong cất chứa xá lị của sư, dựng tháp lâu dài, giống như Đạo với người, người có diệt mà Đạo mãi trường tồn. Tại sao vậy? Là bởi gửi mình ở chỗ Vô sinh (10), cho nên không còn Diệt (11) vậy. Như muôn vật có chỗ sinh, quan trọng là giữ cái gốc, ngàn việc có nguyên do, quan trọng là giữ được đầu mối.

Tôi cho rằng: “Bảy tầng Phù đồ(12)tựa hư không, Đại thiên thế giới(13)cũng mông lung”. Nếu nói dựng xây mà không hỏng, thì tại sao giời khuyết về Tây, đất lại khuyết ở Đông. Cái mà không thể hỏng, đó là Đạo vậy! Dựng tháp để nối nhau thờ tự, đó là cái tình vậy. Tình thì không nỡ, cho nên dựng tháp để nêu tỏ cái uẩn khúc trong lòng, tựa như cửa Khổng của nhà Nho có họ Tăng (14) riêng nối truyền giềng mối, có thể nói là dấu tích truyền mãi muôn đời không nát vậy. Ví như tháp báu chùa Vĩnh Ninh (15), đào đất dựng đài, móng đến tận suối vàng, cất nên ngọn tháp cao đến 90 trượng, trên đỉnh lại đặt tượng vàng cao hơn 10 trượng. Mỗi khi đêm lặng gió thoảng, tiếng khánh reo đến 10 dặm vẫn nghe thấy. giờ chỉ còn là phế tích mà thôi, vậy nên cùng với Đạo hay cùng với cái gì?

Xưa Huệ tổ (16) chẳng đã từng nói: “Bồ đề vốn không cội, gương sang cũng không đài”. Đó chảng phải là Thế giới vô thường sao! Tai có thể nghe nhưng mắt không thể ngó, muốn có thể ngó xem thì cung A Phòng (17) điện vàng nay còn không? “Có danh há xẻ đá tạc bia, người đi qua lại miệng hơn bia”. Cho nên nói danh thơm muôn đời, là Đạo chứ không phải là tháp vậy! “Thời hay tháp Nhạn đá mòn, biết ngay đệ tử báo đền Tôn sư”.

Bài tán rằng:

Thầy ta Vân Mộng

Nối giữ thiền tông

Ăn chay, vứt nghiệp

Phù Lãng(18)gửi trông

Côn Cương náu ẩn

Đức hạnh gồm thông

Chúng ta dốt kém

Ngầm dạy đến cùng

Thấm nhuần mưa móc

Dựng tháp đền công

Bỏ phàm vào Thánh

Muôn mãi tôn sùng

Thơ vịnh rằng:

Trót vót Phù đồ gửi tầng không

Gió thiền hòa tiếng khánh rinh rung

Cất chứa nhục thân truyền muôn mãi.

Tưởng nhớ ơn thầy bất hủ công

Dạ Mạt Cư sỹ người Thái Nguyên là Vương Thị Nhị Xá thay lời soạn văn bia.

Ngày Rằm tháng Giêng năm Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Trị 1 (1676)

Đạo tràng môn nhân dựng tháp gồm: Chân Môn, Chân Hỷ, Chân Minh, Chân Phúc, Chân Tiên, Chân Hương, Chân Hoan, Chân Nghiễm, Chân Ngôn, Chân Nhân, Chân (Toàn?), Chân Nho, Chân Trí, Chân Sơn, Chân Từ, Chân Trang, Chân Kiên, Chân Hiền, Chân Ý, Chân Thụy, Chân Tín, Chân Sơn Phúc Hiền, Chân Tri.

Ưu bà di gồm: Đặng Thị Lỗ hiệu là Diệu Tiến, Nguyễn Thị Đình hiệu Diệu Tuệ

Hoàng tộc Công chúa thứ 3 là Lê Thị Ngọc Duyên, hiệu Diệu Trí

Chính vương Phủ nội Cung tần là Nguyễn Thị Quản, hiệu Diệu Đoan

Nội Cung tần là Phan Thị Hiên, hiệu là Diệu Chính

Nội Cung tần Lê Thị Thái, hiệu Diệu Chính. Mẹ là Ưng Thị Hoàng, hiệu Diệu Ngọc

Vương phủ nội Cung tần là Nguyễn Thị Lý, hiệu Diệu Sự

Nội cung tần là Lê Thị Phúc, hiệu Diệu Tiên

Nội Cung tần là Nguyễn Thị Ngoạn, hiệu Diệu Đắc

Ty Lễ giám Thủy sư, tước Bàn Thạch bá là Nguyễn Công Luận, tự là Chân Đức

Ty Lễ giám Thủy sư, tước Hà Thái bá, tự là Chân Vinh.

(Dịch từ nguyên văn chữ Hán thác bản văn biaKim Cương bảo tháp bi từ,No 5632)

Chú thích

1.Côn Cương: Tên núi, thuộc địa phận xã Phù Lãng, huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh.

2.Phu tử Vân Mộng: Không rõ nghĩa, văn cảnh ám chỉ Minh Lương

3.Núi Linh Sơn: Cũng gọi là Linh Thứu, nơi đức Phật thường mở các pháp hội thuyết pháp. Linh Sơn trong văn cảnh ám chỉ núi Phật Tích, có chùa Vạn Phúc, được cho là trung tâm và Thánh địa Phật giáo thời Lý. Từ khi Chuyết Công từ chùa Khán Sơn qua sông về đây, thì Phật Tích trở thành cái nôi của Thiền phái Lâm Tế ở Đàng Ngoài.

