Pháp Môn Niệm Phật Phù Hợp Mọi Căn Cơ
HT Thích Thiện Phụng
Suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh, Đức Phật đã truyền dạy trên 84 ngàn Pháp môn tương ứng với căn tánh bất đồng của chúng sanh, dù thiên kinh vạn điển, dù vô lượng pháp môn… nhưng đều chung mục đích, đó là giúp chúng sanh nhận ra bổn tâm thanh tịnh, vượt thoát khổ đau luân hồi sanh tử.
Trong 84 ngàn pháp môn đó, chúng ta làm sao biết được là pháp môn nào phù hợp với căn tánh của mình. Có thể nói, đây là một điều nan giải đối với người mong muốn tìm ra cho mình một phương pháp tu hành thích hợp. Tuy nhiên, tự xét về bản thân và căn cứ theo lời dạy của chư vị Tổ Sư thì chúng ta vẫn có thể xếp loại căn cơ của mình thuộc vào hạng nào trong ba hạng sau đây:
“Một là hạng thượng căn thượng trí, vừa nghe giảng liền thông hiểu ngọn nguồn, dứt sạch vọng niệm, triệt ngộ bổn tâm. Hai là hạng người dù căn tánh không được lanh lợi như hạng thượng căn thượng trí, nhưng niềm tin Phật Pháp không gì có thể lay chuyển được. Ba là hạng căn cơ hạ liệt, phước đức cạn cợt, nghiệp chướng sâu dày, đã vậy còn hay lấy lý hý luận, kiến giải làm sở đắc; thường cống cao ngã mạn…Qua ba hạng căn cơ kể trên, có lẽ chúng ta đã tự nhận ra mình thuộc loại căn cơ nào rồi phải không? Hạng người căn cơ thứ ba mà chư Tổ đã đề cập đến, đó chính là chúng ta hiện đang sống trong đời mạt pháp, đây cũng là hạng người mà Đức Phật và chư vị Tôn Đức Tổ Sư quan tâm nhất.
Thật vậy, chúng sanh thời mạt pháp đa phần là hạ căn độn trí, phước đức cạn cợt, nghiệp chướng sâu dày, niềm tin dễ bị lung lay, thường dễ rơi vào tà kiến, ác đạo, chính vì vậy mà việc chọn pháp môn tu và phương pháp tu tập đã gặp rất nhiều trở ngại. Chúng tôi thiết nghĩ, sự lựa chọn pháp môn tu nếu không phù hợp thì kết quả ắt sẽ không đạt được như ý nguyện. Tình trạng này chắc chắn sẽ dẫn đến sự thối tâm thối chí trong quãng đời tu học về sau. Chúng tôi nghĩ rằng, để lựa chọn cho mình một pháp môn tu phù hợp và thích nghi với điều kiện sống trong bối cảnh thời đại, thì việc này rất là hệ trọng cho cả cuộc đời tu học đạo của mỗi chúng ta.
Thế nhưng, thật là may mắn, trong biển pháp mênh mông đó, Đức Bổn Sư của chúng ta đã mở bày một phương tiện siêu thắng, một pháp tu vi diệu, phù hợp với mọi căn cơ, mà vẫn đảm bảo sự giải thoát cho mọi chúng sanh. Phương tiện cứu độ thù thắng đó là pháp môn Tịnh Độ.Theo hầu hết các Kinh và luận về Tịnh Độ tông, thì pháp môn niệm Phật thích hợp ba căn, tóm thâu cả phàm lẫn Thánh. Không những bậc thượng căn thích hợp pháp môn này, mà người hạ căn độn trí cũng có thể hành trì, nương nhờ pháp môn này mà chóng được vãng sanh về Cực Lạc, đạt ngôi “Bất Thối Chuyển”.
Trên các hàng Bồ tát như ngài Văn Thù, ngài Phổ Hiền v.v…đều phát nguyện vãng sanh, dưới đến hạ căn thập ác, nhờ nương công đức niệm Phật nhất tâm bất loạn, cũng tùy nguyện đới nghiệp vãng sanh, được cận kề chư thượng thiện nhân, chư đại Bồ tát Quan Âm, Thế Chí v.v… Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy sự diệu dụng của pháp môn này thật là to lớn, sức ít mà kết quả gặt hái lại được rất nhiều.
Trong Kinh Vô Lượng Thọ có dạy: “Như Lai rủ lòng từ riêng lưu lại kinh này một trăm năm nữa sau khi các kinh khác diệt hết”, đoạn kinh này ngụ ý rằng, Đức Phật muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các bản kinh Tịnh Độ, bởi sự phù hợp cả tương lai và hiện tại, nhất là pháp môn niệm Phật rất hiệu quả và mang lại lợi ích rất to lớn đối với chúng sanh thời mạt pháp.
Dù pháp môn niệm Phật tuy được xem là pháp tu phù hợp với mọi căn cơ, có khả năng chuyển phàm thành Thánh ngay trong một đời, được xem là rất thẳng tắt bằng phương pháp “niệm Phật nhất tâm bất loạn”. Tuy nhiên chúng ta cũng cần chú ý rằng, pháp môn niệm Phật cũng là một pháp tu mà chúng sanh khó có thể thọ trì. Vì sao vậy? Về điều này, khi thuyết Kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca đã tiên liệu trước rằng, về sau trong thời mạt pháp, ít người có đủ lòng tin kiên cố, phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Chính vì thế mà Ngài dẫn lời khen ngợi của mười phương chư Phật để làm bằng chứng chắc thật, phá trừ sự nghi hoặc, củng cố niềm tin trong tâm của mọi người. Như thế đủ thấy Đức phật đã biết trước chúng sanh còn nhiều nghi ngờ, khó tin vào pháp môn niệm Phật, nên Ngài đã dùng đủ mọi phương tiện dẫn dắt chúng sanh thời mạt pháp như chúng ta hướng về Tịnh Độ, và nếu không như vậy thì chúng sanh trong cõi Ta Bà này rất khó có cơ hội được giải thoát khỏi đau khổ trầm luân trong đời ngũ trược ác thế này.