Thầy Tôi Dạy Nhất Tâm Niệm Phật Chiêm Ngưỡng Đức Tướng Phật A Di Đà
Thích Tâm Mãn – 釋 心 滿
Chiều cuối thu nắng vàng hiu hắt, từng vệt sáng hiền chiếu tỏa khung cảnh sân chùa sao thật là diệu, dưới ao Liên Trì vài con cá nhỏ đớp bóng, khiến cho mặt hồ xao động một vài gợn sóng nhỏ lăng tăng, cũng như mọi ngày, sau giờ dược thạch tôi đi kinh hành quanh hồ vừa niệm Phật, vừa tận hưởng nhưng gây phút thanh tịnh cuối cùng một ngày của ông trời già sắp quảy dép về tây.
Nắng vàng từng giọt chiếu vào tượng Đức Phật A Di Đà đứng giữa hồ, thật giống như Đức Phật đang phóng hào quang, tôi thành kính chắp tay cuối đầu lễ Phật, chiêm ngưỡng bảo tướng của Ngài, lòng dâng trào niềm vui an lạc, bổng nhớ về một ngày nọ Thầy tôi dạy tôi niệm Phật để được chiêm ngưỡng Đức Như Lai.
Vào những tháng ngày của thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hầu như tất cả chùa chiền, điều kiện kinh tế đều rất khó khăn, ai cũng chỉ mong sao đủ no ấm để tu hành là viên mãn lắm rồi, còn việc xây chùa, tạc tượng, đúc chuông thì hầu như ít khi được quan tâm lắm. Thế nhưng vào trong những tháng ngày đó lại có Phật tử phát tâm cúng dường cho Thầy tôi một pho tượng Phật bằng đồng, họ hỏi Thầy tôi thích tượng Phật nào, Thầy tôi dạy nên cúng dường tượng Phật A Di Đà và sau đó tượng phật được Phật tử thỉnh từ ngoài Huế về, thật là một sự kiện lớn ở chùa tôi và cả Thầy trò tôi.
Khi thỉnh Phật về an vị trên chánh điện, hầu như ngày nào tôi cũng chiêm ngưỡng bảo tướng của Ngài, và đây cũng là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy hình tướng của đức Phật A Di Đà bằng tượng, tôi vốn là người say mê tượng Phật, cho nên một pho tượng Phật được đúc bằng đồng mà đẹp như thế này như hút hồn tôi, thật là nhìn không biết chán, cứ như vậy chiêm ngưỡng hình tượng Đức Phật, trong đầu tôi bổng hiện lên một niệm đầu, sao Thầy mình không thỉnh vị Phật nào khác, mà lại thỉnh tượng Phật Di Đà?
Ngày còn để chỏm vì tôi là đứa mồ côi mất mẹ rất sớm, cho nên Thầy tôi rất quan tâm đến tôi, tôi có hạnh duyên là tối được ngủ chung với Thầy, cho nên tất cả những việc thắc mắc ở ban ngày thì tất nhiên đến tối trước khi đi ngủ, tôi sẽ bạch hỏi Thầy tôi. Bạch thầy; sao chùa mình không thỉnh Đức Phật khác mà lại thỉnh Đức Phật A Di Đà? Thầy tôi dạy cả ngày con niệm ai? tôi trả lời; con niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Thầy tôi dạy: cả ngày con niệm Phật Di Đà, con có biết Đức Phật Di Đà đức tướng ra sao không? tôi thưa con không biết!
Thầy tôi dạy: “vì con niệm Phật Di Đà mà không biết Ngài có hình tướng ra sao, thì làm sao để con có thể niệm nhớ Ngài nhất tâm cho được, cũng như con, khi con nhớ đến mẹ con, thì điều trước tiên con nghĩ đến đó là hình dáng của bà, còn nếu như con nhớ đến mẹ con mà hình dáng của bà con không biết, thì trong tâm của con sẽ tưởng tượng ra nhiều hình dáng và cứ mãi lo tưởng tượng các hình dáng khác, để làm sao cho giống như hình dáng của mẹ mình, thì sự nhớ thương về mẹ của con sẽ bị tán loạn, tâm con không còn nhớ mẹ nữa, mà chỉ chạy theo những hình dáng của tưởng tượng mà thôi.”.