4.Mây chơi tổ Chuyết: Nguyên văn là “Vân du Chuyết tổ”, Thiền tăng giữ hạnh đầu đà, không có trụ xứ, hay phát túc siêu phương các nơi tiêu dao như nước mây, nên gọi là “Vân du”, “Vân thủy”. Người xuất gia như thế thì gọi là “Vân tăng” hoặc “Vân thủy tăng”

5.Bốn đại: Là bốn nguyên tố vật chất gồm Đất, Nước, Gió, Lửa.Năm uẩn: Cũng gọi là Năm ấm, gồm Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức,tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái “ta”,

6.Năng Nhân:Danh hiệu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đọc theo âm Phạn là Sakyamuni, Hán phiên âm là Thích Ca Văn Phật, Hán dịch là Năng nhân, Năng nhẫn, Năng tịch, Tịch mặc, Năng mãn,… Năng nhân là có khả năng thực hiện sự yêu thương

7.Tào khê: Tên một dòng sông ở huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nơi có ngôi chùa cổ Bảo Lâm, còn gọi là Nam Hoa, từng là đạo tràng lớn của Đại sư Huệ Năng (638-713), vị Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Quốc. Ẩn ý muốn nói đến suối nguồn Phật pháp.

8.Chính tri, chính kiến và chính tri kiến:

9.Tạng Quang minh: Tự tính được ví như vừng nhật nguyệt, luôn tròn đầy và sáng láng.

10.Vô sinh: Cũng gọi là Vô sinh pháp nhẫn,Ðại Trí Ðộ luậnQ 50 nói: “Ðối thật tướng vô sanh diệt của các pháp, tin nhận thông suốt, không ngăn ngại, không thối lui, gọi là Vô sanh nhẫn”.

11.Diệt: Một trong “Tứ đế”, tức Diệt đế,chân lý về diệt khổ: Một khi gốc của mọi tham ái được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt.

12.Bảy tầng Phù đồ: “Do tuần” là đơn vị tính chiều cao của tháp Phật, 7 là cơ số phiếm xưng, hàm nghĩa là rất cao.

13.Đại thiên thế giới: Quan niệm kiến tạo vũ trụ của Phật giáo cho rằng:Một ngàn Tiểu-thế-giới hợp lại thành một Tiểu-thiên-thế-giới. Một ngàn Tiểu-thiên-thế-giới hợp lại thành một Trung-thiên-thế-giới. Một ngàn Trung-thiên-thế-giới hợp lại thành một Đại-thiên-thế-giới. Đại-thiên-thế-giới có nơi gọi là Tam-thiên-đại-thiên-thế-giới. Danh từ nầy chỉ cho Đại-thiên-thế-giới do ba lần ngàn thế-giới kết hợp, thực không phải có ba ngàn cõi Đại-thiên.

14.Họ Tăng: Chỉ Tăng Sâm – học trò xuất sắc của Khổng tử

15.Chùa Vĩnh Ninh: Chùa có tháp cao 9 tầng 100 trượng do Thái hậu họ Hồ xây ở Lạc Dương (nay là thị trấn Lạc Dương, tỉnh Hà Nam) năm 516, đến năm 534 thì bị đốt cháy.

16.Huệ tổ: Tức huệ Năng (638 – 713)là vị Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa, môn đệ và pháp tự của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.

17.Cung A Phòng:Là một cung điện ở do Tần Thủy Hoàng xây làm nơi nghỉ mát mùa hè, thuộc địa phận thành Tây An, bên bờ sông Vị. Tương truyền cung điện có chu vi hơn tám trăm dặm.

18.Phù Lãng: Tên xã, nơi chùa Vĩnh Phúc tọa lạc, thời Lê thuộc huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, nay thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Thư mục tham khảo

– Minh Hành,Ấn Phật tâm tông – Chuyết Chuyết ngữ lục, Q1, 2, 3, 4, 7, 8

– Pháp Nhuận,Thiên đồng cổ tụng, biên soạn

– Thiền uyển tập anh

– Như Sơn, Ngự chế Thiền điển thống yếu Kế đăng lục

– Phúc Điền, Thiền uyển truyền đăng lục

– Phổ Hòa,Ngự chế trùng tẩm Như lai ứng hiện đồ

– Chân Nguyên, Kiến tính thành Phât

– Ái Chân Thanh,Tây Ngung biệt lục

– Phạm võng kinh Bồ tát giới nghĩa sớ Phát ẩn

– Phật thuyết vấn giới luật trung ngũ bách khinh trọng sự kinh tân sớ

– Thích Thanh Từ,Thiền sư Việt Nam(trước thế kỷ 18)

– Thích Đồng Bổn,Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ 20

– Vương Thị Nhị Xá,Kim Cương bảo tháp bi từ,No 5632

– Chân Tường,Vĩnh Phúc thiền tự bi

– Sắc kiến Tôn Đức tháp khoán thạch

– Viên Không tháp ký

– Vạn Phúc đại Thiền tự bi, No 2146

– Kiến lập Tam bảo điền tự sự Tổ sư Ân Quang tháp bi ký, No 2147

Hưng tạo Lâm Dương quán bi, No 1871

Quốc sư bi, No 5140

– Quốc sư bi ký, No 5138 – 39

Trùng tu Đại Bi tự bi,Quý quan công đức bi,No 1700 – 01

Trùng tu Trường Sinh Phúc Khánh tự công đức bi ký, No 0955

Nguồn: Đặc San Suối Nguồn – Tu Viện Huệ Quang