Vóc Dáng Nghìn Năm

VÓC DÁNG NGHÌN NĂM

Thích Tâm Mãn

 Trong thời đại của sự tiến bộ về tất cả mọi mặt khoa học cũng như văn hóa xã hội, sự hiện diện của Phật Giáo nói chung và hình bóng của Tăng già nói riêng như càng thêm cần thiết. Khi khoa học phát triển thì không vấn đề gì không phải là đề tài để nghiên cứu, khi xã hội tiến bộ thì bất cứ hiện tượng văn hóa, đạo đức, khoa học nào mà không là vấn đề chung cuả xã hội cần được nhân rộng hoặc loại bỏ đi. Phật Giáo đồng hành cùng dân tộc Việt Nam xuyên suốt hai nghìn năm trong công cuộc dựng nước và giữ nước, lúc nào hình bóng Tăng già cũng hiện diện hiền từ chất phác trong chiếc áo nâu sòng thấm đượm tâm từ, ẩn hiện vóc dáng đại trượng phu. Có thể nói khi bàn đến vấn đề đạo đức con người, xã hội, đa số người ta liền liên tưởng và đề cập đến hình bóng Tăng già, vì vóc dáng này đối với dân tộc Việt hình như nó gần gũi đến không còn khoảng cách nữa.

Tất cả sự yêu thương và tôn trọng của dân tộc Việt Nam đối với Đạo Phật nói chung và Tăng già nói riêng đều không phải là không có nguyên nhân. Trong thời kỳ dựng nước Phật Giáo luôn là tấm chắn vững chắc, chặn đứng và giữ gìn Dân Tộc Việt Nam thoát khỏi sự đồng hóa, trong thời kỳ Bắc thuộc, thời kỳ giữ nước không lúc nào vắng bóng nhà Sư trên mọi chiến trường, không anh hùng dân tộc nào mà không ít nhiều vương vấn với Thiền gia, cho nên thơ Thiền của Mãn Giác Thiền Sư có câu: “ Mái chùa che chở hồn Dân Tộc, nếp sống muôn đời của Tổ Tông.”

Địa vị vững chắc của Tăng già trong tình thương và sự tôn trọng của dân tộc Việt Nam được xây dựng trên nền tảng đạo đức của Phật Giáo, thể hiển rõ nhất trong tinh thần Trì Giới của Tăng già vì Giới Luật của Phật là con đường sáng nhất trong vô số con đường tạo dựng nhân cách đạo đức con người. Nhân cách đạo đức ấy, được xây dựng từ phương thức Giới Luật làm thân và tâm luôn tràn đầy ánh sáng, thứ ánh sáng khi nhìn vào đó không còn tham sân si, nó chiếu vào đâu thì dứt trừ mọi chướng duyên và phiền não, khi lan tỏa đến nơi nào thì nơi ấy tràn ngập tình yêu thương không còn bóng dáng của sự hận thù, mọi người sống trong an lạc hòa bình và hạnh phúc. Chính những công năng này mà Tăng già trở thành hình dáng thân thương không thể tách rời khỏi trong quan niệm đạo đức của dân tộc Việt, ý thức sống chân thật, thương yêu, quí mến hòa bình của một dân tộc mà sống trong chiến tranh nhiều hơn hòa bình .

Ngày nay Tăng già Việt Nam thừa hưởng di sản của chư tiền bối Tổ Sư để lại, tất cả những gì cần làm cho Phật Giáo Việt Nam Chư Liệt Tổ đã làm. Là thế hệ tiếp nối luôn mang trên mình trọng trách truyền thừa và phát huy, chúng ta nghĩ gì và cần làm những gì? Khi xã hội ngày một phát triển, nhận thức con người ngày một tiến bộ và có xu hướng quay về nguồn cội thì họ muốn tìm lại bóng dáng của ngày xưa. Chúng ta Tăng già ngày nay đã quá xưa hay đã đủ hiện đại điều này cần phải suy nghĩ, vì nếu như quá xưa thì chúng ta đang dậm chân tại chổ, nếu như đủ hiện đại thì chúng ta đã xa rời quá khứ không tiếp nối được truyền thống. Tệ hại hơn nữa, khi dân tộc trở lại với cội nguồn thì bóng dáng Tăng già chúng ta thật là xa lạ, những yếu tố cần thiết đều không còn, còn lại chăng thì những hình dáng ấy không được toàn vẹn. Điều này bắt nguồn từ đâu, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này. Chúng ta quá chú trọng việc học mà sao lãng việc tu, chúng ta quên mất Trí tuệ của Phật Giáo có cội nguồn từ Trì Giới đạt đến Định và từ Định mới phát sinh Trí tuệ.

Thứ nữa, chúng ta quá chú trọng hình dáng bề ngoài mà quên mất vẻ đẹp của Phật Giáo là phải đẹp từ bên trong do công phu tu tập, cái đẹp của sự cảm nhận chứ không phải vẻ đẹp được nhìn thấy, vì nét đẹp nầy luôn là nguyên nhân của sự phiền não và luôn không bền chắc dễ làm cho người khác hiểu lầm, sau cùng sẽ dẫn đến đánh mất lòng tin. Hơn nữa, chúng ta quá chú trọng nhiều đến cá nhân mà quên đi Tăng Đoàn, vì Tăng Đoàn là Phật Giáo chứ cá nhân chúng ta chỉ là hạt nhân của đoàn thể này, không đủ tư cách để đại diện và luôn mang bên mình một yếu tố thất bại mà điều này chư Tổ vẫn thường nhắc nhở: “ Hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn…” .

Đất nước Việt Nam đang hân hoan chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, một cột mốc vĩ đại của Dân Tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước, một vết son chói lọi cho sự trưởng thành về mọi mặt ,văn hóa, xã hội cũng như chính trị mà trong đó Phật Giáo Việt Nam là nhân tố chủ yếu, có phải chăng một lần nữa Phật Giáo nói chung và Tăng già nói riêng nên nhìn lại chính mình và quay trở lại nguồn cội Phật Giáo Lý Trần; để từ đây rút ra nhiều bài học và kinh nghiệm trong công cuộc đưa Phật Giáo Việt Nam trở về đúng vị trí vốn có của chính mình trong lòng dân tộc Việt, Tăng già Việt Nam nên chăng cần có những cuộc về nguồn để thấm nhuần hơn truyền thống: “Truyền Đăng Tục Diệm” tìm lại hình dáng 1000 nghìn năm trước của mình đúng vơi tinh thần: “ Bản Lai Diện Mục”.