Niệm Phật cũng như vậy, khi niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà là ta đang tưởng nhớ đến Ngài, từ miệng niệm danh hiệu Phật, sẽ đi đến tâm quán tưởng đức tướng của Ngài, do quán tưởng được đức tướng của Ngài, nên nhiếp thân tâm thanh tịnh, khi cả ba nghiệp thân khẩu ý đều thanh tịnh niệm Phật, thì nhân duyên đạt đến cảnh giới “Nhất tâm bất loạn”, niệm Phật sẽ không còn xa, vì vậy người niệm Phật, nếu muốn nhất tâm niệm Phật thì việc quan trọng nhất phải làm là tu tập quán tưởng đức tướng Đức Phật A Di Đà luôn luôn phải sẵn có trong tâm, vì vậy Thầy mới thỉnh đức tướng của Phật A Di Đà về để chùa mình tu pháp quán tưởng Phật thân.
Sau này lớn lên có nhơn duyên học hỏi Phật Pháp nhiều hơn, nhất là nghe sự giảng dạy của nhiều bậc cao Tăng long tượng trong hành trì pháp môn Tịnh Độ, tôi mới hiểu ra sự thậm thâm vi diệu của Pháp môn Tịnh Độ, người tu pháp môn này không chỉ đơn giản là chỉ dùng miệng niệm Phật mà cần phải hành trì Quán tượng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Thật tướng niệm Phật. Niệm Phật như vậy mới có thể đạt đến nhất tâm bất loạn, trực vãng Tây Phương.
Trì Danh Niệm Phật, gọi nôm na là dùng miệng niệm hiệu Đức Phật A Di Đà, gồm có hai cách chính, đó là thầm niệm Phật và niệm Phật ra tiếng, vì sao ta phải niệm Phật, cũng ví như khi ta cần sự giúp đỡ của một ai đó, thì ta phải gọi tên của họ, để họ biết mà làm giúp cho ta, như ta muốn đi đến một địa phương ở xa mà ta lại không quen biết, thì điều cần thiết nhất là, trước tiên ta phải biết địa điểm nơi chốn mà ta đến, và tên, chổ ở của người mình quen biết, hoặc giả là địa điểm tên lữ quán để chúng ta trú ngụ, nếu đủ những điều kiện này, thì khi đến xứ sở xa lạ, chúng ta cần đến sự giúp đỡ, hay nương theo địa chỉ mình có để đi tìm chổ mình đến thì không sợ bị lạc, tâm chúng ta được an, không còn có điều lo lắng.
Đức Phật A Di Đà đã từng phát ra 48 lời đại nguyện, một trong bốn mươi tám đại nguyện ấy là: “Tất cả chúng sanh trong thập phương thế giới, nếu có người nào xưng danh hiệu Tôi thì người đó nhất định thành Phật; nếu người đó không thành Phật thì Tôi thề không thành Chánh Giác, Tôi cũng chẳng thành Phật.”. Vì lời nguyện này mà chúng ta tin chắc rằng, nếu như mình thành tâm tinh tấn niệm Phật thì một ngày nào đó sẽ được Đức Phật Di Đà tiếp dẫn về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc.
Vậy nên khi chúng ta tu pháp môn tịnh độ cầu nguyện vãng sanh về cảnh giới cực lạc của Đức Phật A Di Đà thì ta phải biết được danh hiệu của Phật và thường phải gọi Ngài để Ngài biết được nguyện vọng của chúng ta, rồi Ngài mới tiếp dẫn về cảnh giới Cực Lạc. Cho nên vì sao phải niệm thật nhiều, niệm đến nhất tâm bất loạn, vì đây là sự thể hiện chân thành nhất của tâm tha thiết cầu được vãng sanh về cảnh giới Cực Lạc, được tu hành thành Phật trong thế giới của Đức Phật A Di Đà trong mỗi chúng ta.
Quán Tượng Niệm Phật, tức là ngồi chiêm ngưỡng hình tướng của một bức tượng Phật A Di Ðà, rồi vừa niệm Phật vừa dùng hình tượng Phật thể nhập vào trong tâm, quán tưởng tướng hảo từ bi, trang nghiêm của Phật A Di Ðà, đại phóng hào quang trang nghiêm biến chiếu khắp thập phương thế giới, tướng lông trắng giữa chặn mày, phát ra ánh sáng vi diệu, chiếu đến tự thân của mình, chúng ta nương theo ánh sáng bạch hào của Phật để thành tựu pháp thanh tịnh ba nghiệp, sau đó dùng thân khẩu ý ba nghiệp thanh tịnh lại nhất tâm niệm Phật, nếu có thể niệm Phật như vậy thì sự thành tựu pháp “Nhất tâm bất loạn” niệm Phật tam muội không còn là điều khó nữa.
