Tu Hạnh Nhẫn Nhục Có Phải Là Im Lặng Chịu Đựng Không
HT Thích Thánh Nghiêm
Việt Dịch: Thích Minh Quang
Nhẫn Nhục là hạnh thứ ba trong Lục độ. Độ có nghĩa là vượt qua biển khổ phiền não. Nhẫn Nhục độ quả thật cũng có nghĩa là im lặng chịu đựng. Ví dụ như Kinh Di Giáo nói: “Người có thể tu hạnh nhẫn nhục mới là bậc đại nhân có sức mạnh lớn. Nếu vị đó không thể nhẫn chịu cái độc của lời mắng nhiếc như uống nước cam lộ, thì không được gọi là người nhập đạo có trí huệ.” Du Già Sư Địa luận quyển 57 cũng nói: “Thế nào là nhẫn nhục? Do ba loại hành tướng nên biết: Một, là không phẫn nộ; Hai, không oán trách; Ba, không có tâm ác hại.” Ngoài ra, Đại Trí Độ Luận quyển 6 cũng nói: “Bị chúng sanh dùng mọi cách để ác hại, song tâm không sân hận; được mọi sự cung kính cúng dường, song tâm không hoan hỷ…đó gọi là nhẫn nhục trong hàng chúng sanh.”
Cũng sách đó, quyển 15 nói: “Nhẫn trước sự cung kính cúng dường của chúng sanh và những người sân não, dâm dục, đó gọi là sanh nhẫn. Nhẫn pháp cúng dường, cung kính của họ , và nhẫn pháp phiền não dục, đó là phấp nhẫn.” Trong Kinh Ưu Bà Tắc Giới quyển 7 cũng nói: “Nhẫn có hai loại: Một là thế gian nhẫn, chính là nhẫn nại sự đói khát, lạnh nóng, khổ vui; Thứ hai là xuất thế gian nhẫn, chính là có thể nhẫn tín, giới, thí, văn, huệ, chánh kiến không sai lầm, nhẫn Phật, Pháp, Tăng, nhẫn mắng chửi, đánh đập, ác khẩu, ác sự, tham, sân, si.v.v…Có thể nhẫn việc khó nhẫn, có thể thí xả việc khó thí xả.”.
Từ những nội dung Kinh luận dẫn ra ở trên, cho thấy hàm nghĩa hai chữ nhẫn nhuc rất rộng, có ý từ chối dục lạc và tiếp nhận các khổ. Tiếp nhận sự nhục mạ vô lý, từ chối người đẹp ngả dựa vào lòng, không phải là điều người bình thường nhẫn được; tin nhận những pháp môn trong Phật Pháp, cũng không phải là điều mọi người đều làm được. Nói chung, nếu đối với những việc không có liên quan đến mình, còn có thể nhẫn chịu; còn nếu đối với những việc liên quan đến mình như danh lợi, quyến thuộc, nam nữ… thì thật khó mà nhẫn.
Phật Pháp không chỉ nhẫn cho mình, mà còn nhẫn cho chúng sanh. Khi đến trình độ vô tránh, thì tám gió thổi không động, tức cảnh giới an nhiên bất động trước lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Cho nên Bồ tát giải thoát gọi là được vô sanh pháp nhẫn. Đối với sáu tình bên trong (sáu căn) mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không chấp trước; đối với sáu trần bên ngoài sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp không tiếp nhận, tức là pháp nhẫn. Nếu làm được: Gặp mọi bức hại không sân, nhận sự cúng dường không hoan hỷ, tức không còn có ta tiếp thọ, cũng không còn có người khiến ta tiếp thọ. Có thể đạt được trình độ như thế, thì gọi là sanh nhẫn. Đây không những là cảnh giới của Bồ tát thánh vị, mà cũng là mục đích tu hành Phật Pháp. Nếu nhẫn được thì mình an ổn, người khác cũng được an ổn, mọi người hòa hợp, giúp đỡ lẫn nhau. Cho nên nhẫn nhục là chuẩn tắc tốt nhất, để xây dựng thế gian hòa hợp an vui.
Theo tiêu chuẩn này, dường như nhẫn nhục là im lặng chịu đựng. Tất cả oan ức, nhục mạ, hủy báng, công kích đều nên tiếp nhận tất cả, không có phản kháng. Thực ra, không phải hoàn toàn như vậy. Chúng ta cần phải chú ý, nếu nhẫn nhục không phải xuất phát từ trí tuệ, thì có thể tạo thành tai nạn lớn hơn. Do đó, việc thông qua trí tuệ quán chiếu, thật vô cùng quan trọng. Ví dụ như nói, gió, mưa, nước, lửa không cách nào khống chế, song có thể đề phòng trước, tìm cách tránh đi, giảm thiểu tai hại, tổn thất. Còn nghiệp báo thì phải can đảm đối diện, chấp nhận, song cũng có thể thông qua sự nỗ lực để cải đổi mức độ nghiệp báo.
Cho nên, nếu đối cả hai không có tổn hại mà còn có ích thì cần phải tiếp nhận; nếu đối với người có ích, còn mình vô ích, thì có thể xem xét để chấp nhận; còn đối với cả hai chẳng những vô ích mà còn có hại, thì phải tìm cách tránh đi, hay chuyển biến. Ví dụ, biết rõ đối phương là con voi dữ, chó điên, người cuồng, gặp ai cắn nấy, gặp người liền giết, thì đương nhiên phải tìm cách ngăn chặn, vì họ đã bất hạnh, đừng khiến họ gây tạo thêm nhiều điều bất hạnh. Song ta không thể có tâm báo thù, ăn miếng trả miếng, mà phải dựa trên nguyên tắc từ bi để xử lý. Riêng bản thân ta, phải luôn phản tỉnh, hổ thẹn sám hối. Đối với người mất đi lý trí, nên thông qua phương thức quản thúc, giáo hóa, khiến họ trở lại bình thường. Điều này đối với bản thân họ, cho đến cả xã hội, và tất cả chúng sanh, có công đức thật vô cùng to lớn.