Quán Tưởng Niệm Phật, chúng ta nương theo một câu kinh, hay một bài kệ diễn tả hình tướng của Đức Phật Di Đà để thực hành Pháp quán tưởng niệm Phật, pháp niệm Phật này khó hơn pháp quán tượng niệm Phật, vì quán tượng niệm Phật là nương theo hình tượng đức tướng sẵn có của bức tượng Phật A Di Đà, để hành trì.
Pháp Quán tưởng niệm Phật, thì đức tướng của Đức Phật phải do chính chúng ta nương theo sự miêu tả trong Kinh hay kệ tán thán tướng hảo của Phật. Ví dụ như câu: “Thân tướng màu vàng kim của Phật A Di Đà, tướng hảo sáng đẹp không thể nghĩ bàn…” để quán tưởng, hiển hiện đức tướng của Ngài, tu tập pháp quán này hành giả cần phải luyện tập phương pháp có thể tập trung tinh thần cao độ chuyên nhất và tâm tán thán ngợi khen đức tướng của Phật hết sức sâu dày, thì mới có thể thành tựu được pháp quán tưởng niệm Phật.
Nếu tâm hành giả chưa hoàn toàn thanh tịnh và định lực chưa đủ, tạp niệm còn nhiều, thì hình tướng của Đức Phật Di Đà sẽ theo sự loạn động của tâm ta mà biến hiện, lúc có lúc không, khi thì viên mãn, lúc thì khiếm khuyết, cho nên phải từng bước, nương vào từng câu kinh câu kệ để quán tưởng đức tướng của Phật là cách hành trì hữu hiệu nhất, quán tưởng thành tựu từng phần, rồi đến rốt ráo viên mãn.
Quán tưởng được hình tượng Đức Phật Di Đà hiện tướng thành tựu và tu luyện cho hình tượng của Đức Phật in đậm trong tâm khảm của mình, trong sáu thời của một ngày, trong đi đứng nằm ngồi, trong thức hay ngủ, hình tượng Đức Phật luôn luôn hiển hiện không hề biến mất, nếu có thể đạt đến cảnh giới niệm Phật quán tưởng như vậy, thì ta đang ở trong Phật, và Phật đang ở trong ta, hai nhưng là một, không sai không khác. Như vậy có khác nào: “Tức tâm tức Phật, Tịnh độ hiện tiền”.
Thật Tướng Niệm Phật tức là hành giả tu pháp môn niệm Phật đã đạt đế cảnh giới cuối cùng “Niệm tức vô niệm”, niệm Phật mà không còn chấp là mình đang niệm Phật nữa. khi người tu pháp môn niệm Phật đạt đến cảnh giới này, thì tương ưng với cảnh giới vô niệm rốt ráo của Thiền định, đồng với Tam mật tương ưng của mật Pháp Du Già, thể nhập vào vô tướng môn, thành tựu nhất thiết pháp, trực vãng Tây Phương, được Đức Phật A Di Đà thọ ký.
Thật Tướng Niệm Phật, người hành trì pháp môn này là người có thể thể hiện đầy đủ đức tánh từ bi, trí tuệ, của Đức Phật A Di Đà, người có thể dùng tâm của mình, tướng của mình để tỏ bày hiển lộ sự vi diệu trang nghiêm phước báu của chư Phật, người có thể hòa nhập thân tâm của mình vào pháp hải huệ lưu của hết thảy pháp môn trong Phật Pháp không còn chướng ngại, người có khả năng hòa hợp thanh tịnh với hết thảy hữu tình chúng, trong Tăng chế lục hòa, cụ nghĩa đại bi, đủ đức đại trí, viên mãn đại hùng, cụ túc đại lực, như vậy mới là đạt đến cảnh giới tối hậu của Thật Tướng Niệm Phật.
Pháp môn niệm Phật dễ nhưng lại khó, khó nhưng lại dễ, chỉ tại một niệm đầu, nếu nhất tâm hành trì, thì quả vị của niệm Phật sẽ có ngày đạt đến, Đức Phật Di Đà sẽ hiện ở trong ta, như còn như giải đãi dụng tâm thì khó có ngày vãng sanh lạc quốc, Thầy tôi dạy tôi chuyên tâm niệm Phật là như vậy, muốn được nhìn thấy đức tướng của Phật A Di Đà thì cần phải hạ thủ công phu. Tinh tấn tu trì “Nhứt cú Di Đà vô biệt niệm, bất lao đờn chỉ đáo Tây Phương”.
Nhất tâm đãnh lễ Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật